Đề Bài Ôn Tập Ngữ Văn 12 Tham Khảo - Đề 10

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 17 Tháng năm 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    SỞ GD&ĐT THÁI BÌNH
    TRƯỜNG THPT NAM DUYÊN HÀ


    ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2020 - 2021
    MÔN: NGỮ VĂN 12

    Thời gian: 120 phút, không kể thời gian phát đề

    [​IMG]

    I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

    Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
    "Nắm nhau tôi chôn góc phù sa sông Mã
    Trăm thác nghìn ghềnh cuộn xoáy vào tơ
    Làng cong xuống dáng tre già trước tuổi
    Tiếng gọi đò khuya sạt cả đôi bờ.

    Con hến, con trai một đời nằm lệch
    Lấm láp đất bùn đứng thẳng cũng nghiêng
    Mẹ gạt mồ hôi để ngoài câu hát
    Giấc mơ tôi ngọt hơi thở láng giềng.

    Hạt thóc củ khoai đặt đâu cũng thấp
    Cả những khi rổ rá đội lên đầu
    Chiếc liềm nhỏ không còn nơi cắt chấu
    Gặt hái xong rồi rơm, rạ bó nhau."

    (Nguyễn Minh Khiêm, Một góc phù sa, NXB Hội Nhà văn 2007)

    Câu 1. (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ.
    Câu 2. (0.5 điểm) Chỉ ra các từ ngữ/hình ảnh nói về quê hương bình dị, gần gũi trong kí ức của nhà thơ.
    Câu 3. (1 điểm) Hai câu thơ Mẹ gạt mồ hôi để ngoài câu hát/Giấc mơ tôi ngọt hơi thở láng giềng gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
    Câu 4. (1điểm) Bài học cuộc sống có ý nghĩa nhất với anh/chị khi đọc đoạn thơ trên là gì? Vì sao?

    II. LÀM VĂN (7.0điểm)
    Câu 1. (2.0 điểm) :
    Từ nội dung đoạn thơ ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về ý nghĩa của những điều giản dị đối với cuộc sống con người.

    Câu 2(5.0 điểm) : Cảm nhận của anh / chị về nhân vật người vợ nhặt qua đoạn trích sau. Từ đó làm rõ sự tác động của hoàn cảnh đến nhân phẩm của con người:
    "Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói:
    – Điêu! Người thế mà điêu!


    Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.
    – Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt.


    À, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười:
    – Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã.
    – Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.

    Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.
    – Đây, muốn ăn gì thì ăn.


    Hắn vỗ vỗ vào túi:
    – Rích bố cu, hở!


    Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả:
    – Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì.


    Thế là thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:
    – Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.


    Hắn cười:
    – Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.


    Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng cũng chợn, nghĩ: Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Sau không biết nghĩ thế nào hắn chặc lưỡi một cái:
    – Chặc, kệ!


    Hôm ấy hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về.."
    (Trích "Vợ nhặt", Ngữ văn 12, tập II, NXB Giáo dục Việt Nam)​

    Nguồn: Đề thi giữa HKII năm học 2020-2021 - trường THPT Nam Duyên Hà - Sở GDĐT Thái Bình

    (Gợi ý làm bài: phần bình luận)

    Xem thêm: Đề Bài Ôn Tập Ngữ Văn 12 Tham Khảo mới nhất - 5 đề
     
    Annie Dinh, LinhHon, nntc676125 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng tám 2021
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Gợi ý làm bài

    Bấm để xem
    Đóng lại

    I. ĐỌC HIỂU
    Câu 1.
    Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm/Phương thức biểu cảm.
    Câu 2. Các từ ngữ/hình ảnh nói về quê hương bình dị, gần gũi trong kí ức của nhà thơ: phù sa sông Mã, con hến, con trai, hạt thóc, củ khoai, rơm, rạ...
    Câu 3. Hai câu thơ Mẹ gạt mồ hôi để ngoài câu hát/Giấc mơ tôi ngọt hơi thở láng giềng gợi suy nghĩ:
    – Hình ảnh người mẹ tần tảo, lạc quan yêu đời
    – Kí ức về tuổi thơ gắn bó với quê hương, xóm giềng và người mẹ yêu quý. Kí ức đẹp đẽ đó sẽ theo mãi cuộc sống con người.
    Câu 4. Một số bài học: Trân trọng những người thân yêu xung quanh mình; Gần gũi, gắn bó với quê hương, coi đó là nguồn cội quan trọng đối với bản thân mình...

    II. LÀM VĂN
    Câu 1:
    Đoạn NLXH 200 chữ: ý nghĩa của những điều giản dị đối với cuộc sống con người.
    Có thể viết đoạn văn theo hướng sau:
    – Điều giản dị trong cuộc sống con người chính là những gì gần gũi, gắn bó thân thiết xung quanh mỗi người.
    – Những điều giản dị có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người. Những điều giản dị có thể trở thành điểm tựa, bồi đắp cho con người giá trị tinh thần cao quí (tình làng nghĩa xóm, gia đình sâu nặng...); góp phần thanh lọc tâm hồn, hoàn thiện nhân cách để trở thành người tử tế.
    – Mỗi người cần biết trân trọng những điều giản dị nhỏ bé, bởi đó có thể là nơi vẫy gọi ta về, làm bừng sáng kí ức đẹp đẽ...

    Câu 2.
    Mở bài:
    nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.
    Thân bài:
    1. Nêu vài nét khái quát về tác giả và tác phẩm
    2. Nêu vị trí của đoạn trích
    3. Cảm nhận về nhân vật người vợ nhặt trong đoạn trích
    a. Tóm tắt một chút về lần gặp thứ nhất
    b. Cảm nhận
    - Nạn đói đã tàn phá nhân hình của thị:
    + Quần áo rách tả rơi như tổ đỉa
    + Gầy sọp hẳn đi, trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy có hai con mắt
    - Nạn đói đã tàn phá cả nhân tính của thị
    + Từ một cô gái vui vẻ, giờ đây thị trở nên đanh đá: sầm sập chạy tới, sưng sỉa, con cớn với Tràng
    + Thị trơ trẽn trong hành động đòi ăn: ăn gì thì ăn chứ chả ăn giầu
    + Thị đánh mất phép lịch sự tối thiểu trong hành động ăn: ngồi sà xuống, cắm mặt, ăn một chặp 4 bát bánh đúc, cầm đũa quệt ngang mồm.
    + Thị trở nên bất chấp, liều lĩnh trong việc quyết định theo không Tràng chỉ qua một câu nói đùa.
    => Qua việc miêu tả sự tha hóa của nhân vật "người vợ nhặt", Kim Lân cho ta thấy một số điều:
    - Hoàn cảnh có sức mạnh ghê gớm, có thể làm biến dạng về cả nhân hình lẫn nhân tính của con người.
    - Qua đó ông lên tiếng tố cáo tội ác của các thế lực đen tối lúc bấy giờ đã đẩy người dân vào bước đường cùng.
    - Đồng thời, Kim Lân cũng giúp chúng ta thấy được một khát vọng bất diệt của con người mà hoàn cảnh dù có bi đát đến đâu vẫn không thể dập tắt được: đấy chính là khát vọng hạnh phúc.
    Kết bài: Khái quát đoạn trích, tác giả và tác phẩm
     
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng tám 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...