Phân tích nhân vật Mị trong đoạn văn: Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 1 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Đề bài: Phân tích hình tượng nhân vật Mị trong đoạn văn:

    Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tài ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà này đến nhà khác, ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.

    Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một cái cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng, Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.

    Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo Dục, 2008, tr. 6

    Từ đó nhận xét về nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật của nhà văn Tô Hoài.

    [​IMG]

    Xem thêm:

    Phân Tích Diễn Biến Tâm Trạng Mị Trong Đêm Đông Cởi Trói Cứu A Phủ - Vợ Chồng A Phủ - Tô Hoài

    Phân Tích Nhân Vật Mị Trong Đoạn Văn Mở Đầu: Ai Ở Xa Về

    Ai đã từng đến với Tây Bắc hẳn lòng không khỏi đắm say trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với trùng trùng thung núi, bát ngát mây ngàn.. Nhưng không phải ai cũng biết, dưới những vạt rừng xanh bất tận kia, có những con người, những số phận từng một thời cùng quẫn trong đêm đen của xã hội thực dân phong kiến. Cái xã hội mà bọn địa chủ, chúa đất đớn hèn núp sau uy thế thực dân đã tự cho mình quyền sinh, quyền sát con người, tước đi cuộc sống con người, biến những người nông dân hiền lành thành lao động khổ sai, thành tôi đòi nô lệ. Thậm chí chúng còn biến họ thành những cỗ máy vô cảm, không biết đến hạnh phúc, ước mơ, không cả biết đến nỗi đau khổ mà mình đang gánh chịu. Nhân vật Mị trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài là một nạn nhân như thế. Quãng đời cơ cực ấy của Mị được nhà văn Tô Hoài miêu tả đầy ám ảnh trong những trang văn đậm chất hiện thực và thấm đẫm tinh thần nhân văn, trong đó có đoạn: "Lần lần, mấy năm [..] đến bao giờ chết thì thôi."

    Như những bông hoa ban, hoa mận của núi rừng Tây Bắc, Mị trong "Vợ chồng A Phủ" là cô gái vừa xinh đẹp, vừa tài hoa, hiếu thảo. Với những phẩm chất tốt đẹp ấy, Mị xứng đáng được hưởng hạnh phúc và hoàn toàn có khả năng đem lại hạnh phúc cho người khác. Nhưng trong một xã hội bất công vô nhân đạo thì càng cao quý bao nhiêu, người ta lại càng bị dập vùi một cách phũ phàng. Chỉ vì món nợ của cha mẹ và phong tục hôn nhân kì lạ của người Mông mà Mị trở thành "con dâu gạt nợ" nhà thống lí, vợ của A Sử. Tiếng là con dâu nhà quan nhưng kì thực Mị bị đối xử chẳng khác gì thân phận tôi đòi. Tại ngôi nhà quyền lực mà u ám này, Mị bị bóc lột sức lao động, phải làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm. Mị còn bị hành hạ về mặt thể xác, cô có thể bị trói, bị đánh đập bất cứ lúc nào. Chưa hết, Mị còn bị cầm tù, bị xiềng xích về mặt tâm hồn. Lúc nào cô cũng bị cái ma của nhà thống lí ám ảnh. Bao nhiêu khổ đau ở nhà thống lí đã biến Mị từ một cô gái hồn nhiên, yêu đời, trở thành một người đàn bà bị tước mất linh hồn. Trong đoạn văn trên, Tô Hoài đã tái hiện lại phần nào cuộc sống khổ cực ấy của Mị.

    Ngay từ những dòng đầu tiên, nhà văn đã để lại ấn tượng về khoảng thời gian mà Mị đã sống trong nhà thống lí: "Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau", chỉ mấy năm thôi nhưng chắc là lâu lắm. Nếu đó là những năm tháng hạnh phúc thì đâu có gì để nói, nhưng đây lại là những năm tháng Mị phải kéo lê cuộc sống của mình trong đau khổ, trong sự xói mòn, mất mát dần của cảm xúc tâm hồn. Điều đáng ngạc nhiên là đến chính Mị cũng chẳng còn nhớ cuộc sống trong chốn địa ngục trần gian ấy đã diễn ra trong bao nhiêu năm nữa "Mị cũng không nhớ nữa" – phải chăng, cô đã mất hết nhận thức về thời gian, không gian? Cái khoảng thời gian không xác định ấy tưởng chỉ mang tính chất giới thiệu thôi mà gợi lên biết bao thương xót, ngậm ngùi.

    Mấy tháng đầu khi về làm dâu nhà thống lí, Mị đau khổ, đêm nào Mị cũng khóc, Mị trốn về nhà với nắm lá ngón trên tay, định gặp cha rồi chết. Đó không phải là hành động tích cực nhưng trong hoàn cảnh của Mị lại là biểu hiện của ý thức phản kháng. Khát vọng được sống một cuộc sống xứng đáng đã thôi thúc Mị tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Nhưng lần ấy, Mị không thể chết, vì Mị thương cha. Bây giờ, cha Mị - người thân duy nhất của cô cũng đã chết được mấy năm, không có gì ràng buộc, vậy tại sao Mị lại không còn tưởng đến việc "ăn lá ngón tự tử nữa"? Phải chăng, Mị đã cam tâm sống kiếp nô lệ? Phải chăng, ý thức phản kháng trong Mị đã bị tê liệt? Thật chua xót làm sao, hóa ra, cái môi trường độc địa kia đã ngấm vào trong Mị, đau khổ đã đồng hóa Mị, khiến Mị quen dần với nó, chấp nhận nó như một phần cuộc sống của mình: "Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi". Người đời thì quen ăn sung mặc sướng, Mị thì "quen khổ", chua xót làm sao? Và càng chua xót hơn, khi cái sự "quen" trong vô tức ấy, nó làm thui chột luôn cả ý thức đấu tranh trong Mị. Ngay cả đến sự phản kháng yếu ớt cũng không còn.

    Làm sao còn có thể phản kháng khi chính Mị còn "tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà này đến nhà khác, ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi". Nhà văn như nhập thân vào nhân vật để nói lên suy nghĩ của Mị. Và suy nghĩ đã ăn sâu trong Mị mấy năm nay, chính là Mị nghĩ mình cũng như một con vật nuôi trong nhà thống lí. Con vật phải chịu kiếp đọa đày dưới đòn roi của chủ, phải làm việc khổ sai và không có thể phản kháng, kêu ca. Mị cũng thế. Phải khổ, phải cam chịu đến thế nào, Mị mới nghĩ mình chỉ như loài vật như thế? Câu văn chất chứa biết bao nỗi xót xa, thương cảm Tô Hoài dành cho nhân vật của mình.

    Gương mặt chính là sự phản chiếu của suy nghĩ, tâm hồn. Suy nghĩ cam chịu, tâm hồn vô cảm đã khiến cho vẻ mặt của Mị mới buồn bã làm sao: "Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa ." Trên khuôn mặt lúc nào cũng chỉ biết cúi xuống ấy, làm sao thấy được một nét vui tươi? Trên khuôn mặt không bộc lộ một chút cảm xúc, nghĩ suy ấy, làm sao nhận ra một tia hạnh phúc? Chỉ có những người không thể vui, không thể hạnh phúc, mới có vẻ mặt đó. Đó là khuôn mặt nói lên sự lạnh lẽo, vô cảm của đời sống tâm hồn. Khuôn mặt héo hắt của một tâm hồn lay lắt.

    Khi sống không còn cảm xúc, con người ta khác có chi một cỗ máy lặp đi lặp lại theo quy trình? Hoàn cảnh sống khắc nghiệt thực sự đã biến Mị thành cỗ máy. Nên không phải ngẫu nhiên mà nhà văn lại miêu tả Mị với những suy nghĩ và hành động lặp đi lặp lại: "lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi." . Vậy là Mị chỉ nhớ về công việc, những công việc giống nhau, chẳng có gì mới mẻ, chẳng có gì đáng để Mị suy nghĩ, bận tâm thêm. Mị chẳng muốn nghĩ thêm hay chẳng thể nghĩ thêm? Dù thế nào thì những suy nghĩ lặp lại ấy đã nói lên sự vô cảm của đời sống tâm hồn. Người ta có thể nghèo về vật chất, nhưng nghèo đến cả suy nghĩ, cảm xúc nữa thì khốn khổ biết bao!

    Những hành động lặp đi lặp lại trong suy nghĩ của Mị đã nói lên cuộc sống khổ cực trong nhà thống lí. Thân phận của Mị chẳng khác nào thân phận "trâu ngựa". Con trâu con ngựa suốt tháng suốt năm phải làm việc lam lũ trên nương, khoảnh khắc nghỉ chân của nó thật ngắn ngủi. Mị cũng thế, từ ngày về nhà thống lí Pá Tra làm dâu, quanh năm Mị quanh quẩn trên nương "bẻ bắp", "hái củi", "bung ngô", lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Con ngựa đôi khi còn được "đứng gãi chân, nhai cỏ", còn Mị phải vùi vào làm việc "cả đêm, cả ngày" . Vậy có khác nào con ngựa, con trâu? Thậm chí còn không bằng con ngựa, con trâu. Mị hiện lên như một công cụ lao động sống lặng lẽ, cam chịu bị bóc lột, đọa đày về thân xác.

    Bao nhiêu khổ đau ở nhà thống lí đã biến Mị - một cô gái xinh đẹp, yêu đời mấy năm về trước bỗng trở thành một người đàn bà lầm lũi, vô cảm. Lúc nào Mị cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. "Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Mị suốt đời câm lặng, chịu đựng bị đè nén, áp bức như con rùa: "Xuống sông đội đá, lên chùa đội bia" (ca dao). Đằng sau sự so sánh này là niềm thương cảm thấm thía của nhà văn về một kiếp người bị hóa thành kiếp vật.

    Ở nhà Pá tra, Mị thực sự là một người tù. Căn buồng âm u tăm tối với cái ô cửa sổ bé bằng bàn tay lúc nào "trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng" thực sự là hình ảnh của một nhà ngục. Nó đã giam hãm tâm hồn và tuổi xuân của Mị. Nó đã làm tê liệt con người ý thức trong Mị, chỉ còn nơi Mị cái suy nghĩ tội nghiệp, đáng thương, Mị "nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi".
    Niềm tin có thể mở ra cánh cửa kì diệu đưa ta vào một thế giới đáng sống. Khi con người không còn niềm tin vào cuộc sống thì ngay đến suy nghĩ cũng chỉ toàn là một màu đen u ám. Sống giữa thần quyền và cường quyền, giữa bạo lực và bất công, Mị còn có thể tin vào điều gì tươi sáng cho cuộc đời mình? Những suy nghĩ tiêu cực của Mị là hệ quả tất yếu của quãng thời gian dài sống trong chốn địa ngục trần gian nhà thống lí.

    Dõi theo cuộc đời của Mị, đến đây người đọc không khỏi tò mò: Rồi cuộc đời của Mị sẽ ra sao? Điều gì có thể khâu lành vết xước trong tâm hồn Mị? Điều gì có thể xoa dịu vết thương trong trái tim Mị? Cuộc đời của Mị rồi đây có le lói chút ánh nắng ấm áp nào không, hay Mị sẽ phải mòn mỏi héo hắt suốt đời trong cảnh sống u ám đó?


    Bạn đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK và like bài viết để đọc nội dung ẩn nhé!

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    "Nghệ thuật chỉ đạt đến đỉnh cao khi nó được chắt lọc từ những nỗi đau đích thực của cuộc đời" (Lê Huy Bắc). Thật đúng như vậy, đoạn văn thực sự để lại ám ảnh trong lòng bạn đọc qua việc khắc họa hình ảnh nhân vật Mị mang bóng dáng của một kẻ nô lệ, một con người bị hoàn cảnh sống khổ cực khiến cho tâm hồn, cảm xúc bị đóng băng, khiến cho ý thức sống, ý thức về hạnh phúc, tuổi trẻ, tình yêu, đặc biệt là ý thức phản kháng bị tê liệt. Một đoạn trích ngắn nhưng cũng góp phần nói lên giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm. Những trang văn của Tô Hoài thực sự là những trang đời. Tiềm ẩn đằng sau đó là tấm lòng đồng cảm, sẻ chia của nhà văn đối với những kiếp người đau khổ, là tiếng nói tố cáo mạnh mẽ hướng về những thế lực đã chà đạp lên quyền sống con người.
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng một 2024
  2. ristar.dc

    Bài viết:
    9
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Cảm ơn em đã đọc bài và động viên tác giả nhé!
     
  4. Tuangiang

    Bài viết:
    1
    Hình như không có mở bài
     
  5. văn hải u

    Bài viết:
    1
    Chưa có phần nâng cao thì phải
     
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Em quan niệm như thế nào về phần mở bài nếu không phải là giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề nghị luận?

    Em nhấn like bài viết thì mới đọc được nội dung ẩn nha!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...