Đề Bài Ôn Tập Ngữ Văn 12 Tham Khảo - Bám sát cấu trúc đề thi THPTQG

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 23 Tháng mười một 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Xin giới thiệu tới các thầy cô và các bạn học sinh bộ 05 đề ôn tập, kiểm tra Ngữ văn 12.

    Mỗi đề gồm 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn theo cấu trúc đề thi của bộ giáo dục.

    Các câu hỏi trong bài đọc hiểu, bài nghị luận xã hội đã được biên soạn mới.

    Phần nghị luận văn học xoay quanh các đoạn thơ trong văn bản "Việt Bắc" - Tố Hữu, có yêu cầu phụ đi kèm.​

    ĐỀ BÀI ÔN TẬP NGỮ VĂN 12 THAM KHẢO

    [​IMG]

    Đề 1

    I. ĐỌC HIỂU

    Đọc đoạn trích sau:

    "Đố kị nghĩa là bực tức, khó chịu trước những may mắn và thành công của người khác. Trong khi người thành công luôn nhìn thấy và học hỏi những đức tính tốt đẹp của người khác thì kẻ thất bại lại không làm được điều đó. Họ không muốn nhắc đến thành công của người khác, đồng thời luôn tìm cách chê bai, hạ thấp họ. Họ để mặc cho lòng tỵ hiềm, thói ganh tỵ, cảm giác tự ti gặm nhấm tâm trí ngày qua ngày.

    Đố kị không những khiến con người cảm thấy mệt mỏi mà còn hạn chế sự phát triển của mỗi người. Thói đố kị khiến chúng ta lãng phí thời gian và không thể tận dụng hết năng lực để đạt được điều mình mong muốn. Ganh tị với sự thành công của người khác sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội thành công của chính mình.

    Tạo hóa tạo ra con người trong sự khác biệt và bình đẳng. Bạn cần phải ý thức được rằng, bạn là duy nhất và không bao giờ có người nào hoàn toàn giống bạn, cả về diện mạo lẫn tính cách. Vì thế, thay vì ganh tị với thành công và may mắn của người khác, bạn hãy tập trung toàn bộ tâm trí vào những ước mơ, dự định, đồng thời cố gắng hoàn thành chúng một cách triệt để. Hãy tự hào về sự khác biệt của bản thân bạn và vui mừng trước sự may mắn, thành công của những người xung quanh. Niềm vui ấy sẽ chắp cánh cho hạnh phúc của bạn và sớm muộn gì, bạn cũng sẽ đạt được thành công như họ".

    (Trích"Không gì là không thể" – George Matthew Adams – Thu Hằng dịch, Tr. 117, NXB Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2019)​

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Theo tác giả, người đố kị thường có biểu hiện như thế nào?

    Câu 3. Từ đoạn trích, anh/chị hãy lí giải vì sao: Ganh tị với sự thành công của người khác sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội thành công của chính mình?

    Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với lời khuyên của tác giả "thay vì ganh tị với thành công và may mắn của người khác, bạn tập trung toàn bộ tâm trí vào những ước mơ, dự định, đồng thời cố gắng hoàn thành chúng một cách triệt để" không? Vì sao?

    II. LÀM VĂN

    Câu 1.

    Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh / chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ về vấn đề: Sự cần thiết phải từ bỏ thói đố kị.

    Câu 2.

    Mình về mình có nhớ ta?

    Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

    Mình về mình có nhớ không

    Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?


    Tiếng ai tha thiết bên cồn

    Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

    Áo chàm đưa buổi phân ly

    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay..


    (Trích "Việt Bắc" – Tố Hữu)

    Phân tích đoạn thơ trên, từ đó hãy nhận xét về chất trữ tình, chính trị trong thơ Tố Hữu.

    GỢI Ý LÀM BÀI

    Bấm để xem
    Đóng lại
    I. ĐỌC HIỂU

    Câu 1.

    - Phong cách ngôn ngữ: Chính luận

    - Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

    Câu 2.

    - Biểu hiện của thói đố kị:

    + bực tức, khó chịu trước những may mắn và thành công của người khác;

    + không muốn nhắc đến thành công của người khác, đồng thời luôn tìm cách chê bai, hạ thấp họ;

    +để mặc cho lòng tỵ hiềm, thói ganh tỵ, cảm giác tự ti gặm nhấm tâm trí ngày qua ngày..

    Câu 3.

    Ganh tị với sự thành công của người khác sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội thành công của chính mình vì:

    Khi ganh tị với thành công của người khác, con người sẽ cảm thấy mệt mỏi, hạn chế sự phát triển của bản thân. Ganh tị với thành công của người khác khiến ta lãng phí thời gian, không tận dụng hết năng lực để đạt được điều mình muốn. Ganh tị với thành công của người khác còn khiến ta không tạo được thiện cảm với mọi người, không kết giao được những mối quan hệ bền vững, đánh mất cơ hội thành công..

    Câu 4.

    Tôi đồng tình với lời khuyên của tác giả "thay vì ganh tị với thành công và may mắn của người khác, bạn tập trung toàn bộ tâm trí vào những ước mơ, dự định, đồng thời cố gắng hoàn thành chúng một cách triệt để." Vì:

    - Ganh tị với sự thành công của người khác sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội thành công của chính mình.

    - Tập trung toàn bộ tâm trí vào những ước mơ, dự định, đồng thời cố gắng hoàn thành chúng một cách triệt để thì ta sẽ thực hiện được ước mơ, dự định, có được thành công, khẳng định được giá trị của mình. Khi có được những điều đó, ta đâu cần phải ganh tị với người khác.

    II. LÀM VĂN

    Câu 1. Bày tỏ suy nghĩ về vấn đề: Sự cần thiết phải từ bỏ thói đố kị.

    Bài tham khảo: Tác hại của thói đố kị

    "Ganh tị với sự thành công của người khác sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội thành công của chính mình." – quan điểm của George Matthew Adams trong văn bản trên đã nói lên phần nào tác hại của thói đố kị. Đố kị nghĩa là bực tức, khó chịu trước những may mắn và thành công của người khác. Đố kị là thói xấu, như một thứ vi rút gặm nhấm tâm hồn ta, vì thế cần phải từ bỏ thói đó kị. Cần từ bỏ thói xấu này bởi đố kị không bao giờ khiến tâm hồn ta được thanh thản, khi lúc nào cũng bực tức trước thành công của người khác. Đố kị còn khiến ta mệt mỏi, chán nản, vì vậy mà hạn chế sự phát triển của bản thân. Khi dành nhiều thời gian vào việc chê bai, hạ bệ thành quả của người khác vì thói đố kị, ta sẽ không tận dụng hết năng lực để đạt được điều mình muốn. Người có thói đố kị khó có thể tạo được thiện cảm và lòng tin với mọi người, không kết giao được những mối quan hệ bền vững, đánh mất cơ hội thành công.. Đố kị trong gia đình khiến tình thân rạn nứt, đố kị ngoài xã hội gây hại cho tập thể. Không ít người vì đố kị nhau mà gây hiềm khích, thiệt mình, thiệt người, ảnh hưởng tới người khác. Thử ngẫm xem, nếu trong tập thể, người này đố kị với người kia thì tập thể đó liệu có đoàn kết, phát triển vững mạnh không? Hơn nữa đố kị sẽ gây nên thù hằn, thù hằn sinh ra dối trá. Đố kị là nguồn gốc của mọi tâm tính xấu. Như vậy, đố kị chỉ có hại, chứ không mang lại giá trị cho con người, nên đừng để con rắn đố kị len vào tâm trí. Ta cần loại bỏ thói đố kị và tập trung vào việc phát triển năng lực, sở trường của chính mình. Bởi mỗi người đều có giá trị riêng, mình không giỏi lĩnh vực này nhưng lại có khả năng ở lĩnh vực khác. Hãy tự hào về sự khác biệt của bản thân và vui mừng cho thành công của người khác, để đố kị không còn là thứ vi rút ăn mòn tâm hồn và tính cách của chính bản thân ta. Hãy khắc ghi lời dạy của nhà Phật:

    "Ở đời ganh ghét chẳng được chi

    Thù hận hại nhau chẳng được gì

    Xã hội bao la người mỗi tính

    Rộng lượng bao dung bớt sầu bi"

    Câu 2.

    Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ

    Thân bài:

    - Khái quát:

    + Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Tháng 10/ 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, đất nước đã hòa bình, Bác Hồ và các cơ quan trung ương Đảng, cùng với phần lớn các tổ chức kháng chiến, những người kháng chiến đã hồ hởi trở về tiếp quản thủ đô. Một cuộc chia tay lớn mang tính chất lịch sử đã diễn ra. Nhân sự kiện ấy Tố Hữu đã viết bài thơ Việt Bắc.

    + Lấy điểm xuất phát là cuộc chia tay lịch sử giữa cơ quan trung ương của Đảng và chính phủ với chiến khu Việt Bắc, bài thơ nói chung và đoạnt hơ nói riêng đã thể hiện những tính cảm nhớ thương, sâu sắc, chân thành giữa người đi và kẻ ở, giữa đồng bào Việt Bắc và cán bộ kháng chiến.

    + Niềm thương nhớ đó đã được diễn đạt bằng hình thức đối đáp "mình" – "ta", thể thơ lục bát truyền thống trữ tình ngọt ngào. Hình thức nghệ thuật độc đáo ấy khiến cho bản hùng ca về 15 năm cách mạng kháng chiến bỗng có dáng dấp của một bản tình ca. Tố Hữu đã tổ chức bài thơ thành một khúc hát giao duyên. Ở đó có khúc dạo đầu, có lời độc thoại nội tâm của người về, có cuộc đối đáp giao duyên giữa người đi và kẻ ở và cuối cùng là sự hòa giọng của cả hai.

    - Phân tích:

    + Bài thơ mở đầu bằng khúc hát nhớ thương của người Việt Bắc. Niềm nhớ thương đã bật lên thành lời:

    Mình về mình có nhớ ta?

    Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

    Mình về mình có nhớ không

    Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

    Bốn câu thơ tạo thành hai câu hỏi. Một câu hỏi hướng về thời gian (mười lăm năm ấy), một câu hỏi hướng về không gian (nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn). Mới đọc hai câu đầu ta cứ ngỡ đó là lời của một người yêu nói với một người yêu về mười lăm năm ân tình chung thủy. Đó là những lời lẽ mà ta thường gặp trong ca dao:

    Mình về có nhớ ta chăng,

    Ta về ta nhớ hàm răng mình cười

    Nhưng đến hai câu thơ sau thì đã không cong giống với ca dao tình yêu nữa bởi vì ở đó người Việt Bắc đã gợi nhắc đến tình cảm nguồn cội – một tình cảm cao đẹp mang tính đạo lý của dân tộc.

    Hai câu hỏi ngân lên một cách da diết, nồng nàn. Người ở lại nhắc nhớ người về đừng quên những ân tình của quê hương cách mạng, của con người nơi đây. Đó là những câu hỏi xuất phát từ tâm hồn, vì vậy người ta chỉ có thể trả lời bằng chính những rung động chân thành của trái tim dành cho trái tim mà thôi.

    Bốn câu thơ quấn quýt những "mình" với "ta" (có bốn chữ "mình", bốn chữ "nhớ", một chữ "ta"). Sự luyến láy của ta và mình, của niềm thương nỗi nhớ đã tạo nên một gia điệu du dương dịu ngọt góp phần thể hiện một cách xúc động những tình cảm thương nhớ bồi hồi của người ở lại trong thời khắc chia tay.

    + Trước nỗi niềm khắc khoải nhớ thương của người Việt Bắc, bao cảm xúc trào dâng đã khiến cho người về xuôi nghẹn lời không thốt nên lời nhưng thẳm sâu trong tâm hồn đã ngân nga điệp khúc nhớ thương:

    Tiếng ai tha thiết bên cồn

    Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

    Áo chàm đưa buổi phân ly

    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay..

    Trong lời độc thoại nội tâm trên, ta có thể hình dung một khung cảnh chia tay bịn rịn, lưu luyến. Người đi, kẻ ở giã biệt bên một dòng sông. Sau 15 năm gắn bó đầy ân nghĩa, cả người việt Bắc và người về xuôi đều bùi ngùi không nở rời tay. Người về đã thấu hiểu nỗi niềm cảm xúc của người ở lại nên rất đỗi xao xuyến. Có thể thấy điều đó qua câu thơ: "Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi". Những từ láy giàu tính biểu cảm "bâng khuâng", "bồn chồn" vừ gợi ra sự cộng hưởng của những sắc thái cảm xúc phong phú phức tạp trong lòng người khi ly biệt, vừa gợi ra trạng thái bối rối khắc khoải của người về. Nhịp thơ lục bát vốn đều đặn nhịp nhàng ở bốn câu thơ đầu đến đây như cũng vì tâm trạng bối rối của lòng người mà thay đổi: "Áo chàm đưa/buổi phân ly; Cầm tay nhau/ biết nói gì/ hôm nay".

    Tiết tấu của các câu thơ trên đây đã góp phần biểu đạt một cách thần tình giây phút thoáng ngập ngừng bối rối của lòng người khi ly biệt; một chút dùng dằng của cái bắt tay không lời của người đi, kẻ ở trong giờ phút chia tay, không thể thốt được thành lời.

    Khoảnh khắc yên lặng ấy đã trơr thành một tư thế trữ tình sâu lắng để tri âm, để "tiếng ai" ngân nga, đồng vọng. Đó cũng chính là lí do mà trong lời lẽ của người đi, kẻ ở có sự cộng hưởng, hô ứng thú vị. Chẳng hạn, người Việt Bắc nói "thiết tha", thì người về xuôi nghe "tha thiết". Chỉ thế thôi nhưng cũng đủ để thấy sự đồng cảm, tri âm của con người trong giờ phút chia ly và đó chính là cái gốc làm nên sự gắn bó, hòa hợp giữa người với người.

    - Nhận xét về chất trữ tình, chính trị trong tám câu thơ đầu:

    Chất trữ tình, chính trị là một trong những điểm nổi bật của phong cách thơ Tố Hữu. Thơ Tố Hữu gắn bó một cách sâu sắc với mọi biến chuyển trong đời sống cách mạng, trong cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng miền nam thống nhất giang sơn và từng bước đi lên cuộc CM DT DC do Đảng cộng sản lãnh đạo.. Trong đoạn thơ này, chất chính luận được thể hiện ở sự kiện mà Tố Hữu đề cập đến là cuộc chia tay lịch sử giữa đồng bào và chiến sĩ cách mạng sau 15 năm gắn bó. Nhưng Tố Hữu đã viết về sự kiện lịch sử, chính trị ấy bằng giọng thơ ngọt ngào, da diết, bằng những cảm xúc lay động lòng người, bằng lối đối đáp, bằng ngôn từ, hình ảnh đầm chất dân gian, bằng Tố Hữu đã trữ tình hóa cuộc chia tay lớn này bằng việc thể hiện nó như một cuộc chia tay của đôi lứa, của "mình với ta", "ta với mình". Như vậy, ông đã trữ tình hóa mọi vấn đề chính trị - xã hội để làm nên chất "trữ tình chính trị" rất riêng trong thơ mình.

    Kết bài: Khái quát lại nội dung, nghệ thuật đoạn thơ:

    Về phương diện nghệ thuật còn phải thấy tác giả đã sử dụng những hình ảnh hoán dụ ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa. Dùng "áo chàm" để nói người Việt Bắc, cũng để nói cả Việt Bắc đang tiễn đưa người kháng chiến về xuôi. Ta chợt nhớ câu thơ của Lưu Quang Vũ viết về bàn tay của những người yêu nhau:

    Khi chia tay ta chỉ nắm tay mình

    Điều chưa nói bàn tay đã nói

    Mình đi rồi hơi ấm còn để lại

    Còn bồi hồi trong những ngón tay ta.

    Việt Bắc chỉ với tám dòng thơ mở đầu, người đọc cảm nhận một cách khá đầy đủ âm hưởng chung của cả bài thơ, âm hưởng khúc hát đối đáp, khúc hát ru nhẹ nhàng sâu lắng. Cùng với ngôn ngữ đậm màu sắc trữ tình của ca dao chúng ta có thể cảm nhận một cách sâu sắc đặc trưng trữ tình chính trị của thơ Tố Hữu.

    Xem thêm bên dưới..
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng mười một 2021
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề 2

    I. ĐỌC HIỂU

    Đọc đoạn trích, trả lời câu hỏi bên dưới:

    Âm nhạc là một trong những món quà kì diệu khiến đời sống tinh thần của con người thêm phong phú. Chắc hẳn không ít lần bạn say sưa, đắm mình trong một giai điệu nào đó - một bản nhạc êm dịu, sâu lắng hoặc náo nức, vui tươi. Chúng khiến tâm trí bạn trở nên thư thái, đưa lại cho bạn cảm giác bình yên sau những giờ làm việc mệt mỏi.

    Nhưng bạn có biết rằng, ngoài những thanh âm vang vọng từ thế giới bên ngoài kia còn có một thử âm thanh khác kì diệu hơn cất lên từ chính tâm hồn bạn. Mỗi người trong chúng ta đều ẩn chứa một khúc nhạc huyền bí. Khúc nhạc ấy được tạo nên bởi một chuỗi suy nghĩ nói tiếp nhau. Nó được kết tinh từ những kí ức đã qua. Khi bạn mãi ám ảnh về một điều gì, điều đó sẽ được lưu lại trong khúc nhạc tâm hồn và trở đi, trở lại trong tâm trí bạn.

    Mỗi người trong chúng ta đều có thể lựa chọn cho mình những thanh âm và phong cách riêng. Điều này không tuyệt sao? Bạn có thể chọn bất cứ điều gì mình thích, từ những bản opera đến dòng nhạc trữ tình, hoặc những bản rock sôi động [..]

    Mỗi người đều có quyền lựa chọn cho mình một khúc nhạc riêng, vì thế hãy chọn những điệu nhạc đầy hứng thú say mê, cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ thú vị hơn nhiều.


    (Theo Wayne Cordeiro, Thái độ quyết định thành công - NXB Tổng hợp TP. HCM, 2016, tr. 88)

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Theo tác giả, bản nhạc kì diệu "cất lên từ chính tâm hồn bạn" được tạo nên từ đâu?

    Câu 3. Theo anh/chị, khi mỗi người chọn cho mình "những điệu nhạc đầy hứng thú say mê", cuộc sống sẽ thú vị như thế nào?

    Câu 4. Theo anh/ chị, thông điệp mà tác giả gửi gắm trong đoạn trích là gì?

    II. LÀM VĂN

    Câu 1. Từ nội dung phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề: Vì sao nên chọn cho mình những "bản nhạc" đầy hứng thú, say mê?

    Câu 2.


    Mình đi, có nhớ những ngày

    Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?

    Mình về, có nhớ chiến khu

    Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

    Mình về, rừng núi nhớ ai

    Trám bùi để rụng, măng mai để già.

    Mình đi, có nhớ những nhà

    Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

    Mình về, còn nhớ núi non

    Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

    Mình đi, mình có nhớ mình

    Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?


    Phân tích đoạn thơ trên, từ đó nhận xét về giọng điệu thơ Tố Hữu.

    GỢI Ý LÀM BÀI

    Bấm để xem
    Đóng lại
    I. ĐỌC HIỂU

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận

    Câu 2. Theo tác giả, bản nhạc kì diệu "cất lên từ chính tâm hồn bạn" được tạo nên bởi một chuỗi suy nghĩ nói tiếp nhau. Nó được kết tinh từ những kí ức đã qua. Khi bạn mãi ám ảnh về một điều gì, điều đó sẽ được lưu lại trong khúc nhạc tâm hồn và trở đi, trở lại trong tâm trí bạn.

    Câu 3. Khi mỗi người chọn cho mình "những điệu nhạc đầy hứng thú say mê", cuộc sống sẽ thú vị:

    - Tâm hồn lạc quan, cuộc sống vì thế nhiều niềm vui.

    - Tạo động lực cho ta vượt qua những nỗi buồn, những điều không như mong muốn, xây dựng niềm tin về những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

    - Cuộc sống của chúng ta trở nên đáng sống, đáng yêu, chúng ta có thể cảm nhận trọn vẹn giá trị cuộc sống..


    Câu 4. Thông điệp mà tác giả gửi gắm trong đoạn trích là:

    Hãy lựa chọn cho mình thái độ sống tích cực, lạc quan. Đó chính là bản nhạc kì diệu nhất cất lên từ chính tâm hồn chúng ta.

    II. LÀM VĂN

    Câu 1. Vì sao nên chọn cho mình những "bản nhạc" đầy hứng thú, say mê?


    Xác định trọng tâm cần nghị luận: Vai trò của thái độ sống tích cực?

    - Giới thiệu vấn đề nghị luận: Vai trò của thái độ sống tích cực.

    - Giải thích:

    + "Bản nhạc" đầy hứng thú, say mê là gì? (thực chất là thái độ sống tích cực).

    + Thái độ sống tích cực là gì? (Thái độ sống tích cực là thái độ sống luôn nhìn, cảm nhận mặt tích cực của cuộc sống qua lăng kính lạc quan, tươi sáng).

    - Phân tích: Vì sao cần lựa chọn thái độ sống tích cực?

    Cần chọn thái độ sống tích cực vì thái độ sống tích cực mang lại rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc sống của chúng ta;

    + Sống tích cực giúp tâm hồn ta luôn thanh thản, thư thái.

    + Sống tích cực giúp ta không chỉ khỏe mạnh về tinh thần mà còn hỗ trợ khỏe mạnh về thể chất.

    + Sống tích cực giúp ta cảm nhận trọn vẹn niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống.

    + Sống tích cực giúp ta có động lực vượt qua những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống.

    + Sống tích cực còn là tố chất cần thiết của người thành công, mang đến những đóng góp lớn lao cho xã hội.

    + Sống tích cực giúp con người ta tràn đầy năng lượng, lan tỏa năng lượng đó đến những người xung quanh. Vì thếthái độ sống tích cực còn giúp ta được mọi người yêu mến, muốn gần gũi; ta có thêm những mối kết giao bền vững..

    - Dẫn chứng: Dẫn gương luôn sống lạc quan, tích cực.

    - Bình luận:

    + Mở rộng vấn đề: Sống tích cực, lạc quan vui vẻ là tốt nhưng cần phân biệt thái độ sống tích cực với sự huyễn hoặc, ảo tưởng không thực tế.

    + Phản đề: Nếu không sống tích cực thì..

    - Kết đoạn: Khẳng định lại vai trò, ý nghĩa của thái độ sống tích cực, nêu bài học nhận thức, hành động cho bản thân.

    Câu 2.

    Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn thơ:

    "Mình đi, có nhớ những ngày

    [..]

    Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa."

    Thân bài


    - Khái quát:

    + Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Tháng 10/ 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, đất nước đã hòa bình, Bác Hồ và các cơ quan trung ương Đảng, cùng với phần lớn các tổ chức kháng chiến, những người kháng chiến đã hồ hởi trở về tiếp quản thủ đô. Một cuộc chia tay lớn mang tính chất lịch sử đã diễn ra. Nhân sự kiện ấy Tố Hữu đã viết bài thơ Việt Bắc.

    + Lấy điểm xuất phát là cuộc chia tay lịch sử giữa cơ quan trung ương của Đảng và chính phủ với chiến khu Việt Bắc, bài thơ nói chung và đoạnt hơ nói riêng đã thể hiện những tính cảm nhớ thương, sâu sắc, chân thành giữa người đi và kẻ ở, giữa đồng bào Việt Bắc và cán bộ kháng chiến.

    + Niềm thương nhớ đó đã được diễn đạt bằng hình thức đối đáp "mình" – "ta", thể thơ lục bát truyền thống trữ tình ngọt ngào. Hình thức nghệ thuật độc đáo ấy khiến cho bản hùng ca về 15 năm cách mạng kháng chiến bỗng có dáng dấp của một bản tình ca. Tố Hữu đã tổ chức bài thơ thành một khúc hát giao duyên. Ở đó có khúc dạo đầu, có lời độc thoại nội tâm của người về, có cuộc đối đáp giao duyên giữa người đi và kẻ ở và cuối cùng là sự hòa giọng của cả hai.

    - Phân tích: Đoạn thơ là lời của người ở lại.

    Mười hai câu thơ tạo thành 6 câu hỏi da diêt, vời vợi nhớ thương. Người Việt Bắc hỏi người về xuôi có nhớ:

    + Lời hỏi thứ nhất: Mình còn nhớ thiên nhiên Việt Bắc, nhớ những ngày cách mạng còn trứng nước?

    Mình đi có nhớ những ngày

    Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù.

    Mưa nguồn, suối lũ, mây mù vừa là hình ảnh thiên nhiên mang những nét đặc trưng riêng của Việt Bắc vừa gợi ta nhớ đến những ngày đầu khó khăn của cuộc kháng chiến. Khi lực lượng địch còn mạnh, ta phải giữ thế phòng bị, phải rút vào rừng, dựa vào núi để cầm cự. Thời tiết ở đây khắc nghiệt, dữ dội "mưa nguồn suối lũ"; lạnh lẽo với những "mây cùng mù". Đó không chỉ là những hình ảnh tả thực về sự khắc nghiệt của thời tiết Việt Bắc mà đó còn là những ẩn dụ nghệ thuật nói đến những tháng ngày gian nan vất vả của cán bộ và nhân dân Việt Bắc mà suốt đời họ có thể nào quên?

    + Lời hỏi thứ hai: Mình còn nhớ hay không những cảnh sinh hoạt thiếu thốn?

    Mình về có nhớ chiến khu

    Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai

    Ngày ấy, gánh nặng đói nghèo vẫn chất lên cuộc đời của đồng bào dân tộc miền núi. Nhắc đến "miếng cơm chấm muối" hẳn ta và mình đều quặn lòng đau đớn. Nhưng mối thù giặc Pháp đang đè nặng lên đôi vai của dân tộc, vì vậy họ tạm thời quên đi những khó khăn ấy, quên đi cái riêng, cái cá nhân để hòa vào cuộc chiến đấu của cả dân tộc, để gánh trên vai trách nhiêm nặng nề: Đánh đuổi ngoại xâm. Cuộc sống gian khổ thiếu thốn đã trở thành ngọn lửa thử vàng để người Việt Bắc bộc lộ tấm lòng trung kiên của mình với lí tưởng.

    Hai câu thơ như một lời nhắc nhở kín đáo của người ở lại về một thời rất đỗi tự hào, "mình và ta" đã cùng sát cánh bên nhau, cùng nhau tiêu diệt kẻ thù chung, giành lại độc lập cho dân tộc. Nghệ thuật tiểu đối kết hợp với cách ngắt nhịp 2/2/2 – 4/4 đều đặn khiến cho câu thơ trở nên nhịp nhàng, tha thiết.

    + Lời hỏi thứ ba: Hết hỏi người ra đi, người Việt Bắc còn hỏi chính lòng mình:

    Mình về rừng núi nhớ ai

    Trám bùi để rụng, măng mai để già.

    Hai câu thơ là tấm lòng của người dân Việt Bắc nhớ về cán bộ chiến sĩ về xuôi. Nỗi nhớ ấy được biểu đạt qua những hình ảnh nhân hóa và hoán dụ độc đáo: "Rừng núi nhớ", "trám bùi rụng", "măng mai già". Rừng núi nhớ nhưng thực chất là đồng bào nhớ. Nhớ đến trám bùi để rụng, măng mai để già không ai thu hái. Đại từ phiếm chỉ "ai" khiến lời thơ vừa da diết, vừa mang đậm sắc thái dân gian.

    + Lời hỏi thứ tư: "Mình" có còn nhớ tấm lòng của người dân Việt Bắc?

    Mình đi có nhớ những nhà

    Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son.

    Hai câu thơ sử dụng phép tương phản, đối lập một cách độc đáo: Những ngôi nhà lá đơn sơ, mộc mạc, nghèo khổ trong dáng vẻ "hắt hiu lau xám" gợi nỗi buồn hiu quạnh. Nhưng bên trong "những ngôi nhà" ấy lại chứa đựng tấm lòng son sắt thủy chung, nghĩa tình. Đó là tấm lòng của người dân Việt Bắc dành cho cách mạng, cho cán bộ chiến sĩ. Tấm lòng ấy "đậm đà" sâu nặng. Người về với phố thị phồn hoa rồi có nhớ tấm lòng con người nơi đây? Lời hỏi thoáng chút ngậm ngùi vì cuộc đời biến thiên dâu bể.

    + Lời hỏi thứ năm: Cán bộ kháng chiến về xuôi có còn nhớ những kỷ niệm của một thời kháng chiến?

    Mình về còn nhớ núi non

    Nhớ khi kháng Nhật thuở còn Việt Minh.


    Hai câu thơ là lời nhắc nhớ người về có nhớ "núi non", nhớ những sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước: "Khi kháng Nhật", "thuở Việt Minh". Đó là những sự kiện: Năm 1940, Nhật đánh chiếm Đông Dương, cả nước vùng lên kháng Nhật; và năm 1941, tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh thành lập (Việt Minh). Hai sự kiện này đã góp phần thay đổi cục diện chiến tranh và góp phần tạo nên chiến tháng vẻ vang của ta trong Cách mạng tháng Tám cũng như chiến thắng Điện Biên Phủ sau này.

    + Hai câu cuối là sự cộng hưởng nhiều lời hỏi:

    Mình đi mình có nhớ mình


    Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa.

    Người ở lại hỏi người ra đi có nhớ "mình" - có nhớ đồng bào Việt Bắc. Đồng thời có nhớ "mình" - có nhớ chính mình của ngày xưa thủy chung, tình nghĩa hay hoàn cảnh thay đổi thì "mình" cũng quên đi mối ân tình gắn bó với cách mạng, đồng bào. Điệp từ "mình" lặp lại ba lần là sự giao thoa của nhiều lớp nghĩa.

    Người ở lại hỏi người ra đi có nhớ những địa danh lịch sử gắn liền với những sự kiện trọng đại của cách mạng: Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa. Đó là sự kiện đại tướng Võ Nguyên Giáp làm lễ xuất quân cho đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại cây đa Tân Trào. Đó là sự kiện Bác Hồ chủ trì cuộc họp quan trọng mang tầm chiến lược đi đến sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám tại mái đình Hồng Thái. Hỏi nhưng không nhằm trả lời, hỏi là để nhắc nhớ kỉ niệm, để giãi bày niềm thương nỗi nhớ trong chính lòng mình.

    - Nhận xét về giọng điệu thơ Tố Hữu: Giọng điệu thơ trong đoạn thơ trên mang những nét rất riêng của tác giả: Đó chính là giọng điệu tâm tình ngọt ngào rất dễ nhận ra. Giọng điệu ấy thấm sâu vào từng lời thơ, khiến từng câu thơ đọc lên như ngân nga, như nhịp chao liệng của khúc hát ru kỉ niệm, vỗ về thương nhớ. Vậy những yếu tố nào đã tạo nên giọng điệu ấy? Phải chăng, giọng điệu đó được chưng cất từ chất con người Huế dịu dàng, đắm thắm nơi quê hương tác giả? Được tạo nên từ thể thơ lục bát ngân nga, trầm bổng, từ cấu trúc tiểu đối trong hầu hết các câu thơ, đặc biệt là từ sự giao hoán giữa các kết hợp từ "mình đi"... "

    Mình về" trong mỗi cặp lục bát..


    Kết bài: Tóm lại, đoạn thơ trên không chỉ là nỗi lòng thương nhớ, là lời tâm tình của Việt Bắc mà nó còn tiêu biểu cho nghệ thuật thơ Tố Hữu: Thể thơ lục bát được sử dụng nhuần nhuyễn, cách ngắt nhịp đều đặn, giọng thơ tâm tình ngọt ngào như lời thủ thỉ của đôi lứa yêu nhau, cách dùng từ ngữ, hình ảnh mang đậm sắc thái dân gian cùng lối đối đáp mình – ta vốn quen thuộc trong ca dao dân ca.. Thông qua hình tượng Việt Bắc, Tố Hữu đã ca ngợi phẩm chất cách mạng cao đẹp của quân dân ta, khẳng định nghĩa tình thuỷ chung son sắt của Việt Bắc với người cán bộ kháng chiến.
     
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề 3

    I. ĐỌC HIỂU

    Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

    Sáu con người, do sự tình cờ của số phận, mắc kẹt vào cùng một cái hang rất tối và lạnh. Mỗi người chỉ còn một que củi nhỏ trong khi đống lửa chính đang lụi dần.

    Người phụ nữ đầu tiên định quẳng que củi vào lửa, nhưng đột nhiên rụt tay lại. Bà vừa nhìn thấy một khuôn mặt da đen trong nhóm người da trắng. Người thứ hai lướt qua các bộ mặt quanh đống lửa, thấy một người trong số đó không đi chung nhà thờ với ông ta. Vậy là thanh củi cũng bị thu về. Người thứ ba trầm ngâm trong một bộ quần áo nhàu nát. Ông ta kéo áo lên tận cổ, nhìn người đối diện, nghĩ thầm: "Tạo sao mình lại phải hi sinh thanh củi để sưởi ấm cho con heo béo ị giàu có kia?". Người đàn ông giàu lui lại một chút, nhẩm tính: "Thanh củi trong tay, phải khó nhọc lắm mới kiếm được, tại sao ta phải chia sẻ nó với tên khố rách áo ôm lười biếng đó?". Ánh lửa bùng lên một lần cuối, soi rõ khuôn mặt người da đen đang đanh lại, lộ ra những nét hằn thù: "Không, ta không cho phép mình dùng thanh củi này sưởi ấm những gã da trắng!".

    Chỉ còn lại người cuối cùng trong nhóm. Nhìn những người khác trầm ngâm trong im lặng, anh ta tự nhủ: "Mình sẽ cho thanh củi, nếu có ai đó ném phần của họ vào đống lửa trước."

    Cứ thế, đêm xuống dần. Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những que củi. Đống lửa chỉ còn than đỏ rồi lụi tắt. Sáng hôm sau, khi những người cứu hộ tới nơi, cả sáu đều đã chết cóng..

    (Theo Quà tặng cuộc sống )

    Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ và kể tên các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên? Hãy đặt tiêu đề cho văn bản.

    Câu 2. Người viết văn bản trên đã đặt các nhân vật vào một tình huống như thế nào? Ý nghĩa của cách tạo dựng tình huống đó?

    Câu 3. Theo anh/chị, trong văn bản trên, có những nguyên nhân nào khiến cả sáu người chết cóng?

    Câu 4. Người viết đã đề cập đến những mâu thuẫn, định kiến cơ bản nào còn tồn tại trong xã hội hiện đại qua câu chuyện trên?

    II. LÀM VĂN

    Câu 1: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về cách nghĩ và hành động của sáu con người trong câu chuyện trên.

    Câu 2 .

    Những đường Việt Bắc của ta

    Ðêm đêm rầm rập như là đất rung

    Quân đi điệp điệp trùng trùng

    Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

    Dân công đỏ đuốc từng đoàn

    Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

    Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

    Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.

    Tin vui chiến thắng trăm miền

    Hòa Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về

    Vui từ Ðồng Tháp, An Khê

    Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

    (Trích Việt Bắc - Tố Hữu)

    Cảm nhận của Anh/Chị về âm vang hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ qua đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thơ Tố Hữu.

    GỢI Ý LÀM BÀI

    Bấm để xem
    Đóng lại
    I. ĐỌC HIỂU

    Câu 1.

    Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật.

    Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên là: Tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm.

    Nhan đề: Lạnh, Nơi lạnh nhất ở đâu..

    Câu 2.

    – Các nhân vật bị đặt vào một hoàn cảnh khắc nghiệt của thời tiết: Sáu người bị mắc kẹt vào một cái hang, thời tiết lạnh lẽo, khắc nghiệt, đống lửa duy nhất lại đang tàn dần trong khi đó mỗi người đều đang sở hữu một que củi.

    – Ý nghĩa của tình huống: Tình huống có tính chất thử thách các nhân vật, buộc nhân vật phải bộc lộ cách ứng xử để giải quyết tình huống.

    Qua tình huống và cách ứng xử của họ, tính cách các nhân vật bộc lộ rõ nét: Tất cả đều hẹp hỏi, nhỏ nhen, ích kỉ, thiếu tình yêu thương đồng loại, thiếu tinh thần đoàn kết..

    Câu 3. Nguyên nhân khiến sáu người chết cóng:

    – Trước hết là vì hoàn cảnh khắc nghiệt: Cái lạnh của hang đá làm họ kiệt sức.

    – Tuy nhiên, nếu các nhân vật biết cách chia sẻ thanh củi của mình thì có lẽ họ đã không chết cóng. Họ không chỉ chết vì cái lạnh của hang đá mà còn chết vì chính cái lạnh từ tâm hồn họ. Đó là sự phân biệt chủng tộc, sự kì thị tôn giáo, sự phân biệt giàu nghèo.. Nói cách khác là do lối sống hẹp hòi, ích kỉ, thiếu tình yêu thương đồng loại, thiếu tinh thần đoàn kết cộng đồng trong hoàn cảnh thử thách.

    Câu 4. Tác giả đề cập đến những mâu thuẫn, định kiến còn tồn tại: Phân biệt giàu nghèo, phân biệt tôn giáo, phân biệt màu da..

    II. LÀM VĂN

    Câu 1

    Yêu cầu hình thức: Viết đoạn văn có dung lượng khoảng 200 chữ, có hình thức của một đoạn văn.

    Yêu cầu nội dung: Đánh giá mặt tốt - xấu, đúng - sai của suy nghĩ, hành động các nhân vật.

    HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần có lập luận hợp lí, thuyết phục, bày tỏ quan điểm rõ ràng, không vi phạm các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật. Sau đây là một số ý tham khảo:

    – Đánh giá: Cách nghĩ và hành động của sáu con người trong câu chuyện trên thể hiện lối sống cá nhân, ích kỉ, thiếu tình thương, thiếu tinh thần đoàn kết, nhất là trong hoàn cảnh thử thách.

    – Phân tích tác hại của suy nghĩ, hành động của sáu người đó: Chính cách hành xử và lối sống ấy đã đẩy họ đến kết cục bi thảm, họ phải chết trong giá lạnh. Cái chết của họ thực chất là do sự giá lạnh của tâm hồn.

    – Bình luận: Cuộc sống không tránh khỏi những trở ngại, thử thách. Để vượt qua, ý chí, nghị lực của con người là chưa đủ, cần lắm tinh thần tập thể, ý thức đoàn kết cộng đồng, sự đồng cảm sẻ chia giữa người với người.

    – Phê phán lối sống ích kỉ, định kiến, vô cảm.

    Câu 2.

    * Mở bài:

    Giới thiệu tác giả tác phẩm.

    Giới thiệu đoạn thơ và vấn đề nghị luận: Âm vang hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ qua đoạn thơ trên.

    Đề cập đến giọng thơ trữ tình, chính trị của thơ Tố Hữu.

    * Thân bài:

    Khái quát: Hoàn cảnh sáng tác, nội dung những đoạn thơ trước, chất trữ tình, chính luận..

    Phân tích đoạn thơ:

    – Trong bài thơ, bên cạnh những đoạn thơ trữ tình ngọt ngào thiết tha là những khúc ca đầy khí thế chiến đấu. Đoạn thơ trên là một trong những khúc ca ây. Chỉ với 12 câu thơ, Tố Hữu đã tái hiện một bức tranh mang đậm tính sử thi hoành tráng về cảnh Việt Bắc ra quân với vẻ đẹp vừa lãng mạn, vừa hào hùng. Những câu thơ lồng lộng, ngợp say tạo nên bản hùng ca về cuộc chiến đấu chống Pháp gian khổ mà bất khuất của dân tộc:

    "Những đường Việt Bắc của ta

    Đêm đêm rầm rập như là đất rung".


    + Trong hai câu thơ trên, ta bắt gặp một không gian rất đặc trưng của thơ Tố Hữu - không gian con đường. Khung cảnh sôi động của cuộc kháng chiến được miêu tả qua hình ảnh con đường; "những đường Việt Bắc của ta". Cụm từ "của ta" thể hiện sự sở hữu cùng niềm tự hào dân tộc khi mỗi con đường, ngọn núi, dòng sông.. đã thực sự trở về với với người dân Việt Nam. Đây cũng là cảm hứng chung từng xuất hiện trong bài "Đất Nước" của Nguyễn Đình Thi:

    "Trời xanh đây là của chúng ta

    Núi rừng đây là của chúng ta".


    + Hình ảnh so sánh "Đêm đêm rầm rập như là đất rung" cùng với từ láy tượng thanh "rầm rập" miêu tả tiếng bước chân thần tốc, rất nhanh, mạnh, dứt khoát của của đoàn quân chiến thắng. Mỗi bước chân càng khiến trời đất dung chuyển và cuộc hành quân ra trận đã biến thành cuộc diễu binh mà mỗi con người trong đó như được nâng lên với tầm vóc vũ trụ. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn được thể hiện rõ nét. Đọc hai câu thơ, người đọc như có cảm giác được hòa nhập vào không khí ra trận hào hùng, dữ dội của đội quân cách mạng. Những câu thơ trên đây gợi nhớ đến hình ảnh đoàn quân giải phóng trên con đường chiến lược Trường Sơn trong thơ Nguyễn Khoa Điềm:

    Đoàn quân bước đi vội vã

    Quân đi bụi mờ trời lửa


    Điểm khác biệt duy nhất giữa hai bức tranh chỉ là ở phương diện thời gian: Đêm và ngày. Nhưng đều giống nhau khí thế hào hùng xung trận.

    – Hình ảnh đoàn quân - những người lính cụ Hồ được khắc họa mỗi lúc một rõ nét hơn:

    "Quân đi điệp điệp trùng trùng

    Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan


    + Từ láy" điệp điệp, trùng trùng "đã gợi lên hình ảnh những đoàn quân như nối tiếp nhau trải dài vô tận, hết lớp này đến lớp khác, với khí thế như sóng trào bão nổi tưởng như cả dân tộc cùng tiếp bước quân hành trong một bản hành khúc vĩ đại. Đoàn quân vệ quốc anh hùng và lãng mạn xiết bao trong tư thế hành quân tìm diệt kẻ thù chứ không còn" chờ giặc tới "như trong thơ Chính Hữu.

    Trong nỗi nhớ của người về, trong ánh hào quang của kỉ niệm, đoàn quân ra trận bống có vẻ đẹp hào hùng và hào hoa, anh hùng và nghệ sĩ. Hành quân dưới bầu trời lấp lánh sao khuya, từ một góc nhìn độc đáo, người chiến sĩ bống có cảm giác ánh sao như đậu trên đầu mũi súng. Ánh sao vốn xa xôi và bí mật thì giờ đây bỗng trở nên gần gũi, thân thương trong cuộc chiến đầu của người lính. Hình ảnh thơ không chỉ có ý nghĩa tả thực mà còn mang tính biểu tượng sâu sắc được xác lập trên cơ sở mối tương quan giữa hai hình ảnh đối lập: Ánh sao - đầu súng. Ánh sao gợi ra sự sống thanh bình, gợi ra vẻ đẹp và ánh sáng. Còn súng lại là hiện thân của chiến tranh dữ dội, tán khốc. Với hai hình ảnh này, Tố Hữu đã tạo ra một biểu tượng nghệ thuật tuyệt đẹp để tôn vinh lý tưởng chiến đấu của người chiến sĩ: Người chiến sĩ cầm súng là để bảo vệ cuộc sống thanh bình, để ánh sao ánh trăng kia mãi nghiêng cười trên đỉnh núi. Ý thơ của Tố Hữu khiến người đọc nhớ đến câu thơ" đầu súng trăng treo "trong bài thơ" Đồng chí "của Chính Hữu:

    " Đầu súng trăng treo "

    Cùng với cảnh đoàn quân ra trận là hậu phương lớn tiếp sức cho tiền tuyến. Đó là những đoàn dân công ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí ra chiến trường:

    " Dân công đỏ đuốc từng đoàn

    Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay ".


    + Từng đoàn dân công nối nhau đi trong đêm, dưới những bó đuốc đỏ rực, dưới những tàn lửa bập bùng bay theo chiều gió như trải dài không ngớt tạo thành một không gian lung linh huyền ảo, mang âm hưởng huyền thoại. Trong ánh đuốc và trong muôn tàn lửa bay, đoàn người như đi trong một đêm hội hoa đăng. Sức mạnh của họ đã được Tố Hữu khẳng định bằng nghệ thuật cường điệu, phóng đại:" Bước chân nát đá "- đỉnh núi đã bị chinh phục bởi bước chân con người. Cách nói thậm xưng ấy khiến người đọc liên tưởng đến thành ngữ" chân cứng đá mềm ", đã nhấn mạnh sức mạnh thể chất và tinh thần của những con người hàng ngày tải lương ra chiến trường, chiến thắng mọi khó khăn gian khổ để góp phần làm nên chiến thắng. Với những câu thơ này, Tố Hữu đã nâng cao tầm vóc của quần chúng, khẳng định sức mạnh to lớn của quần chúng trong cuộc kháng chiến chống Pháp anh hùng.

    - Cuối cùng là hình ảnh đoàn xe ra trận:

    " Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

    Đèn pha bật sáng như ngày mai lên ".


    + Hình ảnh trong câu thơ vừa hào hùng, vừa đậm chất lãng mạn. Trên nền không gian thăm thẳm của Việt Bắc vào đêm là hình ảnh những đoàn xe băng băng lao ra tiền tuyến trong ánh đèn pha sáng rực xuyên thủng màn đêm." Nghìn đêm "là số từ chỉ ước lệ, miêu tả một quảng thời gian dài cả đất nước chìm trong màn đêm tăm tối của xiềng xích và áp bức nhưng đó cũng chính là khoảng thời gian mà chúng ta âm thầm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến hào hùng. Và từ trong gian khổ, đêm tối thăm thẳm, ánh đèn pha - ánh bình minh đã hé rạng, báo hiệu một ngày mới đang lên với niềm vui và sự hy vọng, lạc quan về một tương lai tươi sáng.

    Trong đêm đêm, trên những con đường Việt Bắc, không phải bóng tối chiếm lĩnh mà là ánh sáng ngự trị. Cả đoạn thơ ngập tràn ánh sáng. Ánh sáng tỏa ra từ ánh sao trời lấp lánh rực rỡ, từ muôn ngàn ngọn đuốc đỏ rực, tàn lửa, đèn pha và trên hết là ánh sáng tỏa ra từ trái tim của những con người Việt Nam yêu nước. Tất cả đã tạo nên một thứ ánh sáng khổng lồ soi tỏ màn đêm đen đang bao trùm. Biện pháp so sánh tạo nên cảm hứng lạc quan tràn đầy hy vọng cho con người. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn được thể hiện ở niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng cho đất nước.

    – Bốn câu thơ cuối là khúc khải hoàn ca trải dài khắp đất nước:

    " Tin vui thắng trận trăm miền

    Hòa bình Tây Bắc, Điện Biên vui về

    Vui từ Đồng Tháp, An Khê

    Vui lên Viết Bắc, đèo De, núi Hồng. "


    + Bốn câu thơ với nhịp điệu nhanh, mạnh mẽ, dồn dập với điệp từ" vui "được nhắc tới bốn lần ở cả bốn dòng thơ: Vui từ, vui về, vui lên.. mở ra niềm hạnh phúc vỡ òa trước những chiến thắng vang dội và liên tiếp vọng về. Biện pháp liệt kê đã chỉ ra những chiến thắng nối tiếp nhau không dứt của quân và dân ta, chiến thắng này chưa qua thì chiến thắng khác đã dồn dập..

    Người đọc có thể cảm nhận được trái tim náo nức say mê của quân và dân" Việt Bắc"trong những ngày tháng oanh liệt hào hùng đó, niềm vui đó hòa chung với niềm vui toàn dân tộc và góp phần khẳng định chắc chắn về một ngày mai hòa bình trên khắp mọi nẻo đường cách mạng.

    - Bình luận về chất sử thi và cảm hứng lãng mạn: Với lối thơ lục bát ngọt ngào như ca dao, với chất thơ trữ tình cách mạng, thật sôi nổi, hào hùng, thiết tha, nhà thơ Tố Hữu trong đoạn thơ này đã thể hiện nổi bật khí thế hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc. Đoạn thơ như một đoạn sử thi của cuộc kháng chiến chống Pháp (chất sử thi). Đồng thời đoạn thơ còn thể hiện niềm lạc quan cách mạng, ý chí chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, làm nên những chiến thắng vẻ vang, mang niềm vui về cho dân tộc (chất lãng mạn).

    * Kết bài:

    – Mười hai câu thơ ngắn gọn với giọng thơ dồn dập gấp gáp, mạnh mẽ Tố Hữu đã dựng lên bức tranh Việt Bắc ra trận thật đẹp làm sống dậy những ngày tháng hào hùng của nhân dân ta trên căn cứ địa thần thành.

    – Đoạn thơ này chính là khúc hùng ca về một thời oanh liệt của dân tộc Việt Nam ta. Tất cả là kỷ niệm sâu sắc trong lòng tác giả và người về xuôi.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...