Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân - Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 11 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Phân tích diễn biến tâm trạngnhân vật Mị trong đoạn văn sau:

    "Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong... không biết sáng từ bao giờ"


    (Trích "Vợ chồng A Phủ" – Tô Hoài)

    Từ đó, hãy bình luận về tấm lòng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.

    [​IMG]

    Bài tham khảo (ngắn gọn, cơ bản)
    "Vợ chồng A Phủ" là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của Tô Hoài viết về đề tài miền núi. Trong truyện, tác giả đã tái hiện một cách xúc động cuộc sống tủi nhục của đồng bào Tây Bắc dưới ách phong kiến và thực dân. Họ bị tước đoạt tài sản, bóc lột sức lao động và xúc phạm nhân phẩm. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn luôn khát khao hạnh phúc, vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Điều đó được tác giả tập trung miêu tả trong đoạn văn kể về diễn biến và hàng động của Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài:

    "Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong...không biết sáng từ bao giờ"

    (Trích "Vợ chồng A Phủ" – Tô Hoài)

    Mị vốn là một cô gái xinh đẹp, yêu đời, tuổi xuân phơi phới. Vì món nợ truyền kiếp của cha mẹ, Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lý Pá Tra.Trong nhà thống lí, Mị bị đối xử chẳng khác nào một đứa ở không công. Mị khổ như con trâu, con ngựa. Có lần Mị toan ăn lá ngón tự tử, nhưng thương cha già, Mị chết không đành lòng. Bao nhiêu khổ đau ở nhà thống lí đã biến Mị từ một cô gái hồn nhiên, yêu đời thành một người đàn bà bị tước mất linh hồn, sống như cái máy vô thức, không biết đến niềm vui, hạnh phúc, ước mơ. Mỗi ngày "Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". Phải chăng, kiếp người đã bị hóa thành kiếp vật?

    Xuân qua rồi xuân trở lại. Đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài lại đến. Mùa xuân năm ấy được miêu tả thật đặc biệt, giống như một chất xúc tác làm đổi thay tâm hồn Mị: cả một không gian tưng bừng. Lúa ngô ở các nương đã thu hoạch xong. Gió và rét dữ dội. Cảnh sắc làng Mèo càng đẹp. Màu "vàng ửng" của cỏ gianh. Màu trắng, màu đỏ au, đỏ thậm, màu tím man mát của hoa thuốc phiện vừa nở. Màu "sặc sỡ" của những chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá xoè như con bướm. Tiếng "cười ầm" của đám trẻ con chơi quay. Tiếng sáo thổi rủ bạn đi chơi. Tiếng chó sủa xa xa... Trước cảnh tưng bừng ấy, cứ tưởng Mị "Riêng mình nào biết có xuân là gì?". Nhưng thật bất ngờ. Những đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài đã hồi sinh và hồi xuân tâm hồn Mị. Tâm trạng và hành động Mị đã được Tô Hoài thể hiện một cách tinh tế, xúc động trong đêm tình mùa xuân ấy.

    Trong lúc trai gái và lũ trẻ con tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy trên sân chơi thì Mị "tha thiết bồi hồi" khi nghe tiếng sáo từ đầu núi "vọng lại". Mị "nhẩm thầm" bài hát của người đang thổi sáo: "...Ta không có con trai con gái - Ta đi tìm người yêu..". Sau bao mùa xuân câm lặng, có lẽ đây là lần đầu tiên người con dâu gạt nợ khẽ thầm hát? Tiếng hát chính là biểu hiện của lòng yêu đời đang dần sống dậy trong Mị.

    Tiếng sáo đã gợi thương gợi nhớ và thức tỉnh. Mị lén lấy hũ rượu, "uống ực từng bát". Uống rượu như nuốt hận. Hay uống cho vơi đi nỗi đau khổ? Chỉ biết rằng, cái cung cách uống rượu kia như báo hiệu một sự nổi loạn sau này. Uống rồi say, "lịm mặt". Trong men say chếnh choáng, Mị như quên đi thực tại, sống về quá khứ "ngày trước".Tiếng sáo gọi bạn tình "văng vẳng" bên tai Mị. Bao kỉ niệm đẹp của thời thiếu nữ say mê sống dậy trong lòng Mị: ngày trước, Mị thổi sáo giỏi... Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị. Hồi tưởng lại mùa xuân đẹp thời con gái, điều đó cho thấy Mị đã sống dậy ý thức về thời gian - ý thức mà bấy lâu bị chặt cụt hai chiều quá khứ, tương lai.

    Mị "từ từ bước vào buồng" với tâm trạng "thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước". Mị được thức tỉnh, tự ý thức là mình "trẻ lắm", "vẫn còn trẻ".Ý thức về tuổi trẻ chính là ý thức về tình yêu và hạnh phúc. Bấy lâu, ý thức ấy bị vùi lấp trong đau khổ, tuyệt vọng, nay chợt sống dậy làm bừng sáng tâm hồn Mị. Và từ ý thức đến ý muốn, một ý muốn bình thường với bao người, nhưng lại khác thường với Mị: "Mị muốn đi chơi". Đây dường như là ý muốn "nổi loạn " đầu tiên của mị, vì từ trước tới nay, Mị đâu có muốn vậy?

    Khát vọng sống như ngọn lửa bừng cháy bao nhiêu Mị lại phẫn uất bấy nhiêu! Phẫn uất và đau khổ cho thân phận và số phận trớ trêu đầy bi kịch. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. A Sử với Mị "không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau!". Không thể cam chịu mãi kiếp con dâu gạt nợ. Mị muốn ăn lá ngón cho chết ngay! Uất ức, nước mắt Mị ứa ra, khi tiếng sáo gọi bạn yêu "vẫn lửng lơ bay ngoài đường". Tâm hồn Mị diễn biến phức tạp trong quá trình thức tỉnh, nổi loạn. Mị đang sống trong nghịch lí giữa thân phận con dâu gạt nợ và niềm phơi phới muốn đi chơi Tết. Liệu Mị có dám phá tung và cắt đứt sợi dây oan nghiệt đang thít chặt lấy số phận, thân phận mình để đến với những cuộc chơi cùng với tiếng sáo gọi bạn yêu?

    Mị vào buồng lần này không phải để nhìn qua "cái lỗ vuông", để nghĩ đến cái chết, mà Mị đã hành động một cách mạnh mẽ, ngang nhiên trước mặt A Sử khi hắn xuất hiện bất ngờ trong buồng. A Sử thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc... để đi chơi rình bắt gái đem về làm vợ. Mị cũng chuẩn bị đi chơi Tết. Như thách thức. Mị đã hành động. Xắn thêm miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng. Quấn lại tóc. Với tay lấy cái váy hoa. Rút thêm cái áo. Khi thêm mỡ vào đĩa đèn, Mị như muốn thắp sáng không gian bấy lâu chìm trong tăm tối của mình, còn khi quấn lại tóc, rút cái váy,, với tay lấy cái áo hoa... Mị như sống dậy ý thức làm đẹp của người phụ nữ. Lúc này, Mị như chỉ sống, biết sống cho riêng mình, nên ngay cả khi A Sử nhìn Mị, Mị "cũng không nói" hay không thèm nói? Hàng loạt hành động "nổi loạn" của Mị diễn ra liên tiếp khi tiếng sáo đang "rập rờn" trong đầu Mị. Tiếng sáo gọi bạn tình như đem đến cho Mị một sức mạnh mới, khơi gợi lòng khao khát yêu đương và hạnh phúc.

    Trước đây, ta tưởng khát vọng sống đã tàn lụi và chết hẳn trong tâm hồn Mị.Thế nhưng không! Ngọn lửa tình yêu cuộc sống,khát vọng về hạnh phúc tự do vẫn âm ỉ cháy trong sâu thẳm tâm hồn Mị. Khi có điều kiện thuận lợi,ngọn lửa đó đã được khơi dậy và bùng lên. Điều kiện đó chính là Mị đang sống trong một đêm tình mùa xuân,mùa của sự sống căng tràn,mùa của tình yêu.Lúc đó âm thanh tiếng sáo bồi hồi,tha thiết,lơ lửng luôn dập dìu vang lên mời gọi.Đã vậy lại thêm có men rượu nồng nàn.Tất cả các yếu tố trên cùng cộng hưởng làm cho những khát khao về hạnh phúc trong tâm hồn Mị hồi sinh và bùng lên mạnh mẽ. Sự hồi sinh sức sống, khát vọng sống trong Mị khiến ta nhớ đến nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, sau bao năm sống trong cay đắng, thù hận, Chí cũng đã có sự hồi sinh kì diệu như thế.

    Tiếc thay, sự phản kháng của Mị phải trả giá nặng nề. Chỉ sau một câu hỏi: "Mày muốn đi chơi à?", thằng A Sử độc ác đã trói Mị vào cột nhà bằng một thúng sợi đay. Hai tay Mị bị trói bằng dây thắt lưng, tóc Mị bị quấn lên cột, Mị "không cúi, không nghiêng được đầu nữa". Thể hiện diễn biến tâm trạng và hành động Mị trong cảnh Mị bị trói trong đêm tình mùa xuân, ngòi bút nghệ thuật của Tô Hoài tưởng như đã "nhập hồn" vào nhân vật. Trong bóng tối, Mị "đứng im lặng". Hơi rượu còn "nồng nàn" như nâng đỡ tâm hồn Mị. Quên đau khổ, đau đớn thực tại, Mị "vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi". Mị vùng bước đi, lòng "bồi hồi" theo tiếng sáo: "Em không yêu quả pao rơi rồi - Em yêu người nào, em bắt pao nào...". Dây trói của cường quyền có thể trói thể xác Mị, nhưng không thể trói được sức sống mạnh mẽ vừa hồi sinh trong tâm hồn Mị.

    Nhưng rồi, hiện thực vẫn kéo Mị trở lại với nỗi đau đớn, khổ nhục: "tay chân đau không cựa được". Mị "thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa" khi nghe tiếng ngựa "gãi chân, nhai cỏ", tiếng chó sủa xa xa. Mị nghĩ đến những cảnh tình tự của bao cặp tình nhân giờ này đang "dỡ vách ra rừng chơi". Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi trong trạng thái lúc mê lúc tỉnh. Dây trói thít lại, đau nhức. Hơi rượu tỏa, Mị "nồng nàn tha thiết nhớ".

    Nhờ một sự tình cờ mà Mị thoát chết trong đêm hãi hùng đó. Đoạn văn đêm tình mùa xuân có ba cảnh. Cảnh Mị ngồi nhẩm thầm tiếng sáo và lén uống rượu ừng ực từng bát. Cảnh Mị chuẩn bị váy áo đi chơi. Cảnh Mị bị A Sử trói đứng suốt đêm trong buồng. Cảnh nào, chi tiết nào cũng sinh động, điển hình cho bi kịch của Mị, của người con dâu gạt nợ. Đoạn văn đêm tình mùa xuân thể hiện ngòi bút kể chuyện cảm động, phân tích diễn biến tâm trạng và hành động nhân vật một cách tinh tế, sâu sắc. Tiếng sáo gọi bạn tình được Tô Hoài nhắc đi nhắc lại 13 lần đầy ám ảnh, như thức tỉnh, như lay gọi, như vỗ về niềm khao khát đi chơi Tết, khao khát được sống trong tình yêu và mùa xuân của người con dâu gạt nợ.

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Đoạn trích trên thấm đẫm tính nhân văn cao cả. Điều đó được thể qua lòng cảm thương sâu sắc của Tô Hoài dành cho số phận nhân vật Mị. Từ thương cảm, Tô Hoài đã lên tiếng tố cáo chế độ phong kiến miền núi tàn ác, những hủ tục lạc hậu đã đẩy người con gái hồn nhiên yêu đời ngày nào vào tình cảnh khốn khổ, bị tước mất cả linh hồn và thể xác, bị áp chế đến mức ngay cả ước muốn đi chơi cũng không thể thực hiện. Đồng thời, qua sự trỗi dậy của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân này, Tô Hoài khẳng định niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của con người. Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến mức nào, con người cũng không mất đi khát vọng sống tự do và hạnh phúc.

    Giá trị nhân đạo sâu sắc ấy đã mang đến cho người đọc những ấn tượng đậm nét và mang đến sức sống lâu bền cho tác phẩm.

    Tóm lại, sự "nổi loạn" của Mị trong đoạn văn trên cho thấy sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị mà máu và sự dã man không thể nào vùi dập được! Đoạn văn không chỉ góp phần tô đậm tính cách nhân vật mà còn thể hiện một cách xúc động giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo của truyện "Vợ chồng A Phủ".

    Xem tiếp bên dưới: Phân Tích Diễn Biến Tâm Trạng Nhân Vật Mị Trong Đêm Tình Mùa Xuân (bài nâng cao)
     
    hthan, Btramguyen, Tloan20666 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 2 Tháng năm 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Bài tham khảo (có vận dụng nhận định văn học)​


    Nhà phê bình văn học người Nga, Beelinxki từng khẳng định: "Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêt tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra câu hỏi hoạc trả lời những câu hỏi đó." Vậy nên, mỗi nhà văn khi muốn đứa con tinh thần của mình bám rễ vào mảnh đất văn chương thì không đơn thuần chỉ là phản ảnh những gì nhức nhối, mà trước hết phải là "nhà nhân đạo từ trong cốt tủy" (Sê-khốp) để "đặt ra những câu hỏi và trả lời những câu hỏi đó". Nhà văn Tô Hoài với tình yêu thương con người vô bờ bến cũng đã để cuộc đời "phả gió" vào trái tim mình, thôi thúc ông đi tìm kiếm những hạt bụi vàng lấp lánh trong cuộc đời, viết nên truyện ngắn chứa chan tinh thần nhân đạo mang tên "Vợ chồng A Phủ". Đặc biệt, trên những trang văn ấy, không thể không nhắc đến sự trỗi dậy của Mị trong đêm tình mùa xuân – chi tiết khẳng định sức sống tiềm tàng của người lao động lúc bấy giờ, dù đau đớn tận cùng vẫn không thôi khao khát sống.

    Nếu Nguyễn Tuân lên Tây Bắc để có tùy bút "Sông Đà", Nguyễn Khải về với nông trường Điện Biên để có "Mùa lạc" thì những trải nghiệm sâu sắc trong chuyến đi dài tám tháng đến "mảnh đất đã ở lại thương nhớ trong tôi nhiều quá" chính là nguồn cảm hứng để tập "Truyện Tây Bắc" ra đời, trong đó có "Vợ chồng A Phủ" viết năm 1953. "Vợ chồng A Phủ" có hai phần, phần đầu viết về cuộc đời của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài với thân phận nô lệ trong nhà thống lí Pá Tra; phần hai là câu chuyện ở Phiềng Sa, sau khi họ trốn khỏi Hồng Ngài và trở thành du kích.

    Tô Hoài đã dẫn dắt người đọc lạc vào thế giới mà ông tạo ra bằng một đoạn mở đầu ấn tượng và kết thúc là một sự giải phóng. Nếu như Nam Cao mở đầu truyện "Chí Phèo" với một gã say xỉn và những tiếng chửi, thì Tô Hoài mở đầu "Vợ chồng A Phủ" bằng hình ảnh Mị với những dự báo về cuộc đời đau khổ. Đi sâu vào tác phẩm, ta thấy đó là một cô gái tài năng, xinh đẹp, giàu nhân phẩm nhưng bất hạnh. Tô Hoài khắc họa Mị như vậy như một phép đòn bẩy để nâng sức sống, khát vọng sống của con người lên qua sự trỗi dậy của Mị vào đêm tình mùa xuân. Sự trỗi dậy ấy chính là sức sống tiềm tàng nhà văn gửi vào tâm hồn những con người dưới tận cùng đau khổ có chỗ níu vào để mà vươn lên.

    Khi đọc "Chí Phèo", người đọc chứng kiến một anh Chí từ người biến thành quỷ dữ của làng Vũ Đại, thế nhưng, chỉ với một bát cháo hành của Thị Nở, hòn than nhân tính nhỏ trong cái đống tro tàn Chí bống bùng cháy một khát vọng làm người lượng thiện, Trong "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài cũng tìm được hòn than nhân tính ấy. Mị đã hồi sinh, Mị không thể thờ ơ trước không khí mùa xuân thiên nhiên Tây Bắc: "Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng". Thiên nhiên chuyển mùa và những vang động của cuộc sống đã tác động vào tận cùng ngõ sâu, góc khuất tâm hồn từ lâu bị băng giá nơi Mị, hơi ấm của nó đã làm lớp băng giá ấy tan dần. Hình ảnh mùa xuân về thật gợi cảm, đầy sắc màu sinh động: "trong các làng Mông Đỏ, những chiếc váy hoa đã được phơi ra mỏm đá, xòe như con bướm sặc sỡ. Hoa thuốc phiện nở trắng lại nở mầu đỏ hau, đỏ thậm, rồi nở mầu tím man mát." Nhà văn đã mang những sự vật ấy đến với Mị để gõ cửa tâm hồn cô. Trong thế giới thâm cung lạnh lẽo năm ấy, âm thanh tiếng sáo đã vẳng đến, lay động Mị, làm cho cô bừng thức. Tiếng sáo đã khiến lòng cô "thiết tha bổi hổi". Mị ngồi "nhẩm thầm" bài hát của người đang thổi. Vậy là "con rùa lùi lũi ấy" lần đầu tiên khẽ thầm hát. Có thể thấy, âm thanh tiếng sáo đã xuyên qua bức tường ngục tù của căn buồng Mị, xuyên qua thế giới âm cung tăm tối trong chính Mị để thúc gọi trái tim cô quạnh, héo úa của Mị hồi sinh.

    Mị tìm đến rượu, Mị "uống ực từng bát", rồi say. Cách uống "ực từng bát" gấp gáp như muốn nuốt mọi cay đắng, tủi hờn vào trong. Và lúc này, men rượu chính là nhịp cầu đánh thức nhịp sống mà Mị bỏ quên bấy lâu nay. Ai đó đã từng nói về sức mạnh của rượu trần gian: "Một khi rượu không đủ sức làm người ta quên đi thì nó sẽ đánh thức cả con tim lẫn lí trí". Rượu đã đánh thức cả con tim lẫn lí trí của Mị, làm cho Mị quên đi thực tại khổ đau của mình "như đang sống về ngày trước", đưa Mị về với những ngày thanh xuân tươi đẹp, những ngày được tự do vui sống trong hạnh phúc, được cất tiếng hát trong trẻo yêu thương, được biết bao người con trai đem lòng yêu mến. Rồi Mị uốn chiếc lá trên môi "thổi lá cúng hay như thổi sao". Cùng tiếng sáo, Mị đang say sưa tận hưởng cuộc sống, tự tạo dựng lại cho mình những niềm vui ngày xuân để quên đi cái sầu khổ, đớn đau suốt mấy năm qua của mình. Mải sống với quá khứ, Mị như quên đi hiện tại: "Rượu tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả, Mị không biết. Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà."

    Tiếng sáo và men rượu chính là chất xúc tác đặc biệt đánh thức những xúc cảm mới mẻ trong Mị sau bao năm lầm lũi: "Đã từ nãy Mỵ thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước." Từ láy "phơi phới", "sung sướng" cùng phép so sánh "như những đêm tết ngày trước" đã phần nào diễn tả chân thật niềm háo hức, bồi hồi của Mị khi tìm lại được quãng đời đã mất. Mị nhận ra "Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mỵ muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết." Lòng ham sống trong Mị đã trỗi dậy, khát vọng hạnh phúc thuở nào bừng tỉnh. Mị ý thức rất rõ quyền được sống, được đi chơi ngày Tết của mình như bao người phụ nữ có chồng khác.

    Nhưng càng ý thức được mình rõ ràng bao nhiêu thì Mị càng cảm thấy đau đớn hơn bấy nhiêu. Làm sao không đau đớn khi nhận thức được rằng: "A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau." Sự đối lập giữa khao khát sống vừa trỗi dậy và thực tại cuộc sống bất công đã giúp Mị nhận ra mình không thể tiếp tục sống như thế này nữa. Mị nghĩ đến cái chết "nếu có nắm lá ngón lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay". Chết để không phải nhớ lại quá khứ, chết để giải thoát những cay đắng hiện tại, để giải thoát khỏi cuộc sống như địa ngục chốn trần gian. "Muốn chết" trong tình huống này chính là biểu hiện của lòng ham sống. Ham sống nên không chấp nhận sống phận tôi đòi. Thế nhưng, Mị không hề dễ dàng chết trong hoàn cảnh này nên Mị chỉ thấy "nước mắt ứa ra". Giọt nước mắt của thức tỉnh, giọt nước mắt nói lên Mị đã không còn là loài vật vô tri vô giác mà đã dần được tái sinh, tìm lại được những cảm giác của con người.

    Lúc này, tiếng sáo gọi bạn yêu ngoài kia vẫn réo rắt. Cả một thiên đường hạnh phúc của mùa xuân phía sau ô cửa nhỏ kia đang nồng nàn, thôi thúc Mị, Mị không thể ngồi yên đợi nữa. Tiếng sáo khơi sức sống như những đợt sóng ào ạt. "Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng, bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng"; "Mị quấn lại tóc. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt phía trong vách." Hành động Mị thắp đèn cũng chính là hành động Mị thắp lên ngọn lửa soi sáng không gian ngục tù, soi sáng cuộc đời tăm tối của Mị bấy lâu nay. Ngọn lửa cháy hay chính khát vọng đang cháy rực trong tâm hồn Mị, thôi thúc Mj đi đến quyết định "đi chơi". Hàng loạt các hành động gấp gáp "đến", "lấy", "xắn", "bỏ", "quấn", "rút", "với"... đã thể hiện sự hối thúc của khao khát tự do, khao khát sống trong Mị. Chưa bao giờ, ý thức về bản thân, về cuộc sống trong Mị lại trỗi dậy mạnh mẽ đến thế. Sau bao năm kéo lê cuộc đời trong nhà thống lí đến héo hon thân xác, xói mòn sức sống, Mị cũng chưa bao giờ ý thức về mình rõ đến vậy. Hành động sửa soạn đi chơi của Mị khiến ta hình dung sức sống trỗi dậy trong Mị lúc này hệt như những lớp sóng ngầm, cuồn cuộn và dữ dội dâng trào, lớp sau xô dạt, mạnh mẽ hơn lớp trước. Chỉ tiếc rằng, trong hoàn cảnh nô lệ, số phận con người dù muốn hay không muốn thì cũng khó có thể theo ý mình.

    A Sử đã chặn đứng ý muốn đi chơi của Mị bằng cách trói Mị vào cột nhà bằng cả thúng dây đay. Hắn còn lấy thắt lưng trói hai tay Mị, quấn luôn tóc Mị lên cột và tắt đèn để Mị đứng một mình trong buồng tối. Cánh cửa buồng đóng lại, cánh cửa đưa Mị đến với cuộc sống tự do ngoài kia cũng đóng lại. Vậy nhưng những ảo giác rạo rực về tình yêu vẫn vương theo tiếng sáo rập rờn "đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi.." khiến Mị quên đi thực tại, hầu như không biết mình bị trói. Nếu những lần bị trói trước, Mị sẽ đứng yên cam chịu, nhưng lần này Mị "vùng bước đi." Có thể thấy, khao khát được tự do, được hòa mình trong những cuộc chơi, đám chơi ngoài kia đang trỗi dậy mãnh liệt trong Mị. Sợi dây của cường quyền có thể trói thân xác Mị chứ không thể trói được sức sống vừa hồi sinh trong Mị. Tâm hồn cô đang trong trang thái tự do tuyệt đối, dù mất tự do thân thể. Cho đến khi lằn dây trói cứa vào da thịt "tay chân đau không cựa được" Mị mới tỉnh lại với hiện thực phũ phàng, nghiệt ngã.

    Trở về với thực tại, cũng là lúc Mị nhận thấy tiếng sáo đột ngột biến mất "Mị không nghe thấy tiếng sáo nữa, chỉ nghe thấy tiếng chân ngựa đạp vào vách." Nếu tiếng sáo là âm thanh tượng trưng cho tình yêu và hạnh phúc, thì tiếng chân ngựa đạp vào vách chính là âm thanh của hiện tại. Âm thanh ấy khiến Mị "thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa".

    Cả đêm hôm ấy, khi thì Mị sống với thực tại tàn nhẫn, khi lại nồng nàn tha thiết nhớ, với hơi rượu tỏa, tiếng sáo rập rờn, tiếng chó sủa xa xa... Mị phải sống trong giằng xé đau đớn, trong những khát vọng đang hồi sinh và thực tại phũ phàng đang hiện hữu ngay trong dây trói và buồng giam đầy tăm tối. Nhà văn như nhập thân vào nhân vật để nói lên những trạng thái cảm xúc khi náo nức, bâng khuâng, khi tủi hờn, đau khổ của Mị, làm vang lên tiếng nói sâu thẳm tâm hồn nhân vật. Đó là khát vọng sống tiềm tàng trong tâm hồn Mị được thể hiện qua những cảm xúc và hành động phản kháng với ngục tù.

    Đoạn trích miêu tả tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân đã thể hiện những nét đắc sắc trong ngói bút Tô Hoài: cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, phong vị miền núi đạm nét, chất thơ bay bổng... đặc biệt là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật. Nhà văn đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật qua những dòng miêu tả trực tiếp, hoặc mượn hình ảnh thiên nhiên mùa xuân, đặc biệt âm thanh tiếng sáo để làm hiện hữu trước người đọc thế giới tâm hồn vốn vô hình vô ảnh của Mị.

    "Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới". Nhà văn Tô Hoài với đôi mắt tinh tế và trái tim nhân đạo của mình đã thổi vào "Vợ chồng A Phủ" một sức sống bền bỉ. Đề tài về người lao động là một thứ "hạt" quen thuộc được gieo trồng trên mảnh đất văn chương. Nhưng nó đã tạo nên thứ quả "Vợ chồng A Phủ" mới lạ và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Với giá trị một tác phẩm chân chính đạt đến độ xuất sắc, bắt nguồn từ chính hiện thực cuộc sống "đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc", nên dù đã hơn nửa thế kỉ trôi qua, "Vợ chồng A Phủ" vẫn giữ nguyên vẹn giá trị và luôn là dư vị khó phai trong lòng độc giả.

    (Dẫn Bài làm học sinh có chỉnh sửa)
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng tư 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...