Đề Bài Ôn Tập Ngữ Văn 12 Tham Khảo - Đề 4

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 12 Tháng tư 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Trên mạng xã hội, các thầy cô, các bạn học sinh có thể dễ dàng tìm thấy những đề bài, đáp án có sẵn cho những đề ôn tập, ôn thi môn Ngữ văn 12. Kho đề là vô cùng, tuy nhiên, khá ít đề mới. Trong các bài viết của mình, tôi xin giới thiệu đến các thầy cô, các bạn học sinh những đề bài mới do tôi tự biên soạn. Các thầy cô, các bạn học sinh quan tâm thì tham khảo, sử dụng. Gợi ý làm bài các thầy cô và các bạn HS vui lòng tham khảo ở phần bình luận phía dưới.

    [​IMG]

    Đề bài ôn tập Ngữ văn 12 tham khảo - Đề 4

    I. ĐỌC HIỂU:

    Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi:


    Sông Hồng chảy về đâu
    Sông Gianh sẽ về đâu
    Cửu Long biết về đâu
    Nếu một ngày Tổ quốc không còn biển

    Con sóng mặn ngàn đời như dải lụa đào thơm
    Chít eo thon mùa xuân em trẩy hội
    Lóng lánh vẩy rồng Lạc Long Quân thẳng lưng nguồn cội
    Hải đảo nhấp nhô khát vọng hòa bình

    Đứng lên mau
    Bước đi mau
    Nếu một ngày Tổ quốc không còn biển
    Ưỡn ngực Trường Sơn lăn đá lấp Vạn lý trường thành
    Dải lụa đào nhuộm máu người hóa thành vuông khăn trắng
    Hỡi kẻ thù, ai không có tình yêu ?
    Mẹ ngóng con về
    Vợ tiễn chồng đi
    Anh đợi tin em
    Tàn hơi khản giọng
    Hỡi kẻ thù, ai không có quê hương ?
    Ta tự hào vùi thân đắp nấm mồ dòng giống
    Mãi mãi các ngươi phơi xác xứ người

    Đứng lên mau
    Bước đi mau
    Nếu một ngày Tổ quốc không còn biển
    Mọi dòng sông chung tên gọi Bạch Đằng
    Mỗi chúng ta là một ngọn chông
    Trái tim vót nhọn lửa căm hờn


    (Tổ quốc không thể nào mất biển – Trịnh Sơn)

    Câu 1. Xác định thể thơ, phương thức biểu chính đạt được sử dụng trong bài thơ.

    Câu 2. Tìm trong bài 2 câu thơ biểu đạt sự hi sinh của người dân Việt Nam để bảo vệ biển.

    Câu 3.
    Xác định 2 biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ, phân tích tác dụng.

    Câu 4.
    Anh/chị hiểu 2 câu thơ: "Nếu một ngày Tổ quốc không còn biển/ Mọi dòng sông chung tên gọi Bạch Đằng" như thế nào? Hai câu thơ khơi dậy truyền thống gì của dân tộc?

    II. LÀM VĂN

    Câu 1.
    Từ bài thơ phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày trách nhiệm của bản thân nếu một ngày Tổ quốc không còn biển.

    Câu 2.

    "Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:
    – Giá như tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc , ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối...
    -Lão ta trước hồi bảy nhăm cỏ đi lính ngụy không?-Tôi bỗng hỏi một câu như lạc đề.
    -Không chú à cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính – bỗng mụ đỏ mặt – nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.
    – Vậy sao không lên bờ mà ở – Đẩu hỏi.
    – Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!
    – Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? – Tôi hỏi.
    – Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu... Giá mà lão uống rượu... thì tôi còn đỡ khổ... Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão... đưa tôi lên bờ mà đánh...
    – Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! – Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên.
    – Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông...
    – Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, – bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, – trên thuyền phải có một người đàn ông... dù hắn man rợ, tàn bạo?
    – Phải – Người đàn bà đáp – Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú?
    Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:
    – Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! – Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.
    – Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? -Đột nhiên tôi hỏi.
    – Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no..."

    Trích Chiếc thuyền ngoài xa- Nguyễn Minh Châu , Ngữ Văn 12 , Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam , 2015, tr.75-76


    Cảm nhận của anh chị về nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên. Từ đó, bình luận ngắn gọn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyên Minh Châu trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.
     
    Last edited by a moderator: 9 Tháng năm 2021
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Gợi ý làm bài:

    Phần I. Đọc hiểu
    Câu 1.
    - Thể thơ: tự do
    - Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm
    Câu 2. Hai câu thơ biểu đạt sự hi sinh của người dân Việt Nam để bảo vệ biển:
    Dải lụa đào nhuộm máu người hóa thành vuông khăn trắng
    Ta tự hào vùi thân đắp nấm mồ dòng giống

    Câu 3. Hai biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ:
    - Phép điệp:
    + Điệp cấu trúc:
    Cấu trúc "Nếu một ngày Tổ quốc không còn biển" lặp lại 3 lần.
    Cấu trúc "Đứng lên mau/ Bước đi mau" lặp lại 2 lần.
    Tác dụng:
    * Tạo nhịp điệu khi da diết, khi hào hùng, hối hả cho lời thơ.
    * Nhấn mạnh giả thiết đau lòng về sự mất chủ quyền biển đảo, đồng thời khiến cho lời kêu gọi, hiệu triệu thêm giục giã, cấp thiết – đánh thức ý thức trách nhiệm của nhân dân với đất nước.

    + Ẩn dụ: "Sông Hồng chảy về đâu/ Sông Gianh sẽ về đâu/ Cửu Long biết về đâu"
    Tác dụng:
    * Mượn hình ảnh những dòng sông không biết chảy về đâu, tác giả muốn nói đến tình cảnh vô định, mất phương hướng... của con người nếu một ngày chủ quyền biển đảo, cũng là chủ quyền đất nước không còn.
    * Khiến lời thơ thêm hàm súc, gợi nhiều liên tưởng sâu xa.

    Câu 4.
    - Hai câu thơ: "Nếu một ngày Tổ quốc không còn biển/ Mọi dòng sông chung tên gọi Bạch Đằng" có thể hiểu: Nếu một ngày không còn chủ quyền biển đảo, mỗi dòng sông đều sẽ hóa thành dòng sông Bạch Đằng hào hùng trong lịch sử thời Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Quốc Tuấn. Hai câu thơ khẳng định ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ chủ quyền của dân tộc ta.
    - Hai câu thơ khơi dậy truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc.

    Phần II. Làm văn
    Câu 1.
    NLXH: trách nhiệm của bản thân nếu một ngày Tổ quốc không còn biển.
    - Mỗi chúng ta cần phải có những suy nghĩ đúng đắn, hành động thiết thực để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên biển: dũng cảm, mưu trí, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, sẵn sàng hy sinh xương máu, kiên quyết đứng lên bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ là lực lượng kiểm ngư; hay thanh niên ở các địa phương ven biển, huyện đảo tích cực tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ để vừa tham gia sản xuất, khai thác hải sản, vừa làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên biển.
    - Bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền, mỗi chúng ta cần phải tiếp tục gìn giữ và phát triển những tiềm năng của biển đảo Việt Nam, để Việt Nam có thể làm giàu từ biển, mạnh về biển, củng cố vị trí của Việt Nam giữa các quốc gia trên thế giới để sớm đưa đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, sánh vai với cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

    Câu 2. (Riêng phần này nguồn tài liệu được trích từ trang web của THS. Phan Danh Hiếu)
    I. Mở bài:
    II Thân bài:

    1. Ý khái quát:
    - Tác giả Nguyễn Minh Châu
    – Xuất xứ tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
    – Tóm tắt ngắn gọn hình tượng người đàn bà hàng chài: Sau phát hiện về cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh mang lại từ chiếc thuyền ngoài xa, Phùng đã kinh ngạc, chết lặng trước cảnh bạo lực gia đình mà những nhân vật chính ấy lại chính là những con người sống trong chiếc thuyền đẹp đẽ kia. Sau đó Phùng trở thành nhân chứng bất đắc dĩ tại tòa án huyện. Tại đây anh đã chứng kiến câu chuyện của người đàn bà hàng chài. Câu chuyện của chị giúp anh ngộ ra rất nhiều điều.

    2. Cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài qua đoạn trích
    2.1. Trong tác phẩm và đoạn trích, người đàn bà hàng chài hiện lên là hình ảnh của con người vô danh với số phận bất hạnh:
    – Nỗi khổ vô hạn vì nghèo túng – đông con – thuyền chật: "ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối..." (Phân tích mở rộng ngoài đoạn trích: cuộc sống lam lũ, khó nhọc, vất vả hằn in lên vóc dáng của người đàn bà: khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng để kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ; lưng áo bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng)
    – Bị cái xấu đeo đuổi: từ nhỏ tôi đã là một đứa con gái xấu; cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt...
    – Nỗi khổ cùng cực vì bị chồng hành hạ thường xuyên, là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nhưng đớn đau thay – kẻ gây ra bạo lực lại chính là người chồng mà chị yêu thương: "Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu..."; "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng".
    * Chuyển đoạn: Vượt lên trên số phận bi kịch, người phụ nữ vô danh ấy vẫn tỏa sáng cho đời bao vẻ đẹp lấp lánh. Bên ngoài chị giống như viên ngọc thô lấm láp nhưng trong chiều sâu nhân bản lại là viên ngọc quý ánh lên một tâm hồn cao thượng, đẹp đẽ.

    2.2. Vẻ đẹp tâm hồn của người đàn bà hàng chài trước hết là vẻ đẹp của người vợ hiền thảo, nhân hậu, bao dung, vị tha độ lượng.
    – Người vợ ấy nhận hết mọi thiệt thòi về mình: nhận mình xấu, trót có mang; nhận mình khổ là do "cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật". Vì thế nên gánh lấy cái khổ, chịu khổ như một thói quen, một định mệnh mà mình phải gánh lấy. Thầy Phan Danh Hiếu
    – Dù được Đẩu gợi ý ly hôn để thoát cảnh bạo hành nhưng người đàn bà một mực không đồng ý: Trước đó khi mới tới tòa án huyện, chị tha thiết van xin: "Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó". Trong đoạn trích này chị lại thêm một lần tha thiết: "Các chú đừng bắt tôi bỏ nó".
    – Sâu xa của lý do không bỏ chồng chính là sự nhân hậu, độ lượng, bao dung của chị.
    + Chị thấu hiểu bản chất của chồng: "lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi". Hắn đã từng chấp nhận cảnh "nghèo khổ, túng quẫn" vì trốn đi lính cho ngụy. Sống nghèo khổ, túng quẫn chứ không bao giờ chấp nhận cầm súng để bắn vào đồng bào mình. Vậy, bản chất người chống ấy là tốt.
    + Chị nhìn chồng mình không phải là phạm nhân mà là nạn nhân. Chính sự thất học, đói nghèo, lam lũ đã tạo ra người đàn ông độc ác ấy. Hắn là nạn nhân của cuộc sống đói nghèo, cơ cực do hậu quả của chiến tranh để lại.

    2.3. Phía sau sự thất học, lam lũ là người phụ nữ thâm trầm, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời.
    Sau khi lấy lại được sự bình tĩnh, người đàn bà đột ngột thay đổi cách xưng hô: chị và các chú. Sự thay đổi này thể hiện tâm thế chủ động ở chị, sự bản lĩnh, sự từng trải.
    + Chị lên án sự ngây thơ của Đẩu và Phùng trong cách nhìn nhận vấn đề: "Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông...". Muốn hiểu được người khác, đầu tiên phải từ bỏ cách nhìn phiến diện, một chiều, phải đặt mình vào hoàn cảnh người khác.
    + Lý giải việc không bỏ chồng, chị đã thổ lộ: "đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa.". Cần người đàn ông, vì đàn ông là trụ cột, họ làm ăn và nuôi con; họ chèo chống gia đình. Bởi vậy, dù hắn man rợ, độc ác vẫn phải chịu. Cái lý do tưởng như ngớ ngẩn nhưng sâu xa trong đó là cả biết bao nhiêu điều khiến ta phải suy ngẫm.

    2.4. Vượt lên trên tất cả, người đàn bà hàng chài là người mẹ giàu đức hi sinh, giàu tình mẫu tử tha thiết, thiêng liêng, cảm động.
    Chị ý thức sâu sắc thiên chức làm mẹ mà ông trời đã ban cho sứ mệnh: đẻ con và nuôi con; sống vì con: "Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!". Đó là tấm lòng hi sinh vì con.
    – Thương con, sợ con bị tổn thương tinh thần, chị đã xin lão chồng "có đánh thì đưa tôi lên bờ mà đánh". Chị dứt ruột gửi thằng Phác – đứa con mà chị yêu thương nhất lên rừng ở với ông ngoại nó. Bởi chị sợ thằng Phác lớn lên ở đây nhân cách nó sẽ phát triển lệch lạc vì nhiễm thói bạo lực từ người cha của nó. Tình thương con ở chị gắn liền với lý trí.
    – Chị lấy con làm niềm vui, lấy gia đình làm điểm tựa để vượt lên số phận nghiệt ngã của chính mình: "Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ." Chị góp nhặt niềm vui dù là bé nhỏ để bù đắp lên những cơ cực cuộc đời: "Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no..."

    2.5. Cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn

    – Nhìn con người, cuộc sống ở góc nhìn đa chiều, quan tâm đến số phận cá nhân con người – nhất là con người lao động vất vả, lam lũ sau chiến tranh.
    – Sau chiến tranh, cuộc sống con người vẫn còn nhiều những khó khăn, gian khổ: cái nghèo, cái đói chi phối cuộc sống của con người. Bởi vậy vấn đề cần thiết đặt ra là phải làm sao cho cuộc sống ấy ngày càng tốt đẹp hơn.

    2.6. Nghệ thuật
    – Trần thuật hấp dẫn, khách quan. Tình huống truyện độc đáo, bất ngờ. Tâm lý nhân vật được miêu tả tinh tế, chân thực. Ngôn ngữ mộc mạc, gian dị, chắt lọc.

    III. Kết bài
    Khẳng định: Người đàn bà hàng chài chính là "Cái hạt ngọc" ẩn giấu nơi bề sâu tâm hồn con người.
     
    LieuDuong, Admin, Hổ Béo14 người khác thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...