Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 16 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong đoạn:

    "Bà lão phấp phỏng bước theo con vào nhà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn. Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ? Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bài lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải. Bà lão nhìn kĩ người đàn bà lần nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay đầu lại

    Nhìn con tỏ ý không hiểu.

    Tràng tươi cười:

    – Thì u hẵng vào ngồi lên giường lên giếc chĩnh chện cái đã nào.

    Bà lão lập cập bước vào. Người đàn bà tưởng bà lão già cả, điếc lác, thị cất tiếng chào lần nữa:

    – U đã về ạ!

    Ô hay, thế là thế nào nhỉ? Bà lão băn khoăn ngồi xuống giường. Tràng nhắc mẹ:

    – Kìa nhà tôi nó chào u.

    Thấy mẹ vẫn chưa hiểu, hắn bước lại gần nói tiếp:

    – Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau.. Chẳng qua nó cũng là cái số cả..

    Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì.. Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt.. Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.

    Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được.. Thôi thì bổn phận là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con.. May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?

    Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với" nàng dâu mới ":

    – Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng..

    Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:

    – Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá.. Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau.

    Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa những dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?

    – Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân.

    Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi. Người đàn bà khẽ nhúc nhích, thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ. Bà lão hạ thấp giọng xuống thân mật:

    – Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá..

    Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng."

    (Trích Vợ nhặt – Kim Lân -Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 28-29)​

    Từ đó, nêu cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn nhân vật bà cụ Tứ.

    [​IMG]

    Bài cơ bản, ngắn gọn:

    Kim Lân là cây bút truyện ngắn xuất sắc trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Am hiểu cuộc sống nông thôn, gắn bó với nông thôn bằng tình cảm và tâm hồn của con người vốn là "con đẻ của đồng ruộng" nên Kim Lân đặc biệt thành công khi viết về người quê, cảnh quê, về thế giới tâm hồn của những người dân quê hồn hậu chất phác. "Vợ nhặt" là một trong những thiên truyện xuất sắc nhất của đời văn Kim Lân. Đây là tác phẩm rất giàu giá trị hiện thực và chứa chan tinh thần nhân đạo. Một trong những nét độc đáo nghệ thuật của truyện chính là bút lực phân tích tâm lí sắc sảo của nhà văn. Ngòi bút ấy thực sự "thăng hoa" khi Kim Lân miêu tả tâm trạng bà cụ Tứ trong tình huống "nhặt vợ" của con trai mình.

    Kim Lân (1920 – 2007), tên thật là Nguyễn Văn Tài. Giống như tên gọi, ông là người có tài và đã phát lộ tài năng ở lĩnh vực văn chương mặc dù sự nghiệp học hành phải dang dở vì nhà nghèo. Bắt đầu viết văn và có tác phẩm đăng báo từ những năm 1941-1944, Kim Lân được coi là nhà văn thành công về đề tài nông thôn với những con người bé nhỏ và cam phận, những vẻ đẹp chân quê bình dị và những phong tục tập quán độc đáo của làng quê Bắc bộ. Từng trang viết của nhà văn sinh ra từ đồng ruộng này đều như mang trong đó mùi của rơm rạ, khói bếp, lúa đồng, mùi của cuộc sống nông thôn cơ cực, nhọc nhằn..

    "Vợ nhặt" được viết lên mang cái tình của Kim Lân dành cho những người nông dân nghèo khổ, lam lũ mà chất phác, yêu đời. Nhân vật chính của truyện là anh cu Tràng. Hắn là một anh chàng kéo xe thuê nghèo khổ, lại là dân ngụ cư. Gia cảnh Tràng neo đơn, nhà chỉ còn hai mẹ con nương tựa vào nhau. Hắn có ngoại hình xấu xí, thô kệch, tính tình lại có chút ngốc nghếch. Giữa những ngày đói khủng khiếp của năm Ất Dậu, hắn bỗng dưng "nhặt" được vợ chỉ qua hai lần gặp gỡ và mấy bát bánh đúc. Hắn đưa vợ về nhà trong sự ái ngại những người dân xóm ngụ cư, trong trạng thái ngạc nhiên, ngỡ ngàng của bà mẹ hắn – bà cụ Tứ.

    Trong ba nhân vật của truyện, thì cụ Tứ là người già cả nhất, xuất hiện muộn nhất, nhưng lại là nhân vật khiến cho vẻ đẹp của tình người, vẻ đẹp của đạo lí, vẻ đẹp của tinh thần lạc quan.. tỏa sáng hơn cả. Với nhan đề "Vợ nhặt", truyện có thể kết thúc ở chi tiết Tràng dẫn người vợ về nhà. Nhưng sự phát triển phần sau của truyện với sự xuất hiện của bà cụ Tứ đã khiến cho tác phẩm thêm chiều sâu lớn lao về giá trị tư tưởng.

    Cuộc sống của hai mẹ con nghèo khổ quá, nên bà cụ Tứ luôn day dứt, khổ tâm vì không lo nổi vợ cho con. Vậy mà bây giờ, con bà lại bất ngờ đem về một người đàn bà lạ. Tình huống lạ lùng, éo le ấy đã khiến cho người mẹ nghèo trải qua một cơn "chấn động" tâm lí phức tạp. Nhà văn đã miêu tả quá trình tâm lí của bà cụ Tứ diễn biến theo một đường gấp khúc phù hợp với niềm trắc ẩn của một người mẹ già từng trải và nhân hậu.

    Nhìn thấy người đàn bà lạ trong nhà mình, bà cụ Tứ vô cùng ngạc nhiên, sửng sốt, bà lão "đứng sững lại". Trong tâm trí bà cụ, hàng loạt câu hỏi dồn dập vang lên: "Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?". Bà cụ dường như không tin vào tai, vào mắt mình. Bà tưởng mình già cả, điếc lác nên bà hấp háy con mắt cho đỡ nhoèn rồi "lập cập" bước vào nhà. Lại nghe một tiếng chào "U đã về ạ!" Nữa, bà lão "băn khoăn" ngồi xuống giường, lòng bà phân vân không kể xiết!

    Những câu hỏi quay cuồng trong óc bà cụ đã cho thấy tâm trạng sửng sốt cao độ của người mẹ nghèo trước nghịch cảnh éo le. Hoàn cảnh quá bi đát đã khiến cho bà cụ không dám tin con mình có vợ dù đó là sự thật. Theo logic thông thường thì vào lúc người chết đói đầy đường, nuôi thân chẳng nổi, ai còn dám nghĩ đến chuyện lấy vợ? Hơn nữa con trai bà vốn nghèo khổ, lại xấu xí, ngờ nghệch, ai lại dám theo?

    Sau những giây phút sửng sốt ban đầu, khi nghe Tràng "giới thiệu" người khách lạ, bà cụ Tứ đã hiểu ra cơ sự: "Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi". Bà hiểu con trai mình vừa lấy được vợ đấy. Bà cũng hiểu, bình thường anh trai ấy chẳng thể lấy nổi vợ đâu, chỉ khi bị cái đói khát khổ sở rượt đuổi, mới có người đàn bà xa lạ theo không con trai mình. Cái "cúi đầu nín lặng" của bà vì thế chất chứa bao nhận thức chua xót mà bà vừa "ngộ" ra trong đầu.

    Giữa lúc con bà không thể lấy vợ mà bỗng dưng có vợ, lẽ ra bà phải mừng vui chứ. Nhưng thay vì vui sướng ngay tức khắc, bà lão đã trải qua quá trình tâm lí phức tạp, tâm trí bà xáo trộn bao nỗi niềm vừa buồn tủi, vừa ai oán, vừa xót thương: "Lòng người mẹ già nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi! Người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì..". Bà cụ Tứ nghĩ đến gia cảnh mà chạnh lòng. Lòng bà dấy lên niềm thương con vô hạn, bà thương con lấy vợ trong cảnh đói, chứ chẳng được như "người ta", nên chẳng thể lấy vợ với lễ nghi đàng hoàng, tử tế mà phải lấy theo kiểu "nhặt". Không lo nổi một đám cưới cho con dù chỉ dăm ba mâm, bà tủi phận nghèo của mình nhiều lắm, bà tự trách mình trong chua xót "còn mình thì..". Một đời người trải qua nhiều đau khổ, mất mát, cay đắng, bà lấy làm xót xa, thấy mình làm mẹ mà không tròn bổn phận với con. Biết bao cay đắng, tủi hờn dâng lên trong lòng người mẹ nghèo đã kết tinh thành những dòng nước mắt. "Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt..". Nước mắt người già vốn hiếm hoi, bà đã khóc cả đời trong đau khổ, giờ đây, nỗi khổ tâm lần nữa dấy lên, không ngăn nổi những dòng nước mắt hiếm hoi cuối cùng ấy.

    Con bà lấy vợ trong cảnh đói, nỗi lo âu đã chặn đứng dòng suy nghĩ của bà cụ: "Chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?". Bà lo, bởi đâykhông phải là cơn đói khát mùa vụ, mà nó đã tràn đến như thác lũ có thể cuốn phăng mọi cuộc đời, mọi số phận đến bờ vực thẳm của cái chết. Làm sao không lo lắng, khi ngày nào người đi chợ hay đi làm đồng cũng bắt gặp vài ba cái thây nằm còng queo bên dệ đường. Đâu đâu cũng nghe thấy tiếng hờ khóc tỉ tê, tiếng quạ gào lên từng hồi thê thiết.. Bởi lo lắng, nên bà lão chưa thể vui ngay với niềm vui của con trai: "Bà lão khẽ thở dài". Người già, chẳng phải vẫn thường suy nghĩ, thấu lẽ đời hơn con trẻ đấy thôi.

    Hình như sự từng trải của người già đã mách bảo bà rằng mối duyên kiếp này là không nên có, nhưng dù muốn hay không thì người con dâu cũng đã đứng ở phía trước, mặt cúi xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt, và tình thương đã dâng lên, suy nghĩ của bà từ đây cũng đổi hướng: Biết đâu cuộc hôn nhân này lại là một cơ may?

    Tuy mặc cảm cho số phận, bà chợt nghĩ đến cái may của gia đình mình: "Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình, mà con mình mới có vợ được". Hạnh phúc đến với tuổi già quá lớn lao và đột ngột! Niềm vui xôn xao dậy lên trong lòng người mẹ già nghèo khổ. Vượt qua mọi tục lệ, bà vui mừng cho con trai vì từ nay con trai bà đã có vợ. Người mẹ nào chẳng vui khi con mình yên bề gia thất?

    Không chỉ hân hoan vì hạnh phúc của con trai, bà còn vui vẻ đón nhận nàng dâu mới bằng tấm lòng đầy thương cảm. Nếu người dân xóm ngụ cư thấy thị là món nợ đèo bòng, bà cụ Tứ cũng có giây phút nghĩ đến nhà thêm một miệng ăn nhưng vượt lên trên hết, cảm xúc mà bà dành cho người vợ của Tràng là sự thương xót, cảm thông và không hề xa lánh. Vậy nên, mỗi cử chỉ, lời nói của bà rất dịu dàng, âu yếm. Bà gọi người đàn bà xa lạ là "con" rồi xưng "..."

    Một cách thân tình, ruột thịt: "Ừ! Thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng". Bà vô cùng nhân hậu khi nói đến cuộc hôn nhân này là do các con bà "phải duyên phải kiếp với nhau" chứ không phải người con dâu đã theo không con trai bà về. Bà đã nghĩ đến và tránh sự tủi phận cho con dâu bằng cả tấm lòng vị tha như thế.

    Mẫu tử tình thâm! Lòng mẹ già đối với con trai và nàng dâu thật là cảm động.

    Bà lão đã động viên con và nàng dâu bằng niềm hi vọng vào cái ngày: "Rồi may ra mà ông trời cho khá.. Biết thế nào hở con, ai giầu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau".. Bà đã mang cái quy luật vận động của cuộc đời và số phận ra để trấn an các con. Không thể cho các con vật chất, nhưng bà mang đến cho các con niềm tin vào tương lai tươi sáng.

    Song bà hiểu hơn ai hết, sự đổi phận mà phụ thuộc vào "ông trời" quả thật rất mong manh, hiện thực lại quá thê thảm, nên bà cụ Tứ cũng không thể có được niềm vui trọn vẹn. Nỗi lo âu, buồn tủi lại phủ bóng tối lên đôi mắt của bà. Bà nghĩ đến những người thân đã chết, nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình, nghĩ đến tương lai đầy bất trắc của vợ chồng Tràng: "Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá..". Tình thương và nỗi đau lại bóp nghẹt trái tim của bà mẹ, khiến "Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng".

    Nghịch cảnh éo le của cuộc hôn nhân đã khiến cho bà cụ Tứ rơi vào chấn động tâm lí lớn. Miêu tả diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ, Kim Lân đã khẳng định biệt tài phân tích tâm lí nhân vật một cách chân thật và sâu sắc, cảm động. Nhà văn không miêu tả sự phát triển tâm lí của nhân vật theo đường thẳng, mà là những trạng thái phức tạp, gấp khúc. Ông cũng không chỉ khắc họa tâm trạng ấy thông qua hành động, lời lẽ, cử chỉ bền ngoài mà còn nhập thân vào nhân vật. Nhờ vậy, hình ảnh bà cụ Tứ hiện lên chân thực hơn, phù hợp với những nỗi niềm trắc ẩn trong chiều sâu riêng của người già từng trải và giàu tình yêu thương.

    Chiều sâu tâm lí của nhân vật bà cụ Tứ đã nói lên những phẩm chất tốt đẹp của người mẹ này. Đó là tình mẫu tử cao cả, thiêng liêng, đặc biệt là lòng thương người như thể thương thân, lòng nhân hậu, vị tha và nghị lực sống phi thường.

    Trước hết, đó là vẻ đẹp của tấm lòng nhân hậu, bao dung. Lòng bà luôn chan chứa tình yêu thương dành cho các con, bà có những ứng xử chân thành, đầy tình nghĩa đối với cả con trai và con dâu. Người mẹ nghèo khổ ấy đã không vì cái đói, cái cực của kiếp người tha hương cầu thực mà chai sạn tâm hồn, dửng dưng, vô cảm với tình cảnh khốn cùng của người khác. Bà đã vượt qua những nghi lễ thông thường, đồng ý cho người đàn bà xa lạ làm con dâu mình và còn thấy thương xót, thấu hiểu cho hoàn cảnh của người đàn bà ấy.

    Chẳng những thế, người mẹ ấy dù trong mọi hoàn cảnh dù khắc nghiệt nhất, đáng buồn tủi nhất vẫn cố gắng xua tan những buồn lo để vui sống, khơi lên ngọn lửa niềm tin và hi vọng cho con cái, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chãi cho các con. Đây chính là điều khiến ta bất ngờ nhất khi đọc truyện. Bởi trong ba nhân vật, người hi vong vào tương lai nhiều hơn cả là bà cụ Tứ. Điều ấy tưởng như trái với quy luật tâm lí người đời từng tổng kết: Tuổi trẻ hay hướng đến tương lai còn người già hay nhìn về quá khứ. Vậy mà người mẹ già lọng khọng gần đất xa trời này lại là người sống cho con và cũng hi vọng cho con.

    Qua việc miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân còn bộc lộ niềm cảm thông sâu sắc trước hiện thực thê thảm của người nông dân trong nạn đói. Đồng thời nhà văn cũng trân trọng, nâng niu từng vẻ đẹp tâm hồn của họ. Điều này có tác dụng to lớn trong việc khắc họa rõ nét giá trị nhân văn của tác phẩm: Cho dù phải sống trong một tình thế hết sức bi đát, bà cụ Tứ nói riêng và những người lao động nói chung vẫn hướng đến tương lai, vẫn khát khao một mái ấm gia đình, vẫn gắn bó bao bọc lẫn nhau bằng tình thương, lòng nhân ái.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng năm 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...