Đề Bài Ôn Tập Ngữ Văn 12 Tham Khảo - Đề 7

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 27 Tháng tư 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906
    Trên mạng xã hội, các thầy cô, các bạn học sinh có thể dễ dàng tìm thấy những đề bài, đáp án có sẵn cho những đề ôn tập, ôn thi môn Ngữ văn 12 . Kho đề là vô cùng, tuy nhiên, khá ít đề mới. Trong các bài viết của mình, tôi xin giới thiệu đến các thầy cô, các bạn học sinh những đề bài mới do tôi tự biên soạn. Các thầy cô, các bạn học sinh quan tâm thì tham khảo, sử dụng. Gợi ý làm bài các thầy cô và các bạn HS vui lòng tham khảo ở phần bình luận phía dưới.

    [​IMG]

    Đề Bài Ôn Tập Ngữ Văn 12 Tham Khảo - Đề 7

    I. ĐỌC HIỂU

    Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:


    Đôi khi thất vọng sẽ đến. Điều này xảy ra cho tất cả mọi người. Ta cố gắng hết sức, trung thành với giấc mơ và theo đuổi lý tưởng. Thế mà chẳng có gì xảy ra. Hoặc dường như là vậy. Nhưng mọi lựa chọn đều giá trị. Mọi bước đi đều quan trọng. Cuộc sống vẫn diễn ra theo cách của nó, không phải theo cách của ta. Hãy kiên nhẫn. Tin tưởng. Hãy giống như người thợ cắt đá, đều đặn từng nhịp, ngày qua ngày. Cuối cùng, một nhát cắt duy nhất sẽ phá vỡ tảng đá và lộ ra viên kim cương. Người tràn đầy nhiệt huyết và tận tâm với việc mình làm không bao giờ bị chối bỏ. Sự thật là thế.

    Steve Martin cho tôi một ý tưởng sâu sắc. "Hãy giỏi đến mức người ta không thể ngó lơ bạn." Chuyên gia quản trị Peter Drucker cũng nhận xét gần như vậy khi cho rằng: "Hoặc giỏi hoặc ra rìa." Hãy áp dụng triết lý này trong công việc. Trong gia đình. Trong cộng đồng. Trong thế giới của bạn. Hãy can đảm trình diễn năng khiếu để chúng mang lại những phần thuởng tuyệt vời.

    (Trích "Đời ngắn lắm, đừng ngủ dài" - Robin Sharma)

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Tác giả đã so sánh việc kiên trì, theo đuổi giấc mơ, lí tưởng với hình ảnh nào? Sự so sánh ấy tạo nên hiệu quả nghệ thuật gì?

    Câu 3. Anh/chị hiểu câu: "Hãy giỏi đến mức người ta không thể ngó lơ bạn." như thế nào?

    Câu 4. Bài học anh/ chị tâm đắc nhất từ đoạn trích trên là gì? Vì sao?

    II. LÀM VĂN

    Câu 1.
    Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về: Phần thưởng tuyệt vời phía sau sự "can đảm trình diễn năng khiếu".

    Câu 2. Phân tích hình tượng nhân vật Mị trong đoạn văn sau (trích truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài). Từ đó, bình luận ngắn gọn về nét đặc sắc trong cách miêu tả nhân vật của Tô Hoài.

    ".. Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.

    Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi".

    Gợi ý làm bài bên dưới..
     
    LieuDuong, Admin, Hổ Béo16 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng một 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906
    GỢI Ý LÀM BÀI

    I. ĐỌC HIỂU

    Câu 1.
    Xác định phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

    Câu 2. Tác giả đã so sánh việc kiên trì, theo đuổi giấc mơ, lí tưởng với hình ảnh: người thợ cắt đá, đều đặn từng nhịp, ngày qua ngày. Cuối cùng, một nhát cắt duy nhất sẽ phá vỡ tảng đá và lộ ra viên kim cương.

    Tác dụng của hình ảnh so sánh:

    - Tăng tình hình tượng, tính gợi cảm cho lời văn nghị luận

    - Nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiên trì: Kiên trì theo đuổi giấc mơ, lí tưởng nhất định sẽ có thành quả.

    Câu 3. Câu: "Hãy giỏi đến mức người ta không thể ngó lơ bạn." có thể hiểu: Hãy cố gắng nỗ lực không mệt mỏi, sẽ có ngày tài năng, sự cố gắng của bạn sẽ được ghi nhận, có ngày, người ta sẽ phải cần đến tài năng ấy của bạn.

    Câu 4. Bài học: Không ngừng cố gắng theo đuổi giấc mơ, lí tưởng. Bởi:

    + Đó là điều kiện để ta có được những thành quả trong cuộc sống.

    + Đó là cách để ta khẳng định bản thân, để mọi người công nhận giá trị, tài năng của ta, không "ngó lơ" ta..

    II. LÀM VĂN

    Câu 1. NLXH: Phần thưởng tuyệt vời phía sau sự "can đảm trình diễn năng khiếu".


    MĐ: Giới thiệu vấn đềnghị luận.

    TĐ:

    + Giải thích ngắn gọn: Can đảm trình diễn năng khiếu là gì? (thực chất là sự cố gắng, nỗ lực hết mình, sự khẳng định tài năng của bản thân)

    + Phân tích, bình luận, chứng minh:

    - Phần thưởng đó trước hết là sự trưởng thành của chính bản thân mình sau những cố gắng, nỗ lực.

    - Phần thưởng đó là sự ghi nhận, thậm chí trọng dụng, sự yêu mến, tin tưởng của mọi người.

    - Phần thưởng đó là những thành quả ngọt ngào mà ta đạt được.

    - Phần thưởng đó là niềm vui, là cuộc sống ý nghĩa ta nhận về..

    (dẫn chứng)

    + Bình luận phản đề: Nếu không cố gắng, nỗ lực khẳng định tài năng.. ta sẽ không có được những phần thưởng tuyệt vời đó.

    KĐ: Khẳng định lại ý nghĩa của sự nỗ lực, nêu bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

    Câu 2. NLVH. Tham khảo link: Phân tích nhân vật Mị trong đoạn văn: Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng một 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...