Đề Bài Ôn Tập Ngữ Văn 12 Tham Khảo mới nhất - 5 đề

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 30 Tháng năm 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 1
    SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO THÁI BÌNH
    TRUNG TÂM GDNN - GDTX ĐÔNG HƯNG
    ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ II
    NĂM HỌC 2020 - 2021

    MÔN : NGỮ VĂN 12

    Thời gian làm bài: 120 phút( không kể thời gian giao đề

    [​IMG]

    I.ĐỌC- HIỂU(3.0 điểm)
    Đọc đoạn trích:


    Lớn lên về thể chất là giấc mơ có thật của những thế hệ sinh ra trong rơm rạ đói nghèo,(...). Nhưng khi lớn lên về thể chất cũng là khi tôi dần biết về một giấc mơ khác nữa. Giấc mơ con người sẽ trưởng thành về nhân cách tâm hồn.

    Khi ta lớn, ta có thể chỉ biết về quyền của mình. Khi ta thực sự trưởng thành, ta mới biết về trách nhiệm của bản thân. Ta biết cho đi hơn là nhận lại. Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên. Ta biết rằng yêu thương người khác cũng chính là vỗ về tâm hồn của chính mình.

    Thử thách của tuổi mới lớn có thể chỉ đơn giản là một cú vật tay xem ai cơ bắp dẻo dai hơn. Em hãy thử đi xa hơn, bước tới những thử thách rằng ai cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng. Ai truyền đi những năng lượng tích cực mạnh mẽ hơn. Ai biết sống vì người khác, vì bạn bè còn gian khó, vì làng quê còn nghèo nàn, vì đất nước còn lạc hậu, vì dân tộc còn tụt lại phía sau.

    Mỗi ngày hãy nhìn thẳng vào phía Mặt Trời thiêu đốt và vạch những vạch đinh hằn mốc đánh dấu trưởng thành của mình theo cách cao thượng: cách trưởng thành khi em biết nghĩ về những điều dài rộng và biết sống vì người khác.
    (Trích Bút kí Sống như cây rừng, Hà Nhân, NXB Văn học, 2016, tr. 191)
    Thực hiện các yêu cầu:
    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên?

    Câu 2. Theo tác giả, biểu hiện của sự trưởng thành là gì?

    Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về ý kiến: Khi ta lớn, ta có thể chỉ biết về quyền của mình. Khi ta thực sự trưởng thành, ta mới biết về trách nhiệm của bản thân?


    Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với ý kiến: Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên? Vì sao?

    II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

    Câu 1 (2.0 điểm): Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc vượt qua những thử thách trong cuộc sống.

    Câu 2. (5.0 điểm)

    Cảm nhận của anh/chị về nhân vật bà cụ Tứ qua đoạn văn sau:

    Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.

    Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được... Thôi thì bổn phận bà làm mẹ, bà đã chẳng lo được cho con...May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?

    Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với "nàng dâu mới":

    - Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...


    Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:

    - Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau.


    Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?

    - Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân.


    Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi. Người đàn bà khẽ nhúc nhích, thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ. Bà lão hạ thấp giọng xuống thân mật:

    - Kể ra làm dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...

    (Trích Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam)
    Từ đó nhận xét về ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn Kim Lân.

    GỢI Ý LÀM BÀI

    Bấm để xem
    Đóng lại
    I. ĐỌC HIỂU
    Câu 1: - PTBĐ chính: Nghị luận
    Câu 2: Theo tác giả, biểu hiện của sự trưởng thành là:
    + Ta biết về trách nhiệm của bản thân.
    + Ta biết cho đi hơn là nhận lại.
    + Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên.
    + Ta biết rằng yêu thương người khác cũng chính là vỗ về tâm hồn của chính mình.

    Câu 3:
    Ý kiến: "Khi ta lớn, ta có thể chỉ biết về quyền của mình. Khi ta thực sự trưởng thành, ta mới biết về trách nhiệm của bản thân" được hiểu là:
    - Khi ta có thể chỉ biết về quyền của mình có nghĩa: có thể ta chỉ muốn đòi hỏi quyền lợi, muốn được nhận (mà chưa nghĩ đến cho), điều đó chứng tỏ ta mới chỉ lớn về thể chất, về tuổi tác chứ ta chưa trưởng thành.
    - Khi ta biết về trách nhiệm của bản thân ta sẽ phải sống có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh.
    -> Ý nghĩa của sự trưởng thành: vừa biết sống cho mình và sống vì người khác, dung hòa giữa quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm,...
    Câu 4: Học sinh tự do nêu quan điểm, có thể nêu theo 3 hướng:
    - Đồng tình và giải thích được vì sao đồng tình
    - Không đồng tình và giải thích được vì sao không đồng tình
    - Vừa đồng tình, vừa không đồng tình và giải thích được lí do.

    Đa số sẽ theo hướng đồng tình, gợi ý cụ thể:
    Đồng tình với quan điểm: Ta biết đi tình nguyện thực ra là để chính ta trưởng thành lên. Vì:
    + Khi ta biết tình nguyện tức là ta biết chia sẻ những khó khăn, những yêu thương. Đó là cách làm đầy thêm niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi người.
    + Tình nguyện bao giờ cũng gắn với hành động tự nguyện, sẽ làm cho cuộc sống xung quanh trở nên tốt đẹp có ý nghĩa hơn.
    + Bản thân trưởng thành cả trong trái tim và suy nghĩ, biết sống có trách nhiệm, biết thấu cảm với từng số phận, từng mảnh đời mà ta chứng kiến, trải qua, thêm yêu cuộc sống mình có, và trân trọng mọi điều mình có được.

    II. LÀM VĂN
    Câu 1.

    Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ suy nghĩ về về ý nghĩa của việc vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Có thể triển khai theo hướng sau:

    * Giải thích vấn đề:
    Những thử thách là điều không bao giờ thiếu trong cuộc sống của mỗi con người nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết vượt qua thử thách.
    - Thử thách: là những yếu tố gây khó khăn, cản trở đến việc thực hiện một công việc, một kế hoạch, một mục tiêu nào đó mà buộc con người ta phải vượt qua.
    - Vượt qua những thử thách: là quá trình con người dùng nghị lực, khả năng của chính mình để vượt qua những tình huống, những việc làm khó khăn, gian khổ nhằm đạt được thành công trong cuộc sống.

    * Bàn luận
    Con người luôn luôn phải đối diện với những thử thách trong cuộc sống, lao động, học tập và trong tất cả các mối quan hệ xã hội. Không có ai sống mà không phải đối diện với những thử thách trong cuộc đời.
    - Việc vượt qua thử thách có ý nghĩa rất lớn lao đối với cuộc sống của mỗi con người:
    + Mỗi lần vượt qua những thử thách là một lần chúng ta được trải nghiệm, giúp ta hình thành những bài học kinh nghiệm, bồi đắp vốn sống.
    + Thử thách và vượt qua thử thách khơi dậy những năng lực tiềm ẩn trong mỗi con người, giúp ta khám phá và khẳng định giá trị của bản thân.
    + Vượt qua thử thách góp phần tôi rèn bản lĩnh, hình thành những phẩm chất như: niềm tin, nghị lực, sự kiên trì, dũng cảm,... Từ đó, giúp con người trưởng thành hơn và có cơ hội thành công hơn, có thể đóng góp sức mình nhiều hơn cho cộng đồng và xã hội. ( Học sinh đưa ra được một vài dẫn chứng phù hợp)
    - Thực tế cuộc sống, có rất nhiều người đã vượt qua những thử thách để đến với thành công, góp phần thúc đẩy sự bình ổn, sự phát triển của xã hội.(có thể liên hệ với sự ứng xử tích cực của con người trước dịch Covid -19)
    - Phê phán những người gặp thử thách là nản lòng, chùn bước, không có ý chí vượt qua mọi gian nan, thử thách. (có thể liên hệ với sự ứng xử tiêu cực của 1 bộ phận nhân dân trước dịch Covid -19 đơn cử như thử thách nhỏ đeo khẩu trang, ở yên một chỗ, giãn cách xã hội)

    * Bài học nhận thức và hành động
    - Thử thách là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Con người cần phải biết đương đầu và vượt qua thử thách thì mới có thể tồn tại, phát triển và hướng tới thành công.
    - Cần tôi rèn ý chí, nghị lực;luôn luôn rèn luyện để có sức mạnh, cả về vật chất lẫn tinh thần; cần lạc quan và dũng cảm đối mặt với thử thách; biến khó khăn, thử thách thành cơ hội; cần dám nghĩ, dám làm và dám vượt qua những thử thách để thực hiện ước mơ và khát vọng.

    Câu 2.

    Mở bài:
    Vài nét về tác giả, tác phẩm, nhân vật.

    - Kim Lân thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và những con người dân quê lam lũ, hồn hậu, chất phác mà giàu tình thương yêu. "Vợ nhặt" là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông.
    - Nêu vấn đề cần nghị luận: Truyện khắc họa thành công nhân vật bà cụ Tứ - một người mẹ nghèo khổ nhưng giàu lòng yêu thương và tin tưởng vào cuộc sống. Điều đó được thể hiện rõ nét qua đoạn trích: "Bà lão cúi đầu nín lặng... nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng".

    Thân bài:
    *Khái quát tác phẩm và dẫn dắt đến đoạn trích cần phân tích.

    - Khái quát tác phẩm: Nạn đói năm 1945 đang hoành hành, người chết vì đói như ngả rạ, người đói nằm ngổn ngang khắp lều chợ; không khí vẩn mùỉ ẩm thối của xác người...
    - Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà lạ. Người đàn bà ấy chính là người "vợ nhặt " được Tràng nhặt về cưu mang.
    - Hành động đó của Tràng không chi khiến người dân trong xóm ngụ cư ngạc nhiên, bản thân Tràng ngạc nhiên mà bà cụ Tứ - mẹ của Tràng cũng rất đỗi ngạc nhiên. Và diễn biến tâm trạng của bà khi Tràng thưa chuyện đọng lại trong lòng người đọc thật nhiều cảm xúc.

    *Cảm nhận về nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích:

    Về nội dung:
    - Cuộc đời, số phận: nghèo khổ, bất hạnh (sống phận mẹ góa con côi ở xóm ngụ cư, con trai lại nhặt được vợ trong bối cảnh nạn đói khủng khiếp).
    -Tính cách, phẩm chất: giàu tình thương con; nhân hậu; nhạy cảm và từng trải; lạc quan, tin yêu vào cuộc sống.
    *Tình thương con và tấm lòng nhân hậu, bao dung của một người mẹ:
    - Trước cảnh "nhặt vợ" của Tràng, bà cụ Tứ "vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình". Bà hờn tủi cho thân mình đã không làm tròn bổn phận với con. Giọt nước mắt của cụ vừa ai oán, xót xa, buồn tủi vừa thấm đẫm tình yêu thương cụ dành cho con.
    - Bà đã chấp nhận nàng dâu không phải chỉ bằng tình mẫu tử mà lớn hơn đó là tình người, là sự cảm thông với chị vợ nhặt từ cái nhìn của người cùng giới, cùng là phụ nữ. Câu nói đầu tiên mà bà cụ Tứ dành cho chị vợ nhặt "Ừ thôi các con phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng". Lời nói của bà như trút đi biết bao gánh nặng tâm trạng đang đè nặng trong Tràng. Câu nói ấy của bà làm cuộc hôn nhân của Tràng và thị không còn là chuyện nhặt nhau ở đường và chợ nữa mà là duyên phận. Cách nói giản dị mà chan chứa tình người quả thực đã làm ấm lòng những số phận tội nghiệp.
    - Ân cần dặn dò, chỉ bảo các con yêu thương, hòa thuận với nhau, chăm chỉ làm ăn.
    * Niềm lạc quan, tin yêu cuộc sống:
    - Người mẹ nghèo ấy trong mọi hoàn cảnh dù khắc nghiệt nhất, đáng buồn tủi nhất vẫn cố gắng xua tan những buồn lo để vui sống, khơi lên ngọn lửa niềm tin và hi vọng cho con cái, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chãi cho các con.
    - Bà vui với triết lí dân gian giản dị mà sâu sắc: "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời".
    * Nỗi xót xa, lo lắng và thương con vô hạn:
    - Nhưng sau những lời động viên ấy, ta lại thấy Kim Lân để nhân vật bà cụ Tứ quay về với chính cuộc đời mình để mà lo lắng cho hạnh phúc thực tại của hai con. Điều mà bà lo không phải là "sự hợp nhau hay không hợp nhau" giữa hai người mà điều mà người mẹ ấy lo lắng đó là, cái đói đang đe dọa hạnh phúc của con bà.
    -Trong bóng tối, bà nghĩ về cuộc đời dài dằng dặc của đời mình, cuộc đời của những người thân để mà thấu hiểu, thương xót rồi "nghẹn lời", chỉ có dòng nước mắt chảy xuống ròng ròng. Hai lần người mẹ nghèo khổ phải quay đi, lén giấu những giọt nước mắt tủi buồn của mình. Đó chính là lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ Việt Nam, lúc nào cũng lo lắng, trăn trở, tất cả đều hi sinh vì con.

    Về nghệ thuật:
    -Nghệ thuật xây dựng nhân vật: đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo, éo le và cảm động;
    - Ngôn ngữ nhân vật có màu sắc riêng; nghệ thuật kể chuyện sinh động, tự nhiên.
    -Đặc biệt là ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế , sắc sảo và cảm động (nhận xét trong khoảng 7-10 dòng)

    * Đánh giá chung:
    - Nhân vật bà cụ Tứ là một hình tượng nghệ thuật độc đáo, thểhiện được chủ đề, tư tưởng của truyện ngắn.
    - Tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Kim Lân đã góp phần đưa tác phẩm Vợ nhặt trở thành một trong những kiệt tác của văn xuôi hiện đại Việt Nam:
    +Xót thương cho cuộc đời đau khổ, tủi nhục, thân phận rẻ rúng, bèo bọt, vô giá trị của người nông dân trong nạn đói năm 1945.
    + Tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít, phong kiến gây ra nạn đói, đẩy người nông dân đến bờ vực của cái đói, cái chết.
    + Phát hiện, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của người lao động: tình người cao đẹp, khát vọng hạnh phúc gia đình, lạc quan và tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống

    Kết bài:
    - Đánh giá về nội dung, nghệ thuật xây dựng nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích;
    - Bài học cuộc sống rút ra từ nhân vật ( tình thương người, ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc, lạc quan trong cuộc sống.[/ORG]

    Xem thêm các đề khác ở phần bình luận và bộ 10 đề mới:

    Đề Bài Ôn tập Ngữ văn 12 tham khảo mới - 5 Đề

    Đề Bài Ôn Tập Ngữ Văn 12 Tham Khảo Mới - 5 Đề
     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng mười hai 2021
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ BÀI ÔN TẬP NGỮ VĂN 12 MỚI NHẤT


    I. ĐỌC HIỂU: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
    Thù hận có thể khiến con người mờ mắt. Có người vì lời thề trả thù mà bất chấp cả sinh mệnh, phải trái, đúng sai. Nhưng điều đó chỉ khiến "oan oan tương báo" chẳng bao giờ dứt, hận thù sẽ chỉ nối dài bằng thù hận. "Có thù không trả không đáng mặt anh hùng" vốn chỉ là một lý luận cực đoan, hết sức cực đoan. Kẻ anh hùng thực sự thì lấy đức báo oán, vị tha, bao dung, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, dùng ân huệ để cởi bỏ thù hận.

    Nếu trong tâm mãi ôm giữ mối hận, bạn chẳng thể nào mong cầu một phút bình an, hạnh phúc. Dẫu kết liễu kẻ thù, rửa nhục báo oán được chăng nữa, liệu người ta có cảm thấy thoải mái hay lại chuốc thêm một nỗi sợ hãi khác: Sợ mình sẽ lại bị trả thù. Con người nếu chỉ biết đối đãi với nhau bằng bạo lực, hận thù, liệu thế giới này sẽ đi về đâu?

    Chỉ có tha thứ, bao dung mới là cách hoá giải những mối hận. Bao dung, tha thứ kẻ thù, trước hết là tự cứu vớt chính mình. Tâm oán hận là một con quái vật. Càng nuôi dưỡng nó nhiều, rồi sẽ có một ngày nó quay lại làm hại chính chúng ta. Lòng bao dung có thể giải trừ nó, tưới mát những mảnh hồn trước đó đã khô cằn vì thù hận, và giúp bạn thăng hoa.
    ( Theo: Văn Nhược - Đại kỷ nguyên, mang tới giá trị cuộc sống).


    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?
    Câu 2. Theo tác giả "Kẻ anh hùng thực sự" là kẻ như thế nào?
    Câu 3. Theo anh/chị tác giả thể hiện thái độ và tư tưởng gì trong câu văn"Con người nếu chỉ biết đối đãi với nhau bằng bạo lực, hận thù, liệu thế giới này sẽ đi về đâu?".
    Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm Oán thù nên cởi, không nên buộc không? Vì sao?

    II. LÀM VĂN
    Câu 1. Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của lòng vị tha, bao dung.
    Câu 2. Cảm nhận về đoạn thơ sau trong bài thơ "Tây Tiến" – Quang Dũng, từ đó nhận xét về sự đan cài giữa chất hiện thực và chất lãng mạn trong ngòi bút thơ Quang Dũng:

    "Sông mã xa rồi Tây Tiến ơi !
    Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
    Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
    Mường Lát hoa về trong đêm hơi
    Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
    Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
    Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
    Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
    Anh bạn dãi dầu không bước nữa
    Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
    Chiều chiều oai linh thác gầm thét
    Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
    Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi".


    GỢI Ý LÀM BÀI
    Bấm để xem
    Đóng lại
    I. ĐỌC HIỂU:
    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
    Câu 2. Theo tác giả kẻ anh hùng thự sự thường "Lấy đức báo oán, vị tha, bao dung, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, dùng ân huệ để cởi bỏ thù hận"
    Câu 3. Câu văn"Con người nếu chỉ biết đối đãi với nhau bằng bạo lực, hận thù, liệu thế giới này sẽ đi về đâu? "
    - Thái độ: Xót xa, lo lắng, trăn trở của người viết khi hình dung về vấn đề nếu con người sống chỉ biết đối xử với nhau bằng bạo lực, hận thù thì cuộc sống sẽ có nhiều mâu thuẫn, xung đột, chiến tranh sẽ xảy ra liên miên...
    - Tư tưởng: Kêu gọi mọi người cần phảihóa giải điều đó(bằng một giải pháp đó chính là sự tha thứ, bao dung)
    Câu 4. Gợi ý: Đồng tình vì: Nếu có oán thù mà luôn buộc chặt, lúc nào cũng có suy nghĩ tiêu cực tìm mọi cách để trả thù, để hại người khác...thì rất có thể chuốc vạ vào thân, có khi dẫn đến cảnh: gậy ông đập lưng ông. Vì vậy nên cần cởi bỏ thù hận để tâm hồn được an yên, thanh thản.

    II. LÀM VĂN:
    Câu 1. NLXH: ý nghĩa của lòng vị tha, bao dung.
    Tham khảo các ý chính:
    Đối với chính mình:
    - Vị tha, bao dung giúp ta không có những hành động, quyết định sai lầm, không làm tốn thương người khác.
    - Vị tha, bao dung khiến tâm hồn được an yên, thanh thản.
    - Vị tha, bao dung giúp ta nhận được tình cảm yêu mến của mọi người...
    Đối với người được nhận sự vị tha, bao dung:
    - Giúp họ không quá day dứt về lỗi lầm mà mình mắc phải.
    - Giúp cảm hóa con người: giúp họ nhìn nhận lại chính mình để sống tốt hơn.
    Đối với cộng đồng, xã hội:
    - Vị tha, bao dung giúp gắn kết các mối quan hệ, giúp người gần người hơn.
    - Vị tha, bao dung giúp xây dựng một xã hội văn minh, giàu tình nhân ái.
    Câu 2. Tham khảo link: Phân tích 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng
     
    Dana Lê, LieuDuong, ThuyTrang27 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười 2023
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    ĐỀ BÀI ÔN TẬP NGỮ VĂN 12 MỚI NHẤT

    ĐỀ 3

    I. ĐỌC HIỂU: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:


    Vì với những kinh nghiệm của mình, và kinh nghiệm của tất cả những người đã đi trước chúng ta, tôi biết rằng quãng đường gian khó không mãi kéo dài. Những khó khăn giúp làm nên câu chuyện của bạn. Cô gái có tuổi thơ bị ngược đãi trở thành người hoạt động tình nguyện tích cực vì quyền trẻ em, chàng trai từng tuyệt vọng đến mức muốn tự tử vì thất bại rồi trở thành doanh nhân thành công, một người từng viết câu nào sai chính tả câu nấy lại là một tác giả ăn khách sau những ngày tháng khổ luyện. Câu chuyện của bạn như thế nào là do bạn quyết định. Hãy viết lên câu chuyện của cuộc đời bạn.

    Vậy nên, bạn thân mến, đừng cầu nguyện để đời bạn không phải trải qua những nghịch cảnh, khó khăn. Mà cầu nguyện để bạn đủ sức lực để đương đầu với những sóng gió của cuộc đời. Hãy mỉm cười, nhìn lên bầu trời cao xa. Dù là ngày trời xanh nắng đẹp hay ngày mây mù âm u, thì bạn cũng sẽ không có cơ hội nhìn thấy bầu trời chính xác như thế này lần nữa. Ngày hôm nay trôi qua sẽ là mãi mãi không quay trở lại. Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Trong khi đó, thì đừng chìm trong những thất vọng của đời mình nhé.
    (Trích "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu" - Rosie Nguyễn)
    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
    Câu 2. Để làm sáng tỏ cho ý kiến: "Những khó khăn giúp làm nên câu chuyện của bạn", tác giả đã sử dụng thao tác lập luận gì? Tác dụng của việc sử dụng thao tác lập luận đó?
    Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả lại khuyên "đừng cầu nguyện để đời bạn không phải trải qua những nghịch cảnh, khó khăn. Mà cầu nguyện để bạn đủ sức lực để đương đầu với những sóng gió của cuộc đời."?
    Câu 4. Theo anh/chị, tác giả muốn khuyên mọi người cần có thái độ như thế nào đối với sóng gió cuộc đời qua câu: "Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Trong khi đó, thì đừng chìm trong những thất vọng của đời mình nhé."

    II. LÀM VĂN
    Câu 1. Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề: nếu ta cứ chìm mãi trong những thất vọng của đời mình.
    Câu 2. Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng:


    Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
    Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
    Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
    Rài rác biên cương mồ viễn xứ,
    Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,
    Áo bào thay chiếu anh về đất,
    Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

    (Tây Tiến, Quang Dũng)
    Từ đó nhận xét về cách nhìn của nhà thơ Quang Dũng về hiện thực chiến tranh.

    GỢI Ý LÀM BÀI
    Bấm để xem
    Đóng lại
    I. ĐỌC HIỂU
    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

    Câu 2.
    Để làm sáng tỏ cho ý kiến: "Những khó khăn giúp làm nên câu chuyện của bạn", tác giả đã sử dụng thao tác lập luận chứng minh - đưa ra các dẫn chứng về: Cô gái có tuổi thơ bị ngược đãi trở thành người hoạt động tình nguyện tích cực vì quyền trẻ em, chàng trai từng tuyệt vọng đến mức muốn tự tử vì thất bại rồi trở thành doanh nhân thành công, một người từng viết câu nào sai chính tả câu nấy lại là một tác giả ăn khách sau những ngày tháng khổ luyện.
    Tác dụng:
    - Tăng tính xác thực, tính thuyết phục cho lí lẽ, nhấn mạnh ý nghĩa của việc trải qua những gian khó trong cuộc đời.
    - Tăng tính sinh động, hấp dẫn cho sự diễn đạt.
    Câu 3. Tác giả khuyên "đừng cầu nguyện để đời bạn không phải trải qua những nghịch cảnh, khó khăn. Mà cầu nguyện để bạn đủ sức lực để đương đầu với những sóng gió của cuộc đời." vì:
    - Cuộc đời con người không thể lúc nào cũng mãi suôn sẻ, đối diện với khó khăn, nghịch cảnh là điều tất yếu.
    - Khi có đủ sức lực - sức mạnh về ý chí, tinh thần thì ta sẽ vượt qua được những khó khăn đó.
    Câu 4. Qua câu: "Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Trong khi đó, thì đừng chìm trong những thất vọng của đời mình nhé.", tác giả muốn khuyên mọi người cần bình tĩnh, lạc quan và có những suy nghĩ tích cực khi bắt gặp sóng gió trong cuộc đời. Vì chỉ như vậy, ta mới có đủ sức mạnh tinh thần vượt qua sóng gió và đi tiếp hành trình của mình.

    II. LÀM VĂN
    Câu 1. Tham khảo link: Đoạn NLXH: Tác hại của những suy nghĩ tiêu cực
    Câu 2. Tham khảo link: Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

     
    Dana Lê, LieuDuong, ThuyTrang23 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười 2023
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    ĐỀ BÀI ÔN TẬP NGỮ VĂN 12 MỚI NHẤT

    ĐỀ 4

    I. ĐỌC HIỂU: Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi:


    Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em
    Nhưng làm được những điều phi thường lắm
    Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm
    Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào.

    Em thấy không? Trong nỗi nhọc nhằn, vất vả, gian lao
    Khi dịch bệnh hiểm nguy đang ngày càng lan rộng
    Cả đất nước mình cùng đồng hành ra trận
    Trên dưới một lòng chống dịch thoát nguy.

    Với người láng giềng đang lúc lâm nguy
    Đất nước mình không ngại ngần tiếp tế
    Dù mình còn nghèo nhưng mình không thể
    Nhắm mắt làm ngơ khi ai đó cơ hàn.

    Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan
    Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại
    Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi
    Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường.

    Với chuyến du thuyền đang "khóc" giữa đại dương
    Mình mở cửa đón họ vào bến cảng
    Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn
    Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ.

    Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa
    "Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại"
    Chẳng có điều gì làm cho mình sợ hãi
    Khi trong mỗi người nhân ái được gọi tên.

    Từ mái trường này em sẽ lớn lên
    Sẽ khắc trong tim bóng hình đất nước
    Cô sẽ nối những nhịp cầu mơ ước
    Để em vẽ hình Tổ quốc ở trong tim.

    Nhớ nghe em, ta chẳng phải đi tìm
    Một đất nước ở đâu xa để yêu hết cả
    Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa
    Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam!

    (Đất nước ở trong tim, Chu Ngọc Thanh)

    Câu 1. Xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính của bài thơ.
    Câu 2. Từ bài thơ, anh/chị hãy kể tên những hành động nhân văn của "đất nước mình" trong đại dịch. Những hành động đó nói lên truyền thống gì của dân tộc ta?
    Câu 3. Hai câu thơ: "Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em/ Nhưng làm được những điều phi thường lắm" thể hiện tình cảm, thái độ gì của nhà thơ?
    Câu 4. Hai câu thơ "Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi/ Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường" gợi cho anh/chị cảm xúc và suy nghĩ gì ?

    II. LÀM VĂN
    Câu 1. Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề: sức mạnh của tình nghĩa đồng bào.
    Câu 2. Phân tích 2 khổ đầu bài thơ "Sóng" – Xuân Quỳnh, từ đó nhận xét về nét độc đáo của hình tượng sóng.


    GỢI Ý LÀM BÀI
    Bấm để xem
    Đóng lại
    I. ĐỌC HIỂU
    Câu 1. Thể thơ: tự do
    Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.
    Câu 2. Những hành động nhân văn đó là:
    - Sẵn sàng tiếp tế cho đất nước láng giềng.
    - Đón đồng bào từ vùng dịch về nước để không một ai bị bỏ lại phía sau.
    - Mở cảng đón thuyền gặp nạn.
    Những hành động đó thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc ta.
    Câu 3. Hai câu thơ thể hiện lòng yêu nước, thái độ khâm phục, tự hào, tin tưởng của nhà thơ trước những việc làm của Đảng, nhà nước đối với người dân và đất nước láng giềng.
    Câu 4. Hai câu thơ gợi tình cảm, suy nghĩ:
    - Tự hào, biết ơn những chiến sĩ, những con người sẵn sàng hi sinh, chịu thiệt thòi vì cộng đồng...
    - Bản thân thấy cần phải có tinh thần tương thân, tương ái, có trách nhiệm với cộng đồng, ít nhất là phải thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh...
    II. LÀM VĂN
    Câu 1. Tham khảo các ý:
    Sức mạnh của tình nghĩa đồng bào:
    - Tình nghĩa đồng bào đánh thức trong mỗi con người những tình cảm nhân văn, cao đẹp:
    + Khơi dậy lòng yêu đất nước, nhân dân.
    + Khơi dậy tinh thần đoàn kết, chung tay góp sức trong những sự nghiệp lớn lao của dân tộc, đặc biệt là sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ hòa bình đất nước.
    + Tình nghĩa đồng bào là sợi dây gắn kết con người với con người trong nước, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau vượt qua hoạn nạn, cơ hàn, vượt qua thiên tai, dịch bệnh...
    - Tình nghĩa đồng bào tạo nên sức mạnh dân tộc, góp phần xây dựng truyền thống văn hóa đất nước, xây dựng một xã hội nhân ái, văn minh, hòa bình, phát triển.
    Câu 2. Tham khảo link: Phân tích bốn khổ đầu bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh
     
    Dana Lê, LieuDuong, ThuyTrang22 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười 2023
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    ĐỀ BÀI ÔN TẬP NGỮ VĂN 12 MỚI NHẤT

    ĐỀ 5

    I. ĐỌC HIỂU: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:


    Cuối cùng, sự thật hai năm rõ mười phía sau những lời biện bạch là chúng chẳng thay đổi được gì cả.Chúng chẳng giải quyết được những vấn đề khó khăn mà chúng ta đang cố tránh né bằng cách vẽ nên những cái cớ êm tai. Cuộc sống vẫn như cũ. Nếu trước đó cuộc sống chỉ ở mức bình bình, thì nó vẫn tiếp tục giữ mức bình bình ấy. Như vậy, sự biện bạch chẳng khác gì chuẩn bị cho sự thất bại. Tệ hơn nữa, cứ mỗi lần viện đến nó là chúng ta tiến thêm một bước tới việc khiến cho nó trở thành một phần trong cuộc sống thực tế của mình.

    Shakespeare đã hiểu điều này hơn ai hết và đưa ra nguyên do thực sự để tránh không dùng đến những lời bào chữa, ông nói: "Thường xuyên biện bạch cho một lỗi lầm chỉ làm cho lỗi lầm đó thêm trầm trọng hơn".

    Ví dụ nếu bạn thường xuyên dùng đi dùng lại lời biện bạch cũ xì "Tôi chẳng rảnh được chút nào cả" để bào chữa cho việc bạn đã không làm điều cần phải làm, rồi cũng đến lúc bạn sẽ nhận ra rằng mình đã mất quyền làm chủ thời gian và cuộc sống của chính mình. Bạn bắt đầu một cuộc sống đối phó thụ động, nhảy chồm chồm từ chuyện khẩn cấp này sang chuyện vội vã khác, chẳng còn chút thời gian rảnh nào dành cho nhữngviệc thật sự có ý nghĩa trong cuộc đời mình. Mỗi lần bạn đưa ra lời biện bạch, hiệu lực của nó sẽ lớn hơn, và quen thuộc hơn. Cuối cùng đến một lúc nào đó, nó sẽ trở thành hiện thực của bạn. Thật ra những lời biện bạch là con đường dễ nhất để không phải đối mặt với kẻ thù tồi tệ nhất của thành công: sự tầm thường.

    Cũng như vậy, lặp đi lặp lại và tái đi tái lại việc xác nhận một số niềm tin và ý kiến nhất định sẽ cản trở chúng ta hành động, và rồi chúng ta sẽ trở nên ù lì lâu dài. Một cách vô thức, chúng ta lặp lại những ý kiến mang những tác động tiêu cực vào cuộcsống của chính mình mà không quan tâm xem trong đó có chút sự thật nào chăng.
    (Ngày xưa có một con bò, Camilo Cruz)
    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
    Câu 2. Theo tác giả, tác hại của những lời biện bạch là gì?
    Câu 3. Anh chị hiểu ý nghĩa của câu sau như thế nào: Mỗi lần bạn đưa ra lời biện bạch, hiệu lực của nó sẽ lớn hơn, và quen thuộc hơn?
    Câu 4. Anh chị có đồng tình với quan điểm cho rằng việc lặp đi lặp lại một số niềm tin và ý kiến nhất định sẽ cản trở chúng ta hành động, và rồi chúng ta sẽ trở nên ù lì lâu dài?

    II. LÀM VĂN
    Câu 1. Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề: sự biện bạch chẳng khác gì chuẩn bị cho sự thất bại.
    Câu 2. Phân tích khổ thơ 5,6,7 của bài thơ "Sóng" – Xuân Quỳnh, từ đó hãy khái quát vẻ đẹp của người phụ nữ trong tình yêu.

    GỢI Ý LÀM BÀI
    Bấm để xem
    Đóng lại

    I. ĐỌC HIỂU

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận
    Câu 2. Theo tác giả, tác hại của những lời biện bạch là:

    chúng chẳng thay đổi được gì cả
    Chúng chẳng giải quyết được những vấn đề khó khăn
    Cuộc sống vẫn như cũ
    sự biện bạch chẳng khác gì chuẩn bị cho sự thất bại
    chúng ta sẽ trở nên ù lì lâu dài
    Câu 3. Câu: "Mỗi lần bạn đưa ra lời biện bạch, hiệu lực của nó sẽ lớn hơn, và quen thuộc hơn" có nghĩa là: Mỗi lần bạ đưa ra những lời biện bạch để bào chữa cho sai lầm, baog chữa cho việc bạn đã không làm những điều cần phải làm... thì bạn ngày càng bị những lời biện bạch đó chi phối, điều khiển. Dần dần, biện bạch sẽ thành thói quen của bạn mà có khi bạn không nhận ra.
    Như vậy câu nói trên đề cập đến tác động âm thầm mà nguy hiểm của thói biện bạch.
    Câu 4. Đồng tình với quan điểm cho rằng việc lặp đi lặp lại một số niềm tin và ý kiến nhất định sẽ cản trở chúng ta hành động và rồi chúng ta sẽ trở nên ù lì lâu dài. Vì:
    Việc lặp đi lặp lại một số niềm tin và ý kiến nhất định thì niềm tin, ý kiến (tiêu cực) ấy sẽ tác động đến ta, chi phối ta, khiến ta đánh mất động lực để hành động. Khi hành động bị trì hoãn, khi ta không làm những việc cần làm thì ta sẽ ngày càng thụt lùi, lạc hậu, không thể tiến bộ.

    II. LÀM VĂN
    Câu 1. NLXH: Tác hại của thói biện bạch:
    Có khi nào bạn nghĩ rằng "Mình thực sự rất bận" để bào chữa cho việc bạn đã không làm điều cần phải làm? Đã bao giờ bạn nghĩ rằng "Hôm nay thực sự rất mệt mỏi" để bào chữa cho việc bạn dành hết quãng thời gian còn lại của ngày để nằm dài chơi game? Bạn có biết rằng như vậy là bạn đang biện bạch? Biện bạch là tìm lí do, tìm cớ để trì hoãn, để không chịu cố gắng, không chịu làm những việc cần làm, nên làm. Bạn có biết rằng biện bạch là chuẩn bị cho sự thất bại? Vì sao lại thế? Vì biện bạch rất dễ hủy hoại một con người. Sẽ có một lúc, bạn nhận ra rằng, mỗi một lần biện bạch, hành động của bạn sẽ bị trì hoãn, trì hoãn trong học tập, trì hoãn trong công việc, và cũng là trì hoãn sự tiến bộ. Biện bạch chính là sợi xích vô hình trói con người vào sự trì trệ. Bởi tin vào những lời biện bạch do chính mình tạo ra, con người sẽ tự mình thui chột khả năng phấn đấu. Nhận thức bị đóng đinh khi lặp đi lặp lại những niềm tin tiêu cực từ sự biện bạch sẽ khiến cho vận mệnh con người ngày càng bị giới hạn, tương lai ngày càng trở nên chật hẹp. Khi biện bạch để trì hoãn hành động, bạn sẽ không biết khả năng cực đại của mình đến đâu, không biết mình có thể làm được những gì lớn lao hơn thực tại. Vì thế bạn sẽ không có được thành công mong muốn. Ví như, khi bạn cho rằng bài tập này quá khó đối với mình, bạn tin vào lí do đó và không chịu động não tìm cách làm, bạn chẳng thể có được kết quả học tập tốt. Nếu bạn viện cớ rằng thời tiết thật khó chịu, để rồi uể oải trong công việc, làm sao năng suất làm việc có thể hiệu quả? Nếu lấy lí do biển khơi nhiều sóng gió, con tàu đời bạn chẳng dám căng buồm, làm sao bạn có được những mùa cá bội thu? Như vậy chẳng phải biện bạch đang hủy hoại đời bạn đó sao? Cuộc đời bạn sẽ chẳng có gì thay đổi, nó vốn bình thường thì sẽ mãi bình thường nếu bạn để cho những lí do, những lời biện bạch cầm lái tư tưởng, hành vi của mình. Và bạn sẽ chẳng chạm tới những điều tốt đẹp nếu cứ mãi bao biện cho việc mình không làm những điều nên làm. Vậy nên, đừng chỉ biết tìm lí do, vin vào cớ để trì hoãn nữa, hãy gạt chúng sang một bên để hành động, bạn sẽ thấy bạn làm được những điều mà trước kia bạn không dám làm vì tin vào lí do bạn tự bao biện cho mình. Hãy nhớ: "Người thành công luôn tìm cách, người thất bại chỉ tìm lí do".
    Câu 2. Tham khảo link: Phân tích năm khổ thơ cuối Sóng - Xuân Quỳnh

     
    Dana Lê, LieuDuong, ThuyTrang21 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...