NLXH 200 chữ: Tác hại của những rào cản vô hình đối với sự phát triển bản thân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 16 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Đề bài: Rào cản vô hình là những niềm tin tiêu cực, những giả định sai lầm, những nỗi sợ mơ hồ... Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của mình về tác hại của những rào cản vô hình đối với sự phát triển bản thân.

    [​IMG]
    Đoạn 1: Tôi từng nghe câu chuyện kể về hai hạt mầm. Hạt mầm thứ nhất muốn lớn lên thật nhanh, muốn bén rễ sâu xuống lòng đất và đâm chồi nảy lộc, muốn nở ra những cánh hoa dịu dàng , thưởng thức những giọt sương mai đọng trên cành lá... rồi hạt mầm mọc lên. Còn hạt mầm thứ hai e sợ lòng đất sâu tăm tối đầy hiểm nguy, sợ đám côn trùng sẽ kéo đến và nuốt lấy mầm non, sợ những bông hoa của mình sẽ bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy. Và hạt mầm thứ hai nằm im dưới lòng đất, cuối cùng bị một chú gà tìm thấy và nuốt mất. Câu chuyện trên để lại cho mỗi người nhiều suy ngẫm sâu xa. Trong đó có những suy ngẫm về tác hại của những rào cản vô hình đối với sự phát triển bản thân. Rào cản vô hình được hiểu là những niềm tin tiêu cực, những giả định sai lầm, những nỗi sợ mơ hồ nào đó. Chúng có tác động tiêu cực đến tư tưởng, suy nghĩ, hành động của mỗi chúng ta. Chúng khiến ta trở nên e ngại, chần chừ, không dám đối diện với những chông gai, thử thách , không dám dấn thân trước sự đòi hỏi cao của tính chất công việc,... Nỗi sợ vô hình còn khiến con người không dám vượt qua giới hạn của bản thân, từ đó không biết được khả năng cực đại của mình đến đâu. Làm sao ta có thể hoàn thành tốt nhất công việc của mình, làm sao có thể chạm đến thành công nếu như ta không phát huy được tất cả nội lực bản thân? Nếu vì rào cản vô hình mà ta không dám làm những việc mà ta mong muốn, không dám nhận những nhiệm vụ mà ta được giao thì ta còn chẳng bao giờ có được những thành quả lớn lao, những sự tin tưởng cần thiết từ mọi người. Từ chỗ ta không tin tưởng mình, sẽ khiến mọi người cũng không tin tưởng ta... Như vậy chẳng phải ta đã tự đánh mất cơ hội phát triển bản thân chỉ vì nỗi sợ vô hình – những điều không có thật, những điều mà ta tự dựng lên trong trí tưởng tượng của mình và tự biến chúng thành rào cản đưa ta đến một cuộc đời thực sự ý nghĩa. Vì vậy, chúng ta phải mạnh dạn vượt qua những rào cản vô hình của nỗi sợ hãi để phát triển bản thân, chỉ có như vậy ta mới tạo nên những giá trị mới cho chính mình.


    [​IMG]

    Đoạn 2:

    Những rào cản vô hình như niềm tin tiêu cực, giả định sai lầm hay nỗi sợ mơ hồ có thể gây ra những tác hại to lớn đối với sự phát triển bản thân. Chúng thường khiến con người tự giới hạn khả năng, từ chối những cơ hội quý giá và trì hoãn hành động. Khi một người tin rằng mình không đủ giỏi hoặc không xứng đáng, họ có xu hướng né tránh thử thách, dẫn đến việc không thể khai phá tiềm năng thực sự. Những giả định sai lầm, như nghĩ rằng thất bại đồng nghĩa với thất vọng, có thể làm mất đi ý chí kiên trì và khả năng học hỏi từ sai lầm. Trong khi đó, nỗi sợ mơ hồ, chẳng hạn như sợ bị phán xét hoặc sợ thay đổi, khiến con người sống trong vùng an toàn, bỏ lỡ cơ hội mở rộng tư duy và phát triển kỹ năng. Những rào cản vô hình này không chỉ làm trì trệ sự tiến bộ cá nhân mà còn tạo ra áp lực tinh thần, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự tin và hạnh phúc. Những rào cản vô hình và tác hại của chúng đã được minh chứng qua nhiều câu chuyện thực tế. Chẳng hạn, nhà khoa học nổi tiếng Albert Einstein từng gặp khó khăn trong việc học tập khi còn nhỏ và bị giáo viên coi là chậm phát triển. Nếu ông tin vào những lời đánh giá tiêu cực đó, có lẽ ông đã không thể vượt qua để trở thành một trong những thiên tài khoa học vĩ đại nhất thế giới. Một dẫn chứng khác là nữ nhà văn J. K. Rowling. Trước khi trở thành tác giả của bộ sách Harry Potter nổi tiếng, bà phải đối mặt với thất bại trong hôn nhân, tình trạng thất nghiệp và hàng loạt lời từ chối từ các nhà xuất bản. Nếu bà để những nỗi sợ mơ hồ như "mình không đủ tốt" lấn át, chắc chắn câu chuyện của bà đã kết thúc trước khi nó bắt đầu. Ngoài ra, trong cuộc sống hiện đại, nhiều người trẻ bị rào cản vô hình như sợ thất bại hoặc sợ bị phán xét cản trở. Ví dụ, nhiều bạn trẻ có tài năng nhưng không dám khởi nghiệp vì lo lắng về rủi ro và áp lực từ xã hội. Điều này dẫn đến việc họ bỏ lỡ cơ hội tự do tài chính và phát triển bản thân. Những câu chuyện trên là minh chứng rõ ràng cho việc rào cản vô hình có thể kiềm hãm con người nếu chúng ta không dám đối mặt và vượt qua. Vì vậy, việc nhận thức, đối diện và vượt qua những rào cản vô hình là điều kiện tiên quyết để mỗi người vươn lên, chinh phục ước mơ và sống một cuộc đời trọn vẹn hơn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng mười hai 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...