Mở rộng: Tây tiến và những câu thơ có thể dùng để liên hệ, so sánh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 16 Tháng bảy 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906
    Dẫn chứng mở rộng bài Tây Tiến - Quang Dũng

    [​IMG]

    Điểm sáng tạo cho bài văn nghị luận từ lâu được đưa vào khung điểm chính thức của biểu điểm, đáp án các kì thi. Sáng tạo trong văn nghị luận thể hiện qua nhiều khía cạnh: Cách dùng từ, đặt câu, cách kiến tạo câu văn, cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật, cách vận dụng kết hợp các thao thác lập luận, cách so sánh, liên hệ mở rộng.. Vậy làm thế nào để đạt được số điểm sáng tạo, với đoạn nghị luận xã hội là 0.25 điểm và bài nghị luận văn học là 0.5 điểm? Tôi xin chia sẻ một cách (trong nhiều cách) để đạt điểm sáng tạo, đó là phải biết vận dụng liên hệ so sánh thêm với những ngữ liệu có liên quan đến tác phẩm nghị luận.

    Chú ý:

    - Khi liên hệ, so sánh, ta phải chỉ ra điểm tương đồng hoặc khác biệt giữa các ngữ liệu để đi đến những nhận xét, khái quát cần thiết.

    - Không nên lạm dụng thao tác này, mỗi bài nghị luận chỉ nên liên hệ, so sánh từ 2 - 3 ngữ liệu.


    Liên hệ Tây Tiến



    Quang Dũng

    - VD1. Phân tích câu thơ "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm", ta có thể liên hệ đến thơ Lí Bạch như sau:

    Câu thơ ngắt nhịp 4/3, từ "dốc" điệp lại ở đầu 2 vế câu thể hiện sự trùng điệp, chồng chất, nối tiếp như tới vô tận của những con dốc, cũng phần nào gợi ra những nỗi nhọc nhằn của người lính trên đường hành quân: Con dốc này chưa qua, con dốc khác lại đợi sẵn, núi rừng miền Tây như muốn thử thách nghị lực của các anh. Sự hiểm trở của dốc núi miền Tây đã hiện ra trong ý nghĩa tạo hình của biểu cảm của các từ láy "khúc khuỷu", "thăm thẳm". Từ láy "khúc khuỷu" miêu tả sự gồ ghề, gập ghềnh ngay dưới chân chiến sỹ, còn từ láy "thăm thẳm" lại gợi độ cao, độ xa vời vợi khi đưa mắt nhìn tiếp con đường hành quân vẫn cheo leo ngút ngàn như không cùng, con đường lên miền Tây quả là: "Nan ư hướng thiên thanh" (khó như lên trời xanh) trong thơ Lý Bạch.

    - VD2. Phân tích hai câu thơ "Anh bạn dãi dầu không bước nữa /Gục lên súng mũ bỏ quên đời", ta có thể liên hệ đến những câu thơ trong bài "Trăng trối" của Tố Hữu:

    Từ láy "dãi dầu" đã thể hiện tất cả những vất vả nhọc nhằn của các anh khi hành quân qua miền Tây, khi phải vượt qua những núi cao vực thẳm, những thác ghềnh dữ dội, những sương gió nắng mưa.

    Hai câu thơ tựa như một bức ký họa đầy ấn tượng về người lính. Có thể hiểu đây là hình ảnh người lính phong trần buông mình vào giấc ngủ hiếm hoi trong phút dừng chân, một giấc ngủ mệt nhọc, vô tư, trẻ trung. Cũng có thể hiểu đây là câu thơ miêu tả thực tế đau xót trên chiến trường khi người lính kiệt sức, gục ngã, không thể bước tiếp cùng đồng đội. Cũng có thể thấy người lính quỵ xuống khi đang đi giữa hàng quân nhưng "súng mũ" vẫn bên mình - như vậy là dù không vượt qua được khó khăn nhưng anh cũng không thoái lui, chùn bước, không đầu hàng khó khăn, không rời bỏ đội ngũ. Và nhất là hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh đã được Quang Dũng biểu hiện bằng cách nói thật lãng mạn để qua đó làm hiện lên không phải khó khăn mà là tinh thần dũng cảm vượt lên khó khăn. Đó chính là vẻ đẹp hào hùng của người chiến binh Tây Tiến - vẻ đẹp của những anh lính cụ Hồ đã từng được Tố Hữu ngợi ca trong bài thơ "Trăng trối" :

    "Vui vẻ chết như như cày xong thửa ruộng.

    Lòng khỏe nhẹ anh dân quê vui sướng

    Nằm trên liếp cỏ ngủ ngon lành"

    VD3. Phân tích câu thơ: "Heo hút cồn mây súng ngửi trời", ta có thể liên hệ:

    Sau khi vượt qua dốc núi gập ghềnh, gian khổ, người lính đã đặt chân đến tầm cao vời vợi của núi non:

    "Heo hút cồn mây súng ngửi trời"

    Trong phép đảo ngữ, từ láy "heo hút" được đặt lên đầu câu nhấn mạnh sự hoang sơ, tiêu điều, xa vắng của cảnh vật. Trên đỉnh dốc núi kia dường như là thiên nhiên nguyên thủy, không có sự xuất hiện của con người nên mới "heo hút" đến thế.

    "Cồn mây" – cách kết hợp từ thú vị gợi liên tưởng về những đám mây chất chồng, trùng điệp và con đường hành quân như lẫn vào mây, bước chân người lính như đạp lên mây trời. Câu thơ vừa tạo ấn tượng về dốc núi cheo leo, hiểm trở, hoang vu vừa mang lại ấn tượng về tầm vóc hào hùng của người chiến sĩ – tầm vóc lớn lao sánh ngang cùng trời đất. Nhà thơ Vũ Quần Phương còn cho rằng hình ảnh "súng ngửi trời" là: "Trung tâm hùng tráng của bức tranh hiểm trở, bởi ở chỗ cao ấy có con người". Tư thế chinh phục đỉnh cao hiên ngang giữa mây trời ấy khiến ta nhớ đến anh chiến sĩ trong thơ Tố Hữu:

    "Rất đẹp hình anh lúc ráng chiều

    Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo

    Núi không đè nổi vai vươn tới

    Lá ngụy trang reo với gió đèo"


    VD4. Phân tích 2 câu thơ: "Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người", có thể liên hệ:

    "Chiều chiều" và "đêm đêm" là những khoảnh khắc yên tĩnh nhất của đại ngàn. Chính sự tĩnh mịch của rừng núi sâu thẳm lúc chiều buông đêm xuống càng làm cho tiếng thác đổ, tiếng cọp gầm càng trở nên rùng rợn. Chất phương xa xứ lạ của miền biên giới đã được tô đậm trong những câu thơ này. Cách phối thanh có "thác", "thét" mang thanh sắc ở câu trên gợi âm thanh tiếng thác nước man dại nơi vòm cao thăm thẳm, và "hịch", "cọp" mang thanh nặng ở câu dưới lại như mô phỏng bước chân nặng nề của thú dữ. Câu thơ tô đậm sự dữ dội, hoang sơ đầy bí hiểm của núi rừng miền Tây.

    Sự bí hiểm, dữ dội ấy như ngự trị muôn đời nơi đây qua cách nhà thơ sử dụng các trạng ngữ chỉ thời gian miên viễn, vĩnh hằng. "Chiều chiều" và "đêm đêm" là những điệp từ chỉ thời gian lặp lại gợi ấn tượng về sức mạnh thiên nhiên khủng khiếp của núi rừng miền Tây không phải một chiều, một đêm mà là chiều chiều, đêm đêm. Câu thơ của Quang Dũng có nét tương đồng với những vần thơ trong "Từ đêm 19" của Khương Hữu Dụng:

    "Đây cao vòi vọi dốc ông Mạnh

    Đây ầm ầm đổ thác không tên

    Có suối chân hùm vừa để dấu

    Có lùm cây vút tuyệt đường chim"

    VD5. Phân tích câu thơ: "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy..", ta có thể liên hệ:

    Ngòi bút của Quang Dũng thực sự có thần khi chấm phá một vài nét mà gợi ra cả một bức tranh thiên nhiên đẹp như trong cổ tích. Trong làn sương chiều bảng lảng, tất cả trở nên mơ màng, huyền ảo. Cảnh sắc nhòa mờ như những nét vẽ đậm chất cổ trang trên phiến lụa. Bức tranh thiên nhiên qua một vài nét phác thảo có dáng người thấp thoáng, có hồn lau nẻo bến bờ, có cánh hoa đong đưa bên dòng nước lũ.. đã mang đến ấn tượng về cái hồn rất riêng của chiều sương Châu Mộc. Vẻ đẹp của thiên nhiên Châu Mộc say đắm lòng người cũng đi vào trang thơ Tố Hữu với những vần thơ thật đẹp:

    "Nông trường Châu Mộc như hoa nở

    Giữa núi rừng Tây Bắc hát ca"

    VD6. Phân tích câu thơ: "Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa", ta có thể liên hệ:

    Bức tranh thơ mộng ấy càng trở nên đẹp hơn, tình tứ hơn khi Quang Dũng điểm thêm vào dòng nước đang chảy xiết những bông hoa rừng duyên dáng:

    "Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

    Phát huy tối đa hiệu quả của bút pháp tương phản trong thơ lãng mạn, câu thơ đã vẽ lên hai nét vẽ đối lập: "Hoa" – "nước lũ".

    Nói đến nước lũ là nói đến sự dữ dội, cuồng loạn. Còn hoa lại gợi nét đẹp mong manh, yếu đuối. Thế nhưng, bất chấp sức mạnh cuồng loạn, dữ dội của thiên nhiên, đóa hoa rừng vẫn dập duềnh theo sóng nước một cách đầy duyên dáng.

    Quang Dũng không viết "đung đưa", mà dứt khoát phải là "đong đưa". Vì "đung đưa" chỉ gợi sự chuyển động cơ học, còn "đong đưa" lại gợi bao nhiêu tình tứ.. Dưới con mắt người nghệ sĩ đa tình, đến cả bông hoa rừng bên dòng nước lũ cũng không hề vô tri, vô giác, ngược lại chúng còn biết làm duyên, làm dáng, gợi cảm và đáng yêu. Cái đẹp kiêu hãnh mà gợi tình của thiên nhiên Tây Bắc đã được Quang Dũng tô đậm trong câu thơ này. Người đọc không khỏi bâng khuâng nhớ đến một tứ thơ lãng mạn:

    "Cảnh vĩ đại nghiêng trời thác ngàn đổ

    Nét mong manh thấp thoáng cánh hoa bay" (Thế Lữ)

    VD 7. Phân tích hai câu thơ: "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới /Đêm mơ Hà Nội dáng kiềm thơm", ta có thể liên hệ như sau:

    Bức tượng đài chiến sỹ Tây Tiến không chỉ có nét ngang tàng oai phong trong dáng vẻ uy nghi dữ dội mà còn được thể hiện ở chiều sâu đẹp đẽ trong tâm hồn:


    "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

    Đêm mơ Hà Nội dáng kiềm thơm"


    "Mắt trừng" là ánh mắt mở to hướng thẳng về phía trước, ánh mắt ngời lên ý chí chiến đấu, khát vọng chiến thắng, cái khát vọng gửi trong mộng chiến trường, giấc mộng cao đẹp của những người trai thời loạn. Ánh mắt ấy thực chất là một hình ảnh ước lệ của cảm hứng lãng mạn nhằm tôn thêm sự oai phong lẫm liệt trong dáng vẻ, nét kiêu hùng ngạo nghễ trong tâm hồn những người lính có lý tưởng và khát vọng lớn lao, ra đi vì nghĩa lớn như những tráng sỹ xưa:

    "Giã nhà đeo bức chiến bào

    Thét roi cầu vị ào ào gió thu".


    Những chàng trai Hà Nội ra đi vì sức vẫy gọi mãnh liệt của lý tưởng song trái tim của họ vẫn dành một góc lưu luyến nhớ nhung về "Hà Nội dáng kiều thơm". Theo cấu trúc câu, có thể hiểu người lính miền viễn xứ khi xa quê vẫn mơ màng nhớ về Hà Nội, nhớ về thủ đô hoa lệ đẹp như một dáng kiều thơm, cũng có thể hiểu theo một cách rất lãng mạn đó là nỗi nhớ về những thiếu nữ Hà thành với vóc dáng đáng yêu, kiều diễm. Qua hình ảnh ẩn dụ về "dáng kiều thơm", câu thơ đã gợi tả vóc dáng sắc hương những cô gái Hà Nội hào hoa thanh lịch trong nỗi nhớ nhung của người lính xa nhà.

    Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng: "Hai câu thơ như chứa đựng cả hai thế giới". Sự tương đồng trong hai nét nghĩa của "mộng" và "mơ", sự tương phản của hai thế giới nghĩa chung và tình riêng đã làm nên vẻ đẹp toàn vẹn cho tâm hồn người lính: Họ không chỉ có lý tưởng cao cả, ý chí kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn mà còn là những chàng trai lãng mạn mộng mơ có trái tim chan chứa tình yêu thương.

    Cũng như hình ảnh:


    "Người ra đi đầu không ngoảnh lại

    Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"


    trong sáng tác mùa thu trước Cách mạng, và sau đó là người lính trong kháng chiến chống Pháp:

    "Những đêm dài hành quân nung nấu

    Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu"


    những chàng trai Hà Nội trong đoàn quân Tây Tiến cũng thật lãng mạn, kiêu hùng, tình yêu thương trở thành động cơ đẹp đẽ để họ ra đi chiến đấu vì những điều yêu thương, đó là những nét khắc họa chân thực, cảm động về cả một thế hệ người Việt Nam dằn lòng gạt tình riêng ra đi vì nghĩa lớn.

    VD8. Phân tích câu thơ "Rải rác biên cương mồ viễn xứ" ta có thể liên hệ:

    Chiến tranh đồng nghĩa với tốn thất, hi sinh. Người xưa đã từng nói:

    "Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi" (Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về)

    Là một nhà thơ mặc áo lính, Quang Dũng hiểu sâu sắc hơn ai hết về điều đó. Hàng ngày phải đối mặt với những tổn thất, hi sinh, ông hiểu ranh giới giữa sự sống, cái chết vô cùng mong manh, và ông đã không né tránh hiện thực đó:

    "Rải rác biên cương mồ viễn xứ"

    Câu thơ đem đến một cảm giác buồn bã, ảm đạm về cái chết.

    Có thể nhận ra một nét nghĩa tương đồng trong cả bốn từ của câu thơ khi tất cả đều ít nhiều gợi tới sự xa xôi: "Rải rác" gợi ra hình ảnh của những nấm mồ nằm xa nhau dọc đường hành quân, "biên cương" là nơi cuối cùng của đất nước, cũng có thể coi là "viễn xứ", xứ xa; "mồ" là hình ảnh của cái chết gợi sự chia lìa xa cách của tử biệt sinh ly, của sự sống và cái chết, của cõi dương và cõi âm, của những nấm mồ miền viễn xứ với những người thân yêu chờ đợi nơi quê nhà.. Những nét nghĩa ấy cộng hưởng lại với nhau hướng tới miêu tả một thực tế: Rất nhiều cái chết, rất nhiều nấm mồ của những con người xa quê nằm lại miền viễn xứ - có lẽ đó chính là nguyên nhân đưa đến cảm giác ảm đạm lạnh lẽo cho cả câu thơ.

    VD9. Phân tích câu thơ: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh", ta có thể liên hệ:

    Và cảm giác ảm đạm ngậm ngùi trong câu thơ thứ nhất đã nhanh chóng được xóa đi bởi tứ thơ mạnh mẽ, rắn rỏi như một lời tuyên thệ trong câu hai:


    "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh"

    Hình tượng thơ đậm nét bi tráng, phảng phất hình ảnh những tráng sỹ xưa: "Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao", những con người sẵn sàng gạt tình riêng ôm chí lớn "ra đi không vương thê nhi". Cũng với cách diễn đạt chủ động trong kiểu câu phủ định, câu thơ đã tô đậm lý tưởng cao cả và khí phách kiên cường của những người chiến sỹ anh hùng "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

    "Đời xanh" là hình ảnh ẩn dụ cho tuổi thanh xuân, thời gian đẹp nhất trong đời, quãng thời gian một đi không trở lại; nhịp đi liền mạch trong câu thơ "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" cho thấy ý chí quyết tâm cao độ của những người thanh niên ưu tú sẵn sàng hiến dâng cuộc đời và tuổi thanh xuân, cũng có nghĩa là sẵn sàng hiến dâng phần đời đẹp nhất cho đất nước, đó cũng là tâm nguyện, là ý chí cao đẹp của những người thanh niên Việt Nam thời chống Mỹ đã được Thanh Thảo thể hiện trong những câu thơ chânh thành, xúc động:


    "Chúng tôi đi không tiếc đời mình

    Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc

    Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc"


    Đó là vẻ đẹp của những con người mang trong mình tình yêu Tổ quốc lớn lao, cao cả:

    "Ôi Tổ quốc! Ta yêu như máu thịt

    Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng

    Ôi Tổ quốc! Nếu cần ta chết

    Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi, con sông"

    (Chế Lan Viên)

    VD10. Phân tích hai câu thơ cuối: "Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi", ta có thể liên hệ:

    Những năm tháng ngắn ngủi sống trong đoàn binh Tây Tiến đã để lại trong lòng nhà thơ những hoài niệm không thể phai mờ. Bài thơ kết lại bằng lời nhắn nhủ da diết:


    "Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

    Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi"



    Nếu bạn chưa có tài khoản, hãy đăng kí miễn phí tại LINK để đọc tiếp nha!

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Dù có thể chia xa nhưng tâm hồn những người lính Tây Tiến sẽ mãi mãi ở lại với miền Tây, với Sầm Nưa, Pha Luông, Mường Hịch.. những vùng đất xa xôi đựng đầy kỷ niệm với đồng đội, với trung đoàn Tây Tiến trong những năm tháng gian khổ hào hùng bởi:


    "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

    Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn"


    Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên

    Xem thêm:

    Mở bài Tây Tiến - Quang Dũng


    Phân tích 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng

    Xem tiếp bên dưới..
     
    Last edited by a moderator: 2 Tháng mười một 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906
    VD11. Mở bài cho đề bài phân tích đoạn 2 bài "Tây Tiến" ta có thể liên hệ:

    "Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

    Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương

    Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

    Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn"


    Vần thơ trên đâu chỉ là tiếng lòng của riêng nhà thơ Chế Lan Viên, đó còn là tiếng lòng của biết bao người đã từng trót mang trong hồn những kỉ niệm về vùng đất mà mình đã từng một thời gắn bó. Dẫu không phải quê hương, nhưng chỉ cần nhắc một lời nơi đầu môi, tất cả kỉ niệm lại ùa về như một thước phim hồi ức. "Tây Tiến" của Quang Dũng được viết lên từ hồi ức gian khổ mà hào hùng của những tháng ngày nhà thơ gắn bó cùng binh đoàn Tây Tiến và mảnh đất miền Tây Bắc yêu thương. Xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ: Nhớ thiên nhiên, nhớ đồng đội, nhớ nhớ kỉ niệm ấm áp tình đồng bào.. Tám câu thơ:

    "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

    [..]

    Trôi dòng nước lũ hoa đung đưa"


    Tái hiện những ấn tượng sâu sắc về một đêm lửa trại và nỗi nhớ của nhà thơ về cảnh chiều sương Châu Mộc thơ mộng, trữ tình. Thấp thoáng sau những dòng thơ đậm chất lãng mạn ấy, Quang Dũng đã khắc họa sinh động vẻ đẹp hào hoa, nghệ sĩ của những chàng lính trẻ Hà thành.

    VD12. Mở bài cho đề bài phân tích đoạn 3 bài "Tây Tiến" ta có thể liên hệ:

    Bốn câu thơ của nhà thơ Giang Nam:

    "Tây Tiến biên cương mờ khói lửa

    Quân đi lớp lớp động cây rừng

    Và bài thơ ấy con người ấy

    Vẫn sống muôn đời với núi sông"


    Đã khẳng định sức sống bất diệt của bài thơ "Tây Tiến", của những "con người" một thời chiến đấu oanh liệt cho Tổ quốc, cho nghĩa vụ quốc tế cao cả. Quang Dũng đã xây dựng lên bức tượng đài bi tráng về người chiến binh Tây Tiến trong thi phẩm của mình và rồi, cả thơ và người đều để lại những dư âm sâu lắng trong lòng bao thế hệ độc giả, bao trái tim người Việt. Nhà thơ dường như đặt cả trái tim, tình yêu, thậm chí cả niềm đau của mình nơi đầu ngọn bút để khai sinh ra những vần thơ tuyệt tác. Bên cạnh những câu thơ tựa hồ từng nét cọ khéo léo vẽ lên bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, mĩ lệ là những câu thơ đậm chất bi hùng khi nhà thơ viết về binh đoàn Tây Tiến:

    "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

    [..]

    Sông Mã gầm lên khúc độc hành"


    VD13. Phân tích hai câu thơ: " Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói / Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" ta có thể liên hệ:

    Tứ thơ tiếp tục vận động. Cảnh dữ dội, bi tráng dần lắng xuống. Dốc cao, vực sâu lùi lại phía sau. Núi rừng biên cương trở về vẻ thanh bình yên ả với những bản làng nên thơ, với khói lam chiều ấm áp quyện bên sườn núi. Đoạn thơ khép lại bằng hương nếp xôi nồng nàn của các cô gái Mai Châu:

    "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

    Thán từ "nhớ ôi" đặt đầu câu thơ như sự trào dâng mãnh liệt của nỗi nhớ. Làm sao có thể không nhớ sau khi trải qua chặng đường hành quân giữa mưa rừng buốt lạnh, giữa những tiếng chân thú rình rập đầy đe dọa, đói và rét, lại được tận hưởng hương vị ngạt ngào, ấm nóng của bát cơm mùa gặt mới giữa cái ấm cúng ngai ngái của khói bếp lam chiều. Khung cảnh quây quần sum họp đầm ấm tình quân dân thắm thiết nồng nàn ấy đã đem đến cảm giác thanh bình thật hiếm hoi, quý giá trong chiến tranh. Giống như âm thanh tiếng gà trưa trên đường hành quân của anh chiến sỹ trong bài thơ Xuân Quỳnh:

    "Trên đường hành quân xa

    Dừng chân bên xóm nhỏ

    Gà nhà ai nhảy ổ

    Cục, cục tác cục ta

    Nghe xao động nắng trưa

    Nghe bàn chân đỡ mỏi

    Nghe gọi về tuổi thơ"

    Hương thơm bát xôi nếp đầu mùa ở Mai Châu sẽ mãi là một kỷ niệm khó quên, là lưu hương chẳng phai nhòa trong nỗi niềm bâng khuâng của người chiến sĩ Tây Tiến.
     
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng một 2022
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906
    Ngoài ra, còn rất nhiều những ngữ liệu khác mà ta có thể so sánh, liên hệ khi phân tích bài thơ này:

    + "Và anh chết trong khi đang đứng bắn

    Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng".
    (trích Dáng đứng Việt Nam)

    + "Tây Tiến biên cương mờ lửa khói

    Quân đi lớp lớp động cây rừng
    Và bài thơ ấy, con người ấy
    Vẫn sống muôn đời với núi sông".

    (Vần thơ Giang Nam)

    + "Cuộc đời gió bụi pha xương máu

    Đói rét bao lần xé thịt da
    Khuôn mặt đã lên màu tật bệnh
    Đâu còn tươi nữa những ngày hoa!
    Lòng tôi xao xuyến tình thương xót
    Muốn viết bài thơ thấm lệ nhòa
    Tặng những anh tôi từng rỏ máu
    Đem thân xơ xác giữ sơn hà."

    (Lên Cấm Sơn - Thôi Hữu)

    + "Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch

    Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng
    Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch
    Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương".

    (Chế Lan Viên)

    + "Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

    Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
    Núi không đè nổi vai vươn tới
    Lá ngụy trang reo với gió đèo.'

    (Lên Tây Bắc – Tố Hữu)

    + " Họ đã sống và chết

    Giản dị và bình tâm
    Không ai nhớ mặt đặt tên
    Nhưng họ đã làm ra đất nước."

    (Trích chương V – Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm).

    + "Người ra đi đầu không ngoảnh lại
    Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy."
    (Tống biệt hành - Thâm Tâm)

    + "Nhớ lúc ra đi đất trời khói lửa
    Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
    Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
    Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
    Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
    Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
    Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
    Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại
    Nghe tiếng thề của những người Hà Nội.."
    (Chính Hữu)

    Nguồn chính: Hướng dẫn ôn thi THPT môn Ngữ văn phần Văn học hiện đại. TS Trịnh Thu Tuyết.
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng chín 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...