Tác phẩm: Tây Tiến Liên hệ - mở rộng 1. Thiên nhiên trong kí ức của Quang Dũng là những màn sương mờ ảo "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi Mường Lát hoa về trong đêm hơi" Câu thơ đầu tiên đã nhấn chìm vùng núi Tây Bắc trong lớp sương dày đặc. Màn sương ấy trắng xóa, che lấp đi cả núi rừng, tất cả mọi thứ đều trở nên mơ hồ và đường đi của các chiến sĩ cũng vậy! Trên đường núi đấy khúc khuỷu ấy, sương mờ che lối hành quân khiến "đoàn quân mỏi" ấy vốn đã mệt mỏi bởi chặng đường dài mà còn bởi sương mù làm cho lạc lối. Đó là một màn sương mỏi, mang theo những vất vả, dãi dầu và mang theo cả một vùng trời hồi ức cùng những nỗi niềm nhớ thương khi nhắc lại. Chế Lan Viên cũng đã từng viết trong "Tiếng hát con tàu" như thế này: "Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương Khi ta ở chỉ là nơi đất ở Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn" Hay trong những áng thơ của Chính Hữu: "Đêm nay rừng hoang sương muối Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới Đầu trúng trăng treo" 2. Thiên nhiên trong kí ức của Quang Dũng là chặng đường hành quân trên dốc hùng vĩ và hiểm trở "Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm Heo hút cồn mây súng ngửi trời Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi" Sự trùng điệp của núi rừng Tây Bắc trong những câu thơ trên đã khiến ta liên tưởng đến mấy câu thơ trong "Chinh phụ ngâm" : "Hình khen thế núi gần xa Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao" Và cả những câu thơ trong bài "Thục đạo nan" của Lí Bạch: "Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh niên" 3. Kí ức ngọt ngào, thắm thiết ân tình trong một lần dừng chân. "Nhớ ôi Tây Tiên cơm lên khói Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" "Nhớ ôi" thể hiện cảm xúc nhớ nhung trào dâng mãnh liệt trong lòng. Trong một lần nghỉ chân tới Mai Châu, đoàn quân cùng nhau quây quần bên nồi cơm đang bốc khói nghi ngút, hương nếp ngày mùa cũng hòa quyện cùng làn khói bay ra mà lan tỏa tới khắp cả không gian. Dường như mùi thơm thoang thoảng ấy không chỉ khiến ta xua tan đi cái đói, cái mệt nhọc mà còn mang lại cho ta cảm giác bình yên, thanh thản trong những giây phút nghỉ ngơi quý giá, hiếm hoi. Mùi thơm nếp xôi ấy cũng giống như âm thanh trong "Tiếng gà trưa" của Xuân Quỳnh: "Trên đường hành quân xa Dừng chân bên xóm nhỏ Tiếng gà ai nhảy ổ Cục.. cục tác cục ta Nghe xao động nắng trưa Nghe bàn chân đỡ mỏi Nghe gọi về tuổi thơ" 4. Ấn tượng khó phai về một đêm liên hoan lửa trại "Doanh trại bùng lên hội đuốc hoa Kìa em xiêm áo tự bao giờ Khèn lên man điệu nàng e ấp Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ" Cụm từ "bừng lên" diễn tả ánh sáng của ngọn lửa được thắp lên trong đêm hội. Chỉ một chữ "bừng" mà dường như không chỉ thổi hơi nóng vào không khí mà còn thổi vào cả những cảm xúc dạt dào, phấn chấn. "Bùng lên" ta còn có thể hiểu rằng đó là gương mặt của một người như bừng lên sức sống, phản chiếu ngọn lửa hừng hực của đêm hội mà còn phản chiếu cả ngọn lửa của sự trẻ trung, hào hoa chứa đựng xúc cảm tình ái. Trong ca khúc "Sơn nữ ca" của nhạc sĩ Trần Hoàn đã từng viết: "Một đêm trong rừng vắng Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh Thấp thoáng bóng cô sơn nữ Miệng cười xinh xinh Một đêm trong rừng núi Có anh lữ khách nhìn trời xa xa Ngắm trăng say đắm Một mình bâng khuâng." 5. Những kí ức về cuộc sống gian khổ nhưng hào hùng "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá giữ oai hùm" "Quân xanh màu lá" là hình ảnh tả thực về cuộc sống của các chiến sĩ gợi cho ta nhiều liên tưởng. Đầu tiên, "quân xanh màu lá" gợi lên hình ảnh, màu sắc đặc trưng của những người lính bởi đó là màu sắc của bộ quân phục các anh khoác trên mình trong cuộc trường kì kháng chiến và đó cũng có thể là màu sắc của cành cây, phiến lá được dùng để ngụy trang qua mắt quân thù. Tuy nhiên, ta cũng có thể hiểu theo nghĩa khác, đó là gương mặt xanh xao, gầy ốm vì bệnh tật, vì căn bệnh sốt rét ác tính. Hiện thực gian khổ đó cũng đã xuất hiện nhiều trong thơ ca kháng chiến chống Pháp - ngày mà lực lượng của ta còn non yếu, thiếu thốn: "Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi" (Đồng chí - Chính Hữu) Hay "Cuộc đời gió bụi pha sương máu Đói rét bao lần xé thịt da Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật Đâu còn tươi những ngày hoa." (Lên Cẩm Sơn - Thôi Hữu) Hình ảnh "dữ oai hùm" - thủ pháp so sánh sức mạnh tinh thần, khí phách lẫm liệt, phong thái anh hùng của người lính với sức mạnh của chúa sơn lâm đã được xuất hiện nhiều trong thơ ca "Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu Tam quân tì hổ khi thôn ngưu" (Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão) 6. Những kí ức về tâm hồn, khí phách lính Tây Tiến "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" Hình ảnh "mắt trừng" là hình ảnh về một đôi mắt mở to, mang theo ý chí, hướng về phía trước. Ánh mắt của những người lính "trừng" lên như gửi một giấc "mộng" tới biên giới xa xôi. Giấc mộng lập công, mộng chiến đấu đánh đuổi quân thù, bảo vệ Tổ quốc. Nó làm ta nhớ đến những người chiến sũ trong bài thơ "Ngày về" của Chính Hữu: "Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm" Hình ảnh "dáng kiều thơm" dường như khiến lòng ta chợt nhớ đến những thiếu nữ Hà Thành kiều diễm, đáng yêu. Chỉ với cụm từ "dáng kiều thơm" thôi mà đã lột tả được cả vóc dáng và cả hương sắc của những cô gái Hà Thành xinh đẹp, thướt tha, thanh lịch trong tâm trí của những người lính đang ở nơi chiến trường bảo vệ mảnh đất dấu yêu của mình. Nói về nỗi nhớ này, cũng vào thời điểm này, Nguyễn Đình Thi đã từng viết: "Những đêm dài hành quân nung nấu Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu" 7. Những kí ức về hiện thực chiến tranh khốc liệt "Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" Câu thơ "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" vừa khái quát hào khí khi lên đường của lớp lớp người trẻ tuổi trên khắp cả nước, vừa ca ngợi và bất tử hóa những con người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Câu thơ có sự tương phản giữa hai nét nghĩa ẩn dụ là "chiến trường" và "đời xanh". "Chiến tranh" gợi nhắc cho chúng ta về những mất mát, những đau thương, gợi về những khung cảnh tàn nhẫn, bom đạn, khói mù, những giọt mồ hôi của sự mệt mỏi và những người con đáng thương ngã xuống những vũng máu. Nơi chiến trường này, con người luôn phải đứng trước cái chết và sự sống. "Đời xanh" ý nói về tuổi trẻ, tuổi thanh xuân của những thiếu niên mười tám, đôi mươi. Trong những con người ấy, hừng hực sức sống, sức trẻ, gan dạ, dám làm tạo nên một luồng không khí mơn mởn. Thế nhưng, những người lính ở đấy "chẳng tiếc đời xanh". Câu thơ đã khẳng định sự mạnh mẽ, khí phách của những thiếu niên trẻ tuổi. Dũng khí tinh thần ấy cũng đã được bắt gặp trong thơ của Thanh Thảo: "Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc) Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?" 8. Những kí ức về sự hy sinh phi thường và tráng lệ "Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành" Hai chữ "áo bào" được lấy từ trong văn học cổ, đó là loại áo mà dũng tướng thời xưa khi ra trận hay mặc. Cách nới "áo bào thay chiếu" là cách nói bi tráng hóa, tráng lệ hóa về sự hi sinh của những người lính. Những ngày đầu của cuộc kháng chiến, ta thiếu thốn từ thuốc men, vũ khí, lương thực và đến cả những chiếc quan tài để tiễn biệt người lính về nơi an nghỉ cuối cùng cũng chẳng có, họ chỉ có manh chiếu mà đồng bào gửi tặng qua những lần hành quân để đắp lên mà tạm biệt người bạn, người đồng chí đã từng kề vai sát cánh cùng mình. Đến đây, ta chợt cảm động trước những lời thơ của Hoàng Lộc trong bài "Viếng bạn" : "Ở đây không gỗ ván Vùi anh trong tấm chăn Của đồng bào cửa ngăn Tặng tôi ngày phân tán" Ba chữ "anh về đất" là một cách nói giảm nói tránh. Những vần thơ về cái chết nhưng không bi thương, bị lụy mà trở nên hào hùng vô cùng. Lời thơ dường như đã bất tử hóa về sinh mệnh của con người nói chung và những người lính nói riêng. Con người sinh ra từ Đất Mẹ và khi ngã xuống, không phải là các anh chết đi mà chỉ là các anh đã tạm biệt đồng đội, một lần nữa sà vào lòng tay rộng lớn của Đất Mẹ mà thôi. Vì vậy mà Nguyễn Đình Thi đã từng viết rằng: "Những người chưa bao giờ khuất Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất Những vuổi ngày xưa vọng nói về". * * *Hết----------------------------------