[Bài Thơ] Tiếng Hát Con Tàu - Chế Lan Viên

Thảo luận trong 'Thơ Ca' bắt đầu bởi Admin, 18 Tháng mười một 2018.

  1. Admin Nothing to lose.. your love to win..

    Bài viết:
    4,112
    Năm 1958, Đảng và Nhà nước ta phát động phong trào khai hoang, phát triển kinh tế ở vùng cao. Phong trào này đã được nhân dân miền xuôi, nhất là những địa phương đất chật người đông như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình... hưởng ứng rất nhiệt tình. Thanh niên được coi là lực lượng tiên phong lên Việt Bắc, Tây Bắc vỡ đất khai hoang, xây dựng nông trường, làm thay đổi bộ mặt của chiến khu xưa. Trong kháng chiến chín năm chống Pháp, nhà thơ Chế Lan Viên thường xuyên đi công tác nên được sống trong sự đùm bọc và tình yêu thương của đồng bào Việt Bắc, Tây Bắc. Tình cảm quý báu đó khơi nguồn thi hứng để tác giả sáng tác bài thơ Tiếng hát con tàu.

    Bài thơ vừa là khúc hát say mê, rạo rực của một hồn thơ đã thoát khỏi khung trời chật hẹp của cái tôi nhỏ bé để ra với chân trời rộng lớn của cái ta là nhân dân, đất nước; vừa thể hiện lòng biết ơn sâu nặng và nỗi nhớ da diết của nhà thơ về Tây Bắc - quê hương thứ hai, nơi có những con người đã gắn bó, chia sẻ gian nan, cùng vào sống ra chết với mình trong thời kì chống Pháp.

    Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên là bài thơ đặc sắc để lại giá trị to lớn cho nền thơ ca Việt Nam. Bài thơ là tiếng lòng trăn trở, tha thiết của tác giả trong công cuộc xây dựng Tổ quốc, mong muốn được hoà nhập với nhân dân, với cuộc đời. Tiếng hát con tàu được rút ra từ tập Ánh sáng và phù sa, bài thơ được lấy cảm hứng từ một sự kiện kinh tế - chính trị có ý nghĩa vô cùng lớn lao: Cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế nơi miền núi Tây Bắc. Sau đây là nội dung chi tiết, mời bạn đọc cùng tham khảo.

    [​IMG]

    Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

    Khi lòng ta đã hoá những con tàu

    Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

    Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu



    Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?

    Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội

    Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi

    Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng


    Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp

    Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?

    Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép

    Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia


    Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc

    Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng

    Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất

    Nay rạt rào đã chín trái đầu xuân


    Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa

    Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường

    Con đã đi nhưng con cần vượt nữa

    Cho con về gặp lại mẹ yêu thương


    Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

    Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

    Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

    Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa


    Con nhớ anh con, người anh du kích

    Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn

    Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách

    Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con


    Con nhớ em con, thằng em liên lạc

    Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ

    Sáng bản Na [1], chiều em qua bản Bắc

    Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư


    Con nhớ mế [2]! Lửa hồng soi tóc bạc

    Năm con đau, mế thức một mùa dài

    Con với mế không phải hòn máu cắt

    Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi


    Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

    Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?

    Khi ta ở, chi là nơi đất ở

    Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!


    Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

    Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng [3]

    Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

    Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương


    Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch

    Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng

    Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch

    Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương


    Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?

    Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ

    Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội

    Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga


    Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng

    Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào

    Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến

    Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao


    Nhựa nóng mười năm nhân dân máu đổ

    Tây Bắc ơi, người là mẹ của hồn thơ

    Mười năm chiến tranh, vàng ta đau trong lửa

    Nay trở về, ta lấy lại vàng ta


    Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng?

    Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng

    Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống

    Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân


    Chú thích:

    [1] Có sách in là "bản Nam"

    [2] Từ gọi mẹ trong ngôn ngữ của một số dân tộc thiểu số, cũng dùng để gọi một cách thân mật và kính trọng những người phụ nữ cao tuổi.

    [3] Loài cây thân gỗ, là cây chủ cho loài cánh kiến kí sinh, vào mùa xuân nở hoa vàng lộng lẫy. Còn có cách hiểu khác: tổ cánh kiến đo loài côn trùng này tiết ra, có màu đỏ thẫm, khi tổ cánh kiến nổi các chấm hoa vàng là lúc có thể thu hoạch được.

    Theo GS. Hà Minh Đức trong Nhà văn nói về tác phẩm, bài thơ này được Chế Lan Viên làm trong hoàn cảnh đau yếu, không đi đâu được, trong khi các bạn đồng nghiệp đi thực tế ở nhiều nơi. Bài thơ được viết ra như là để tự an ủi mình, với nhan đề ban đầu là Con tàu Tây Bắc.

    Bài thơ này từng được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được chuyển thành đọc thêm trong SGK Ngữ văn 12 từ 2007.

    Nguồn:

    1. Ánh sáng và phù sa, NXB Văn học, 1960

    2. Chế Lan Viên toàn tập, Vũ Thị Thường sưu tập và biên soạn, NXB Văn học, 2002
     
    SóiPhoenixfire thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng chín 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...