NHẬN ĐỊNH 1. "Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên.. Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi". (Tô Hoài) 2. "Có những nhà văn, nhà thơ làm vinh dự cho chữ Hán, làm vinh dự chữ Nôm. Anh Tô Hoài, cùng Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố.. làm vinh dự cho chữ quốc ngữ. Tôi được gần các thế hệ đi trước, càng hiểu giá trị của những giây phút sống bên cạnh họ, kể cả khi các anh im lặng" – (Nhà thơ Hữu Thỉnh) à Theo đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh, "có những nhà văn, nhà thơ làm vinh dự cho chữ Hán, làm vinh dự chữ Nôm", còn Tô Hoài là một trong số ít các nhà văn Việt Nam hiện đại làm vinh dự cho chữ quốc ngữ. 3. "Truyện Tây Bắc là thành quả đẹp trong mùa thu hoạch đầu tiên của Tô Hoài trên quê hương văn học mới của ông" (Đỗ Kim Hồi). 4. Chi tiết là những hạt bụi vàng của tác phẩm (Pau-tốp-xki) 5. Chi tiết là người tí hon mang nhiệm vụ khổng lồ. LIÊN HỆ 1. Đề tài :(Phần khái quát) - Tây Bắc: "Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương" (Chế Lan Viên) Mảnh đất Tây Bắc với sương giăng, mây phủ, với những con người hồn nhiên, mộc mạc đã trở thành cái nôi của văn chương nghệ thuật. Ta nhớ Mường Lát, Mường Hịch, Mai Châu, Mộc Châu trong "Tây Tiến" của Quang Dũng. Ta yêu những nhà "hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son" trong "Việt Bắc" của Tố Hữu. Ta say sưa ngắm nhìn làn mây mùa xuân, màu nước mùa thu qua kiệt tác "Người lái đò Sông Đà" của Nguyễn Tuân. Ta hân hoan trong không khí giải phóng Tây Bắc với khúc nhạc "Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa, suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua, bộ đội ta vâng lệnh Cha già, về đây giải phóng quê nhà.." (Nguyễn Thành). Kì diệu thay, tất cả những cảm xúc đó ta đều tìm thấy trong thiên truyện "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài - bản tình ca, bản hùng ca của con người Tây Bắc. - Người phụ nữ: Bàn về nỗi bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, nhà thơ Nguyễn Du trong "Truyện Kiều" đã viết những câu thơ như có "máu rỏ trên đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua tờ giấy" : "Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung" Bởi lẽ họ vốn không được tự quyết định số phận của mình: "Thân em như hạt mưa rào Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa" Vẫn còn đó những tiếng thổn thức của nàng Vũ Nương, của nàng Kiều, nữ sĩ Xuân Hương hay người chinh phụ đằng đẵng chờ chồng, người cung nữ ôm mối u sầu trong lạnh lẽo. Với "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài cũng góp thêm một tiếng khóc đứt ruột vào khúc đoạn trường ấy khi xây dựng nên hình tượng nhân vật Mị. Đó là một cô gái H'mông xinh đẹp, tài hoa, tựa như đóa hoa ban tinh khiết của núi rừng, nhưng vì món nợ từ ngày bố mẹ lấy nhau, Mị bị bắt làm dâu gạt nợ nhà thống lý Pá Tra. Từ đó cô sống một cuộc đời câm lặng, chỉ biết làm việc của con trâu, con ngựa, "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". 2. Cuộc sống bị bóc lột, chà đạp, giam cầm của Mị - Căn buồng: kín mít, chỉ có 1 lỗ vuông bằng bàn tay là hình ảnh biểu tượng cho ngục thất tinh thần giam giữ tuổi thanh xuân của Mị. Hình ảnh ấy khiến ta liên tưởng đến lầu Ngưng Bích "khóa xuân" trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. Dẫu rằng khác nhau về yếu tố không gian nhưng cả hai hình ảnh ấy đều là biểu tượng cho sự giam cầm, cứ từng ngày gặm nhấm, mài mòn đi sức sống của hai người con gái. - Mị bị A Sử trói vào cột/ đạp vào mặt/ đánh ngã xuống cửa bếp: Các chi tiết này gợi cho ta liên tưởng đến cảnh người đàn bà bị chồng bạo hành trong "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu. Mị cũng giống như người đàn bà ấy, không phản kháng, mà chấp nhận sự tra tấn, hành hạ. Nhưng nếu người đàn bà hàng chài cam chịu để chồng đánh vì cho rằng chị và các con là nguyên nhân gây ra khốn khổ cho chồng, thì Mị cam chịu bởi "tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa", người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài suốt đời chỉ đi theo đuôi con ngựa của chồng. Chi tiết đó vừa cho thấy nỗi bất hạnh của người phụ nữ miền núi vừa có sức tố cáo mạnh mẽ tội ác của giai cấp thống trị. 3. Đêm tình mùa xuân - Tiếng sáo: Các nhà văn dường như cũng đồng thời là các nhà tâm lý khi phát hiện ra tác động của âm thanh với sự bừng tỉnh tâm thức con người. Khi Chí Phèo tỉnh dậy sau trận ốm, âm thanh đánh thức hắn là tiếng chim hót ríu rít, tiếng người trò chuyện, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Lắng nghe "tiếng đời lăn náo nức" mà hắn thấy "chao ôi là buồn" bởi lẽ hắn nhận ra mình đã bỏ lỡ quá nhiều khoảnh khắc tuyệt vời của cuộc sống (truyện ngắn "Chí Phèo" - Nam Cao). Anh Tràng trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân thì cảm động vì tiếng chổi "quét sàn sạt" trên mặt đất của người vợ, âm thanh ấy như một tín hiệu của cuộc sống mới làm anh thấy mình cần có trách nhiệm với gia đình, với vợ con sau này. Còn với Mị của Tô Hoài, âm thanh dìu dặt, thiết tha của tiếng sáo gọi dậy trong cô những khát khao một thời thanh xuân, những kí ức sống động và đẹp đẽ. Chi tiết này xuất hiện tới 6 lần trong tác phẩm với vai trò chỉ đường, dẫn dụ, rồi làm chủ tâm trí Mị, để cô quên đi thân phận nô lệ hiện tại mà sống lại hoàn toàn với quá khứ tự do tươi đẹp, được sống, được yêu. - Men rượu: Cách Mị uống rượu thật kì lạ. Mị "lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát" như thể nuốt cay đắng vào trong, chứ không phải uống ừng ực để thỏa cơn khát. Rồi say. Ai đó đã nói: Con người có hai trạng thái không thể che giấu, đó là khi say và khi yêu. Mị cũng vậy. Hơi rượu tỏa không chỉ dẫn Mị về những ngày xưa mà còn khiến Mị quên đi hiện tại với những vòng dây trói. Đó là chất xúc tác quan trọng để hồi ức sống dậy và còn đi tiếp theo quán tính của nó trong tâm hồn xôn xao của Mị. - Lấy ống mỡ, xắn 1 miếng, bỏ vào đĩa đèn cho sáng: Căn buồng của Mị vốn kín mít, tăm tối nhưng vào khoảnh khắc sức sống trỗi dậy, Mị không còn muốn sống chỉ để trông ra cái khoảng không xa xăm mờ mờ, trăng trắng nữa. Hành động thắp sáng căn buồng chứng tỏ sự khao khát mãnh liệt vươn tới ánh sáng, muốn thay đổi cuộc đời của Mị. Hành động đó khiến ta nhớ tới anh Tràng trong truyện ngắn "Vợ nhặt" (Kim Lân), dù phải gồng mình đối mặt với cái đói, anh vẫn hào phóng mua hai hào dầu để thắp sáng căn nhà tồi tàn trong đêm tân hôn. Những nhân vật ấy bằng cách khêu lên 1 ngọn đèn đã thể hiện ham muốn sống cho ra sống thật mạnh mẽ. - Quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa vắt phía trong vách: Nếu các chi tiết trên đưa con người trong Mị sống lại, thì chi tiết này đã đưa cô gái trong Mị trở về. Cũng giống như cô Đào trong "Mùa lạc" của Nguyễn Khải, khi tìm lại được ý nghĩa của của cuộc sống, nhận ra bản thân có quyền hưởng hạnh phúc và khao khát hạnh phúc, Mị lại muốn làm đẹp. Việc sáng tạo chi tiết này chứng tỏ Tô Hoài rất am hiểu tâm lí phụ nữ. Chiếc váy hoa - trang phục đẹp nhất của cô gái Mèo - từ lâu đã bị Mị lãng quên. Giờ đây, khi sức sống bùng lên mãnh liệt, chính cô lại "với tay" lấy nó từ trong vách ra. Hành động đó chẳng khác nào dắt cô Mị trẻ trung, yêu đời từ quá khứ trở về hiện tại. Phải yêu thương, thấu hiểu con người lắm, Tô Hoài mới có thể viết nên trang văn giản dị mà xúc động, ám ảnh như thế. 4. Đêm đông - A Phủ: chàng trai khỏe mạnh, đầy bản lĩnh và sức sống, cương trực và dũng cảm, là con hổ trắng của núi rừng. Nhân vật ấy giống chàng Thạch Sanh trong cổ tích, chàng Đăm Săn trong sử thi, chàng Thánh Gióng trong truyền thuyết, và là tiền thân của "anh giải phóng quân" - con người đẹp nhất trong thơ ca cách mạng Việt Nam. Xây dựng nhân vật này, Tô Hoài đã đẩy anh vào 1 tình huống mang tính chất thử thách. Đó là việc A Phủ làm mất bò và bị trói cho đến chết. Đối diện với tận cùng đau khổ, sức sống của A Phủ có cơ hội được bộc lộ mãnh mẽ nhất. - Dòng nước mắt của A Phủ: Nhà văn Nam Cao từng đề từ cho một tác phẩm của mình: "Nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ". Thật vậy, "dòng nước mắt lấp lánh" là kết tinh đẹp đẽ nhất của tâm hồn A Phủ, nó tương phản hoàn toàn với "hai hõm má đã xám đen lại" - là chứng tích của vất vả, khổ đau. Dòng nước mắt đến từ một chàng trai bản lĩnh, lì lợm, chưa bao giờ biết khóc, đã có sức lay động lớn, nó chảy vào những kẽ nứt toác trên mảnh đất khô cằn của tâm hồn Mị, khiến cô một lần nữa sống lại những cảm cảm xúc của con người biết yêu, biết ghét trước kia. - Mị lựa chọn chết thay cho A Phủ: Bóng ma của thần quyền còn mạnh hơn cường quyền. Nó khiến Mị nghĩ rằng: "Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi" nhưng "người kia việc gì mà phải chết thế". Và Mị lựa chọn "trói thay vào đấy", "chết trên cái cọc ấy". Với chi tiết này, Tô Hoài hoàn toàn đã đưa được con người nhân hậu, dũng cảm trong Mị trở về. Trong quá khứ, Mị đã từng lựa chọn ném đi nắm lá ngón vì thương bố: "Mị chết thì bố Mị còn khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ nữa". Trong hiện tại, Mị lại một lần nữa hi sinh bản thân mình vì người khác, đối diện với tử thần cũng không sợ hãi. Hành động này của Mị vừa cho thấy ánh sáng diệu kì của tình người, vừa cho thấy sự kết tinh vẻ đẹp tâm hồn con người Việt qua nhiều thế kỉ: "Thương người như thể thương thân", "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", "Dẫu xây chín bậc phù đồ/ Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người".. - A Phủ quật sức vùng lên, chạy: Hành động quyết liệt, mạnh mẽ này của A Phủ khiến ta liên tưởng đến nhân vật thị trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân. Với ý thức bám riết lấy sự sống mãnh liệt, người phụ nữ ấy đã bỏ qua cả danh dự, lòng tự trọng để được ăn, đã liều lĩnh đi theo một người đàn ông mới gặp hai lần chỉ với một câu đùa. Còn A Phủ, lòng khao khát được sống đã khiến anh dù kiệt sức bởi đòn roi, đói, rét, vẫn "quật sức vùng lên, chạy". Hành động "hướng về phía ánh sáng" của thị và A Phủ đã đẩy bóng tối ở lại phía sau. Và ta có quyền tin tưởng rằng họ sẽ "đi từ thung lũng đau thương" đến "cánh đồng vui". - Mị cùng A Phủ chạy trốn khỏi Hồng Ngài: Hành động mãnh mẽ, bứt phá của Mị đã chiến thắng hoàn toàn bóng đen của thần quyền chế ngự tâm hồn cô bấy lâu. Tác giả đã lựa chọn những động từ mạnh, cùng nghệ thuật liệt kê để miêu tả sống động nhất bước chân tự do của Mị: "Đã lăn, chạy, chạy xuống", "nói, thở trong hơi gió thốc". Ta gặp lại hình ảnh của Mị, A Phủ trong câu thơ Tố Hữu và càng thêm tự hào về con người Việt Nam: "Yêu biết mấy, những con người đi tới Hai cánh tay như hai cánh bay lên Ngực dám đón những phong ba dữ dội Chân đạp bùn không sợ các loài sên!"