MỘT SỐ ĐOẠN MỞ BÀI CHO BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ BÀI THƠ TÂY TIẾN - QUANG DŨNG Phần mở bài trong một bài văn nghị luận có vai trò vô cùng quan trọng. Mở bài không đơn giản chỉ là nêu vấn đề nghị luận. Muốn đạt điểm cao, tạo ấn tượng cho người đọc, mở bài ngoài đảm bảo yêu cầu chung, còn cần phải hay, sáng tạo. Phần mở bài thường có 3 nội dung chính: + Dẫn dắt vấn đề: Nêu một vài vấn đề liên quan đến vấn đề cần bàn, chuẩn bị tư tưởng dẫn người đọc, người nghe vào vấn đề bàn luận đặt ra ở đề bài. Dẫn dắt vấn đề cần sáng tạo, gây sự chú ý. + Nêu vấn đề: Nêu vấn đề một cách ngắn gọn, nêu đúng vấn đề đặt ra trong đề bài. Vấn đề mà mở bài nêu ra chính là vấn đề mà nội dung bài viết cần làm sáng tỏ. Nêu vấn đề cần cách ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ. + Nêu giới hạn vấn đề: Nêu được phạm vi bàn luận trong khuôn khổ nào (1 tác phẩm, 1 đoạn trích văn xuôi, 1 khổ thơ) Phần nêu vấn đề và giới hạn vấn đề thường giống nhau. Mở bài hay hay không hay khác nhau chủ yếu ở phần dẫn dắt vấn đề. Có nhiều cách để dẫn dắt vấn đề: Đi từ tác giả tác phẩm, từ hoàn cảnh sáng tác, từ đề tài, từ nhận định văn học, từ một vấn đề lí luận, từ một sự so sánh, một sự khác biệt.. Mở bài có hai dạng: Trực tiếp và gián tiếp: - Mở bài trực tiếp: Đề cập trực diện vấn đề, dẫn dắt đơn giản (Giới thiệu tác giả, tác phẩm, thời gian, không gian, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm). - Mở bài gián tiếp: Mở bằng câu chuyện, mở bằng cách nêu câu hỏi, đi từ nhận định văn học, từ một vấn đề lí luận, từ một sự so sánh, một sự khác biệt.. Sau đây là một số mở bài gián tiếp cho bài văn nghị luận về bài thơ "Tây Tiến" : Phân tích 14 câu đầu bài thơ "Tây Tiến" - Quang Dũng Mở bài 1: "Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy" - nhận định của nhà thơ Tố Hữu đã đề cập đến một trong những đặc trưng của thơ: Thơ là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời. "Tây Tiến" (Quang Dũng) trở thành một hiện tượng đặc biệt và có sức sống lâu bền trước hết phải kể đến yếu tố cảm xúc của bài thơ. Chính những nhịp rung mãnh liệt trong tâm hồn chàng thi sĩ trẻ khi hồi tưởng về một thời từng sống, chiến đấu trong binh đoàn Tây Tiến đã làm nên mạch cảm xúc thi vị và hào hùng của bài thơ, thành nhịp đập trái tim của thi phẩm và đem đến rung cảm thẩm mĩ sâu sắc trong lòng người đọc. Xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ: Nhớ thiên nhiên, nhớ đồng đội, nhớ nhớ kỉ niệm ấm áp tình đồng bào.. Mười bốn câu thơ: "Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi! [..] Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" Là dòng cảm xúc bồi hồi nhung nhớ của Quang Dũng về thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội cùng những cuộc hành quân gian khổ của người lính Tây Tiến. Xúc cảm chân thành, mãnh liệt ấy đã "chưng cất" lên những vần thơ thật đẹp. Mở bài 2: "Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ" - nhận định của André Chénien cho ta hiểu rằng: "Nghệ thuật" và "trái tim" là những nhân tố quan trọng để hình thành một tác phẩm thơ ca nổi tiếng và một nhà thơ vĩ đại. "Tây Tiến" của Quang Dũng là thi phẩm hội tụ cả hai vầng sáng lung linh ấy. Đó là một bài thơ vừa đậm chất thơ, vừa đậm chất tình, vừa giàu tính nghệ thuật, vừa mang tấm lòng sâu nặng của nhà thơ dành cho thiên nhiên, con người Tây Bắc, cho đoàn binh Tây Tiến mà ông từng một thời gắn bó. Mười bốn câu thơ đầu: "Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi! [..] Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" Là vùng kí ức không thể nào quên của Quang Dũng về thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội và những cuộc hành quân gian khổ của người lính Tây Tiến. Đoạn thơ thấm đẫm những kỷ niệm của một đời chiến binh được cất lên từ trái tim "chơi vơi" trong nỗi nhớ. Phân tích đoạn 2 bài thơ "Tây Tiến" - Quang Dũng Mở bài 1: "Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn" Vần thơ trên đâu chỉ là tiếng lòng của riêng nhà thơ Chế Lan Viên, đó còn là tiếng lòng của biết bao người đã từng trót mang trong hồn những kỉ niệm về vùng đất mà mình đã từng một thời gắn bó. Dẫu không phải quê hương, nhưng chỉ cần nhắc một lời nơi đầu môi, tất cả kỉ niệm lại ùa về như một thước phim hồi ức. "Tây Tiến" của Quang Dũng được viết lên từ hồi ức gian khổ mà hào hùng của những tháng ngày nhà thơ gắn bó cùng binh đoàn Tây Tiến và mảnh đất miền Tây Bắc yêu thương. Xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ: Nhớ thiên nhiên, nhớ đồng đội, nhớ nhớ kỉ niệm ấm áp tình đồng bào.. Tám câu thơ: "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa [..] Trôi dòng nước lũ hoa đung đưa" Tái hiện những ấn tượng sâu sắc về một đêm lửa trại và nỗi nhớ của nhà thơ về cảnh chiều sương Châu Mộc thơ mộng, trữ tình. Thấp thoáng sau những dòng thơ đậm chất lãng mạn ấy, Quang Dũng đã khắc họa sinh động vẻ đẹp hào hoa, nghệ sĩ của những chàng lính trẻ Hà thành. Mở bài 2: Nói về quá trình sáng tác bài thơ "Tây Tiến", Quang Dũng chia sẻ: ".. . Tôi làm bài thơ này rất nhanh. Làm xong, đọc trước đại hội được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Hồi đó tấm lòng và cảm xúc của mình ra sao thì viết vậy. Tôi chả chút lí luận gì về thơ cả..". Qua những chia sẻ ấy, ta có thể thấy, bài thơ được viết lên từ những rung động mãnh liệt của nhà thơ về một thời từng sống và chiến đấu trong binh đoàn Tây Tiến. Dù không trau chuốt, cầu kì, không có cả những hiểu biết sâu sắc về "lí luận" thơ.. bài thơ vẫn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, trở thành đóa hoa đặc biệt giữa rừng thơ kháng chiến đang khoe sắc tỏa hương và đánh dấu nốt son chói lọi trong đời thơ Quang Dũng. Bài thơ là nơi để Quang Dũng gửi gắm trái tim, tâm hồn cùng nỗi nhớ da diết của mình về những tháng ngày kháng chiến gian khổ mà hào hùng của Quang Dũng trong binh đoàn Tây Tiến, nổi bật hơn hết là những kỉ niệm ấm áp tình quân dân những đêm liên hoan lửa trại và khung cảnh thơ mộng của thiên nhiên Châu Mộc buổi chiều sương: "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa .. Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa" Phân tích đoạn 3 bài thơ "Tây Tiến" - Quang Dũng Mở bài 1: Bốn câu thơ của nhà thơ Giang Nam: "Tây Tiến biên cương mờ khói lửa Quân đi lớp lớp động cây rừng Và bài thơ ấy con người ấy Vẫn sống muôn đời với núi sông" Đã khẳng định sức sống bất diệt của bài thơ "Tây Tiến", của những "con người" một thời chiến đấu oanh liệt cho Tổ quốc, cho nghĩa vụ quốc tế cao cả. Quang Dũng đã xây dựng lên bức tượng đài bi tráng về người chiến binh Tây Tiến trong thi phẩm của mình và rồi, cả thơ và người đều để lại những dư âm sâu lắng trong lòng bao thế hệ độc giả, bao trái tim người Việt. Nhà thơ dường như đặt cả trái tim, tình yêu, thậm chí cả niềm đau của mình nơi đầu ngọn bút để khai sinh ra những vần thơ tuyệt tác. Bên cạnh những câu thơ tựa hồ từng nét cọ khéo léo vẽ lên bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, mĩ lệ là những câu thơ đậm chất bi hùng khi nhà thơ viết về binh đoàn Tây Tiến: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc .. Sông Mã gầm lên khúc độc hành" Mở bài 2: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!". Không gian xa, thời gian xa, một thời Tây Tiến đã xa, rất xa.. Xa nhưng chẳng thể quên. Xa mà vẫn bồi hồi thao thức trong trái tim chàng lính trẻ Quang Dũng. Nhịp rung động bồi hồi ấy đã khơi nguồn để gọi về những vần thơ tuyệt tác làm nên thi phẩm bất hủ "Tây Tiến". Mạch cảm xúc chủ đạo của cả bài thơ là nỗi nhớ: Nhớ thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, mĩ lệ; nhớ đồng bào Tây Bắc đằm thắm ân tình; nhớ binh đoàn Tây Tiến với những bước đường hành quân chiến đấu nhiều gian khổ hi sinh mà vô cùng anh dũng. Linh hồn của bài thơ chính là bức tượng đài bi tráng về người lính Tây Tiến được Quang Dũng tập trung khắc họa trong khổ thơ thứ ba: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc .. Sông Mã gầm lên khúc độc hành"