Linh Hồn Của Tiền - Lynne Twist

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Quân Nguyễn 091294, 15 Tháng tư 2021.

  1. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    BẢY CON NGƯỜI VĨ ĐẠI

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bangladesh là một quốc gia châu Á có trên 130 triệu dân sống trên một diện tích rộng ngang với bang Iowa. Đó đã từng là một mảnh đất giàu có với những khu rừng rậm nhiệt đới, thảm động thực vật phong phú, và một kho tàng tài nguyên thiên nhiên. Vào những năm 1900, các cánh rừng bị tàn phá trơ trụi để phục vụ cho lợi ích của nước ngoài, những người mau chóng đến rồi lại đi. Vùng đất này kiệt quệ bởi chiến tranh và những hậu quả của chính sách đất đai kém hiệu quả. Khi lớp cây cối và thảm thực vật đã từng phát triển mạnh bị mất đi, những cơn lũ theo mùa càng gây ra những thiệt hại lớn hơn cho đất và người nơi đây. Được Liên hợp quốc xếp là nước nghèo thứ hai trên thế giới vào cuối những năm 1970, Bangladesh đã đón nhận một cơn lũ khác – cơn lũ viện trợ. Trong một khoảng thời gian ngắn, nước này hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ từ bên ngoài. Bangladesh bắt đầu nổi tiếng toàn cầu là nghèo túng và vô vọng, là một chiếc bát ăn xin khổng lồ, và ngay trên đất nước này, người dân cũng bắt đầu nhìn nhận chính mình theo cách đó. Họ tin rằng mình là những người vô vọng, vô ích, phải phụ thuộc vào người khác nếu muốn tồn tại.

    Dần dần, ở nhiều nơi, làng mạc và các cộng đồng tan rã. Những người trong các làng gần quận Sylhet cũng bắt đầu buông xuôi. Họ bàn nhau rời khỏi vùng và tìm kế sinh nhai ở nơi khác, hoặc cử những người đàn ông đến các thành phố, thị trấn lớn hơn để tìm việc làm sống qua ngày, rồi gửi tiền về nhà để chu cấp cho gia đình đang trong cơn bần hàn.

    Sylhet nằm ở vùng đồi núi phía Bắc của Bangladesh, vừa đủ cao ráo để tránh được những đợt lụt hàng năm nhấn chìm các khu vực đất thấp xung quanh. Vùng đồi núi khô cằn từ lâu đã bị biến thành vương quốc của một loại cây dại đầy gai, mọc thành bụi, chỉ cho ra sản phẩm duy nhất là một loại quả độc. Các bụi cây đan ken vào nhau thành một bức tường khổng lồ, dày, nguy hiểm và không thể vượt qua. Cả khu vực um tùm đã được quy định là đất chính phủ, và nông dân địa phương không được phép canh tác trên đó. Nhưng loài cây độc mọc thành từng bụi rậm ấy vẫn tiếp tục tràn sang cả những mảnh đất nhỏ mà dân làng vẫn trồng trọt; xâm lấn đất của cây trồng và đầu độc cả vùng đất.

    Trong nhiều thế hệ, những người dân trong làng đã cố gắng duy trì cuộc sống tạm bợ nhờ trồng trọt trên những khoảnh đất nhỏ được nhà nước cấp. Tuy nhiên, ngay cả điều đó nay cũng trở thành một nhiệm vụ bất khả thi. Những người trẻ phải đi ăn xin trên đường hoặc ăn cắp vặt. Tội phạm ở mức cao chưa từng thấy. Vậy là những người dân làng đã từ bỏ những mảnh đất cằn cỗi và kém màu mỡ của mình, sẵn sàng cho những bước đi quyết liệt. Rất nhiều người chuẩn bị rời bỏ làng, đưa gia đình đến nơi khác, hoặc từ bỏ hy vọng đoàn tụ gia đình, cử những người đàn ông đến nơi khác tìm việc làm. Những cuộc trò chuyện giữa những người dân làng chỉ xoanh quanh những chuyện khẩn cấp và thực dụng. Người ta có thể chuyển đến đâu sinh sống, hoặc cử những người đàn ông đến nơi nào, để có thể trồng trọt hoặc kiếm tiền đủ để chu cấp cho gia đình. Người ta còn bàn đến chuyện xin viện trợ tài chính của Mỹ để có thể mua thực phẩm và các loại hàng hóa khác mà chẳng hề phải dốc sức lao động. Họ đã buông xuôi. Họ mệt mỏi và cam chịu. Họ cảm thấy giải pháp chắc hẳn nằm ở nơi nào đó khác, một người nào đó khác. Họ cảm thấy không thể tự mình tìm ra nó.

    Chính vào khoảng thời gian này, Dự án Xóa đói bắt đầu hoạt động mạnh ở Bangladesh. Trước đó đã có rất nhiều tổ chức cứu trợ độc lập ở Bangladesh, thực hiện những công việc can đảm và có sức động viên lớn. Tuy nhiên, làm thế nào để cải thiện tình hình bền vững là sáng kiến của chính những người Bangladesh. Ngân hàng nổi tiếng hiện nay, Grameen, do Tiến sĩ Muhammed Yunus sáng lập, đưa ra một chương trình tín dụng vi mô, cấp những khoản vốn kinh doanh nhỏ cho phép những người phụ nữ nghèo túng nhưng chăm chỉ làm lụng được vay. Còn BRAC là một sáng kiến phát triển nông thôn do nhà lãnh đạo người Bangladesh Faisal Abed đề xuất ra. Sáng kiến đã gặt hái được thành công đáng kể tại trong khi những người bên ngoài thiếu am hiểu về người dân nơi đây đã thất bại.

    Những thành công và kinh nghiệm thu được tại các vùng khác khiến chúng tôi càng tin tưởng rằng chìa khóa mở ra cánh cửa của sự phát triển nằm trong tay chính những người Bangladesh, và rằng viện trợ của bên ngoài không những không thể đưa họ vào vị trí làm chủ tương lai của chính mình, mà chỉ dần biến họ thành những kẻ ăn xin – một cách hệ thống và trên phương diện tâm lý.

    Ở giai đoạn đầu trong quá trình xây dựng và củng cố mối hợp tác hiệu quả, chúng tôi cùng nhau tìm kiểu kỹ về nền văn hóa Bangladesh, thái độ và niềm tin của họ về chính bản thân, sự cam chịu và tuyệt vọng của họ. Dần dần chúng tôi nhận thấy sau một thời gian dài phụ thuộc vào viện trợ, những người này đã mất cảm giác về năng lực của chính mình và niềm tin rằng đất nước của họ có thể thành công. Trong các cuộc gặp của chúng tôi, những lãnh đạo người Bangladesh tin tưởng rằng họ chỉ thiếu một thứ; nếu có nó họ sẽ trở nên độc lập và tự chu cấp được cho bản thân. Thứ đó là niềm tin vào thế mạnh và khả năng của chính họ. Dự án Xóa đói, với tư cách là đối tác, quyết tâm xây dựng một chương trình nhằm giúp những người Bangladesh kết nối được với tầm nhìn về chính mình và đất nước mình, nhận thức được những tài sản họ đang có và những chiến lược cần thiết để biến ý tưởng thành hành động. Từ quyết tâm và sự hợp tác đó, chúng tôi tổ chức Hội thảo Tầm nhìn, Quyết tâm và Hành động. Nó kêu gọi những người tham gia cùng thực hiện một loạt các hoạt động thảo luận nhóm và tưởng tượng để hình dung ra một nước Bangladesh độc lập, tự cường: Một đất nước thịnh vượng, lành mạnh mà trước đây họ đã chiến đấu để giành độc lập.

    Tại Bangladesh, do có quá đông người, khi bạn tổ chức bất cứ cuộc hội họp nào, có thể hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người sẽ có mặt. Mọi người thường tập trung ở các công viên hay quảng trường. Ở thủ đô Dhaka có một công viên công cộng dễ dàng chứa được một nghìn người, hay thậm chí nhiều hơn thế. Đó là chỗ chúng tôi tổ chức một số buổi Hội thảo Tầm nhìn, Quyết tâm và Hành động đầu tiên. Chúng tôi quảng bá về cuộc gặp. Vào thời điểm bắt đầu hội thảo, cả công viên chật kín người. Bạn có thể hình dung, đó không phải là một nơi xinh đẹp với những thảm cỏ xanh rờn để nghỉ ngơi. Đó là một công viên hầu như không có một ngọn cỏ nào, la liệt trên mặt đất là hàng trăm con người nhỏ bé, nâu sạm, đẹp đẽ sát bên nhau, rất nhiều trẻ sơ sinh và trẻ em nhỏ. Mọi người thuộc mọi lứa tuổi ngồi chăm chú và ngập ngừng lắng nghe, mong sẽ tìm ra điều gì đó có ích cho mình.

    Chương trình bắt đầu bằng một chút âm nhạc, một vài phần giới thiệu ngắn gọn, những lời phát biểu đầy cảm hứng của những người lãnh đạo cộng đồng và một số hoạt động tương tác ban đầu để tập trung năng lượng và sức chú ý của đám đông vào nhiệm vụ trước mắt. Sau đó chúng tôi bắt đầu chương trình, yêu cầu tất cả mọi người nhắm mắt lại và hình dung về hình ảnh của một đất nước Bangladesh độc lập tự chủ.

    Bangladesh sẽ thế nào nếu nó là một đất nước xuất khẩu những thứ hàng hóa chất lượng số một của mình? Đất nước này sẽ thế nào khi nó trở nên nổi tiếng về nghệ thuật, âm nhạc và thơ ca? Sẽ thế nào nếu nó là một thành viên hữu ích trong cộng đồng toàn cầu, thay vì là cái bát ăn xin khổng lồ chuyên nhận viện trợ? Sẽ thế nào nếu những người lãnh đạo Bangladesh, bao gồm cả phụ nữ, đàn ông và thanh niên sẽ đóng góp tích cực cho xã hội? Hình ảnh về Bangladesh khi đó sẽ như thế nào?

    Ban đầu, mọi người ngồi vai kề vai yên lặng, mắt nhắm, mặt không biểu lộ chút cảm xúc nào. Sự im lặng tràn ngập đám đông, cả biển người vẫn im lìm, mắt nhắm, chìm trong suy nghĩ. Sau vài phút, tôi nhận ra nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt một người đàn ông, rồi một người tiếp theo, và tiếp theo nữa. Mọi người vẫn ngồi yên với đôi mắt nhắm chặt, nhưng họ lặng lẽ khóc. Rồi sau đó, không chỉ là ba hay bốn, mười hay hai mươi khuôn mặt ướt nhòa nước mắt. Trong đám đông hơn một nghìn người, hàng trăm người đang khóc. Dường như chưa bao giờ trong đời họ từng hình dung đất nước họ có thể tạo ra khác biệt cho những đất nước khác, có thể trở thành một đất nước nổi bật, được ngưỡng mộ, có vai trò độc nhất trong cộng đồng thế giới. Đó là một suy nghĩ mới mẻ và táo bạo.

    Khi chúng tôi kết thúc hoạt động suy ngẫm này, và mọi người chia sẻ với nhau những hình ảnh họ đã thấy về làng xóm, gia đình, trường học, nhà cửa, công việc, con cái, cháu chắt họ, tầm nhìn trở nên phong phú và chân thực, sống động và vui vẻ. Một tương lai mới được khai sinh.

    Trong phần tiếp theo của buổi hội thảo, những người tham gia được kêu gọi hãy cam kết cống hiến cho tầm nhìn của mình. Họ được yêu cầu không chỉ hình dung, mà sẽ cam kết biến hình ảnh đó thành sự thật. Bạn có thể thấy họ rũ bỏ lo lắng và sợ hãi, rời bỏ cảm giác thiếu thốn và tiến tới sự sáng tạo của chính mình và gắn bó với nó. Trong bài tập đó, bạn có thể thấy tư thế và vẻ mặt mọi người thay đổi. Họ dường như trở nên mạnh mẽ rõ rệt. Cảm giác quyết tâm và quả quyết lan từ người này sang người khác, và điều tưởng như không thể trở thành khả thi. Cuối cùng, họ chia thành từng nhóm nhỏ, hợp tác và lên kế hoạch hành động làm để biến tầm nhìn thành hiện thực. Những hành động này cần thực tế, cụ thể ở từng địa phương, khả thi, thống nhất với những quyết tâm mới của họ và phục vụ cho tầm nhìn của họ. Mọi người dường như bắt đầu coi bản thân, gia đình, làng xóm và đất nước là những cá thể đầy năng lực, tháo vát, và mạnh mẽ – độc lập và tự chu cấp được cho mình.

    Không lâu sau đó, những hội thảo như vậy được tiếp tục tổ chức, một số ở các thành phố, những lần khác ở các làng, có lần chỉ trong phạm vi các gia đình. Chủ nhật hàng tuần, hội thảo vẫn được tổ chức cho hàng nghìn người tại quảng trường ở Dhaka.

    Tình cờ trong một chuyến đi đến Dhaka, một trong những vị trưởng làng ở vùng Sylhet đã tham dự một buổi Hội thảo Tầm nhìn, Quyết tâm và Hành động. Anh tên là Zilu. Lúc đó anh đang tới thăm một người họ hàng sống trong thành phố, và người anh họ này đã mời anh cùng đến công viên để xem buổi hội thảo nói về vấn đề gì. Nhưng Zilu không muốn đi, anh muốn bàn với người anh họ về chuyện đưa gia đình mình rời khu làng tiêu điều ở Sylhet về ở với anh ta, hy vọng mình có thể tìm việc làm trong thành phố và cho họ cơ hội đổi đời. Nhưng người anh họ cuối cùng cũng thuyết phục được Zilu, thế là họ cùng đến dự hội thảo.

    Zilu hoàn toàn bị cuốn hút vào buổi hội thảo và bởi sự tỉnh ngộ về chính quyết tâm của anh đối với làng và cộng đồng quanh mình. Anh ở lại Dhaka thêm ba ngày, tham gia một khóa học để chính mình trở thành người tổ chức hội thảo. Sau đó, cùng với những thứ học được và tầm nhìn mới, anh trở lại Sylhet.

    Trở về nhà, anh tập hợp sáu người bạn thân nhất và truyền lại tinh thần buổi hội thảo cho họ. Giờ đây họ có chung một tầm nhìn và quyết tâm phát triển các nguồn lực thiên nhiên và con người trên chính quê hương họ. Bảy người đàn ông đưa ra ý tưởng và lên kế hoạch thực hiện một dự án kinh doanh nông nghiệp mới đưa cả vùng thoát khỏi nghèo khó, tiến tới độc lập và cuối cùng là thịnh vượng. Họ gọi đó là Dự án Chowtee: Bước tiến Táo bạo hướng tới Tự lập.

    Tôi đến Sylhet chỉ bốn tháng sau, vào tháng 4 năm 1994, cùng với 17 người đồng hành và cũng là những nhà quyên góp chủ chốt cho Dự án Xóa đói. Zilu đã mời chúng tôi đến để chỉ những tiến bộ mà anh và các bạn đã tạo ra trong vùng, cảm ơn những đóng góp chúng tôi mang đến cho đất nước anh và đồng bào anh. Zilu cùng sáu người bạn, những người chúng tôi gọi là nhóm Bảy Người Vĩ đại, đã kể cho chúng tôi câu chuyện về sự thay da đổi thịt của vùng, rồi chỉ cho chúng tôi thấy những thành quả đó.

    Zilu chia sẻ với chúng tôi anh đã trở về từ buổi hội thảo ở Dhaka ra sao vào ngày tháng 12 đó. Anh đã có cảm hứng nhìn những tài nguyên mà anh và mọi người ở đây đang có với một con mắt khác. Anh quyết tâm thúc đẩy một tầm nhìn, một quyết tâm và một kế hoạch hành động. Khi sáu người bạn của anh cùng chia sẻ quyết tâm này, bước tiếp theo của họ là xem xét những tài nguyên họ đang có nhưng bị bỏ sót. Tại đó, ở rìa ngôi làng là vùng đất của chính phủ bị bỏ hoang cằn cỗi, mọc đầy những bụi gai dại độc. Bảy người đàn ông đến gặp các quan chức chính phủ và xin phép phá bỏ gần 7 ha cây dại xâm lấn đất đai của họ. Sau đó, họ vận động mọi người trong cộng đồng để có tiền mua các thiết bị và nguyên vật liệu cần thiết. Mọi người san sẻ phần tiết kiệm nghèo nàn của mình để ủng hộ cho sáng kiến này. Những người đàn ông đã quyên góp được số tiền cần thiết, trị giá hàng nghìn taka – lúc đó tương đương khoảng 750 đô-la. Cuối cùng, họ tự mình tổ chức một phiên bản của Hội thảo tầm nhìn, Quyết tâm và Hành động cho 600 người trong ngôi làng có 18nghìn người.

    Sáu trăm con người đó bắt đầu làm việc, xây một con đường ven theo đường rìa của vùng đất, và bắt đầu phá dỡ cây dại. Ấn tượng với tầm nhìn, mục đích và quyết tâm rõ ràng của họ, chính phủ trao cho họ thêm 40 ha để trồng trọt. Họ đào tạo những thanh niên trước đó phải đi ăn xin hoặc phạm tội làm công việc trồng trọt. Họ đào tạo những người phụ nữ nghèo khó cùng cực, rất nhiều trong số đó đang ở góa, cùng tham gia trồng trọt. Trong khi dọn dẹp vùng đất, họ rất ngạc nhiên vì đã khám phá ra một chiếc hồ trước đó không được biết đến, và một dòng suối nhỏ đầy cá.

    Cả khu vực này giờ đây đang được khai thác, chăm bón, giúp cung cấp thức ăn, tôm cá, đào tạo nghề và mang lại việc làm cho hàng trăm người. Cả 18 nghìn người quanh vùng gần đó cũng được hưởng lợi từ hoạt động này. Một vùng trước kia tan hoang vì nghèo đói bắt đầu có thể tự đứng vững, và dần dần khấm khá lên. Tỷ lệ tội phạm giảm đáng ngạc nhiên tới 70%.

    Chúng tôi đi ngang qua các thửa ruộng cùng với Zilu và sáu thành viên còn lại trong nhóm Bảy Người Vĩ đại, đến thăm khu nuôi cá và khu ruộng thực hành. Chúng tôi kinh ngạc trước cuộc sống sung túc, niềm vui và thành công của mọi người ở đây. Khi bước bên họ tôi nhận ra rằng họ đã hoàn thành kỳ công này mà hầu như không cần sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. Họ đã có tất cả mọi thứ mình cần – đất đai, nguồn nước, trí tuệ, sức khỏe, và khả năng kết nối tất cả yếu tố đó với nhau – những thứ họ đã đánh mất khi ngửa tay nhận viện trợ dành cho "Thế giới thứ Ba", khi chìm đắm trong sự tuyệt vọng và bất lực mà chính nguồn viện trợ ấy đã gián tiếp khơi gợi ra. Một khi họ được truyền cảm hứng để nhìn nhận bản thân dưới một ánh sáng khác, thấy mình đủ mạnh mẽ, sáng tạo và đủ năng lực, quyết tâm của họ không còn bị hạn chế nữa. Thành công là điều tất yếu.

    Khi nhìn những thửa ruộng trước kia là rừng và bụi rậm không thể vượt qua, tôi nghĩ về cuộc sống của chính chúng ta, và những thứ cây dại bao phủ lên những mảnh đất mơ ước của chúng ta, thứ đã tạm thời cản trở tầm nhìn của tâm hồn ta, hoặc khả năng nhìn nhận của ta. Trong thế giới của họ, đó là khu rừng và những thông điệp rắc rối gắn với viện trợ, bảo với họ rằng họ không có đủ, họ nghèo túng và không có khả năng tự giúp đỡ bản thân. Họ đã tin điều đó, và một khi còn giữ niềm tin ấy, họ không thể nhận ra những tài nguyên ở ngay trước mắt mình. Một khi họ đã dồn sự chú ý vào chính những tài nguyên bên trong vô hạn của mình, những tài nguyên bên ngoài bất ngờ hiện ra cho họ sử dụng. Họ bắt đầu nhận ra rằng những thứ họ cần đã ở sẵn đó từ lâu.

    Tôi không bao giờ quên Bảy Người Vĩ đại. Khi bạn bị đè nặng bởi tâm lý thua cuộc như họ đã từng chịu, khả năng mơ ước và tưởng tượng của bạn cũng bị đè bẹp. Nó dường như đã chết. Khi tôi thấy mình mò mẫu tìm kiếm những thứ bên ngoài tầm tay với, tôi lại nghe thấy lời họ âm vang trong đầu mình, và biết rằng nếu tôi có thể nhìn lại từ trong mình, tiếp cận và trân trọng những thứ có sẵn, khi đó sức mạnh, công dụng và sự may mắn chúng mang đến sẽ lớn lên và phát triển rực rỡ.
     
  2. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    ĐẶT VẤN ĐỀ TÍCH CỰC: MỘT NGUYÊN LÝ THAY ĐỔI TÍCH CỰC

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sức mạnh của sự tôn trọng đã được công nhận là một trong những chìa khóa dẫn đến thành công về mặt tổ chức, cho dù là ở một cộng đồng những người làm nông nghiệp, một nhóm các công nhân nhà máy, một công ty với hàng nghìn nhân viên, hay chỉ là một nhóm nhỏ các tình nguyện viên đang làm việc trong cùng một dự án phục vụ xã hội.

    David L. Cooperrider, Diana Whitney, cùng với nhóm các nhà nghiên cứu và tư vấn trên lĩnh vực nguyên lý tổ chức và phát triển con người của họ, đã đặt ra khái niệm "đặt vấn đề tích cực" như một kiểu mẫu về mặt hình thức đưa đến sự thay đổi. Trong cuốn sách của họ, Đặt vấn đề Tích cực: Đánh giá lại Tổ chức của con Người hướng đến một Nguyên lý Thay đổi Tích cực, họ khuyên chúng ta nên chuyển hướng sự tập trung của mình từ "giải quyết vấn đề" sang tìm kiếm, xác định nguồn lực sẵn có trong một tập thể con người để khuấy động, phát huy và duy trì những thay đổi tích cực.

    Họ đặt vấn đề: Làm sao để các hành động của chúng ta xoay quanh sự thay đổi trở nên khác đi được, nếu chúng ta khởi đầu với một giả thiết là "các tổ chức, với vai trò là những trung tâm trong các mối quan hệ của con người, luôn" sống động "với khả năng phát triển không hạn chế"?

    Trong khi đặt vấn đề theo hướng tích cực, chúng ta "tìm kiếm những ưu điểm nổi trội nhất của mọi người, những tổ chức mà họ thuộc về, và cả thế giới xung quanh họ". Đặt vấn đề tích cực liên quan đến việc "tìm kiếm một cách có hệ thống điều đã mang lại" sức sống "cho một hệ thống sống khi nó đang trong thời kỳ sống động nhất, hiệu quả nhất, và có nhiều khả năng phát triển nhất trên khía cạnh kinh tế, môi trường và con người". Họ nói, hãy tìm xem cái gì hoạt động hiệu quả hơn là tìm xem cái gì không, và "thay vì phủ định, chỉ trích và mổ xẻ xoáy ốc, nên dành chỗ cho khám phá, mơ ước và những kế hoạch mới."

    Trên khía cạnh tiền bạc, cuộc đời của chúng ta chủ yếu xoay quanh các giả định liên quan đến các vấn đề do tình trạng khan hiếm gây ra, quanh mổ xẻ xoáy ốc và cuối cùng là các cuộc rượt đuổi những giải pháp nằm ngoài tầm với của chúng ta. Thay vào đó, nếu bạn có thể dồn sự tập trung và thái độ trân trọng của mình vào những gì hiện có, thì bạn sẽ được trải nghiệm sự sung mãn tràn đầy đang hiện hữu. Tận hưởng sự viên mãn, là ý nghĩa của đời người. Bạn vạch ra viễn cảnh khả quan đó và kêu gọi mọi người khác cùng đến tận hưởng. Khi đạt đến cảm giác viên mãn đầy đủ đó, mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn đều là một thứ tài sản của bạn có được nhờ khả năng kiểm soát chúng, học hỏi từ chúng và tạo ra một điều gì đó ý nghĩa từ chúng. Điều bạn trân trọng và cách thức bạn điều khiển sự chú ý của mình sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của bạn.

    Mỗi người trong số chúng ta đều có sức mạnh của sự trân trọng này, bất kể lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Đất nước của bạn, nền văn hóa của bạn có thể khác xa so với đất nước và nền văn hóa Bangladesh, nhưng những cảm giác như lo âu, sợ hãi, buông xuôi hay tuyệt vọng mà đôi khi chúng ta phải trải nghiệm trong khi phải giải quyết các vấn đề liên quan đến tiền bạc thì có thể lại giống nhau. Trong khi trân trọng giá trị đích thực của bản thân và những gì chúng ta hiện có, ta có thể nhìn nhận lại các triển vọng, vạch ra một tầm nhìn, đặt ra quyết tâm và hành động theo quyết tâm đó.
     
  3. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    AUDREY: ĐI TÌM GIÁ TRỊ BẢN THÂN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Audrey là một phụ nữ ở độ tuổi 42, dành trọn thời gian ở nhà làm công việc nội trợ và chăm sóc hai đứa con gái nhỏ, khi chị đưa đơn ly dị người chồng ngược đãi và bội bạc của mình. Họ đã kết hôn được gần 20 năm, và do áp lực từ chồng, Audrey đã từ bỏ việc theo học cao học và một sự nghiệp nghệ thuật đầy triển vọng để trở thành một bà nội trợ dành trọn thời gian tại nhà. Vào những thời điểm khác nhau trong suốt những năm tháng đó, Audrey đã dồn hết tâm huyết vào giấc mơ – mở một doanh nghiệp thiết kế quần áo cho trẻ em của riêng mình – nhưng chị đã bị chồng và gia đình nhà chồng can ngăn. Họ nói chị không đủ khôn ngoan để làm điều đó, và chị đã tin họ.

    Chồng chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, tiền bạc dư dả, nhưng anh ta đã lợi dụng những kẽ hở pháp lý để ngăn người vợ khỏi khối tài sản của mình.

    Trong quá trình tiến hành các thủ tục ly hôn, chị cảm thấy tổn thương sau mỗi cuộc dàn xếp các điều khoản cay đắng với người chồng hờ hững của mình. Vết thương càng bị khoét sâu bởi những lời gợi nhớ của anh ta – giờ được thể hiện bằng những những khoản tiền bèo bọt – rằng đối với anh ta, quãng đời và quãng thời gian mà chị đã cống hiến cho cuộc sống vợ chồng của họ là vô giá trị. "Tôi chẳng hề có chút giá trị" là câu thần chú của tiền bạc, là cái án chung thân đã đeo đuổi chị suốt cuộc hôn nhân của mình, và giờ đây nó là thông điệp chính thức, được viết bằng thứ ngôn ngữ pháp lý của thủ tục dàn xếp ly hôn.

    Ngày qua ngày, hết phiên tòa này đến phiên tòa khác, chị ngày càng trở nên trầm cảm, giận dữ và cảm thấy bị lừa dối. Giấc mơ hạnh phúc gia đình tan vỡ, và khoản tiền ly thân mà lẽ ra chị phải được nhận đã không còn. Chị trở nên bi quan chán nản về khả năng kiếm việc của mình.

    Những nỗi sợ hãi lớn nhất của chị hiện hữu ngày một rõ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chị không kiếm đủ tiền để mua một căn hộ và chăm sóc bọn trẻ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chị tỏ ra là một người vô dụng và vô công rồi nghề như chồng chị vẫn luôn đay nghiến? Ám ảnh bởi nỗi sợ hãi và hoài nghi bản thân, chị đã không thể vượt qua được những hình ảnh hãi hùng trong quá khứ để tưởng tượng ra một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và những đứa con. Suốt một thời gian dài chị đã tê liệt đi vì sự tức giận và nỗi lo thất bại.

    Tôi đã gặp Audrey vào thời điểm chị bị khủng hoảng về danh dự cũng như tiền bạc ấy. Chúng tôi đã cố gắng đánh giá lại mối quan hệ với tiền bạc của chị qua một lăng kính khác để có thể giúp chị hồi phục.

    Chúng tôi chuyển hướng cuộc đối thoại của mình đến việc xác định những tài sản thật sự của Audrey: Những kỹ năng và biệt tài của chị ấy, những hy vọng và ước mơ của chị, những nguồn lực mà chị có trong các mối quan hệ gia đình và bè bạn. Sau rất nhiều năm cảm thấy bản thân vô dụng, Audrey đã rất khó khăn để có thể nhận ra là mình có bất kỳ một thứ tài sản giá trị nào.

    Chúng tôi đã bắt đầu bằng cách liệt kê ra những người mà Audrey biết sẽ luôn dành cho chị những tình cảm và sự tôn trọng, những người tin tưởng chị. Chính những người đó cũng tài sản có giá trị của chị. Chị kể đến hai cô con gái nhỏ của mình, chúng yêu thương nhau không hề vụ lợi. Chị nhắc đến cha mẹ và những người anh em trai của mình, những người không thể giúp đỡ chị được nhiều về mặt vật chất, nhưng lại là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho chị. Tiếp đến, chị nghĩ tới những người bạn cũ thân thiết và đáng tin tưởng nhất của mình, và sau đó là đến những người bạn mới quen gần đây, và ý nghĩa của họ đối với đời sống tình cảm của chị. Những mối quan hệ này không hề dựa vào tiền bạc làm phương tiện gắn kết, mà thay vào đó là tình yêu thương và sự kính trọng.

    Chị lần lượt kể tên từng người – khoảng 20 người tất cả – và sau đó tôi yêu cầu chị liệt kê ra những phẩm chất của chị mà họ đã từng đánh giá cao. Chị bật cười, rồi lại tập trung ngay vào nhớ lại những gì bạn bè đã từng khen ngợi mình. Giống như tôi, họ cũng nghĩ rằng chị là một người thông minh, sáng tạo, hào hiệp, nhiệt tình, quyết tâm và có óc hài hước nhạy bén.

    Chúng tôi đã xác định những phẩm chất này còn quý báu và vô tận hơn hết thảy mọi thứ tài sản và tiền bạc mà chị có. Đây là những thứ tài sản mà có những người phải phấn đấu cả đời mới có được, và không thể mua được bằng tiền. Trong khi đó, Audrey đã có sẵn tất cả!

    Khi chúng tôi ngồi nói chuyện và Audrey bắt đầu tập trung nói về những mối quan hệ bè bạn này, những đức tính và nguồn lực vật chất của chị, cả hai chúng tôi đều bắt đầu cảm thấy một sự thay đổi trong con người chị. Chị ngồi hơi thẳng lưng lên; những nét ưu tư biến mất và giọng nói trở nên tự tin hơn. Chị đã miêu tả lại sự thay đổi trong cảm nhận của mình lúc đó, tương ứng với những thử thách nảy sinh. Nỗi sợ hãi lắng xuống. Ngay lúc đó chị đã cảm thấy tự tin và ít đòi hỏi hơn cho dù chị vẫn còn cần rất nhiều thứ, và chị không nản lòng trước hoàn cảnh lúc đó, cho dù khi đó vẫn còn đầy thử thách. Tuy còn vương vấn một chút nỗi sợ, nhưng chị đã cảm thấy vững tin hơn rất nhiều, nhờ vào nền tảng các nguồn lực của bản thân và những lời nhận xét tích cực của người khác.

    Tôi nói: "Bây giờ chị hãy tưởng tượng đến thời điểm 25 năm sau này."

    Chị bật cười: "Lúc đó thì tôi đã 70 tuổi rồi!"

    "Vậy hãy tưởng tượng là chị đã 70 tuổi, hãy nghĩ về những đứa con gái của chị, có lẽ khi đó chúng đã lấy chồng cả, chị đã có những đứa cháu, và khi đó chị đang ở trong một giai đoạn tuyệt vời của cuộc đời, chị đã hàn gắn được những vết thương của quá khứ và có thể quay lại nhìn và đánh giá. Chị đã làm thế nào để vượt qua được khoảng thời gian ngay sau khi ly hôn? Chị đã tạo điều kiện hỗ trợ cho con cái mình như thế nào? Điều gì đã khiến chị vượt qua được những năm đầu tiên đó?"

    Audrey chợt lặng đi, rồi bắt đầu nói hơi ngập ngừng ở đoạn đầu: "Tôi đã không để nỗi sợ hãi cản bước mình. Tôi đã rất sợ, nhưng tôi vẫn cứ đi tới. Tôi tin vào bản thân."

    "Và chị sẽ kể điều gì cho các cháu của mình về việc làm thế nào mà chị có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn về tiền bạc đó? Điều gì là bước đột phá khiến cho chị có được sự sung túc vừa đủ?"

    Chị ấy lại dừng lại một chút, như thể để lắng nghe giọng nói của chính mình, một Audrey già dặn, chín chắn hơn, vọng về từ tương lai. Sau đó, lần này, chị trả lời bằng một giọng nói mạnh mẽ, dứt khoát: "Tôi không còn trông chờ ai đó nói cho tôi biết phải làm gì nữa. Tôi nhận ra mình cần phải thử làm một số thứ và cứ thế tôi chỉ tập trung vào thực hiện. Tôi học cách đặt niềm tin vào chính mình. Trước đây, tôi đã dành trọn tâm trí của mình để tin tưởng một người đàn ông, thì nay tôi chỉ dành một phần tư số đó để tin tưởng vào bản thân, trong khi giải phóng ba phần tư sức lực còn lại vào các việc khác nhau bên cạnh làm việc kiếm sống. Tôi nghĩ phụ nữ nên theo dõi mình đã dành bao nhiêu sức lực cho các mối quan hệ, và rồi chủ động dành ra chỉ một phần tư trong số đó cho việc củng cố mối quan hệ với bản thân, và nhờ đó họ có thể tiến xa được như tôi đã từng làm."

    "Và chị đã làm gì để kiếm sống? Có điều gì đột phá chăng?"

    Audrey lại tạm ngừng một chút, rồi trả lời yếu ớt: "Mỗi khi tôi nghĩ về điều đó, tôi lại thấy sợ hãi và không muốn nghĩ tiếp nữa." Nhưng sau đó chị đã cố gắng tập trung để mường tượng ra tương lai: "Tôi đã mở công ty thiết kế quần áo cho trẻ em và nó giúp tôi sống qua ngày – nó cho phép chúng tôi tiếp tục tiến bước."

    Chúng tôi đã nói chuyện về những khát khao của chị muốn dựng nên một phương tiện kiếm sống thực thụ dựa trên những tài năng và niềm đam mê, một điều khác biệt hoàn toàn so với cố gắng kiếm đủ tiền để trang trải tiền thuê nhà, hay làm ăn chụp giật như cách người chồng trước đây của chị và bố mẹ anh ta vẫn thường làm. Chỉ trong khuôn khổ cuộc nói chuyện của chúng tôi, chị đã có thể lùi lại và quan sát xem mình đã hao tổn bao nhiêu sức lực vào những nỗi lo sợ về chuyện tiền bạc của mình, và vào một tâm lý đinh ninh rằng chị sẽ không thể nào kiếm được đủ tiền để nuôi sống cả ba mẹ con. Chính chị đã tự trả lời cho mình: Nếu chị có thể giải phóng tất cả sức lực bị trói chặt vào những lo âu, sợ hãi, và tập trung chúng vào các nguồn lực, sự quyết tâm và các chiến lược của mình để có được một tầm nhìn, chị tin chắc là mình sẽ đi đến thành công.

    Trong những tháng sau đó, Audrey thường xuyên thông báo tình hình của mình cho tôi. Cùng với sự tự tin của bản thân và sự động viên ngày càng tích cực của gia đình và bè bạn, Audrey đã bắt đầu tập trung chú ý vào những kỹ năng thế mạnh của mình và bước đầu học cách tự mở một doanh nghiệp.

    Một buổi tối, chị đã tham gia vào một cuộc hội nghị chuyên đề về phụ nữ trong môi trường doanh nghiệp, và ngay lập tức tiếp cận được với vô vàn địa chỉ liên hệ, với các tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Các buổi hội thảo về ngay chính những vấn đề mà chị muốn học hỏi để có thể mở một doanh nghiệp cho riêng mình. Chị đã nhanh chóng tham gia vào một chương trình tư vấn, trong đó những nữ doanh nhân thành đạt trong cộng đồng kèm cặp và cố vấn cho những phụ nữ như chị. Chị tham gia nhiều khóa học hơn, tìm hiểu về dòng luân chuyển tiền tệ trong kinh doanh và học cách quản lý chúng có hiệu quả. Đi đến đâu cũng vậy, mỗi khi chị mang một mẫu thiết kế quần áo trẻ em mới ra để giới thiệu cho bạn bè, là sẽ có ai đó, mặc dù chỉ đang đi ngang qua, muốn mua chúng. Những người khách lạ này đều cảm thấy thích thú trước những sản phẩm và tầm nhìn của Audrey, điều đó càng khiến chị cảm thấy phấn khích.

    Dần dần, Audrey nghiên cứu đến các vấn đề về sản xuất và bán hàng cho công ty mơ ước của mình, chỉnh lại các mẫu thiết kế sản phẩm, và vạch ra một kế hoạch kinh doanh. Những người mà chị gặp trong quá trình chuẩn bị này đều cảm thấy ấn tượng bởi sự sáng tạo, nhiệt tình và óc kinh doanh nhạy bén của chị, nhờ đó chị đã có thể kiếm được một số việc làm thêm trong khi vẫn ấp ủ kế hoạch của mình. Cùng với việc ngày càng tập trung chú ý đến tạo lập một doanh nghiệp cho mình, phạm vi các mối quan hệ bạn bè và kinh doanh của chị cũng được mở rộng và lại tạo đà cho những nỗ lực đã được truyền cảm hứng của chị.

    Cùng với thời gian, mối quan hệ giữa chị và tiền bạc đã thay đổi. Thay vì sống trong nỗi sợ hãi trước nó, hoặc trong nỗi lo sợ không có đủ tiền luôn thường trực, chị đã sống cẩn trọng với những gì mình có, và tập trung vào việc lập ra một doanh nghiệp có thể đứng vững và làm những gì mình yêu thích. Đã có một bước ngoặt trong mối quan hệ giữa chị và tiền bạc. Chị đã không còn là một nạn nhân, hay một kẻ chịu ơn thụ động đối với người chồng của mình, không còn sợ hãi hay giận dữ vì bị ruồng bỏ. Giờ đây, chị đã nhận ra khả năng kiếm sống thật sự của bản thân, và giá trị đích thực của con người mình – một doanh nhân sáng tạo và phát đạt trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống. Chị đã đặt ra một cam kết trong kế hoạch kinh doanh của mình là sẽ trở thành một nguồn lực hỗ trợ cho những người phụ nữ khác, bằng cách mang lại việc làm như may vá, sản xuất và bán các sản phẩm của công ty.

    Cũng có cả những ngày tháng gian nan vất vả, nhưng mỗi khi Audrey tập trung chú ý của mình, dù chỉ trong giây lát, vào những khía cạnh dù chỉ nhỏ nhặt nhất trong sự sung túc của mình, chị lại lấy lại được sức mạnh và lòng can đảm, thậm chí là tận hưởng được cả niềm vui, trong những giây phút đó. Mỗi lần như thế chị đều có thể tìm được sự can đảm cần thiết để có thể tiếp tục vươn lên; không quá nhiều, nhưng vừa đủ – như chị vừa cười vừa nói sau đó. Thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn, mỗi khi chị sẵn sàng đi tiếp bước nữa trên con đường thực hiện các kế hoạch của mình, may mắn lại mỉm cười với chị và chị lại tìm được chính xác những gì mình cần – địa chỉ liên lạc phù hợp, xưởng thiết kế phù hợp, nhà cung cấp vật tư phù hợp và các nhà đầu tư phù hợp. Cho đến cuối năm sau đó, Audrey đã khai trương công ty của mình và bắt tay vào một khởi đầu đầy hứa hẹn. Từ những mảnh vụn nát của một cuộc đời éo le, chị đã tạo ra một kiệt tác.
     
  4. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    JAMES: LẠC LÕNG – HỒI PHỤC – VÀ QUAY TRỞ LẠI

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Có thể rất dễ cho rằng toàn bộ cuộc nói chuyện về sự trân trọng và sung túc này là dành cho những đối tượng như chị Audrey hay Bảy Người Vĩ đại, những người chẳng có mấy tài sản trong tay đến nỗi họ phải học cách coi trọng ngay cả những thứ ít ỏi mà họ có, nếu không sẽ bị nhấn chìm trong tuyệt vọng. Thế nhưng, nó cũng đúng với cả những người có cuộc sống vật chất dư dả. Họ có nguy cơ, và thường là như vậy, bị lạc lõng trong đống của cải của mình, chìm ngập với những nhà cửa, xe hơi và các vật dụng khác, đến nỗi họ đánh mất đi cả ý nghĩa của cuộc sống nội tâm hay bất cứ ý nghĩa nào ngoài tiền bạc. Mẹ Têrêsa đã có lần nhắc tới một điều gọi là "sự nghèo nàn cùng cực của tâm hồn" có tác động mạnh mẽ đến những người giàu có, Mẹ cũng đã nói sự nghèo nàn về tâm hồn ở Mỹ thì cùng cực hơn bất kỳ sự nghèo nàn nào mà Mẹ đã từng thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới này.

    James biết nơi đó và sự nghèo nàn cùng cực về tâm hồn đó. Anh lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở bang Missouri, nơi gia đình anh nắm giữ ngành kinh tế chính yếu của thị trấn. Tên gia đình là lời nguyền đối với anh – bất cứ ai biết đến cái tên đó thì đều biết rằng anh giàu có và sẽ không bao giờ cần phải làm việc, và họ mặc nhiên cho rằng anh là một đứa con nhà giàu hư hỏng. Họ ghen tỵ và khinh miệt anh.

    James có một trái tim vĩ đại và muốn được công nhận là một thành viên đóng góp tích cực cho xã hội, nhưng anh lại nhận thấy cái tên anh mang và khoản gia tài khổng lồ anh sở hữu là một gánh nặng khủng khiếp, ngăn cản anh quan hệ bình thường với những con người khác và với thế giới xung quanh. Anh bực bội, thậm chí ghét bỏ cái tên của gia đình và khoản gia tài – gánh nặng của mình. Anh cảm thấy cần phải thoát ra khỏi môi trường mình đang sống để có thể tìm ra giá trị đích thực của con người mình, cơ bản là để chứng minh bản thân. Sự trống rỗng trong lòng anh ngày càng rõ, và anh luôn bị dằn vặt bởi những cảm giác hổ thẹn, bất lực và tội lỗi.

    Chúng tôi đã gặp nhau khi còn ở đại học và mặc dù bây giờ tôi có thể nhìn và hồi tưởng lại nỗi đau mà anh đã từng phải trải qua, thì ngay lúc đó tôi lại không nhận ra điều đó. Lúc đó, với tôi, anh chỉ là một người bạn cùng lớp, cùng học, cùng vui chơi như bao người bạn khác.

    Tôi đã liên lạc lại với anh vào một vài năm sau đó tại nhà của một người bạn của chúng tôi. Mặc dù trông có già dặn hơn đôi chút so với tuổi, anh vẫn thanh lịch và đẹp trai như thời sinh viên. Một vài hôm sau, anh mời tôi đi ăn trưa, chỉ nói rằng anh ấy cần một số lời khuyên. Anh đã kể cho tôi câu chuyện của mình. James là một người nghiện rượu. Lúc đó, anh đã có hai đứa con và đang tiến hành ly hôn lần thứ hai. Anh có đủ tiền để sống một cuộc sống giàu sang đến cuối đời, nhưng anh lại cảm thấy lạc lõng và buồn bực, lo sợ rằng mọi người sẽ biết được rằng cuộc đời của mình đang trong tình trạng thê thảm. Anh muốn thay đổi, nhưng không biết phải làm thế nào.

    Giống như hầu hết các mối quan hệ trong cuộc đời anh, mối quan hệ giữa James với tiền bạc đầy rẫy những đau khổ, xung đột, thất vọng và những điều thiếu rõ ràng. Những vấn đề tình cảm sâu kín và đã bị lãng quên từ lâu đã đeo đuổi, hủy hoại anh từ thuở ấu thơ càng làm cho cả quãng đời bị bỏ bê của anh trở nên tệ hơn. Tiềm lực kinh tế sẵn có của gia đình đã cho phép anh giải quyết mau chóng những thời điểm khó khăn trong hôn nhân, gia đình, tình bạn và ngay chính cuộc sống. Chưa từng làm gì đáng kể để tự kiếm tiền, James luôn giấu kín một bí mật cay đắng là anh luôn tự hoài nghi sâu sắc bản thân. Anh cảm thấy mình vô giá trị, ngoại trừ chính khoản gia tài mà anh chán ghét. Anh có đủ tiền để làm mọi thứ, nhưng cuộc đời của anh trở nên chẳng gì hơn là một ô chữ ngày càng rắm rối, phức tạp, che đậy đằng sau nó là thói rượu chè bê tha, những mối quan hệ chẳng đi đến đâu, những mối quen biết bạn bè nguỵ tạo, và cảm giác hoàn toàn vô dụng.

    Anh là một người biết quan tâm, một người muốn làm điều thiện cho mọi người, muốn sống một cuộc đời cống hiến có ý nghĩa. Anh ước có thể bắt đầu lại từ đầu, nhưng lại cảm thấy bị kẹt giữa một bên là đống tài sản kếch xù của mình và một bên là những thất bại cá nhân.

    Chúng tôi bắt đầu thường xuyên nói chuyện với nhau, và trong khi James bắt đầu công cuộc hàn gắn chậm chạp và vất vả những mối quan hệ của anh với những người xung quanh, chúng tôi tập trung vào mối quan hệ của anh với tiền bạc. Anh đổ lỗi mọi vấn đề của mình lên cái tên của gia đình và đống gia tài mà gia đình trông chờ anh cai quản. Anh đã trút ra mọi sự giận dữ, buồn bực, cả về những cuộc hôn nhân đổ vỡ của anh, và cả về những người mà anh cảm thấy chỉ luôn là những kẻ cơ hội đã bước vào cuộc đời mình. Cùng với thời gian, nhu cầu đổ lỗi cho tiền bạc và quá khứ của anh ấy đã dần tan biến. Anh đã bắt đầu nói đến mẫu người mà anh muốn vươn tới.

    Cuộc đời của anh sẽ ra sao nếu anh sống thực với ước mơ sâu kín của mình? Liệu mối quan hệ của anh với những đứa con và những người vợ cũ sẽ khác đi như thế nào khi anh bắt đầu cư xử với họ thật chính trực, công bằng, bao gồm cả những điều khoản phân chia tài sản ly hôn? Bên cạnh trách nhiệm chăm sóc những đứa con, còn những cam kết nào to tát hơn khuấy động tâm trí anh? Anh muốn tạo ra sự khác biệt nào nữa cho thế giới này?

    Mường tượng ra một cuộc sống mà anh có thể yêu thương đã giúp cho James khám phá ra những khả năng mới và có được những trải nghiệm mới về bản thân. Khi chúng ta tập trung vào viễn cảnh đó, nó cũng giống như chúng ta thổi vào một cục than hồng nhỏ nhoi trên chiếc bếp lửa đã nguội lạnh. Những vận hội mới được nhen nhóm lên, và các ý tưởng cụ thể bắt đầu được định hình. Anh cảm thấy một tình cảm gắn kết đặc biệt với những thanh niên trẻ đang phải cật lực xoay sở với cuộc sống, và anh muốn cùng làm việc với họ. Anh đã tình nguyện vào làm tại một trường học địa phương, và cùng với việc hiểu biết nhiều hơn về những trẻ em thiểu năng trí tuệ, anh đã khám phá ra biệt tài làm việc với những đối tượng này của mình. Càng làm việc nhiều với các học sinh, giáo viên của trường và các giáo viên chuyên về mảng giáo dục đặc biệt, những người đóng vai trò hỗ trợ đặc biệt trong các lớp học, anh càng thấu hiểu hơn sự phức tạp trong nhu cầu của trẻ em, và những nỗ lực giải quyết các vấn đề phức tạp đó.

    Những khoản tiền đã từng là gánh nặng trong suốt cuộc đời của anh giờ đây lại trở thành một nguồn lực dành để hỗ trợ cho các tổ chức quan tâm đến các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Anh cũng đã đứng ra làm người tài trợ cho các ngôi trường trong cộng đồng của mình, để mang lại lợi ích cho tất cả trẻ em. Tuổi thơ cay đắng của anh đã trở thành một thứ tài sản cho phép anh có cách tiếp cận cảm thông, nhạy bén hơn đối với những đứa trẻ mà anh tiếp xúc. Sự hỗn độn trong cuộc đời trắc trở của anh dần yên tĩnh trở lại, và anh thậm chí còn bắt đầu coi trọng quãng thời gian hỗn loạn ấy vì nó là con đường dẫn anh từ một giai đoạn rối ren và khủng hoảng đến một giai đoạn có ý nghĩa và toại nguyện.

    Những người con đã cùng tham gia với anh trong công việc tình nguyện của mình, và bởi là một ông bố độc thân, tham gia hoạt động mới mẻ này với những đứa con đã giúp hâm nóng mối quan hệ của họ: Họ trở nên tôn trọng nhau hơn. Sự chăm chỉ và cống hiến của James đối với ngôi trường và các học sinh, với những đứa con của anh, đã không chỉ cứu vớt cuộc đời của rất nhiều đứa trẻ, mà ngay chính cả cuộc đời anh nữa. Đống tiền có vẻ như là một lời nguyền bấy lâu nay đã trở thành một công cụ để anh đầu tư vào một cuộc sống mới, đầy sự cống hiến và đầy ý nghĩa.

    Nhà thơ Rainer Maria Rilke đã viết:

    Tôi yêu những giây phút đen tối của cuộc đời,

    Khi những cảm nhận của tôi rơi vào sâu thẳm.

    Tôi đã thấy trong chúng, như trong những bức thư xưa,

    Một mảnh đời riêng tôi đã từng trải qua,

    Và nay đã trở nên bao la và mạnh mẽ như những huyền thoại.

    Khi đó tôi biết rằng vẫn còn trong tôi

    Nơi ẩn chứa cho một cuộc đời thứ hai, bao la, vô cùng, vô tận.

    Đã đến lúc James bắt đầu một cuộc đời thứ hai bao la và vô tận của mình.
     
  5. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    PHẬT HUỆ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đức Phật đã dạy các môn đệ của mình rằng bất kể điều gì mà họ chú ý tới, yêu thương, trân trọng, lắng nghe và ủng hộ đều sẽ nảy nở trong cuộc đời của họ và trong thế giới của họ. Ngài ví cuộc đời của mỗi con người như một khu vườn – một khu vườn cần ánh nắng, dinh dưỡng và nguồn nước để có thể mọc lên xanh tốt. Trong khu vườn đó có những hạt giống của sự cảm thông, tha thứ, tình yêu, sự gắn kết và lòng can đảm, tất cả những phẩm chất làm nên và khích lệ chúng ta. Cùng với những hạt giống đó, trong cùng một khu vườn, là những hạt giống của sự ghen ghét, đố kỵ, báo oán, bạo lực và tất cả những gì chết chóc và đau đớn. Những hạt giống này cùng vô vàn những hạt giống khác tương tự như thế cùng tồn tại trong một khu vườn.

    Chỉ những hạt giống nào chúng ta chú ý tới mới có thể phát triển được. Sự chú ý của chúng ta cũng giống như nước và ánh nắng. Những hạt giống chúng ta gieo trồng sẽ phát triển và ngập tràn khu vườn. Nếu chúng ta quyết định tập trung sự chú ý đến những hạt giống của sự thiếu thốn – như giành giật, tích cóp, tham lam vô độ, cùng tất cả những gì nảy sinh ra từ những hạt giống đó – thì thiếu thốn chính là thứ sẽ tràn ngập cuộc sống và thế giới của chúng ta. Nếu như chúng ta chăm sóc những hạt giống của sự sung túc bằng sự chú ý của mình, và dùng tiền bạc của mình như nước để tưới chúng với những mục đích thánh thiện, thì chúng ta sẽ được thu hoạch những vụ mùa cây trái bội thu.

    Bảy Người Vĩ đại, những người Bangladesh, Audrey và cả James chẳng hề là ngoại lệ. Nhưng đối với mỗi người trong số họ, sức mạnh của sự trân trọng cho phép họ mở rộng và đào sâu những trải nghiệm của mình về sự giàu có và giá trị bản thân đích thực. Trong bối cảnh của sự sung túc, mỗi người trong số họ đều tìm ra sự tự do trong mối quan hệ với tiền bạc hoặc các vấn đề liên quan đến tiền bạc. Trong quá trình đó, họ tự tìm ra con đường dẫn đến thịnh vượng cho bản thân. Đối với bất kỳ ai, trên mảnh đất màu mỡ của sự trân trọng, những triển vọng mới bén rễ, và nó sẽ phát triển không ngừng dưới ánh sáng trường tồn là sự quan tâm của chúng ta.
     
  6. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    Chương 7:

    HỢP TÁC TẠO RA THỊNH VƯỢNG

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chẳng hề tồn tại cái chúng ta hay gọi là người giàu và kẻ nghèo. Tất cả chúng ta đều là những người giàu có và tài sản của chúng ta rất đa dạng. Nhờ có sự nhiệm màu của quá trình hợp tác, chúng ta trở thành những đối tác bình đẳng; chúng ta tạo ra sự vẹn toàn và đầy đủ cho tất cả mọi người.

    Đó là một buổi tối thứ Sáu. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi sau suốt cả ngày phải dự một cuộc họp. Tôi đang trên đường từ Sausalito về San Francisco thì đột nhiên chiếc phanh xe bị hỏng sau khi vừa chạy qua cây cầu Cổng Vàng quá lên được vài dãy phố. Tôi đành phải đánh xe vào trạm xăng gần nhất. Người nhân viên ở đó không thể chữa được chiếc phanh, nên đã phải chỉ đường cho tôi đến trạm sửa ôtô gần đó. Tôi lái xe chầm chậm dọc theo con phố một đoạn ngắn, trong khi chiếc phanh vẫn hỏng, và khi nhìn thấy trạm sửa xe đó, tôi đã biết mình không gặp may. Lúc đó đã là hơn 7 giờ tối, tất cả các cửa đều đóng và đèn bên trong đều đã tắt, duy chỉ có một tia sáng mờ nhạt lọt qua khe cửa sổ của gara. Tuyệt vọng, tôi vẫn cố tiến lại và ghé mắt nhìn qua khe cửa, hy vọng tìm được một người thợ sửa xe sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng không, tôi thấy một bữa tiệc, với khoảng 30-40 người tham dự, đang diễn ra bên trong đó. Mọi thiết bị máy móc đều được dồn vào phía tường, tạo ra một khoảng trống ở phía giữa, nơi họ đặt một chiếc đàn pianô lớn và kiểu cách trên nền ximăng xám xịt, bên cạnh những đèn đóm và vật dụng trang trí cho buổi tiệc. Bữa tiệc đang rất huyên náo, trong khi chiếc pianô thì chỉ nằm đó im lìm. Tôi mạnh dạn bước vào, và gặp ngay Rico, người chủ gara sửa chữa này, trên tay đang cầm một ly sâmbanh. Tôi hỏi ông ta xem liệu có ai trong số họ có thể giúp tôi chăng. Tôi đã nài nỉ ông rằng tôi sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cũng được nếu có ai đó sửa xe hộ tôi để giúp tôi có thể về nhà.

    Rico cười và nói: "Không thể được đâu, buổi tiệc tùng của chúng tôi đang đến hồi cao trào." Nhưng sau đó ông nói đùa: "Chiếc đàn pianô của chúng tôi để đó mà chẳng có ai chơi cả, nếu cô có thể chơi được nó thì chúng tôi sẽ sửa xe cho cô." Tất cả mọi người đều cười ồ lên, nhưng tôi đã chơi cho họ nghe thật. Tôi đã chơi trong suốt gần một tiếng đồng hồ, và do đó một người thợ đã sửa chiếc phanh giúp tôi ngay giữa đám đông hát hò, nhảy múa và cười nói huyên náo này. Chữa xong, họ cho phép tôi lên đường về nhà, và quyết không nhận số tiền tôi gửi, trong khi vẫn mải mê chúc tụng cho tình bạn mới nảy nở giữa chúng tôi. Tôi lái xe về nhà an toàn – tôi không còn mệt mỏi và kiệt sức nữa mà ngược lại, rất hồ hởi và phấn chấn. Tôi đã xuất hiện và mang lại chính xác thứ mà họ cần, và họ cũng mang đến chính xác thứ tôi cần. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi ngập tràn niềm vui của duyên số và sự mãn nguyện rằng chúng tôi hoàn toàn có thể giúp đỡ lẫn nhau.

    Hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau là những việc hết sức tự nhiên. Tuy nhiên, trong thế giới mà chúng ta đang sống, sự cạnh tranh và nỗi lo sợ thiếu thốn thường không cho chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những phương thức để cùng chung sống như thế này. Trong một thế giới theo kiểu bạn-hoặc-tôi, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau chẳng có chỗ đứng. Ngược lại, thế giới bạn-và-tôi thì có tràn ngập những người bạn, những đối tác, sự sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau. Trong thế giới đó, những nguồn lực của chúng ta không chỉ là đủ, mà thậm chí còn là vô hạn. Khi chúng ta tỉnh táo nhìn nhận cuộc sống thường nhật dưới lăng kính sẻ chia và giúp đỡ này, chúng ta sẽ còn khám phá ra được những phép nhiệm màu và sự thịnh vượng đang lẩn khuất đó đây chờ đợi chúng ta.

    Những mối liên hệ dựa trên quan điểm thiếu thốn – rằng hiện ta chưa có đủ, rằng càng nhiều càng tốt, hay đó là điều tất yếu – cho dù có lúc tỏ ra bền chắc đến đâu đi chăng nữa, thì tự thân nó cũng đã chứa đựng vô vàn hạn chế. Dựa trên một nền tảng thiếu thực tế, chúng chỉ làm thu hẹp cơ hội tồn tại và phát triển của chúng ta mà thôi. Những loại liên kết thật sự bảo vệ và giúp chúng ta trụ vững đều bắt rễ từ sự đầy đủ, đa dạng, sự sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta đạt đến sự đầy đủ và thịnh vượng bền vững khi chúng ta coi nguồn lực của mình như một dòng nước cần phải chia sẻ cùng mọi người, khi chúng ta tập trung hết sức vào việc tạo ra sự khác biệt với tất cả những gì chúng ta có, và khi chúng ta hợp tác với những người khác theo những cách sẽ khiến cho trải nghiệm đó được vươn sâu và mở rộng thêm.

    Tiệc "potluck", dùng chung xe cộ, cùng tụ tập vui chơi, lao động – những hoạt động chia sẻ với mọi người như thế này sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta phong phú và ý nghĩa hơn rất nhiều so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng ra, và hơn hẳn những gì tiền bạc sẽ hoặc có thể mang lại. Hợp tác đảm bảo cho chúng ta sự viên mãn đầy đủ. Bạn có thể nhận thấy điều đó qua các mối liên hệ bén rễ vào sự đầy đủ: Tính đa dạng, sáng tạo, nền tảng kiến thức và kinh nghiệm của tất cả mọi thành viên đều được coi trọng như nhau, và cho phép chúng ta có thể chiêm nghiệm bản thân như những thành viên tích cực tham gia vào một quá trình hiệu quả và mang lại lợi ích. Sự hợp tác trở thành một vòng tuần hoàn mà qua đó, mọi nỗ lực, mọi sự tập trung, và các nguồn lực của sự đầy đủ được lưu chuyển và liên tục được làm mới. Sự thật nền tảng của sự hợp tác đó là chúng ta luôn có đủ và phải tìm cách tận dụng và kết hợp mọi thứ lại với nhau khôn ngoan.

    Hãy thử nhớ lại một mối cộng tác hiệu quả mà bạn đã từng tham gia, và cách thức mà việc giải quyết các vấn đề đã làm bạn nhận thức được rõ hơn về bản thân, đánh giá cao và tôn trọng các đối tác của bạn hơn. Hãy nghĩ đến sự phóng khoáng và cởi mở mà bạn và các đối tác của bạn cần có để có thể làm được như vậy. Hãy nghĩ đến cảm giác mãn nguyện mà các kết quả đạt được đã mang lại một cách tổng thể, và những trải nghiệm về sự giàu có thật sự do những thành quả mang lại.

    Quá trình hỗ trợ lẫn nhau giúp chúng ta nhận ra những món quà tặng độc nhất mà mỗi người trong số chúng ta mang lại. Nó cũng giống như hơi thở của chúng ta – chúng ta không lấy nhiều hơn chúng ta thật sự cần. Chúng ta thở ra đúng một lượng cần phải thở ra. Như thế là vừa đủ, chính xác và hợp lý. Thừa nhận, giúp đỡ và làm cho nhau tỏa sáng trong những mối quan hệ tương hỗ chính là khai phá ra những kho tàng to lớn và giàu có mà chúng ta có thể coi là nghiễm nhiên. Một mối quan hệ tương hỗ hội tụ đầy đủ cả niềm vui và sự tương trợ lẫn nhau: Tôi luôn ở bên bạn và bạn cũng luôn ở bên cạnh tôi.

    Là một nhà hoạt động xã hội và gây quỹ cho các hoạt động lấy sự đầy đủ làm nền tảng, và luôn cố gắng sống theo phương châm đó, gần như mọi ngày tôi đều nhìn thấy sức mạnh của sự hợp tác xóa bỏ những khoảng cách về độ tuổi, chủng tộc, giới tính, tôn giáo, dân tộc và kinh tế - xã hội thường xuyên chia rẽ chúng ta. Ta có thể nhận thấy rõ lợi ích của sự hợp tác trong những câu chuyện về sự hồi phục đáng nể, như của vùng Sylhet ở Bangladesh, hay của những người phụ nữ cùng góp sức đào giếng ở một ngôi làng tại Senegal, hoặc của rất nhiều người khác nữa, khi mà những cuộc vật lộn thường trực dai dẳng đã được biến thành những thành công vang dội. Những chiến thắng âm thầm hơn, đôi lúc là trong câm lặng, cũng đã diễn ra trong thâm tâm những người ngày ngày phải vật lộn với cái nghèo hay với một cuộc sống vật chất xa hoa. Trong những hoàn cảnh đó, sự hợp tác đã dẫn đến tự khám phá, phát triển cá nhân, đến sự tự hồi phục, và một trải nghiệm về sự đầy đủ mà trước đây không thể vươn tới, một niềm hạnh phúc mà tiền bạc không thể mang lại. Trong mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc, sự hợp tác giải phóng chúng ta khỏi cuộc đuổi bắt vô tận để có được nhiều tài sản hơn, để cảm thấy mình có đầy đủ, và sự hợp tác này trở thành một cơ hội để tạo ra sự khác biệt bằng những gì chúng ta có. Nó đặt tiền bạc vào đúng vị trí của mình, chỉ giống như một trong nhiều loại nguồn lực có giá mà chúng ta có thể đóng góp khi cần. Hơn nữa, nó giúp cho tiền bạc được lưu thông, để dù tiền bạc của chúng ta chảy thành sông, thành suối hay chỉ là những mạch nước nhỏ, thì chúng cũng đều có thể mang lại nhiều lợi ích nhất cho nhiều người nhất – trong đó có cả chính chúng ta!

    TRACY: CHIA SẺ NGUỒN LỰC VÀ SỰ GIÀU CÓ

    Một trong những người bạn thân thiết và đáng yêu nhất của tôi là một người phụ nữ tên là Tracy. Chị đã phải trải qua rất nhiều sóng gió trong đời, tuy vậy, chị luôn có chính xác những thứ chị cần cho bản thân và cho những đứa con của mình. Trong mọi lúc, chị đều tìm thấy sự giàu có và màu nhiệm của sự hợp tác, và tôi vẫn luôn cảm động trước những nguyên tắc về sự đầy đủ mà chị luôn theo đuổi.

    Tracy có hai đứa con và sống trong một khu dân cư nhỏ miền Bắc California. Chị đã ly dị chồng từ cuối những năm 1980. Khi người chồng ra đi, Tracy nghĩ rằng cuộc sống của chị vậy là đã chấm hết. Chị có rất ít tiền, không có chồng, và có hai đứa con nhỏ cùng với một trái tim tan nát.

    Ẩn sâu trong lòng, Tracy luôn thầm mong được sống trong các nền văn hóa khác. Khi cuộc hôn nhân tan vỡ, chị quyết định dọn đến một nơi nào đó, thật xa để có thể ổn định tâm trí, để suy nghĩ cởi mở hơn về tương lai của mình và những đứa con. Chị đã tham gia làm một số việc cho Dự án Xóa đói ở Nhật Bản và đã kết thân được với một đồng nghiệp sống ở đó. Anh tên là Hiroshi Ohuchi, một giáo sư người Nhật giảng dạy tại Đại học Tamagawa. Hiroshi và vợ là người Mỹ của mình tên là Janet đã có ba đứa con: Một đứa mười hai tuổi, một đứa mười và một đứa lên tám; con gái của Tracey là Sage lúc đó lên bảy, còn con trai Sebastian của chị lên năm.

    Tracey viết thư cho Janet và Hiroshi để kể cho họ về sự tuyệt vọng của mình sau cuộc ly hôn, và khát vọng đến một nơi nào đó khác để có thể suy nghĩ cẩn trọng về tình hình của bản thân. Janet đã ngay lập tức mời chị cùng các con đến nhà mình trong đợt nghỉ đông. Gia đình Ohuchi sống biệt lập dưới chân núi Phú Sĩ, không dùng tới tivi và tự dạy học cho các con của mình tại nhà. Gia đình Ohuchi đã mở rộng vòng tay chào đón Tracy và hai đứa con của chị, và nhiệt tình giúp họ hòa nhập vào với nếp sống của mình. Năm đứa trẻ nhanh chóng kết thân với nhau.

    Trong suốt kỳ nghỉ đó, mỗi một ngày mới đều mang lại những niềm vui lẫn tiếng cười cho tình bạn của họ, cũng như sự trân trọng đối với những món quà của nhau. Tracey có biệt tài tổ chức gia đình, chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn vui vẻ, và tạo ra những khoảnh khắc thư giãn tận hưởng cho cả nhà. Đến cuối kỳ nghỉ đông, đến lúc mà Tracey và hai đứa con lẽ ra sẽ quay về Mỹ như đã dự định, một khả năng mới chợt mở ra. Với cuộc sống gia đình hạnh phúc trước đây đã lui vào dĩ vãng, Tracey nói: "Tôi không thể hiểu được tại sao chúng tôi lại phải quay trở lại Mỹ" và Janet đã đáp lại ngay: "Chẳng ai nói là chị phải trở về cả.. chúng tôi rất muốn chị và các cháu ở lại!" Từ chính giây phút mừng vui đó, một món quà mà bây giờ ai trong số bọn họ cũng gọi là một "món quà mười bốn tháng" đã xuất hiện – một món quà của trách nhiệm, tình bạn và tình cảm gia đình dành cho cả hai bên.

    Tracey, trước đây từng là giáo viên, ở nhà chăm sóc và dạy học cho cả năm đứa trẻ, nấu nướng và đóng góp các ý tưởng sáng tạo để duy trì nền nếp gia đình, tổ chức các hoạt động giải trí cho cả ba người lớn và năm đứa trẻ con. Đồng thời, chị cũng làm việc bán thời gian cho Dự án Xóa đói, cùng tụng kinh niệm Phật với Hiroshi, hát các bài dân ca cổ với Janet và bọn trẻ. Dần dần chị đã có thể tự chữa lành vết thương lòng của mình trong môi trường đầy tình thương yêu của gia đình Ohuchi.

    Nhà Ohuchi đã mang lại hơi ấm, sự thoải mái và niềm vui mà Tracy và các con chị cần đến sau khi gia đình họ tan vỡ. Trong khi đó, gia đình Ohuchi cũng phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo của cô con gái nhỏ của mình. Nhờ sự có mặt hàng ngày của Tracey và các con chị, và cả trong đám tang của cô gái nhỏ, nỗi đau của gia đình Ohuchi như được vơi đi phần nào và có thể vượt qua được. Tất cả mọi người đều có được chính xác thứ họ cần, bằng cách cùng hỗ trợ lẫn nhau và mở rộng tấm lòng cho nhau, họ đã tìm thấy một môi trường đầy đủ, viên mãn. Nhà Ohuchi cảm thấy hạnh phúc khi có thể chia sẻ căn nhà và cuộc sống gia đình với những người bạn của họ. Tracey thì tìm được thời gian và địa điểm lý tưởng để hồi phục tinh thần, đồng thời để cùng viết một cuốn sách với cô con gái, và làm những công việc có ích cùng Dự án Xóa đói. Năm đứa trẻ trong gia đình ghép này được lớn lên trong một môi trường phong phú và ý nghĩa hơn nhiều so với khi chúng sống riêng biệt ở hai gia đình.

    Mỗi gia đình mang lại những gì họ có vào thời điểm đó: Nhà Ohuchi có sự ổn định, một nguồn thu nhập đều đặn, cùng với một căn nhà ấm cúng và rộng rãi đủ cho cả đại gia đình. Tracy và các con chị mang lại sức sống, tiếng cười và sự sáng tạo, tất cả thống nhất trên một nền tảng tinh thần và kỷ luật. Cả hai gia đình đã phải đối mặt với những giai đoạn khó khăn nhất về tình cảm trong cuộc đời, và họ đã tìm thấy tình yêu và sức mạnh trong nhau.

    Khi Tracy và các con chị cuối cùng cũng trở về Mỹ, chị đã kể lại cho một vài người bạn về niềm hạnh phúc và những lợi ích của việc sống chung trong một đại gia đình mang lại. Và họ, cùng với hai đứa con của mình quyết định sẽ thử cùng chung sống dưới một mái nhà như vậy. Họ cùng nhau tìm được một căn nhà – một nơi đáng yêu mà cả hai gia đình đều không thể tự mình mua nổi – ở một địa điểm gần những trường học tốt và nhiều sân chơi ngoài trời cho bọn trẻ. Do cặp vợ chồng người bạn đi làm bên ngoài, Tracey muốn có một công việc cho phép chị có thể trở về nhà sau giờ tan trường của bốn đứa trẻ lúc đó còn đang học tiểu học. Tracy khám phá ra rằng mình có biệt tài phỏng vấn và viết lách, vì vậy chị đã bắt đầu công việc viết lách tự do, chuyên viết lại chuyện đời của các cụ già cho gia đình họ. Công việc diễn ra thuận lợi, và hai gia đình đã chung sống thuận hòa với nhau trong suốt 11 năm. Tracy giờ đã có thể tự kiếm sống bằng công việc mình ưa thích, trong khi các con chị được giáo dục chu đáo và được hưởng một môi trường ấm áp, hạnh phúc của đại gia đình. Mặc dù thu nhập của Tracy không phải loại cao so với mặt bằng xã hội Mỹ (khoảng 35 nghìn đô-la một năm), chị và các con không hề thiếu thốn một thứ gì.

    Hành trình bắt đầu bằng nỗi tuyệt vọng của Tracy trước sự sụp đổ của cuộc hôn nhân, cùng nỗi sợ hãi của chị về tiền bạc và về khả năng chu cấp cho các con, cuối cùng đã trở thành một con đường dẫn đến cuộc sống hạnh phúc, được sẻ chia cùng bạn bè và gia đình thân thích. Đến lượt các bạn của chị, họ cảm thấy may mắn khi có cơ hội được chia sẻ cuộc sống của mình với Tracy và các con của chị.

    Tracy sống trong bối cảnh của sự đầy đủ. Từ đó, chị đủ vững vàng về tâm lý để vừa trở nên rộng lượng – đóng góp mọi thứ trong khả năng của mình mà không sợ bị mất đi – và vừa âm thầm tin tưởng vào sự đáp trả của mọi người xung quanh. Chị đã kể cho tôi rằng chị đã đi theo lời khuyên của Mẹ Têrêsa: "Hãy làm việc như thể tất cả mọi thứ đang trông chờ vào công việc đó, và hãy để những thứ còn lại cho Chúa trời định đoạt." Chính Tracey là một nguồn cảm hứng vô tận, bởi chị đã giúp chính mình và các con có được một tâm lý độc đáo về sự "đầy đủ" mà giờ đây đã trở nên quá xa lạ đối với nền văn hóa của chúng ta. Chính từ đó, có đủ và thật sự đủ, chị đã được gặt hái thành quả của sự hợp tác – phép nhiệm màu của sự tương trợ lẫn nhau. Những đứa con chị được phát triển lành mạnh trên nền tảng những món quà của chính mình, và nhất định sẽ sử dụng những món quà đó để thay đổi thế giới.
     
  7. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    "LUẬT RỪNG" ĐÍCH THỰC: CÂN BẰNG GIỮA HỢP TÁC VÀ CẠNH TRANH

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Các nhà lý luận khoa học và lý thuyết kinh tế của thế kỷ XIX đã dựng nên một hình ảnh thế giới tự nhiên đầy khắc nghiệt. Họ đã mô tả sự cạnh tranh về thức ăn và các tài nguyên khác là điều tất yếu và là động lực thúc đẩy, qua đó Thiên nhiên ở trạng thái cân bằng, đồng thời cho phép chỉ một số loài thích nghi nhất được tồn tại. Nhà kinh tế chính trị Thomas Malthus đã cho rằng nạn đói kém, bệnh dịch, tình trạng nghèo khó và chiến tranh là những tai ương thần bí được tạo ra để kiểm soát sự bùng nổ dân số. Charles Darwin thậm chí còn cho rằng "chỉ kẻ thích nghi nhất mới tồn tại," và cạnh tranh để có được những nguồn tài nguyên khan hiếm là nền tảng cho sự tiến hóa của các loài. Ngược lại, với mô hình cho rằng Thiên nhiên về bản chất là cạnh tranh khốc liệt, tàn bạo, những nghiên cứu gần đây đã soi sáng vai trò đặc biệt quan trọng của sự hợp tác, tương hỗ, cộng sinh trong thế giới tự nhiên – và một bức tranh chân thực hơn về cuộc sống.

    Chỉ cần nhìn qua tổng sản lượng lương thực và dân số thế giới cũng đủ cho chúng ta biết rằng có đủ lương thực cho tất cả mọi người, nhưng có những yếu tố khác khiến cho một bộ phận dân cư được cung cấp thừa mứa trong khi một bộ phận khác thì lại suy dinh dưỡng và chết vì thiếu ăn. Những nạn đói kinh niên không phải là "giải pháp của Tự nhiên" nhằm giới hạn dân số hay cải thiện một giống loài nào cả. Trên thực tế, vấn đề nằm ở lỗ hổng trong các bộ máy chính phủ, chính trị và các hệ thống kinh tế do chính chúng ta gây dựng nên nhiều hơn là ở Thiên nhiên.

    Ý kiến cho rằng sự thiếu thốn và cạnh tranh là con đường tất yếu của tự nhiên đã không còn được chấp nhận mặc nhiên nữa. Nhà sinh học tiến hóa có uy tín Elisabet Sahtouris nhận xét rằng Thiên nhiên nuôi nấng sự hợp tác và tương hỗ. Bà ấy nói cạnh tranh quả thực có tồn tại trong Thiên nhiên, nhưng nó cũng có những hạn chế của mình, và luật sinh tồn thật sự cuối cùng lại là sự hợp tác.

    Thiên nhiên tự thể hiện mình qua sự cân bằng và tính mục đích. Thiên nhiên nảy nở trong sự đầy đủ. Một con sư tử chỉ kiếm đủ lượng mồi mà nó cần, không hơn. Một con sư tử khoẻ mạnh không thả sức tàn sát bừa bãi. Nó chỉ muốn và kiếm vừa đủ. Các loài động thực vật khác nhau cùng chung sống, mỗi loài mang lại một điều thiết yếu tạo nên một môi trường cân bằng để duy trì sự sống cho muôn loài. Sahtouris và những người khác cũng nhận xét rằng đối nghịch với xu hướng cạnh tranh mà luận điểm "chỉ kẻ thích nghi nhất mới tồn tại" đưa đến cách mô tả xác thực hơn có thể là "chỉ kẻ biết hợp tác mới tồn tại". Theo kinh nghiệm của tôi, sự thực này đã được chứng minh hùng hồn trong các khu rừng nhiệt đới, nơi mà qua mỗi bước bạn lại khám phá ra được mối liên hệ qua lại tinh tế và phong phú giữa tất cả các loài.

    Nhà môi trường học đã quá cố Donella (Dana) Meadows, người bạn và cũng là người đồng nghiệp mà tôi đã cùng làm việc trong Dự án Xóa đói trong hơn 20 năm, trong cuốn The Limits to Growth (Những Giới hạn cho sự Phát triển) và trong các tác phẩm khác, đã đưa ra những dẫn chứng thuyết phục cho cách hiểu sáng tỏ hơn về thế giới tự nhiên này. Qua các tác phẩm cũng như lối sống của cô, cô đã đưa đến cái nhìn tỉ mỉ về sự "đầy đủ" – một điều thật sự tồn tại và đã giúp cho sự sống có thể nảy nở trên hành tinh này.

    Đối lập những giả định kinh tế với những quy luật hiển nhiên đó của Thiên nhiên, cô đã từng viết: Trong khi các định luật kinh tế học thúc đẩy các điều kiện của sự thiếu thốn bằng một giả định rằng chúng ta phải tiêu thụ, sản xuất, cạnh tranh và thống trị ngày càng nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa. Thiên nhiên khi ở trạng thái cân bằng thì cho phép sự cạnh tranh và hợp tác cùng tồn tại; sự tạo thành, sản xuất và tiêu thụ trong một lịch trình nhất định thể hiện tương ứng các chu kỳ sinh ra, lớn lên và chết đi của tự nhiên. Cô viết:

    Kinh tế học nói rằng: Hãy cạnh tranh. Chỉ bằng cách đặt mình trước một đối thủ xứng tầm, bạn mới có thể trở nên hiệu quả. Phần thưởng cho việc cạnh tranh thành công là sự phát triển. Bạn sẽ nuốt gọn các đối thủ khác, lần lượt từng người một, và nhờ đó, bạn sẽ càng tích luỹ thêm được nhiều nguồn lực để tiếp tục quá trình bành trướng đó.

    Tự nhiên nói rằng: Cạnh tranh ư, cũng được, nhưng bạn phải biết giới hạn sự cạnh tranh của mình ở đâu. Đừng trở thành kẻ hủy diệt. Hãy chỉ lấy đi những gì bạn cần. Hãy để lại cho các đối thủ của mình những gì đủ để sống. Nếu có thể, hãy hợp tác thay vì cạnh tranh. Hãy kết hợp, xây dựng nên những nền tảng vững chắc cho những giống loài nhỏ bé hơn xuất hiện. Hãy chia sẻ nguồn thức ăn và lãnh thổ với nhau. Một số những điều tuyệt vời nảy sinh ra từ cạnh tranh, số khác thì lại nảy ra từ sự hợp tác. Bạn không phải đang sống trong một cuộc chiến, mà là một cộng đồng.

    Nếu chúng ta sẵn sàng cởi mở hơn và đánh giá lại những cách nhìn nhận trước đây, chúng ta sẽ nhận ra rằng thiên nhiên dạy cho ta rất nhiều bài học khác nữa, giúp ta trở nên sáng suốt hơn và biết cách cư xử trong các vấn đề liên quan đến tiền bạc. Ví dụ, một nghiên cứu gần đây đã nói phản ứng "chiến đấu hay rút chạy" trước một mối đe dọa hoặc trước nỗi sợ nào đó mà đã từ lâu được coi là phản ứng tự nhiên của con người, thì chỉ là đặc trưng của nam giới mà thôi. Phản ứng đặc trưng của nữ giới đối với một mối đe dọa đó là liên kết và hợp tác với những người khác. Dựa trên một loạt những khám phá khoa học đã được chứng minh, chúng ta bắt đầu nhận ra sự thật lớn lao hơn này của thế giới tự nhiên. Cạnh tranh và xung đột là một bộ phận cấu thành không thể phủ nhận của giới Tự nhiên, nhưng lại không chiếm phần nổi trội theo như lý giải của những người biện minh rằng sự tham lam và bạo tàn của con người là những hiện tượng tự nhiên. Đó là một quan niệm sai lầm, hoặc có thể là một sự lợi dụng, khi viện dẫn tự nhiên ra làm ẩn dụ hay kiểu mẫu cho các hành vi của con người trong khi chỉ tập trung vào duy nhất một khía cạnh của nó – sự cạnh tranh và hung bạo – nhằm định hình ra một thế giới chỉ có những kẻ thắng cuộc hay thua cuộc, và để cho rằng đó là điều tự nhiên.

    Tất nhiên thế giới Tự nhiên cũng bao hàm cả những xung đột – một số động vật hoang dã sẽ chiến đấu đến chết để giành sự thống trị, để giành quyền giao phối, thức ăn và lãnh thổ. Nhưng thậm chí ngay trong cộng đồng các loài vật, đó cũng chỉ là một trong số vô vàn các hành vi, mà rất nhiều trong số đó được đặc trưng bởi sự săn sóc, khám phá, hay chia sẻ những thông tin liên quan đến nguồn thức ăn, nước uống hoặc kẻ thù.

    Thế giới tự nhiên không hề tách biệt khỏi chúng ta, chúng ta là một phần, và mang trọn vẹn tất cả những sự phức tạp của tự nhiên. Là một phần của giới tự nhiên, chúng ta có thể chấp nhận rằng sự sợ hãi và các hành vi hung bạo là tự nhiên, nhưng chỉ là những hành vi quá khích nhất trong bối cảnh rộng lớn hơn của một mối quan hệ hợp tác, cộng sinh đảm bảo cho sự sống nảy nở. Vì vậy, việc chúng ta lấy cảm hứng từ những hành vi hoặc hình ảnh hướng sinh đó là hoàn toàn hợp lý – thậm chí còn hơn cả vậy – bởi chính những loại quan hệ đó, những phẩm chất hành vi đó đem lại những ví dụ tuyệt vời nhất để xây dựng nên một mối quan hệ tích cực với tiền bạc, để duy trì sự tồn tại của loài người, và vì một tương lai bền vững hơn cho Trái đất của chúng ta.
     
  8. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    ĐIỀU PHIỀN TOÁI CỦA CÔNG TÁC TỪ THIỆN VÀ "BÀN TAY GIÚP ĐỠ"

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Có một câu châm ngôn: "Nếu bạn đến để giúp tôi, thì bạn đang chỉ lãng phí thời gian mà thôi, còn nếu bạn đến với tôi vì chính sự giải thoát của bạn được ràng buộc với tôi, thì chúng ta hãy cùng hợp tác."

    Là một người gây quỹ, tôi điều phối, tổ chức các mối hợp tác và đã thật sự dấn thân rất sâu vào thế giới cho-và-nhận của công tác từ thiện. Tuy nhiên, ngược lại với những gì tốt đẹp, thánh thiện mà chúng ta thường thấy, tôi cũng đã nhìn thấy được những mặt tối tăm, gian dối trong công tác này. Thật khó mà tưởng tượng được tại sao từ thiện lại có thể có mặt tối và gian trá, nhưng đây là sự thật.

    Tôi bắt gặp mặt tối của công tác này rất nhiều năm về trước tại Chicago, khi tôi đã nhận tấm séc trị giá 50.000 đô-la từ vị tổng giám đốc của một công ty thực phẩm, rồi mãi về sau mới phát hiện ra đó là khoản tiền tội lỗi, một món tiền nhằm lấp liếm một số lỗi hớ hênh trong khâu tiếp thị của họ. Tôi còn gặp điều đó ở Bombay, nơi những người ăn mày hiển nhiên là sẽ sẵn sàng gây tật nguyền cho con cái mình chỉ để nài ép những người khách du lịch cho họ tiền, và những đồng tiền họ kiếm được bằng cách này chỉ càng làm cho sự lạm dụng đó tái diễn, và cuối cùng tạo nên một vòng luẩn quẩn của cuộc đời ăn xin. Tôi cũng đã thấy điều đó trong cách mà những người giàu có làm từ thiện để đánh bóng hình ảnh của mình trước công chúng, hoặc sử dụng tiền bạc để thu hút sự chú ý hoặc lợi dụng những người đang trong cơn cùng quẫn. Nó còn xuất hiện trong cái cách một số những tổ chức, những chương trình và một số cá nhân nép mình để bợ đỡ nhằm moi móc tiền bạc hoặc ân huệ của những người giàu.

    Mặt tối cũng bộc lộ ra tại những đất nước khó khăn, nơi những lượng tiền và lương thực viện trợ khổng lồ rốt cuộc lại rơi vào tay những quan chức tham ô, càng tạo điều kiện cho họ củng cố sự bóc lột của mình đối với những người nghèo đang phải vật lộn với khó khăn, hoặc những nơi mà những người nhận viện trợ lại trở nên lệ thuộc vào các nguồn này. Thậm chí, nó cũng xuất hiện ngay trong những hoạt động nhân đạo vẫn luôn diễn ra hàng ngày, khi người cho và người nhận chẳng muốn dính dáng gì đến nhau: Người cho như muốn giải thoát tiền bạc khỏi tay mình do mặc cảm tội lỗi. Tiền được chuyển từ tay người có sang cho người không có, điều này càng tô đậm thêm quan niệm sai lầm rằng chỉ có bên "có" và bên "không có", thay vì là hai bên sở hữu các nguồn lực khác nhau, gặp gỡ và trao đổi chúng với nhau để cả hai cùng có lợi.

    Một dấu tích đau đớn của công tác từ thiện phóng tay và thiếu định hướng có thể được thấy rõ ở Ethiopia khi tôi còn ở đó vào đầu những năm 1990. Sáu năm trước đó, chương trình gây quỹ trên truyền hình lớn nhất thời bấy giờ, Live Aid đã được tổ chức, và đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của dư luận thế giới đối với nạn đói thảm khốc diễn ra vào năm 1984 tại Thung lũng Vực thẳm ở Ethiopia. Hàng triệu đô-la tiền viện trợ và lương thực đã được chuyển đến để đẩy lui sự chết chóc. Ethiopia và người dân nước này đã lọt vào tâm điểm dư luận thế giới trong vòng vài tuần. Hình ảnh những khuôn mặt hốc hác, đói kém, gầy mòn được phát sóng đi đã làm rung động con tim của các nước phát triển đến mức làn sóng đóng góp từ thiện đã ồ ạt dồn đến, tràn ngập các tổ chức đang nỗ lực đẩy lui nạn đói và cứu trợ dân chúng.

    Mặc dù số tiền đó đã mang lại nhiều điều có ích và cứu sống được rất nhiều người, nhưng khi tôi trở lại đó vào sáu năm sau, tôi vẫn bắt gặp những người còn đang ở trên bờ vực của cái chết, những người đã đánh mất đi ý thức tự lực và vẫn trông chờ thế giới đến cứu họ lần nữa. Giờ đây, không còn những dòng chữ lớn trên các phương tiện truyền thông cũng như các chương trình phát sóng trên tivi, họ chìm đắm trong bất lực và tuyệt vọng, trong khi cộng đồng quốc tế đã chuyển sang giải quyết những cuộc khủng hoảng ở nơi khác. Đã có những buổi nói chuyện về sự "mất hứng thú của những nhà từ thiện" và nguồn đóng góp đã suy giảm đến gần như con số không.

    Trong những tuần làm từ thiện đó, dường như thế giới các nước giàu có đã làm vậy để xoa dịu sự bất an của bản thân về tình hình lúc bấy giờ hơn là thật sự giải quyết vấn đề cho Ethiopia. Vì vậy ngay khi tình hình đã trở nên bớt căng thẳng, sự chú ý cũng như tiền bạc đã kéo đi nơi khác. Mặt khác, người dân Ethiopia cũng đã biết được rằng họ cần phải tiếp tục giơ những đứa bé đang chết đói lên trước ống kính truyền hình thì mới có thể thu hút được sự chú ý mà họ đặc biệt cần tới, để có thể khiến cho tiền và hàng viện trợ lại tiếp tục đổ về phía họ. Cũng giống như trường hợp những người ăn xin có tổ chức tại Bombay đã tìm cách để moi móc của bố thí. Tôi bắt đầu thấy mối quan hệ giữa các đối tượng cho và nhận từ thiện ở đây, dựa trên cơ sở của sự thương hại và cảm thông cho "những người nghèo khó", giống như một dạng lạm dụng sự nghèo đói khiến cho tất cả các bên liên quan đều trở nên suy đồi.

    Tôi đã nhiều lần chứng kiến cái giá của mặt tối này trong quá trình hoạt động của mình ở các nước đang phát triển. Tôi đã gặp nhiều người còn rất nặng tư tưởng lệ thuộc. Tôi đã thấy hậu quả của việc nhận thức không đúng đắn về công tác từ thiện ở khắp nơi trên thế giới, thật sự nó đã len lỏi vào nhiều tổ chức, nhiều gia đình, và vào các mối quan hệ giữa các quốc gia, nơi mà người ta "giúp đỡ" nhau theo kiểu rất gia trưởng – từ trên xuống – và nó đã tạo ra sự lệ thuộc và những người bị lệ thuộc, thay vì khích lệ sự tự lực và một mối liên hệ tương thuộc tích cực. Nó làm cho tất cả mọi người trở nên tầm thường.

    Dù là giữa các quốc gia với nhau, hay giữa những khuôn khổ nhỏ hơn như cộng đồng hoặc gia đình, khi những người quyên tiền tự coi mình là những người ra tay cứu giúp nhân từ, thì những "người nhận tiền" sẽ không thể tự tạo ra cho mình ý thức về sự tự lực hay giá trị bản thân. Những người ra tay cứu giúp đã bỏ lỡ một trải nghiệm đầy tính nhân văn về sự tương thuộc tích cực, còn những người nhận tiền thường tự cảm thấy mình là người vô dụng, thay vì là một đối tác có ích mà họ có thể trở thành. Không có cách nào để những người giàu có thể thật sự thay đổi bất cứ điều gì nếu như thiếu đi sự nhiệt huyết và quyết tâm của những đối tác thật sự biết cần phải làm gì. Chỉ khi người ta nhận ra sự thực đó, đề cao và đưa nó vào áp dụng vào trong các mối hợp tác của mình thì họ mới có thể xây dựng được những giá trị lợi ích trường tồn. Thiếu vắng đi quyết tâm đương đầu với thử thách như những thành viên trong một cộng đồng, thì công tác từ thiện sẽ không giải quyết được vấn đề gì, mà sẽ chỉ giúp chúng ta tạm thời lảng tránh được chúng. Xã hội đã dạy cho chúng ta cách đưa tay ra giúp đỡ và nhận lấy giúp đỡ, trong khi, trên thực tế, điều thật sự cần là sự hợp tác toàn tâm toàn ý.

    Có sự khác biệt mà chúng ta cần làm rõ giữa công tác từ thiện và sự đoàn kết mà chúng ta bắt gặp phải trong quá trình hợp tác. Tad Hargrave, một điều phối viên của tổ chức Thanh niên vì Môi trường Lành mạnh (YES), đã diễn giải điều này thật tinh tế:

    Từ thiện chỉ thật sự ý nghĩa nếu nó được đặt trên nền tảng của sự đoàn kết.. Trong khi từ thiện có thể giúp đỡ những con người đang bị kết án bởi thể chế xã hội, thì sự đoàn kết buộc chính thể chế đó phải bị kết án. Nó không chỉ mang đến những nguồn lực, mà nó còn tích cực thay đổi ngay chính các thể chế mà đã phân phối các nguồn lực một cách bất bình đẳng, bóc lột người này để phục vụ người khác. Trong khi đó, đoàn kết lại nói: "Tôi không muốn hưởng lợi từ một thể chế bất công.".. Sự đoàn kết ra đời là nhờ chúng ta hiểu rằng chúng ta đều có liên kết với nhau, vì vậy quan niệm "chúng ta" chống lại "chúng nó" là hết sức sai lầm.
     
  9. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    TỪ THIỆN TOÀN TÂM: SỰ ĐỒNG ĐIỆU CỦA TIỀN BẠC VÀ TÂM HỒN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nếu có một sự bất ngờ nào đó chào đón tôi trong sự nghiệp gây quỹ thì ắt hẳn nó phải là điều: Có những người làm từ thiện vĩ đại và nhiệt huyết nhất trên thế giới lại không phải là những người có nhiều tiền. Một số khác thì lại có tiền, có rất nhiều, và thậm chí vô cùng nhiều tiền. Thực sự thì ở Mỹ hay những nơi khác trên thế giới, những người làm công ăn lương bình thường cũng đóng góp nhiều cho công tác từ thiện như những người giàu có hay nổi tiếng. Theo như Báo cáo thường niên về Hoạt động Từ thiệnở Mỹ, vào năm 2000 hơn 200 tỷ đô-la Mỹ đã được chuyển đến cho khu vực phi lợi nhuận, và trong số đó chỉ 5% là do các tập đoàn đóng góp, 7% là của các quỹ hỗ trợ, 88% đến từ các cá nhân. Phần lớn các khoản đóng góp và sự hào phóng là của các cá nhân, và trong số họ thì 75% là những người có thu nhập dưới 150.000 đô-la một năm.

    Sự hào phóng của những người dân ở các nước nơi mà nạn nghèo đói còn hoành hành thì thật đáng kinh ngạc. Ví dụ ở châu Phi, những người dân sống ở các ngôi làng vùng nông thôn, cũng giống như những nơi khác trên thế giới, phải dựa vào nhau và vào sự đoàn kết của ngay chính cộng đồng mình sinh sống để có thể tạo ra những điều kỳ diệu. Ví dụ, đối với những ngôi làng ở châu Phi hay ở Mêxicô, để có thể tạo cơ hội học lên đại học cho một thiếu niên, họ đã phải cùng nhau làm bất cứ thứ gì để có thể biến điều đó thành sự thực. Hoặc họ cũng sẽ dồn chung nguồn lực để cử một đại diện đi hội thảo tại Mỹ hay châu Âu. Tôi nhớ có một cậu thiếu niên đã được cử đến một hội thảo của Dự án Xóa đói được tổ chức tại Đức, nhờ sự chung sức của 300 người dân sống trong cùng một ngôi làng ở Nigieria với cậu, và toàn bộ tên tuổi của họ sau này đều đã được cậu bé kể ra tường tận.

    Những con người đó không phải là những người mà chúng ta có thể gọi là giàu có về tiền bạc, mà họ chỉ có một chút tiền dành dụm để quyên góp khi có cơ hội được giúp đỡ một người nào đó trong cộng đồng hay đại gia đình của họ. Các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng có thể là những nơi mà ở đó, việc chung sức đóng góp như vậy đã trở thành cách để mọi người bày tỏ tình yêu thương hoặc sự hỗ trợ lẫn nhau.

    Khi chúng ta nghĩ về công tác từ thiện, dường như nó thường là việc dành cho những người giàu; nhưng tôi thì lại thấy tất cả những hành động hào hiệp, nhân hậu và đầy tính sẻ chia ấy đều là hoạt động từ thiện, và tất cả chúng ta đều có thể tham gia vào mọi lúc.

    Một trong những lầm tưởng khác đó là những người có nguồn lực đang bố thí cho những người không có. Nhưng thường thì đó không phải là con đường hiệu quả. Con đường thật sự hiệu quả là khi tất cả mọi người đều cùng đóng góp những tài sản hay nguồn lực để hiện thực hóa một tầm nhìn chung. Một số nguồn lực đó là tiền. Một số là mồ hôi công sức. Một số lại là sự cống hiến và nhiệt tình thực hiện điều mà mọi người đều đang mong chờ. Bất kể họ có thể đóng góp những gì, sự cống hiến của mỗi người đều có giá trị ngang nhau. Khi chúng ta từ bỏ việc quá chú trọng đến vai trò của tiền bạc hơn bất cứ thứ gì khác, chúng ta sẽ nhìn thấy mọi người đều đang sở hữu và đóng góp những thứ tài sản nhất định. Tất cả mọi người đều đang ở trong cùng một con thuyền và phấn đấu vì một tầm nhìn chung. Đó là khi mọi thứ diễn ra trơn tru nhất, là khi tiền bạc chỉ là một trong số những cách để cùng đóng góp, và là một thứ mà một số người có để chia sẻ.

    Trong một chuyến công tác đến Ethiopia cho Dự án Xóa đói, tôi đã cùng đi với một số người phụ nữ khác đến làng Lallibela, nơi mà có một nhóm những người phụ nữ già muốn gặp chúng tôi để bàn bạc về một dự án mà họ đang suy tính. Đó là một vùng đất vô cùng khắc nghiệt, khác xa với một nơi mà chúng ta có thể coi là mảnh đất màu mỡ cho bất kỳ công việc làm ăn nào. Phần lớn mọi người đều sẽ chê những người phụ nữ này là già và nghèo khổ, nhưng chúng tôi đã cùng nhau ngồi xếp thành vòng tròn trên nền đất cứng, 16 người phụ nữ chúng tôi đã sẵn sàng chung sức tư duy và hành động để biến một điều gì đó thành sự thực. Một số trong chúng tôi đến từ thế giới giàu có của nước Mỹ. Một số thì sinh ra và lớn lên tại mảnh đất cằn cỗi này, và cũng chắc chắn là sẽ yên nghỉ tại chính nơi đây.

    Những người phụ nữ Ethiopia già hơn chúng tôi rất nhiều, họ ở độ tuổi 60-70, một số là những góa phụ và không còn con đường nào để kiếm sống. Họ mong ước sẽ mở được một quán nước bên cạnh con đường mà nhiều người nông dân thường đi qua, mang theo hàng hóa đến chợ của làng Lallibela. Quán nước đó sẽ là món quà có ích cho những khách bộ hành mệt mỏi, và là nguồn kiếm sống cho những người phụ nữ này. Họ muốn làm việc, nhưng sức họ lại yếu, không thể tiếp tục làm ruộng được nữa, không thể đi đến bất cứ khu chợ nào khác, do vậy phải làm gì đó cho phép họ có thể sống yên ổn ở một nơi.

    Thiết kế cho quán nước của họ khá đơn giản, và họ đã bắt đầu xây ngôi nhà hình tròn chỉ có một phòng bằng những cành cây gãy hay các cây gỗ đã chết tìm được ở xung quanh. Họ đã xây được quán nước đó hoàn toàn bằng những vật liệu kiếm được tại địa phương, nhưng những thứ họ không thể kiếm được là bộ ấm chén, đĩa đựng chén, những thứ làm cho nó thật sự trở thành một quán nước chứ không phải chỉ là một chỗ nghỉ chân. Vì vậy, nhóm chúng tôi đã chia nhau mua những vật dụng cần thiết đó cho dự án này. Chúng tôi cũng lập ra một quỹ nho nhỏ để trang trải các chi phí hoạt động ban đầu cho quán nước, bao gồm việc mua các vật dụng và nguyên liệu cần thiết từ một thành phố gần nhất về. Việc này sẽ được tiến hành định kỳ nhờ một người phụ nữ trẻ làm công tác xã hội, sẵn sàng đảm bảo nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho quán nước của chúng tôi. Cô ấy đóng góp sức trẻ và sự nhiệt tình. Chúng tôi thì hỗ trợ về mặt tài chính, một việc chúng tôi rất sẵn sàng tham gia. Đó là một sự hợp tác hoàn hảo, và tôi vẫn nhớ lúc đó tôi đã nghĩ rằng mỗi người chúng tôi đã đóng góp phần của mình vào một bức tranh tổng thể, để cùng tạo ra một thứ kỳ diệu. Thực sự, đó là một trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ. Không phải là chúng tôi đã cho tiền những người phụ nữ "già cỗi và nghèo đói" này. Tất cả chúng tôi hợp tác vì những người phụ nữ này và tất cả những người đi chợ qua con đường này – và vì khát vọng muốn tạo ra sự khác biệt của mình.

    Trong bối cảnh của sự đầy đủ, hoạt động từ thiện và giúp đỡ đã trở thành minh chứng hiển hiện cho sự tương thuộc. Toàn tâm từ thiện sẽ cho phép người ta đóng góp cả sự giàu có của mình, không chỉ với ý nghĩa tiền bạc, mà còn là cả thiện chí của mình. Chúng sẽ trở nên "bất di bất dịch" trong một tương lai mới, dù đó là việc cải thiện cơ sở vật chất cho một ngôi trường tại địa phương, hay bãi bỏ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới, hay là nâng cao vị thế cho những người phụ nữ Indonesia đi nữa. Trong quá trình toàn tâm toàn ý điều chỉnh nguồn tiền lưu thông, họ đã đầu tư tâm hồn mình vào cùng với tiền bạc, tận hưởng và đồng thời bày tỏ sự đầy đủ viên mãn. Tôi gọi đây là sự đầu tư "thực thụ" và nó chẳng hề tạo ra một người nhận cụ thể nào. Nó là cơ hội cho chúng ta, những người cùng sống trong một gia đình nhân loại, chia sẻ với nhau tất cả những nguồn lực, đồng thời là một phần cuộc sống của chúng ta. Trong bối cảnh đó, những người đầu tư tiền bạc sẽ được trải nghiệm cảm giác đầy đủ, cảm giác là mình có tiềm lực và khả năng để chia sẻ.

    Họ bắt tay với những người đang trực tiếp làm việc để cải tạo cơ sở hạ tầng trường học, hay bảo tồn một khu rừng nhiệt đới, hay những người làm việc trong các ngôi làng ở Indonesia để mở các lớp xóa mù chữ, các lớp khuyến nông hoặc cũng có thể là kỹ năng giảng dạy. Sự hợp tác này được dựa trên cơ sở bình đẳng nhằm hiện thực hóa một tầm nhìn chung của tất cả các bên. Tất cả mọi người đều chia sẻ sự giàu có của mình – thứ mà mọi người cảm thấy là sự đầy đủ, viên mãn và thịnh vượng trong công việc và trong cuộc sống của mình.

    Con người phải luôn giang tay rộng mở, để đón nhận cũng như cho đi, và để cảm nhận những con người khác. Con người phải mở rộng trái tim để đón nhận, để cho đi và cảm nhận những trái tim khác. Sự cởi mở và tương hỗ đó, hình ảnh đôi tay và trái tim rộng mở đó, không chỉ kết nối chúng ta với những người khác, mà còn với cảm giác mãn nguyện và đầy đủ trong tâm hồn mình.
     
  10. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    FAITH STRONG: LIÊN KẾT TẠO LẬP TINH THẦN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Faith Strong đã ngoài 60 tuổi khi bà quyết định thông qua công tác từ thiện để biến khoản gia tài thừa kế của mình thành khoản đầu tư cho các hoạt động hợp tác trên thế giới nhằm cải thiện y tế và công bằng xã hội, đặc biệt là cho những phụ nữ sống trong các nền văn hóa do nam giới thống trị. Khi bắt đầu làm việc cho Dự án Xóa đói, bà ngày càng thích thú với việc đấu tranh đòi nâng cao quyền lợi cho những người phụ nữ đang làm việc để kiến tạo ra những cộng đồng tự lực trong những môi trường đầy thử thách này. Trong một chuyến công tác tới Senegal để gặp các đối tác người Tây Phi, tại một buổi lễ hội diễn ra trong một ngôi làng, bà đã kết thân và bắt tay hợp tác được với tám người phụ nữ Senegal, những người mong muốn xây dựng nên một chương trình vi tín dụng cho chính mình và cho năm ngôi làng lân cận.

    Nguồn lực họ đóng góp cho mối hợp tác này mỗi người một khác. Một trong số họ có tư chất để lãnh đạo nhóm. Một người khác thì rất giỏi xử lý các con số kế toán. Người thứ ba thì có tài ăn nói và quảng cáo rất khéo léo, khiến cho người ta lúc nào cũng muốn bắt chước theo những gì cô làm. Một người khác thì lại rất giỏi trong khoản lưu trữ bảo quản lương thực trong môi trường khắc nghiệt nơi đây. Faith thì có khả năng chu cấp nguồn lực tài chính cho nhóm. Do đó cả chín người phụ nữ, bao gồm cả Faith, đã thống nhất được tầm nhìn chung là sẽ gây dựng nên một quỹ vi tín dụng nhằm hỗ trợ mọi phụ nữ ở cả năm ngôi làng. Chương trình này sẽ cho phép họ có thể bắt đầu mở dịch vụ lưu trữ bảo quản thức ăn và một trang trại gia cầm để kiếm tiền nuôi gia đình và cải thiện cuộc sống của tất cả mọi người.

    Cũng giống như kế hoạch mở quán nước của chúng tôi, Faith đã mang đến nguồn lực mà bà có, trong khi những người phụ nữ kia đóng góp những nguồn lực của họ, và tất cả bọn họ cùng chung sức để hiện thực một tầm nhìn chung. Vị thế của tất cả mọi người đều đã được nâng cao. Không ai là "người nhận" cả. Mỗi một người đều được trân trọng vì món quà mà họ mang lại. Đó là vai trò của tiền bạc trong hoạt động từ thiện kiểu mới này.

    Từ thiện không phải chỉ dành riêng cho những người giàu có, những người cảm thấy mình hào hiệp, hay ăn năn hối lỗi, hay đáng xấu hổ chỉ vì mình có nhiều tiền hơn so với nhu cầu bản thân, hoặc cho bất kỳ những ai có ý định đánh bóng bản thân bằng cách tham gia đóng góp từ thiện. Thế giới đã tiến xa hơn thế, đã đến lúc chúng ta từ bỏ hình thức từ thiện kiểu truyền thống và thay vào đó hãy gây dựng nên những mối hợp tác mà ở đó, tầm nhìn chung được hiện thực hóa thông qua sự đoàn kết và kết hợp của các yếu tố về sự hiểu biết, đóng góp thời gian và công sức lao động, cùng với nguồn lực tài chính. Những mối hợp tác này vốn đã tồn tại dưới dạng các tổ chức như Dự án Xóa đói, Tổ chức vì Hòa bình, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, Hội Kế hoạch hóa Gia đình, Tổ chức Hỗ trợ Gia cư, Quỹ Hỗ trợ Phát triển Bắc-Nam Katalysis, Ngân hàng dành cho Người nghèo Grameen, Liên minh Pachamama ở trong các cộng đồng, dự án và chương trình trên khắp thế giới. Mỗi người với những hoàn cảnh khác nhau đã mang đến những nguồn lực của mình để cùng tạo ra những giải pháp. Đây là hướng đi mới cho công tác từ thiện: Chung sức đóng góp và phục vụ. Khi bạn được ở nơi ấy, môi trường ấy, mọi vấn đề sẽ tan biến và những điều nhiệm màu sẽ xảy ra.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...