Linh Hồn Của Tiền - Lynne Twist

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Quân Nguyễn 091294, 15 Tháng tư 2021.

  1. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    Linh hồn của tiền

    Tác giả: Lynne Twist

    Đôi lời về cuốn sách

    "Linh hồn của Tiền là một cuốn sách đầy cảm hứng và lôi cuốn. Nó sẽ khiến bạn thay đổi suy nghĩ về tiền.. Một cuốn sách dành tặng cho tất cả những ai mong muốn góp phần xây dựng thế giới này tốt đẹp hơn".

    – Jane Goodall, Đại sứ thiện chí hòa bình của Liên hợp quốc

    "Nếu bạn từng bị tiền đe dọa, cản trở hay làm tổn thương thì cuốn sách này sẽ giúp bạn hàn gắn những vết thương ấy. Đây là cuốn sách viết về tiền khác thường nhất mà tôi từng đọc.."

    – Bác sĩ Rachel Naomi Remen

    "Với cách hành văn đầy thuyết phục và cuốn hút, Linh hồn của Tiền miêu tả cách sử dụng tiền như một phương tiện giúp chúng ta hoàn thành những lý tưởng cao nhất về cuộc sống, tình yêu và khám phá ý nghĩa mới trong chính cuộc sống chúng ta".

    – Tiến sĩ Y học Dean Ornish

    "Bằng sự nhạy cảm tinh tế, Linh hồn của Tiền chỉ ra rằng cách chúng ta đối xử với bản thân và cách chúng ta sử dụng tiền bạc là hai mặt của một đồng tiền. Lynne Twist đã trả lại ma thuật cho tiền khi nhận thức tiền là một dạng năng lượng mà với chúng, ta có thể tạo nên những điều kỳ diệu."

    – James Garrison, Chủ tịch Diễn đàn thế giới

    "Linh hồn của Tiền là tiếng chuông đánh thức dài chậm rãi cho sự chuyển biến của chúng ta và thế giới hướng tới hòa bình, hòa hợp và sự giàu có cho tất cả mọi người".

    – Robert Muller, Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc

    "Trong một quốc gia và một thế giới bị phân chia sâu sắc hơn bao giờ hết giữa có và không có, nơi mà mong muốn của các triệu phú được ưu tiên trước những nhu cầu của trẻ em và người nghèo, Linh hồn của Tiền nhắc nhở chúng ta rằng khi mải miết chạy theo tiền, bạn sẽ tìm ra điều bạn thực sự quan tâm và rằng những lựa chọn sẽ dẫn đến một con đường mới.."

    – Marian Wright Edelman, Chủ tịch Quỹ bảo vệ trẻ em

    "Linh hồn của Tiền là nỗ lực tiên phong, đầy thấm thía của một nhà gây quỹ để biến xã hội mang nỗi ám ảnh coi tiền là thước đo giá trị đầu tiên thành những hành động lâu dài và đem lại sự mãn nguyện. Một câu chuyện đầy sức mạnh về cuộc đấu tranh và chiến thắng dành cho cả những người giàu cũng như những người nghèo khổ".

    – Tiến sĩ Edgar Mitchell

    Trao trả linh hồn cho Tiền

    Trong tác phẩm Atlas Shrugged xuất bản năm 1957 với đề tài "Vai trò của trí tuệ trong sự tồn tại của con người", Ayn Rand đã đưa ra những khái niệm mới mẻ về giá trị của tiền bạc: "Sự ham mê tiền bạc tức là nhận thức được rằng tiền được làm ra nhờ năng lực của con người và là phương tiện để đổi lấy những gì xứng đáng nhất.. Tiền bạc là thước đo giá trị trí tuệ, đạo đức, năng lực và nhận thức của mỗi con người và của cả xã hội, là nguồn gốc của mọi điều tốt đẹp khi người ta nhận thức đúng đắn giá trị của nó.

    Tiền bạc có phải là nguồn gốc của mọi tội lỗi không? Nếu không thì bản chất của đồng tiền là gì? Đó là một công cụ trao đổi, là biểu hiện vật chất của nguyên tắc giao dịch thương mại của con người. Trong đó, người ta trả giá cho giá trị họ nhận được. Đó không phải là công cụ của những người ăn mày đi xin ăn bằng những giọt nước mắt, cũng không phải là vũ khí của kẻ cướp dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản, mà chỉ có những người biết lao động mới có khả năng làm ra đồng tiền..

    Nhưng tiền chỉ là công cụ. Nó có thể đưa bạn đi bất cứ nơi nào bạn muốn nhưng không lái xe thay bạn. Nó giúp bạn thỏa mãn những nhu cầu, nhưng không đem lại cho bạn những nhu cầu đó. Tiền bạc không thể mua được hạnh phúc cho con người khi họ không hề biết hạnh phúc là gì, không thể đem lại những quy tắc về giá trị có giá trị, và cũng không đem lại mục đích khi con người không biết mình muốn gì. Đồng tiền không thể mua trí thông minh cho kẻ ngốc, mang lại sự thán phục cho kẻ hèn yếu, sự kính trọng cho kẻ bất tài.."

    Có lẽ Linh hồn của Tiền cũng có chung một góc tiếp cận vấn đề tiền bạc như thế. Đây là cuốn sách dạy chúng ra về thái độ cư xử với tiền bạc, cách kiếm tiền, tiêu tiền và trao tặng tiền. Tiền mang lại sự đầy đủ về vật chất nhưng không phải là tất cả. Tiền không mua được sự đầy đủ về mặt tâm hồn.

    Là một nhà hoạt động xã hội toàn cầu, người đã vận động quyên góp được 150 triệu đô-la cho các mục đích nhân đạo, có lẽ hơn ai hết Lynne Twist hiểu rõ hai mặt rất trái ngược nhau của đồng tiền. Và cuốn sách này chính là một sự chia sẻ trải nghiệm từ chính cuộc đời bà, từ những cuộc gặp với những người giàu nhất cũng như nghèo khó nhất, từ những người rất nổi tiếng như mẹ Teresa và Dalai Lama đến những anh hùng vô danh hàng ngày. Thông qua những câu chuyện cá nhân đó, bà mong muốn giúp chúng ta thay đổi suy nghĩ thiếu thốn, thèm muốn, và gánh nặng bằng suy nghĩ đầy đủ, tự do và có mục đích.

    Trong một xã hội chạy theo đồng tiền, Linh hồn của Tiền khiến chúng ta lùi lại, trầm xuống và suy nghĩ về tiền bạc với những giá trị hạt nhân, cốt lõi của con người.. Mang tên Linh hồn của Tiền nhưng đó thực sự là về Linh hồn của chúng ta..
     
    Last edited by a moderator: 15 Tháng tư 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    PHẦN I:

    TÌNH YÊU, NHỮNG LỜI NÓI DỐI VÀ SỰ THỨC TỈNH VĨ ĐẠI

    Chương 1:

    TIỀN VÀ TÔI, TIỀN VÀ CHÚNG TA

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tiền giống như những chiếc khuyên sắt được xỏ vào mũi chúng ta. Chúng đang kéo ta đến bất cứ nơi nào chúng muốn. Chúng ta đã quên mất rằng chính chúng ta đã tạo ra chúng.

    - Mark Kinney

    Tại một ngôi làng trù phú ẩn sâu trong rừng rậm Amazon, cách biệt với bất cứ dấu hiệu nào ta quen gọi là văn minh tới mười ngày đường, anh Chumpi Washikiat cùng bộ lạc mình đang thực hiện một công việc táo bạo và chưa từng có tiền lệ: Học cách sử dụng tiền.

    Mặc dù đã 26 tuổi, song Chumpi mới bắt đầu tiếp xúc với tiền cách đây vài năm. Bộ lạc của anh, những người Achuar, đã sống hàng nghìn năm mà không hề biết đến tiền. Trong suốt khoảng thời gian đó, những thế hệ người Achuar đã sinh trưởng, lao động nuôi sống gia đình, xây dựng nhà cửa, và duy trì cả cộng đồng – họ làm tất cả những việc đó mà không cần dùng đến tiền. Họ đã và vẫn đang chung sống rất hài hòa với những yếu tố ảnh hưởng có tác động mạnh mẽ nhất lên cuộc sống của họ – những thế lực tự nhiên, mối quan hệ giữa các thành viên bộ lạc và với rừng – nhưng họ chẳng hề có mối liên hệ nào với tiền bạc. Nguyên tắc có đi có lại chính là loại tiền tệ chung. Mọi người đều hiểu rằng tất cả các thành viên trong làng sẽ chia sẻ và chăm sóc cho nhau. Nếu con gái của Tantu cưới con trai của Natem thì bạn bè và hàng xóm sẽ đến và giúp họ dựng một ngôi nhà. Khi một anh thợ săn giết được một con lợn lòi, cả làng sẽ cùng liên hoan. Những thăm trầm của cuộc sống chủ yếu đều do thiên nhiên gây ra. Mọi trận chiến nổ ra đều là vì danh dự. Chúng chẳng liên can gì đến tiền bạc cả.

    Chumpi lớn lên trong một môi trường như thế, nhưng số phận đã an bài, anh thuộc về thế hệ sẽ thay đổi tất cả những điều đó. Vào đầu những năm 1970, người Achuar lần đầu tiên tiếp xúc với thế giới hiện đại thông qua những nhà truyền giáo. Chỉ trong hai thập kỷ, mảnh đất của cha ông họ trở thành mục tiêu nhòm ngó của các công ty dầu mỏ và các lợi ích thương mại khác. Khu rừng rậm có nguy cơ bị họ phá sạch để lấy gỗ và khai thác dầu dưới lòng đất. Năm 1995, Bill – chồng tôi và tôi được những thủ lĩnh người Achuar mời đến làm đối tác hỗ trợ họ bảo vệ đất đai và lối sống truyền thống của những người thổ dân. Chính dịp đó tôi đã gặp Chumpi, một chàng trai – một chiến binh Achuar trẻ tuổi và thiện nghệ.

    Một vài năm sau cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, Chumpi được các già làng và thủ lĩnh người Achuar chọn gửi đi học ở Mỹ. Anh là người Achuar đầu tiên học tiếng Anh, một công cụ thiết yếu giúp người Achuar có thể thỏa thuận về việc bảo tồn rừng và trao đổi buôn bán với thế giới bên ngoài hiệu quả. Đồng thời Chumpi cũng bắt đầu học một thứ ngôn ngữ nữa của cuộc sống phương Tây đương đại: Ngôn ngữ của tiền. Đó chính là vốn từ thiết yếu để tồn tại trong một thế giới hoàn toàn khác so với thế giới của anh, nơi mà tiền luôn luôn là yếu tố chi phối, đôi khi là yếu tố chi phối duy nhất, đối với tất cả mọi người và mọi việc.

    Chumpi sống cùng gia đình tôi tại nhà chúng tôi. Anh đi học tại một trường gần đó và học tiếng Anh rất chăm chỉ. Những bài học về tiền thì đến với anh mọi lúc mọi nơi như khí thở. Bất cứ nơi nào anh tới, ngôn ngữ và ý nghĩa của tiền đều tràn ngập bầu không khí, từ bảng thông báo, biển và chương trình quảng cáo cho đến thẻ ghi giá tiền trên những chiếc bánh. Khi trò chuyện với những học sinh khác, anh tìm hiểu được về những hy vọng, ước mơ và viễn cảnh tương lai sau khi tốt nghiệp của họ, hay như cách họ nói là "cuộc đời trong thế giới thực" – thế giới của tiền. Anh bắt đầu nhận ra cuộc sống ở Mỹ nghĩa là thế nào: Nghĩa là hầu hết mọi thứ trong cuộc sống và mọi lựa chọn của chúng ta – từ đồ ăn ta ăn, quần áo ta mặc, ngôi nhà ta ở, ngôi trường ta học, công việc ta làm, tương lai ta mơ ước, chúng ta lập gia đình hay ở vậy, sẽ có con hay không, cho đến thậm chí cả vấn đề tình yêu – tất cả đều chịu ảnh hưởng của cái thứ được gọi là tiền.

    Không lâu sau đó, Chumpi nhận ra rằng anh và những người đồng bào của mình đã bước vào mối quan hệ với tiền. Tiền bạc đã trở nên có ý nghĩa. Nếu người Achuar muốn bảo vệ khu rừng quê hương, họ sẽ phải đối mặt với thực tế là nó có giá trị với người khác, bởi nó có khả năng tạo ra tiền. Một số bộ lạc khác trong vùng biết đến tiền qua một cách cay đắng hơn. Họ đã bán quyền sở hữu đất để lấy tiền, số tiền sau đó tan biến cũng nhanh như khi nó đến, và cuối cùng, họ mất đất đai, nhà cửa, lối sống, và cả những di sản trước kia từng là của họ.

    Người Achuar rất chú ý đến bài học này. Họ nhận ra rằng thử thách đối với họ chính là phải sử dụng sức mạnh của tiền rõ ràng và kiên định nhằm phục vụ mục đích cao nhất của mình: Bảo vệ rừng và sử dụng những tài nguyên của nó để đảm bảo tương lai bền vững cho chính họ và cho muôn loài. Họ hiểu rằng mối quan hệ mới mẻ chưa từng có với tiền bạc này phải được đặt vững chắc trên nền tảng của những giá trị cốt lõi và những quyết tâm gắn bó vững chắc nhất với cuộc sống và mảnh đất của họ, nếu không, cũng như những người láng giềng kia, họ sẽ bị tiền hủy hoại. Nhiệm vụ khó khăn này đến nay vẫn còn tiếp tục, nó vẫn đang thử thách độ bền vững của các mối quan hệ cũng như nguyên tắc cộng đồng đã tồn tại lâu đời trong nền văn hóa của họ.

    Khi người Achuar sống trong ngôi nhà rừng rậm của mình, họ sống trong sung túc và có mọi thứ họ cần. Cuộc sống đã tiếp diễn như vậy trong hàng thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ. Nhưng chỉ cần bước một bước ra khỏi rừng, đi vào thế giới của chúng ta, họ không thể nào tìm được cái ăn, nơi trú ngụ, hoặc sống được dù chỉ là thời gian ngắn mà không dùng đến tiền. Dù muốn hay không tiền là thứ bắt buộc phải có. Việc may mắn được chứng kiến và tham gia dịp lần đầu tiên người Achuar tiếp xúc với thế giới của tiền bạc đã thôi thúc tôi và anh Bill suy ngẫm và đánh giá lại mối quan hệ giữa tiền bạc và chính chúng tôi, và giữa nền văn hóa của chúng ta với tiền bạc.

    Giống như Chumpi và những người Achuar, tất cả chúng ta đều có một mối quan hệ rõ ràng với tiền, mặc dù điều đó diễn ra gần như vô thức và không được để tâm tới. Nó định hình những trải nghiệm của chúng ta với cuộc sống, những cảm xúc sâu sắc nhất của chúng ta về bản thân và về người khác. Dù bạn tiêu đồng đô-la, yên, rupi hay đracma[1], thì tiền luôn là một trong những vấn đề trung tâm, mấu chốt trong cuộc sống của bất cứ ai. Điều này đúng trong trường hợp của tôi, và cũng đúng đối với tất cả những người tôi từng gặp, dù họ có nhiều hay ít tiền.

    Mọi người đều thích tiền, và hầu hết chúng ta đều cảm thấy một mối quan tâm, thậm chí là nỗi sợ hãi dai dẳng rằng chúng ta sẽ không bao giờ thật sự có đủ, hoặc có thể giữ đủ tiền. Nhiều người trong chúng ta vờ coi tiền không quan trọng, hoặc nghĩ rằng không nên quan trọng hóa nó. Nhiều người khác sống công khai với quan điểm đặt việc kiếm được thật nhiều tiền làm mục đích hàng đầu. Dù số tiền chúng ta có, hay không có, là nhiều hay ít, nỗi lo chúng ta không có hoặc sẽ không có đủ luôn khiến ta bứt rứt không yên. Chúng ta càng cố để có tiền, thậm chí cố lờ đi hay vượt lên trên nó, tiền càng thít chặt vòng kiềm tỏa lên cuộc sống của ta.

    Tiền đã trở thành sân chơi mà tại đó, chúng ta đánh giá khả năng và giá trị của mình bằng cách so sánh với người khác. Chúng ta lo rằng nếu không ra sức kiếm thêm tiền thì có lẽ chúng ta sẽ mất vị trí trong đội hoặc lợi thế trong cuộc chơi. Nếu không giành được thế trận, chúng ta cảm thấy mình đang thất bại. Nếu không dẫn đầu hay chí ít là ngang bằng với người khác trong cuộc đua tài chính, chúng ta cảm thấy mình đang tụt lại phía sau và cần nỗ lực để bắt kịp đối thủ. Cuộc chơi có lúc thật thú vị, có lúc thật đáng sợ, nhưng rủi ro bao giờ cũng lớn bởi trên sân chơi tiền bạc, nếu không phải là người chiến thắng, chúng ta chỉ có thể là kẻ chiến bại.

    Thậm chí ngay cả khi cuộc chơi đang thuận lợi, chúng ta vẫn thường cảm thấy một sự hụt hẫng, một khoảng cách vời vợi giữa hình ảnh cuộc sống lý tưởng ta hằng hình dung với cuộc đời thực ta đang sống hàng ngày, bị đè nặng dưới sức ép của những trăn trở thường nhật làm thế nào kiếm được nhiều tiền hơn, mua sắm nhiều hơn, tiết kiệm nhiều hơn, giành được nhiều hơn, sở hữu nhiều hơn, và trở thành người quan trọng hơn. Có thể bạn cho rằng một tài sản khổng lồ sẽ mang đến sự bình yên và tự do, nhưng những người giàu có sẽ cho bạn biết sự thật không phải vậy. Đối với họ, cái giá phải trả cho trò chơi thì lớn hơn nhưng bản chất trò chơi thì vẫn vậy. Dù bạn là một vị tổng giám đốc kiếm được 7 triệu đô-la vào năm ngoái, nhưng nếu người cùng chơi golf với bạn vừa đàm phán thành công một hợp đồng trị giá 10 triệu đô-la, còn bạn thì không, điều đó cũng đã đẩy bạn tụt lại phía sau trong cuộc chơi tiền bạc. Khi số tiền đặt cược vào trò chơi càng lớn, ta càng có nhiều thứ để mất, và việc dẫn đầu trong trò chơi càng đòi hỏi nhiều thứ hơn. Không ai thoát khỏi những tác động của tiền. Tất cả mọi người đều phải đương đầu với những thăng trầm về tiền bạc trong cuộc đời mình.

    Dù xem xét tiền bạc trên góc độ cuộc sống cá nhân hay gia đình, tại công sở, hay trên thực trạng kinh tế và phát triển của cả đất nước, chúng ta vẫn chỉ thấy duy nhất một bức tranh: Tiền chính là yếu tố cấu thành có sức thôi thúc mạnh mẽ, trớ trêu, kỳ diệu, bị phỉ báng và hiểu lầm nhiều nhất của cuộc sống hiện đại.
     
  4. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    THỨ ĐƯỢC GỌI LÀ TIỀN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nếu chúng ta muốn tước bỏ lớp vỏ hàng nghìn năm văn hóa tác động và quy định cách nhìn tiền bạc, để xem xét đến nó một cách mới mẻ hơn, chúng ta có thể bắt đầu từ một số điểm rất đơn giản. Tiền không phải là một sản phẩm của tự nhiên. Tiền không mọc trên cây, cũng không rơi từ trên trời xuống. Đó là một phát minh của riêng con người. Đó hoàn toàn là sản phẩm của trí tuệ chúng ta. Chúng ta tạo ra nó, và rồi sản xuất nó hàng loạt. Nó là thứ vô tri vô giác trong lịch sử khoảng 2.500-3.500 năm qua đã xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau; có lúc là những miếng vỏ sò hay hòn đá, có lúc là những thỏi kim loại quý, lúc là một mảnh giấy và có khi là một chớp nháy trên màn hình máy tính. Ngay từ đầu, tiền được phát minh để hỗ trợ việc chia sẻ và trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các các nhân cũng như các nhóm người. Đến nay, tiền vẫn giữ vai trò ấy, nhưng dường như trong quá trình đó, chúng ta đã trao cho tiền sức mạnh vượt quá vai trò thiết thực ban đầu của nó.

    Giờ đây, thay vì coi tiền là thứ công cụ do chúng ta sáng tạo và điều khiển, chúng ta coi nó là một điều tất yếu của tự nhiên, một thế lực ta phải đương đầu. Thứ gọi là tiền, tiền quy ước hay tiền giấy được sản xuất hàng loạt với giá trị bản thân không lớn hơn một mẩu giấy viết hay tờ khăn giấy Kleenex, đã trở thành thế lực có sức kiểm soát lớn nhất trong cuộc sống của chúng ta.

    Tiền chỉ mang sức mạnh mà chúng ta gán cho nó và chúng ta đã gán cho nó một sức mạnh gớm ghê. Chúng ta gần như đã trao cho nó quyền lực tối cao. Nếu chỉ nhìn vào hành vi, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta đã khiến tiền trở nên quan trọng hơn bản thân chúng ta và ý nghĩa hơn cuộc sống con người. Con người đã làm và sẽ còn làm những điều khủng khiếp chỉ vì tiền. Người ta giết người vì tiền, nô dịch người khác vì tiền và biến chính mình thành nô lệ của cuộc sống tẻ nhạt cũng chỉ vì theo đuổi đồng tiền.

    Vì tiền, loài người sẵn lòng hủy hoại Mẹ Trái đất. Chúng ta đã tàn phá rừng, ngăn lấp sông, khai thác gỗ đến cạn kiệt, đánh bắt cá quá mức và làm nhiễm độc đất bằng chất thải từ công nghiệp và nông nghiệp. Chúng ta đã đẩy nhiều bộ phận trong xã hội xuống vị trí thứ yếu, dồn người nghèo vào các dự án nhà ở, để mặc các khu nhà ổ chuột trong các thành phố hình thành, bóc lột nhiều quốc gia để có lao động rẻ mạt hơn, và chứng kiến sự sa ngã của hàng nghìn – thực tế là hàng triệu người – trong đó có không ít là những người trẻ tuổi, bị cuốn vào nạn buôn bán ma túy để kiếm tiền, làm tổn thương người khác và từ bỏ chính hy vọng của mình trong cuộc sống tội lỗi, nô dịch hoặc tù đày. Chúng ta đã tiếp tục gán cho đàn ông và phụ nữ những quyền lợi khác nhau và không bình đẳng đối với tiền và sức mạnh của nó, nô dịch phụ nữ, bóp méo những trông đợi và nghĩa vụ của đàn ông bằng chính các đặc quyền của họ.

    Trong cuộc sống, tiền hầu như không bao giờ có thể mang đến tự do, niềm vui hay sự minh bạch thật sự. Tuy thế, chúng ta vẫn cho phép tiền kiểm soát các mặt của cuộc sống và thường coi nó là thứ quan trọng hàng đầu khi chúng ta đưa ra những quyết định liên quan tới công việc, tình yêu, gia đình và tình bạn. Chúng ta ít khi chấp nhận tuyệt đối điều gì ngoài sức mạnh và quyền lực của đồng tiền, và những giả định về vị trí của mình trước tiền. Chúng ta dám thách thức các giả định về mọi mặt khác của đời sống: Sắc tộc, tôn giáo, chính trị, giáo dục, giới tính, gia đình và xã hội. Nhưng khi đứng trước tiền, chúng ta lại chấp nhận nó không chỉ là thước đo giá trị kinh tế mà còn là cách đánh giá tầm quan trọng và giá trị của tất cả mọi người và mọi thứ khác trên đời. Khi chúng ta nói về thành công trong cuộc sống, tiền luôn luôn là thước đo đầu tiên và đôi khi là thước đo duy nhất chúng ta viện đến.

    Trong cuộc sống riêng tư, chúng ta đều có lúc tự hạ thấp mình, lợi dụng người khác, hoặc dính líu đến những việc ta không lấy làm tự hào lắm chỉ để có hoặc giữ chặt lấy tiền hay sức mạnh mà ta tin tưởng tiền có thể mua. Chúng ta đã im lặng để tránh các xung đột hay tác động bất lợi về tài chính. Chúng ta đã tự mình hủy hoại các mối quan hệ khi dùng tiền làm công cụ để kiểm soát hoặc để trừng phạt, để trốn tránh hoặc mua chuộc tình cảm, hay để thay thế cho tình yêu. Trong các gia đình giàu có, nhiều người bị đầu độc bởi lòng tham, nghi ngờ và tham vọng điều khiển người khác. Cuộc sống nhiều đặc quyền đã tước đi của họ những cơ hội quý giá để trải nghiệm những giao tiếp bình thường của con người và những mối quan hệ chân thật. Còn với những người sống trong thiếu thốn triền miên, cuộc chiến ấy có thể dễ dàng trở thành một ám ảnh xuyên suốt, hạ thấp giá trị cá nhân, và xói mòn tiềm năng cơ bản của một con người, một gia đình, hay thậm chí cả cộng đồng và nền văn hóa. Đối với một số người, thiếu thốn vật chất trở thành cái cớ biện minh cho việc họ không tháo vát, hữu ích hoặc trách nhiệm như lẽ ra họ có thể.

    Chúng ta được sinh ra trong nền văn hóa do tiền nhào nặn nên và mối quan hệ ban đầu của chúng ta với tiền chính là sản phẩm của nền văn hóa đó, bất kể ta ở đâu – nơi nghèo đói triền miên như Mozambique và Bangladesh, hay nơi thịnh vượng và sung túc như Mỹ hay Nhật Bản. Từ những trải nghiệm ban đầu ấy, chúng ta nhận thức được vị trí và sức mạnh của tiền trong gia đình, cộng đồng và trong chính cuộc sống của mình. Chúng ta nhìn thấy những người kiếm được tiền và những người không thể. Chúng ta thấy những điều cha mẹ chúng ta sẵn sàng làm và những điều khiến họ do dự khi kiếm tiền hoặc kiếm những thứ mua được bằng tiền. Chúng ta thấy cách thức tiền định hình quan điểm cá nhân và dư luận.

    Trong nền văn hóa tiêu dùng mạnh mẽ của Mỹ, ngay cả những đứa trẻ cũng bị cuốn vào vòng xoáy dữ dội của tiền. Chúng ta trước đây từng trải qua, nhưng điều đó ngày nay thậm chí còn dữ dội hơn. Trẻ con lớn lên trên thế giới mà các phương tiện truyền thông và nền văn hóa đại chúng không ngừng nghỉ cổ vũ cho thói tiêu tiền và kiếm tiền không cần đoái hoài đến hậu quả gây ra cho con người hay môi trường. Những lệch lạc trong mối quan hệ của chúng ta với tiền nảy sinh từ những chuỗi ngày đều đặn tiếp xúc với những điều tưởng chừng vô thưởng vô phạt ấy trong một nền văn hóa (coi trọng) tiền bạc. Những vấn đề tài chính cá nhân cũng như những vấn đề trung tâm của nền kinh tế và môi trường như phát triển bền vững và bình đẳng xã hội, rõ ràng đều bắt rễ từ mảnh đất của mối quan hệ giữa chúng ta với tiền và nền văn hóa tiền bạc, nơi chúng ta sinh ra và dần dần chấp nhận như một lẽ tự nhiên.
     
  5. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    TIỀN VÀ TÂM HỒN: MỘT NGĂN CÁCH LỚN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đối với phần lớn chúng ta, mối liên hệ với tiền bạc chứa đầy mâu thuẫn, và hành vi của chúng ta trong những vấn đề về tài chính thường trái ngược với những giá trị, quyết tâm và lý tưởng trong sâu thẳm mỗi người – nơi tôi gọi là tâm hồn. Khi nói về tâm hồn, tôi không định liên hệ đến một khái niệm tôn giáo. Khi tôi nói về giá trị gốc hay những quyết tâm cao thượng "của chúng ta", tôi không có ý rằng tất cả chúng ta đều có chung quan điểm hay cảm giác về chính trị, tôn giáo, kinh tế hay những nhu cầu và ham muốn chủ đạo trong cuộc sống. Tôi tin tưởng rằng, sau tất cả những điều đó, khi chúng ta thẳng thắn khám phá những điều người khác yêu cầu, xui khiến hoặc dụ dỗ chúng ta tin tưởng, hay thậm chí những điều chính chúng ta lựa chọn để tin tưởng, điều quan trọng nhất đối với loài người, những quyết tâm sâu sắc và những giá trị gốc phổ biến nhất của chúng ta, chính là hạnh phúc của những người ta yêu thương, bản thân chúng ta và thế giới chúng ta đang sống.

    Chúng ta thật sự mong muốn có một thế giới tươi đẹp cho tất cả mọi người. Chúng ta không muốn trẻ em phải chịu đói khát. Chúng ta không muốn bạo lực và chiến tranh hoành hành ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này, kể cả những chốn xa xôi nhất. Chúng ta không muốn đau đớn, hận thù và sự trừng phạt trở thành công cụ trong tay các chính phủ hay nhà lãnh đạo. Tất cả mọi người đều mong muốn một cuộc sống an toàn, ổn định, đầy đủ và đầy yêu thương cho mình, những người họ yêu và người khác. Tất cả chúng ta đều muốn có một hành tinh khỏe mạnh và cơ hội để mọi người được sống cuộc đời lành mạnh và hữu ích.

    Tôi cũng tin tưởng rằng trên tất cả những sợ hãi và đau buồn, mọi người đều muốn yêu thương, được yêu thương, và thay đổi cuộc sống của mình. Nói về khía cạnh tinh thần, không phải về mặt tôn giáo, tôi tin rằng con người cũng muốn cảm nhận sự thần thánh nương náu trong mình, mối liên hệ của chính họ với mọi sự sống và điều bí ẩn của một cái gì đó còn lớn hơn khả năng thấu hiểu của con người. Nền văn hóa tiền bạc đã chi phối chúng ta theo rất nhiều cách, mà nếu ý thức hơn, chúng ta sẽ không chọn. Nó khiến chúng ta vô tình bào mòn và hủy hoại những giá trị nhân bản nhất, những quyết tâm đẹp đẽ nhất, và có lúc, quay lưng lại với cả những người chúng ta yêu thương.
     
    Mèo A Mao Huỳnh MaiHạ Tiểu Anh thích bài này.
  6. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    BÀI MÊ HỒN CA CỦA THÀNH CÔNG

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vào đầu những năm 1970, khi Bill, chồng tôi, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, tiền bắt đầu khẽ thì thầm bài mê hồn ca vào tai anh. Khi đó anh cùng các cử nhân trẻ ngành quản trị kinh doanh của các trường kinh tế hàng đầu được một công ty nổi tiếng và đầy triển vọng tuyển dụng. Công ty này xử lý các hợp đồng cho thuê phương tiện vận tải và thiết bị máy tính trên quy mô lớn. Công ty thu lợi nhuận theo phần trăm giá trị hợp đồng, và khi đó, nó đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Công việc làm ăn ngày càng thành công và lớn mạnh. Đến một lúc, các thành viên ban quản trị quyết định đặt mục tiêu trở thành công ty trị giá trên một tỷ đô-la nhanh nhất trong lịch sử. Khi ấy, đó là một mục tiêu đầy tham vọng, lôi cuốn và hoàn toàn khả thi. Tất cả mọi người, kể cả vợ chồng của nhân viên trong công ty, đều vô cùng phấn khởi, và dần dần bị chính mục tiêu này lạm dụng. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ mình đã sung sướng thế nào khi chứng kiến mọi chuyện tiến triển thật tốt đẹp cho Bill và đồng nghiệp của anh, tôi đã nghĩ kế hoạch này thật phi thường, tôi đã khích lệ anh ấy, không ý kiến gì khi anh ấy dần dần ở lại văn phòng muộn hơn, đi làm sớm hơn, và phải đi công tác ngay cả lúc cuối tuần.

    Chúng tôi có ba đứa con – Zachary một tuổi, Summer ba tuổi và Billy năm tuổi. Chúng là trung tâm trong cuộc sống của chúng tôi, hay đấy là chúng tôi nghĩ thế. Cuộc hôn nhân của chúng tôi và mối quan hệ với con cái là điều quan trọng nhất trên thế giới đối với chúng tôi, hay đấy là chúng tôi nói thế. Tuy nhiên, nếu ai đó ghi lại hình ảnh cuộc sống của chúng tôi suốt thời gian đó và xem xét khách quan, người ta chắc chắn sẽ thốt lên – Không, họ chẳng quan tâm gì đến bọn trẻ cả. Chúng ở với cô trông trẻ, người mẹ lúc nào cũng mải mê với những việc mất thời gian với chồng, đi mua sắm hay đi giải trí; họ thậm chí không theo dõi được những giai đoạn quan trọng nhất trong sự phát triển của con cái, không ở bên chúng để kể những câu chuyện trước khi đi ngủ, hôn tạm biệt hoặc đơn giản dành thời gian để xây dựng mối quan hệ tự nhiên. Họ có thể trả tiền cho người chăm sóc trẻ, mua đồ chơi và một căn nhà lớn, nhưng ngay cả khi họ ngồi bên con, đầu óc họ vẫn còn quay cuồng với những suy tính về việc cần làm gì tiếp theo để đạt được những mục tiêu tài chính, hay để thể hiện cho bạn bè biết rằng họ biết cách hưởng thụ cuộc sống giàu có và mới mẻ.

    Chúng tôi cảm thấy mình chân thành hy sinh cho con cái, nhưng nếu bạn quan sát trung thực cách chúng tôi thật sự đã dành thời gian và sức lực của mình, bạn sẽ thấy rằng hành động của chúng tôi không hề thống nhất với suy nghĩ.

    Chúng tôi bắt gặp mình trong mớ hỗn độn ấy vào giữa những năm 1970. Tiền vẫn đổ vào như nước, và tất cả những thứ chúng tôi có được hoặc mua được bằng tiền chỉ làm tăng ham muốn có thêm đồ đạc, mua thêm, hoặc thêm lý do để mua nhiều hơn nữa. Để tránh lạc hậu so với xã hội, chúng tôi cảm thấy mình cần biết về những loại rượu ngon, và khi làm như vậy, chúng tôi cần một hầm rượu. Chúng tôi mua một chiếc xe thể thao hợp thời trang và chạy rất tốt, sau đó lại muốn có thêm một chiếc nữa, một chiếc xe gia đình để chở cả nhà. Chúng tôi có một căn nhà tuyệt vời, nhưng có lẽ như vậy vẫn chưa đủ nếu thiếu chút nghệ thuật ấn tượng. Ngay khi chúng tôi bất đầu tìm hiểu về nghệ thuật, chúng tôi muốn mua các tác phẩm ở đẳng cấp cao hơn. Bạn bè của chúng tôi bắt đầu có những căn nhà nghỉ mùa hè, cho nên đấy có lẽ sẽ là mục tiêu tiếp theo chúng tôi phải đạt. Khi chúng tôi bắt đầu mua những thứ quần áo đắt tiền hơn, chúng tôi cần những đôi giày mới hơn, đẹp hơn đi cùng. Tiếp đó, áo khoác cũng phải tương xứng với những bộ cánh bên trong. Và đồng hồ cũng phải phù hợp. Danh sách những thứ cần nâng cấp cứ thế kéo dài vô tận. Trong các bạn bè của chúng tôi, đi nghỉ trở thành biểu tượng hùng hồn của cuộc sống xa hoa; nếu muốn hòa nhập với số đông, bạn cần có những kỳ nghỉ đặc biệt. Đột nhiên, việc lái xe đến Yosemite hay đi cắm trại không còn là đủ nữa. Để được gọi là nghỉ, người ta phải đi trượt tuyết ở Sun Valley, hay bơi thuyền ở Hawaii. Điều này kéo theo điều khác, và tất cả đều có vẻ quan trọng như nhau. Có một thứ gì đó đã thôi thúc chúng tôi đi theo, và chúng tôi thậm chí không kịp dừng lại để thắc mắc. Các con chúng tôi ở cùng với cô trông trẻ phần lớn thời gian. Chúng lớn lên trong sự sung túc và chăm sóc tận tình nhưng thiếu sự có mặt của cha mẹ. Chúng tôi là những bậc cha mẹ đầy yêu thương, nhưng vắng mặt nhiều đến nỗi tự chúng tôi cũng thấy khó chịu, nhưng chúng tôi vẫn đi vì lúc nào chúng tôi cũng thấy việc phải đi là quan trọng, và biết rằng chúng tôi sẽ sớm trở về.

    Dự án Xóa đói − một sáng kiến quốc tế nhằm thanh toán nạn đói trên toàn thế giới − đã thức tỉnh tôi. Khi lần đầu nghe về quyết tâm thanh toán nạn đói, tôi thấy sứ mệnh đó đã nói hộ cảm giác sâu sắc của tôi trước những đau khổ của con người. Tôi vẫn còn nhớ khi còn là một đứa trẻ hạnh phúc và thỏa mãn, có lúc tôi nhận ra ở đâu đó vẫn còn những người phải chịu đói, và đối với tôi, điều này thật vô lý. Tôi rất buồn khi nghĩ rằng có một đứa trẻ nào đó như tôi không có đủ thức ăn. Tôi đã nghĩ rằng không thể để điều đó xảy ra. Khi còn nhỏ, có thể bạn cũng suy nghĩ như vậy, sau đó tiếp tục đi chơi. Nhưng ý nghĩ đó ở lại trong tôi, và hàng chục năm sau, khi tôi nghe được thông điệp của Dự án Xóa đói, rằng ta có thể dùng những nguồn lực sẵn có để quét sạch nạn đói dai dẳng trên toàn bộ hành tinh, tiếng vọng của nó dội vào trái tim tôi và đưa tôi trở về khoảnh khắc tuổi thơ, khi tôi hiểu rằng không phải ai cũng được chăm sóc, và tôi muốn làm một điều gì đó. Tôi cảm thấy một thôi thúc mạnh mẽ và sâu sắc từ trong tâm hồn mà tôi không thể nào phủ nhận. Khoảnh khắc đó, tôi bắt đầu tách mình khỏi cuộc rượt đuổi với tiền.

    Giờ đây, sau 25 năm, tôi có thể nói rằng một trong những món quà bất ngờ khi tôi tham gia Dự án Xóa đói là khi đứng lên chống lại nạn đói, tôi dần nhận ra và phải đối mặt với cơn đói bên trong chính con người mình cũng như với cuộc sống thiếu chân thật và không phù hợp mà chúng tôi vẫn sống. Khi đó, chúng tôi bắt đầu nỗ lực có ý thức để hướng những nguồn lực của mình – thời gian, công sức, tiền bạc, tài sản vật chất tích cóp được – đến phục vụ cho khao khát thay đổi cuộc sống của mình.

    Mặc dù Bill vẫn tiếp tục làm việc cho công ty, chúng tôi bắt đầu nhìn nhận nó theo một cách hoàn toàn khác. Thay vì không ngừng kiếm tiền hay dùng tiền để mua sắm, chúng tôi bắt đầu coi những nguồn lực mà anh ấy và đồng sự đang tạo ra là những nguồn lực có thể dùng để giúp đỡ người khác. Chúng tôi ủng hộ tiền bạc cho những người, những chương trình và dự án có thể gây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Trước kia khi còn là một giáo viên, tôi đã quyết định mở một trường học cho các bậc cha mẹ đã ly thân và vẫn đang đi làm. Chúng tôi lôi kéo bạn bè và nhiều gia đình khác tham gia các hoạt động xây dựng cộng đồng và gây quỹ. Chúng tôi lao vào công cuộc biến đổi đời sống cá nhân và xã hội, tham gia các khóa học, hội thảo đồng thời khuyến khích người khác làm theo. Từ một nhóm nhỏ những người cùng đang chạy đua vì thành công về tài chính và địa vị, chúng tôi bắt đầu mở rộng mối quan hệ sang một tập hợp phong phú bạn bè và đồng nghiệp thuộc mọi hoàn cảnh, văn hóa và lối sống. Nhóm chúng tôi ngày càng mở rộng, thuộc nhiều nền văn hóa, nhiều bộ phận khác nhau của xã hội và hoàn cảnh kinh tế.

    Bill và các đồng sự của anh đã thành lập quỹ công ty. Tất cả chúng tôi cùng được trải nghiệm niềm vui và sức mạnh khi đóng góp và đầu tư tiền của cho những thứ chúng tôi quan tâm hơn hết thảy, những chương trình nói lên được quyết tâm cao cả nhất của chúng tôi. Chúng tôi nhận ra mình có thể tạo ra những thay đổi đáng kể khi đầu tư tiền bạc vào việc thanh toán nạn đói và chúng tôi đã làm như vậy. Chúng tôi đóng góp cho Dự án Xóa đói và được trải nghiệm cảm giác đầy đủ viên mãn, giúp sưởi ấm và nuôi dưỡng mối quan hệ của chúng tôi với nhau và với tất cả mọi người. Chúng tôi nhận ra rằng cuộc chiến trước kia nhằm tích lũy và nâng cấp mọi thứ của chính mình và cuộc đời mình cũng là một thứ nạn đói. Chúng tôi thẳng thắn giải quyết bằng cách nhận thức được rằng cái chúng tôi thật sự khao khát là một cuộc sống có ý nghĩa. Chúng tôi khao khát thay đổi thế giới, và bắt đầu dành toàn bộ tâm sức để làm việc đó. Một số người dồn sức lực để thanh toán nạn đói, một vài người đầu tư cho giáo dục hay xóa nghèo, một số người khác không lạm dụng nữa mà quay sang giúp đỡ, che chở và nâng đỡ nạn nhân từng bị lạm dụng.

    Thay đổi trong suy nghĩ dẫn đến những chuyển biến trong mối quan hệ của chúng tôi với tiền. Khi chúng tôi bắt đầu điều chỉnh các quyết định tài chính của mình cho phù hợp với những giá trị gốc sâu sắc hơn và với những quyết tâm cao đẹp nhất của mình, chúng tôi cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt, không chỉ trong cách chúng tôi xử sự với tiền, mà trong cả cảm giác của chúng tôi về tiền, về cuộc sống và về bản thân. Cuối cùng, chúng tôi biết cách đánh giá bản thân không phải căn cứ vào những thứ chúng tôi có, mà theo những thứ chúng tôi cho đi; không phải dựa trên những gì chúng tôi tích lũy được, mà là những gì chúng tôi đã phân phát đi.

    Chúng tôi cũng nhận ra những thay đổi tương tự diễn ra với rất nhiều bạn bè của chúng tôi. Dù hoàn cảnh kinh tế ra sao, khi họ kết nối với sự hào phóng và quyết tâm, họ đều thể hiện mình theo cách như nhau. Chúng tôi nhận ra rằng tuy không thể thay đổi nền văn hóa tiền bạc, nhưng có thể nhìn nhận nó rõ ràng hơn, có thể đưa ra những quyết định lý trí hơn về việc chúng ta liên hệ với các tình huống ra sao và xử lý chúng thế nào. Chúng tôi không còn cảm thấy bị kìm hãm hay tù túng bởi nỗi sợ hãi cũng như niềm trông đợi về tiền bạc, và cuộc chạy đua vì tiền bắt đầu chậm lại. Với từng người trong chúng tôi, tiền ngày càng trở thành con đường giúp thể hiện lòng khao khát và sự viên mãn của tâm hồn.
     
    Mèo A Mao Huỳnh MaiHạ Tiểu Anh thích bài này.
  7. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    KIẾM SỐNG VÌ CUỘC SỐNG

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mỗi người trong chúng ta đều trải qua trò chơi kéo co dai dẳng giữa ham muốn tiền bạc và tiếng gọi của tâm hồn. Khi chúng ta ở trong địa hạt của tâm hồn, chúng ta hành động chính trực. Chúng ta sâu sắc và hào phóng, dũng cảm và quyết tâm. Chúng ta nhận ra giá trị của tình yêu và tình bạn. Chúng ta thích thú với những công việc nhỏ bé nhưng được làm tốt. Chúng ta trải nghiệm những khoảnh khắc trân trọng khi ở giữa thiên nhiên và cái đẹp tự thân của nó. Chúng ta cởi mở, yếu đuối và chân thành. Chúng ta dễ rung động, và lòng hào phóng là rất tự nhiên. Chúng ta đáng tin cậy, đầy lòng tin với người khác và biết thể hiện mình. Chúng ta cảm thấy bình yên trong tâm hồn và tự tin rằng chúng ta là một phần thiết yếu trong một trải nghiệm rộng lớn, khoáng đạt hơn, một điều gì đó lớn hơn chính bản thân chúng ta.

    Khi chúng ta đi vào lãnh địa của tiền bạc, dường như chúng ta lạc mất con người sâu sắc vốn là bản chất của mình. Dường như chúng ta đột nhiên được đưa đến một sân chơi khác, nơi mọi luật lệ đều đã thay đổi. Trong vòng kiềm tỏa của tiền, những phẩm chất đẹp đẽ của tâm hồn trở nên khan hiếm. Chúng ta trở nên nhỏ bé hơn. Chúng ta vật lộn hoặc chạy đua để "giành lấy những thứ của mình". Chúng ta thường trở nên ích kỷ, tham lam, nhỏ mọn, đáng sợ, hay độc đoán; có khi bối rối, mâu thuẫn hoặc tội lỗi. Chúng ta gán cho bản thân danh hiệu người chiến thắng hoặc kẻ chiến bại, mạnh mẽ hay bất lực, và để mặc những thứ nhãn mác ấy nhào nặn mình một cách không chính xác, như thể sự giàu có về vật chất và khả năng kiểm soát sự giàu có ấy thể hiện sự ưu việt bẩm sinh, và thiếu những thứ đó nghĩa là con người không còn giá trị hay tiềm năng nữa. Mất khả năng nhận ra triển vọng, chúng ta trở nên cảnh giác và luôn hoài nghi, giữ lấy những thứ vặt vãnh, hay trở nên bất lực và tuyệt vọng. Chúng ta đôi khi còn cảm thấy mình buộc phải cư xử mâu thuẫn với giá trị gốc của mình, và không thể làm khác được.

    Điều đó dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc trong cách sống, trong hành vi và trong cảm giác của chúng ta về tính cách và sự chính trực của chính mình. Mâu thuẫn này là vết nứt có thật không chỉ khiến chúng ta bối rối trong những vấn đề về tiền bạc; nó còn khiến chúng ta không thể hòa nhập thế giới bên trong với thế giới bên ngoài và trải nghiệm trọn vẹn sự viên mãn trong cuộc đời, khoảnh khắc thăng hoa khi chúng ta thấy bình yên trong phút giây của hiện tại, một phần của cuộc sống và cũng chính là cuộc sống. Trải nghiệm lặng lẽ này hầu như đã biến mất trong nền văn hóa của chúng ta, bị át đi bởi những tiếng ồn và cuộc chiến tiền bạc. Sự chia rẽ ấy tồn tại trong tất cả chúng ta – bao gồm cả chính tôi – và là nguyên nhân gây ra những trận chiến ác liệt nhất trong cuộc đời đối với cả bạn và tôi.

    Vicki Robin, trong cuốn Your Monney or Your Life (Tiền hay Cuộc sống) viết về những người thay vì làm việc để kiếm sống, chính xác hơn, họ đang "kiếm chết", hay, trong một số trường hợp là "kiếm giết". Công việc họ làm không trọn vẹn, thậm chí còn tai hại cho hạnh phúc của họ và người khác. Hoặc có thể họ thấy xấu hổ về công việc của mình. Họ căm ghét nó. Họ ước không phải làm công việc đó. Họ giả vờ rằng chuyện đó chẳng ảnh hưởng gì, nhưng thật ra, tâm hồn họ – hoặc tâm hồn ai đó – đang bị giết dần giết mòn. Bị mắc kẹt trong cuộc rượt đuổi, họ nói rằng họ đang kiếm sống khi thật ra họ đang "kiếm chết" hay "kiếm giết". Nhưng họ không nhận ra, hoặc không thể thừa nhận điều đó.

    Bản thân tiền bạc không gây rắc rối. Bản thân tiền bạc không tốt cũng không xấu. Bản thân tiền bạc không mang sức mạnh cũng không loại trừ sức mạnh. Chính cách hiểu và phản ứng của chúng ta với tiền mới là nguồn gốc thật sự của những điều tai hại. Cũng chính ở đó chúng ta sẽ bắt gặp cơ hội thật sự để khám phá bản thân và lột xác. Những câu chuyện tôi sắp chia sẻ sau đây đến từ cuộc hành trình vượt qua các thái cực từ giàu có huy hoàng đến nghèo khó thảm thương, và từ những người, những chốn, những lục địa cách xa đất nước này. Nhưng tôi cũng gặp chính những bài học ấy hiển hiện ngay tại nhà mình, trong những vật lộn và lựa chọn hàng ngày của chúng ta với tiền bạc, trong những hy vọng, ước mơ, sợ hãi và thất vọng liên quan tới nó.

    Có thể bạn sẽ phải quan sát kỹ mới nhận ra được ám ảnh về tiền bạc trong câu chuyện của chính mình, nhưng chắc chắn nó có hiện diện và có mang ý nghĩa. Bạn có thể bắt đầu khám phá sự bí ẩn của tiền, và biến sân chơi mà tiền đại diện thành một chốn hoàn toàn khác. Mối quan hệ của bạn với tiền có thể là nơi bạn thể hiện ưu điểm, tài năng, khát vọng cao nhất, những phẩm chất sâu sắc và thâm thúy nhất của mình. Dù chúng ta là triệu phú hay dân thường, chúng ta đều có thể thấy hài lòng với tiền của mình và hài lòng với mối quan hệ của chúng ta với tiền.

    Trong một thế giới chuyển động xoay quanh tiền, chúng ta nhất thiết phải thắt chặt mối quan hệ của chúng ta với tâm hồn mình và đưa nó vào mối quan hệ với tiền. Khi đó, chúng ta có thể tạo ra một hoạt động tinh thần mới. Chúng ta có thể tạo dựng và nuôi dưỡng nền văn hóa tiền bạc của mình bằng tâm hồn. Mối quan hệ của chúng ta với tiền có thể trở thành nơi ngày ngày chúng ta trải nghiệm các hoạt động tinh thần sâu sắc.

    Những chương tiếp theo của cuốn sách này chính là lời mời đương đầu với những thử thách về tiền bạc, nỗi sợ hãi, ám ảnh và ràng buộc với tiền, cả sự ăn năn, hối hận và đau đớn vì tiền; từ đó ta sẽ ôm trọn tất cả để lớn lên và bắt đầu biến đổi bản thân. Trong cuộc chơi ấy, chúng ta sẽ trao cho tiền tâm hồn của nó.
     
    Mèo A Mao Huỳnh MaiHạ Tiểu Anh thích bài này.
  8. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    Chương 2:

    TỚI ẤN ĐỘ: TRÁI TIM CỦA NẠN ĐÓI, LINH HỒN CỦA TIỀN BẠC

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hãy lắng nghe cuộc sống của bạn. Hãy quan sát để nhận ra bí ẩn khôn cùng mà nó ẩn chứa. Trong những chán nản và đau thương của cuộc sống còn có cả hứng khởi và niềm vui; hãy chạm vào, hãy nếm và ngửi con đường dẫn đến trái tim linh thiêng còn giấu kín của nó, bởi xét cho cùng thì mọi khoảnh khắc đều quan trọng, và bản thân cuộc sống cũng đã là một ân huệ.

    - Frederick Buechner

    Trong chuyến đi đầu tiên của tôi đến Ấn Độ, một đêm nọ, tôi đứng bên bờ con sông Hằng ở Varnasi, và ngạc nhiên nhận ra những bè gỗ nhỏ trang trí bằng hoa và đuốc, trôi êm đềm trên dòng nước tối sẫm mượt như nhung. Chúng bập bềnh, trông như những cỗ xe rực rỡ trong lễ hội carnival được thả trôi giạt trên sông. Tôi lặng người trước cảnh đẹp ấy, và tự hỏi không biết người ta đang tổ chức lễ hội gì vậy – tôi cũng muốn tham gia. Tôi hỏi một người bạn, và anh nói với tôi những bè hoa đẹp đẽ đó chính là giàn thiêu xác theo nghi lễ, đưa thân thể người xấu số đang cháy xuôi theo dòng đến khi chỉ còn là tro bụi an nghỉ bên bờ sông. Tôi bàng hoàng, nhưng đó quả là một màn mở đầu tương xứng đưa tôi bước vào khám phá miền đất và văn hóa nơi này.

    Ấn Độ là mảnh đất của những điều ngạc nhiên, một đất nước mà vẻ đẹp phi thường song hành với những khổ đau ngoài sức hình dung. Nếu trên thế giới có một tâm điểm của nạn đói, ắt hẳn nó phải là Ấn Độ. Tại đây có nhiều người thiếu ăn, đói và chết đói hơn bất cứ nơi nào trên trái đất, vài ba trăm triệu người sống dật dờ trên các hè phố và ống cống ở Calcutta, trên sa mạc cằn cỗi nóng bỏng ở Rajasthan, nơi mọi sự sống đều là nhầm lẫn của tạo hóa.

    Tôi đến Ấn Độ lần đầu vào năm 1980, khoảng năm năm sau khi tôi bắt đầu sự nghiệp của một nhà hoạt động xã hội toàn cầu và chuyên gia gây quỹ xóa đói trên thế giới. Công việc đó từng đưa tôi đến Mỹ, Canada, và Châu Âu, nhưng đó là lần đầu tôi đến Ấn Độ. Tôi muốn tìm hiểu sự thật về nạn đói và cái nghèo ở những góc độ khốc liệt nhất. Và quả thật, chính ở Ấn Độ tôi đã khám phá ra những sự thật đáng ngạc nhiên về tiền bạc và sự giàu sang, về bản chất và tiềm năng con người.
     
    Mèo A Mao Huỳnh MaiHạ Tiểu Anh thích bài này.
  9. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    CUỘC ĐI BỘ VỚI RAMKRISHNA BAJAJ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mọi người gọi Ramkrishna Bajaj là "người con trai thứ năm của Gandhi", nhưng ông không có quan hệ máu mủ nào với vị Mahatma vĩ đại, người lãnh đạo phong trào đấu tranh phi bạo động giành độc lập cho Ấn Độ từ ách đô hộ của thực dân Anh vào cuối những năm 1930. Chính lòng trân trọng, sự biết ơn và truyền thống của Ấn Độ đã mang đến cho Gandhi thêm một người con. Ramkrishna là con út của Jamlalal Bajaj, nhà tư bản công nghiệp lớn của Ấn Độ, người đã âm thầm hỗ trợ tài chính cho phong trào giành độc lập.

    Chẳng mấy ai trong chúng ta nghĩ đến việc phong trào giành độc lập do Gandhi lãnh đạo cũng cần có người tài trợ, nhưng quả thật có người đã chi trả mọi thứ: Việc đi lại, chi phí sinh hoạt, những hỗ trợ để Gandhi và những người khác đến được nơi cần thiết và có những thứ họ cần để thúc đẩy sự nghiệp giành độc lập. Jamlalal Bajaj chính là người đó, là cái túi ba gang phía sau Gandhi và phong trào độc lập. Số tiền ông bỏ ra rất lớn và cực kỳ cần thiết. Chính vì biết ơn sự hào phóng đó, và để tiếp nối truyền thống của Ấn Độ, Gandhi đã đề nghị nhận nuôi người con út của Jamlalal và coi cậu bé như con đẻ. Gandhi đã có bốn người con, do đó, khi ông nhận nuôi Ramkrishna, người Ấn Độ gọi cậu bé là "người con trai thứ năm của Gandhi".

    Hành động cảm ơn đó về sau lại đưa đến những may mắn mới cho đất nước Ấn Độ, vì chính Ramkrishna lớn lên thành một người tuyệt vời. Khi mười ba tuổi, cậu đã là người lãnh đạo phong trào thanh niên phi bạo động có tổ chức của Gandhi, một tổ chức thu hút hàng nghìn thanh niên. Sau nhiều năm sát cánh bên Gandhi, có lúc bị chính quyền bỏ tù hàng tháng liền do chủ trương đấu tranh kêu gọi bất phục tùng và bất hợp tác trong dân chúng, Ramkrishna trở thành một nhà lãnh đạo được kính trọng, và về sau là người đứng đầu đế chế công nghiệp – tài chính mà cha ông đã gây dựng. Tập đoàn Bajaj, hay Gia đình Bajaj như cách gọi của người Ấn Độ, là một trong những công ty lớn nhất nước. Với tư cách là người lãnh đạo mới, Ramkrishna đã chứng tỏ khả năng làm việc cực kỳ hiệu quả và sự hào phóng phi thường. Ông đã lập nhiều quỹ hỗ trợ hàng nghìn dự án vì lợi ích cộng đồng.

    Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được Ramkrishna Bajaj làm hướng dẫn viên và cố vấn trong suốt những chuyến đi đầu tiên đến Ấn Độ. Hiền hậu như một người cha, ông dạy tôi hiểu đất nước của những thái cực đối ngược; giữa vẻ đẹp tuyệt vời và giá trị tinh thần tinh tế, với sự nghèo khó khốn khổ và đè nén kinh hoàng.

    Tôi vẫn còn nhớ khi tôi bước xuống máy bay ở Bombay, ập vào người tôi là một luồng không khí nóng và ẩm. Mùi của hàng nghìn con người chen chúc trong một diện tích hẹp dưới cái nóng ấy quả là quá sức chịu đựng, ít nhất là đối với phần lớn những người phương Tây lần đầu tiên tiếp xúc với đất nước này. Hồi đó, hàng nghìn người, gồm cả những người ăn xin và những đối tượng khác, sống ở sân bay và bên lề những con đường dẫn đến sân bay, trên các con phố ở Bombay, trên vỉa hè, trước các ngưỡng cửa và gầm cầu thang – hầu như tất cả mọi nơi. Họ tận dụng bất cứ chỗ trống nào để đặt những chiếc nồi nhỏ dùng để nấu món bánh chapatis, ngồi xổm vây quanh chiếc vỏ hộp dùng để nấu nướng. Có người ngủ ngay ngoài đường mà không có gì che chắn. Những người khác dựng chỗ trú ẩn bằng giấy, hộp bỏ đi, rác và dây dợ trên đường phố. Nhiều khi một gia đình sáu người hay đông hơn thế cùng chen chúc trong một chiếc lều tạm bợ như vậy.

    Chúng tôi đi bộ qua sân bay. Ngay khi ra khỏi khu vực để hành lý, chúng tôi bị những người ăn mày bao vây. Họ kéo chúng tôi, xô đẩy nhau lại gần mong một hành động đáp lại. Tôi rất sửng sốt. Đến ngày thứ ba ở Ấn Độ, tôi gần như choáng váng. Việc công khai tuyên bố trên thế giới sẽ thanh toán nạn đói toàn cầu, và việc trực tiếp đối mặt với cái đói ở Ấn Độ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Trước kia tôi đã không nhận ra tầm vóc của vấn đề. Giờ thì tôi đang đối diện với nó.

    Vào ngày thứ ba đó, tôi đi bộ dọc những con phố ở Bombay với Ramkrishma, người đàn ông được tôn sùng là hiện thân của Gandhi, người đàn ông nổi tiếng là một nhà tư bản công nghiệp lớn, một mạnh thường quân, một nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại, một người cha lớn, một tâm hồn lớn. Khi chúng tôi đi bộ qua các con phố ở Bombay, tôi chứng kiến những người nhận ra ông quỳ sụp xuống và hôn chân ông. Tôi cũng chứng kiến ông lờ những kẻ ăn mày đó đi; như thể ông không hề nhìn thấy họ, như thể họ không hề ở đó. Ông bước qua họ, dường như không chút để tâm tới cảnh ngộ của họ.

    Khi bạn đi bộ ở Bombay, nhất là ở một số khu vực của thành phố như nơi chúng tôi đang đi, bạn đúng là phải bước qua những người đang sống trên hè phố. Họ tiến đến, chìa đôi tay tật nguyền xin bố thí, hoặc có thể giơ những đứa con mù lòa ra trước mặt bạn, họ kéo áo bạn hoặc rên rỉ bên cạnh bạn. Đối với một người phương Tây như tôi, cảnh tượng đó thật choáng váng và đau đớn, nên tôi hoàn toàn ý thức được họ. Tôi không thể nhận biết hay nghĩ đến điều gì khác. Nhưng Ramkrishna không hề phản ứng gì.

    Họ cũng không xáp đến chỗ ông như cách họ tiến đến tôi. Dường như đã có một thỏa thuận bất thành văn hay một tấm lá chắn bao quanh ông. Ông bước qua đám người đó mà không chạm vào họ, cũng không bình luận gì. Và tôi bàng hoàng khi thấy người đàn ông vĩ đại ấy, con người đầy lòng trắc ẩn như vậy, có thể vờ như không thấy họ. Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra mặt sáng và mặt tối của Ấn Độ, đồng thời cả mặt sáng và mặt tối trong chính con người vĩ đại đó, rằng để có thể tiến lên, ông cần phải bỏ qua những người đó, không liên quan đến họ, thậm chí không thừa nhận sự có mặt của họ.

    Cái đói và cái nghèo cùng cực còn nắm giữ những sự thật khác nữa, những điều bắt đầu đặt hành động của Ramkrishna với những người ăn mày dưới một góc nhìn khác. Một sự thật đáng buồn là ăn mày là một ngành kinh doanh ở Ấn Độ − những nước khác cũng có, nhưng Ấn Độ là một ví dụ tiêu biểu. Chúng ta khó có thể chấp nhận chuyện này, nhưng quả thật đó là một ngành kinh doanh được tổ chức chặt chẽ. Ở nhiều nơi, có những ông chủ theo kiểu mafia khuyến khích mọi người biến con cái họ thành tật nguyền để chúng có thể ăn xin hiệu quả hơn. Hành động này đảm bảo chắc chắn rằng ăn xin không chỉ trở thành công việc suốt đời, mà đó còn là công việc truyền từ đời này sang đời khác.

    Ở Ấn Độ ngày nay, hệ thống giai cấp trong xã hội đã lơi lỏng đi nhiều, nhưng vào năm 1983, nó vẫn còn ảnh hưởng mạnh. Nó khiến cuộc sống như một hệ thống khép kín, trong đó một khi bạn là ăn mày, bạn không thể nào thoát khỏi kiếp ăn mày. Nhìn cuộc sống dưới góc độ đó, bạn có thể cầu xin được đầu thai thành một người Bà-la-môn được xã hội trọng vọng, hoặc bất kỳ ai khác ở kiếp sau, nhưng trong kiếp này, bạn, con cái bạn, và con của con cái bạn sẽ tiếp tục làm ăn mày. Biết thế rồi, bạn sẽ muốn làm công việc ăn xin của mình sao cho hiệu quả nhất.

    Thành công trong nghề ăn xin phụ thuộc vào việc làm người khác thấy mủi lòng, thương hại hoặc tội lỗi để họ cho tiền, do đó, những kẻ cầm đầu và các ông chủ sẽ dạy những người ăn xin cách làm con cái họ trông đáng thương hơn. Dưới sức ép này, đôi khi bố mẹ của những đứa trẻ cào rách mặt con mình, thậm chí chặt tay hay chân chúng. Họ làm con em mình thành tàn tật để tăng khả năng gây xúc động và đồng thời tăng tiềm năng kiếm tiền trong nghề ăn mày.

    Ở đất nước mình, tôi đã nhiều lần chứng kiến người ta làm tổn thương nhau vì tiền: Trong các vụ ly hôn, kiện cáo, khi bóc lột lẫn nhau hay bóc lột thiên nhiên. Thật dễ dàng để phê phán những lựa chọn sai lầm vì tiền ấy. Giờ tôi còn nhận ra trước đó tôi đã luôn mặc nhiên cho rằng những người nghèo, những người không có tiền để tranh giành với nhau, có lẽ không nằm trong vòng xoáy ấy. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, tôi đã chứng kiến những lựa chọn độc ác và tự hủy hoại bản thân mà những người nghèo cũng làm vì tiền.

    Trong ngành ăn mày có tính tổ chức cao này, những người khởi xướng, những người tham gia và những người duy trì trò bất lương bệnh hoạn ấy, dù không nói ra, đều là đồng lõa. Những người cho tiền vì sửng sốt hoặc thấy tội lỗi đang xoa dịu tội lỗi của mình, và khi ấy, họ cũng thành kẻ tiếp tay, vô tình cổ vũ ngành kinh doanh tàn bạo ấy. Nạn nhân bi kịch thật sự là những đứa trẻ. Nhu cầu của những người ăn xin là nhức nhối và có thật, nhưng số tiền kiếm được không thể nào phá vỡ được vòng nghèo khó luẩn quẩn. Thực tế, tiền chỉ tiếp sức cho ngành kinh doanh quái ác gây ra đau đớn và hy sinh cho thêm nhiều đứa trẻ nữa.

    Những ngày tiếp đó mang đến cho tôi hết bài học này đến bài học khác, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khiến rất nhiều quan điểm về tiền vẫn in hằn trong đầu tôi, những điều tôi vẫn mặc nhiên thừa nhận hay nghĩ rằng mình hiểu rõ đều bị đảo lộn hoàn toàn. Những tương phản hoàn toàn mới xuất hiện trước mắt tôi, về những người chúng ta gọi là nghèo và những người chúng ta gọi là giàu. Tôi có thể thấy rằng quan điểm, niềm tin của mình về người giàu và người nghèo, thiếu thốn và xa hoa chỉ làm mờ nhạt chứ không hề soi sáng vấn đề.

    Đây là vở kịch và nhà hát của những người ăn mày, một thủ đoạn mà những người ăn mày đói khát dùng để diễn những trò gây xúc động, xấu hổ và tội lỗi. Tôi cũng đã bị cuốn vào đó. Tôi không có ý rằng họ không cần tiền để mua đồ ăn hay chữa lành những vết thương, nhưng trong việc xin tiền và cho tiền, rõ ràng ẩn chứa một mặt tối tăm và giả dối.

    Ramkrishna, người đàn ông vĩ đại luôn nỗ lực dùng công việc và của cải của mình để phá vỡ vòng nghèo khó đang bủa vây đất nước ông, đã thản nhiên bước qua không nói một lời về những người lê la trên mặt đất ngay trước mắt ông. Công ty của Ramkrishna tạo việc làm cho hàng chục nghìn người. Ông ở trên nấc cao nhất của chiếc thang địa vị xã hội Ấn Độ, nắm giữ cả công việc kinh doanh và vai trò xã hội của mình với trách nhiệm và lòng bác ái phi thường. Chính ông là một mạnh thường quân vĩ đại mà những giúp đỡ và sự hào phóng của ông đã trở thành huyền thoại. Tôi cũng nhận ra rằng để duy trì được tầm nhìn, mục đích và vị trí trong xã hội đó, ông buộc phải tạo ra cho mình một sự thờ ơ nhất định khi ngày ngày đối diện với cái nghèo khắc khoải trên đường. Và ông đã làm vậy.

    Chúng ta cũng vậy. Trước tiền bạc, tất cả chúng ta đều phần nào cố gắng mắt nhắm mắt mở. Có lẽ chính bởi sợ hãi và lo lắng rằng nếu biết trước hậu quả của việc chúng ta làm để kiếm tiền, hay của những lựa chọn khi ta chi tiêu, chúng ta sẽ phải đảo lộn toàn bộ cuộc sống của mình. Chẳng hạn, nếu chúng ta thật sự để ý đến vấn đề lao động trẻ em, hoạt động giúp chúng ta hàng ngày được sử dụng những sản phẩm giá rẻ từ nước ngoài, chúng ta sẽ choáng váng và không thể tiếp tục. Nếu chúng ta công nhận cái giá thực về môi trường mà ta trả cho nguồn năng lượng dường như vô tận phục vụ cuộc sống dễ chịu của mình, chúng ta sẽ phải thay đổi thế nào? Nếu chúng ta thật sự xét đến hậu quả của bất cứ ngành nào thuê ta làm hoặc thỏa mãn những điều ta muốn và cần, sự thật là có thể ta sẽ buộc phải dừng lại trong cuộc sống. Và nếu thật sự nhìn lại niềm tin và giả định của mình về người khác trong vấn đề tiền bạc, có thể chúng ta sẽ phải mở rộng bản thân, trái tim và tâm hồn cho những người mà trước đó ta đã khép mình.
     
    Mèo A Mao Huỳnh MaiHạ Tiểu Anh thích bài này.
  10. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    MẸ TERESA VÀ NHÀ TÙ CỦA SỰ GIÀU SANG

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi được nuôi dạy như một người theo Thiên chúa giáo và suốt cuộc đời, Mẹ Teresa luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với tôi. Khi học năm thứ hai trung học, tôi đã nghiêm túc nghĩ đến việc trở thành một tu sĩ. Mặc dù cuối cùng tôi đã mở rộng đời sống tinh thần và dự định sự nghiệp theo những hướng khác, Mẹ Teresa vẫn là hình mẫu có ảnh hưởng nhất trong cuộc đời tôi. Vào những năm 1970 khi tôi lấy chồng và trở thành một bà mẹ trẻ, tôi bắt đầu cống hiến hoàn toàn cho sự nghiệp thanh toán nạn đói trên thế giới. Tôi đã nghĩ rất nhiều về bà và những việc bà đã làm cho những người nghèo nhất trong những người nghèo tại những khu nhà ổ chuột ở Calcutta và những nơi đói khổ khác trên khắp thế giới. Trong lần đầu tiên đến Ấn Độ và cảm thấy choáng váng trước cảnh nghèo khổ kinh hoàng trước mắt mình, tôi lại nghĩ về bà và cách bà đã dành cả cuộc đời bên những đau khổ của con người, hòa nhập với cộng đồng những người nghèo nhất trong những người nghèo, mặc dù bà nổi tiếng là nhà lãnh đạo giàu có và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.

    Sau nhiều chuyến công tác đến Ấn Độ và khi đã có cảm giác thân thuộc với nơi này, tôi quyết định tìm đến Mẹ Teresa. Tôi muốn gặp bà. Ngay sau đó, tôi biết rằng trong những người quen của tôi ở Delhi, có một người tương đối gần gũi với Mẹ Teresa và sẵn lòng giúp tôi liên hệ.

    Lúc đó là tháng 5 năm 1991, tôi đang ở Delhi gặp gỡ các quan chức của Ngân hàng Thế giới để bàn bạc về sáng kiến thanh toán nạn đói của chúng tôi. Một buổi sáng, bạn tôi liên lạc với tôi và nói rằng Mẹ Teresa có thể gặp tôi tối hôm đó, lúc bảy giờ. Tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi không thể tin mơ ước cả đời của mình chỉ vài tiếng nữa sẽ thành sự thật. Tôi hủy một cuộc họp vào buổi sáng và đi lễ ở một nhà thờ tại New Delhi. Tôi đến một hiệu sách và chọn mua ba quyển sách về bà, nghĩ rằng mình cần phải chuẩn bị kỹ càng trước khi gặp bà. Tôi bối rối không biết nên nói gì và nên mặc gì. Tôi gần như bị cuốn vào một cơn lốc lo lắng, sợ hãi và háo hức trước vinh dự đến với mình. Tôi phải dự các cuộc họp không thể hủy, nhưng tôi không thể tập trung. Trí óc và trái tim tôi hoàn toàn đắm chìm trong niềm chờ đợi cái cơ hội mà tôi đã hy vọng suốt cuộc đời.

    Bạn tôi đã sắp xếp một chiếc xe riêng và một người lái xe biết đường đến nơi Mẹ Teresa đang ở. Anh sẽ đến đón tôi tại khách sạn lúc sáu giờ, đưa tôi đến khu Old Delhi. Tại đó, trong một góc tối tăm và nghèo khổ của thành phố, Hội truyền giáo Từ thiện đang cưu mang những trẻ em bị bỏ rơi và mồ côi dưới hai tuổi sống trong Trại trẻ mồ côi của Mẹ Teresa. Người lái xe đến đón tôi, và chúng tôi lái xe xuyên qua các con phố của New Delhi để vào khu Old Delhi. Sau khoảng 45 phút tìm kiếm, chúng tôi đi vào một con phố nhỏ, đến một chỗ có một tấm biển giản dị treo trước lối vào trên bức tường đá cho chúng tôi biết chúng tôi đã đến Hội truyền giáo Từ thiện – Trại trẻ mồ côi Old Delhi. Người lái xe đỗ xe trước khoảng sân nhỏ để chờ tôi. Khi tôi bước lên ba bậc thang đến trước cánh cửa cũ kỹ, tôi nhìn thấy một đám giấy báo nhàu nát trên bậc cửa. Tôi dừng lại, nhặt lên. Giữa đống giấy nhàu nhĩ, tôi thấy một đứa bé nhỏ xíu, vẫn còn thở, vẫn còn sống. Đó là một bé gái mới sinh rất yếu ớt. Tôi bàng hoàng, nhẹ nhàng nâng đứa bé ra khỏi đám tã bằng báo đó rồi cẩn thận quấn chiếc khăn quàng của mình quanh bé.

    Tôi mở cánh cửa gỗ cũ kỹ và bước vào một căn phòng được chiếu sáng bởi hai bóng đèn lủng lẳng dòng xuống từ trần nhà. Sàn bê tông sạch sẽ được sơn màu xanh. Có 39 chiếc cũi (phải, tôi đã đếm cẩn thận), mỗi chiếc có một hay hai đứa bé bên trong. Trên sàn còn có nhiều tấm đệm, trên đó, những đứa bé nằm ngửa kêu líu ríu hay ngồi chơi đùa. Ở đây đang có 50 em bé chưa đến hai tuổi – giờ là 51 nếu tính thêm cái gói tôi mới tìm thấy bên bậu cửa – và âm thanh duy nhất là tiếng bọn trẻ líu ríu hoặc chơi đùa, tiếng các tu sĩ và những người phụ tá thầm thì trò chuyện và khẽ hát với bọn trẻ và với nhau.

    Tôi trao cô bé mới sinh cho tu sĩ vừa đến chào tôi. Cô đang mặc bộ sari quen thuộc màu xanh trắng như Mẹ Teresa, và cô có vẻ vui sướng khi đón nhận thêm một sinh linh để chăm sóc. Khi tôi tự giới thiệu và xin gặp Mẹ Teresa, tu sĩ quản lý phòng trẻ bảo rằng Mẹ Teresa hiện không có ở đây. Bà đã vào thành phố để bảo lãnh cho hai cô gái trẻ vướng vào mại dâm ra khỏi tù; Mẹ Teresa sẽ đưa họ về đây và họ sẽ cùng chăm nom những đứa trẻ trong trại mồ côi này. Trong lúc chờ đợi, tôi rửa tay, đeo một tấm tạp dề và tham gia cùng những người trong phòng chăm sóc cho những đứa bé này. Tôi lập tức bắt đầu công việc.

    Đầu tiên, tôi tắm cho một bé gái nhỏ bị mù. Cô bé chắc khoảng mười bốn tháng tuổi. Sau đó, người ta trao cho tôi một em bé ba tháng tuổi tàn tật, một chân của bé chỉ là một mẩu thịt. Tôi khe khẽ hát trong lúc tắm táp cho thân hình nhỏ nhoi, tàn tật của bé. Tôi lúc nào cũng mủi lòng trước những người sa cơ, đặc biệt khi đó là những đứa bé tàn tật hay phải chịu thiệt thòi theo cách nào đó. Nơi đó giống như một thiên đường đối với tôi, và tôi cảm thấy tràn ngập lòng biết ơn.

    Trong những câu chuyện về Mẹ Teresa, một câu thường xuyên được nhắc đến của Người là "Nếu muốn hiểu tôi hãy hiểu công việc tôi làm; tôi chính là công việc của tôi," và giờ tôi có thể cảm nhận sự có mặt của bà khi tắm cho những đứa bé này, cho chúng ăn, và yêu thương chúng. Tôi hầu như quên đi bản thân, và không biết đã bao lâu trôi qua. Tôi giật mình khi một tu sĩ chạm vào vai tôi và báo "Mẹ Teresa có thể gặp cô bây giờ."

    Tôi được dẫn đi dọc một hành lang, ngang qua một phòng nơi khoảng 20 nữ tu sĩ đang cầu nguyện buổi chiều. Tôi ngồi chờ bên cửa. Trước mắt tôi là một căn phòng bình dị không có gì trang trí. Có một chiếc bàn gỗ đơn sơ và hai chiếc ghế dựa vào tường. Khi tôi ngồi xuống và quan sát căn phòng dài và tối, một bóng người nhỏ bé xuất hiện. Tôi biết ngay rằng đó là Mẹ Teresa.

    Bà đi đến phía tôi từ trong bóng tối, hình bóng quen thuộc của bà còng gập. Bà mỉm cười và như tỏa sáng. Bên bà, một con chó Labrador màu đen trung thành im lặng đi theo. Vậy là bà đứng đó ngay trước mặt tôi. Không nói nên lời, tôi quỳ xuống và hôn chiếc nhẫn trên bàn tay nhỏ bé xương xẩu. Như bản năng, tôi đặt môi hôn lên đôi chân đi xăng-đan. Bà đặt bàn tay lên đầu tôi một lúc, rồi nắm lấy hai bàn tay tôi, bảo tôi đứng lên và đến bên chiếc bàn cùng bà, ngồi xuống và nói chuyện. Chúng tôi ngồi bên nhau, và khi bắt đầu câu chuyện, tôi xúc động đến chảy nước mắt. Tôi kể cho bà rằng hình ảnh và quyết tâm của bà vẫn là ngọn lửa truyền cảm hứng cho tôi từ trước đến giờ. Tôi kể tôi cũng đã quyết tâm cống hiến hoàn toàn cho việc thanh toán nạn đói trên thế giới, và ở một cấp độ nào đó, quyết tâm này bắt nguồn từ tấm gương của bà và sự nghiệp can đảm bà đã chọn theo đuổi cả đời. Tôi xin bà cầu nguyện cho đứa con trai 20 tuổi của tôi đang ốm, và mẹ tôi, người đang chiến đấu với căn bệnh ung thư. Rồi chúng tôi bắt đầu nói về công việc của tôi.

    Bà biết về Dự án Xóa đói, biết tôi là người lãnh đạo dự án, và cũng biết rằng một trong những trách nhiệm của tôi là gây quỹ. Bà nói rằng gây quỹ là một công việc vĩ đại, và bà ngưỡng mộ sự can đảm của tôi khi chịu trách nhiệm cung cấp tài chính để thế giới thanh toán nạn đói.

    Bà khiêm nhường nhận mình là "chiếc bút chì của Chúa", và bảo có thể nhận ra trong mắt tôi và từ công việc của tôi rằng tôi cũng là một "chiếc bút chì của Chúa." Sự công nhận này khiến tôi xúc động sâu sắc. Đối diện với bà, tôi cảm thấy tình yêu vô điều kiện và mối ràng buộc với toàn thế giới mạnh mẽ đến mức tôi không thể kìm được nước mắt. Tôi nói chuyện với bà qua nước mắt.

    Khi đang say sưa trao đổi, chúng tôi bị cắt ngang bởi tiếng xô đẩy và những giọng nói oang oang vọng đến từ sảnh lớn.

    Đầu tiên tôi ngửi thấy mùi, rồi nghe thấy tiếng: Một cặp vợ chồng trung niên người Ấn Độ, cả hai đều cao, to, sặc sụa mùi nước hoa và rõ ràng rất giàu có. Người phụ nữ đi trước, dữ tợn tiến đến chiếc bàn nhỏ chúng tôi đang ngồi. Bà ta đeo trên tai một đôi hoa tai kim cương và gắn một chiếc trên mũi. Tay bà ta đầy vòng gắn đá quý. Bà ta trang điểm rất đậm, mặc một bộ sari màu xanh trắng phủ đầy kim tuyến, hình thêu màu vàng và bạc đầy phô trương. Bà ta béo ục ịch, những lằn thịt phì ra ở phần eo trên bộ sari[2] căng chật.

    Chồng ba còn to lớn và lòe loẹt hơn thế. Ông ta đội một chiếc khăn xếp gắn một viên ngọc topaz lớn ở chính giữa, ngay trước trán, và một chiếc áo kurta trắng thêu kim tuyến. Ngón tay nào trên hai bàn tay ông ta cũng có nhẫn. Trong căn phòng yên lặng, đối với tôi họ giống như những con quỷ khi họ xộc vào cảnh thanh bình và thân mật của chúng tôi.

    Không hề chào hỏi tôi hay Mẹ Teresa, người phụ nữ to lớn ồn ào ấn chiếc máy ảnh vào tay tôi rồi bà ta và chồng kéo Mẹ Teresa ra khỏi ghế và đẩy bà vào sát bức tường. Sau đó, họ đứng vào như những chiếc giá sách to lớn kệch cỡm bên cạnh Mẹ Teresa và yêu cầu chụp một bức ảnh.

    "Chúng tôi vẫn chưa chụp ảnh. Chúng tôi cần một bức ảnh." Người phụ nữ lớn tiếng càu nhàu, và ra hiệu cho tôi chụp ảnh bằng chiếc máy ảnh của bà ta. Tôi giận tím người. Vẻ đẹp của khoảnh khắc ở bên Mẹ Teresa tan vỡ trong nỗi giận dữ của tôi trước những kẻ xâm nhập bất lịch sự và lố bịch. Khi tôi chụp xong, người phụ nữ cao lớn đòi Mẹ Teresa nhìn hướng về phía bà ta để chụp bức thứ hai. Mẹ Teresa bị còng ở cổ do tuổi già và bệnh loãng xương, nhưng không hề ngần ngại, người phụ nữ đưa tay xuống dưới cằm Mẹ Teresa và đẩy lên. Tôi bàng hoàng trước cảnh người ta có thể đối xử với Mẹ Teresa như thế, nhưng muốn bọn họ đi càng sớm càng tốt, tôi chụp bức thứ hai. Khi ấy, người phụ nữ giật lại chiếc máy ảnh rồi cùng với chồng vội vã biến mất mà không một lời cảm ơn cho tôi hay Mẹ Teresa.

    Mẹ Teresa trở lại chiếc ghế và tiếp tục câu chuyện như chưa có chuyện gì xảy ra, trình bày nốt ý nghĩ của mình trong cuộc đối thoại trước đó của chúng tôi. Nhưng tôi hầu như không còn nghe thấy bà nói gì nữa, lòng tôi tràn ngập giận dữ và oán hận đối với cặp vợ chồng nọ. Tôi có thể cảm thấy máu chảy rần rật trong mạch máu, lòng bàn tay tôi đẫm mồ hôi. Đã đến lúc kết thúc cuộc gặp gỡ. Tôi nói tạm biệt trong nước mắt. Chúng tôi ôm nhau và chia tay.

    Tôi đi bộ ra ngoài, qua phòng trẻ đến chỗ chiếc xe đang đợi và đi thêm một chặng đường 45 phút để trở về nhà. Tôi toát mồ hôi và thở nặng nhọc, dượt đi dượt lại trong đầu cái cảnh sỉ nhục ngạo nghễ đáng sợ vừa diễn ra. Tôi nhớ lại lúc người phụ nữ to lớn đẩy cằm Mẹ Teresa lên, và tôi lại thấy giận bừng bừng. Tôi có những ý nghĩ kinh khủng về bọn lỗ mãng đó, và cảm thấy giận giữ sôi sục trước vẻ giàu có kiêu căng, khó chịu và kiêu ngạo của họ. Cả người tôi căng thẳng, và lòng căm giận theo máu chạy dọc người tôi.

    Suốt dọc đường, sau khoảng 15-20 phút, tôi bình tĩnh lại. Tôi xấu hổ nhận ra rằng tôi đã để mình đắm chìm trong hận thù và định kiến trước mặt một trong những lãnh tụ tinh thần có sức truyền cảm lớn nhất hành tinh. Tôi nghĩ lại và nhận ra rằng Mẹ Teresa không tỏ vẻ gì trước cặp vợ chồng giàu có. Đối với bà, họ cũng là những đứa con của Chúa, không nhiều hơn và cũng không ít hơn những đứa bé mồ côi được bà cưu mang. Bà đã dùng tình yêu và sự tôn trọng để đối xử với họ trước khi bình thản trở lại câu chuyện với tôi.

    Tôi đã luôn nghĩ rằng mình là người cởi mở và giàu lòng trắc ẩn với tất cả mọi người ở mọi nơi, nhưng giờ đây tôi nhận ra sự cố chấp và ranh giới lòng trắc ẩn của mình. Tôi nhận ra định kiến xấu xí của mình, định kiến trước những người giàu và kẻ mạnh. Họ không phải là những người cùng phía với tôi. Họ là những người tôi không thể ôm ấp và bao bọc trong vòng thương yêu của mình. Họ bất lịch sự, xấu xí và đáng xấu hổ. Tôi cũng nhận ra lần đụng độ với cặp vợ chồng này đã cho phép tôi, lần đầu tiên đối diện và nhận ra định kiến của mình. Trước đó tôi không thể hình dung nổi sức mạnh mà bài học này sẽ mang đến trong cuộc đời tôi.

    Khi tôi về đến khách sạn thì trời đã khuya, kiệt sức vì những cung bậc cảm xúc từ lúc tôi biết về cuộc gặp sáng sớm hôm đó đến những giây phút gặp gỡ thật sự, và sự can thiệp trắng trợn, cơn giận dữ của tôi, sau đó là nhận thức và sự xấu hổ. Tôi thắp một ngọn nến và ngồi xuống viết cho Mẹ Teresa một bức thư. Tôi kể cho bà nghe mọi chuyện, kể cả cơn giận dữ và lòng thù hận không thể kiềm chế đối với hai vị khách không mời. Tôi chia sẻ cảm giác choáng váng của mình khi nhận ra định kiến và giới hạn yêu thương của chính mình, ngay cả khi đứng trước mặt bà. Tôi xin bà tha thứ và cho tôi lời khuyên.

    Vài tuần sau đó tôi nhận được thư viết tay của bà. Trong thư bà nhắc nhở tôi: Khi cả đời tôi đã dành yêu thương cho những người nghèo khó, bệnh tật, những người ốm yếu, thì từ đó tôi có thể dễ dàng thể hiện mình và giúp đỡ, phục vụ người khác. Bà nói cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói đã được bàn và biết đến nhiều. Cái ít rõ ràng hơn và hầu như không được công nhận là cái vòng luẩn quẩn của sự giàu có. Người ta không mấy khi nhận ra cạm bẫy phía sau vẻ hào nhoáng của giàu sang, những nỗi đau khổ của người giàu: Sự cô đơn, sự tách biệt, sự cằn cỗi của trái tim, cái đói và nghèo khó của tâm hồn dưới gánh nặng của cải. Bà nói rằng tôi hầu như không dành yêu thương cho những người mạnh và những người giàu, mà họ cũng cần yêu thương như bất cứ ai khác trên trái đất này.

    Bà viết: "Con hãy mở rộng trái tim cho họ, trở thành người học trò và người thầy của họ. Hãy rộng mở tình yêu thương và bao bọc họ. Đó sẽ là một phần quan trọng trong công việc cả đời của con. Đừng bỏ qua họ. Họ cũng thuộc trách nhiệm của con."

    Đối với tôi, đó là một bài học đáng ngạc nhiên. Tất nhiên, những người giàu cũng là người và họ có những muộn phiền riêng, nhưng tôi chưa bao giờ coi họ là người cần giúp đỡ. Giờ thì tôi đã dần hiểu ra. Tiền giúp họ mua được những tiện nghi vật chất và phần nào tránh được những bất tiện, khó chịu của cuộc sống thường nhật. Nhưng cũng chính tiền và lối sống xa hoa đã tách họ khỏi cuộc sống thường nhật sinh động, khỏi những mối quan hệ cho-nhận lành mạnh bình thường và những công việc có ích, những trải nghiệm đẹp đẽ nhất của con người. Sự giàu có thường bóp méo mối quan hệ của họ với tiền, khoét rộng hơn khoảng cách giữa cuộc sống nội tâm và hành vi của họ với tiền. Lạm dụng tình dục, ngược đãi tâm lý, nghiện ngập, rượu chè, sống buông thả và sự tàn bạo là một phần của thế giới lệch lạc phía sau những khu nhà, những biệt thự kín cổng cao tường và cửa sổ xe hơi tối màu. Những sự chối bỏ đau lòng, những vụ kiện tụng, tranh chấp để giành giật được nhiều tiền hơn đã làm chai sạn ngay cả những người trong gia đình và khiến họ quay lưng lại với nhau. Nắm trong tay tiền tài và địa vị chỉ khiến tình hình càng trở nên trầm trọng, khiến họ trở nên thậm chí nguy hiểm và tàn ác hơn.

    Lời khiển trách của Mẹ Teresa và những dịp tiếp xúc với những người rất giàu trong khi gây quỹ sau này dạy cho tôi rằng, thật đáng ngạc nhiên, tiền bạc không đảm bảo cho người ta tránh được đau đớn. Tôi có thể nhận ra, không phải tất cả, nhưng rất nhiều người quá giàu có phải vật lộn trong cuộc sống vì bị cách ly với những phẩm chất của tâm hồn. Họ bị giam cầm trong nhà tù của sự giàu có, nơi có thừa mứa tiện nghi vật chất nhưng sự nghèo khó về tinh thần và tình cảm cũng là rất thật và đau lòng. Trong nhà tù đó họ không thể tiếp xúc với những giá trị của trái tim. Họ có thể trở thành hiện thân cho mặt trái của tiền. Đối với một số người, tiền chỉ là thứ vũ khí tiếp tay cho họ làm hại người khác.

    Từ ngày nhận được bức thư của Mẹ Teresa, tôi đã nguyện sẽ mở rộng trái tim và tình yêu thương cho cả những người giàu có và quyền lực. Là một chuyên gia gây quỹ quốc tế, tôi có nhiều cơ hội để làm điều đó và đến giờ tôi đã nhận ra rõ ràng vòng luẩn quẩn của sự giàu sang và những tai hại giáng xuống nạn nhân của nó. Bản thân tiền không đảm bảo cho cuộc sống đầy đủ và quá nhiều tiền là trở ngại để tiến đến cuộc sống ấy.
     
    Mèo A Mao Huỳnh MaiHạ Tiểu Anh thích bài này.
  11. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    CÁI ĐÓI LÀ NGƯỜI THẦY CỦA TÔI

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thời kỳ đầu làm việc cho Dự án Xóa đói, tôi là một tấm gương điển hình về sức mạnh quyết tâm bởi trong sâu thẳm tâm hồn tôi biết nạn đói dai dẳng trên hành tinh này có thể được thanh toán hoàn toàn. Đó là vị trí tôi đã đứng, và khi bạn đứng vào vào vị trí ấy để làm việc, bạn sẽ hành động khác so với khi bạn tin rằng nạn đói là tất yếu, và các nỗ lực của bạn chỉ nhằm làm cho nó "không quá tồi tệ". Khi bạn biết chắc chắn rằng mọi việc không chỉ khác đi mà còn có thể được giải quyết triệt để, bạn sẽ say mê lao vào công việc. Bạn sẽ không băn khoăn về những điều "nếu như". Bạn sẽ xác định là sẽ "làm thế nào". Bạn sẽ đi tìm những nguyên nhân gốc rễ, bạn sẽ lựa chọn khác đi.

    Sau năm năm thành công trong việc thuyết phục, quyên góp các nguồn lực tại Mỹ và châu Âu nhằm chống lại nạn đói, cuối cùng tôi cũng đến Ấn Độ và lần đầu tiên đối mặt với quy mô cũng như sự phức tạp của nạn đói triền miên ở đó. Tôi đã tuyệt vọng. Tôi đổ bệnh. Nhưng không có đường lui. Tôi không nào nói "Ồ, hiểu rồi. Tôi không muốn làm công việc này nữa bởi vì có vẻ khó quá". Tôi không bao giờ đề cập chuyện này. Thay vì lùi bước trước một nhiệm vụ gian nan, rút lui khi gặp tình huống có vẻ bất khả thi, hay thỏa hiệp quyết tâm ban đầu và bảo rằng hồi trước bạn không định làm vậy, Dự án Xóa đói tập hợp sức mạnh cho các hoạt động xã hội nhờ dựa trên nguyên tắc biến đổi cá nhân và tạo điều kiện cho cá nhân khám phá bản thân.

    Tôi cần phải là ai để hoàn thành được quyết tâm tôi đã đặt ra?

    Tôi cần rèn luyện bản thân thành người như thế nào để thực hiện được điều đó?

    Tôi cần sẵn sàng huy động đến những nguồn lực nào từ bản thân tôi, đồng sự và thế giới?

    Cách tiếp cận độc đáo của Dự án Xóa đói phù hợp với tôi, phản ánh cách tiếp cận của tôi trước cuộc sống; tôi học được từ kinh nghiệm cá nhân rằng bạn không thể thất bại nếu bạn sống với tầm nhìn đó. Bạn sẽ trở thành một thứ công cụ mạnh mẽ hơn của những điều cần và muốn để đảm bảo cuộc sống con người. Bạn sẽ tự rèn luyện cả sự nhún nhường và lòng quả cảm. Khi loại bỏ sự nhỏ nhen của chính mình, đặt bản thân trong sự chính trực, và với tay vào tâm hồn mình để tìm kiếm sự vĩ đại, bạn sẽ thấy nó luôn luôn ở đó.

    Đối với tôi, hành động đó được thể hiện trong việc gây quỹ. Tôi biết rằng tôi có khả năng và tôi sẽ đi quyên góp bất cứ khoản tiền nào để thực hiện cho bằng được công việc. Đối với tôi, việc gây quỹ để xóa bỏ nạn đói không chỉ là một công việc, một sự thích thú nhất thời hay một tuyên bố mang tính chính trị. Nó còn thể hiện lòng quyết tâm sâu sắc trong tôi. Do đó, tôi chỉ có thể thực hiện việc đó bằng cách kêu gọi mọi người kết nối với tiếng gọi hay khao khát cao cả hơn trong chính bản thân để trở thành con người họ muốn, tạo ra những biến đổi họ muốn, và nhận biết được phải làm cách nào để thể hiện điều đó bằng tiền của mình. Do đó, thay vì coi gây quỹ là việc khoanh tay chờ mọi người đóng góp hay lợi dụng tình cảm để moi tiền của các nhà hảo tâm, đối với tôi nó trở thành vũ đài mà tại đó tôi có thể tạo ra cơ hội để mọi người gắn bó với sự vĩ đại trong chính bản thân họ.

    Chính trong khía cạnh hướng tới tâm hồn của việc gây quỹ và những cuộc đối thoại thân tình, tôi đã khám phá ra những vết thương và mâu thuẫn sâu sắc trong cách con người liên hệ với tiền bạc của mình. Rất nhiều người cảm thấy họ đã phản bội chính mình và trở thành con người họ không thích. Một số người ép bản thân làm những công việc không ý nghĩa. Nhiều người cảm thấy mình trở thành nô lệ khi có cảm giác bị nhà nước đánh thuế quá mức, bị ông chủ bóc lột, bởi gánh nặng điều hành công việc kinh doanh của gia đình hay việc thuê mướn người làm. Quan hệ của họ với tiền đã chết – hay chính xác hơn, đầy lo sợ. Nó ẩn chứa đau đớn và cả oán hận. Những thỏa hiệp đau lòng cũng như những vết trầy xước. Người ta bị thâm tím, bị biến dạng trong cuộc tranh giành. Không phải tất cả, nhưng rất nhiều người thấy bất an và khó chịu, vì họ không phải là con người tốt nhất họ có thể trở thành trong mối quan hệ với tiền. Họ không hề thấy tự do, dù họ có nhiều tiền đến đâu.

    Tình trạng mệt mỏi này không phải do thiếu lời khuyên của chuyên gia hay kinh nghiệm thực tiễn. Trong khi có đầy rẫy những chiến lược quản lý tiền bạc, khái niệm biến đổi bản thân vẫn còn là một người khách lạ trong thế giới này.

    Rõ ràng, khi con người có thể hướng tiền bạc của mình vào những quan tâm và quyết tâm sâu sắc, tinh tế nhất, mối quan hệ của họ với tiền trở thành khởi nguồn cho những biến đổi triệt để và lâu dài. Tiền của họ, dù nhiều hay ít, trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi ấy.

    Khi hàng ngày trò chuyện về tiền, cách kiếm tiền, tiêu tiền hay đầu tư tiền bạc, những cuộc đối thoại của chúng ta trở thành thứ ánh sáng mới để mọi người nhìn nhận lại về tiền và cuộc sống của mình theo cách hoàn toàn khác lạ và đầy hứng khởi. Trong không gian đó, họ có thể cảm thấy nguồn năng lượng được giải phóng khi họ coi tiền là phương tiện thể hiện những quyết tâm sâu sắc và tinh tế nhất của mình.

    Đó không phải hiện tượng hiếm gặp. Nó xảy ra một cách ổn định, dù hoàn cảnh sống của con người ra sao. Số tiền người ta dùng để thể hiện quyết tâm không quan trọng. Điều quan trọng là họ nhìn lại mình trong mối quan hệ với tiền, thể hiện sự chính trực của tâm hồn qua phương tiện là tiền, nhờ vậy mà đạt được phần thưởng cho mình.

    Vậy là chính vẻ đẹp và sự khắc nghiệt đầy ấn tượng của cuộc sống ở Ấn Độ cũng như những cuộc trò chuyện trong khi gây quỹ xóa đói mà dần dần, những quan niệm thiếu sót của chúng ta về tiền, về tâm hồn và khoảng cách giữa chúng trở nên rõ ràng trước mắt tôi. Từ đó, một sự thật khác về tiền và tâm hồn con người hiển hiện lên. Tôi bắt đầu nhận ra con đường để con người giải phóng bản thân khỏi vòng xiết chặt của tiền, và điều chỉnh để tiền trở thành dòng chảy nuôi dưỡng bản thân họ cũng như thế giới của họ. Nhưng việc này đòi hỏi ta phải đối mặt với một số điều thật − giả và trước tiên là: Lời nói dối về sự thiếu thốn.
     
    Mèo A Mao Huỳnh MaiHạ Tiểu Anh thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...