Linh Hồn Của Tiền - Lynne Twist

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Quân Nguyễn 091294, 15 Tháng tư 2021.

  1. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    THIẾU VÀ ĐỦ: LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẢM NHẬN DÒNG CHẢY?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Gertrude đã dạy tôi rằng tiền giống như là nước. Tiền chảy qua cuộc sống của tất cả chúng ta, đôi khi giống như một dòng sông cuồn cuộn, đôi lúc như một vòi nước nhỏ giọt. Khi nó chảy, nó có thể thanh lọc, tẩy rửa, nuôi dưỡng và hồi sinh. Nhưng khi nó bị giam hãm, bị ngưng lại quá lâu, nó có thể thành nước tù đọng và độc hại đối với những người đang giữ hay tích trữ nó.

    Giống như nước, tiền là một phương tiện chuyên chở. Nó có thể mang nguồn năng lượng may mắn, khả năng, và thiện ý, nó có thể mang sự kiểm soát, chi phối hay tội lỗi. Nó có thể là dòng chảy, là phương tiện của tình yêu, đường dẫn cho những quyết tâm, cũng có thể mang theo đau đớn hay những điều tai hại. Chúng ta có thể bị chìm ngập trong tiền và chết đuối trong sự thừa mứa ấy. Khi chúng ta đắp đập ngăn dòng chảy đó một cách không cần thiết, chúng ta gạt nó ra khỏi vòng tuần hoàn tự nhiên khiến những người khác bị ảnh hưởng.

    Trong suy nghĩ theo chiều hướng thiếu thốn, tiền không giống như một dòng chảy, mà như một lượng tĩnh, một thứ gì đó cần tích trữ và giữ chặt lấy càng nhiều càng tốt. Chúng ta đo giá trị của bản thân bằng giá trị tài sản, và luôn luôn càng nhiều càng tốt. Bất cứ sụt giảm nào trên bảng cân đối kế toán của ta được coi là một mất mát khiến ta mất đi giá trị.

    Đứng ở góc độ của sự đầy đủ, sự vận động của tiền vào và ra khỏi cuộc sống của chúng ta trở nên tự nhiên. Chúng ta có thể nhận ra dòng chảy đó là lành mạnh và đúng đắn. Ta để dòng chuyển động đó diễn ra tự nhiên thay vì lo lắng hay ra sức tích trữ. Trong sự đầy đủ, chúng ta nhận ra và trân trọng giá trị của tiền để làm những điều tốt – sức mạnh của chúng ta khi làm việc tốt bằng tiền. Chúng ta có thể trải nghiệm sự viên mãn khi hướng dòng chảy đó theo những lý tưởng và quyết tâm cao nhất của mình. Khi chúng ta nhìn nhận thế giới mình đang sống là một chỉnh thể có đủ, chúng ta là đủ để biến thế giới này thành một nơi đẹp đẽ cho tất cả mọi người ở mọi nơi, trong đó không ai bị gạt ra ngoài, thì tiền sẽ mang nguồn năng lượng đó, sản sinh ra các mối quan hệ và hợp tác khiến mọi người đều cảm nhận được năng lực và giá trị của mình, bất kể hoàn cảnh kinh tế của họ ra sao.

    Mẹ Teresa không bao giờ dự trữ tiền mặt. Khi tôi đến thăm bà ở trại trẻ mồ côi của bà ở Ấn Độ, tôi hỏi bà có lời khuyên gì đối với việc gây quỹ không. Bà trả lời rằng cách gây quỹ của bà là cầu nguyện, và Chúa luôn luôn mang đến cho bà những thứ bà cần, không hơn không kém. Bà điều hành công việc mà không cần dự trữ tiền bạc, tin tưởng rằng Chúa luôn mang đến đủ, và trong những việc bà đã trải qua, điều đó luôn đúng. Bà điều hành hơn 400 trung tâm ở 102 nước trên thế giới, và tất cả tổ chức ấy dường như luôn có chính xác những thứ họ cần. Không thừa, không nhiều hơn. Nhưng cũng không ít hơn.

    Phần lớn chúng ta không thể hình dung cuộc sống như vậy, và tôi cũng không khuyên chúng ta làm theo. Nhưng nếu biết rằng Mẹ Teresa đã lãnh đạo thành công những hoạt động trị giá hàng triệu đô-la theo cách đó, có thể bạn sẽ nhìn tiền và dòng chảy của nó với một con mắt khác.
     
  2. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    PHÂN PHÁT VÀ TÍCH LŨY

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nhiều năm trước, Joan Holmes, người đồng sự và cố vấn của tôi, chủ tịch Dự án Xóa đói, nhắc nhở những người ủng hộ tiền "hãy cho mọi người biết đến vì những gì anh cho đi, không phải những gì anh tích lũy được." Tôi không bao giờ quên được những lời đó, và bắt đầu ý thức hơn về những cách thức hay thói quen của mọi người, và những ảnh hưởng trong cuộc sống của họ – bao gồm cuộc sống của chính tôi.

    Trong những hệ thống kinh tế nguyên thủy, nguyên tắc trung tâm là sự bền vững và đầy đủ. Trân trọng việc chia sẻ, sắp xếp và phân phát mới là cách sống, chứ không phải tích luỹ. Khái niệm "của chung" và sự đảm bảo cho tất cả mọi người sử dụng là xu hướng chính thay vì sở hữu cá nhân và tài sản riêng. Trong những nền văn hóa đó, mọi thứ được chuyển và chia sẻ từ người này sang người khác, trao qua, nhận lại, và chuyển tiếp, chúng liên tục tăng thêm giá trị.

    Những ngộ nhận về sự thiếu thốn trong nền văn hóa đại chúng và tri thức đại chúng thúc đẩy mọi người nỗ lực sở hữu, lưu giữ, thu thập và tích lũy. Trong bối cảnh của sự đầy đủ, sự tích lũy vượt quá mức đủ làm ngưng trệ dòng chảy của tài nguyên, khiến chúng không thể phục vụ cho những lợi ích cao nhất. Thật trớ trêu, nỗi sợ thiếu thối khiến người ta tích lũy đến mức thừa mứa, chỉ khiến cho giá trị của những thứ ta có giảm đi. Chúng ta bị đè nặng bởi những thứ có thừa, nó làm tắc nghẽn suy nghĩ và cuộc sống của chúng ta. Chúng ta bị gắn chặt vào tài sản của mình, và theo cách nào đó, bắt đầu nghĩ rằng cái chúng ta có quyết định con người chúng ta. Càng ngày chúng ta càng khó chia sẻ với người khác, bởi khi những tài sản có thừa giảm đi, chúng ta cảm thấy chính giá trị của mình mất bớt, và buộc phải thu thập nhiều hơn nữa.

    Sự giàu có hay hạnh phúc thật sự không thể tìm thấy trên bảng cân đối kế toán, dù khối tài sản vật chất chúng ta tích lũy được lớn đến đâu. Sự giàu có xuất hiện khi chúng ta chia sẻ và trao tặng, phân phát, chăm sóc và ủng hộ các dự án, những con người và mục đích mà chúng ta tin tưởng và quan tâm, bằng những nguồn lực đến và đi qua cuộc sống chúng ta. Tích lũy có chừng mực, tiết kiệm tiền, là một phần để đảm bảo hoàn cảnh kinh tế cá nhân. Tuy nhiên, khi việc tích lũy cản trở chúng ta sử dụng tiền có ý nghĩa và phục vụ cuộc sống, tiền trở thành mục đích tối cao, một cản trở trên con đường đi đến hạnh phúc.

    Giống như dòng máu phải chảy đến tất cả mọi nơi trên cơ thể để con người sống khỏe mạnh, tiền sẽ có ích khi nó được vận động và lưu chuyển, được phân phát, chia sẻ, định hướng và đầu tư phục vụ cuộc sống. Khi dòng máu chậm lại và bị ngừng hay tắc nghẽn ở đâu đó, cơ thể trở nên ốm yếu. Khi dòng nước chảy chậm lại và bị ứ đọng, nó trở nên độc hại. Tích lũy và giữ chặt lấy lượng tiền lớn có thể dẫn đến ảnh hưởng độc hại tương tự lên cuộc sống của chúng ta.

    Như Gertrude đã thể hiện thật rõ ràng, tiền chảy qua cuộc sống của bà không phải là một lượng có hạn, không cần được tích lũy để tăng đến một mức lớn hơn. Tiền chỉ đến theo cách bà có thể nhận nó và có thể hướng nó đi theo những quyết tâm và giá trị cao nhất của bà. Khi chúng ta coi tiền là dòng chảy qua cuộc đời mình và qua thế giới, chúng ta nhận ra rằng nó không thật sự thuộc về ai; hoặc chúng ta có thể nói nó thuộc về tất cả mọi người. Trách nhiệm của chúng ta là để nguồn tài nguyên đó chảy tự do trên thế giới giống như dòng nước, phục vụ cho nhiều người nhất và những mục đích cao nhất.

    Có thể nói một nhà gây quỹ vĩ đại là một người trung gian hỗ trợ vòng luân chuyển năng lượng thiêng liêng của tiền, giúp mọi người sử dụng dòng tiền chảy vào cuộc sống của họ theo cách hữu ích nhất, thống nhất với khát vọng và hy vọng của họ dành cho nhân loại. Có thể nói cố vấn tài chính tuyệt vời nhất thật sự là người có thể truyền cảm hứng cho khách hàng làm theo mình – đầu tư tiền sao cho cống hiến được nhiều nhất cho một cuộc sống ý nghĩa, trọn vẹn. Có thể nói trong cuộc đời mình mỗi chúng ta đều có cơ hội quản lý dòng chảy của tiền, dù nhiều hay ít.

    Ở Haiti, có một câu nói: "Nếu bạn có một miếng bánh và bạn ăn cả, bạn sẽ thấy trống rỗng. Nếu bạn có một miếng bánh, và chia cho người khác một nửa, bạn sẽ vừa thấy no vừa đầy đủ." Những người hạnh phúc và vui vẻ nhất mà tôi biết là những người biết thể hiện mình bằng cách chuyển những nguồn lực của họ, bao gồm tiền bạc, khi họ có, để phục vụ quyết tâm cao nhất của họ. Thế giới của họ là một nơi họ cảm thấy giàu có khi chia sẻ những thứ họ có, khi trao tặng, phân phát và thể hiện mình chân thực bằng số tiền họ đặt vào dòng chảy.
     
  3. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    TIỀN MANG THEO NĂNG LƯỢNG CỦA TÂM HỒN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Như Gertrude đã mô tả, tiền giống như dòng chảy, và bà tự hào khi chuyển nó đi để "giúp được nhiều điều nhất cho nhiều người nhất." Đối với mỗi chúng ta, tiền dù nhiều hay ít đều là phương tiện chuyên chở cho năng lượng và thiện ý.

    Nhiều cá nhân và gia đình có rất ít tài nguyên vật chất, cũng như nhiều người giàu có vô kể đã đưa dòng chảy tiền bạc của mình hướng đến những nguyên nhân và quyết tâm khiến trái tim họ phải cất lên tiếng hát. Tiền của họ cũng mang thứ năng lượng tươi vui ấy phục vụ cuộc sống, tuôn chảy ra thế giới và tạo ra những khác biệt. Những người này không lo lắng đánh mất những thứ họ có, hay sợ rằng không có và không bao giờ có đủ. Họ đang trải nghiệm niềm hạnh phúc khi có được tài nguyên, sự trân trọng và nhận thức rằng họ đang có chính xác những thứ họ cần, hoặc thậm chí nhiều hơn mức họ cần. Họ đang tập trung biến tiền thành phương tiện, thành biểu hiện của lòng biết ơn và thiện ý. Những người thông thái như họ đã tài trợ để tạo ra một số thể chế xã hội quan trọng và nhiều biến đổi kỳ diệu trên thế giới, mặc dù rất nhiều trong số đó là những người sống cuộc đời chật vật.

    Tôi cũng đã có cơ hội làm việc gắn bó với những gia đình và cá nhân sở hữu số tài sản khổng lồ, và rất nhiều người phải chịu tổn thương do những của cải ấy gây ra. Trái với suy nghĩ của chúng ta, rất nhiều người sống trong cảnh khá giả cũng phải sống chung với sự trống trải. Khi của cải và đặc quyền là những yếu tố chiếm ưu thế, khi tiền quyết định cuộc sống và tính cách, nỗi sợ hãi đánh mất nó thường rất sâu sắc. Con người cư xử bị động để bảo vệ mình và thường tuyệt vọng giữ chặt lấy tiền, cố gắng giành được thêm càng nhiều càng tốt. Đồng thời, sử dụng những gì họ có làm phương tiện thỏa mãn nhu cầu hoặc điều khiển người khác. Cuộc sống trở thành một trò chơi mà họ phải thắng bằng bất cứ giá nào. Số tiền họ kiểm soát càng tăng khả năng họ chinh phục, hạ thấp và hãm hại người khác, để họ có thể duy trì vị trí ở trên những đỉnh cao. Mối quan hệ của họ với người khác có thể bị chai sạn bởi những toan tính và nghi ngờ, bởi những mâu thuẫn nội tại đau đớn và những cuộc tranh giành quyền lực. Nạn nghiện rượu và lạm dụng chất kích thích lan tràn trong những gia đình được coi là thuộc "xã hội thượng lưu của những gia đình danh giá". Sự phản bội lòng tin và tình cảm cá nhân xuất hiện trong những vụ lạm dụng tình dục và bạo hành trong gia đình. Những gia đình giàu có này không hề xa lạ với những vụ lạm dụng xảo quyệt nhất do chính văn hóa tiền bạc cổ xuý.
     
  4. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    HÀN GẮN MỘT GIA ĐÌNH: LỰA CHỌN CAN ĐẢM CỦA BARBARA

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Rất nhiều lần tôi đã chứng kiến mọi người trao tiền đi, đồng thời giải phóng bản thân khỏi chiếc bẫy của sự tích lũy và ham muốn, mở ra cánh cửa mới để trải nghiệm cuộc sống: Sự cống hiến. Barbara là một người phụ nữ gần 70 tuổi, thế hệ thừa kế thứ năm của một gia đình dòng dõi tại New England. Những của cải ấy đã tác động đến gia đình bà nhiều đến nỗi không ai trong hay ngoài gia đình có cảm giác gì về gia đình ngoài đống của cải của nó. Đã từ rất lâu, họ sống trong sự mẫu mực khiêm nhường của một gia đình "danh giá", không giống cuộc sống hào nhoáng phô trương như những tiêu chuẩn hiện nay về sự giàu có. Các thành viên trong gia đình tồn tại để phục vụ số của cải họ có, bảo vệ nó, đại diện cho nó, và sử dụng nó để nâng cao địa vị nổi bật và không có vết nhơ của gia đình trong con mắt mọi người. Khi lựa chọn quần áo, trường học, bạn bè, và thậm chí cả chuyện hôn nhân, họ đều phải chiều theo của cải gia đình và những thành viên làm chủ nó. Giá trị của mỗi thành viên trong gia đình được định đoạt dựa vào vị trí của họ trên bậc thang quyền lực, uy thế, và quyền kiểm soát khối tài sản của gia đình.

    Đối với Barbara và hai người chị của bà, số tài sản thừa kế này đã trở thành một lời nguyền, làm nảy sinh tật nghiện rượu trong gia đình, khiến cả một thế hệ mất khả năng trở thành những bậc cha mẹ có trách nhiệm, cho ra đời cả một thế hệ những đứa trẻ giàu có và lệch lạc.

    Khi tôi gặp Barbara vào đầu những năm 1990, bà đang quyết tâm cai rượu, đồng thời cố gắng giúp ba người con lớn đối mặt với chứng nghiện và những vấn đề khác của chúng. Dưới sức ép của gia đình phải giữ chặt lấy số của cải, và không được hoang phí, Barbara và họ hàng của bà hầu như không cho đi đồng tiền nào. Thay vào đó, tiền được dùng để đối phó với những cơn khủng hoảng liên miên xảy ra phía sau vẻ ngoài danh giá. Những thảm họa cá nhân và tài chính thường xuyên xảy đến với rất nhiều người họ hàng của bà và những đứa con lớn của chính bà. Bà chứng kiến tiền của gia đình bị tiêu phí và cạn kệt vào những thứ khiến bà đau đớn, rút kiệt không chỉ của cải mà cả tinh thần của bà.

    Lần đầu chúng tôi nói chuyện với nhau là khi Barbara quan tâm đến việc ủng hộ tiền cho Dự án Xóa đói. Trong cuộc trò chuyện, bà nói về khao khát mang đến ý nghĩa cho cuộc sống và hy vọng rằng tiền bạc của bà sẽ trở nên ý nghĩa hơn đối với thế giới. Bà ẩn danh trong lần ủng hộ đầu tiên, biết rằng gia đình sẽ nổi giận bởi họ luôn coi số tiền đó là "của họ". Tuy nhiên, khi quyết tâm và lòng hào phóng lớn lên, bà mạnh dạn thông báo cho các thành viên gia đình về hoạt động và những khoản tiền ủng hộ của mình. Đúng như bà đã hình dung, họ rất tức giận – nhưng chỉ là lúc đầu. Sau đó, bà đã chủ động lôi kéo họ trực tiếp tham gia, mời họ làm đối tác với những người không quá khác họ nhưng đang phải chật vật để tự chu cấp trong những hoàn cảnh khó khăn.

    Dần dần từng người một, con cái bà và những thành viên khác trong gia đình cũng rời bỏ cuộc sống ích kỷ, đến với thế giới rộng lớn hơn của những trải nghiệm được tạo dựng từ sự hợp tác chân thành. Khi hợp tác không hề vụ lợi với người khác, khi trở thành những đối tác hữu ích, hiệu quả, đầy năng lực để tạo ra sự khác biệt, họ bắt đầu nhận thức về mình khác đi. Biến chuyển trong cuộc sống cá nhân và tình hình của gia đình thật đáng ngạc nhiên. Barbara đã thay đổi thành công năng lượng và dòng chảy của tiền. Bà đã đầu tư tiền với thiện ý hàn gắn và xây dựng một gia đình lành mạnh – gia đình của chính bà và của những người khác. Tiền đã đưa nguồn năng lượng đó và sức mạnh hàn gắn đó vào một chu trình tuần hoàn.
     
  5. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    NHẬN THỨC VỀ DÒNG CHẢY CỦA TIỀN: SỰ THẬT VỀ NHỮNG NƠI TIỀN ĐI QUA

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bạn có nhận thức được dòng chảy của tiền trong cuộc sống của mình không? Bạn có quan tâm đến việc làm thế nào tiền đến với bạn không? Bạn có phân phát tiền của mình theo cách có ý thức không? Khi bạn nhận ra dòng chảy của tiền trong cuộc đời bạn, nó trao cho bạn sức mạnh nhìn thấu vị trí của bạn trong mối quan hệ với tiền và nơi bạn muốn đến với số tiền đó.

    Nếu bạn muốn thấy một bức tranh rõ ràng về những ưu tiên của mình trong cuộc sống, về việc bạn là ai, và bạn quan tâm đến điều gì, hãy xem lại cuốn sổ séc, thẻ tín dụng, và báo cáo ngân hàng. Khi đó, bạn có thể nhận ra dòng chảy của tiền trên giấy trắng mực đen. Có thể tiền đang chảy vào những cửa hàng bán xe hơi hay quần áo, có thể dành cho việc học hành hay đi du lịch.

    Dòng chảy của tiền đến với bạn và rời khỏi bạn để phục vụ những mục đích khác không độc lập với cuộc sống của bạn. Có phải tiền đến với bạn qua công việc, các mối quan hệ, hay nhờ những của cải có sẵn mang theo năng lượng của những quyết tâm và giá trị có khả năng nuôi dưỡng và sinh sôi? Hay nó đến với bạn qua những công việc và các mối quan hệ lạm dụng và bóc lột bản thân bạn, người khác hoặc môi trường thiên nhiên? Kiếm tiền không lành mạnh có thể hủy hoại cuộc sống của bạn. Cách chúng ta kiếm tiền và tiêu tiền tác động, ảnh hưởng và tạo ra khác biệt. Việc đưa nhận thức đó vào mối quan hệ của bạn với tiền, và điều chỉnh dòng chảy đó là một nhiệm vụ can đảm, quan trọng và đầy sức mạnh.

    Muốn nhận thức được dòng chảy đó, chúng ta cần nghiên cứu chứ đừng đổ lỗi. Chúng ta có thể chứng kiến cách tiền đến với chúng ta, cách chúng ta tiêu tiền, tiết kiệm tiền, đầu tư, hay mang tiền cho người khác. Và trong sứ mệnh cá nhân tìm ra sự thật về tiền bạc này, chúng ta bắt đầu coi dòng chảy của tiền là biểu hiện cho giá trị chúng ta. Đôi khi điều bạn khám phá ra thống nhất với con người mà bạn nghĩ mình đang sống, đôi khi không phải vậy. Khi điều chúng ta khám phá thấy không giống như hình dung, đó là cơ hội để ta xem xét lại dòng chảy, cách ta đang chủ động kiểm soát và định hướng nó. Dù tốt hay xấu, khi bạn nhận ra dòng chảy, nó cho phép bạn tự nhận thức và đưa ra những lựa chọn sáng suốt giúp hướng việc chi tiêu thống nhất với tầm nhìn của bạn về bản thân và những quyết tâm cao nhất của mình.
     
  6. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    ĐỊNH HƯỚNG CHO DÒNG CHẢY CỦA TIỀN: SỨC MẠNH CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Không cần phải tiêu đi toàn bộ gia sản ta mới định hướng được dòng chảy của tiền vào thế giới bằng sức mạnh của quyết tâm và sự chính trực. Trong những năm cộng tác với Barbara, và hàng nghìn người ủng hộ tiền khác, tôi đã nhìn thấy sức mạnh biến đổi của tiền dù nhiều hay ít. Với tư cách cá nhân, mỗi người chúng ta trao cho tiền sức mạnh sinh sôi này khi chúng ta đưa thiện ý vào những lựa chọn bình thường nhất. Chúng ta có thể trao tặng tiền có ý thức cho những dự án, chương trình, công ty và người bán hàng ta kính trọng và tin tưởng, thậm chí coi đóng thuế là biểu hiện của quyết tâm và sự đầu tư của mình với tư cách là một công dân.

    Chúng ta có nhiều sức mạnh hơn ta tưởng để hướng những tài nguyên vật chất của mình vào việc hỗ trợ, củng cố và thể hiện những điều ta tin tưởng. Cần có lòng can đảm để định hướng dòng chảy này. Khi chúng ta chọn lựa, chúng ta đầu tư vào thế giới theo cách chúng ta quan sát nó. Chúng ta có thể lựa chọn bằng lý trí, chẳng hạn, có nên tiêu tiền mua những sản phẩm hay trò giải trí bạo lực và gây hại cho tâm hồn con cái ta, hay nên đầu tư vào những hoạt động làm phong phú trải nghiệm của chúng, củng cố lòng trân trọng của chúng. Chúng ta có thể quyết định có nên tin vẻ hào nhoáng của thành công và phong cách, hay dùng tiền nuôi dưỡng cuộc sống tâm hồn. Chúng ta có thể sử dụng sức mạnh tuyệt vời của tiền bạc để hỗ trợ cho những công ty mà sản phẩm và con người của họ tạo ra niềm hạnh phúc cho con cái và cộng đồng của chúng ta. Chúng ta cũng có thể trở nên bế tắc khi dùng tiền để mua thêm của cải, và nhận ra rằng những thứ ta đang tích lũy cuối cùng chỉ là gánh nặng, chôn vùi chúng ta trong sự thừa mứa, làm chật chội căn nhà của ta, và rồi kết thúc vòng đời trong một bãi rác. Tôi biết bởi chính tôi đã làm như thế.
     
  7. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    ĐI MUA SẮM CHO CHÁU GÁI: TIẾNG GỌI THỨC TỈNH

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khi đứa cháu đầu tiên của tôi, Ayah, ra đời vào năm 1999, tôi rất sung sướng được lên chức bà nội. Tôi nóng lòng chờ đến lúc được đi sắm sửa cho cháu. Mọi cửa hàng đồ trẻ sơ sinh, mọi quảng cáo đều bám lấy trí tưởng tượng của tôi, đưa tôi vào thế giới của những vật báu màu hồng xinh đẹp dành cho cô cháu gái. Khi con bé được ba tháng tuổi, con dâu tôi Halima và tôi quyết định đi mua đồ trẻ sơ sinh cho con bé. Tất cả những thứ quà quần áo trẻ sơ sinh của Ayah bắt đầu chật; đã đến lúc mua thêm những thứ mới. Do lịch làm việc trong tuần rất kín, chúng tôi dự định đi mua sắm vào cuối tuần, khi chúng tôi có thể dành trọn một ngày cho công việc ấy. Chúng tôi sẽ gặp nhau ở một trung tâm mua sắm lớn ở hạt Marin, cách nhà khoảng nửa tiếng đi xe. Halima đi từ Oakland đến cùng với con bé, và con gái tôi, Summer sẽ đi từ nhà ở Sausalito. Ba người phụ nữ và một đứa bé con – điều này hứa hẹn một chuyến mua sắm ấn tượng.

    Khi tôi vừa rời nhà, điện thoại reo, và đó là con trai tôi Zachar, bố của Ayah. Tôi có thể nhận ra qua giọng nói rằng nó sắp nói với tôi điều gì đó nghiêm túc. "Mẹ ơi!" nó nói, "con biết mẹ sắp đi mua sắm với Halima. Con muốn nói với mẹ rằng bọn con rất coi trọng chuyện mua cho con gái những thứ được sản xuất theo những cách chúng con thấy hài lòng."

    Sau đó, nó liệt kê tên những cửa hàng nó không muốn chúng tôi đến mua đồ. Một hệ thống siêu thị quốc gia rất được ưa chuộng bị phát hiện sử dụng lao động trẻ em ở Indonesia. Một cửa hàng bách hóa được ngưỡng mộ khác không có quy định chống lại thuốc nhuộm độc hại. Zachary và Hailma không muốn tiền của mình rơi vào túi những công ty đó.

    Zachary tiếp tục, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, yêu cầu tôi không mua cho Ayah nhiều hơn mức con bé cần – chúng không muốn bắt đầu một lối sống hoang phí. Nó yêu cầu tôi chỉ mua hàng từ những cửa hàng hoặc hãng sản xuất tuân thủ quy trình sản xuất tự nhiên, bền vững và công bằng trong sử dụng lao động. Nó và Halima muốn những thứ chúng mua – và những thứ tôi mua cho con gái chúng – thống nhất với những giá trị của chúng. Nó tiếp tục kể tên một vài cửa hàng chúng tôi có thể tìm thấy những loại sản phẩm đó.

    Tôi vẫn còn nhớ tôi đã hoàn toàn bất ngờ bởi cuộc nói chuyện đó. Những lời con trai tôi nói không hề giống bức tranh mua sắm tưng bừng mà tôi đang tưởng tượng trong đầu. Trước đó tôi chưa từng nghĩ như thế về chuyện mua quần áo cho cháu gái. Cách tôi nuôi nấng, dạy dỗ, cách tôi nhìn nhận và ở bên đứa bé mới sinh này hoàn toàn bị chi phối bởi những giọng nói cất lên từ nền văn hóa của tôi và quá khứ gia đình tôi. Tôi đã không nhận ra rằng mình hoàn toàn bị cuốn vào đó. Tôi đã tin tưởng vào những trò phù phiếm của ngành tiếp thị coi những người bà là khách hàng mục tiêu. Tôi đã hoàn toàn bị dắt mũi. Chính tôi, một nhà hoạt động xã hội, người nỗ lực làm việc để ngừng nạn bóc lột lao động trẻ em ở các nước đang phát triển và làm sạch môi trường, vậy mà hoàn toàn không nhận ra rằng tôi luôn sẵn sàng mua bất cứ thứ gì cho cháu mình, không để tâm thứ đó đến từ đâu, ai làm ra nó, nó được làm ra thế nào, và bất chấp hậu quả nào đến từ hành động đó.

    Tôi cũng nhận ra rằng nếu không được nhắc nhở, chắc tôi sẽ mua nhiều hơn mức cháu tôi cần. Lúc ấy, diễu qua đầu tôi là những chuỗi bất tận các bộ váy hồng, giày dép, mũ, và cuộc diễu hành vô nghĩa lý ấy đột ngột dừng lại bởi cuộc nói chuyện với con trai tôi. Tôi biết là nó đúng. Cả Halima cũng đã chuyển đến tôi thông điệp ấy trong những cuộc nói chuyện trước đây. Thế nhưng việc mua sắm bốc đồng thật dễ dàng, khiến những thói quen của người khách hàng thông thái trong tôi phải lùi bước. Tất cả những lần tập huấn tôi đã dự, tất cả những lần chứng kiến sự độc ác và bóc lột ở châu Á, tất cả quyết tâm của tôi, đã tan biến trong niềm hân hoan vĩ đại của sự kiện đi mua sắm cho cháu gái. Phải nhờ đến cuộc gọi đánh thức của con trai tôi mới nhận ra rằng tôi chưa bao giờ mang hết những bài học đã học được áp dụng vào cuộc sống thực. Không phải cuộc sống của chính tôi, không phải hiện giờ.

    Mặt tôi đỏ bừng, nhưng tôi rất biết ơn. Tôi hứa sẽ tôn trọng yêu cầu của con trai. Tôi gặp con gái và con dâu ở trung tâm mua sắm, và chúng tôi đi chọn mua đồ với một ý thức tôi chưa từng biết trước đây. Chúng tôi đọc các nhãn mác. Chúng tôi hỏi nhiều điều. Chúng tôi tìm hiểu về các loại sợi và nguồn gốc các vật liệu. Chúng tôi chọn những cửa hàng mà mọi người biết những người thợ thủ công đã làm ra sản phẩm, và chúng tôi chỉ mua đúng số quần áo cần thiết cho vài tháng tới của Ayah bé nhỏ.

    Khi chúng tôi kết thúc, tôi không còn cảm thấy bị đe dọa bởi cái dường như là giới hạn cho tâm hồn mua sắm của tôi. Tôi rất vui sướng! Niềm vui vì đã mua cho cháu gái tôi những đồ vật đáng yêu, thậm chí càng tuyệt vời hơn bởi sự hài lòng khi tôi đã dùng tiền của mình cho những công ty và những người thợ thủ công đã đan chiếc khăn hay khâu những chiếc chăn. Tôi thấy dễ chịu khi trả tiền cho những nhân viên cửa hàng, cảm ơn họ về sự phục vụ chu đáo và tận tình. Chúng tôi kết thúc chuyến mua sắm với một cảm giác hài lòng và trọn vẹn. Chúng tôi không mua nhiều hơn mức Ayah có thể dùng, mà chỉ một lượng quần áo và đồ dùng trẻ em cần cho vài tháng tới của con bé. Thật mãn nguyện khi ta điều chỉnh dòng tiền và đầu tư bằng giá trị của chính mình, phân phát nó cho những người và những nơi chúng ta thấy yêu mến.
     
  8. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    GÂY QUỸ: CÁNH CỬA MỞ RA DÒNG CHẢY VÀ TÂM HỒN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi yêu công việc vận động mọi người ủng hộ tiền. Tôi luôn cảm thấy được thôi thúc làm việc, không phải bởi đó là một nhiệm vụ đáng sợ hay một ép buộc nặng nề. Gây quỹ là một công việc vất vả, nhưng tôi cũng tin rằng đó còn là một công việc thiêng liêng. Nó mang đến cơ may mạnh mẽ để đối thoại thân mật với người khác về bản chất của những quyết tâm và giá trị cao nhất của họ. Những cuộc trò chuyện này cho phép họ đưa dòng tiền chảy qua cuộc đời họ hướng đến những quyết tâm đẹp đẽ đó. Việc gây quỹ thực ra chỉ là vấn đề về dòng chảy: Giải phóng nó, mời gọi nó, định hướng nó, và cho phép mọi người trải nghiệm bản thân trong sự nuôi dưỡng mát lành của nó, dù họ đang ở đâu.

    Trong khi kêu gọi ủng hộ ở khắp nơi trên thế giới, tôi nhận ra rằng con người ở mọi nơi đều muốn đóng góp tiền của mình để tạo ra sự đổi thay trên thế giới – dù họ chỉ có vài đồng rupi Ấn Độ, vài đồng kwacha của Zambia, hay khi họ có hàng triệu yên, hàng trăm nghìn đô-la. Trên hết, họ muốn đưa tiền của mình vào dòng chảy. Làm từ thiện ở bất cứ cấp độ nào cho phép người ta kết nối lại với mối quan hệ với tiền. Trong các hoạt động từ thiện, chúng ta có thể tìm đến tâm hồn của tiền: Tiền với tư cách là phương tiện chuyên chở thiện ý, tiền với tư cách là nguồn năng lượng, tiền là cơ hội để nuôi dưỡng những thứ chúng ta quan tâm nhất.

    Khi chúng ta ở trong địa hạt của tiền, chúng ta hòa trộn dòng tiền chảy qua cuộc sống với nguồn năng lượng ấy. Mối quan hệ sâu sắc này tự nó lại sản sinh ra một dòng chảy mà tôi gọi là những đồng tiền ý nghĩa, thứ tiền có sức mạnh đáng ngạc nhiên. Mặc dù tôi ít khi gây quỹ tại các công ty và quỹ tài chính, tôi biết rằng cuối cùng những quyết định đưa ra từ các tổ chức ấy là do con người, và khi con người được liên kết bằng tâm hồn và sự chân thành, những quyết tâm họ thực hiện bằng tiền có thể, và thật sự, sẽ nuôi dưỡng thế giới.

    Ngoài may mắn được tiếp xúc thân mật và đầy cảm hứng với những người khác với tư cách là một người gây quỹ, tôi cũng đã chứng kiến mọi người tìm thấy sự giàu sang. Nói như vậy ý tôi là họ được cảm nhận sự giàu có, trong nhiều trường hợp, đó là lần đầu tiên. Điều này đúng cả với những người nghèo, cũng như với các tỷ phú trên thế giới. Cảm giác về sự giàu có thật sự đến từ việc chia sẻ, thể hiện rằng bạn có đủ, và bạn là đủ. Đoạn trích tuyệt đẹp của nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore đã thể hiện cảm giác về sự sung túc đó:

    Tôi sống ở phía tối

    Của con đường và quan sát

    Khu vườn của những người hàng xóm

    Phía bên kia

    Khoe mình dưới nắng

    Tôi thấy mình nghèo nàn, và tôi đi

    Từ nhà này sang nhà khác với cơn đói cồn cào

    Người ta càng vứt cho tôi nhiều

    Từ đống của cải vô tâm

    Càng khiến tôi nhìn rõ

    Chiếc bát ăn xin của mình.

    Cho đến một buổi sáng tôi bị đánh thức

    Khi cửa nhà thình lình mở

    Em đã đến và

    Xin tôi bố thí.

    Tôi tuyệt vọng mở toang

    Lồng ngực và giật mình

    Tìm thấy kho báu của chính tôi.

    Việc gây quỹ đã cho tôi cơ hội được đứng trong dòng chảy đó, cả trong những dòng sông và những vòi nước nhỏ giọt của tiền bạc, giúp hướng nó đến giải quyết những nhu cầu và khao khát sâu sắc nhất của cuộc sống trên trái đất. Xóa bỏ nạn đói. Tăng cường sức khỏe và xóa mù chữ. Chăm sóc trẻ em. Săn sóc những người ốm yếu. Bảo vệ trái đất, và quản lý khôn ngoan nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tạo ra những cộng đồng lành mạnh, thịnh vượng đảm bảo cho cuộc sống khắp nơi trên thế giới.

    Rất nhiều người như tôi coi công việc này là sứ mệnh cả đời. Luôn có những tổ chức tạo ra các hệ thống hỗ trợ để dòng chảy của tiền bạc và lòng quyết tâm đi từ nơi này đến nơi khác rồi quay trở lại. Nhưng cuối cùng, tất cả mọi người – bạn, tôi, bạn bè của bạn, và hàng xóm của bạn, người đàn ông xếp hàng phía trước bạn trong cửa hàng tạp hóa, người phụ nữ trong chiếc xe đi ngay phía sau bạn – tất cả chúng ta đều nằm trong dòng chảy của tiền và có cơ hội định hướng cho nó. Mỗi người chúng ta đều có thể khám phá trong dòng chảy của nó sự sung túc của chính mình, sự thịnh vượng của chính mình, cảm giác có đủ và sự giàu có của chính mình.
     
  9. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    NHIỆM VỤ DANG DỞ CỦA MỘT TỔNG GIÁM ĐỐC

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi không bao giờ quên được Gertrude. Kỷ niệm về bà luôn ở bên tôi mỗi lần tôi làm công tác gây quỹ kể từ cái đêm năm 1978 khi bà chia sẻ với tôi trong nhà thờ ở Harlem. Những bài học tôi nhận được từ bà vẫn tiếp tục toát lên ý nghĩa theo những cách tôi không thể hình dung trước được. Ngày hôm đó đã thay đổi cuộc sống của tôi, bất kể kết cục về sau ra sao, nhưng vài năm sau, một mảnh khác của ngày hôm đó đã có một cái kết đáng ngạc nhiên.

    Dự án Xóa đói đã phát triển thành một tổ chức lớn và có ảnh hưởng. Thành tích của chúng tôi dầy lên theo từng tháng, từng năm. Năm hay sáu năm sau cuộc gặp gỡ vụng về của tôi ở Chicago với vị tổng giám đốc của công ty thực phẩm và quyết định trả lại tấm séc sau chuyến đi đến Harlem, tôi nhận được một lá thư từ ông. Ông đã nghỉ hưu và nhận một gói trợ cấp hưu cho vị trí dẫn dắt công ty trước đây. Trong bức thư, ông chia sẻ rằng ông đang sống trong cảnh xa hoa vượt quá nhu cầu của mình. Ông nói rằng cuộc gặp gỡ của chúng tôi nhiều năm trước lẽ ra đã dễ dàng rơi vào quên lãng nếu không có lá thư và việc trả lại số tiền thật lạ lùng của tôi. Khi nghỉ hưu, ông nhìn lại cả sự nghiệp dài rực rỡ của mình. Điều làm ông day dứt chính là cuộc gặp của chúng tôi và tấm séc 50.000 đô-la gửi trả lại kèm theo lá thư giải thích rằng chúng tôi cần tìm những đối tác gắn bó. Ông coi đó là khoảnh khắc ảnh hưởng sâu sắc khi tất cả những luật lệ của nước Mỹ kinh doanh mà ông đã thuộc lòng – rằng bất cứ và tất cả điều gì bạn làm đều là vì lợi nhuận – tất cả những luật lệ đó đã bị phá vỡ khi một người bên ngoài thế giới của ông trả lại số tiền của công ty.

    Khi nghỉ hưu và ngẫm nghĩ lại những giây phút ý nghĩa, ông nhận ra rằng thật sự ông rất muốn tạo ra một sự thay đổi trong công tác thanh toán nạn đói. Ông cũng muốn tiền của mình góp phần vào hoạt động ấy. Giờ đây ông nhận ra mình hoàn toàn có thể đóng góp theo cách ý nghĩa để xóa bỏ nạn đói. Vậy là từ chính tài sản của mình, và để khẳng định quyết tâm của mình, ông đóng góp với tư cách cá nhân cho Dự án Xóa đói vượt quá nhiều lần số tiền 50.000 đô-la từng bị trả lại. Ông làm thế do thôi thúc từ tâm hồn, ông nói, đối với ông, đó là cảm giác hoàn thành điều gì đó còn dang dở. Đó là cách ông hoàn thành nhiệm vụ của mình.

    Đối với tôi, tôi sẽ không bao giờ quên được cảm giác khi mở bức thư đó, thấy tấm séc và nhận ra một lần nữa sức mạnh của tiền khi nó được đi kèm với thiện ý, sự chính trực và thống nhất với tâm hồn. Đó là một chiến thắng! Một chiến thắng của Gertrude, một chiến thắng của việc gây quỹ, và chiến thắng của người đàn ông đã lên tiếng bằng lòng hào phóng tuyệt vời về một sự kiện nâng tầm cho cuộc sống của ông.

    Dù bạn có nhiều hay ít tiền, khi bạn điều chỉnh dòng chảy ấy với thiện ý bạn sẽ cảm thấy mình giàu có. Bạn thấy hứng thú và mạnh mẽ khi dùng tiền của mình để thể hiện bản thân, không chỉ là phản ứng trước nền kinh tế thị trường, mà còn thể hiện con người bạn. Khi bạn để tiền chảy đến những thứ bạn quan tâm, cuộc sống của bạn bừng sáng. Đó chính là sứ mệnh thật sự của tiền.
     
  10. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    Chương 6:

    NHỮNG ĐIỀU BẠN TRÂN TRỌNG SẼ TĂNG THÊM GIÁ TRỊ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong cuộc sống đầy đủ viên mãn, biết trân trọng là một thái độ ẩn chứa đầy sức mạnh, có khả năng tạo ra những giá trị mới khi chúng ta ý thức được giá trị của những thứ chúng ta đang có.

    Những điều bạn coi trọng sẽ tăng giá trị. Điều này đúng trong nền văn hóa tiền bạc của chúng ta, khi một ngôi nhà trong mơ nằm trên một khu đất trong mơ sẽ tăng giá từ năm này qua năm khác. Điều này đúng trong các mối quan hệ cá nhân của chúng ta, khi lòng trân trọng đối với phẩm chất đặc biệt của một ai đó có thể khiến họ tỏa sáng ngay trước mắt chúng ta. Điều này đúng trong kinh doanh, khi cam kết của công ty đối với nhân viên sẽ thúc đẩy lòng tự hào và sự phấn đấu trong công việc. Và hành động tuy đơn giản nhưng ẩn chứa đầy sức mạnh này giúp phát triển sự tự do, sức sáng tạo, và cuối cùng là cả những thành công mà chúng ta được trải nghiệm, đặc biệt là trong mối quan hệ với tiền. Sự trân trọng chính là trái tim của sự sung túc.

    Trong bối cảnh của sự sung túc, biết trân trọng trở thành một thái độ mạnh mẽ, kiên quyết, có thể tạo ra những giá trị mới khi chúng ta ý thức được giá trị của những thứ chúng ta đang có. Sự quan tâm của chúng ta mở rộng và làm giàu thêm trải nghiệm của chúng ta đối với bất cứ điều gì trước mắt.

    Chúng ta có cơ hội tập trung sự chú ý vào cách nhìn nhận tiền bạc, và khi làm như vậy, chúng ta sẽ được tăng thêm sức mạnh. Nó trở thành hiện thân của chúng ta và mục đích của chúng ta. Khi chúng ta để lòng ghen tỵ, đố kỵ, oán hận và sự trả thù trở thành tâm điểm của sự chú ý và mục đích, chúng ta trở thành những người ghen tỵ, đố kỵ, hờn oán và đầy thù hận với chính tiền của mình. Khi chú ý đến sự sáng tạo, lòng can đảm và sự chính trực, chúng ta trở thành hiện thân của những phẩm chất đó trong bất cứ việc gì chúng ta làm trong mối quan hệ với tiền.

    Khi bạn tập trung vào những thứ còn thiếu thốn hay khan hiếm – trong cuộc sống, công việc, tại gia đình, hay trong khu phố của bạn – chúng sẽ trở thành mục đích duy nhất của bạn. Đó là bài hát mà bạn cất lên, là tầm nhìn mà bạn hướng đến. Bạn đắm chìm trong sự thiếu thốn và mong ngóng, kéo theo cả những người khác vào trong cùng trải nghiệm đó. Nếu bạn chú ý đến những rắc rối và đổ vỡ do tiền bạc hay sự thiếu thốn gây ra, nghĩ rằng không có đủ, càng có nhiều càng tốt, hay đó là điều tất yếu, khi ấy lý trí của bạn cũng chỉ dừng lại ở đó. Những ý nghĩ và nỗi sợ này nảy sinh từ việc bạn chú ý đến chúng, và chúng hoàn toàn có thể xâm chiếm toàn bộ cuộc sống của bạn. Dù bạn có bao nhiêu tiền, sẽ không bao giờ là đủ. Tiền không bao giờ có thể mang đến cho bạn sự bình yên thật sự trong tâm hồn. Bạn sẽ chỉ càng mở rộng sự hiện diện và sức mạnh của sự thiếu thốn và khiến nó siết chặt hơn vòng kiềm tỏa thế giới của bạn.

    Nếu bạn hướng sự tập trung vào khả năng chăm lo cho bản thân và cho gia đình, đồng thời đóng góp có ý nghĩa đối với cuộc sống của những người khác, trải nghiệm của bạn về những cái mình có sẽ được nuôi dưỡng và ngày một lớn lên. Ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, nếu bạn có thể trân trọng khả năng đương đầu, học tập và trưởng thành từ hoàn cảnh, bạn có thể tạo ra những giá trị không ai có thể hình dung nổi. Khi bạn trân trọng, trải nghiệm của bạn về sự giàu có sẽ lớn lên.

    Chúng ta có thể dùng sự trân trọng của mình – sự chú ý và chủ định có ý thức – để tăng cường quyền làm chủ của mình với tiền bạc, biến mối quan hệ của chúng ta với tiền thành một không gian mở, chào đón sự phát triển và sự tự do. Đó là sự thật, và tôi đã học được nó từ những người chúng ta coi là nghèo. Tôi đã học bài học đó ở rất nhiều vùng trên thế giới – những nơi hầu như không có nước hay thức ăn, và không thể giải thích nổi tại sao mọi người đều có thể tồn tại.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...