Cảm Nhận Thơ Thời Gian - Hàn Mặc Tử: Sự Níu Giữ Cái Đẹp Của Một Linh Hồn Đau Thương

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Thủy Tô, 29 Tháng mười 2023.

  1. Thủy Tô

    Bài viết:
    44
    Thời Gian

    Tác giả: Hàn Mặc Tử

    Người viết cảm nhận: Thủy Tô

    Thơ là nhật kí tâm hồn con người khi giao chạm với cuộc sống, là sự giải tỏa những uất ức, bi thương bằng cách thăng hoa cùng cái đẹp. Với Hàn Mặc Tử, làm thơ là trút cả tâm tư lên trang giấy mong manh, thơ là máu, hồn và nước mắt, thơ là sự cứu rỗi. Bị dày vò trong nỗi trầm thống, thảm thê của số phận, Hàn Mặc Tử càng khao khát kiếm tìm cái đẹp, một cái đẹp tinh khiết đến vô ngần. Bài thơ "Thời gian" rút trong tập "Đau thương" (Thơ điên, 1937) được viết trong sự trằn trọc của thể xác và tâm can thi sĩ, là sự nung nấu một cái đẹp vĩnh cửu trong cái hữu hạn của thời gian.

    [​IMG]

    "Còn đâu tráng lệ những thời xanh,

    Mùi vị thơm tho một ái tình.

    Đố kiếm cho ra trong lớp bụi,

    Ít nhiều hơi hám của kiên trinh."

    Bài thơ bắt đầu bằng hai chữ "Còn đâu.." nghe hụt hẫng và nuối tiếc đến rụng rời. Đó vừa là những từ để hỏi, vừa là để phủ định, phủ định sự tồn tại của nó trong hôm nay và ngưỡng vọng về lại quá khứ, một thời đã từng. Ta nhớ đến hai chữ "Nào đâu" trong niềm hồi tưởng của con hổ ở vườn bách thú (Nhớ rừng, Thế Lữ) vang lên như một tiếng gầm bi phẫn, uất ức về một thời huy hoàng đã tàn lụi. Lâu đài nguy nga của một thời đã tàn đổ, để người hôm nay nhìn lại chứng tích đìu hiu, bụi bặm mà buông tiếng thở dài. Thở dài cho "tráng lệ những thời xanh". Không nói "những thời xanh tráng lệ" mà đảo "tráng lệ" lên trước nhằm gợi dựng trong kí ức của tâm tưởng vẻ đẹp tươi sáng, căng tràn của "thời xanh", hay sức sống dồi dào, mơn mởn của thời tuổi trẻ, một tuổi trẻ hùng hồn, quyết liệt ngỡ như có thể làm bất cứ điều gì. Xuân Diệu có nói: "Trên đời không gì ngon bằng tình yêu và tuổi trẻ", đã nói đến tuổi xanh thì phải có "ái tình". Ái tình được cảm nhận bằng khướu giác, bằng vị giác và dường như cả tâm hồn, cả trái tim cũng rung rinh rạo rực. Đó có lẽ là một tình yêu thiết tha say đắm. Nhưng đó chỉ là sự tiếp nối của tiếng thở dài "Còn đâu..". Tình yêu "thơm tho", đẹp đẽ như tấm vải mới phơi ra nắng sớm cũng hóa thành hư vô, cũng chìm vào hoài niệm. Nói như thế thì tuổi trẻ và tình yêu tươi đẹp đã lùi vào dĩ vãng, không chỉ vậy, nhà thơ còn viết: "Đố kiếm cho ra trong lớp bụi/ Ít nhiều hơi hám của kiên trinh". Thi sĩ đã mang tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương dò tìm trong lớp tro tàn đổ vỡ của quá khứ kiên trinh còn sót lại. Thế nhưng càng tìm kiếm, càng tuyệt vọng để rồi ngậm cười não nùng cho sự hiếm hoi đến gần như tan biến của lòng thủy chung, trong trắng. Cái "hơi hám của kiên trinh" đã tan đi trong một cuộc rượu của tình yêu chăng? Hay là nó chưa bao giờ tồn tại?

    "Đừng tưởng ngàn xưa còn phảng phất

    Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm.

    Hồn xưa từ ấy không về nữa:

    Ở cõi hư vô, dấu đã chìm."

    Ở khổ thơ thứ hai, nhà thơ tiếp tục nói với ta về sự hư vô, sự trống vắng của "ngàn xưa" kỉ niệm. Người ta thường dùng "nghìn xưa" để nói đến chiều thăm thẳm của thời gian, nói "bạt ngàn" để chỉ sự mênh mông của không gian. Hàn Mặc Tử dùng chữ "ngàn xưa" không chỉ gợi lên kí ức mà còn gợi ra tầm vóc sông núi, "nước non nặng một lời thề". Thời gian đẩy kỉ niệm vào nơi xa thẳm, biến chiều kích của nó thành mênh mang nhưng cũng dập vùi, xóa vùi hết thảy, dù là "tráng lệ thời xanh" hay thề non hẹn bể. Ban đêm mất ngủ, người ta có thể chìm vào những trầm tư suy tưởng, nếu không là những đợt sóng hoài niệm miên man. Nếu thi tiên Lý Bạch nhìn cảnh trăng soi bàng bạc mà ngưỡng vọng về quê hương thì ở đây, những làn gió lúc về đêm như những đợt sóng tâm tư cồn về dĩ vãng. Chỉ là dĩ vãng thôi, bởi: "Hồn xưa từ ấy không về nữa: / Ở cõi hư vô dấu đã chìm." Ta nghe trong câu thơ tiếng thở dài của một nỗi buồn man mác, một niềm tiếc nuối bâng khuâng trước thời gian không thể vãn hồi. "Hồn xưa" ở đây có thể là hiểu là những tình cảm, nỗi niềm, ước vọng xưa, những vẻ đẹp xưa. Nhưng hồn "về" đâu? Nó làm ta nhớ đến câu hỏi khắc khoải của Vũ Đình Liên trong "Ông đồ" : "Hồn ở đâu bây giờ?".. Hồn dường như tồn tại trong trái tim con người, trong kí ức và tình yêu của con người. Một khi dấu vết của hồn bị xóa đi ở những địa lãnh ấy thì hồn xưa sẽ tan đi, sẽ không về nữa.. "Ở cõi hư vô, dấu đã chìm" dường như là một câu thơ mờ đục. Cõi hư vô là ở đâu? "Dấu" của điều gì? "Chìm" xuống đâu? Nhưng không cần diến giải, câu thơ cũng cho ta những cảm xúc mênh mang của sự mất mát.

    Hai khổ thơ đầu, nhà thơ nói về sự hư vô, sự tiêu biến, sự mất mát, hủy diệt của "thời xanh", của "ái tình", của "kiên trinh" và "hồn xưa" trong dòng chảy miên viễn của thời gian. Nhưng đến khổ thơ thứ ba, nhà thơ lại chuyển sang khẳng định sự vĩnh tồn của cái đẹp:

    "Chỉ có trăng sao là bất diệt,

    Cái gì khác nửa thảy đi qua

    Tây Thi nàng hỡi bao nhiêu tuổi,

    Vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà?"

    Trăng sao ở đây chính là biểu tượng ngời sáng của cái đẹp trong thơ Hàn Mặc Tử. Với thi sĩ, trăng là sự cứu rỗi khỏi nỗi đau âm ỉ, trăng là hạnh phúc thủy nguyên, là thế giới tươi đẹp tận cùng. Khổ thơ mang sự liên kết chặt chẽ với hai khổ trước. Nếu tất cả những "cái gì khác nữa" tầm thường, tạm bợ, nhỏ bé thảy đều đi qua, đều phai tàn, hủy diệt thì cái đẹp đích thực luôn trường tồn, bất diệt. Nhà thơ Văn Cao trong thi phẩm "Thời gian" của mình cũng nêu lên suy ngẫm ấy: "Thời gian qua kẽ tay/ Làm khô những chiếc lá/ Kỉ niệm trong tôi/ Rơi/ Như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn/ Riêng những câu thơ, còn xanh/ Riêng những lời hát, còn xanh/ Và đôi mắt em/ như hai giếng nước." Trăng sao là vẻ đẹp của muôn vì tinh tú, hay chính là những bài thơ, câu hát, những tác phẩm nghệ thuật, vết dấu của tình yêu chân thành và cao thượng.. sẽ tồn tại bền bỉ với thời gian. Một tình yêu từ lúc bật chồi đến khi sụp đổ đều không có chút "hơi hám của kiên trinh" thì làm sao bền bỉ? Tây Thi là một mĩ nhân thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Nàng mất nhưng truyền thuyết về nàng vẫn phảng phất. Nàng đã trở thành nhân vật gây dư âm trong biết bao câu chuyện của dân gian, được dựng thành phim, thành truyện. Phải chăng đó chính là cái cớ để dù trải qua bao nhiêu năm, "vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà"?

    [​IMG]

    Khổ thơ cuối dường như là lời van lạy rất chính đáng của thi sĩ trước "muôn vì tinh tú" với mong cầu lưu giữ mãi những vẻ đẹp trong cuộc đời:

    "Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé,

    Xin đừng luân chuyển để thời gian

    Chậm đi, cho kẻ tôi yêu dấu

    Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân."

    Động từ "lạy" gợi cho ta tư thế cúi rạp trong một khung cảnh cầu nguyện thiêng liêng, sự khẩn cầu tha thiết, như Thúy Kiều khi trao duyên cho Thúy Vân: "Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa". Nhưng từ "nhé" ngay sau đó lại làm hiện lên một nụ cười vừa trìu mến vừa như có chút gì ngậm ngùi. Dẫu biết xin "đừng luân chuyển" để thời gian đừng trôi chảy nữa, để mọi thứ không tan biến đi như làn khói mơ một buổi sớm mai, là việc bất khả thi nhưng với tấm lòng của một nhà thơ luôn khát khao mở rộng lòng mình để thu nhận và dung chứa mọi vẻ đẹp nhỏ bé của cuộc đời, người vẫn cầu mong thời gian giữ lại "màu tươi mỹ nhân" cho "kẻ tôi yêu dấu". Thời gian trôi đi làm hoa tươi màu rồi tàn lụi, dừng lại quá trình đó là không thể. Có lẽ "màu tươi của mỹ nhân" ấy chính là những kỉ niệm đẹp được đánh bóng bởi thời gian hay là lời nhắn nhủ kín đáo với "kẻ tôi yêu dấu" sống chậm lại, sống sâu sắc và thủy chung, sống sao cho đôi mắt long lanh, mãi đẹp như bức họa Tây Thi, như "hai giếng nước". Cũng có thể không phải như vậy, thơ hay không khi nào đến với cuộc đời bằng một lời khuyên nhủ hay răn dạy. Qua từng ấy dòng thơ, ta hiểu thêm chút tâm tư của một con người, rộng hơn là của một nhân loại luôn khát khao bảo lưu những điều mình trân quý khỏi sự băng hoại của thời gian.
     
    Chỉnh sửa cuối: 30 Tháng mười 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...