Linh Hồn Của Tiền - Lynne Twist

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Quân Nguyễn 091294, 15 Tháng tư 2021.

  1. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    PHẦN II:

    THIẾU VÀ ĐỦ: CUỘC KIẾM TÌM SỰ GIÀU CÓ

    Chương 3:

    SỰ THIẾU THỐN: LỜI NÓI DỐI LỚN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Luật dư giả của tự nhiên tràn ngập toàn vũ trụ, nhưng không thể đi qua cánh cửa của những người thiếu niềm tin và thừa giới hạn.

    - Paul Zaiter

    Trong nhiều năm qua, tôi đã chứng kiến cuộc đời và cảnh ngộ của nhiều người. Trong số đó có những người sống trong nghèo khó cùng cực; sự thiếu thốn thức ăn, nước uống, nơi ở, tự do, cơ hội ám ảnh mọi hoạt động, mọi câu chuyện của họ. Những người khác có quá nhiều so với nhu cầu của họ, tính trên mọi phương diện. Họ có nhiều tiền, thức ăn, xe cộ, quần áo, học hành, dịch vụ, tự do và cơ hội hơn, họ có tất cả mọi thứ nhiều hơn. Nhưng thật ngạc nhiên, trong thế giới xa hoa ấy, các câu chuyện cũng chỉ xoay quanh những thứ họ không có và những thứ họ muốn có. Dù chúng ta là ai và cuộc sống của chúng ta ra sao, chúng ta vẫn say sưa nói về những thứ ta còn thiếu.

    Tôi cũng nhận ra điều đó ở bản thân. Đối với tôi và rất nhiều người trong số chúng ta, ý nghĩ đầu tiên khi ta thức dậy và bắt đầu một ngày mới là "Mình chưa ngủ đủ". Suy nghĩ tiếp theo là "Mình không có đủ thời gian". Dù đúng hay không, ý nghĩ "không có đủ" tự động đến trước khi chúng ta kịp suy nghĩ, nghi ngờ hay xem xét nó. Chúng ta dành phần lớn thời gian trong cuộc đời để lắng nghe, giải thích, phàn nàn hoặc lo lắng về những thứ chúng ta không có đủ. Ta không có đủ thời gian. Ta chưa được nghỉ ngơi đầy đủ. Ta chưa tập thể dục đúng mức. Ta không có đủ việc làm. Ta không kiếm đủ lợi nhuận. Ta không có đủ sức mạnh. Ta thiếu môi trường thiên nhiên trong lành. Ta không có đủ các kỳ nghỉ cuối tuần. Tất nhiên, ta không có đủ tiền – không bao giờ là đủ. Ta không đủ thon thả, không đủ thông minh, xinh đẹp, khỏe mạnh, giỏi giang hoặc thành công hay giàu có – không bao giờ là đủ. Thậm chí trước khi chúng ta ngồi dậy trên giường, trước khi đặt chân xuống đất, chúng ta đã không có đủ, đã bị tụt lại phía sau, đã mất, đã thiếu cái gì đó. Và khi chúng ta lên giường đi ngủ vào buổi tối, trí óc chúng ta vẫn mải miết xoay quanh những thứ chúng ta đã không có hoặc không làm trong ngày. Giấc ngủ bị đè nặng bởi những ý nghĩ ấy và sau đó, chúng ta lại thức dậy bắt đầu một vòng quay mới đắm chìm trong cảm giác thiếu thốn.

    Câu kinh "không có đủ" lặp đi lặp lại cả ngày, trở thành một thứ được cài đặt mặc định trong suy nghĩ của chúng ta về mọi thứ, từ tiền trong túi đến những người ta yêu hay giá trị của chính cuộc đời ta. Ban đầu nó chỉ đơn giản là dấu hiệu của cuộc sống gấp gáp và nhiều thử thách; về sau nó trở thành cái cớ tối cao để ta lý giải vì sao cuộc đời ta không hoàn thiện. Nó trở thành lý do chúng ta viện đến để thanh minh vì sao ta không đạt được những mục tiêu đặt ra cho bản thân, vì sao ước mơ của ta không trở thành hiện thực, hay vì sao người khác làm ta thất vọng, vì sao ta thỏa hiệp sự chính trực của mình, từ bỏ chính mình hay bỏ rơi người khác.

    Đâu đâu cũng vậy, từ trung tâm thành phố đến vùng ngoại ô, dù ở New York hay Topeka, Beverly Hills hay Calcutta. Dù ta sống trong nghèo nàn khốn khó hay khi giàu có xa hoa, thậm chí khi ta có rất nhiều tiền, tài sản và tất cả những gì ta có thể muốn hoặc cần, chúng ta trung thành sống với cảm giác thiếu thốn như một mặc định tất nhiên. Đó dường như là điều kiện quy định chất lượng cuộc sống mà ta không mảy may nghi ngờ, thậm chí đôi khi không cần nói ra. Ngay cả khi bản thân chúng ta không trải qua thiếu thốn, cảm giác thiếu thốn vẫn kiểm soát cách ta suy nghĩ, hành động và sống trên đời. Nó định hình ý thức sâu sắc nhất về bản thân, và trở thành lăng kính để ta nhìn cuộc sống. Qua lăng kính ấy, những hy vọng, hành vi của chúng ta cùng những hậu quả kéo theo sẽ trở thành điềm báo trước sự thiếu thốn và bất mãn mà tự nó có thể sẽ trở thành hiện thực.

    Trạng thái tâm lý hay ám ảnh về sự thiếu thốn nằm trong chính lòng ghen tỵ, sự tham lam, định kiến và bất đồng của chúng ta trước cuộc sống, nó gắn chặt với mối quan hệ với tiền. Trong nỗi ám ảnh về sự thiếu thốn, mối quan hệ của chúng ta với tiền đầy sợ hãi, nó đẩy chúng ta vào cuộc chạy đua vô tận tìm kiếm nhiều hơn, hoặc khiến ta thỏa hiệp hòng thoát khỏi cuộc đua và những khó chịu liên quan đến tiền. Khi mải miết chạy đua hay thỏa hiệp, chúng ta rời xa sự hoàn thiện và chính trực tự nhiên của mình. Chúng ta chối bỏ tâm hồn mình và ngày càng bị đẩy ra xa khỏi những giá trị gốc và quyết tâm cao quý. Ta nhận ra mình bị mắc kẹt trong vòng quay của sự cô đơn và bất mãn. Ta bắt đầu tin những quảng cáo và thông điệp văn hóa chạy theo lợi nhuận rằng tiền có thể mua được hạnh phúc. Ta bắt đầu tìm kiếm bên ngoài bản thân ta những yếu tố có thể giúp ta trở nên hoàn thiện. Theo trực giác, chúng ta biết điều này không đúng, nhưng nền văn hóa tiền bạc đã át đi tiếng nói thông thái của tâm hồn ta, và ta thấy buộc phải săn lùng cả những an ủi và tiện nghi nhất thời nhất mua được bằng tiền.

    Có lẽ vài người sẽ nói rằng thực tế thiếu thốn là nền tảng có thật, tự nhiên và tất yếu cho mối quan hệ của chúng ta với tiền và các nguồn lực. Tuy nhiên, cuối cùng, mọi thứ đều có quá nhiều. Hơn hai trăm năm trước, vào khoảng thời gian xảy ra cuộc Cách mạng Mỹ, nhà kinh tế học và triết học người Scotland Adam Smith cho rằng "nỗ lực tự nhiên của mỗi cá nhân nhằm cải thiện điều kiện sống của mình" là động lực mạnh mẽ hơn hết thảy trở ngại, và tiếp đó, ông còn trình bày các nguyên tắc nền tảng của nền kinh tế "thị trường tự do" hiện đại (so với thời đó), trong đó "bàn tay vô hình" của lợi ích cá nhân được chấp nhận là lực lượng định hướng và điều tiết mạnh mẽ và tự nhiên nhất.

    Nhưng lập luận đó tự nhiên và chính xác đến đâu? Thế giới thời đó, thế giới mà nhà lý luận da trắng người châu Âu được đào tạo theo cách truyền thống – Adam Smith – đã sinh sống, là thế giới mà phần lớn người da trắng chối bỏ những người thổ dân và da màu, coi họ là "mông muội" và "dã man", chứ không đánh giá họ là tháo vát và thông thái, điều mà những xã hội "văn minh" sau nhiều thế hệ mới biết cách trân trọng. Tầng lớp người da trắng chiếm ưu thế thời đó chấp nhận và thực hiện việc phân biệt chủng tộc, tôn giáo và giới tính, coi đó là một ngầm định trong đạo đức và kinh tế. Thời đó, lợi ích cá nhân và chủ nghĩa dân tộc chưa ý thức được sự liên kết biện chứng giữa các yếu tố mang tính toàn cầu, điều mà ngày nay chúng ta nhận thấy có tác động sâu sắc lên bản thân chúng ta, tài sản và sự an toàn của chúng ta. Điều này tất yếu dẫn đến nhu cầu mở rộng phạm vi của lợi ích cá nhân để bao chứa hạnh phúc của tất cả mọi người ở tất cả mọi nơi. Những nguyên tắc và cấu trúc kinh tế cơ bản của cái thời đã qua đó dựa trên những giả định thiếu sót và suy nghĩ sai lầm về tự nhiên, tiềm năng con người và về bản thân tiền bạc.

    Bernard Lietaer, tác giả đương đại người châu Âu, cựu quan chức cao cấp của Ngân hàng Trung ương Bỉ cũng là một trong những kiến trúc sư trưởng của đồng tiền chung châu Âu, trong cuốn sách Of Human Wealth (Sự Giàu có của Con người) đã nói rằng lòng tham và nỗi sợ hãi sự thiếu thốn chẳng qua là do chính con người tạo nên; chúng không tồn tại trong tự nhiên, thậm chí không có trong bản chất con người. Chúng đi liền với hệ thống tiền tệ mà chúng ta gắn bó, và chúng ta đã gắn bó với nó lâu đến nỗi mặt tối của nó hầu như trở thành vô hình trước mắt chúng ta. Chúng ta đã học cách coi chúng là những hành vi bình thường và chính đáng. Ông kết luận rằng đúng ra có thể mô tả hệ thống kinh tế của Adam Smith là việc phân bố các tài nguyên có hạn thông qua lòng tham của cá nhân. Toàn bộ quá trình của kinh tế học "hiện đại" của Smith thực tế có nguồn gốc từ nỗi sợ nguyên thủy đối với sự thiếu thốn và lòng tham. Công cụ thực hiện, hay quá trình biến điều này thành hiện thực chính là tiền.

    Khi bước ra khỏi cái bóng của hệ thống méo mó và lạc hậu này, đồng thời rũ bỏ những ám ảnh đi liền với nó, chúng ta sẽ khám phá ra là: Thiếu thốn chỉ là lời nói dối. Nó độc lập với bất cứ lượng tài nguyên thực tế nào; nó là một hệ thống giả định, quan điểm và niềm tin sai lầm và không được xem xét cẩn trọng mà từ đó, chúng ta coi thế giới là nơi ta liên tục bị đe dọa bởi mối lo không thể thỏa mãn được nhu cầu.

    Sẽ hợp lý nếu giả định rằng những người cực kỳ giàu có không phải lo sợ thiếu thốn, nhưng tôi đã chứng kiến thiếu thốn vẫn đè nặng lên cuộc sống của họ chẳng kém gì đối với những người sống cuộc đời bấp bênh, hầu như không thể kiếm đủ tiền để thỏa mãn những nhu cầu đơn giản nhất. Cũng thật vô lý khi những người cực kỳ giàu có nghĩ rằng họ không có đủ, vô lý đến mức tôi bắt đầu nghi ngờ nguồn gốc mối lo của họ. Không có gì trong hoàn cảnh hiện tại của họ có thể lý giải cho điều đó. Tôi bắt đầu tự hỏi có lẽ những lo lắng này dựa trên giả định chứ không phải hoàn cảnh. Càng xem xét những ý tưởng đó, càng tiếp xúc với những người thuộc nhiều hoàn cảnh, văn hóa và nguyên tắc sống khác nhau, tôi càng khẳng định được rằng giả định nền tảng của sự thiếu thốn lan tràn khắp nơi. Những chuyện hoang đường và ngôn ngữ của sự thiếu thốn là giọng nói chủ đạo trong hầu hết mọi nền văn hóa, vượt qua bằng chứng và lý lẽ, và nỗi ám ảnh của sự thiếu thốn tạo ra những thái độ và hành vi méo mó, thậm chí vô lý, đặc biệt trong các vấn đề về tiền.

    Quan niệm về sự thiếu thốn này không phải là điều chúng ta chủ định tạo ra hay cố ý đưa vào cuộc sống của mình. Nó đã ở đó từ trước chúng ta, và có lẽ sẽ còn tiếp tục bám theo và vượt lên chính chúng ta, duy trì những ngộ nhận và ngôn ngữ trong nền văn hóa tiền bạc của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể lựa chọn có tham gia vào nó hay không, và có thể cho phép nó điều khiển cuộc sống chúng ta không
     
  2. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    NHỮNG "ÁN CHUNG THÂN" HẠN CHẾ KHẢ NĂNG CỦA CHÚNG TA

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong bất cứ nền văn hóa nào, truyện thần thoại luôn mang theo những bài học đạo đức, và câu chuyện thần thoại về sự thiếu thốn đã để lại những niềm tin truyền từ đời này sang đời khác, những "án chung thân" mà chúng ta coi là trí tuệ dân gian hay sự thật cá nhân. Khi tôi còn nhỏ, bà tôi thường khuyên các cháu: "Hãy cưới người có nhiều tiền rồi tình yêu sẽ đến sau". Chúng tôi thường bật cười khi bà nói vậy, còn bà sẽ cười và nháy mắt, nhưng thật sự bà tin như vậy. Đó cũng là điều bà đã làm. Khi bà kết hôn vào khoảng năm 1900, bà đã cưới người đàn ông giàu có nhất đến với bà, và sau đó học cách yêu ông. Bà muốn truyền lại lời khuyên này cho chúng tôi. Mặc dù chúng tôi cười khi nghe bà nói, những lời ấy vẫn ghim lại trong tâm trí chúng tôi. Tất cả các cháu gái của bà về sau đều phải cố gắng để thoát khỏi những niềm tin ấy trong cuộc đời nếu muốn tự do lựa chọn người yêu qua những phẩm chất đẹp đẽ hơn số tiền mặt của các chàng.

    Trong ám ảnh và ngộ nhận về sự thiếu thốn, mỗi người đều phải vật lộn với án chung thân của mình với tiền. Đôi khi nó hiện lên trước chúng ta qua những lời khuyên giản dị: Đừng tiêu lạm vào tiền vốn. Nếu phải bận tâm đến giá cả, ắt hẳn bạn sẽ không thể chi trả được. Tiền không phải là đồ vật. Nói chuyện về tiền là không lịch sự. Đôi khi người ta cần phải tiêu tiền vốn thật ý nghĩa; coi giá cả là vấn đề nguyên tắc ngay cả khi bạn có thừa để trả; thẳng thắn và cởi mở về những vấn đề tiền bạc thay vì mơ hồ hay quá thận trọng.

    Những bản án chung thân khác thuộc về cá nhân, do chính cá nhân tạo ra, và được thể hiện qua cả những hành vi ý thức và vô thức liên quan đến tiền. Trong thời kỳ đầu của sự nghiệp làm chuyên gia gây quỹ, tôi hầu như làm việc trên cơ sở tự nguyện, và chỉ thấy thoải mái khi đi xin tiền cho người khác. Trong cuộc sống riêng, tôi bằng lòng với việc để chồng cáng đáng gánh nặng tài chính, giải phóng cho tôi khỏi trách nhiệm khó khăn đó. Tuy nhiên, theo thời gian, tôi nhận ra những bài học bất ngờ cùng những bản án chung thân tôi đang tạo ra và hạn chế cuộc sống của chính mình. Đó là tôi không thể mong kiếm sống được bằng công việc của mình, và tôi không phải là một thành viên đúng nghĩa, trách nhiệm và hữu ích trong đời sống vật chất của gia đình mình. Tôi sẽ vẫn cống hiến thời gian và sức lực của mình không toan tính, tôi cũng vẫn đặt niềm tin vào chồng tôi trong vấn đề tài chính, nhưng tôi cũng đã cởi mở hơn, và học cách trải nghiệm sự hài lòng khi kiếm tiền và quản lý tiền bạc có trách nhiệm hơn. Đó thật sự là một mốc trưởng thành đối với tôi, một bước tiến gần hơn đến mối quan hệ trung thực hơn với tiền.

    Có thể bạn cũng thấy những bản án chung thân đó có phần nào quen thuộc. Có thể bạn đã phải làm việc vì tiền trong gần hết cuộc đời, nhưng vẫn do dự khi đề nghị tăng lương dù bạn biết mình hoàn toàn xứng đáng. Có thể bạn đã bằng lòng với công việc không triển vọng thay vì dành thời gian và sức lực tìm kiếm một công việc mới hoặc học tập để làm công việc khác. Có thể bạn được một khoản thừa kế, và bạn cảm thấy có quyền đối với tài sản gia đình, hoặc có thể bạn thấy tội lỗi. Có thể bạn tránh tính toán sổ séc hoặc trả các hóa đơn bởi vì sự thật rành rành của những con số đó nói lên những điều bạn không muốn nghe. Có thể bạn ngại khẳng định mình về tiền bạc trong một mối quan hệ, bởi vì bạn sợ những hậu quả có thể xảy ra; có thể những nỗi sợ về tài chính hoàn toàn ngăn cản bạn khẳng định mình.

    Hầu hết các bản án chung thân gắn với tiền là sản phẩm của thứ ngôn ngữ hạn hẹp của sự thiếu thốn trong nền văn hóa của chúng ta. Trong lối nói đó, từ "thành công" ám chỉ một người kiếm được rất nhiều tiền. Một doanh nhân thành đạt đơn giản là một người biết kiếm tiền. Đánh giá đó không hề tính đến chất lượng sản phẩm, nơi làm việc, thù lao cho công nhân, phong cách quản lý, hay hoạt động hỗ trợ và đóng góp cho cộng đồng của công ty. Trong ngôn ngữ của sự thiếu thốn, những doanh nhân có thể tạo ra lợi nhuận lớn nhờ bóc lột hay phát triển kinh doanh không bền vững vẫn được coi là "thành công" hơn những người như giáo viên hay công chức nhà nước, những người thu nhập ít hơn nhưng đã làm việc để biến cộng đồng của chúng ta thành một nơi văn minh, đầy quan tâm và thương yêu để sống và làm việc.

    Từ "giàu có" ban đầu có nguồn gốc từ từ "hạnh phúc", ám chỉ cả những khoản tiền lớn và cuộc sống dồi dào, mãn nguyện. Trái lại, có quá nhiều tiền thường tạo điều kiện cho lòng tự cao và sự cô lập ngăn cản người ta tiếp cận với sự giàu có thật sự khi họ kết nối và giao tiếp với nhau.

    Nghèo và cái nghèo mô tả những hoàn cảnh và môi trường kinh tế, nhưng những từ này lại thường xuyên được sử dụng để hạ thấp nhân phẩm và tiềm năng của những người có ít tiền.

    Bản án "nghệ sĩ chết đói" khiến chúng ta chấp nhận sự thật rằng óc sáng tạo bị đánh giá thấp trong xã hội. Nó có ý nói rằng những người kiếm sống bằng khả năng sáng tạo được trả lương rất thấp, và những người khác được quyền bóc lột hay lừa đảo tiền bạc của họ và đánh giá thấp họ về mặt con người.

    Những bản án chung thân gắn với sự thiếu thốn như vậy chỉ là sản phẩm của thứ ngôn ngữ đã gắn chặt vào suy nghĩ của chúng ta. Khi đó, chúng củng cố những ngộ nhận về sự thiếu thốn và trao cho tiền bạc sức mạnh hủy diệt khủng khiếp. Thông điệp của các phương tiện truyền thông, quảng cáo, tiếp thị, của bố mẹ, ông bà, của bạn bè tràn ngập cuộc sống của chúng ta, gắn chặt và bắt rễ sâu vào tâm trí chúng ta, khiến ta tin rằng không có đủ, bạn phải giành lấy cho mình, càng nhiều càng tốt, và bạn buộc phải tham dự trò chơi.
     
  3. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    BUCKMINSTER FULLER VÀ THẾ GIỚI BẠN - VÀ - TÔI

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chính khi nỗ lực và quyết tâm thanh toán nạn đói, tôi bắt đầu nhận ra toàn bộ cấu trúc của sự thiếu thốn, những ngộ nhận, ngôn ngữ và án chung thân phổ biến của nó. Tôi cũng nhận ra cách nó ngấm vào cuộc đời tôi, cũng như cuộc sống của bạn bè và gia đình tôi, những cộng sự của tôi ở các nước nghèo như Bangladesh và giàu như Pháp, Anh hay Mỹ. Trong một dịp đặc biệt, tôi đã chạm đến một bước ngoặt trong đời khi được nghe bài giảng của một nhà dự đoán tương lai theo chủ nghĩa nhân văn vĩ đại, R. Buckminster (còn gọi là "Bucky") Fuller. Trong những năm 1970, Bucky đã đi thuyết giảng ở nhiều nơi về những ngộ nhận trong khoa học cơ bản đã ngăn cản chúng ta có cái nhìn chính xác về thế giới và khả năng nuôi sống cuộc đời sung túc cho tất cả chúng ta.

    Sau đó, Bucky trở thành người bạn và cố vấn tin cậy của tôi, nhưng lần đầu tiên đến nghe ông thuyết giảng, tôi chỉ biết rằng ông là một tài năng gây nhiều tranh cãi – một nhà thiết kế, kỹ sư kiêm kiến trúc sư – và ông đang đi thuyết trình ở nhiều nơi trên thế giới loạt bài về Integrity Days (Những ngày Chính trực). Tôi tự nguyện đến dự một buổi nói chuyện của ông ở San Francisco. Trong một thính phòng chứa được chừng hai nghìn người, tôi ngồi ở hàng thứ hai từ dưới lên, quan sát người đàn ông nhỏ bé, có tài hùng biện và đầy năng lượng này diễn thuyết hào hùng trên sân khấu những hiểu biết và khám phá của ông về cách thức hoạt động của thế giới. Những ý tưởng của ông không chỉ gây hào hứng và có tính kích thích mà đối với tôi, nó còn có sức mạnh thay đổi hoàn toàn.

    Tôi bị cuốn hút vào bài nói chuyện và những điều đặc biệt ông tạo ra. Trong đó điều làm thay đổi cuộc đời tôi có lẽ là khi ông nói: Trong hàng thế kỷ, thậm chí hàng nghìn năm, chúng ta đã sống với niềm tin rằng không có đủ cho tất cả mọi người, và chúng ta phải chiến đấu và giành giật để thu thập những tài nguyên đó cho mình. Có lẽ điều đó đã đúng vào một thời điểm nào đó, hoặc cũng có thể chưa bao giờ như vậy. Nhưng tại thời điểm đó trong lịch sử – vào những năm 1970 – chúng ta có khả năng làm được nhiều hơn rất nhiều mà chỉ cần sử dụng rất ít tài nguyên. Xét trên phạm vi cộng đồng loài người chúng ta rõ ràng đã đạt đến mức có thể đáp ứng đủ, thậm chí thừa nhu cầu để tất cả mọi người ở mọi nơi đều được sống một cuộc đời lành mạnh và có ích. Khoảnh khắc đó đại diện cho một mốc kỳ diệu trong sự phát triển của nền văn minh và nhân loại.

    Ông còn tuyên bố dù đó là lúc con người nhận thức được sự thật có sẵn, hay đó là bước đột phá của các nền văn minh, cách hiểu nào cũng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của giây phút đó trong quá trình tiến hóa, bởi nó đồng nghĩa với việc chúng ta có thể rời bỏ thế giới bạn-hoặc-tôi, nơi chỉ một trong hai ta có thể tồn tại, ta phải chiến đấu, cạnh tranh với nhau để tìm ra kẻ thắng – để đến với thế giới bạn-và-tôi, nơi tất cả chúng ta đều thành người chiến thắng. Trong thế giới đó, tất cả chúng ta có đủ thức ăn, nước uống, đất đai, nhà ở, có đủ tất cả những thứ cơ bản để sống một cuộc đời có ích và mãn nguyện.

    Cột mốc này đã đột ngột thay đổi trò chơi, và theo ông tiên đoán sẽ cần 50 năm, để chúng ta có thể điều chỉnh cho phù hợp và chuyển từ mô hình bạn-hoặc-tôi sang mô hình bạn-và-tôi, mô hình ám chỉ rằng thế giới đủ chỗ cho tất cả mọi người, và không ai hay cái gì bị gạt ra ngoài cả. Ông tuyên bố hệ thống tiền tệ và tài nguyên tài chính của chúng ta cũng cần được điều chỉnh để phản ánh sự thật đó. Chúng ta sẽ cần hàng chục năm để hoàn thành nhiệm vụ đó, nhưng nếu và khi đến đích, chúng ta sẽ bắt đầu một thời kỳ và một thế giới mà cách chúng ta nhận thức, suy nghĩ về bản thân và thế giới ta đang sống sẽ được biến đổi sâu sắc đến mức hầu như không thể nhận ra.

    Tuyên bố đó, tầm nhìn khác thường đó và sự phát hiện tiềm năng thay đổi chính cơ sở của mối quan hệ giữa chúng ta với nhau đã hoàn toàn thu hút tôi. Nó đảo lộn hoàn toàn thế giới của tôi. Tôi nhớ đã ngồi yên lặng trong nước mắt, nghĩ về những hàm ý trong lời nói của ông. Tôi đã nghĩ đây không chỉ là một ý tưởng thú vị trong một bài phát biểu uyên bác. Đó là khoảnh khắc nhận thức sâu sắc và tinh tế về một điều gì đó. Tôi đã thầm biết đến nó trong trái tim từ lâu, và chính ông đang cất tiếng nói về nó, một nhà khoa học được tôn sùng, một nhà dự đoán tương lai, người có kiến thức và khả năng, và người đã tiến hành nhiều nghiên cứu để củng cố suy nghĩ đó. Khoảng khắc nhận thức đó mãi ở lại bên tôi.

    Hồi đó Bucky cũng đang làm việc dựa trên một thế giới quan đang dần thay đổi, bắt đầu hình thành sau chuyến bay có người lái đầu tiên đáp xuống mặt trăng của phi hành đoàn tàu Apollo 11 vào mùa hè năm 1969. Những bức ảnh lịch sử ngoạn mục chụp Trái đất từ mặt trăng cho phép loài người lần đầu tiên nhìn thấy trọn vẹn hành tinh của mình, toàn bộ "phi thuyền Trái đất" như cách nói của Bucky. Khoảnh khắc đó, chúng ta rời khỏi vị trí là một phần của hệ thống, và lùi ra đủ xa để có thể nhìn Trái đất như một tổng thể. Chúng ta có thể thấy sự mỏng manh, vẻ đẹp, sự hoàn chỉnh và trọn vẹn tuyệt đối của nó. Tôi dám nói rằng đó là khởi đầu của một xã hội toàn cầu, nhận thức toàn cầu, nhân loại toàn cầu, và từ đó, nhận thức về nguồn tài nguyên có hạn nhưng đủ dùng của hành tinh đó cho mọi sự sống trên đó – con người, cây cối và động vật – trở thành một sự thật hoàn toàn có thể đối với tôi.

    Chính từ quan điểm này về cộng đồng toàn cầu, hiểu biết và cảm hứng từ Bucky mà tôi đã tham gia vào công việc xóa bỏ nạn đói.
     
  4. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    ĐIỀU BÍ ẨN SAU CÁI ĐÓI VÀ CUỘC CHIẾN VỚI CÁI THIẾU

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cái đói và cái thiếu dường như có mối liên hệ rõ ràng và không thể lay chuyển được. Sao tôi có thể làm việc hết mình trong những cảnh thiếu thốn cả thức ăn và nước uống, mà vẫn khăng khăng rằng thiếu chỉ là lời nói dối? Tôi chỉ có thể nói chính hiện thực phũ phàng và đầy ngạc nhiên mà tôi trải nghiệm đã thúc đẩy tôi đưa tầm nhìn của mình vượt quá những thứ ngay trước mắt. Tôi đã nỗ lực để hiểu bi kịch của nạn đói. Nó không phải một thứ bệnh dịch bí ẩn. Nó không phải do đột biến gen hay một thế lực tự nhiên. Chúng ta biết cần phải làm gì khi một đứa trẻ bị đói. Chúng ta biết một người đang chết đói cần gì. Họ cần thức ăn. Trong bức tranh tổng thể về tài nguyên thế giới không có chi tiết nào giúp tôi hiểu tại sao 1/5 nhân loại bị đói và thiếu ăn. Thế giới tràn ngập thức ăn. Hiện nay, trên thế giới chúng ta có quá đủ thức ăn cho mỗi người được ăn thêm nhiều lần. Người ta lãng phí ở khắp nơi. Tại một số nước, kể cả Mỹ, người ta trả tiền cho nông dân để họ ngừng trồng trọt. Gia súc nuôi lấy thịt tiêu thụ nhiều tài nguyên hơn lượng những người đói cần để thoát đói.

    Năm 1977 khi tôi mới bắt đầu làm việc trong Dự án Xóa đói, tôi cho rằng có người đói bởi vì người ta không có đủ thức ăn. Nếu chúng ta mang thức ăn đến cho họ, vấn đề sẽ được giải quyết. Lập luận có vẻ hợp lý. Nhưng nếu nguồn thực phẩm của thế giới nắm giữ giải pháp cho những người đói, điều gì có thể giải thích cho những con số thống kê và thực tế về cái đói hiển hiện bướng bỉnh, bi kịch như không thể giải quyết được. Tại sao thế giới có thừa thức ăn cho mọi người mà mỗi ngày 41.000 người, phần lớn trong số đó là trẻ em dưới năm tuổi, chết vì đói và các nguyên nhân liên quan đến đói?

    Liệu có phải vì không ai quan tâm? Khi những đứa trẻ đói khát kêu gào đòi thức ăn, chúng không kêu gào với tư cách người Bangladesh, người Italia hay người nghèo cùng thành phố với ta. Chúng lên tiếng với tư cách là con người, và chính bởi lòng nhân đạo, chúng ta cần phải hành động. Có phải vì chúng ta không thể nghe thấy tiếng kêu cứu đó, nên không thể đáp lại như một thành viên biết quan tâm trong gia đình nhân loại? Tại sao có nhiều người giả mù, giả điếc trước tiếng kêu của đứa trẻ, và chỉ khư khư quan tâm đến những người "của mình" – thậm chí khi chúng ta đã có thừa để chu cấp cho những người "của mình" và cả những người khác nữa?

    Nhưng nếu lòng quan tâm chính là giải pháp, tại sao những đợt quyên góp thực phẩm và tiền trên quy mô lớn của một số người không mang đến một giải pháp lâu dài?

    Có phải vấn đề nằm ở khó khăn trong phân phối? Vậy thì tại sao đồ uống có ga của Mỹ có thể tiếp cận từng người trên trái đất, chỉ cách một tầm tay?

    Có phải tại vấn đề hậu cần? Vậy thì tại sao những quốc gia hùng mạnh như Mỹ có thể trang bị hậu cần để chuyển tên lửa và bom chính xác đến mọi mục tiêu quân sự dù nó ở nơi nào trên thế giới?

    Có phải tại chính trị? Có phải tại chúng ta đa nghi và ích kỷ đến nỗi để mặc đứa trẻ chết đói bởi những người lớn chúng ta bất đồng về lý tưởng chính trị hay kinh tế?

    Điều gì đã khiến ta nghe thấy tiếng kêu cứu mà vẫn không đáp lại hiệu quả?

    Càng tiếp xúc nhiều với những người đói và những người làm việc hay ủng hộ tiền để giúp đỡ họ, tôi càng nhận ra nguyên nhân của nạn đói không phải chỉ là thiếu thức ăn. Nguồn gốc của nạn đói sâu xa và cơ bản hơn thế, bởi vì khi bạn mang thức ăn từ điểm A đến điểm B, tuy có thể giúp đỡ nhiều người trong một khoảng thời gian, thực ra bạn không giải quyết được nạn đói.

    Lịch sử đã dạy chúng ta bài học đó. Làn sóng viện trợ cho Ethiopia năm 1985 đã giúp nhiều người có cái ăn trong một thời gian nhưng không thể giải quyết nạn đói của đất nước đó. Ethiopia tiếp tục là một đất nước đói nghèo. Thực phẩm viện trợ chuyển đến Somalia khi nước này gặp khủng hoảng năm 1993 và 1994 giúp được một số người nhưng thực tế chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực và tham nhũng đang hoành hành. Tương tự, nguồn viện trợ cho Biafra trong chiến tranh, và cho Campuchia trong cuộc khủng hoảng, bản thân hỗ trợ ấy không có gì xấu, một số người được giúp đỡ, nhưng nó không thể giải quyết tận gốc nạn đói dai dẳng triền miên.

    Hết lần này đến lần khác tới mức thành thông lệ, trong những đợt ủng hộ quy mô lớn như thế, nguồn thực phẩm viện trợ bị những kẻ môi giới xấu xa nhưng có thế lực đánh cắp và bán lại. Chúng làm giàu nhờ lòng tham và nạn hối lộ lan tràn trên các đất nước kiệt quệ vì chiến tranh. Bên cạnh đó, lượng thực phẩm khổng lồ tràn vào thị trường làm giảm giá cả, khiến những người nông dân bản địa có khả năng trồng trọt không thể bán được nông sản bởi thực phẩm miễn phí ở khắp nơi – ít nhất trong một khoảng thời gian, cho đến khi cuộc tranh cướp để tích trữ và kiểm soát nguồn thực phẩm đó lắng xuống. Không những không thể giải quyết vấn đề, vòng luẩn quẩn của viện trợ, tham nhũng, thị trường khủng hoảng, và những khoản đầu tư tai hại vào nông nghiệp trở thành một phần của vấn đề. Nó tiếp tục duy trì những nguyên nhân gốc rễ của cơn khủng hoảng.

    Cuối cùng, ảnh hưởng xã hội của hình thức viện trợ quy mô lớn này là những người được nhận, thậm chí những người chỉ được một phần nào đó, càng trở nên khốn khó, nghèo nàn hơn trước kia. Họ cảm thấy yếu đuối và vô vọng bởi thấy mình không thể chu cấp cho bản thân, phải ngửa tay nhận đồ trợ cấp và chịu ơn người ngoài đã cứu họ khỏi cảnh túng quẫn hết lần này đến lần khác. Họ thấy mình giảm giá trị và yếu đuối đi. Viễn cảnh tự cung cấp được cho mình thường bị cắt đứt và thu nhỏ lại bởi những việc họ buộc phải làm nếu muốn chạm được tay vào thực phẩm "cho không". Hết lần này đến lần khác, khi tiền hay đồ viện trợ tràn đến các cộng đồng thông qua những hệ thống vốn dựa trên những giả định về sự thiếu thốn, khả năng giảm nhẹ chỉ nhất thời, và những người ở cả hai phía cho – nhận đều thấy mình vô dụng.

    Tôi trăn trở với câu hỏi đó trong hàng năm trời khi ra sức kêu gọi mọi người tham gia thanh toán nạn đói và tìm kiếm những giải pháp ổn định cho bi kịch vẫn đang tiếp diễn. Khi tôi tìm hiểu những niềm tin cơ bản của mọi người ở hầu hết mọi nơi – mọi hệ thống, thể chế, mọi quan điểm, bao gồm cả những người đang chịu đói – tôi nhận ra rằng có những giả định cơ bản đã triệt tiêu gần như tất cả nỗ lực giải quyết vấn đề. Tất cả đều có thể được quy về những ngộ nhận và ám ảnh về sự thiếu thốn.

    Dù hoàn cảnh kinh tế của chúng ta ra sao:

    Khi chúng ta tin rằng không có đủ, rằng các tài nguyên là khan hiếm, chúng ta chấp nhận việc có người giành được những thứ họ cần và có người không. Từ đó, chúng ta hợp lý hóa việc một số người phải chịu số phận khó khăn hơn.

    Khi chúng ta tin rằng càng có nhiều càng tốt, và đánh đồng việc có nhiều tiền hơn với việc có nhiều phẩm chất hơn – thông minh hơn, hay có năng lực hơn – những người nhận được ít tài nguyên hơn bị coi là kém thông minh, kém tài năng, thậm chí kém giá trị. Chúng ta cảm thấy chúng ta được phép coi thường họ.

    Khi chúng ta tin rằng đó là điều tất yếu, chúng ta thừa nhận sự vô vọng. Chúng ta tin rằng không thể giải quyết được vấn đề. Chúng ta chấp nhận rằng trong gia đình nhân loại, cả những người có nhiều lẫn những kẻ có ít đều không có đủ tiền, thức ăn hay trí thông minh và tài nguyên để tạo ra những giải pháp lâu dài.

    Bằng cách thách thức những giả định về nạn đói và viện trợ thực phẩm một cách hệ thống, Dự án Xóa đói đã vén lên bức màn của những ngộ nhận về sự thiếu thốn, mở ra những khám phá mới và khả năng mới. Cuối cùng Dự án đã đóng góp đáng kể trong công tác thanh toán nạn đói bằng cách tạo điều kiện để con người tự đứng dậy trên đôi chân của mình. Trong mọi hoàn cảnh, đối với các cá nhân cũng như đông đảo mọi người, khám phá lời nói dối và ngộ nhận về sự thiếu thốn là bước đầu tiên và mạnh mẽ nhất để chuyển mình từ tuyệt vọng và cam chịu thành độc lập và tự lực.

    Chúng ta thường triết lý về những thắc mắc lớn không lời đáp trong cuộc sống. Đã đến lúc chúng ta quan tâm đến những câu trả lời không được ai thắc mắc. Và câu trả lời lớn nhất, được chấp nhận rộng rãi nhất trong nền văn hóa của chúng ta là mối quan hệ của chúng ta với tiền. Chính đó là nơi chúng ta gìn giữ ngọn lửa và ngộ nhận về sự thiếu thốn với một cái giá rất đắt.
     
  5. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    Chương 4:

    SỰ ĐẦY ĐỦ: SỰ THẬT ĐÁNG NGẠC NHIÊN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khi bạn ngừng cố gắng kiếm thêm những thứ bạn không thật sự cần, những đại dương năng lượng sẽ được giải phóng. Bạn sẽ có thể tạo ra sự khác biệt bằng những thứ bạn có. Khi bạn tạo ra sự khác biệt bằng những thứ bạn có, nó sẽ mở rộng ra.

    Đã gần mười năm trôi qua kể từ lần đầu tôi gặp gỡ những thổ dân Achuar ở Ecuador nhưng tôi vẫn nhớ rõ kỷ niệm đó − một trải nghiệm hoàn toàn khác so với lần tôi chạm trán cái đói và cái nghèo ở Ấn Độ. Trong khu rừng nhiệt đới bên những người Achuar, tôi gặp những người sống sung túc tự nhiên. Họ sống sung túc mà không phải chiến thắng trong cuộc chơi kinh tế khốc liệt nào. Họ sống sung túc mà không cần làm ai đó chịu thiệt thòi. Họ không đánh bại ai trong chuyện gì cả. Họ sống sung túc theo cách họ ở bên nhau, sống thống nhất với những luật lệ bất biến của thế giới tự nhiên, những luật lệ tối cao tác động lên tất cả chúng ta.

    Nền văn hóa của họ không có bóng dáng của tiền. Tiền là vật thể lạ họ chỉ gặp lần đầu khi họ ra khỏi khu rừng. Đối với họ, đó là thứ vật thể kỳ cục, chỉ mang tính bổ sung, không phải là một phần cuộc sống hàng ngày hay suy nghĩ của họ. Mặc dù không có tiền, không có sở hữu, không có tích lũy của cải, và không có bất cứ tiện nghi nào của cuộc sống phương Tây như chúng ta, họ vẫn không hề thấy thiếu thốn, không lo sợ về chuyện không có đủ những thứ họ cần. Họ không chạy đua để có nhiều hơn, không cam chịu hay tin rằng họ đang sống cuộc đời kém hơn người khác. Họ đã sống (và vẫn đang sống), trải nghiệm và thể hiện sự đầy đủ. Thay vì tìm kiếm nhiều hơn, họ trân trọng và quản lý cẩn thận những thứ đang có sẵn. Thực tế, hiện giờ họ tập trung bảo vệ thứ đang ở ngay trước mắt – khu rừng – nguồn tài nguyên cho tất cả mọi người. Đối với người Achuar, giàu có nghĩa là được nếm trải và chia sẻ sự trọn vẹn, phong phú của hiện tại.

    Chúng ta, những người sống trong nền văn hóa tiền bạc, cũng có thể tìm thấy sự thanh thản và tự do ấy trong chính môi trường của mình và với tiền bạc. Tôi đã học được nhiều bài học ý nghĩa và đáng ngạc nhiên về sự đầy đủ và mối quan hệ của chúng ta với tiền từ những người có rất ít hoặc chẳng hề có tiền như những người Achuar, hay những người đang đương đầu với cuộc chiến dữ dội nhất để tồn tại trong những hoàn cảnh ta khó có thể hình dung. Một trong những bài học ấy đến từ một ngôi làng hẻo lánh ở Senegal.

    Senegal là một đất nước nhỏ ven biển, nằm ở cực Tây của lục địa châu Phi. Trong suốt thời kỳ đầu của nạn buôn bán nô lệ, đây là vùng thuộc địa giàu có của Pháp. Lâu đài của các chủ nô lệ với những khu hầm tối như nhà tù ngày nay vẫn còn đứng ngạo nghễ, trở thành điểm thu hút khách du lịch và những tượng đài đầy sức gợi về con người và sự tàn bạo thời kỳ đó.

    Phần lớn diện tích đất nước Senegal được bao phủ bởi sa mạc Sahel rộng lớn, mỗi năm lại đều đặn lấn ra phía biển. Sa mạc Sahel là một môi trường khắc nghiệt, không thân thiện với bất cứ sự sống nào, kể cả các loại cây cối và động vật thích nghi với môi trường sa mạc. Cát ở đây mịn như bụi, và mang màu cam nhạt. Thứ bụi mịn ấy tràn ngập khắp nơi, phủ lên tất cả mọi thứ gần sa mạc một lớp cát màu vàng nhạt: Đường phố, nhà cửa, cây cối, những con đường – và cả những con người.

    Chúng tôi, 18 người cộng tác và lãnh đạo trong Dự án Xóa đói, đến gặp các cư dân của một ngôi làng nằm sâu trong sa mạc, cách vài tiếng đồng hồ đi xe để bàn về nhu cầu muốn tìm nguồn nước mới hoặc một nơi sống mới của họ. Khi những người lái xe đưa xe lăn bánh trên con đường rời thành phố và đi sâu vào sa mạc, người chúng tôi bắt đầu bị phủ đầy những lớp cát mỏng và mịn ấy. Chúng len vào phổi chúng tôi theo từng hơi thở. Càng tiến sâu mãi vào những cơn gió màu vàng cam trên con đường gập ghềnh, chúng tôi càng thấy vắng vẻ bóng người, cây cối cũng như động vật. Không lâu sau đó, mắt chúng tôi chẳng còn nhìn thấy gì ngoài vùng đất cằn cỗi. Trời nóng và khô, nhiệt độ lên tới hơn 35˚C. Tôi đội mũ và quấn một chiếc khăn lớn trên mặt để tránh hít phải cát. Khung cảnh hoang vắng đến nỗi tôi khó có thể hình dung có người sống được ở đây.

    Chúng tôi đang đi trên một con đường gồ ghề không lát đá. Rồi con đường biến mất hút vào trong cát. Anh lái xe bắt đầu đưa xe đi trên xa mạc chỉ dựa vào la bàn. Những người lái xe người Senegal của chúng tôi thuộc lòng vùng sa mạc này. Đột nhiên, người lái xe đi đầu đoàn dừng lại và tắt máy. Hai người kia cũng làm theo. Khi lắng tai nghe, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng trống xa xa vọng lại. Anh lái xe mỉm cười, khởi động chiếc xe và bắt đầu lái nó về phía tiếng trống. Chúng tôi càng tiến gần, tiếng trống càng to và rộn rã. Không lâu sau, phía chân trời, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy những chấm nhỏ xíu đang di chuyển. Chúng tôi nghĩ đó là loài vật nào đó. Nhưng khi tiến lại gần, chúng tôi nhận ra đó là những đứa trẻ, hàng chục em bé chạy về phía xe của chúng tôi, hò hét vì phấn kích.

    Vậy là chúng tôi đã đến nơi, một nơi không hề có dấu hiệu của sự sống, được chào đón bởi những đứa trẻ hiếu khách, vui vẻ, tràn trề sức sống và sự trẻ trung. Nước mắt tôi tuôn ra, và tôi có thể nhận ra những người đồng hành của mình cũng đang xúc động trước màn chào đón hân hoan này. Nhiều bóng nhỏ khác cũng đang hướng về phía chúng tôi, và phía trên chúng, từ xa chúng tôi có thể nhận ra hai cây bao báp lớn đứng hiên ngang giữa mênh mông hoang vắng. Cây bao báp là loài cây có thể sống mà hầu như không cần nước, mang đến bóng râm và chỗ khuất gió hiếm hoi cho những người sống trong sa mạc.

    Phía trước chúng tôi, dưới bóng hai cây bao báp, khoảng hơn 100 người đang tụ tập. Những người đánh trống đứng giữa đám đông, và bên trong vòng tròn, có những người phụ nữ đang nhảy múa. Khi khoảng cách giữa chúng tôi thu hẹp dần, tiếng trống hòa vào không khí một nguồn năng lượng sôi nổi, và màn chào đón càng mãnh liệt. Chúng tôi đón vài đứa trẻ lên xe. Những đứa khác chạy dọc theo xe. Khung cảnh khó tin này dường như xuất hiện từ hư không. Chính họ đây, đàn ông, phụ nữ và trẻ em, nhảy múa, đánh trống, vui mừng, vỗ tay, và hò hét lên những lời chào mừng phái đoàn đến thăm.

    Chúng tôi ra khỏi xe. Hàng chục người phụ nữ chạy về phía chúng tôi, họ mặc những bộ quần áo Senegal truyền thống đẹp đẽ, với khăn trùm đầu và bộ boubou dài bằng vải bông – loại váy dài, rộng và sặc sỡ. Trống vẫn dồn dập, trẻ con hò hét, những người phụ nữ hò reo vì hạnh phúc, những người đàn ông ca hát. Đó là một cuộc chào đón xưa nay tôi chưa từng thấy.

    Dường như họ biết tôi là người đứng đầu, và họ kéo tôi vào giữa vòng tròn, nơi những người phụ nữ nhảy múa xung quanh. Tôi bị cũng cuốn theo, đưa người hòa cùng họ, theo nhịp điệu tự nhiên và tự do. Họ hò reo và vỗ tay. Những bạn đồng hành của tôi cũng tham gia, và chúng tôi cùng nhảy múa, vỗ tay, cười nói. Thời gian và khoảng cách như dừng lại. Trời không còn khô nóng nữa, cũng không còn đầy bụi và gió nữa − tất cả đã biến mất. Chúng tôi được bao bọc trong không khí lễ hội tưng bừng. Chúng tôi hòa làm một.

    Tiếng trống đột nhiên ngừng bặt. Đã đến lúc bắt đầu cuộc họp. Mọi người ngồi xuống nền cát. Người tộc trưởng tự giới thiệu, rồi giới thiệu tôi. Với sự giúp đỡ của người phiên dịch, ông giải thích rằng làng của họ cách đây vài km. Họ đến để đón chúng tôi và đều rất biết ơn khi chúng tôi đề nghị hợp tác. Ông nói rằng họ đều là những người khỏe mạnh và khéo léo, rằng sa mạc là ngôi nhà tinh thần của họ. Nhưng họ và 16 làng khác ở phía Đông đang gặp cảnh khó khăn, khi nguồn nước khan hiếm đang dần đẩy họ đến chỗ không còn lựa chọn nào. Họ không biết gì khác ngoài cuộc sống trên sa mạc này, họ là những người con kiêu hãnh của vùng đất này, nhưng họ cũng biết rằng không thể tiếp tục sống nếu tình hình nước sinh hoạt không được cải thiện.

    Các hỗ trợ xã hội không đến được với những người ở đây, ngay cả trong lúc khủng hoảng nhất. Họ mù chữ và không được tính đến khi điều tra dân số. Họ thậm chí không được tham gia bầu cử. Họ hầu như không có dấu ấn nào đối với chính phủ. Họ là những người rất kiên cường, nhưng những chiếc giếng nông của họ đã cạn nước, và họ biết rằng họ sẽ cần đến một điều gì đó vượt lên khỏi suy nghĩ hiện thời của mình để có thể vượt qua mùa khô tiếp theo.

    Những người này theo đạo Hồi, và khi chúng tôi ngồi bên nhau thành một vòng tròn để thảo luận, những người đàn ông giành toàn quyền phát biểu. Phụ nữ không ngồi ở vòng tròn trong, mà xếp thành một vòng tròn thứ hai bên ngoài, từ đó họ có thể lắng nghe và quan sát, nhưng họ không nói gì. Tôi có thể cảm thấy sức mạnh của những người phụ nữ ngồi phía sau tôi, và cảm giác họ chính là chìa khóa cho vấn đề. Trên miền đất cằn cỗi màu vàng cam này, có vẻ không thể tìm ra một giải pháp, nhưng thái độ, sự kiên cường và phẩm giá của những người này lại nói lên một điều khác. Chắc chắn sẽ có cách giải quyết, và chúng tôi sẽ cùng nhau tìm ra.

    Sau đó, tôi yêu cầu đuợc gặp riêng nhóm phụ nữ. Đó là một đề nghị lạ lùng đối với nền văn hóa đạo Hồi này, nơi các giáo sĩ và tộc trưởng được quyền nói thay cho tất cả, nhưng thật ngạc nhiên là họ cũng đã chấp thuận. Những người phụ nữ trong nhóm chúng tôi và những người trong bộ lạc tập hợp trên mặt đất nóng bỏng và ngồi sát lại gần nhau. Phiên dịch của chúng tôi là một người đàn ông, và các giáo sĩ cho phép anh tham gia.

    Trong số những người phụ nữ này, một vài người tự nhận vai trò lãnh đạo và lên tiếng ngay. Họ nói rằng họ biết rõ có một chiếc hồ nước ngầm bên dưới vùng này. Họ có thể cảm thấy nó; họ biết chắc chắn nó ở đó. Họ cần chúng tôi giúp đỡ để xin phép những người đàn ông đào một cái giếng đủ sâu để chạm đến nguồn nước. Những người đàn ông không cho phép điều đó, vì họ không tin rằng có nước và cũng không muốn phụ nữ làm công việc đó. Theo phong tục của họ, chỉ một số công việc nhất định được giao cho phụ nữ. Dệt vải và trồng trọt được cho phép. Lên kế hoạch và đào giếng thì không.

    Những người phụ nữ nói hùng hồn, mạnh mẽ và thuyết phục. Tôi nhận ra rằng họ biết rõ điều họ biết, và họ đáng tin tưởng. Tất cả những gì họ cần là được những người đàn ông cho phép họ làm theo linh tính. Đó là điều họ cần từ nguồn giúp đỡ bên ngoài. Đó là điều họ cần chúng tôi giúp.

    Tôi cảm thấy một nguồn năng lượng và quyết tâm bùng lên. Tôi nhìn xung quanh. Không khí nóng như thiêu, vo ve hàng nghìn con ruồi. Miệng và phổi tôi đầy bụi cát. Bạn có thể hình dung nơi này thật khó chịu, nhưng tôi nhớ tôi không hề thấy khát hay khó chịu – tôi chỉ cảm thấy sự hiện diện của hy vọng và khả năng ở những người phụ nữ đẹp và can đảm này.

    Khi chúng tôi khởi hành đến vùng sa mạc Sahel, tôi đã lo lắng sẽ gặp phải những người tuyệt vọng, đói khát, ốm yếu và nghèo khó. Những người này rõ ràng cần thức ăn và nước uống nhưng họ không hề "nghèo". Họ cũng không cam chịu. Họ hào hứng tìm cách vượt qua thử thách, và họ đốt lên ngọn lửa của khả năng. Họ đều ẩn chứa một nguồn nghị lực, một kho báu chứa đầy sự kiên nhẫn và khéo léo. Họ muốn sự cộng tác của chúng tôi – họ không cần tài liệu, tiền hay thức ăn – sự tôn trọng và cộng tác bình đẳng là sự giúp đỡ chúng tôi mang đến.

    Sau nhiều lần nói chuyện với cả nhóm phụ nữ và những người đàn ông, chúng tôi thỏa thuận được với các giáo sĩ và tộc trưởng rằng chúng tôi sẽ làm việc với những người phụ nữ, bởi vì chính họ đã tìm ra cách này. Do có chúng tôi cộng tác, những người đàn ông đồng ý để phụ nữ bắt đầu đào giếng. Trong suốt năm tiếp theo, khi mọi người cẩn thận phân chia nguồn nước còn lại, những người phụ nữ đào giếng bằng cả những công cụ bằng tay và những thứ thiết bị đơn giản chúng tôi mang đến. Họ đào càng ngày càng sâu xuống đất, vừa làm vừa ca hát, đánh trống, và chăm sóc con cái cho nhau, không bao giờ nghi ngờ rằng có một nguồn nước nằm ngay bên dưới họ.

    Những người đàn ông quan sát công việc bằng cặp mắt nghi ngờ, nhưng vẫn cho phép tiếp tục công việc. Tuy nhiên, những người phụ nữ không chút nao núng. Họ đều chắc chắn rằng nếu họ đào xuống đủ sâu, họ sẽ tìm thấy nước. Và quả vậy. Họ đã đào đến chiếc hồ ngầm mà họ đã hình dung ra.

    Trong những năm tiếp đó, những người ở đây đã xây dựng một hệ thống bơm và một tháp dự trữ nước. Không chỉ một, mà cả 17 làng đều đã có nước. Cả vùng đó thay da đổi thịt. Những nhóm phụ nữ lãnh đạo là trung tâm của mọi hành động trong cả 17 làng. Người ta tổ chức tưới tiêu và chăn nuôi gia cầm. Người ta mở các lớp dạy chữ và phát triển ngành dệt in hoa. Mọi người đều phát đạt và đóng góp cho đất nước. Khi gặp những thử thách mới, họ đương đầu vẫn bằng những phẩm chất và quyết tâm như trước. Những người phụ nữ giờ trở thành một phần được kính trọng của cộng đồng theo cách mới, với nhiều cơ hội lãnh đạo hơn, và cả bộ lạc đều tự hào rằng chính những người trong số họ, chính công sức của họ và mảnh đất họ sinh sống là chìa khóa dẫn đến sự sung túc của mình.
     
  6. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    SỰ ĐẦY ĐỦ: TÌM LẠI SỨC MẠNH CỦA NHỮNG THỨ CÓ SẴN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Dù trong hoàn cảnh nào, mỗi người trong chúng ta cũng đều được quyền lựa chọn lùi lại và rũ bỏ ám ảnh về sự thiếu thốn. Khi làm được điều đó, chúng ta sẽ khám phá ra sự thật đáng ngạc nhiên về sự đầy đủ. Khi dùng từ "đầy đủ", tôi không có ý ám chỉ một lượng cụ thể. "Đầy đủ" không phải là hai bậc trên ngưỡng nghèo khó, hay một bậc dưới ngưỡng giàu có. Nó không phải là phép đo vừa đủ hay nhiều hơn đủ. Nó không phải là một lượng vật chất. Nó là một cảm giác, một bối cảnh chúng ta tạo ra, một sự tuyên bố, sự nhận thức rằng có đủ, và chúng ta là đủ.

    Sự đầy đủ nằm bên trong chính bản thân ta, và chúng ta có thể khơi nó dậy. Nó là sự ý thức, sự chú ý, sự lựa chọn lý trí khi chúng ta nghĩ về hoàn cảnh. Trong mối quan hệ của chúng ta với tiền, nó là việc sử dụng tiền để thể hiện sự chính trực của bản thân, dùng tiền để thể hiện giá trị thay vì quyết định giá trị. Sự đầy đủ không kêu gọi sống đơn giản, giảm bớt hay hạ thấp hy vọng. Đầy đủ không có nghĩa là chúng ta không nên phấn đấu hay tham vọng. Nó là hành động tạo ra, phân biệt, và nhận thức được sức mạnh, sự tồn tại của những nguồn lực có sẵn bên ngoài và bên trong ta. Nó là trạng thái tỏa ta từ tâm hồn, nhắc nhở rằng nếu chúng ta nhìn quanh và nhìn vào bản thân, chúng ta sẽ tìm thấy thứ mình cần. Bao giờ cũng có đủ.

    Khi chúng ta sống trong đầy đủ, chúng ta cảm thấy tự do và chính trực một cách tự nhiên. Chúng ta sống trong cảm giác về sự viên mãn của bản thân, thay vì khao khát đến tuyệt vọng được trọn vẹn. Chúng ta tự nhiên cảm nhận được tiếng gọi chia sẻ các nguồn lực trong cuộc sống – thời gian, tiền bạc, tri thức, sức lực, ở bất cứ mức độ nào – để phục vụ những quyết tâm cao nhất. Trong sự đầy đủ đó, và trong dòng chảy của những nguồn lực đến, đi qua và được truyền sang những người khác, tâm hồn và những quan tâm tiền bạc của chúng ta hòa trộn vào nhau, tạo ra một cuộc sống giàu có, mãn nguyện và ý nghĩa.

    Đầy đủ là một sự thật. Nó có thể trở thành một điểm tựa, một bối cảnh giúp tạo ra một mối quan hệ hoàn toàn mới với cuộc sống, với tiền bạc, và tất cả mọi thứ mà tiền có thể mua. Tôi cho rằng trong tự nhiên, trong bản chất con người và các mối quan hệ đều có đủ để chúng ta cùng sống một cuộc đời thịnh vượng, viên mãn, dù bạn là ai và bạn có bao nhiêu tài nguyên. Tôi cho rằng nếu bạn sẵn sàng từ bỏ cuộc đua tích lũy hay giành giật thêm, và từ bỏ thế giới quan đó, bạn có thể dồn tất cả sức lực và tinh thần cho những thứ bạn hiện có. Khi ấy, bạn sẽ tìm ra những kho báu không thể tưởng tượng được, và sự giàu có sâu sắc và phong phú đáng ngạc nhiên, thậm chí gây choáng váng.

    Sống trong đầy đủ, suy nghĩ về sự đầy đủ và biến điều đó thành khung quy chiếu cho cuộc sống là điều cực kỳ hữu ích và quan trọng đối với thời đại của chúng ta. Trong mối quan hệ đối với tiền, chúng ta có thể tiếp tục kiếm tiền, tiết kiệm, đầu tư, chu cấp cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, với nhận thức và sự trân trọng mới đối với những thứ đang có sẵn, ta có thể sắp xếp lại mối quan hệ đó. Khi đó, thay vì coi tài nguyên trong cuộc sống là thứ liên tục giảm bớt hay thoát khỏi vòng tay ta, chúng ta sẽ coi đó là một dòng chảy sự sống, là thứ chúng ta vinh dự được nắm giữ trong hiện tại. Mối quan hệ của chúng ta với tiền không còn ẩn chứa sợ hãi mà mang những cơ hội tuyệt vời. Sự đầy đủ có thể biến đổi mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc, với tài nguyên và với chính cuộc sống.

    Tôi không định nói rằng có sẵn nguồn nước dồi dào giữa sa mạc hay thức ăn cho những người ăn mày ở Bombay. Tôi chỉ có ý rằng ngay cả khi những nguồn lực bên ngoài là thật sự thiếu thốn, thì khát vọng và khả năng tự cung cấp vốn đã là bẩm sinh và đủ để giúp chúng ta đương đầu với mọi khó khăn. Khi và chỉ khi chúng ta quan tâm đến những nguồn lực nội tại, chúng ta mới nhận ra rõ rệt sự đầy đủ trong bản thân ta và có sẵn trước mắt ta. Chúng ta có thể đương đầu hiệu quả và bền bỉ với bất cứ hạn chế nào trước mắt. Khi từ bỏ cuộc đua giành giật thêm, xem xét và trải nghiệm một cách lý trí những nguồn lực chúng ta đã có, chúng ta khám phá ra rằng nguồn lực của chúng ta giàu có hơn mức chúng ta từng biết hay từng hình dung. Khi được nuôi dưỡng bằng sự quan tâm, những tài sản ấy lại càng mở rộng và lớn lên.

    Điều này đặc biệt đúng trong mối quan hệ của chúng ta với tiền, với sức mạnh khi ta quyết tâm mở rộng và củng cố tài sản của mình. Nó càng đúng khi chúng ta quan sát những cuộc vật lộn vì tiền đang đè nặng lên chúng ta, và cảm giác thanh thản vô bờ khi ta thống nhất được tâm hồn và tiền.

    Cảm giác đầy đủ không liên quan đến số tiền bạn có. Nó chỉ liên quan đến mối quan hệ của bạn với tiền. Bài học vĩ đại mà tôi học được về cuộc đấu tranh tìm kiếm sự đầy đủ là từ những người sở hữu số tiền lớn mà cả cuộc đời chúng ta khó lòng thấy được, nhưng vẫn sống cuộc đời không hề mãn nguyện. Khi người ta bị choáng ngợp trước số tiền quá lớn, hay bị đè bẹp trong cuộc đua tìm kiếm thêm tiền, người ta đều không thể có được trải nghiệm đẹp đẽ về sự đầy đủ và trọn vẹn.
     
  7. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ Ở MICROSOFT: ĐÁNH RƠI SỰ ĐẦY ĐỦ TRONG BẬN RỘN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Năm 1998, tôi được mời đến nói chuyện với một nhóm nhân viên cao cấp ở Microsoft, khi đó là công ty phát triển nhanh nhất và là một trong các công ty thu được nhiều lợi nhuận nhất, nếu không muốn nói là công ty đứng đầu thế giới về lợi nhuận. Tôi hào hứng và thấy vinh dự vì sẽ được nói chuyện với họ về vị thế của phụ nữ tại các nước đang phát triển. Khi ấy, tôi vừa trở về từ Hội thảo Phụ nữ Thế giới lần thứ tư tại Bắc Kinh, tôi nóng lòng được chia sẻ với họ những điều tôi học được từ những bản báo cáo cũng như những câu chuyện xúc động của những người phụ nữ đến dự hội thảo. Một số trong số họ đến từ những đất nước nghèo nàn, nơi những người phụ nữ phải chịu đựng nhiều điều ta không tưởng tượng nổi.

    Trên chuyến bay từ San Francisco đến Seattle, công ty Microsoft đã đặt cho tôi vé hạng nhất – một ưu ái so với các chuyến công tác thông thường của tôi. Khi tôi nhìn những hàng ghế tiện nghi thoải mái với những hành khách ăn mặc sang trọng, tôi nhận ra mình sắp bước vào một thế giới đặc biệt và sắp nói chuyện với những người phụ nữ ngày ngày sống, làm việc trong thế giới đó. Những người sẽ đến dự buổi nói chuyện là những nhân viên đứng đầu trong thứ bậc của công ty. Trước đó tôi đã được giới thiệu ngắn gọn rằng trung bình, thu nhập của những người phụ nữ này vào khoảng 10 triệu đô-la, độ tuổi khoảng 36, và quá nửa trong số họ đã có gia đình. Tôi biết mình sắp được tiếp xúc với trái tim của một công ty dẫn đầu thế giới về lĩnh vực công nghệ, và tôi sắp trò chuyện với những người hàng đầu trong lĩnh vực đó, những người cũng cực kỳ giàu có và thành công trong cuộc sống riêng khi còn rất trẻ.

    Khi chiếc xe hơi sang trọng đưa tôi đến trụ sở của Microsoft, tôi tiếp tục nghĩ về họ và càng ý thức được khả năng tạo ra một thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của họ bằng cách kết nối họ với những người phụ nữ ở những nơi nghèo nàn nhất trên thế giới, phần dân số tính bằng đơn vị hàng trăm triệu người. Tôi nghĩ về ý nghĩa của sự kết nối này đối với cả hai phía, và sự may mắn của tôi khi được đặt chân đến cả hai thế giới đó.

    Tại trụ sở rộng lớn của Microsoft, tôi được hộ tống vào một văn phòng trang nhã, đến một phòng hội thảo để dùng trà chiều với một nhóm phụ nữ sẽ đến dự buổi nói chuyện vào buổi tối. Tôi đã yêu cầu tổ chức cuộc gặp nhỏ này bởi tôi muốn tìm hiểu thêm về họ, nói chuyện với một vài người để biết sau đó tôi cần làm gì để kết nối được dễ dàng hơn với những người phụ nữ có cuộc sống và kinh nghiệm khác thường này.

    Khi uống trà, 10 người phụ nữ trẻ, năng động và cực kỳ tự tin chia sẻ đôi điều về cuộc sống gia đình và công việc. Bảy người trong số họ đã kết hôn và có con. Khi được yêu cầu mô tả một ngày bình thường trong cuộc sống, họ kể cho tôi nghe những lịch trình căng thẳng gần giống nhau: Họ thức dậy sớm, thường là lúc 5h30 hay 6h sáng. Đối với phần lớn trong số họ, bữa ăn duy nhất cùng gia đình, nếu có, là bữa sáng. Họ có bảo mẫu và quản gia tại nhà. Sáu người trong số họ lấy chồng hiện cũng đang làm việc tại Microsoft. Phần lớn họ đều nói họ cho con ăn, săn sóc và mặc đồ cho con vào buổi sáng, sau đó hoặc để bảo mẫu đưa bọn trẻ đến trường, hoặc tự mình đưa con đi học. Sau đó, họ đi làm, và đến 8h sáng thì đã lên mạng. Họ thường không nghỉ trưa, và làm việc qua giờ ăn tối bình thường, đến tận 9h, đôi khi là 10h tối. Họ trở về nhà, ăn bữa tối muộn với chồng, hôn chúc ngủ ngon những đứa con đang say ngủ, và sau bữa tối lại lên mạng, đôi khi đến tận 1h sáng. Buổi sáng hôm sau – với nhiều người nghĩa là vài tiếng đồng hồ sau – họ lại bắt đầu một vòng quay mới. Hầu như mọi người đều thầm mang một nỗi nuối tiếc: Ngày ngày họ tự hứa với mình sẽ trở về nhà sớm hơn, ngủ nhiều hơn, tập thể dục nhiều hơn, làm những điều còn dang dở trong cuộc sống, và ngày ngày, họ không tiến thêm được bước nào trong việc thực hiện những quyết tâm ấy.

    Sau đó, tôi hỏi họ về kỳ nghỉ cuối tuần. Hầu như tất cả đều làm việc ở văn phòng vào thứ Bảy. Thỉnh thoảng, họ nghỉ làm để đến dự buổi khiêu vũ hoặc trận đấu bóng đá của con, nhưng thường thì họ ở lại văn phòng đến 5 hay 6h chiều. Tôi hỏi tiếp về ngày Chủ nhật. Phần lớn kể rằng họ ở nhà vào Chủ nhật, nhưng cũng thừa nhận, họ bị hút vào chiếc máy tính nhiều hơn bất kỳ hoạt động nào khác, và thường lên mạng ít nhất là nửa ngày.

    Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, họ hứa với mình, với chồng và con là sẽ thực hiện nốt dự án tiếp theo, hoàn thành nốt cái hạn tiếp theo, và sau đó sẽ ở nhà nhiều hơn, sẵn sàng quan tâm đến mọi người hơn, chú ý chăm sóc con cái hơn, nhưng điều này chẳng mấy khi xảy ra. Họ cảm thấy một nỗi ức chế dai dẳng sau những lần thất hứa.

    Phong cách sống và làm việc như vậy không phải là cá biệt, mà rất phổ biến trong các đồng nghiệp của họ. Tất cả đều có nhiều tiền, có thể chi trả cho mọi loại dịch vụ chăm sóc con cái, gia đình, và đó là điều họ đã làm, thường xuyên hơn mức họ muốn thừa nhận. Họ đều thấy tiếc nuối, nhưng trò chơi căng thẳng họ đang tham gia tại bộ phận đầu não này của công ty đòi hỏi sự tận tụy toàn tâm toàn ý đến mức công việc luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của họ. Gia đình chỉ xếp ở vị trí thứ hai. Họ đều thấy lúng túng và thất vọng với chính mình bởi những thỏa hiệp trong cuộc sống gia đình.

    Sau đó, tôi hỏi họ thêm về cuộc sống bên ngoài, bạn bè của họ là ai, và ngoài công việc, họ nói những câu chuyện gì. Người nọ tiếp người kia chia sẻ với tôi rằng cuộc sống của họ là màn hình máy tính. Hầu hết các trao đổi của họ diễn ra trên mạng, và thường xoay quanh việc phát triển phần mềm mới hay làm sao để đạt các mục tiêu về hiệu suất và chất lượng. Họ hầu như không biết gì về thế giới bên ngoài, dù là Seattle hay nước Mỹ, và đương nhiên, họ không biết đến những người ở các nước đang phát triển, hay phụ nữ ở những nơi khác trên thế giới. Họ rất hào hứng khi biết rằng tối đó tôi sẽ nói chuyện về những người phụ nữ ở các nước đang phát triển, nhưng quả là đề tài đó không nằm trong các chủ đề họ thường nói đến hay có dính líu gì tới cuộc sống hàng ngày của họ. Họ không có thời gian, và họ cũng không có không gian tâm hồn để tiếp nhận bất cứ ai hay bất cứ thứ gì ngoài những việc khẩn cấp cần làm ngay lập tức.

    Chúng tôi nói chuyện về của cải của họ. Ngoài những tài sản vật chất mà họ không mấy khi có thời gian hưởng thụ, họ có được rất ít niềm vui từ số tiền họ kiếm được. Rất ít người trong số họ cho người khác tiền, và hầu như không ai có thời gian đi nghỉ. Tiền bạc của họ và việc dùng tiền để mua các dịch vụ chăm sóc con cái và nhà cửa, chỉ khiến họ làm việc vất vả hơn và lâu hơn. Nó không mang lại tự do hay sức sống như họ từng hy vọng và có lúc mong chờ. Lời hứa của họ đối với chính mình là một ngày nào đó, điều đó sẽ thành sự thật. Một ngày nào đó, họ sẽ nghỉ hưu và sống hạnh phúc mãi mãi.

    Tối hôm đó, khoảng một trăm phụ nữ đến dự bữa tối dành cho nhân viên cao cấp. Trước tiên, Riane Eisler, nhà sử học, tác giả cuốn The Chalice and the Blade: Our History, Our Future (Chiếc cốc và Lưỡi dao: Lịch sử của chúng ta, Tương lai của chúng ta) nói về một nghìn năm qua trong lịch sử của phụ nữ, những tìm hiểu bà đã viết trong cuốn sách. Bà mô tả cái mà bà gọi là mô hình thống trị hành động, theo đó đàn ông và những nguyên tắc đàn ông truyền thống chiếm ưu thế, và sự khác biệt giữa mô hình đó với cái bà gọi là mô hình hợp tác, đặc trưng bởi những nguyên tắc nữ giới trong hợp tác và cộng tác. Tiếp đó đến lượt tôi.

    Tiếp nối câu chuyện từ góc độ lịch sử và nghiên cứu uyên bác của Eisler, bài nói chuyện của tôi tập trung vào những chi tiết trong cuộc sống hàng ngày và trải nghiệm của những người phụ nữ sống trong những hoàn cảnh khốn khó như ở Senegal hay Bangladesh. Cũng như những người phụ nữ ở Microsoft, họ làm việc vất vả, 16-18 tiếng một ngày; cả đời chỉ xoay quanh chuyện chu cấp được cho con cái, gia đình, và các mối quan hệ của họ với nhau nâng đỡ, giúp họ tồn tại trong cuộc sống khắc nghiệt. Những người phụ nữ ở Microsoft thích thú được biết rằng họ nằm trong 1% phụ nữ trên thế giới có quyền lựa chọn và được sử dụng nguồn tài chính theo ý mình để xây dựng cuộc sống của gia đình. Tôi đề nghị họ nghĩ đến một tỷ phụ nữ vẫn sống bằng số tiền hai đến năm đô-la một ngày.

    Tôi chia sẻ với họ những điều tôi biết và chứng kiến về quyết tâm của những người phụ nữ ở các nước đang phát triển đối với gia đình họ, những bài hát và điệu nhảy đã truyền sức sống cho họ, khả năng bao bọc cho con cái của họ, không chỉ trong vất vả mà cả trong niềm trân trọng cuộc sống và tình yêu thương. Tôi kể cho họ nghe về những vất vả ghê gớm mà họ đã vượt qua trong cuộc sống, về những vùi dập, cách ly và nô dịch mà họ phải trải qua, và về sự can đảm mà họ đã dựa vào để sống. Tôi cũng kể rằng những người phụ nữ này luôn trân trọng và biết ơn những thứ giản dị họ có, rằng những mối quan hệ phong phú, đẹp đẽ mà họ chia sẻ được sinh ra từ nhu cầu. Trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, mọi thứ đều phải hướng vào cộng đồng. Tất cả đều phải dành để quan tâm, chăm sóc cho nhau, hợp tác, giúp đỡ nhau, và đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có cơ hội. Trong mối liên kết và quan tâm ấy, những người phụ nữ không chỉ tồn tại mà còn cảm nhận được sự giàu có thật sự của mình.

    Những người phụ nữ thành đạt trong cuộc nói chuyện đáp lại bằng những suy tư chân thành về cuộc sống của mình, về việc ham muốn thăng tiến trong công việc như con ngựa bất kham có thể buộc họ phải trả cái giá không thể hình dung hoặc chấp nhận một cách ý thức – những thời gian đã mất, những trải nghiệm không thể thay thế trong thời gian đầu của cuộc sống gia đình, hay những mối quan hệ ý nghĩa với con người, cuộc sống quanh họ, và hơn thế nữa. Nhiều người dường như cảm nhận được họ đang bỏ lỡ cơ hội sống thật sự.

    Tôi không định khuyến khích họ rời công ty hay làm bất cứ gì khác. Tôi chỉ muốn họ kết nối và hiểu những người chị em của họ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, cuộc nói chuyện về những người phụ nữ sống trong khắc nghiệt, thù hằn và sự quan tâm chúng tôi dành cho họ là cơ hội để những nhân viên cấp cao này lùi lại một bước và nhìn lại cuộc đua họ đã tham gia mỗi ngày, đồng thời suy nghẫm về việc liệu họ có muốn tiếp tục lao vào đó mù quáng và tuyệt đối như trước nữa hay không.

    Thời gian ngừng lại để suy ngẫm rất quan trọng đối với những người phụ nữ đó. Trong lúc ấy, họ có thể ngừng cuộc đua mù quáng tìm kiếm thêm – thêm tiền, thêm địa vị trong công ty, thêm thành công – và nhận ra những gì họ đã phải chịu đựng trong vòng siết chặt của nó lên cuộc sống. Thời gian đó cũng cho phép họ hồi tưởng lại những lần họ thấy thật sự mãn nguyện trong công việc, gia đình, niềm tự hào về tài năng, về thành công của bản thân, và công ty đã khẳng định cũng như công nhận họ là những nhà lãnh đạo. Đối với họ, cảm giác mãn nguyện về gia đình và sự nghiệp là một trải nghiệm hoàn toàn mới.

    Tôi nhớ mình đã đứng trước mặt họ, lặng người nhìn những khuôn mặt bừng sáng cảm giác mãn nguyện. Tôi vẫn nhớ nét vui mừng của họ khi tôi mời họ tìm một người bạn ngay trong buổi nói chuyện và dành chút thời gian chia sẻ với nhau về những điều họ trân trọng và biết ơn trong gia đình mình, trong những mối quan hệ tại nơi làm việc hay ở nhà. Tràn ngập căn phòng là cảm giác về sự hài lòng viên mãn khi họ lần lượt đứng dậy và chia sẻ suy nghĩ về sự trọn vẹn và đầy đủ trong cuộc đời và cảm giác ấy đã biến mất ra sao khi họ mải miết trong cuộc đua để giành thêm mọi thứ.

    Những người phụ nữ này đã ở đỉnh cao trong cuộc chơi sự nghiệp và đời sống gia đình, nhưng chính cuộc chơi đó đã cướp đi cảm giác chiến thắng hay mãn nguyện, và luật của cuộc chơi dựa trên ám ảnh về sự thiếu thốn: Họ phải có được nhiều hơn, nhiều hơn vẫn không bao giờ là đủ, và cuộc đua không bao giờ có điểm dừng. Từ câu chuyện của họ, tôi nhận ra rằng khi ta hứa với mình đến một lúc nào đó ta sẽ dừng lại, chính lời hứa đó là một phần ảo tưởng và ngụy biện mù quáng khiến ta tiếp tục cuộc chơi, thêm một vòng nữa, thêm một lượt nữa, thêm một thứ gì đó tùy bạn gọi. Tôi cũng nhận ra vẻ đẹp và sức mạnh khi ta tạo ra một môi trường mà bạn có thể rũ bỏ ám ảnh về sự thiếu thốn, dù chỉ trong một khoảnh khắc, và nhận ra rằng nó chỉ là một ám ảnh, không hơn. Nó không phải là quy luật, không phải là vô vọng. Nó không phải là tất yếu. Tôi học được rằng ngay cả những người bị cuốn đi mãnh liệt nhất trong vòng xoáy của nó vẫn có thể dừng và nhìn lại. Hành động đó, dù trong một tích tắc, cũng có thể tác động sâu sắc và lâu dài lên cách con người tiếp tục cuộc sống của mình.

    Trong những năm sau đó, vài người trong số họ viết thư cho tôi, kể rằng họ đang nghỉ việc và chia sẻ với tôi những hiểu biết và trải nghiệm sau quyết định đó. Một vài người khác kể rằng họ đã sắp xếp lại công việc của mình, và cơ bản vẫn sống như trước kia, nhưng nhìn nó qua lăng kính của sự viên mãn và biết ơn, thay cho sự sợ hãi, cạnh tranh và tồn tại mờ nhạt. Một vài người khác tham gia và gắn bó với các hoạt động xã hội, đi đến những nước đang phát triển với gia đình trong kỳ nghỉ. Một số khác tìm được niềm vui khi đóng góp và đầu tư tiền cho các hoạt động từ thiện để thanh toán nạn đói, xóa nghèo hay những bất công trắng trợn. Một số đã chuyển sang làm việc cho Quỹ Bill và Melinda khi đó mới thành lập, và hiện nay là một trong những quỹ lớn và mang tính đột phá nhất trên thế giới.

    Cuộc gặp gỡ tối hôm đó là một kỷ niệm tôi không thể quên. Những người phụ nữ ấy có rất nhiều; không chỉ tiền bạc của cải, mà cả năng lực quan tâm và kết nối sâu sắc mà trước đó hầu như bị bỏ quên hoàn toàn trong cuộc sống vội vã xa hoa. Khao khát dành cho các mối quan hệ, cho gia đình, cho những người phụ nữ phải chịu thiệt thòi, hay đơn giản hơn, khao khát tạo ra khác biệt là biểu hiện mạnh mẽ của nguồn năng lượng tâm hồn và khả năng nằm trong mỗi chúng ta. Tối hôm đó, kho báu thức tỉnh của họ đã tràn ngập trái tim tôi.
     
  8. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    SỰ ĐẦY ĐỦ LUÔN SẴN CÓ TRƯỚC MẮT

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thế nào là đủ? Mỗi người trong số chúng ta có định nghĩa của riêng mình, nhưng hiếm khi chúng ta để cho mình cảm nhận điều đó. Bao giờ là lúc chúng ta thấy hạnh phúc trọn vẹn, đâu là nơi chúng ta có mọi thứ chúng ta muốn và cần, không thừa bất cứ thứ gì? Hầu như không ai có thể nhớ ra đã có lúc nào trong cuộc đời ta cảm nhận được điều đó. Như những người phụ nữ ở Microsoft, chúng ta thường vội vã vượt qua mốc đủ, như thể nó không hề ở đó. Tiếp đó sẽ đến lúc có nhiều hơn mức ta cần trở thành một gánh nặng. Chúng ta được bù đắp quá nhiều, nhồi nhét quá nhiều, ngập trong những thứ quá nhiều, tìm kiếm sự mãn nguyện bằng cách cố gắng nhiều hơn. Chúng ta không thể tìm thấy cảm giác mình khao khát khi lao vào cuộc đua tìm kiếm sự viên mãn hay giành thêm bất cứ thứ gì.

    Mỗi người chúng ta thông qua mối quan hệ với tiền, với nhau và với cuộc sống có thể giành lại cảm giác đầy đủ, trọn vẹn cho mình. Chúng ta có thể tìm lại sự viên mãn và mãn nguyện. Người thầy vĩ đại nhất về sự đầy đủ chính là thiên nhiên và những quy luật tự nhiên của trái đất – những thứ luật không cần bổ sung sửa đổi hay tranh cãi trong Thượng nghị viện. Đó là những luật chúng ta phải tuân theo, dù ta có công nhận hay không.

    Dana Meadows, nhà môi trường học vĩ đại đã nói rằng một trong những định luật cơ bản nhất của trái đất là định luật về sự vừa đủ. Bà từng viết, thiên nhiên nói rằng chúng ta "có quá nhiều, không hơn. Quá nhiều đất. Quá nhiều nước. Quá nhiều ánh nắng. Tất cả mọi thứ sinh ra trên trái đất lớn lên đến mức phù hợp thì dừng lại. Hành tinh này không lớn lên, nó chỉ tốt lên. Những sinh vật sống trên đó học tập, trưởng thành, sinh sôi, tiến hóa, tạo ra những vẻ đẹp, điều mới mẻ và sự phức tạp phi thường, nhưng vẫn chỉ trong những giới hạn tuyệt đối".

    Những ví dụ của tự nhiên có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, dạy ta những bài học cần thiết để tạo ra đột phá trong mối quan hệ với cuộc sống, để nó trở nên bền vững. Đặc điểm của sự đầy đủ cho phép chúng ta biến nền văn hóa không bền vững thành bền vững.

    Liệu trong mối quan hệ của chúng ta với tiền và các nguồn lực, với tư cách cá nhân và cộng đồng, chúng ta có thể rũ bỏ mặc định rằng cái gì càng có nhiều càng tốt? Liệu chúng ta có thể nhận ra rằng tốt hơn không phải nhờ có nhiều hơn, mà nhờ đào sâu hơn cảm giác với những thứ có sẵn? Thay vì định nghĩa trưởng thành bằng những tiêu chí bên ngoài, bằng thu thập và tích lũy thêm tiền hay tài sản, liệu ta có thể định nghĩa trưởng thành là biết và trân trọng những tài sản ta đang nắm trong tay?

    Tôi cho rằng sự đầy đủ rất chính xác. Vừa đủ là điểm bạn có thể đạt đến và lưu lại. Chúng ta thường nghĩ rằng "dư dả" mới là vạch đích mà chúng ta hướng đến và sẽ nhận ra. Tuy nhiên, đó là khái niệm không thể nào nắm giữ được nếu chúng ta nghĩ sẽ tìm được nó khi ta có thứ gì đó rất nhiều. Sự dư dả thực thụ là điều thật sự tồn tại; nó sinh ra từ cảm giác đầy đủ, trong trải nghiệm về vẻ đẹp và sự viên mãn của nó. Dư dả là sự thật của tự nhiên. Luật cơ bản của tự nhiên viết rằng có đủ và có hạn. Sự có hạn của nó không phải là điều đáng lo ngại, nó tạo ra một mối quan hệ chính xác hơn, đòi hỏi sự trân trọng và khả năng quản lý những tài nguyên đó bằng ý thức rằng chúng rất quý giá, trong việc tạo ra những điều tốt nhất cho nhiều người nhất. Tôi có thể nhận ra trong những phong trào bảo vệ môi trường hiện nay, nếu muốn đạt đến sự bền vững, ta cần nhận thức và khẳng định rằng chúng ta thật sự có cái chúng ta cần – không phải tài nguyên đang biến mất và chúng ta phải tiết kiệm bởi nó đang hao hụt dần đi – mà là chúng ta có cái chúng ta cần chính xác ở mức chúng ta cần tới. Do đó, chúng ta phải sử dụng chúng để tạo ra sự khác biệt. Chúng ta phải biết rằng nguồn lực là có hạn và quý giá, nhưng nó luôn có đủ.

    Quan điểm này thống nhất với các quy luật của tự nhiên, kéo theo một hệ thống nguyên tắc và giả định mới cho nền văn hóa tiền bạc mới. Nó dạy chúng ta cách quản lý tiền chứ không phải tích cóp tiền. Nó dạy chúng ta cách sử dụng tiền bạc khôn ngoan và hiệu quả để phản ánh những tài sản tâm hồn, thay vì trình diễn khoa trương các tài sản vật chất. Khi làm như vậy, dù bạn là một tỷ phú người Mỹ hay một nông dân Guatemala, một người mẹ độc thân ở trung tâm thành phố hay một nhà quản lý bậc trung thuộc tầng lớp trung lưu, cảm giác đầy đủ và việc quản lý đầy trân trọng nguồn tài chính và các nguồn lực khác sẽ mở rộng cánh cửa dẫn đến hạnh phúc viên mãn. Sẽ chẳng có sự hy sinh – mà chỉ có sự hài lòng.

    Sống đầy đủ cho phép chúng ta trải nghiệm khả năng và giới hạn tự do cá nhân. Trong khi những ngộ nhận về sự thiếu thốn quy định cách nhìn thế giới là không có đủ, càng có nhiều càng tốt và đó là quy luật. Sự thật về sự đầy đủ khẳng định rằng có đủ cho tất cả mọi người. Nhận thức đó khởi nguồn cho sự chia sẻ, sự hợp tác và cống hiến.

    Có thể cách kiểm soát cuộc sống và thế giới của chúng ta không cho phép ta cảm nhận những điều đó vào mọi lúc, nhưng sự thật là có đủ và bất cứ sự dư dả hay giàu có thật sự nào đều bắt nguồn từ nhận thức về sự đầy đủ và sự đảm bảo rằng có đủ. Như Buckminster Fuller đã tuyên bố vào những năm 1970, đây là thế giới dành cho tất cả mọi người, không ai, không cái gì bị bỏ rơi, và chúng ta có sức mạnh cũng như tài nguyên để xây dựng thế giới bạn-và-tôi thay cho thế giới bạn-hoặc-tôi. Có đủ cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, để có được cảm giác vừa đủ, bạn phải sẵn lòng từ bỏ – từ bỏ cả cuộc đời gắn liền với những bài học và những lời nói dối về sự thiếu thốn.

    Trong câu chuyện dân gian thời hiện đại Hershel và yêu tinh Hannukah của Erik Kimmel, một đám yêu tinh độc ác định phá buổi lễ kỷ niệm của một ngôi làng nhỏ, nhưng Hershel khôn ngoan đã lần lượt đánh lừa tất cả. Khi gặp một con yêu tinh tham lam, Hershel đưa cho nó một bình dưa muối. Khi con yêu tinh thò tay vào bình và nắm một nắm đầy, nó tức điên lên vì thấy bàn tay mình đã bị kẹt chặt trong chiếc bình. Quá tức tối vì bị bẫy, nó dồn cơn thịnh nộ vào Hershel. Cuối cùng, anh nói: "Mi có muốn ta chỉ cách phá vỡ lời nguyền không?"

    "Có!" Con yêu tinh hét lên. "Ta không thể chịu được nữa rồi!"

    "Hãy thả nắm dưa ra." Hershel trả lời. "Chính lòng tham của mi là lời nguyền giam cầm mi."

    Tất nhiên chúng ta không phải bọn yêu tinh ác quỷ dại dột và tham lam đó, nhưng sự sợ hãi trước sự thiếu thốn đã khiến chúng ta cố hết sức dang tay ôm chặt càng nhiều càng tốt, và lại tiếp tục níu lấy nhiều hơn nữa. Chừng nào chúng ta còn bám lấy niềm lo sợ ấy, chúng ta vẫn còn bị nó giam hãm, bàn tay đầy của cải, nhưng trái tim đầy sợ hãi và không trọn vẹn. Khi chúng ta từ bỏ nỗi sợ hãi và những cố gắng không điều kiện để tìm kiếm nhiều thêm, chúng ta đã tự giải phóng bản thân khỏi nhà tù. Chúng ta có thể dừng lại để suy xét xem ta đang sống ra sao với những thứ ta có, và liệu tiền có phục vụ những quyết tâm cao nhất của ta hay không.

    Khi chúng ta ngừng cố gắng tìm kiếm thêm những thứ ta không thật sự cần, chúng ta cũng tự giải phóng một nguồn năng lượng mãnh mẽ đã bị cầm tù trong suốt cuộc đua. Chúng ta có thể tập trung và phân phối lại nguồn năng lượng và sự quan tâm của mình để trân trọng những tài sản ta đã có, những thứ đang ở sẵn bên ta, và tạo ra thay đổi bằng những tài nguyên ấy. Không chỉ nhận ra, mà ta còn tạo ra thay đổi bằng những thứ chúng ta đã có. Khi bạn tạo ra thay đổi bằng thứ bạn có, nó sẽ tự mình lớn lên.

    Anne Morrow Lindbergh hiểu được đặc điểm tinh tế của sự vừa đủ khi bà viết trong cuốn sách Gift from the Sea (Món quà của Biển cả) :

    Người ta không thể nào nhặt hết những vỏ sò, vỏ ốc đẹp trên bãi biển. Người ta chỉ có thể nhặt được một ít, và chúng càng đẹp nếu chúng chỉ có ít. Một chiếc vỏ ốc sẽ ấn tượng hơn ba chiếc.. Mỗi lần chỉ một.. chỉ giữ lại những mảnh hoàn hảo, không nhất thiết là một mảnh hiếm, nhưng một mảnh hoàn hảo loại đó. Một chiếc đặc biệt bởi vẻ đẹp của chính nó, được không gian bao bọc giống như một ốc đảo. Chính bởi vì nó có hạn trong không gian, vẻ đẹp của nó càng rạng rỡ. Chỉ trong không gian những sự kiện, đồ vật và con người mới là độc nhất và quan trọng, và do đó, mới đẹp.

    Trong suốt nhiều năm làm công việc gây quỹ, tôi đã làm việc và tiếp xúc với nhiều người, dù đó là những người được gọi là giàu có, trung lưu hay lam lũ, họ cũng đều được nếm trải cảm giác viên mãn và đầy đủ khi dùng những nguồn lực họ có, ở bất cứ mức độ nào, để tạo ra thay đổi. Khi họ sử dụng những thứ họ có để thực hiện những lý tưởng, quyết tâm cao nhất và thể hiện những giá trị sâu sắc nhất, trải nghiệm về sự giàu có thật sự của chính họ tự mở rộng ra.
     
  9. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    SỰ ĐẦY ĐỦ TRONG KINH DOANH

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trước kia tôi thường cho rằng thế giới kinh doanh rất xa vời đối với tôi và công việc của tôi. Mặc dù, tôi cảm thấy những nguyên tắc về sự đầy đủ vẫn đúng và có giá trị trong công việc kinh doanh cũng như trong việc làm từ thiện, đề xuất các sáng kiến kinh tế – xã hội toàn cầu, hay đơn giản là thay đổi bản thân. Thế giới kinh doanh ngày nay còn xa cách hơn. Khi gây quỹ, tôi hầu như chỉ làm việc với cá nhân, ít khi tiếp cận với các công ty hay các quỹ do công ty hỗ trợ. Con đường chúng tôi đi không gặp nhau.

    Tôi cũng nhận ra rằng khi việc kinh doanh và sức mạnh của nó được đặt trên nền móng là những nguyên tắc về sự đầy đủ, nó sẽ thành công và lớn mạnh một cách bền vững. Đồng thời, những thất bại gần đây như Enron là bằng chứng hùng hồn rằng khi kinh doanh dựa trên tư duy ích kỷ, bị ám ảnh bởi sự thiếu thốn, nó chỉ gây ra bất ổn về tài chính, sự mất bền vững, mặc dù những lợi ích tức thời có thể rất cao.

    Trong khi viết cuốn sách này, tôi cũng nhận ra rất nhiều trong số những người khuyến khích và động viên tôi viết là những doanh nhân thành đạt, những bộ óc kinh doanh và lãnh đạo hàng đầu trên thế giới. Một số là tỷ phú, triệu phú, và những người khác thì rất được kính trọng bởi sự thông thái trong kinh doanh, kinh tế và tiền bạc. Cuộc sống của chúng tôi gặp gỡ nhau bên ngoài địa hạt của chuyện kinh doanh, nhờ những sở thích chung với tư cách là các nhà hoạt động xã hội và các nhà từ thiện. Tôi biết họ với tư cách là bạn bè và đồng nghiệp trong hoàn cảnh đó.

    Trong suốt nhiều năm, đôi khi với tư cách cố vấn, và phần lớn thời gian là người quan sát, tôi đã chứng kiến những thành công phi thường của các công ty, nơi sự đầy đủ được coi là nguyên tắc hàng đầu, tạo điều kiện để sử dụng hiệu quả và sáng tạo các nguồn lực, kết hợp trách nhiệm xã hội với quyết tâm sâu sắc phát triển dịch vụ và chất lượng. Những công ty đó có ở Nhật Bản, Anh, Thụy Điển, Đức, Mỹ và những môi trường đầy tính cạnh tranh khác nữa. Họ không từ bỏ mục tiêu lợi nhuận hay quyết tâm tăng thị phần. Họ chỉ đơn giản đặt song song việc theo đuổi mục tiêu với ý thức về đạo đức kinh doanh khi phát triển sản phẩm, sản xuất, định giá, thuê lao động, quản lý và chăm sóc khách hàng.

    Paul Dolan, chủ tịch của công ty Fetzer Vineyards và Winery thuộc thế hệ thứ tư trong một gia đình sản xuất rượu. Ông yêu tha thiết ngành làm rượu, mảnh đất, và thế giới của ẩm thực và rượu. Ông là một doanh nhân đặc biệt, một nhà lãnh đạo tiên phong trong việc nghiên cứu những phương pháp sản xuất bền vững cho công ty và ngành hoạt động của mình, đồng thời ông cũng là một nhà từ thiện năng động, một người hợp tác với chúng tôi trong công tác bảo vệ rừng.

    Một lần, Paul mời cả nhóm chúng tôi, tất cả cộng tác viên như ông trong dự án bảo vệ rừng nhiệt đới của Liên minh Pachamama, đến thăm ông tại Fetzer Vineyards ở Hopland, California. Ông muốn chỉ cho chúng tôi những thay đổi kỳ diệu đang diễn ra trong công ty của mình – những thay đổi giờ âm thầm xuất hiện trong toàn ngành sản xuất rượu ở Mỹ.

    Paul và các đồng sự đã xác định vị trí của mình trong mối quan hệ với tiền bạc bằng sự minh bạch tuyệt vời, với tư cách là một công ty có trách nhiệm với xã hội và thu được nhiều lợi nhuận. Tuyên bố về sứ mệnh của công ty nêu rõ tất cả các quyết tâm ấy:

    Chúng tôi là công ty trồng, sản xuất, tiếp thị loại rượu vang chất lượng và giá trị hàng đầu với ý thức cao về môi trường và xã hội.

    Làm việc hòa hợp và tôn trọng tâm hồn con người, chúng tôi cam kết chia sẻ thông tin về thú vui thưởng thức rượu và các món ăn trong một lối sống điều độ và có trách nhiệm.

    Chúng tôi cống hiến hết mình để liên tục phát triển đội ngũ nhân lực và công việc kinh doanh của mình.

    Sứ mệnh này đang được thực hiện nghiêm túc trên mọi centimet vuông mặt bằng sản xuất do Fetzer sở hữu và bởi từng con người làm việc ở đó. Công ty Fetzer trở thành một cơ sở bền vững về mặt môi trường, trồng nho theo phương pháp hữu cơ, chứng minh cho ngành kinh doanh đó rằng thuốc trừ sâu, chất hóa học và việc biến đổi đất bằng các phương pháp không tự nhiên là không cần thiết, thậm chí không thể tồn tại lâu dài.

    Ở những ruộng trước kia nhiều chuột, người ta làm tổ cho cú. Cú giúp hạn chế số lượng chuột ở mức tự nhiên, đồng thời tạo ra khung cảnh đẹp trong vùng khi chúng bay lượn và làm tổ. Bất cứ khi nào có một loài côn trùng gây hại xuất hiện, Fetzer lại tạo môi trường mời mọc những loài thiên địch của chúng đến.

    Với những khía cạnh khác trong việc kinh doanh, công ty đều quan tâm đến tính an toàn và bền vững môi trường. Từ việc làm và bảo quản rượu cho đến những đội xe tải và xe kéo chạy điện dùng để di chuyển quanh các khu ruộng, công ty nỗ lực để vận hành hòa hợp với môi trường. Trong từng bước của quá trình đưa rượu ra thị trường, Paul và đồng sự luôn chú ý đảm bảo bền vững về mặt môi trường và tôn trọng trái đất. Chính những điều đó giúp tạo ra những loại rượu tuyệt hảo hơn, ngon hơn và đặc sắc hơn. Tình yêu của ông đối với đất, với con người, với ngành sản xuất và cam kết trách nhiệm cũng như mối quan tâm đến sự điều độ của người sử dụng rượu đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng tôi. Tinh thần mà ông dùng để lãnh đạo công ty thật đáng kinh ngạc, và điều đáng quý hơn nữa chính việc ông quyết tâm chứng minh sự đầy đủ của đất đai, cây cối, động vật, côn trùng và vòng tuần hoàn trọn vẹn của tự nhiên nếu nó được tôn trọng, quan tâm và hiểu đúng.

    Cuối cùng, điều thật sự thuyết phục được các đồng sự, các đối thủ cạnh tranh của ông và thế giới là việc phát triển lợi nhuận của công ty Fetzer Vineyards. Những vườn nho trở thành xứ sở thần tiên để thực hành những hoạt động bền vững về mặt môi trường. Đồng thời, rượu đạt chất lượng tuyệt hảo, và lợi nhuận của công ty mỗi năm đều đạt và vượt mức mong đợi. Hiện giờ Paul quyết tâm sử dụng những loại rượu hàng đầu và các hoạt động kinh doanh lợi nhuận cao của mình làm ví dụ để biến đổi toàn bộ ngành làm rượu ở Mỹ và trên thế giới.

    Khi gặp gỡ người đàn ông hiền lành và tốt bụng này, tôi có thể nhận ra sự trân trọng của ông với những nguyên tắc về sự đầy đủ. Ông đang chứng minh rằng trong kinh doanh, những nguyên tắc này và lợi nhuận có thể song hành.

    Những công ty có trách nhiệm với xã hội giờ có ở khắp nơi trên thế giới. Chúng tạo ra các bước đột phá, thể hiện những cách làm mới vừa có thể kiếm tiền một cách đáng tự hào, vừa tránh khai thác quá mức nguồn tài nguyên không thể thay thế của thế giới. Hãng nước quả Odwalla Juice, đồ dùng ngoài trời Patagonia, kem Ben & Jerry, công ty điện thoại Working Assets, hãng Body Shop, Esprit, Interface Carpet – bên cạnh hàng loạt những tên tuổi khác. Đầu tư có trách nhiệm với xã hội là lĩnh vực đầu tư phát triển nhanh nhất tại Mỹ. Dù ở nơi nào, mọi người đều có cơ hội phù hợp để sống trong đầy đủ, để lựa chọn có ý thức những sản phẩm và dịch vụ trân trọng các nguồn tài nguyên và tôn vinh giá trị của sự vừa đủ.

    Phải chăng sự thật đáng ngạc nhiên, mang tính khai phá của thời đại chúng ta chính là mối quan hệ của chúng ta với tiền được đặt trên một hệ thống giả định được chấp nhận và tin tưởng tuyệt đối, nhưng thật ra chúng đều là những ngộ nhận và lừa dối, khiến chúng ta đánh mất sự hài lòng và viên mãn mà ta tìm kiếm trong đời? Phải chăng để bỏ lại nền kinh tế và văn hóa không bền vững, một giai đoạn đáng sợ trong sự tiến hóa của văn minh, chúng ta sẽ phải đối mặt và chấp nhận sự thật đáng ngạc nhiên rằng luôn có đủ, chúng ta có đủ, chúng ta là đủ, và rằng những điều đó luôn đúng trong mọi hoàn cảnh?

    Trong những chương tiếp theo, chúng ta sẽ thiết lập những nguyên tắc của sự đầy đủ và tiến dần tới một cuộc sống dựa trên sự đầy đủ. Trong bối cảnh đó, chúng ta sẽ xem xét tiền từ một góc độ khác, coi tiền như một dòng chảy, như nước, thay vì như một lượng tĩnh tại những thứ mà ta cần tích lũy. Chúng ta sẽ tìm hiểu sức mạnh của yếu tố thật sự khiến mọi thứ tăng thêm giá trị – độ sâu sắc, chất lượng và sự viên mãn – thông qua những hành động và khả năng trân trọng. Chúng ta sẽ tìm hiểu cách thức những nguồn lực hiện có, khi được liên kết bằng sức lao động, sẽ tạo ra một nguồn gốc mới của sự thịnh vượng như thế nào. Và chúng ta sẽ nhận thấy những nguyên tắc và sự thật về sự đầy đủ thống nhất với các quy luật của thế giới tự nhiên cũng như bản năng sâu sắc của chính con người, và tại sao chúng có thể trở thành những nguyên tắc hàng đầu của thời đại chúng ta.
     
  10. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    PHẦN III:

    SỰ ĐẦY ĐỦ: BA SỰ THẬT

    Chương 5:

    TIỀN GIỐNG NHƯ NƯỚC

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tiền là một dòng chảy, một thứ phương tiện, một đường dẫn cho những thiện ý của chúng ta. Tiền mang theo tinh thần của tâm hồn.

    Tôi gặp Gertrude tại một nhà thờ ở Harlem, và chính từ Gertrude, một người phụ nữ mà phần lớn mọi người coi là tương đối nghèo, mà tôi học được những bài học quý giá nhất về tiền bạc. Chính nhờ Gertrude tôi học được rằng tiền giống như dòng nước.

    Đó là vào năm 1978, tôi còn rất trẻ và đã bắt đầu tham gia gây quỹ cho Dự án Xóa đói. Một số người đứng đầu địa phương nhờ tôi tổ chức một sự kiện gây quỹ tại khu Harlem. Tôi không chắc đó có phải là một ý kiến hay hay không, nhưng người ta đã ngỏ lời, và tôi đồng ý sẽ đến vào một tối thứ Tư. Sau đó, tôi nhận được một cuộc điện thoại mời đến gặp mặt với một vị tổng giám đốc một công ty thực phẩm lớn ở Chicago vào buổi sáng cùng ngày thứ Tư đó. Đó là một công ty nổi tiếng, một người khổng lồ trong ngành thực phẩm, và mặc dù thời gian sẽ rất sít sao khi phải bay từ Chicago về New York, tôi quyết tâm có mặt tại cả hai cuộc hẹn.

    Sau khi đã giải quyết xong vấn đề sắp xếp lịch trình, tôi tiếp tục xử lý các vấn đề quan trọng khác. Tôi bắt đầu hình dung về cuộc gặp với vị tổng giám đốc đó, có lẽ đây là người có tiềm năng ủng hộ tài chính lớn nhất tôi từng gặp. Điều lập tức khiến tôi lo lắng không yên là nên mặc gì đây. Tôi cần xây dựng hình ảnh mình như thế nào? Liệu trang phục của tôi có gây ấn tượng tiêu cực không mong đợi nào đó và để ảnh hưởng đến nhiệm vụ của tôi hay không? Tôi tự chất vấn mình những điều thường không bao giờ xuất hiện trong đầu. Tôi cảm thấy cách tôi đến với cuộc gặp này rất khó chịu, thật lạ lùng đối với tôi. Và cảm giác đó càng lúc càng tệ đi.

    Tôi vẫn có thể nhớ lại cảm giác của mình khi bước vào chiếc thang máy trong tòa nhà đó ở Chicago. Đó là một tòa nhà chọc trời kiêu hãnh, và bạn không thể nào đến văn phòng của công ty nếu chỉ dùng một chiếc thang máy. Bạn sẽ phải dùng đến vài cái, đi từ dãy này sang dãy khác. Càng lên cao, tôi càng lo lắng, và bắt đầu toát mồ hôi. Càng lên cao, tôi càng cảm thấy mình bị cách ly với phần còn lại của thế giới. Thậm chí đặc điểm không khí và âm thanh cũng thay đổi, cho đến khi không gian trở nên yên lặng và đầy trang nghiêm. Tôi thấy như mình đang hành hương lên đỉnh một ngọn núi thiêng. Không khí có vẻ loãng, và tôi thấy hơi chóng mặt.

    Tôi không được cho biết nhiều chi tiết về lần đóng góp này, nhưng tôi được thông báo rằng gần đây công ty thực phẩm này đã phải chịu một số tai tiếng – họ bị phát hiện đã gây ra một số điều xấu, khiến hình ảnh của công ty bị ảnh hưởng. Những người lãnh đạo công ty cảm thấy rằng ủng hộ tiền cho Dự án Xóa đói, thể hiện sự ủng hộ đối với việc thanh toán nạn đói có thể giúp xây dựng lại hình ảnh của công ty.

    Tôi được đưa đến văn phòng của tổng giám đốc. Ông ta đang ngồi tại bàn, tôi ngồi xuống đối diện với ông. Phía sau ông ta là khung cửa kính cao từ sàn lên đến tận trần nhà, bày ra một cảnh tượng ngoạn mục của đường chân trời thành phố, nhưng ánh đèn chiếu hắt từ phía sau khiến tôi hầu như không thể nhìn rõ mặt ông ta. Tôi chỉ có 15, do đó, tôi nhanh chóng trình bày về sứ mệnh, công việc của tổ chức và những thử thách khi thanh toán nạn đói trên thế giới. Tôi nói về sự can đảm của những người thiếu đói, và sự cộng tác mà tất cả chúng tôi đều cần để củng cố quyết tâm táo bạo của họ, để cung cấp thức ăn cho họ và con cái mình, đồng thời xây dựng những điều kiện cần thiết đảm bảo một cuộc sống lành mạnh và hữu ích. Sau khi nói xong, tôi đưa ra yêu cầu của mình. Vị giám đốc mở ngăn kéo bàn làm việc, lấy ra một tờ séc viết sẵn số tiền 50.000 đô-la, và đưa qua bàn cho tôi.

    Rõ ràng ông ta muốn tôi đi khỏi càng nhanh càng tốt. Câu chuyện hời hợt và giọng nói của ông ta cho tôi biết rằng ông ta không thật sự quan tâm tới công việc của chúng tôi, việc kết nối với những người thiếu thốn tài nguyên, hay việc tạo ra bất cứ sự khác biệt nào trong công tác xóa đói. Đó đơn giản chỉ là một nước đi chiến lược. Ông ta muốn giảm nhẹ tội lỗi và sự xấu hổ bởi những lỗi lầm mà công ty đã gây ra. Và ông ta muốn công ty được tiếng tốt trên các phương tiện truyền thông. Nếu chỉ nói về khía cạnh tài chính, đó là một giao dịch đơn giản: Ông ta đưa cho tôi tờ séc 50.000 đô-la để mua lại cơ hội sửa chữa danh tiếng cho công ty. Nhưng khi ông ta đẩy tờ séc về phía tôi, tôi cảm thấy tội lỗi của công ty đang tiến tới phía mình cùng với số tiền đó. Ông ta trao cho tôi số tiền và tội lỗi của công ty.

    Cuộc gặp gỡ của chúng tôi lúng túng vụng về, nhưng tôi là một người gây quỹ, một người mới vào nghề, và tôi còn phải bắt một chuyến bay. Tôi cầm lấy tờ séc, bỏ vào túi xách. Tôi cảm ơn ông ta, và gần như trong tình trạng mụ mị đầu óc, tôi quay lại đi qua mê cung phòng trong phòng ngoài và đi xuống hàng dãy thang máy.

    Khi đi xuống, tôi có một cảm giác lạ lùng trong bụng – và tôi biết không phải tại đi thang máy. Tôi không hề thấy vui, mặc dù lẽ ra tôi phải vui lắm. Tờ séc này mang số tiền lớn nhất tôi từng nhận được từ một người ủng hộ, và tôi biết rằng tất cả mọi người trong Dự án Xóa đói sẽ sửng sốt vui sướng. Nhưng tôi cũng cảm thấy mình đã nhận cả tội lỗi của công ty cùng với số tiền. Tôi xuống tầng thang máy cuối cùng, và gọi một chiếc taxi để đến sân bay, không hề cảm thấy yên ổn, nhưng cũng không biết nên làm gì khác.

    Tôi đến New York giữa một cơn mưa dữ dội và đến khu Harlem, tới một nhà thờ cũ. Tôi bước xuống những bậc thang dẫn xuống tầng hầm, nơi có khoảng 75 người đang tụ tập dự buổi gây quỹ. Khung cảnh hoàn toàn trái ngược với văn phòng trên tầng mái mà tôi vừa rời khỏi cách đây vài tiếng. Trời đang mưa, căn phòng dột khắp nơi. Xô chậu được đặt khắp phía ngoài, hứng những giọt nước đang rơi xuống. Tiếng mưa xối xả bên ngoài, và tiếng lanh canh khi những giọt nước từ trên tường và trần nhà rơi xuống làm nhạc nền cho cuộc gặp. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và tỉnh táo, thấy dự cuộc gặp đông người thế này dễ chịu hơn trong văn phòng công ty. Tôi cũng nhận ra rằng mình là người da trắng duy nhất ở đó, và chiếc váy lụa tôi đã chọn để gây ấn tượng tốt trước vị tổng giám đốc giờ có phần kệch cỡm và không phù hợp. Tôi nhìn xuống những người đến dự, và biết rằng họ không có nhiều tiền để ủng hộ. Tôi nói với họ về quyết tâm của Dự án Xóa đói ở châu Phi, vì tôi nghĩ điều này sẽ gần gũi với cuộc sống và tài sản của họ hơn cả. Khi đến lúc phải kêu gọi đóng góp, bàn tay tôi toát mồ hôi. Tôi bắt đầu băn khoăn không hiểu làm như vậy có đúng không. Tôi tiếp tục, đưa ra kêu gọi, và căn phòng hoàn toàn rơi vào yên lặng.

    Sau một khoảng yên lặng dài, một người phụ nữ đứng dậy. Bà đang ngồi ở lối đi một hàng gần cuối. Bà gần 70 tuổi, mái tóc màu xám chẻ ngôi giữa, quấn lại thành một búi tóc nhỏ. Khi đứng dậy, bà đứng thẳng, cao, mảnh khảnh và kiêu hãnh.

    "Cô gái," bà nói, "Tên tôi là Gertrude và tôi thích những điều cô vừa nói, tôi cũng thích cô. Hiện giờ, tôi không có sổ ghi séc nào cả, và cũng không có thẻ tín dụng. Đối với tôi, tiền giống như nước. Đối với một số người, tiền ào ạt tuôn vào cuộc sống của họ như dòng sông dữ dội. Tiền đến cuộc sống của tôi như một vòi nước nhỏ giọt. Nhưng tôi muốn nó tiếp tục được chảy đi, để nó giúp được nhiềunhất cho nhiều người nhất. Tôi coi nó là quyền và trách nhiệm của mình. Đó cũng là niềm vui nữa. Tôi có 50 đô-la trong ví kiếm được khi giặt đồ thuê cho một phụ nữ da trắng, và tôi muốn trao nó cho cô."

    Bà đi qua các dãy ghế, đưa cho tôi 50 đô-la. Có cả tờ năm đô-la, mười đô-la và một đô-la. Rồi bà ôm tôi thật chặt. Khi bà quay lại chỗ mình, những người khác bắt đầu tiến đến và quyên góp tiền bằng những tờ một đô-la, năm đô-la, mười đô-la và hai mươi đô-la. Tôi xúc động đến nỗi tôi bật khóc. Tôi không thể cầm hết chỗ tiền đó trong tay, cho nên tôi mở túi xách, đặt nó lên bàn để mọi người bỏ tiền vào. Những giây phút ấy, khi mọi người lần lượt tiến đến tặng tiền, mang không khí của một nghi lễ. Tôi cảm nhận được sự chính trực và tình yêu thương. Số tiền chúng tôi quyên góp được – có lẽ khoảng 500 đô-la là cùng – đối với tôi quý giá hơn bất cứ thứ gì tôi từng thấy. Tôi nhận ra ở đáy chiếc túi đó, bên dưới tất cả những tờ tiền lẻ, là tờ séc 50.000 đô-la. Khi tôi nhìn thấy nó, tôi cũng nhận ra rằng 50 đô-la của bà Gertrude đối với tôi quý giá hơn, và sẽ giúp cho việc xóa đói nhiều hơn tấm séc mang số tiền nhiều gấp một nghìn lần ấy.

    Số tiền tôi nhận được từ Gertrude mang năng lượng của quyết tâm thay đổi – dấu ấn của tâm hồn bà – và khi tôi nhận số tiền, tôi thấy niềm cảm hứng, sự mới mẻ truyền sang mình qua hành động thể hiện sự chính trực và thiện ý của bà. Tôi cảm thấy những nguyên tắc và chương trình của tổ chức tôi đang theo đuổi được khẳng định, không chỉ bởi 50 đô-la của bà, mà bởi đóng góp về mặt tinh thần bà mang đến. Số tiền của Gertrude đến từ tâm hồn, không phải từ một tài khoản ngân hàng, và không được dùng để giảm nhẹ tội lỗi hay mua lấy sự ngưỡng mộ. Bà đã mang tiêu chuẩn đó đến cho mọi người trong căn phòng ngày hôm đó. Tôi cảm thấy số tiền họ đóng góp là những "đồng tiền ý nghĩa". Lượng tiền chính xác, và những thứ nó có thể mua được không quan trọng bằng sức mạnh của tiền khi nó đi liền với mục đích, thiện ý và năng lượng tâm hồn. Bà Gertrude dạy tôi rằng sức mạnh của tiền thật sự đến từ mục đích và sự chính trực khi chúng ta trao tặng. Món quà của bà thật tuyệt vời, và sự minh bạch của bà giúp tôi tìm thấy sự minh bạch của chính tôi.

    Ngày hôm sau, tôi gửi trả tấm séc 50.000 cho công ty thực phẩm, thấy nhẹ nhõm khi cảm thấy tôi đang gửi trả tội lỗi và sự xấu hổ mà nó mang theo. Tôi thấy như trút được một gánh nặng. Cùng với tờ séc, tôi gửi một bức thư khuyên ông tổng giám đốc hãy tìm đến một tổ chức mà công ty thấy gắn bó, và cảm ơn ông ta vì đã nghĩ đến chúng tôi. Tôi không nhận được hồi âm nào từ ông ta lúc đó, nhưng nhiều năm sau, ông ta liên lạc lại với tôi, và biến cuộc giao dịch lúng túng đầu tiên thành khởi đầu cho một cái kết đẹp đẽ mà tôi sẽ chia sẻ ở phần cuối chương này.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...