Linh Hồn Của Tiền - Lynne Twist

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Quân Nguyễn 091294, 15 Tháng tư 2021.

  1. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    Chương 10:

    SỨC MẠNH CỦA GIAO TIẾP

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Từ ngữ không gắn mác lên những thứ vốn đã tồn tại từ trước. Từ ngữ giống như con dao của những người thợ điêu khắc: Chúng giải phóng ý tưởng, vật thể ra khỏi cái vô hình bên ngoài. Khi một người cất lên tiếng nói, không phải chỉ có tiếng nói của người đó bắt đầu hình thành, mà ngay cả điều mà anh ta nói đến cũng vậy.

    - Châm ngôn của người Inuit

    Một ngày vào năm 1987, thị trường chứng khoán gặp phải một cú sốc mà sau này được gọi là "Ngày thứ Hai Đen tối". Giống như rất nhiều người khác, tôi và anh Bill đã đầu tư rất nhiều vào thị trường chứng khoán, và chỉ trong vòng vài giờ, trong đúng một ngày đó, chúng tôi đã mất đi một số tiền vô cùng lớn. Khi các kênh tin trên tivi đều ồ ạt chuyển sang dồn dập đưa tin về cuộc khủng hoảng tài chính này, một bầu không khí sợ hãi tràn ngập khắp nơi. Người ta lo sợ một cuộc Đại Khủng hoảng giống như những năm 1930 sẽ quay trở lại. Giờ đây là lúc chúng ta phải chứng kiến sự bất an về tài chính của mình. Thực sự là khủng khiếp đối với những người đã thua lỗ những món tiền khổng lồ đáng giá cả một gia tài, và những người có nguy cơ mất việc làm nếu như công ty của họ bị phá sản hoặc buộc phải sa thải hàng hoạt công nhân để có thể trụ được qua cơn khủng hoảng kinh tế này. Giống nhiều người khác, tôi và anh Bill đã ngồi dán vào trước màn hình tivi để theo dõi bản tin trên mọi kênh thời sự suốt cả buổi chiều và buổi tối, xem các đoạn phỏng vấn những người có công ty bị phá sản, những người đã bị thiệt hại hàng triệu đô-la, những nhà lãnh đạo trên các lĩnh vực thương mại, kinh tế và chính trị nói lên những mối lo ngại lớn nhất của họ.

    Khi chúng tôi còn đang chìm đắm trong sợ hãi, một điều khác thường đã xảy ra. Chúng tôi rời mắt khỏi màn hình tivi và bắt đầu trò chuyện với nhau liệu rằng sự kiện này có thể tác động như thế nào đến gia đình của chúng tôi. Trong lúc nói chuyện, chúng tôi đã nhận ra rằng "câu chuyện về tiền bạc" đó chỉ là một phần của câu chuyện lớn hơn được gọi là thị trường chứng khoán, và nó thật sự có ảnh hưởng đến số tiền mà chúng tôi sở hữu. Nhưng câu chuyện đó không có tác động gì tới những suy nghĩ, tình cảm chúng tôi dành cho nhau. Chúng tôi vẫn yêu thương lẫn nhau. Cuộc sống của chúng tôi vẫn yên ổn. Con cái chúng tôi cũng không có gì thay đổi, vẫn là ba thanh niên trẻ trung, đẹp đẽ đang dần trở thành những con người chuẩn mực. Sức khoẻ của chúng tôi vẫn sung mãn, và chúng tôi cảm thấy cuộc sống của mình thật tuyệt vời.

    Chúng tôi thấy rằng các câu chuyện đang được bàn tán rộng rãi trong xã hội chỉ quanh quẩn về việc những con số đang sụt giảm giá trị, và những câu chuyện kiểu này có thể hủy hoại cuộc sống của chúng tôi nếu cứ để mặc như vậy; chúng tôi có thể sa lầy vào câu chuyện, bị nó làm cho bực bội, lo lắng hay sợ hãi. Chúng tôi có thể sẽ bị rơi vào vòng xoáy đó, vòng xoáy xuất hiện ở mọi nơi quanh chúng tôi vào thời khắc ngày hôm đó, nhưng chúng tôi đã nhìn vào mắt nhau và thề quyết không để điều đó xảy ra. Chúng tôi sẽ tranh thủ tình hình thị trường chứng khoán lúc đó để biến nó thành một cơ hội kiểm kê lại những tài sản tinh thần quý giá mà chúng tôi coi là cốt lõi thực thụ của sự giàu có, của cuộc sống và của hạnh phúc.

    Không phải chúng tôi không lo ngại về tương lai tài chính của mình. Nhưng những sự kiện diễn ra trên thị trường chứng khoán ngày hôm đó đã cho chúng tôi cơ hội thuận lợi được trải nghiệm khoảnh khắc trong đó chúng tôi có thể chiêm nghiệm vẻ đẹp cuộc sống của mình theo cách chúng tôi chưa từng làm trong một thời gian khá lâu. Tôi vẫn còn nhớ chúng tôi đã xúc động như thế nào khi nhận ra sự thịnh vượng thực thụ của mình chính là tình cảm, sự sung túc và viên mãn của cả gia đình. Chúng tôi say sưa trong tình cảm ấy.

    Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn, và xung quanh chúng tôi, bất kể là bạn đang nói chuyện với ai hay vào thời điểm nào trong ngày đi nữa, câu chuyện vẫn chỉ xoay quanh nỗi sợ hãi, tức giận, về những khoản tiền đã mất, và những giấc mơ bị tan vỡ. Chúng tôi đã quyết định chuyển đề tài nói chuyện và những mối quan tâm của chúng tôi sang hướng khác để tạo ra những khoảnh khắc rất yên bình cho chính mình. Chúng tôi sẽ chia sẻ nó với những người xung quanh và cố gắng gợi ra những câu chuyện tương tự có thể cho phép họ trở nên thanh thản như chúng tôi. Với mỗi người bạn gọi điện đến, chúng tôi đều cố gắng nói chuyện để dẹp tan nỗi sợ hãi và giận dữ của họ, rồi sau đó lái sang các "câu chuyện khác" – về giá trị của tình yêu và những mối quan hệ vẫn tồn tại ở đó với chúng ta giữa vòng tay gia đình và bè bạn, về những nguồn nội lực chưa hề – và không thể bị thuyên giảm bởi sự trồi sụt của thị trường chứng khoán. Tất nhiên, chúng tôi vẫn còn thấy bất an trước những hậu quả về tài chính còn ngổn ngang ở đó, nhưng chúng tôi đã quyết tâm là sẽ không hoảng sợ hay bị ám ảnh bởi điều đó.

    Tôi lại nhớ đến một từ tiếng Hán, mà tùy thuộc vào ngữ cảnh, có thể định nghĩa "rủi ro" là "mối nguy hiểm" hoặc "cơ hội" [Nguy Cơ – 危機] . Chúng tôi nhận ra rằng, mặc dù thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục chu kỳ hoạt động vốn có của nó, khi chúng ta loại bỏ những câu chuyện về nỗi sợ hãi hoặc giận dữ, và tạo ra một câu chuyện khác tập trung vào những tài sản trong cuộc sống của chúng ta – thì khi đó nỗi sợ hãi của chúng ta sẽ lắng xuống. Khi chúng ta tiếp cận các vấn đề mà không vương vấn gì về sự sợ hãi hay hồi hộp lo âu, ta sẽ thoát khỏi sự kìm kẹp của "sự rủi ro"; còn "mối nguy hiểm" thật sự sẽ chuyển hóa thành cơ hội.

    Trong những ngày và những tuần tiếp theo đó, chúng tôi và một số bạn bè vẫn cố gắng tiếp tục duy trì những câu chuyện về sự trân trọng này, vẫn chú trọng nâng niu những tài sản vô giá của mình – gia đình, bạn bè và công việc, đồng thời chuyên tâm làm việc để tạo ra một sự khác biệt mỗi ngày trong cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ có thể thu hồi lại số tiền đã mất vào ngày hôm đó nữa, nhưng chúng tôi nhanh chóng lấy lại được sự tự tin và lạc quan vào tương lai. Chúng tôi đã có thể suy nghĩ rõ ràng mạch lạc, trong khi lèo lái qua những trở ngại tài chính đầy thử thách. Sau này, khi nhìn lại, chúng tôi nhận ra rằng sự hồi phục của mình bắt đầu ngay khi chúng tôi chuyển hướng câu chuyện và sau đó là sự chú ý của mình từ những thiệt hại sang những tài sản còn lại của chúng tôi, cả về tài chính lẫn các phương diện khác. Đối với chúng tôi, trải nghiệm khủng hoảng gắn liền với "Ngày thứ Hai Đen tối" chỉ kéo dài trong vài giờ đồng hồ của một ngày. Đối với những người vẫn còn kẹt lại trong câu chuyện về cuộc khủng hoảng – và một số thì đã không bao giờ có thể thoát ra khỏi nó – thì trải nghiệm về sự mất mát và sợ hãi vẫn còn tiếp tục dai dẳng, và qua thời gian làm kiệt quệ không chỉ số tiền dự trữ còn lại của họ, mà còn cả tình cảm, và thậm chí là cả ý chí của họ.
     
    Mèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
  2. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    TRÒ CHUYỆN TẠO NÊN BỐI CẢNH CỦA CUỘC SỐNG

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chúng ta nghĩ rằng chúng ta sống trên thế giới này. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta sống trong một tập hợp các hoàn cảnh, nhưng thực ra là không. Chúng ta sống trong câu chuyện của chúng ta về thế giới và câu chuyện của chúng ta về các hoàn cảnh đó. Khi chúng ta đang trong một câu chuyện về sự sợ hãi và khủng hoảng, về sự giận dữ và báo thù, về sự ghen ghét, kèn cựa, đố kỵ, thì đó chính là thế giới mà ta đang sống. Nếu như chúng ta đang ở trong một câu chuyện về các khả năng, một câu chuyện về lòng biết ơn và trân trọng những gì đang xuất hiện ngay trước mắt ta, thì đó chính là thế giới mà ta đang sống. Trước đây tôi thường nghĩ rằng những từ ngữ chúng ta nói ra đơn giản là sự thể hiện ra bên ngoài của những suy nghĩ. Kinh nghiệm đã chỉ cho tôi thấy rằng bên cạnh đó, những từ chúng ta nói ra cũng tạo nên những suy nghĩ và kinh nghiệm của chúng ta, và thậm chí là cả thế giới của chúng ta. Câu chuyện mà chúng ta đối thoại với chính mình và với những người khác – những suy nghĩ thu hút được sự chú ý của chúng ta – có một sức mạnh to lớn đối với những cảm nhận của chúng ta, những trải nghiệm của chúng ta và thế giới quan của chúng ta vào khoảnh khắc ấy.

    Sự thiếu thốn lộ diện thông qua những từ như không bao giờ đủ, trống vắng, sợ hãi, hoài nghi, ghen tỵ, tham lam, cạnh tranh, chia rẽ, cục bộ, xét nét, ganh đua, quyền bính, kiểm soát, bận rộn, sinh tồn, những sự giàu có bề ngoài. Trong câu chuyện về sự thiếu thốn, chúng ta đánh giá, so sánh và chỉ trích; chúng ta gắn mác cho người thắng và kẻ thua. Chúng ta khuyến khích sự phát triển về số lượng và sự dư thừa. Chúng ta chỉ tập trung xoay quanh những nỗi khao khát, trông đợi và thất vọng. Chúng ta đánh giá bản thânlà giỏi hơn hay kém hơn người khác. Chúng ta để tiền bạc định nghĩa mình, hơn là tự mình định nghĩa bản thân thông qua những cách thức sâu sắc hơn và thể hiện những phẩm chất đó qua tiền bạc của chúng ta.

    Sự đầy đủ tự khẳng định thông qua những từ như biết ơn, thỏa mãn, yêu thương, tin tưởng, tôn trọng, đóng góp, lòng tin, lòng trắc ẩn, hòa đồng, trọn vẹn, quyết tâm, chấp nhận, hợp tác, trách nhiệm, bền bỉ, và những sự giàu có bên trong. Trong câu chuyện đi tìm sự đầy đủ chúng ta thừa nhận những gì đang hiện diện, trân trọng giá trị của nó, và vạch ra một tầm nhìn để có thể sử dụng nó nhằm tạo ra sự khác biệt. Chúng ta ghi nhận, khẳng định và ấp ủ. Chúng ta ca ngợi phẩm chất hơn là số lượng. Chúng ta coi trọng tính chính trực, khả năng và tài xoay sở. Chúng ta định nghĩa tiền bạc của mình bằng sức lực và mục đích của mình.

    Sự khác biệt giữa hai nhóm từ vựng này và sức ảnh hưởng của chúng giống như hai khía cạnh vừa đầy cảm hứng vừa rất khó chịu, thể hiện trong phản ứng của cả nước Mỹ trước sự kiện tấn công khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Ngay sau cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại thế giới, Lầu năm góc, và một chiếc máy bay thứ tư đâm xuống Pennsylvania, trong không khí hoảng loạn và đau buồn đó, những phản ứng cao cả, rộng lượng và đồng cảm của tất cả mọi người xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng và các câu chuyện xung quanh chúng ta.

    Ngày nối tiếp ngày, chúng tôi được nghe kể những câu chuyện, không chỉ là về những người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công hay hy sinh trong các nỗ lực giải cứu ngày hôm đó, mà còn là về hàng trăm và sau đó là hàng nghìn người tiếp tục đứng ra thể hiện sự quan tâm của mình bằng mọi cách có thể như viết thư, cầu nguyện, quyên góp lương thực, quần áo, và tiền bạc cho gia đình các nạn nhân và cho các nhân viên cứu hộ. Tôi còn nhớ đã đi đến ngân hàng máu gần nhà ở San Francisco, và thấy hàng loạt những người tình nguyện hiến máu đang xếp hàng ở đó. Khi chúng tôi đứng chờ trong hàng, mọi người trò chuyện với nhau, chia sẻ cú sốc và khát khao được đóng góp bằng một cách có ý nghĩa. Tất cả mọi người và tất cả mọi câu chuyện đều xoay quanh việc liệu tất cả chúng tôi có thể giúp đỡ như thế nào.

    Trong những tuần đầu tiên đó, chúng tôi đều như thể đã rơi xuống vực thẳm, vực thẳm của trái tim và tâm hồn. Trong xã hội, câu chuyện của mọi người thể hiện những giá trị và hành vi đẹp đẽ nhất qua những ví dụ về những nhân viên cứu hộ, sự ủng hộ và tình thương yêu mà nhân dân thế giới dành cho nhân dân Mỹ, và nguyện vọng của tất cả công dân Mỹ muốn được giúp sức, hiến máu, hoặc quyên góp tiền. Mọi người đã mở tấm lòng mình bằng rất nhiều cách. Họ bày tỏ sự trân trọng đối với gia đình vẫn được bình yên của mình, trong khi khóc thương cho những ai đã mất đi những người thân yêu. Họ gác bỏ những khác biệt về tôn giáo của mình và cùng cầu nguyện chung trong các cuộc tập hợp đa tôn giáo. Sự cảm thông và lo ngại cho những người dân Afghanistan đang phải chịu sự cai trị hà khắc của những kẻ hồi giáo cực đoan đột nhiên trỗi dậy – đặc biệt là với những người phụ nữ và trẻ em, những người bị kiểm soát đặc biệt gắt gao. Người ta đã tổ chức những buổi thắp nến cầu nguyện, cầu nguyện ban đêm, và tất cả chúng tôi đều cảm thấy được kết nối với nhau bởi lòng khoan dung và đồng cảm.

    Chỉ vài tuần sau đó, khi tâm lý khủng hoảng của người dân lan rộng và bắt đầu dẫn đến suy thoái kinh tế, đặc biệt là trong ngành bán lẻ, Tổng thống George W. Bush đã xuất hiện trên truyền hình kêu gọi nhân dân Mỹ giúp vực lại nền kinh tế bằng cách quay lại với công việc – công việc tiêu tiền. Đi mua sắm được tung hô như là biểu hiện của lòng yêu nước, là cách để cho những kẻ khủng bố thấy rằng chúng không thể phá hoại được nền kinh tế Mỹ, chủ nghĩa tiêu thụ của người Mỹ, tinh thần Mỹ, hay lối sống Mỹ.

    Tôi nhớ những ngày sau bài phát biểu của ngài tổng thống, ban đầu thì mọi người còn e dè, lúng túng khi tạm gác lại các câu chuyện về những nỗi đau, lòng khoan dung và đồng cảm. Sau đó, câu chuyện đã bắt đầu chuyển hướng, với chỉ một chút lưỡng lự, sang một chủ đề mới. Chỉ trong vòng vài ngày, các nhóm phóng viên báo chí và tivi đã có mặt ở khắp các trung tâm mua sắm để phỏng vấn những người bán hàng − như những người chiến sĩ trên mặt trận thương mại – mới mẻ và thể hiện lòng yêu nước. Doanh số bán lẻ được đưa tin đều đặn hơn, với các dòng tít chạy đăng tải các con số đó theo cái cách như thể nói lên rằng mua sắm các mặt hàng bán lẻ là một biện pháp cứu cánh cho nền kinh tế quốc gia sau cuộc tấn công của những kẻ khủng bố. Những câu chuyện về những con người và những hoạt động cộng đồng liên quan đến các phản ứng có tính chất suy ngẫm hoặc tâm linh đều bị thay thế bằng các câu chuyện về nền kinh tế và các bộ phim ăn khách nhất trong tuần. Lặp đi lặp lại, những người được phỏng vấn ở các trung tâm mua sắm trở thành những phát ngôn viên do các phương tiện truyền thông dựng lên cho tất cả chúng ta, họ cho biết quyết tâm đi mua sắm và chi tiêu để thể hiện là họ "không sống trong sợ hãi."

    Những người trăn trở với những câu hỏi sâu xa hơn về lối hành xử của nước Mỹ trên chiến trường quốc tế thì không được chú ý nhiều, và ngay cả vấn đề làm thế nào để sử dụng tiền bạc và sức mạnh của chúng ta trong việc đẩy mạnh hợp tác và hòa bình hữu nghị với các quốc gia khác cũng vậy. Câu chuyện kia, câu chuyện mà chỉ vừa mới bắt đầu được nói đến trước bài phát biểu của tổng thống, đã đột nhiên bị gạt sang một bên. Như có sự dàn xếp sẵn, sự chú ý của công chúng được chuyển từ buồn đau, chia sẻ và tự soi xét sang vấn đề tiêu thụ và tích luỹ. Một câu chuyện có tính phòng bị và lảng tránh đã được bắt đầu. Trọng tâm của nó không gì khác ngoài tiền.

    Lá cờ Mỹ giờ đây được xuất hiện dưới mọi hình thức có thể dùng để tiếp thị, từ điện thoại di động, cho đến đồ lót, cho đến các nhãn mác dán ở đuôi xe và bao bì thực phẩm. Lúc đó tôi đang có một bài thuyết trình ở Canada, rồi quay trở về Mỹ. Khi băng qua đường biên giới, tôi nhớ là đã thấy một biển quảng cáo khổng lồ trên đó trưng hình lá cờ, lá cờ mà thường làm cho tôi cảm thấy tự hào, nhưng trong bức tranh này, lá cờ có một số chiếc quai nho nhỏ gắn vào đó như một chiếc giỏ hàng khổng lồ, và kèm với nó là dòng chữ: "Nước Mỹ mở cửa chào đón kinh doanh."

    Nó đã trở thành câu chuyện của ngày mới, mà trong đó các giá trị Mỹ chuyển đổi từ các phẩm chất công dân và phẩm chất cá nhân sang dòng xoáy tiêu thụ và kinh tế; từ các giá trị nhân bản sang giá trị tiêu thụ. Sự chuyển hướng đánh đồng lòng yêu nước với chủ nghĩa tiêu thụ này quả là đã diễn ra đặc biệt không đúng lúc bởi nó đã làm gián đoạn đột ngột không khí u sầu của cả một đất nước. Hiện trường của các vụ tấn công còn đang ngổn ngang, gần 4.000 người thiệt mạng, không tìm thấy thi thể. Vậy mà nước Mỹ đã chuyển sang tiêu tiền như là một cách để giữ thể diện, cứu nền kinh tế, và cứu cả quốc gia. Trên thực tế điều này đã khẳng định những hình ảnh khuôn mẫu về những "người Mỹ xấu xí" như là những kẻ nông cạn, những kẻ sùng bái tiêu thụ vật chất mà những kẻ khủng bố đã dùng để lý giải cho sự thù hận của chúng.

    Tôi không phản đối việc mua sắm. Tôi không phản đối những người kinh doanh hay bán lẻ. Đó là một phần rất sống động trong cuộc sống của chúng ta, nhưng nó không phải là bản chất của chúng ta. Nó không làm cho một con người hay một quốc gia trở nên vĩ đại. Nó sẽ không giúp cho một đất nước có thể hồi phục sau một cuộc tấn công hoặc một thảm kịch đã khiến cho hàng nghìn người phải bỏ mạng. Nó cũng thậm chí không thể cứu cánh một nền kinh tế tự hủy diệt phải dựa vào sự tăng trưởng tham lam vô độ và thiếu bền vững. Và nó sẽ không giúp chinh phục được sự nể trọng của những dân tộc và quốc gia tiêu thụ ít hơn trên khắp thế giới.

    Nếu chúng ta coi câu chuyện của cả một quốc gia đó như một tấm gương phản ánh mối quan hệ với tiền bạc của chúng ta, ta sẽ thấy rằng trong giây phút khủng hoảng đó, phản ứng tự nhiên của chúng ta đã toát lên sự đầy đủ. Đột nhiên chúng ta đều được kết nối với nhau. Chúng ta có thừa để chia sẻ: Tiền bạc để đóng góp, máu để hiến tặng. Trái tim của chúng ta rộng mở. Mọi người đổ về từ khắp mọi nơi để cùng làm việc giúp đỡ lẫn nhau. Cả đất nước cũng như cả thế giới tiến đến để giúp đỡ và chữa trị vết thương. Câu chuyện này đã tạo ra một thế giới bạn-và-tôi, một thế giới có khả năng hỗ trợ và thể hiện mối quan hệ rộng lượng và theo chiều hướng có lợi với tiền bạc.

    Sau đó câu chuyện của cả quốc gia này chuyển sang đặt những mối lo về kinh tế, chi tiêu và mua sắm vào làm trọng tâm, và ngay lập tức chúng ta bị kìm kẹp trong sự thiếu thốn về tinh thần. Những thông điệp như thế vẫn là chưa đủ, càng nhiều càng tốt, và đó là điều tất yếu đã tiêm nhiễm vào trong câu chuyện của cả xã hội. Thế giới bạn-và-tôi đã biến mất, thay vào đó là một thế giới bạn-hoặc-tôi.

    Sự sợ hãi thiếu thốn – không có đủ các hoạt động kinh tế, không có đủ sự kính trọng cần có với tư cách là một siêu cường quốc, an ninh nội địa không đủ vững chắc – đã trở thành lý do để sử dụng tiền bạc của chúng ta một cách phòng bị, lo âu, thậm chí là phi lý, như một màn thể hiện sức mạnh kinh tế và quân sự, cũng như sự đoàn kết chính trị. Chính câu chuyện này đã bảo vệ cho một phản ứng quân sự hung bạo và đe nẹt những ai có ý định giải quyết vấn đề có ý nghĩa hơn thông qua các hoạt động hợp tác ngoại giao và hoạt động nhân đạo. Đây là câu chuyện đã dẫn đến việc định nghĩa những người hàng xóm của nước Mỹ chúng ta thành hai nhóm là "ủng hộ chúng ta hay chống lại chúng ta". Nó không chừa khoảng trống nào cho những bất đồng chính kiến có nguyên do hợp lý, và nó càng khuếch đại nỗi sợ hãi và nhu cầu phải báo thù lên những nước được coi là nằm trong "trục ma quỷ". Đây là câu chuyện được bày ra nhằm dọn chỗ cho một cuộc chiến tranh.

    Băng qua đường biên giới với Canada, tôi nhớ là đã thấy lá cờ-giỏ hàng đó và cảm thấy thất vọng tràn trề đến nỗi phải viết một bài bình luận về nó. Sau đó, bài viết này cũng đã được đăng tải. Trong những ngày tiếp theo, khi cơn bão mua sắm đang hoành hành và chủ nghĩa tiêu thụ nhanh chóng thế chỗ cho những câu chuyện về các giá trị nhân đạo sâu sắc nhưng thầm lặng hơn, tôi đã rất buồn khi viết một bài báo mà không bao giờ có thể hoàn thành nó. Sức mạnh của câu chuyện thúc đẩy bởi sự thiếu thốn lớn khiến tôi không tiến thêm được bước nào. Bí ẩn đó là điều tất yếu, là một lý lẽ đanh thép thật sự khó nhằn đối với tôi. Tôi nhớ là đã cảm thấy tuyệt vọng khi muốn người khác lắng nghe. Và tôi đã phải đầu hàng.

    Khoảng thời gian đó, tôi có lịch hẹn gặp với 12 đồng nghiệp đến từ một nhóm có tên gọi là Liên minh Xu thế mới, một nhóm đối thoại bao gồm những nhà hoạt động xã hội có uy tín, những người đã hoặc đang dẫn dắt các phong trào và tổ chức quyết tâm kiến tạo một lối sống công bằng, thịnh vượng và bền vững. Chúng tôi đã hẹn gặp nhau trong khoảng hai ngày, và trong hai ngày hội họp đó, tôi cũng như tất cả mọi người đều cảm thấy nó như là một liều thuốc bổ.

    Chúng tôi thừa nhận sự chuyển hướng đáng thất vọng trong câu chuyện của cả đất nước từ lòng hào phóng và đồng cảm sang sợ hãi, bất ổn, giận dữ, báo thù và chiến tranh, và quyết định là sẽ làm mọi điều có thể để giúp lèo lái câu chuyện sang một chiều hướng nhân bản hơn. Giải pháp giản dị nhất của chúng tôi đó là bắt đầu gửi đi một loạt các bức thư điện tử mời gọi mọi người kết nối lại với những phẩm chất tốt đẹp hơn trong chính con người họ và những người khác, hơn là cảm thấy lạc lõng trong nỗi sợ hãi và chủ nghĩa tiêu thụ lệch lạc. Một số bức thư đề cập trực tiếp đến những vấn đề nghiêm túc đang đối mặt với cả quốc gia, và những trăn trở mà sẽ có thể tạo ra những phản ứng hiệu quả hơn là một lời kêu gọi ra trận. Với những ngày lễ của tháng 12 đang gần kề, chúng tôi cũng chia sẻ với những người mà chúng tôi biết là đang tham gia vào những hoạt động có thể gọi là một "cuộc chuyển biến về quà tặng" vĩ đại. Họ đang chuyển từ việc mua quà sang quyên góp tiền bạc và thời gian, từ tiêu tiền vào những món quà tặng sang dành dụm thời gian bên người thân, từ việc thể hiện theo những lối mòn sang thể hiện những mối liên hệ sâu đậm hơn.

    Chúng tôi đã gửi các bức thư đến danh sách các bạn bè, đồng nghiệp và những người khác, các cá nhân hoặc tổ chức, và kêu gọi họ tiếp tục chuyển những bức thư đó đi, và ghi thêm vào những thông điệp của riêng họ, để giúp cho những tình cảm trầm lắng, phi thương mại và chín chắn hơn này có một chỗ đứng quan trọng hơn trong câu chuyện của công chúng. Chúng tôi đã lập ra một trang web giúp cho mọi người có thể chia sẻ những câu chuyện của mình cùng các ý tưởng thay đổi quà tặng.

    Từ ngay trong lúc soạn những bức thư này, chúng tôi cảm thấy như mình đang được làm mới lại. Khi các bức thư bắt đầu đến được với những người khác, và chúng tôi bắt đầu kết nối được với vài trăm người đầu tiên, rồi đến hàng nghìn người, có một điều rõ ràng là nhiều, rất nhiều người háo hức muốn được quay lại với một câu chuyện về sự đầy đủ, kết nối, và sẻ chia mà có thể giúp cho mọi tiếng nói đều được đào sâu và mở rộng hơn.

    Mỗi một thông điệp đều là một minh chứng cho thấy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh hay câu chuyện nào, luôn có một lòng khao khát ngấm ngầm vươn tới sự kết nối và đầy đủ. Tốc độ lan truyền đáng kinh ngạc của chiến dịch gửi thư qua Internet là một điều nhắc nhở đến sự hiện diện của một thứ được gọi là "làn sóng ngầm" những con người suy nghĩ, nhìn nhận và đánh giá dựa vào bối cảnh của sự đầy đủ. Họ muốn thấy những khoản tiền thuế của mình, các khoản chi tiêu, và các khoản tiền viện trợ nhân đạo phải được chi vào những hoạt động giúp đẩy mạnh một lối sống bền vững, công bằng, xây dựng nền hòa bình thế giới, chứ không phải là vào sự kiệt quệ, trả thù và xây dựng lực lượng quân sự. Tôi lại được nhắc nhở rằng thật quan trọng biết bao khi những người nằm ở làn sóng ngầm như chúng ta nổi lên và nói ra ý kiến của mình, nhằm tạo nên một câu chuyện về sự đầy đủ và mời gọi những người khác cùng làm theo.

    Sự kiện lịch sử trọng đại này, cùng với cuộc chiến kéo theo sau đó, đã đặt ra mối quan tâm đến rất nhiều vấn đề, bao gồm cả mối quan hệ giữa tiền bạc với chúng ta, với tư cách là một đất nước hoặc những cá nhân. Nỗi sợ không có đủ dầu mỏ của chúng ta là động lực thúc đẩy phần lớn các chính sách quốc gia và chiến lược quân sự của chúng ta tại khu vực Trung Đông. Là một quốc gia, chúng ta tỏ ra luôn sẵn sàng và sẵn lòng gây chiến vì lợi ích dầu mỏ, thậm chí đến mức độ là sát hại những con người vô tội, hơn là sẵn sàng hạn chế mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch của mình và sự lệ thuộc của mình vào dầu mỏ nước ngoài. Lòng tham vô độ này đã làm nước Mỹ trở nên mù quáng và vô nhân đạo đối với thế giới, và hậu quả của thái độ này là rất nghiêm trọng. Đã đến lúc phải nói lên sự thật và phải tự xem xét lại bản thân. Khi chúng ta nhận thấy được giá trị đích thực của thị hiếu tiêu dùng trong cả nước Mỹ, và hình ảnh của nước Mỹ trong con mắt phần lớn cộng đồng thế giới là những kẻ chỉ biết tiêu xài, kiêu căng và tham lam. Chúng ta có thể kiên định theo một lập trường, thay đổi giấc mơ, và chuyển câu chuyện sang sự đầy đủ.
     
    Mèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
  3. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    NẮM GIỮ CUỘC ĐỜI CHÚNG TA CÙNG VỚI TIỀN BẠC: LẮNG NGHE SỰ VĨ ĐẠI, NÓI LÊN SỰ THẬT

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trừ khi ngủ, tôi dành phần lớn thời gian của mình cho những câu chuyện liên quan đến tiền bạc. Mặc dù, các dự án và các nguồn ngân sách thường có quy mô toàn cầu, phần lớn những câu chuyện đó là tấm gương phản chiếu những câu chuyện thảo luận thường gặp hàng ngày xoay quanh vấn đề tiền bạc – vấn đề về hậu cần – cân nhắc xem bao nhiêu tiền là đủ để thực hiện một công việc, sẽ huy động nó từ đâu, ai sẽ quản lý nó, và nó sẽ được sử dụng như thế nào để hoàn thành công việc đặt ra. Tuy có vẻ giống những công việc thường ngày tẻ nhạt, những câu hỏi và câu chuyện này dẫn dắt chúng ta đến một sự thật, một điều hư cấu ẩn sâu nhất, một sự lừa dối che đậy khéo léo nhất mà chúng ta thường kể về tiền bạc và mối quan hệ của chúng ta với tiền.

    Trong suốt đợt thị trường chứng khoán trầm lắng vào năm 2003, một số những quỹ hỗ trợ tầm cỡ hàng đầu nước Mỹ bắt đầu giảm hỗ trợ của mình đối với các cơ quan và tổ chức thực hiện các công việc quan trọng trong các chương trình hỗ trợ các gia đình và trẻ em, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng, giáo dục và an ninh công cộng. Đặc biệt, vào một tuần nọ, phòng khách của tôi đã trở nên không khác gì một nơi công cộng khi các nhân viên gây quỹ cũng như nhân viên của các tổ chức phát triển xã hội của hết cơ quan này đến cơ quan khác – tất cả đều có uy tín và một hệ thống quản lý tốt – ra ra vào vào, để thông báo về các sự cố tồi tệ mà các quỹ của họ đột ngột gặp phải.

    Trong cộng đồng hoạt động từ thiện, dễ hiểu là các quỹ tài trợ đều rất lo lắng về tình kinh tế và sự sụt giảm lợi tức từ các danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, các quỹ đều có tiềm lực tài chính rất mạnh, nắm trong tay hàng triệu, thậm chí là hàng trăm triệu đô-la và có khi còn nhiều hơn thế, đó là điều kiện để duy trì một nền tảng vững chắc cho các hoạt động và các khoản hỗ trợ. Họ đã cắt bớt lượng tiền tài trợ như là một bước phòng bị sớm về mặt tài chính. Những khoản cắt giảm này có tác động tai hại đến các tổ chức phi lợi nhuận và đến khả năng duy trì các hoạt động ở tại địa phương cũng như trên toàn thế giới.

    Trong những tháng tiếp theo, các tổ chức phải chật vật lái câu chuyện của họ theo hướng làm thế nào để có thể làm được nhiều việc hơn chỉ với ít tiền bỏ ra hơn. Cùng lúc đó, một số quỹ bắt đầu đánh giá thận trọng các mối ưu tiên – một hệ quả của việc cắt giảm. Liệu có phải mục đích tối cao của họ là những khoản lợi nhuận đầy tham vọng, ngay cả khi những mục tiêu đó đòi hỏi phải cắt giảm các khoản hỗ trợ cho các hoạt động quan trọng? Hay trong hoàn cảnh như thế này, liệu có phù hợp hơn không khi các quỹ tiếp tục tài trợ cho các hoạt động đại diện cho những sứ mạng từ thiện đã được họ tuyên bố từ trước đó, khi họ thu xếp các vấn đề chi tiêu tài chính và mục tiêu tương lai trong nội bộ tổ chức có trách nhiệm để tôn trọng cam kết đó? Những câu chuyện này lại dẫn đến những vấn đề khác về bản chất của các khoản đầu tư của họ, và liệu danh mục đầu tư của họ có phải là yếu tố thể hiện chân thực các giá trị của quỹ tài trợ của họ hay không? Liệu có phù hợp không khi đầu tư và thu lợi từ ngành công nghiệp thuốc lá khi sứ mạng của quỹ tài trợ đó là bảo vệ sức khoẻ cộng đồng?

    Quá trình bàn luận về những vấn đề này đối với cả hai phía, là một cơ hội để tự nhìn nhận lại bản thân, một sự mời gọi trở nên thành khẩn và rành mạch về các động cơ, mục đích, ưu tiên và cả cam kết. Đó là một lời kêu gọi loại bỏ câu chuyện về sự thiếu thốn cũng như các hành vi phòng ngừa bị động mà nó đòi hỏi, và thay vào đó là chuyển sang câu chuyện về sự đầy đủ, vẫn luôn có đủ và thế là đủ để chúng ta vượt qua thử thách.

    Câu chuyện về sự đầy đủ mở rộng câu chuyện về tiền bạc và ngay cả những phẩm chất của tâm hồn cũng có thể nhập cuộc. Chúng tôi đã không chỉ định lắng nghe lẫn nhau, mà còn cả sự vĩ đại của nhau – sự vĩ đại đi kèm với tiền bạc. Chúng ta có thể quan sát chính mình và lắng nghe cách mà chúng ta tiến hành đối thoại và đưa ra các quyết định về tiền bạc. Chúng ta có thể tự hỏi lòng mình rằng mình muốn trở thành người như thế nào trong thời khắc ấy, với số tiền mình đang có; rằng chúng ta cần trở thành người như thế nào để có thể làm được nhiều điều có ích cho nhiều người nhất.

    Câu chuyện về sự đầy đủ đã luôn nằm trong tâm điểm của mọi câu chuyện thành công mà tôi đã từng chứng kiến, cho dù nó diễn ra ở một ngôi làng còn gặp vô vàn khó khăn của Senegal, hoặc trong cuộc đấu tranh hay những lựa chọn của những người ở gần chúng ta hơn. Khi Bảy Người Vĩ đại kêu gọi chuyển hướng câu chuyện trong ngôi làng của họ – cam chịu thất bại hay bỏ làng ra đi – sang các ý tưởng sáng tạo để cải thiện cuộc sống ở mảnh đất nơi đây, thứ đầu tiên nảy nở ra đó là một cảm hứng về khả năng và năng lực con người. Từ đó mới phát sinh ra những chiến lược, những hành động quyết đoán, và cuối cùng là sự thành công. Những người khác, những người vượt lên được khỏi các cuộc ly dị, hay các thất bại trên phương diện cá nhân cũng như tiền bạc, những người vẫn tiếp tục chiến đấu vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, thường nói với tôi rằng bước ngoặt của họ xuất hiện ngay vào lúc họ có thể chuyển hướng sự tập trung và câu chuyện của mình khỏi sự đau đớn, mất mát vào khoảnh khắc đó, và bắt đầu tập trung các nguồn lực nội tại của họ, xem xét nghiêm túc về các vận hội mới.

    Trong cuốn Ethics for the New Millennium (Đạo đức cho Thiên niên kỷ mới) của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chia sẻ cho chúng ta về sự thông tuệ của nhà hiền triết Ấn Độ Shantiveda, người đã từng quan sát thấy rằng "chúng ta không có hy vọng tìm được đủ da thuộc để phủ lên toàn bộ mặt đất nhằm bảo vệ bàn chân chúng ta khỏi những cái gai, và trên thực tế là chúng ta không cần làm vậy. Có da thuộc để che hết lòng bàn chân của chúng ta là đủ."

    Chúng ta không thể luôn luôn thay đổi mọi hoàn cảnh xung quanh mình, nhưng chúng ta có thể lựa chọn câu chuyện mà chúng ta nói đến. Trong một thế giới đầy những gai nhọn, một nền văn hóa mà mọi câu chuyện đều bị choáng ngợp bởi những điều chưa có đủ, càng nhiều càng tốt, và tự nhiên nó phải thế, chúng ta không có lựa chọn nào khác là phải bước đi trên thế giới đó, nhưng chúng ta có thể bọc đôi bàn chân mình lại bằng những tấm da. Không hề phù nhận hay cố tình lờ đi những thứ đang thật sự có vấn đề, chúng ta vẫn có thể chuyển sự tập trung của mình vào những khía cạnh của cuộc sống mà ở đó chúng ta phát triển và thịnh vượng, và biến câu chuyện đó thành bối cảnh cho chuyến du hành của chúng ta. Chúng ta có thể lựa chọn từ ngữ của mình và tạo ra những "câu châm ngôn về cuộc sống" mới mẻ, có tác dụng điều chỉnh mối quan hệ với tiền bạc của chúng ta.

    Điều thử thách đối với tôi khi khám phá ra đó là sự thiếu thốn những "câu châm ngôn về cuộc sống" khi nói đến vấn đề tiền bạc, sự thiếu thốn các cấu trúc và cụm từ ăn sâu vào trong niềm tin của tôi và đã được tôi chấp nhận trong nhiều năm trời không hề biết đến, chúng tác động lên cuộc sống của tôi với tiền bạc. Đối mặt với chúng, đánh giá lại giá trị của chúng, và viết lại chúng cho chân thực hơn là một bước đi hiệu quả, tuy không phải lúc nào cũng dễ dàng, và thường gợi mở ra những thay đổi sâu sắc.

    Tiền bạc là nguyên nhân sâu xa của mọi vấn đề liên quan đến bình đẳng giới ở bất kỳ nơi đâu bạn để mắt tới. Tôi được sinh ra ở một thời kỳ và trong một gia đình mà mọi người đều cho rằng chỉ đàn ông mới có quyền đi kiếm tiền, còn phụ nữ thì không. Vào những năm 1950, một người phụ nữ thành đạt là một điều hiếm thấy, và mặc dù điều này đã trở nên phổ biến hơn trong xã hội ngày nay, đối với những người thuộc thế hệ của tôi thì đó vẫn là những trường hợp ngoại lệ và chúng tôi vẫn thấy đôi chút bất ngờ.

    Những người phụ nữ trẻ hiện nay có một quan điểm được rút ra từ kinh nghiệm của chính bản thân họ về khả năng kiếm tiền của những người bạn cùng trang lứa, hay những người phụ nữ mà họ biết hoặc thấy xung quanh mình. Họ không hề thấy lạ lẫm trước việc kiếm và quản lý tiền bạc, nhưng nền văn hóa của chúng ta vẫn đặt ra những tiêu chuẩn khác nhau trong câu chuyện về tiền bạc trong cuộc sống của nam giới và của nữ giới. Một cách âm thầm hay lộ liễu, câu hỏi nảy sinh ra là: Người phụ nữ đã phải đánh đổi những thứ gì – cuộc sống hôn nhân, gia đình, con cái, trách nhiệm nuôi dạy con cái, hay những phẩm hạnh cơ bản nhất – để trở nên thành đạt về mặt tài chính? Những câu hỏi này có thể dành cho bất kỳ ai đối với những quyết định liên quan đến tiền bạc của họ, nhưng phụ nữ thương bị để ý về chuyện này hơn là đàn ông, những người thường tô vẽ cho mối quan hệ của mình với tiền bạc, và với những người đàn ông khác về vấn đề tiền bạc, trong một lớp vỏ bọc hào nhoáng. Hậu quả được thể hiện ra trong các chi tiết của những cuộc chuyện trò hàng ngày.

    Trong chính cuộc sống của tôi, có một vấn đề thực tế là tôi hoàn toàn trông cậy vào chồng trong việc kiếm tiền và quyết định chi tiêu trong gia đình, còn mình thì cố gắng không dây dưa gì đến nó. Vấn đề mà sự phân công này đem đến không phải là ở tài xoay sở về mặt tiền bạc của chồng tôi, mà là những lý do mà tôi đưa ra để cố gắng tránh phải đối mặt với vấn đề tiền bạc hay với chồng tôi trong các vấn đề liên quan tới tiền bạc. Tôi có thể cố lý giải rằng anh ấy giỏi khoản này hơn tôi, hoặc đó là cách phân công việc nhà của chúng tôi, nhưng nếu tôi thật sự thành thực về việc đó, tôi biết rằng còn có những vấn đề tình cảm trong cách phân công trách nhiệm này mà còn chưa được nói ra và cân nhắc tới.

    Khoản đóng góp tiền bạc đầu tiên mà tôi từng mang lại, đã đến với tôi từ một dịp hết sức bất ngờ. Đó là vào lúc Bill vẫn đang kiếm tiền cho gia đình, và chúng tôi vẫn sống thật đầy đủ, thoải mái. Lúc đó, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong công việc gây quỹ, nhưng đã trở thành một điều phối viên cho một buổi họp nho nhỏ để lên chiến lược gây quỹ cho Dự án Xóa đói. Chúng tôi đã mời khoảng 40 người, và một doanh nhân đáng kính tên Leonard chủ trì cuộc họp. Sau khi chúng tôi giải quyết các vấn đề liên quan đến chiến lược gây quỹ, tôi biết đã đến lúc kêu gọi những người tham dự đóng góp tiền bạc, và tôi đã ra hiệu cho Leonard. Tôi đã rất ngạc nhiên khi ông ấy bảo tôi ngồi xuống và nhập vào nhóm khách mời.

    Leonard bắt đầu phát ra những thư mời quyên góp. Tôi đã nghĩ đến công thiết kế những lá thư đó của mình – đến việc chúng trông vô cùng bắt mắt thế nào – không hề có một lỗi chính tả nào hết! Và sau đó túi bút chì được chuyền quanh cho mọi người, và đó chính là những cây bút chì do chính tay tôi gọt, có đủ cho tất cả mọi người – mọi việc diễn ra trôi chảy, và tôi đã cảm thấy rất tuyệt vời! Sau đó chính Leonard đã đưa cho tôi một lá thư mời, và tôi đã sững sờ một chút. Dù sao thì lúc đó tôi cũng vẫn chỉ là một bà mẹ trẻ và có một cơ hội tuyệt vời được làm việc cho Dự án Xóa đói, nhưng tiền công tôi nhận được thì chả đáng là bao, và bởi vậy tôi cũng không nghĩ là mình có một đồng nào cả.

    Ở nhà, tôi có một khoản trợ cấp nhỏ dành cho việc mua sắm thực phẩm và các vật dụng gia đình, chăm sóc con cái, nhưng về cơ bản thì phần tiền dành cho chi tiêu cá nhân của tôi trong ngân sách của cả gia đình khá là ít ỏi, và tôi đã cảm thấy khó lòng mà cam kết quyên góp chỉ với số tiền đó. Đó là tiền của cả gia đình – không chỉ của riêng tôi – và tôi chẳng hề cảm thấy dễ dàng khi phải mang số tiền đó ra cam kết. Nhưng theo trái tim mách bảo, tôi đã cam kết quyên góp 2.000 đô-la, và tôi đã viết số tiền đó xuống lá thư, khi đó tôi thấy tràn ngập cảm xúc – phải, mặc dù là nó sẽ rất khó khăn, nhưng nó cũng là một lời tuyên bố thực thụ của tôi đối với cam kết của mình, và tôi sẽ chỉ phải sắp xếp lại một số việc chi tiêu trong gia đình và các khoản khác để làm được điều đó. Vì thế tôi đã chợt cảm thấy một niềm phấn khởi và sức mạnh dâng trào khi đặt bút ký vào bức thư mời với cam kết sẽ quyên góp 2.000 đô-la. Đó là bước đầu tiên tôi bắt đầu thể hiện tư thế của mình với tiền bạc trên vai trò cá nhân nhất. Tôi biết là chúng tôi sẽ tìm ra cách để thực hiện cam kết đó.

    Tôi lên xe để đi về nhà và gần như là đã không thể hòa vào dòng xe khi chợt rơi vào một cơn hoảng sợ tột độ. Tôi đã làm cái gì vậy? Tôi không biết phải làm thế nào để có được số tiền đó cả. Và tôi sẽ nói thế nào với chồng mình đây? Tôi cảm thấy mình đã đi quá giới hạn. Làm sao tôi có thể bào chữa được cho việc cam kết quyên góp số tiền đó mà không bàn qua trước với anh ấy? Tôi nhận thấy rõ ràng sự bất lực của mình – giống như một sự khiêm nhường kiểu trẻ con trước mặt người chủ gia đình – và cả sự lo lắng, bất an xung quanh vấn đề tiền bạc này, và làm sao để tôi có thể thanh minh với chồng mình, và anh ấy sẽ xử sự như thế nào. Cuối cùng thì hóa ra Bill lại rất ủng hộ công việc gây quỹ của tôi và một cam kết chắc chắn hơn về các nguồn lực của gia đình. Nhưng trước khi tôi biết được điều đó thì thật sự tôi đã rất lo lắng.

    Sự việc này tưởng chừng rất vụn vặt, nhưng câu chuyện xoay quanh tiền bạc của cả hai chúng tôi lúc đó đã tràn ngập những châm ngôn về cuộc sống, tôi thì thể hiện một truyền thống là không muốn dính dáng gì và một thái độ phụ thuộc, trong khi Bill thì thể hiện một quan điểm truyền thống của sự quản lý và kiểm soát. Chức năng và sức mạnh đối với tiền bạc của đàn ông và phụ nữ ở mọi nơi, trên cả thế giới đều diễn ra như vậy, như một quan niệm mặc nhiên được thừa nhận, như một điều gì đó mà chúng ta ngại khuấy động đến vì lo sợ hậu quả.

    Trên khắp thế giới, phụ nữ đảm đương những công việc khổng lồ: Chăm sóc con cái, nấu ăn, nuôi dưỡng cả gia đình, trông coi nhà cửa, bên cạnh việc theo đuổi những sự nghiệp vất vả và đòi hỏi hy sinh nhiều thứ. Đặc biệt là ở những nước kém phát triển hơn, những đóng góp của người phụ nữ là không thể đong đếm được, họ làm những công việc không được thừa nhận, không được trả công bằng tiền bạc, và thậm chí còn không bao giờ được coi là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế. Chỉ tính riêng khu vực châu Phi cận Sahara, 85% nông dân sản xuất ra lương thực là phụ nữ, nhưng công việc của họ thì không được thừa nhận. Chúng không được quy ra giá trị tiền bạc.

    Ở các nước phát triển hơn, sự bất bình đẳng giới tính trong công sở xoay quanh vấn đề tiền bạc nổi lên rõ nét và đáng kinh ngạc. Tương tự, trong các vụ dàn xếp ly hôn, thái độ đối với các công việc truyền thống của người phụ nữ, như chăm sóc dạy dỗ con cái, và câu hỏi tại sao họ lại chỉ được trả công vô cùng ít ỏi, bất chấp vai trò thiết yếu của họ trong nền văn hóa của chúng ta, tất cả đều thể hiện một sự bất bình đẳng rõ nét. Nó được thể hiện ra trên quy mô to lớn, rõ nét nhất ở chỗ trong khi các tổ chức hoạt động vì phúc lợi cộng đồng thì luôn bị thiếu hụt nguồn đầu tư, trong khi các hoạt động công nghiệp và quân sự lại được đầu tư không tiếc tiền.

    Những bất cập về vấn đề bình đẳng giới cũng như tiền bạc tồn tại ở quy mô rất lớn trên toàn thế giới, nhưng chúng bắt nguồn ngay tại chính những căn nhà, những gia đình của chúng ta, trong chính trái tim của chúng ta, nơi mà sự bất lực chi phối mọi cảm xúc về tiền bạc của chúng ta. Chỉ cho đến khi những vấn đề sâu xa xung quanh tiền bạc được hòa giải – giữa một người phụ nữ và một người đàn ông, và giữa tất cả phụ nữ với tất cả đàn ông – thì tiền sẽ còn đôi lúc trở thành những điểm mù, hoặc những căn nguyên gây bất đồng trong mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc và với lẫn nhau, từ những mối quan hệ riêng tư thân mật nhất cho tới những mối quan hệ xã hội rộng rãi nhất, và cả các chính sách xã hội nữa.

    Chúng ta đều có những câu châm ngôn về cuộc sống ăn sâu vào niềm tin và thế giới quan của chúng ta. Ta hoàn toàn có thể viết chúng ra và thiết lập lại một cách có ý thức các phản ứng của mình, để chúng chứa đựng những cảm hứng chúng ta cần có nhằm củng cố vị trí của mình xung quanh vấn đề tiền bạc:

    Tiền bạc giống như dòng nước. Chúng có thể là phương tiện thể hiện cam kết, cũng có thể là phương tiện truyền tải tình yêu thương.

    Tiền bạc dịch chuyển hướng đến những quyết tâm cao cả nhất của chúng ta, bồi đắp cho thế giới của chúng ta và ngay chính chúng ta.

    Những gì bạn nâng niu sẽ trở nên giá trị.

    Khi bạn tạo nên một sự thay đổi với những gì mình có, nó sẽ phát triển mở rộng lên.

    Hợp tác tạo nên thịnh vượng.

    Sự sung túc thực thụ bắt nguồn từ sự đầy đủ; không bao giờ đến từ sự nhiều hơn.

    Tiền bạc chứa đựng ý định của chúng ta. Nếu chúng ta sử dụng nó ngay thẳng, nó sẽ tiếp tục đưa sự ngay thẳng đi tiếp.

    Hãy ý thức về dòng chảy của tiền bạc – hãy có trách nhiệm với dòng lưu chuyển tiền bạc của bạn trên thế giới.

    Hãy để linh hồn điều khiển tiền bạc và hãy để tiền bạc thể hiện linh hồn của bạn.

    Hãy tiếp cận những tài sản của mình – không chỉ là tiền bạc mà còn cả tính cách lẫn khả năng, các mối quan hệ và cả những nguồn lực phi tài chính khác của bạn.

    Mỗi chúng ta đều có khả năng chuyển hướng, thay đổi và tạo ra những câu chuyện định hình nên thực trạng của bản thân. Chúng ta hoàn toàn nắm giữ chìa khóa và đường hướng của những câu chuyện này. Khi chúng ta nghe, nói và phản ứng dựa trên bối cảnh của sự đầy đủ, chúng ta sẽ tiếp cận được một sự tự do và sức mạnh hoàn toàn mới mẻ trong mối quan hệ của chúng ta đối với tiền bạc và cuộc sống.
     
    Mèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
  4. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    Chương 11:

    ĐỂ LẠI DI SẢN LÀ SỰ ĐẦY ĐỦ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cuộc đời bạn sống chính là di sản bạn để lại.

    Vào tháng 5 năm mẹ tôi 87 tuổi, bà bị chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối. Các bác sĩ nói bà chỉ còn sống được vài tháng nữa, và bà biết điều đó là sự thực. Bà quyết định dành quãng thời gian còn lại để tận hưởng từng giây phút của hiện tại, trân trọng căn nhà, khu vườn, gia đình mình, và những nơi và những con người thân quen, yêu dấu trong cuộc đời.

    Những người con đã trưởng thành của bà, cả bốn chúng tôi đều sống xa căn nhà của bà ở Palm Springs, nhưng vẫn thường xuyên lui tới thăm hỏi bà. Tất cả chúng tôi đều lần lượt đến sống chung với bà, nhưng cuối cùng, tôi quyết định đến và ở lại với bà trong một thời gian dài, để giúp bà nhẹ nhàng tiến tới những giờ phút cuối cùng của đời mình. Tôi thấy việc cùng với mẹ mình đối mặt với những giờ phút cuối cùng của bà là một cơ hội có một không hai cho cả hai chúng tôi, cho gia đình tôi, nhằm tiến tới một mối quan hệ sâu sắc hơn hẳn trước đây giữa mỗi người chúng tôi. Rất nhiều năm trước đây, ngay trước sinh nhật lần thứ 13 của tôi, cha tôi đã đột tử trong một cơn đau tim khi đang ngủ. Trước đó ông không hề ốm đau hay bệnh tật gì, và ông vẫn còn rất trẻ ở độ tuổi 51. Nhưng một buổi tối nọ, tất cả chúng tôi đi ngủ, rồi cùng thức dậy vào sáng hôm sau, chỉ ngoại trừ ông ấy. Đó là một cú sốc và mất mát tinh thần quá lớn lao đối với tất cả chúng tôi.

    Vì thế, được biết mình có thể chia sẻ những tuần và tháng cuối đời của mẹ là một hạnh phúc lớn lao đối với tôi. Hơn thế, đó là cơ hội để tôi đào sâu trải nghiệm của mình về ý nghĩa của cuộc sống, và cái chết. Đó không chỉ là một mất mát đột ngột, mà còn là một điểm kết thúc đang dần tiến đến, làm cho trải nghiệm về sự sống của chúng ta thăng hoa và sắc bén hơn.

    Trong những ngày và tuần cuối cùng đó, chúng tôi dành hàng giờ để nói chuyện về cuộc sống, và về cuộc đời của bà. Chúng tôi hồi tưởng lại bà đã có một cuộc đời phong phú như thế nào, cùng ôn lại những kỷ niệm hạnh phúc, những món quà, những nỗi đau đớn, vất vả, thất vọng, nuối tiếc và cả những lỗi lầm, cùng suy ngẫm về tầm quan trọng của những ký ức ấy khi người ta đã đi đến đoạn cuối cuộc đời. Những ký ức và vết thương đau đớn đó có vẻ như vẫn luôn tươi mới trong bà, cho dù bao năm đã trôi qua, và thật dễ dàng để gợi lại chúng. Tuy nhiên, những niềm hạnh phúc, những thành tựu, những khoảnh khắc vinh quang, đó mới là những gì mà bà thật sự muốn dành thời gian nghĩ đến. Vì vậy, chúng tôi đã dành hẳn một tuần chỉ để làm điều đó. Bà muốn hoàn thiện cuộc đời mình bằng cách lục lại ký ức và mang ra kể cho mọi người về những trải nghiệm đã bị lãng quên từ lâu giữa bao bộn bề công việc hàng ngày.

    Một hôm, chúng tôi chuyển sang vấn đề tiền bạc trong cuộc sống của bà. Thời gian đó, mẹ tôi vẫn có thể tự ngồi được trên ghế và đi bộ quanh với một chiếc gậy. Chúng tôi ngồi ngoài hiên nhà trong một ngày nắng đẹp dễ chịu, tận hưởng những làn gió nhẹ mang đến những mùi hương thanh khiết của khu vườn với những loài hoa đang nở rộ. Chợt mẹ tôi bắt đầu kể lại rằng trước kia bà đã từng là một nhà gây quỹ thành công, và giờ bà rất tự hào vì tôi đã nối nghiệp của bà. Bà nói rằng công việc gây quỹ của hai chúng tôi chẳng hề giống nhau, bởi khi đó và bây giờ đã là hai thời đại hoàn toàn khác biệt. Khi đó, những người phụ nữ giàu có ở một chừng mực nhất định đều làm từ thiện gần như là vì bắt buộc. Bà kể, đối với một số người, "làm từ thiện" là để nâng cao vị thế xã hội của mình. Bà cũng thừa nhận rằng bản thân cũng có động cơ đó, nhưng khi hồi tưởng lại, bà thấy rằng những cơ hội cống hiến, đóng góp thời gian và công sức để tổ chức và gây quỹ là những trải nghiệm đẹp đẽ và quan trọng nhất trong suốt cuộc đời bà.

    Bà vẫn nhớ như in dự án gây quỹ đầu tiên của mình. Lúc đó bà còn là một người vợ, người mẹ trẻ ở độ tuổi 30, sống tại Evanston, Illinois. Bà nhận nhiệm vụ gây quỹ cho một tổ chức từ thiện tại địa phương. Đó là một tổ chức của cộng đồng, bố trí nuôi nấng và chăm sóc các trẻ em mồ côi hoặc bị bỏ rơi và tìm kiếm cha mẹ nuôi cho chúng.

    Giờ đây, khoảng nửa thế kỷ sau, bà vẫn nhớ như in cảm giác khi bà quyết tâm quyên góp cho được 25.000 đô-la để mở rộng tòa nhà chăm sóc trẻ và khu văn phòng làm việc của tổ chức. Đó là một mục tiêu lớn, gần như bất khả thi đối với tổ chức của bà lúc đó. Trong khi đó, mẹ tôi vẫn còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm, và chẳng hề biết phải làm thế nào. Nhưng dù sao thì cũng cần phải có ai đó đứng ra nhận trách nhiệm, và mẹ tôi đã làm vậy.

    Mẹ tôi cùng với nhóm của bà đã thực hiện mọi dự án có thể để kiếm đủ số tiền đó. Họ tổ chức bán bánh gây quỹ, quyên góp quần áo cũ, và cả các chuyến thăm thú các khu vườn. Họ thực hiện một loạt các sự kiện gây quỹ quy mô nho nhỏ nối tiếp nhau.

    Thời đó, người ta không hay kêu gọi các cá nhân đóng góp tiền bạc trực tiếp như bây giờ, nhưng những hoạt động kể trên cũng mang lại được một khoản đáng kể. Khi gần đến hạn chót của đợt quyên góp, họ chỉ còn cách mục tiêu của mình 5.000 đô-la nữa. Mẹ tôi kể, lúc đó, bà cảm thấy kiếm được số tiền 5.000 đô-la còn lại là một trách nhiệm cá nhân. Chính khi đó, bà mới thật sự đến với công tác gây quỹ với một trái tim hoàn toàn trong sáng, bởi bà nhận ra rằng có rất nhiều cặp vợ chồng đã từng nhận con ở trung tâm này, và sẽ sẵn lòng quyên góp nếu được biết rằng số tiền họ đóng góp có thể giúp các cặp vợ chồng khác có được may mắn như họ. Với cái nhìn đó, bà đã lập một danh sách các cặp vợ chồng nhận con nuôi và gọi đến hẹn gặp với từng gia đình. Bà kêu họ ủng hộ tiền. Mỗi nhà một ít, 250 đô-la, 500 đô-la và họ đã quyên góp đến khi đủ tiền. Vậy là bằng cách này, bà đã tự kêu gọi quyên góp được 5.000 đô-la, cuối cùng, cả đợt họ đã thu được tất cả là 26.133 đô-la.

    Mẹ tôi đã kể rằng đợt gây quỹ đó đã dạy cho bà biết ở đâu mọi người cũng muốn tạo nên những điều khác biệt. Mọi người đều muốn một cuộc sống vui khoẻ và có ích cho chính mình và cả những người khác, và quyên góp tiền bạc là một trong những cách hiệu quả và kỳ diệu nhất mà chúng ta có thể dùng để tạo ra sự khác biệt. Bà nói rằng mỗi một cuộc gặp gỡ với các gia đình đó đều là một cuộc trò chuyện thân tình, đáng nhớ, và bà hiểu rằng đề nghị của bà là một món quà đối với họ.

    Chúng tôi đã ngồi nói chuyện và suy ngẫm về những gia đình đã có những thay đổi nhờ đợt gây quỹ đó, cả những gia đình đã quyên góp tiền và cả những gia đình sau này đến nhận con nuôi ở khu nhà mới, tất cả họ đều được hưởng lợi đến trọn đời. Sau đó, chúng tôi nhận ra những đứa trẻ khi đó được nhận ra khỏi trung tâm giờ đây cũng đều khoảng 50 tuổi cả rồi. Họ đã được nhận về và nuôi dưỡng bởi những gia đình yêu thương và mong muốn có họ. Chính những đứa trẻ đó giờ đây cũng rất có thể đã có con và rất nhiều người đã có cháu, và hàng bao thế hệ sẽ được nối tiếp nhau sinh ra trong những gia đình tràn ngập tình yêu thương đó. Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi nhận ra rằng khoản tiền 26.133 đô-la mà mẹ tôi đã quyên góp được từ thủơ nào vẫn còn có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của những người đó cùng con cháu của họ. Khi bạn gây quỹ vì những quyết tâm cao cả nhất của mình – ví như đối với mẹ tôi, đó là quyết tâm giúp những đứa trẻ mồ côi trở nên được yêu thương và chăm sóc – những nguồn lực tài chính đó sẽ còn tiếp tục mang đến những vụ mùa không bao giờ cạn kiệt, cũng như những mục đích cao cả của số tiền đó. Chúng tôi nghĩ về những em bé được nhận nuôi sau đợt gây quỹ đó, từ cơ sở mới xây đó. Mẹ tôi coi mỗi đứa trẻ đó là một phần di sản mà mẹ tôi đã giúp trung tâm để lại cho đời. Chúng tôi đều rất xúc động với ý nghĩ đó, và với sức mạnh có thể thay đổi thế giới của những đồng tiền từ thiện.

    Trong một câu chuyện khác, bà đã hồi tưởng lại tất cả những đợt gây quỹ lớn mà mình đã tổ chức: Những chiến dịch vận động tài trợ cho viện bảo tàng, cho một tổ chức nhận trẻ mồ côi quốc tế, một buổi hòa nhạc giao hưởng của địa phương, câu lạc bộ cho các cậu bé, câu lạc bộ cho các cô bé, một chương trình phúc lợi cho những người Mỹ da đỏ ở miền Tây – nơi bà sống hiện nay, một học viện cho người mù, nơi cư trú cho các loài động vật, một trung tâm xóa mù chữ, trung tâm chăm sóc những người đang gần đất xa trời mà nay vẫn đang cử các nhân viên của mình đến chăm sóc bà, một trại nghiên cứu sinh thái, một dự án biến một số vùng sa mạc thành những môi trường sinh thái tự nhiên thuận lợi cho sự sống, một trại xây dựng các con đường dẫn lên núi qua các khu vực hoang dã. Khi bà liệt kê hết dự án này đến dự án khác, tổ chức này đến tổ chức khác, bà nhận ra rằng có lẽ mình đã gây được hàng triệu đô-la tiền quỹ từ thiện, giúp hàng triệu người trở nên hạnh phúc và còn giúp ích cho nhiều người khác.

    Số tiền đó, mặc dù đã được sử dụng hết từ lâu, nhưng bằng rất nhiều cách vẫn còn phát huy tác dụng và thậm chí còn giúp ích cho cả bà nữa. Những con đường mòn xuyên qua các khu vực hoang dã đang được các cháu bà sử dụng, những nhân viên chăm sóc người hấp hối thì đang phục vụ bà và cả gia đình của bà, tiền bạc và lòng hào phóng mà bà đã đem đến cho cộng đồng giống như những khoản đầu tư giờ đây mang lại nhiều lợi ích cho bà. Những khoản tiền đó sẽ còn phát huy tác dụng mãi mãi, không bao giờ bị cạn kiệt, mà liên tục mang đến lợi ích cho tất cả mọi người. Đó là một nhận thức ấn tượng và là khoảnh khắc sâu lắng đối với cả hai chúng tôi.

    Một vài ngày sau mẹ tôi nói bà muốn gửi lời cảm ơn đến những người ở quanh khu phố có vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của bà, đặc biệt là những người đã thật sự tốt bụng và tử tế với bà. Bà coi những mối quan hệ đó là những kho báu vô giá, và bà muốn họ biết bà quý trọng họ như thế nào. Bà lôi ra cuốn danh bạ điện thoại và tìm đến mục Những trang vàng. Bà nhờ tôi gọi đến tiệm giặt là. Tôi bấm số rồi chuyển máy cho bà, bà đã hỏi gặp ông quản lý. Sau một vài giây cô thư ký chuyển máy cho ông quản lý, và mẹ tôi bắt đầu nói:

    "Ông Ken à, tôi Tenney đây! Tôi chỉ còn sống được đến khoảng tháng chín này nữa thôi, và tôi đang nói chuyện với con gái về tất cả những người đã làm cho chặng đường cuối cùng này của cuộc đời tôi trở nên thật là đặc biệt. Ông đã giúp giặt đồ cho tôi trong suốt 20 năm qua, và tôi cảm thấy đã được ông và các nhân viên của tiệm quan tâm và giúp đỡ rất nhiều. Tôi rất quý trọng ông, và tôi muốn ông biết rằng khi một người già đi và không thể tự chăm sóc được nhiều cho bản thân, những người hàng xóm cung cấp những dịch vụ thiết yếu như thế này trở thành những người quan trọng trong cuộc sống của người đó. Tôi mong ông có thể thu xếp thời gian đến dự đám tang của tôi, và xin hãy ngồi ở dãy ghế đằng sau gia đình tôi. Tôi muốn ông gửi địa chỉ và số điện thoại cho con gái tôi để nó có thể mời ông tới đám tang khi đến lúc."

    Bà đã nói chuyện với Mary và Susan, nhân viên của tiệm giặt là đó, và nói với họ những điều tương tự, nhưng đi sâu hơn ở một số chi tiết về việc bà quý trọng họ đến như thế nào. Sau đó, bà gọi đến xưởng sửa xe và nói chuyện với người thợ đã chăm sóc xe của bà. Chúng tôi gọi đến quầy dược phẩm, cho cậu bé giao hàng, cho cô nhân viên quầy mỹ phẩm ở cửa hàng bà ưa thích. Chúng tôi gọi đến nhà hàng ưa thích của bà, một nhà hàng nhỏ kiểu Pháp, để bà nói chuyện với những người chủ nhà hàng và với Martine, cô phục vụ bàn yêu thích của bà. Bà đã nói với họ rằng thật đặc biệt khi được quen biết với họ cũng như được họ quan tâm tử tế. Chúng tôi gọi điện đến cho người thợ cắt tóc, chuyên gia mátxa trị liệu, và người thợ cắt móng tay của bà. Chúng tôi gọi cho những người đã mang thực phẩm đến cho bà.

    Mỗi cuộc nói chuyện đều rất cảm động. Mọi người đều ngạc nhiên. Họ không quen nghe người khác cảm ơn công việc của họ, đặc biệt là với một người đang gần đất xa trời. Tôi đã ghi lại tên và địa chỉ của tất cả mọi người để có thể mời họ đến đám tang của bà khi đến lúc.

    Sau đó. Chúng tôi chuyển sang phân chia một phần số tiền còn lại của bà cho tất cả 11 đứa cháu và ba đứa chắt của bà. Dù số tiền không nhiều, nhưng bà muốn chia cho mỗi đứa thật sớm để chúng có thể kể cho bà nghe chúng muốn sử dụng số tiền đó như thế nào, để bà có thể được cùng sẻ chia niềm vui đó với chúng.

    Chúng tôi thắp vài ngọn nến và bắt đầu. Chúng tôi tập hợp các bức ảnh trong cả nhà lại, và lần lượt đặt từng bức ảnh trước mặt bà khi bà kể lại những phẩm chất và chặng đường đời đặc biệt của từng đứa. Đôi mắt bà nhòa lệ khi bà vừa ngắm những bức ảnh của những đứa cháu và bày tỏ bà yêu từng đứa đến nhường nào, chúng đặc biệt ra sao, và rằng mỗi đứa bọn chúng là một món quà cho cuộc đời bà. Sau đó bà viết một tấm thiệp, một tấm séc, sau đó chúng tôi cho chúng vào chung một phong bì để chuẩn bị gửi đi. Mỗi phong bì đó mất đến nửa tiếng để chuẩn bị; với 11 đứa cháu và ba đứa chắt của bà, chúng tôi phải mất khoảng ba ngày mới làm xong. Đó là những ngày đẹp đẽ nhất trong đời mẹ tôi. Bà tập trung cao độ và xúc động đến mức nó tràn ngập tâm trí bà, và bà phải nghỉ trước khi tiếp tục với công việc vào ngày hôm sau.

    Cuối cùng, sau khi tất cả mọi người trong nhà đều đã được ghi nhận và nhớ đến, bà bắt đầu quay lại với những kỷ niệm khác, bao gồm những trải nghiệm thể hiện cái tâm mà bà luôn gìn giữ trong vấn đề tiền bạc qua suốt ngần ấy năm. Bà nhớ lại các tổ chức từ thiện và dịch vụ cộng đồng mà bà đã đóng góp, nhớ đến những lần bà cho mọi người vay những khoản tiền đáng kể ngay cả khi biết rằng họ sẽ không trả lại. Bà cảm thấy rằng những khoản tiền đó đã được sử dụng đúng cách, bởi vậy chẳng có gì đáng phiền lòng. Chúng làm cho bà cảm thấy mãn nguyện, hạnh phúc, và hài lòng với cuộc đời mình. Đó là một cuộc đời mà bà cảm thấy là đã sống tốt.

    Vào tuần lễ sau đó chúng tôi tính toán mọi chi phí cần thiết để chăm sóc bà trong một vài tháng tới và trang trải cho chính đám tang của bà, để đảm bảo không phải làm phiền đến ai khác.

    Cuối đời mình, mẹ tôi không còn nhiều tiền. Nhưng bà lại rất tự hào vì điều đó. George Bernard Shaw từng nói: "Tôi muốn được vắt kiệt sức lực lúc cuối đời mình." Mẹ tôi là đại diện tiêu biểu cho lối suy nghĩ đó. Bà nói rằng bà nhận ra mình đã sử dụng hết sức lực và nguồn lực tài chính mà mình được ban tặng. Bà đã được tận dụng triệt để theo cách tốt nhất. Sức sống và của cải vật chất của bà đã được sử dụng hết theo cách tốt nhất. Cuối cùng bà sử dụng toàn bộ phần còn lại để kỷ niệm, vinh danh và thể hiện tình yêu thương với mọi người.

    Tất nhiên, mẹ tôi cũng phải chịu đựng những ngày khủng khiếp; những ngày đau đớn, những ngày buồn bực và giận dữ, nhưng cuối cùng, khi bà qua đời, cuộc đời bà đã thật sự trọn vẹn. Tôi nhớ là mình đã nghĩ rằng, Chúa ơi, đó quả là một cái kết, một cuộc đời! Và vào những tuần cuối cùng đó, bà đã làm cho tôi thấm thía về sức mạnh vĩnh cửu của những đồng tiền may mắn, những đồng tiền được định hướng bởi sự chính trực, những dự tính và sức mạnh trường tồn của tình yêu thương. Đó là một phẩn của di sản vĩ đại mà bà để lại.

    Tôi nhớ sau lúc mẹ tôi mất vài phút, tôi bước vào căn phòng đặt thi thể của bà. Tôi có thể cảm thấy linh hồn của bà đã rời đi; sinh lực của bà đã không còn lưu lại trong thân thể đó nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn có cảm giác rõ nét về sự hiện hữu của bà trong căn phòng, sức lực của bà, sức mạnh của bà, sự rộng lượng và tình yêu thương của bà. Chúng vẫn ở đó. Tôi cảm nhận được rõ ràng đó chính là di sản của chúng ta: Những dự tính mà chúng ta biến thành sự thực trên cõi đời này thông qua hành động của mình, qua những giao tiếp chúng ta gặp, qua các cuộc nói chuyện chúng ta tạo ra, qua những mối quan hệ chúng ta may mắn có được, và qua những cách chúng ta thể hiện tình yêu thương. Thông qua công cụ tuyệt với là tiền bạc, chúng ta có thể nói lên chúng ta là ai và chạm vào thế giới.

    Khi chúng tôi có mặt trong đám tang, ngoài những người trong gia đình và bạn bè thân thiết còn có tất cả những người chúng tôi đã gọi điện – người thợ giặt là, người thợ cơ khí, người đầu bếp và cô phục vụ bàn, cậu bé giao hàng, tất cả mọi người đều đến. Đó là những người đã cung cấp những dịch vụ mà mẹ tôi đã phải bỏ tiền ra mua nhưng họ cũng cảm thấy gắn bó tha thiết với cuộc đời bà bởi bà đã cho họ được bước vào.

    Bà đã dành cho họ sự quý trọng và biết ơn vô hạn, và tôi biết rằng nó vẫn còn đọng lại cho đến tận bây giờ trong cuộc sống của họ. Mẹ tôi đã góp phần làm cuộc đời họ rạng rỡ lên bằng lòng quan tâm khi gọi những cuộc điện thoại rất giản dị đó. Những đứa cháu của bà thì được ban tặng những món tiền nhỏ mà bà đã dành cho chúng khi còn sống, và bà đã rất thích thú khi được nghe chúng kể về những dự định sử dụng tiền. Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi bà mất, nhưng tiền bạc của bà, tình yêu thương của bà vẫn và sẽ còn tiếp tục hiện diện nhiều năm nữa.

    Di sản của mẹ tôi để lại một phần là sự tôn vinh lối ứng xử của bà trước các vấn đề về tiền bạc, và một nhận thức rõ ràng về sự viên mãn trọn vẹn trong cuộc sống. Qua những hoạt động gây quỹ hỗ trợ những người mà bà cảm thấy công việc của họ là quan trọng, qua những di sản bà để lại cho con cháu trong gia đình, và sự quý trọng bà dành cho những người vốn chỉ biết đến bà như một người khách bình thường trong khu phố, bà đã khiến tôi ngộ ra sự khác biệt to lớn mà một người có thể tạo ra trong cuộc sống của mọi người. Đó là sự hồi tưởng lại những khoảnh khắc kết nối thông qua tiền bạc của chúng ta, có lẽ là sâu đậm hơn rất nhiều so với chúng ta tưởng; và những khoảnh khắc chúng ta hành động theo sự mách bảo từ trái tim; chính những khi đó, tiền bạc của chúng ta thể hiện con tim của chúng ta – kho báu thật sự của chúng ta. Bà không phải là một bà hoàng giàu có; mà chỉ là một người đóng góp nhiệt tâm và hào phóng vì cuộc sống và công việc của những người khác, những người mà bà săn sóc bằng chính thời gian, sức lực và tiền bạc của mình, từ khi bà còn là một phụ nữ trẻ đến khi bà qua đời.
     
    Mèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
  5. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    DI SẢN CỦA SỰ TỈNH TÁO TRƯỚC TIỀN BẠC

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tất cả mọi người chúng ta đều muốn để lại di sản là một gia đình mạnh khoẻ, những đứa con giỏi giang, một trái đất sống động và bền vững. Di sản trường tồn nhất chúng ta để lại không phải là những thứ chúng ta bỏ lại sau khi mất, mà là ở cách chúng ta ứng xử, đặc biệt là cách chúng ta ứng xử trước các vấn đề về tiền bạc.

    Bạn muốn để lại di sản gì? Dù bạn là một người nghèo hay một nhà tỷ phú, bạn đều tạo ra sự khác biệt. Bạn đều để lại một di sản. Tạo ra một sự khác biệt bằng tiền bạc không có nghĩa là bạn phải có thật nhiều tiền bạc, trở thành một người nổi tiếng, hay một nhà làm luật, xuất hiện trên chương trình Oprah, hay hiến tặng tiền bạc cho trường đại học ưa thích của mình. Chúng ta để lại một di sản của sự đầy đủ – hay thiếu thốn – bằng nhiều cách, nhưng đặc biệt là thông qua mối quan hệ với tiền bạc. Chúng ta có thể phung phí, tích trữ và hay giữ khư khư, hoặc sẻ chia, phân phát, đóng góp và sử dụng chúng có ý thức.

    Tôi đã luôn nghĩ rằng, ai đó khi lớn lên được thừa hưởng một đống tiền bạc thì quả là diễm phúc lớn – không bao giờ phải lo lắng, quan tâm đến tiền bạc hay thậm chí là nghĩ đến tiền bạc, ngoại trừ việc biết rằng bạn có cả núi tiền. Điều ngộ nhận càng nhiều càng tốt quả là mạnh mẽ đến mức ta khó có thể tin rằng có nhiều hơn đôi khi lại thật phiền toái. Tuy nhiên, thực tế lại kể cho ta một câu chuyện khác, và tôi đã nghe và nhìn thấy nó hết lần này đến lần khác khi được tiếp xúc và làm việc với những người ở trong câu chuyện đó.

    Tại một hội thảo gần đây, một phụ nữ 26 tuổi, với mái tóc vàng và một khuôn mặt rất trẻ trung, đã chia sẻ với tôi và một nhóm nhỏ những người được hưởng thừa kế khác, rằng cô đã phải van xin cha mình đừng cho cô nhiều tiền, tuy vậy cha cô vẫn gửi cho cô 30 triệu đô-la ngay vào tuần đó. Cô cảm thấy bị đống tiền đè bẹp, hoảng sợ trước trách nhiệm sẽ phải gánh vác, thấy bối rối, ảo não, và lo lắng rằng mọi người sẽ phát hiện ra và sẽ căm ghét hay lợi dụng cô. Công việc mà cha cô đã làm để kiếm tiền đã phá hoại toàn bộ gia đình cô, gây chia rẽ những người anh chị em, khiến cha mẹ cô ly hôn và tạo ra những sự ghen ghét đố kỵ mà cô không hề muốn dính dáng đến. Cô cảm thấy tội lỗi và những cảm giác tồi tệ khác đã đè nén cô cùng với số tiền đó, và cô khó lòng chịu đựng được.

    Có lẽ chúng ta sẽ sốc khi thấy sự bi đát và buồn thảm thường đi kèm những gia tài kếch xù được để lại đó. Tất nhiên, là có những ngoại lệ, đó là những người đã làm việc cần mẫn để chống lại các tác hại mà sự đặc quyền và giàu có thừa thãi mang lại. Tuy nhiên, trái với những điều chúng ta thường tưởng tượng, những gia tài thừa kế kếch xù không phải bao giờ cũng là những di sản đáng mơ ước.

    Ở những đất nước và những cộng đồng thiếu thốn tiền bạc, cũng như đối với những người coi trọng tiền thái quá, thì điều tai hại nhất trong mối quan hệ với tiền bạc là để lại di sản một tâm hồn nghèo nàn mà nó sẽ khiến người ta tin rằng tiền bạc xác định họ là ai và họ có thể trở thành người như thế nào trong cuộc sống. Trong cả những xã hội giàu và nghèo, chúng ta đều biết rằng những người có thể tồn tại và phát triển là những người biết tận dụng từ những nguồn lực khác, sâu sắc hơn, để xây đắp nên những cuộc đời ý nghĩa.
     
    Mèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
  6. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    ĐỂ LẠI DI SẢN: KIẾN TẠO MỘT CUỘC ĐỜI ĐẦY ĐỦ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khi tôi và Bill nhận ra rằng chúng tôi đang lạc trong bài mê hồn ca của thành công – khi con chúng tôi còn nhỏ – chúng tôi không chỉ bỏ lỡ nhiều niềm vui sẵn có trong cuộc sống, bằng cách dạy cho những đứa con ưa tìm hiểu, khám phá của mình từ những thứ nhỏ nhặt, đơn giản nhất; thậm chí chúng tôi đã nêu một tấm gương xấu cho chúng. Trong khi mải mê với việc kiếm tiền, gây ấn tượng với người khác, cố gắng đạt được những thứ biểu trưng cho sự thành đạt, và dồn sự tập trung cũng như chú ý của mình vào sức mạnh nghiễm nhiên của tiền bạc, chúng tôi đã vô tình gửi đến những đứa con của mình thông điệp về những điều quan trọng đối với một người "trưởng thành".

    Nếu như không có Buckminster Fuller và Dự án Xóa đói, thì chúng tôi vẫn mãi sống trong sự lầm lạc đó, nhưng chúng tôi đã hết sức may mắn. Chúng tôi đã có thể tự xác định lại được bản thân, trở nên coi trọng việc tạo ra sự khác biệt hơn việc tạo ra một gia tài.

    Ở thời điểm bản lề này, Bucky đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống và công việc của tôi. Vào một buổi tối chúng tôi đã rất vinh dự được mời anh đến ăn tối tại nhà chúng tôi. Ba đứa con tôi lúc đó mới lên sáu, tám và mười tuổi. Tôi, Bill và Bucky cùng lũ trẻ ngồi quây quanh bàn ăn. Bucky thường được người ta gọi là "Vị cha già của Tương lai" và thật là thú vị – một món quà ý nghĩa – khi được thấy anh ngồi đó với lũ trẻ của chúng tôi, cùng chia sẻ một bữa tối thân mật, giản dị do chúng tôi tự nấu. Chợt Summer, cô con gái tám tuổi của tôi, bỗng nói một điều gì đó rất sâu sắc theo cách mà bọn trẻ con vẫn thường làm, nói lên một sự thật sâu thẳm bằng hiểu biết ngây thơ của mình. Lời nhận xét của cô bé làm ngỡ ngàng cả ba người lớn bên chiếc bàn ăn – cả tôi, Bill và Bucky – chúng tôi chợt đưa mắt nhìn nhau, xúc động thật sự bởi sự thông thái trẻ con.

    Sau đó Bucky đã nói ra một điều khiến cho cuộc sống và mối quan hệ với tiền bạc của tôi thay đổi mãi mãi. Anh đã nói với tôi và Bill, "Hãy nhớ, con cái của các bạn chính là những bậc tiền bối của các bạn xét theo thời gian của vũ trụ. Chúng đã bước vào một thế giới phức tạp và tiến bộ hơn nhiều so với những gì các bạn hay tôi có thể biết. Chúng ta chỉ có thể quan sát vũ trụ đó qua đôi mắt của chúng."

    Coi các con của mình là những "bậc tiền bối theo thời gian của vũ trụ" quả là một suy nghĩ vừa lạ lẫm vừa hứng khởi đối với tôi. Tất cả những sự kiện then chốt và các tiến bộ công nghệ của thời đại ngày nay, những thứ lôi cuốn chúng ta thì đều đã là quá khứ đối với con cái chúng ta, là mảnh đất dưới chân chúng, ươm mầm cho những ước mơ và nỗ lực vĩ đại nhất theo những cách mà chúng ta chẳng thể tưởng tượng ra. Nhưng con cái chúng ta thì có thể làm vậy và thật sự đã làm vậy. Điều đó có nghĩa là gì, khi chúng được thừa hưởng một thế giới nơi mà những chiếc máy tính, phương tiện đi lại và công nghệ tốc độ cao đã khiến "cộng đồng thế giới" không còn là một khái niệm trừu tượng nữa, mà là một thực tại hiển hiện trước mắt? Điều đó có nghĩa là gì, khi chúng được lớn lên trong một thế giới nơi mà sự đầy đủ là nghiễm nhiên, nơi mà sự rộng lượng và hợp tác là những điều kiện chủ đạo của con người?

    Tôi thấy lũ trẻ đang định hướng cho chúng tôi cũng giống như chúng tôi đang định hướng cho chúng, tất nhiên là theo một cách khác, và mặc dù tôi vẫn luôn biết rằng chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều từ các con của mình. Tôi chưa bao giờ từng nhận ra sự thực sâu sắc này về mối quan hệ giữa những người chúng tôi. Nó đã thay đổi nhận thức của tôi về mọi thứ và tôi bắt đầu dựa vào chúng – những "bậc tiền bối vũ trụ" – để nắm bắt lấy một thế giới quan vừa đậm chất tương lai, vừa chính xác và tiến bộ.

    Lắng nghe chúng chính là khẳng định bản năng tự nhiên và tôn trọng những hiểu biết tự nhiên của chúng để khiến nó phát triển hơn nữa và mang lại lợi ích. Tôi nhận thấy rõ ràng rằng khi chúng ta dành cho con cái mình sự tôn trọng, chúng sẽ đào sâu hơn sự thông thái tự nhiên của mình và trở nên vững vàng hơn trước những ngộ nhận về sự thiếu thốn, trước những cơn khát có thêm tiền bạc, thêm đồ dùng như một trào lưu thương mại và văn hóa. Di sản mà chúng cần ta để lại không phải là tiền, mà là một lối sống có thể làm cho chúng trở nên sáng tạo, bền bỉ và được thể hiện hết mình trước thế giới dù số tiền chúng có là nhiều hay ít, và bất kể các nguồn lực khác tuôn chảy qua cuộc đời chúng ra sao.

    Trong những năm đầu của Dự án Xóa đói, căn nhà của chúng tôi trở thành nơi trú chân cho rất nhiều người. Đó là nơi nghỉ chân khi bạn bè tôi đến thăm San Francisco, nhưng đó còn là nơi một người bạn của tôi đến nghỉ ngơi sau vụ ly dị; nơi một người khác hồi phục sức khoẻ sau một quãng thời gian vật lộn với bệnh ung thư. Mỗi khi các nhân viên của Dự án Xóa đói đến từ các quốc gia khác như Ethiopia hay Ấn Độ, họ sẽ đến ở nhà tôi một vài tuần. Tôi nhớ là cô Lalita, giám đốc của chúng tôi từ Ấn Độ đến, đã sống trong phòng làm việc, còn những đồng nghiệp của cô, Naji và Shalini thì dùng căn phòng dành cho khách, trong khi đó, Hiroshi và Janet đến từ Nhật Bản thì ở phòng chơi game dưới tầng hầm, còn Tunde Fafunwa đến từ Nigieria thì ngủ trong một chiếc túi ngủ đặt dưới chiếc đàn pianô. Con cái tôi lớn lên trong môi trường mà con người ở các nền văn hóa khác nhau liên tục đến rồi đi, chia sẻ thời gian, bữa ăn và những phút giây vui vẻ với gia đình tôi, biết và thể hiện ra rằng chúng tôi luôn có đủ để sẻ chia với bất kỳ ai đang và sẽ đến.

    Việc chia sẻ này đôi khi cũng hơi quá mức đối với chúng, nhưng cho phép chúng trải nghiệm sự giàu có thật sự khi luôn có đủ nguồn lực để chia sẻ với bất kỳ ai cần đến ở với chúng tôi. Điều này đã làm cho cuộc sống của chúng tôi giàu có hơn rất nhiều. Những gì bạn chia sẻ chính là những gì bạn củng cố thêm, và những gì bạn sẻ chia sẽ tồn tại mãi mãi như một di sản thực thụ của bạn.

    Đây chính là di sản mà chúng ta có nguy cơ đánh mất – lũ trẻ của chúng ta cũng có nguy cơ đánh mất – trong môi trường thương mại bao bọc chúng từ khi sinh ra. Trong ngành quảng cáo và tiếp thị mà người ta mệnh danh là "từ chiếc nôi đến nấm mộ," có một chiến dịch được tính toán cặn kẽ nhắm đến những đứa trẻ với tư cách là những khác hàng tiềm năng ngay từ những khoảnh khắc đầu đời, gieo rắc những mầm mống dối trá của sự thiếu thốn, và củng cố thêm ngộ nhận về cái gọi là càng nhiều càng tốt.

    Trung tâm giấc mơ mỹ kiểu mới, một tổ chức hoạt động xã hội và định hướng người tiêu dùng có uy tín đã từng viết rằng "trẻ em ngày nay được tiếp xúc với nhiều loại quảng cáo trên tivi, ngoài đường phố, trong cửa hàng.. các nhà làm quảng cáo đang công khai thu hút trẻ em trên quy mô chưa từng thấy, đổ xô đi xây dựng niềm tin vào thương hiệu ngay từ giây phút đứa trẻ đủ khả năng phân biệt lô-gô của các công ty với nhau hay nhại lại những câu quảng cáo. Các nhà làm quảng cáo ngày nay nhắm tới lũ trẻ bởi chúng là nơi họ sẽ gieo trồng hạt giống của chủ nghĩa đại tiêu thụ."

    Trong một nền văn hóa tiêu thụ, thương mại và luôn náo nhiệt này, thật khó để có thể nuôi lớn lũ trẻ con và dạy cho chúng nhận ra được khái niệm về sự đầy đủ ít được thừa nhận này, mặc dù đó chính lại là điều sẽ mang lại cho chúng những chiếc chìa khóa dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc và thỏa mãn. Trẻ con thì bẩm sinh đã rất tò mò và ưa khám phá; thế giới chính là nơi chúng tận hưởng niềm vui và khám phá các cơ hội. Chúng phát triển lành mạnh trong tình yêu thương và sự bao bọc của chúng ta, và mang đến cho chúng ta một món quà, chính là niềm vui của chúng, tính hiếu động của chúng và cảm nhận bẩm sinh về các khả năng của chúng.

    Làm thế nào chúng ta có thể định hướng cho con cái mình có được một mối quan hệ chân thực với tiền bạc, khi mà nền văn hóa tiêu thụ thúc đẩy chúng muốn và mua những thứ chúng không thật sự cần? Làm sao để chúng ta có thể truyền cho chúng sức mạnh để có thể sống chính trực trước những cám dỗ đó? Chúng ta có thể giáo dục chúng về sự sai lạc và những ngộ nhận về sự thiếu thốn, và ta có thể xây dựng một bối cảnh cho sự đầy đủ. Trung tâm Giấc mơ Mỹ kiểu Mới đã đưa ra các gợi ý rất thực tế sau đây:

    Hãy giúp con bạn hiểu được rằng mọi sản phẩm đều được làm từ những vật liệu khai thác từ Trái đất, và những sản phẩm vật chất đó không tự nhiên mà biến mất khi chúng được ném vào bãi rác.

    Hãy dạy cho con bạn biết điều gì xảy ra với những phế liệu đó. Khi chúng ta tiêu thụ hàng đống các sản phẩm từ nhựa, các sản phẩm được đóng gói kỹ càng hay dễ vỡ, chúng ta đang để lại gánh nặng cho các thế hệ tương lai.

    Hãy tìm ra các nguồn tài nguyên để tạo ra các sản phẩm thân thiện với Trái đất, bền vững, được làm từ các loại vật liệu có thể phân hủy sinh học hay các vật liệu tái chế.

    Hãy làm gương cho con bạn. Tránh mua sắm tùy hứng. Hãy hạn chế tiêu thụ các sản phẩm khiến Trái đất kiệt quệ.

    Hãy chỉ cho con bạn những cuốn sách và các nguồn thông tin khác để củng cố thêm những thông điệp này.

    Hãy để chúng biết rằng cơn lốc tiêu xài, nợ nần, tích luỹ của cải bằng mọi giá là một phần không lành mạnh trong nền văn hóa của chúng ta, và chúng không nên để bị cuốn vào vòng xoáy đó. Hay cho chúng biết rằng có những lúc những tiếng gọi đó sẽ rất khó cưỡng lại, nhưng chúng phải mạnh mẽ hơn những tiếng gọi đó.

    Hãy công khai xem xét lại cách ứng xử trước những đồng tiền chảy qua cuộc đời bạn để đánh giá xem các hành động của bạn có tạo điều kiện thuận lợi cho một lối sống lành mạnh, bền vững cho tất cả mọi người hay không. Hãy mời các con bạn tham gia vào quá trình cân nhắc, suy ngẫm và quyết định liên quan đến tiền bạc và mời chúng cùng đóng góp ý kiến.

    Điều giá trị và hữu dụng hơn bất kỳ số tiền nào chính là việc để lại cho con cái chúng ta một mối quan hệ lành mạnh với tiền bạc. Hãy giúp chúng hiểu rằng tiền đến rồi đi, rằng đó là điều nên khuyến khích, và rằng đó là một niềm hạnh phúc khi có thể định hướng cho dòng chảy của tiền bạc để hỗ trợ cho những quyết tâm cao cả nhất của chúng. Hãy giúp chúng hiểu, thể hiện rõ nét qua ngay chính cuộc đời bạn, rằng chỉ cần bạn trân trọng những nguồn lực nội tại của mình, là bạn đã có đủ những gì cần thiết để đương đầu với những thử thách của hoàn cảnh bên ngoài. Hãy giúp chúng trải nghiệm sự giàu có thực thụ, những nét đẹp và an lành của một cuộc sống tràn ngập sự kết nối giữa người và người, tràn ngập những định hướng đầy cảm hứng, sẻ chia và đầy trách nhiệm, thay vì chỉ tích luỹ của cải tiền bạc vô độ.

    Một bài thơ Sufi rất được ưa thích do Hazrat Inayat Khan sáng tác mang lại cho chúng ta một cái nhìn hữu ích:

    Tôi xin Người sức mạnh

    Người cho tôi thử thách

    Để rèn sức của mình.

    Tôi xin Người trí tuệ

    Người cho tôi khó khăn

    Để tìm cách vượt qua.

    Tôi xin Người giàu sang

    Người cho tôi sức khoẻ

    Để lao động hết mình.

    Tôi xin Người can đảm

    Người cho tôi hiểm nguy

    Để quyết chí vượt qua.

    Tôi xin Người tình yêu

    Người cho tôi biết đến

    Những con người khốn khổ

    Để hết lòng cưu mang.

    Tôi xin Người đặc ân

    Người cho tôi cơ hội

    Để vượt lên chính mình.

    Tôi không được Người ban

    Những gì mà mình muốn

    Nhưng tôi đã nhận được

    Mọi thứ mà mình cần.

    Di sản chúng ta để lại trước hết là ở nhà và cho gia đình dù chúng ta có con cái hay không, nhưng nó cũng mở rộng đến môi trường làm việc và kinh doanh. Ở đó chúng ta có cơ hội thay thế các hệ thống dựa trên sự thiếu thốn, những yếu tố thúc đẩy tâm lý kiếmlợinhuậnbằngmọigiá, bằng các công việc kinh doanh, quản lý và các triết lý kinh tế xây dựng trên nền tảng của các nguyên lý và hoạt động của sự bền vững.

    Tại công ty sản xuất rượu nho Fetzer Vineyards, Paul và các đồng nghiệp của mình đã áp dụng các công đoạn sản xuất thân thiện với môi trường và với Trái đất vào việc tạo ra những loại rượu hảo hạng. Các loại rượu của anh đoạt rất nhiều giải thưởng và công ty của anh thì đang làm ăn có lãi và phát triển thịnh vượng, trong khi tạo ra một mô hình sản xuất rượu thương mại kiểu mới cho toàn thế giới. Tầm nhìn cũng như hành động của cá nhân anh với tư cách là một lãnh đạo doanh nghiệp đang để lại một di sản của sự đầy đủ và thịnh vượng cho chính ngành sản xuất rượu và cho tất cả những người đang tiếp bước theo anh.

    Rất nhiều doanh nhân cũng như những người khác trong quá trình tiếp cận công việc cá nhân của mình cũng đang vận dụng những nguyên tắc này. Cuối cùng, tính bền vững là một lời khẳng định đảm bảo sự đầy đủ cho tất cả mọi người ở mọi nơi trên thế giới và cho tất cả các thế hệ về sau. Những ngộ nhận về sự thiếu thốn là một di sản đã lùi vào dĩ vãng từ lâu. Quyết định lựa chọn con đường phát triển bền vững là một phần của việc để lại một di sản của sự đầy đủ trong quá trình kinh doanh, khi thực hiện nghĩa vụ làm cha mẹ, hay khi lãnh đạo một tập thể nào đó, và chính di sản đó đang tích cực thay đổi thế giới của chúng ta mỗi ngày.

    Những thứ chúng ta mua sắm, đầu tư hay đóng góp có thể tạo nên thế giới của chúng ta. Những nguyên tắc về sự đầy đủ kết nối chúng ta với những sự thật sâu thẳm hơn và các giá trị sâu lắng hơn để gieo cấy một tương lai hạnh phúc, tự do và tự chủ ngay trước những truyện thần thoại về sự khan hiếm và thiếu thốn.

    Nhà khoa học – tương lai học Willis Harman đã từng nói: "Xã hội mang đến tính chính danh và cũng có thể mang nó đi".

    Chúng ta có thể rút ra tính chính danh từ ngộ nhận về sự khan hiếm.

    Dù chúng ta có nhiều hay ít tiền, chúng ta luôn có thể sử dụng tiền bạc của mình để tôn vinh cuộc sống, thay vì cố tranh giành để có được nhiều tiền hơn và bị ám ảnh bởi số tiền chợt đến và chợt rời khỏi cuộc đời chúng ta.

    Chúng ta có thể từ bỏ sự khan hiếm để đến với sự đầy đủ, ngừng than vãn để bắt đầu quyết tâm, và thôi ganh ghét đố kỵ để mở lòng cho những biết ơn.

    Chúng ta có thể tận dụng lập trường của mình, sức mạnh của việc đối thoại và sự tập trung có chủ đích vào các di sản của mình, để thay đổi giấc mơ.
     
    Mèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
  7. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    Chương 12:

    XU THẾ MỚI

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đâu đây se sẽ những tiếng động, tiếng những con người đang thức tỉnh: Thức tỉnh để thấy những triển vọng của thế giới trong thời điểm chuyển giao nhạy cảm, thức tỉnh theo tiếng gọi của tổ tiên và của các thế hệ tương lai, tiếng gọi thức tỉnh.

    - Liên minh Xu thế mới

    Chiếc taxi từ Verona lao nhanh giữa những dòng xe, vượt những dãy tường đá cổ và băng qua các cổng ra vào thành phố. Chỉ trong vài phút chúng tôi đã bỏ lại sự náo nhiệt, hối hả của phố phường Italia để đến với làn hơi thở thơm mùi đất của miền đồng quê, men theo những con đường dốc, hẹp, ngoằn ngoèo nối những ngôi làng tuyệt đẹp của vùng đồi núi Italia để đến với một khu trú ẩn cách đó hai giờ xe chạy tại Cadine, một thị trấn nhỏ vùng cao, náu mình giữa những dãy núi. Bầu trời nhuộm một mầu xanh thẫm. Những dãy núi nổi bật trên nền trời trong vắt. Khi tôi đến nơi và bắt đầu gặp gỡ các bạn đồng sự mới, lòng tôi dấy lên cảm giác háo hức, mong chờ một sự kiện đặc biệt to lớn nào đó sắp diễn ra. Chúng tôi đến để nói chuyện với Đức Đạt Lai Lạt Ma.

    Đó là thời điểm đầu mùa hè năm 2001, khi tôi được mời tham dự Synthesis Dialogue (Cuộc Đối thoại Tâm giao), nơi hội tụ của 30 người, tất cả đều là những nhà hoạt động xã hội toàn cầu, lãnh tụ tôn giáo, những chuyên gia tâm linh. Cuộc gặp gỡ này nhằm gắn kết chúng tôi với nhau, với Đức Ngài và với thực trạng của thế giới.

    Ba mươi thành viên tham gia đều là những nhà lãnh đạo ở cấp quốc tế và cả địa phương, đến từ khắp nơi trên thế giới, với cùng một cam kết cống hiến cho tiềm năng và năng lực tinh thần của con người. Mỗi người trong số họ đều tham gia ở một khía cạnh nào đó trong công cuộc xóa bỏ những bất công và khổ đau mà con người phải chịu đựng. Họ là những chiến sĩ chiến đấu dưới chiến hào, đối mặt với chiến tranh, đói nghèo, bạo lực và sự áp bức, có những lúc ở quy mô vô cùng to lớn. Đã có những thành viên phải chịu tù đầy, tra tấn mà vẫn kiên trì và quyết tâm hơn bao giờ hết nhằm tạo ra tiến bộ, đổi thay. Ở giữa những con người này tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ.

    Chúng tôi gặp mặt nhau vài ngày trước khi Đức Ngài tới. Chúng tôi cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về đời mình và cùng tĩnh tâm suy ngẫm. Chúng tôi cùng tản bộ trên núi và cùng cất lên tiếng hát. Giữa chúng tôi đã hình thành một mối tâm giao sâu sắc khiến mỗi người đều tôn trọng, yêu thương lẫn nhau, và cho đến thời điểm mà Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng các nhà sư và học giả xứ Tây Tạng tới thì chúng tôi đã có thể cùng làm việc và trò chuyện với nhau thật hài hòa, hiệu quả.

    Trước khi Đức Ngài tới, cuộc gặp của chúng tôi đã vô cùng sôi nổi và hữu ích. Tuy nhiên, khi Ngài cùng sự hiện diện "linh thiêng" của mình tham gia vào cuộc đối thoại, mọi thứ được nâng lên một nấc thang mới. Dường như, mỗi chúng tôi đều tách mình ra khỏi "câu chuyện" cá nhân hay "tấn kịch đời" của bản thân để chứng kiến cả thế giới, thay vì cứ lún sâu vào những vấn đề còn đang bức xúc của nó. Trong cuộc nói chuyện, chúng tôi không đề cập lướt qua các vấn đề thế sự, mà đi sâu nhìn nhận chúng toàn vẹn. Đức Ngài đã kể về sự áp bức tàn nhẫn và bi thảm mà người dân của Ngài phải chịu đựng dưới chính quyền Trung Quốc, và những đòn tra tấn tàn bạo giáng lên những người Tây Tạng còn lại trong lãnh thổ Tây Tạng – Trung Quốc. Câu chuyện về lần thoát chết trong ngàn cân treo sợi tóc khỏi quân Trung Quốc khi còn là một thiếu niên của ngài chúng tôi ai cũng đã biết. Đức Ngài là người không xa lạ với gian khổ, áp bức, bất công và đau đớn.

    Tuy nhiên, điều hiện lên rõ nét trong những cuộc hội thoại của chúng tôi chính là sự tâm giao, một sự đồng tâm rằng thế giới của chúng ta đang thức tỉnh, rằng xu thế đang xoay chiều. Chúng tôi cảm nhận và thấy đằng sau những thống kê đáng báo động về sự xuống cấp của môi trường, sự leo thang của chiến tranh, bạo lực, sự chà đạp lên nhân quyền, sự hoành hành của đại dịch AIDS cùng nhiều bệnh dịch khác, và sự khổ cực của cảnh nghèo nàn tràn lan, tận sâu trong nền tảng, một điều gì đó vô cùng căn bản đang cựa mình thay đổi. Những giả định cũ và sai lệch đang dần được loại bỏ, thay vào đó là một năng lực tinh thần, một làn sóng xúc cảm và biến đổi tinh thần đang sục sôi khắp nơi, thậm chí còn mạnh mẽ hơn, kiên định hơn, và vững chắc hơn cả những thử thách chúng ta đang phải đối mặt.

    Mặc dù mỗi người trong chúng tôi gọi điều này bằng một cái tên khác nhau, chúng tôi hiểu rằng tất cả đều cùng nói tới một khái niệm. Đối với tôi, đó là điểm khởi đầu cho sự tan rã của sự thiếu thốn trong cái thế giới bạn-hoặc-tôi mà nó tạo ra, một thế giới có thể hủy diệt chúng ta trong mối quan hệ với tiền bạc. Đó là dấu hiệu tan rã của sự trì trệ gây ra bởi sự thiếu thốn, của những hiểu lầm tai hại về chân lý, về sự ngay thẳng của cuộc sống, mà nó mang lại, cùng với những tiền đề bất ổn của nó. Chúng tôi cùng nhất trí rằng có một viễn cảnh đang ngày càng rõ rệt để thế chỗ cho thế giới kia; đó là cái thế giới bạn-và-tôi mà Buckminster Fuller đã tiên đoán từ nhiều năm trước. Đó là nơi bạn và tôi cùng sống trong bối cảnh và chân lý về sự đầy đủ, sự đầy đủ đích thực cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi; một thế giới dành cho tất cả chúng ta, nơi không ai hoặc điều gì bị gạt ra rìa; một thế giới trong đó tình đoàn kết thế chân cho sự bố thí, một thế giới nơi mà ước mơ của người này không phải là tai họa của người khác, mà ước mơ là cho tất cả mọi người; một thế giới nơi chúng ta tôn trọng và tuân theo "uy lực" sáng suốt và nhân từ của Tự nhiên; một thế giới nơi tình yêu tiền bạc được chuyển thành cách sử dùng tiền bạc để thể hiện tình yêu.

    Chúng tôi ngồi thành vòng tròn trong khi Đức Ngài lắng nghe từng người một, và Ngài đàm đạo với chúng tôi, cùng chúng tôi nghiền ngẫm lại bản chất những mối cam kết của mỗi người trong bối cảnh hiện nay. Ngài nói đến khát khao của toàn nhân loại được hạnh phúc và không phải chịu khổ đau, và rằng một cuộc sống hợp với luân thường đạo lý sẽ trở thành một cuộc sống trọn vẹn đích thực. Trong mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc, Ngài nói rằng nếu chúng ta mang theo mình quan niệm linh thiêng về sự đầy đủ, chúng ta sẽ tạo nên một mối quan hệ đích thực và hợp luân thường đạo lý đối với tiền bạc, khi đó mối quan hệ này sẽ nảy nở, phát triển và tự nhân rộng giá trị của nó.

    Với sự hiện diện của Đức Ngài trong cuộc đối thoại của tôi cùng các đồng sự, tôi đã nhận thấy điều mà tôi chưa từng thấy. Tôi cảm nhận được nó, hoàn toàn theo bản năng, theo tự nhiên, một xúc cảm sâu lắng. Tôi lại nhớ đến một câu châm ngôn của Teilhard de Chardin được biết từ nhiều năm trước: "Chúng ta không phải là những con người với trải nghiệm tinh thần, mà là những thực thể tinh thần với trải nghiệm của con người."

    Đối diện với Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi cảm nhận được mình như một thực thể tinh thần, đang có những trải nghiệm con người. Cuộc gặp gỡ kín, và bản thân Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tạo nên một không gian vật chất, tinh thần và trí tuệ đem đến sự khai sáng và suy ngẫm. Hiện lên rõ nét từ cuộc tâm giao đó là những trải nghiệm sâu sắc hơn, tuyệt vời hơn về chân lý, và sự hồi sinh của những cam kết. Bài học sâu sắc trong những ngày ngắn ngủi đó vẫn thường hiện về trong tâm trí tôi, và giờ đây lại càng rõ nét khi tôi suy ngẫm về những trải nghiệm con người trong chúng ta, và rằng một trong những yếu tố đặc trưng, rõ nét nhất khi dấn thân vào trải nghiệm con người chính là cuộc vật lộn, thách thức, và tương tác của chúng ta với tiền bạc. Như bao lần trước, tôi lại thấy, và lần này thì càng rõ nét hơn, rằng tiền – cái vũ đài của cuộc sống luôn luôn lôi kéo và hấp dẫn con người – có thể trở thành đồng minh lớn nhất của chúng ta trong quá trình biến đổi bản thân và biến đổi cái thế giới mà chúng ta đang sống.

    Tiền có mặt ở khắp nơi, vượt qua mọi biên giới, ngôn ngữ và nền văn hóa. Tiền, cũng như nước, tuôn chảy róc rách trên các tầng bậc của cuộc sống. Chứa đựng trong nó có thể là tình yêu hoặc nỗi sợ của con người. Nó có thể nhấn chìm con người trong cảm giác mê muội của quyền lực. Nó có thể ấp ủ và nuôi dưỡng những nguyên tắc của sự tự do, tính cộng đồng, và sự chia sẻ. Tiền một mặt khẳng định, mặt kia lại hạ thấp hoặc hủy hoại cuộc sống. Nó không xấu mà cũng không tốt; nó chỉ là một công cụ. Chúng ta đã phát minh ra nó, và tuy nó thuộc về lĩnh vực trải nghiệm của con người, nó có thể được sử dụng dưới sự dẫn đường chỉ lối của những khao khát và mê say trong tâm hồn ta.
     
    Mèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
  8. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    THẾ GIỚI BẠN-VÀ-TÔI VẪN ĐANG HIỆN HỮU

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đó là vào cuối những năm 1970 khi tôi được nghe Buckminister Fuller mô tả tầm nhìn của ông về một thế giới bạn-và-tôi, nơi tất cả chúng ta đều biết và sống với sự thực rằng có đủ cho tất cả mọi người, và không ai là bị bỏ rơi. Vào thời điểm đó, đây là một mong đợi rất đỗi thực tế, bởi như ông đã chỉ ra, thật sự đã có đủ lương thực, tài nguyên để đảm bảo sự sống cho tất cả mọi người. Thách thức ở đây, theo ông, chính là tất cả các thể chế và hệ thống của chúng ta – cả về chính trị, quản lý nhà nước, y tế, giáo dục, kinh tế, và đặc biệt là hệ thống tiền tệ – đã được xây dựng dựa trên quan niệm về sự thiếu thốn, rằng thế giới này không có đủ cho tất cả mọi người và sẽ có ai đó phải bị gạt ra rìa.

    Bucky đã tiên đoán rằng sẽ phải mất từ 25-35 năm để những hệ thống và thể chế lệch lạc dựa trên quan niệm về sự thiếu thốn – cái mô hình thế giới quan bạn-hoặc-tôi đó – sụp đổ. Ông cảnh báo rằng quá trình này sẽ gây xáo trộn, rối loạn, thậm chí gây biến động lớn, nhưng một khi sự biến đổi hoàn tất, thì một thế giới mới sẽ bắt đầu xuất hiện: Một thế giới nơi chúng ta trân trọng sự đầy đủ, sáng suốt bảo tồn và giữ gìn, nơi chúng ta sống trong môi trường của sự sung túc, đầy đủ cho tất cả mọi người – một thế giới của bạn-và-tôi.

    Đây là một khoảng thời gian biến động đáng sợ, và tiền dường như là nguyên nhân của hầu hết các cuộc xung đột, thảm họa, hoặc khủng hoảng trên thế giới cũng như trong mọi mặt của cuộc sống của chúng ta. Đó là một quãng thời gian đặc biệt căng thẳng và đầy thách thức trong cuộc sống chúng ta với tiền bạc. Chúng ta lo lắng sẽ bị thất nghiệp và không kiếm được việc làm mới trong một thị trường việc làm ngày càng thu nhỏ lại và một nền kinh tế suy thoái. Chúng ta lo không biết mình có đủ tiền để duy trì một gia đình, hoặc nuôi nấng, giáo dục con cái như mong muốn, và để an dưỡng tuổi già hay không. Chúng ta lo lắng khi đất nước phung phí sức người và của cải vào chiến tranh. Một mặt, chúng ta bất an về nạn khủng bố luôn cận kề, và mặt khác lại lo lắng về chi phí leo thang chóng mặt dành cho việc tăng cường các biện pháp an ninh xuất hiện ngày càng nhiều ở mọi ngõ ngách, trong khi chẳng phải ai cũng cảm thấy an toàn hơn.

    Trên nhiều khía cạnh tình hình xấu hơn những gì chúng ta muốn nghĩ tới: Nạn khủng bố, chiến tranh, bạo lực, trả đũa, và những đòn trừng phạt diễn ra trên khắp thế giới, nhiều giống loài đang trên đà tuyệt chủng với tốc độ chưa từng thấy, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm mất đi sự cân bằng nhiệt độ toàn cầu; khoảng cách rõ rệt giữa những người nắm trong tay tài nguyên dư dật với những người có rất ít hoặc không có dường như đang ngày càng rộng ra; tệ tham nhũng và lòng tham ngày càng trở nên gay gắt và phổ biến, ngay cả đối với những người vốn đã có không biết bao nhiêu là tiền bạc, của cải, quyền lực và địa vị.

    Nhưng đồng thời, tình hình cũng tốt hơn những gì chúng ta có thể hy vọng. Hàng trăm triệu người vẫn đang miệt mài làm việc, họ nhìn ra những thách thức và giải quyết chúng trên mọi cấp độ. Đã có vô số những tổ chức và sáng kiến được đưa ra trên thế giới nhằm giải quyết những nhu cầu cơ bản của toàn nhân loại và thế giới. Hoạt động của các tổ chức dân sự và công dân ở các nước trên khắp thế giới đang ngày càng mạnh mẽ, rõ nét, và tích cực hơn bao giờ hết. Mạng Internet trong chớp mắt kết nối hàng tỷ người, và chúng ta đang tận dụng sự liên kết này hiệu quả và thiết thực, tạo ra những mối hợp tác và cộng tác chưa từng thấy. Sự bùng nổ phương tiện giao tiếp này đã thức tỉnh mối liên hệ gần gũi, tự nhiên trong chúng ta và giúp chúng ta ý thức được rằng chúng ta có liên hệ với nhau. Nó cũng góp phần tạo điều kiện cho những cuộc đối thoại toàn cầu về những vấn đề quan trọng đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Ý thức và nhận biết về vấn đề sinh thái thấm dần vào mỗi quốc gia, thôn làng, thể chế, và dân tộc trên thế giới.

    Chúng ta đang dần ý thức được về vấn đề nhân quyền và bình đẳng giới, đặc biệt là về quyền lợi và sự trỗi dậy của nữ giới, cũng như ý thức được rằng tiếng nói cùng với sự lãnh đạo của phụ nữ cũng là một loại nguồn lực đáng kể trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Hơn hai phần ba dân số thế giới sống dưới các chính thể dân chủ; điều này đã mang lại cho một tỷ lệ người lớn chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại – bao gồm cả phụ nữ và những người da mầu – một cơ hội được nói lên tiếng nói quyết định tương lai của chính mình.

    Sự lan tỏa của làn sóng năng lực tinh thần trên khắp thế giới đã góp phần làm tăng thêm sự hiện hữu của khía cạnh tâm linh trong đời sống hàng ngày của con người, ở nơi làm việc, trong gia đình, và cả trong những cuộc đàm đạo mang tính trí tuệ ở bất kể những nơi nào con người còn trăn trở về cách sống, cách làm người. Các cộng đồng tôn giáo cũng ngày càng nhận thấy rõ hơn món quà mà sự phong phú mang lại, và dần chuyển sang tôn trọng các tôn giáo khác. Liên minh Pachamama cùng nhiều cộng tác viên và tổ chức khác đang tích cực bảo vệ những khu đất rừng nhiệt đới nguyên sinh cùng những người dân sinh sống nơi đây; nhờ đó tiếng nói của những người dân bản địa đã trở thành một thứ tiếng nói có trọng lượng, mang những tri thức cổ xưa được bắt nguồn từ những quy luật tự nhiên đến với những hội nghị và hội đồng của các nhà hoạch định chiến lược toàn cầu.

    Các loại thuốc thay thế hoặc bổ trợ ngày càng phổ biến và được chấp nhận trên đất Mỹ, mở ra những tầm nhìn mới, khác so với phương pháp chữa bệnh truyền thống trên khắp thể giới. Tại nhiều nước, những hình thức tiền tệ bổ trợ, từ hàng đổi hàng cho đến hình thức trao đổi tài nguyên kinh tế phức tạp hơn, đã giúp con người chia sẻ với nhau mà không cần đến hệ thống tiền tệ truyền thống.

    Cách đây 25 năm, Dự án Xóa đói cùng triết lý của nó đã từng bị chế nhạo, nay lại trở thành một kiểu mẫu cho các nhà hảo tâm cũng như các chương trình kiểu mới thúc đẩy sự tự lực cánh sinh ở con người, giúp cho họ trở thành những người có khả năng quyết định tiến trình phát triển của chính mình. Con số thống kê thương tâm về số lượng người chết đói vào năm 1977 là 41.000 người một ngày – nay đã giảm đi một nửa, chỉ còn dưới 20.000 người một ngày, và con số đó đang tiếp tục giảm xuống ngay cả khi dân số thế giới đang tăng lên. Một sự tiến triển đang diễn ra.

    Những công ty khai thác dầu lớn như Shell và British Petroleum đã đổi tên thành các "công ty năng lượng" và xác định rằng họ sẽ ngừng khai thác năng lượng hóa thạch và hoàn toàn chuyển sang lĩnh vực năng lượng tái sinh trong vòng 30 năm tới.

    Những tổ chức hoạt động xã hội tầm cỡ quốc tế mới ra đời như Hãy trả tự do cho trẻ em, Thanh niên vì môi trường trong sạch, Những người tiên phong vì thay đổi, cùng hàng trăm tổ chức khác đang khích lệ và tạo cảm hứng cho những người trẻ tuổi trên khắp thế giới đón nhận một cách tư duy mới, năng lực lãnh đạo mới, nhằm giải quyết những thách thức chúng ta đang đối mặt.

    Như Paul Ray và Sherry Anderson đã chỉ ra trong cuốn sách The Cultural Creatives (Những người sáng tạo văn hóa) : Năm mươi triệu người có thể thay đổi thế giới như thế nào, hàng triệu người "đã đón nhận một thế giới quan hoàn toàn mới.. một bước tiến lớn trong nền văn minh của chúng ta. Thay đổi thế giới quan đồng nghĩa với thay đổi những gì chúng ta cho là sự thực.. thay đổi giá trị, những điều ưu tiên cơ bản trong cuộc sống chúng ta; thay đổi về lối sống, về cách chúng ta sử dụng thời gian và tiền bạc; và thay đổi về phương kế sinh nhai, cách mà chúng ta kiếm tiền ngay từ đầu."

    Giai đoạn này không chỉ có sự thay đổi. Đây là giai đoạn của sự biến đổi, và biến đổi đến không phải từ sự thiểu thốn mà là trên nền tảng của những khả năng, trách nhiệm, và sự đầy đủ. Theo như nhà bản thể học chiến lược Werner Erhard, một người nhìn xa trong rộng, thì "Sự biến đổi không phủ định những gì đi trước; chính xác hơn, nó làm những điều này trở nên trọn vẹn. Tạo nên bối cảnh một thế giới dành cho tất cả mọi người không chỉ là một bước tiến trong lịch sử nhân loại; đó chính là bối cảnh mà từ đó lịch sử của chúng ta trở nên có nghĩa."

    Trong cuộc Đối thoại Tâm giao với Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhờ cuộc đàm đạo về những trở ngại và thách thức, cơ hội và khả năng chúng tôi sẽ đối mặt trên những nẻo đường khác nhau của mỗi người, mà bản chất công cuộc của chúng tôi – của tất cả mọi người ở khắp mọi nơi – dần trở nên sáng tỏ. Như một đồng sự của tôi đã nói, nhiệm vụ của thế hệ chúng ta là tiễn đưa cái chết của những hệ thống và thể chế cũ không còn vững chắc và bà đỡ cho sự ra đời của những hệ thống mới và những trạng thái tồn tại mới vững chắc hơn. Tiễn đưa những hệ thống đã tới hạn và không vững chắc ở đây không có nghĩa là giết chết chúng, mà đúng hơn là chứng kiến sự tan rã của chúng với một lòng cảm thương và tình thương yêu, để sau đó cũng với một tình thương yêu và lòng thương cảm tiếp tục là bà đỡ cho sự ra đời và phát triển của những thể chế, hệ thống, bối cảnh, và bộ máy có khả năng truyền sức mạnh và khẳng định những phương thức tồn tại vững chắc. Những phương thức này dựa trên nền tảng của sự thấu hiểu và chân lý về một thế giới đầy đủ, nơi mà con người ai ai cũng có thể phát triển, không phải hy sinh một số người này vì một số người khác, mà là tất cả hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Mối quan hệ của chúng ta với tiền có thể trở thành điểm khởi đầu cho sự biến đổi của mỗi chúng ta. Chúng ta cùng một lúc có thể hài hòa tiền bạc và linh hồn, và "cùng tồn tại tích cực" với tiền bạc, như Alan Slifka, một nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà hảo tâm, và cũng là một người bạn của tôi đã nói: "Vấn đề ở đây là việc hài hòa những tài sản vô hình với những tài sản hữu hình. Chúng ta sẽ mở ra những cơ hội để sử dụng tiền hoàn toàn khác nếu có đủ dũng khí để nhìn nhận những khả năng."
     
    Mèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
  9. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA TÔI ĐẾN VỚI TIỀN BẠC VÀ LINH HỒN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong quá trình thực hiện một cam kết lớn hơn mà tôi nghĩ mình có thể làm được, công việc vận động quỹ và hoạt động xã hội đã đưa tôi đi xa và rộng khắp các nẻo đường văn hóa, đồng thời cũng đưa tôi trở về suy ngẫm mối quan hệ của mình với cuộc sống. Trong đó, mối quan hệ của tôi với tiền bạc, và với những con người cũng đang phải giải quyết mối quan hệ của chính họ với tiền bạc, chính là nơi tôi nghiệm ra chân lý của đồng tiền. Cuộc vật lộn của tất cả chúng ta với tiền bạc làm tôi cảm động. Tôi nhận ra rằng vũ đài này nơi chúng ta đối mặt với thực tế nghiệt ngã của cuộc sống có thể trở thành nơi chúng ta hình thành một thói quen tinh thần, trong đó chúng ta sử dụng đồng tiền trong tay mình như một công cụ cho thiện ý và sự chính trực trong ta.

    Đóng góp đầu tiên của tôi cho Dự án Xóa đói đã giúp sắp xếp lại thứ tự những ưu tiên trong đời tôi. Đời sống tiền bạc của tôi từ đó bắt đầu có sự liên kết với tâm hồn và ý thức về cái tôi sâu sắc trong con người tôi. Tôi bắt đầu cảm nhận được một sự sung túc không hề gắn với tiền bạc hay vật chất. Tôi có thể cảm nhận sự gắn kết này trong chính bản thân, và tôi đã đạt được điều đó thông qua cách sử dụng tiền của mình. Đó chính là khởi điểm cho một xu thế mới trong tôi. Thật đáng ngạc nhiên rằng tiền, vật mà cả tôi và nhiều người khác nữa dùng để tích lũy sự giàu có, mang lại sự kiệt quệ, và để tô vẽ cho bản thân trở nên quan trọng hơn bằng các tác phẩm nghệ thuật hay các loại rượu hạng sang, hay những thứ đại loại như vậy, cuối cùng lại trở thành thứ công cụ để qua đó tôi thể hiện tình yêu của mình dành cho mọi người, và sự khẳng định của tôi đối với cuộc sống, để chia sẻ những mơ ước sâu kín nhất trong tôi. Một khi công cụ đó, phương tiện đồng tiền đó, hài hòa với linh hồn trong tôi, thì niềm vui sướng, cũng như sự phồn vinh và đầy đủ sẽ nở rộ. Điều này không đến từ bản thân những đồng tiền, mà từ công cụ của linh hồn trong mỗi chúng ta.

    Điều này đúng với tất cả mọi người: Không chỉ ở cấp độ cá nhân mà còn ở cấp độ gia đình, cấp độ nền văn hóa, và thậm chí còn hơn nữa. Nâng đồng tiền lên sánh bước cùng linh hồn, cùng với những mơ ước và khát vọng sâu thẳm trong ta, chính là ngọn nguồn của sự sung túc bền lâu. Như vậy, tiền nên được sử dụng để kết nối chúng ta với cuộc sống, thay vì trở thành công cụ chia rẽ chúng ta. Sự sung túc này sẵn có trong mỗi người chúng ta, dù là người nắm trong tay lượng tài nguyên lớn lao hay những người không có hoặc có rất ít tài nguyên trong tay.

    Sử dụng đồng tiền như một cách thể hiện trực tiếp ý thức về cái tôi sâu sắc nhất là một điều kỳ diệu tiếp thêm sức mạnh cho ta. Tuy nhiên, để đạt được điều này thì cần phải ra sức nỗ lực, và chính bản thân tôi cũng đang tích cực phấn đấu. Tôi vẫn phung phí tiền bạc. Tôi vẫn thường bị xoáy vào các vấn đề thay vì tìm cách giải quyết chúng. Tôi phấn khích vì tiền và cũng nản lòng vì tiền, tôi trở nên bực bội và mâu thuẫn cũng vì những vấn đề liên quan đến tiền. Nhưng tôi chia sẻ điều này với bạn đọc bởi tôi tin rằng nó vô cùng hữu ích và quan trọng trong thời đại của chúng ta. Tôi thấy ngày càng nhiều người trong chúng ta đang nhận ra những mục đích cao cả hơn, đang trăn trở với thực trạng cuộc sống hơn. Cuốn sách này ra đời cũng nhằm đóng góp vào quá trình đã và đang diễn ra khắp nơi đó.

    Bình tâm và ý thức về sự đầy đủ không có nghĩa là bác bỏ nhu cầu to lớn của hàng triệu người dân hay phần lớn xã hội. Hàng ngày tôi vẫn làm việc trong thế giới nghiệt ngã đó. Tuy nhiên, thấu hiểu căn bản về sự đầy đủ đã giúp tôi đối mặt với không những các thách thức, trở ngại mà còn với cả cuộc sống của chính tôi, và mở ra cho tôi những mối quan hệ mới, những khả năng mới mọi lúc, mọi nơi.

    Vì vậy, tôi chia sẻ điều này như một cách mà mỗi người, mỗi ngày, chúng ta đều có thể áp dụng trong vấn đề tiền bạc, vấn đề có tầm ảnh hưởng lên mọi mối quan hệ khác, dù đó là với cha, mẹ, vợ, chồng, cô, bác, bạn bè, hay đồng nghiệp. Tiền không bao giờ thật sự vắng bóng, và chúng ta có thể sử dụng nó như một tấm gương giúp ta thấu hiểu ta là ai và ta sống vì điều gì.

    Tôi cũng xin mời bạn hãy sống một cuộc đời cởi mở hơn – để thấy được rằng khi chúng ta hoàn toàn chú tâm vào những gì mình đang có và từ bỏ việc tích lũy thêm thật nhiều, chúng ta sẽ có trong tầm tay một cuộc sống ý nghĩa hơn là chỉ "nhận" và "sở hữu". Mọi người đều muốn một cuộc sống tốt đẹp không chỉ cho riêng mình. Họ muốn một cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người, và một khi chúng ta nhận ra thật sự là có đủ, chúng ta sẽ mở ra khả năng đó. Nó trở thành kết quả tất yếu của việc chuyển đổi bối cảnh. Nó đã hiệu nghiệm đối với tôi, và bản thân tôi đã thấy nó hiệu nghiệm đối với rất nhiều người trên khắp thế giới.
     
    Mèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
  10. Quân Nguyễn 091294

    Bài viết:
    161
    ẤU TRÙNG VÀ BƯƠM BƯỚM

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cuộc vật lộn của chúng ta xoay quanh tiền bạc, và tất cả những căng thẳng, sợ hãi và sự thừa thãi thái quá mà nó đem lại đều có những nét tương đồng với tự nhiên. Nhà sinh vật học tiến hóa Elisabet Sahtouris nói rằng ấu trùng bướm, ở một giai đoạn trong vòng đời của nó, trở nên phàm ăn, hung hãn, ngấu nghiến mọi thứ trong tầm mắt và tầm với. Vào thời điểm này trong quá trình tiến hóa, ấu trùng bướm có thể ăn một lượng thức ăn lớn gấp hàng trăm lần trọng lượng cơ thể của nó, và càng ăn nhiều thì nó càng trở nên béo và chậm chạp. Cũng vào thời điểm phát triển thái quá đó, trong cơ thể ấu trùng bướm những tế bào thành trùng bắt đầu hoạt động. Tế bào thành trùng là loại tế bào chuyên biệt, và có số lượng rất ít, nhưng khi liên kết với nhau chúng lại trở thành những gen điều khiển quá trình biến thái của ấu trùng bướm. Tại một điểm nào đó trong giai đoạn phàm ăn của ấu trùng bướm, những tế bào thành trùng này thúc đẩy quá trình biến ấu trùng bướm thành "chất súp dinh dưỡng" mà từ đó những tế bào thành trùng tạo nên sự thần kỳ của loài bướm.

    Lần đầu được nghe kể về phép ẩn dụ ấu trùng bươm bướm này tôi đã rất thích thú vì nó đem lại cho tôi một cái nhìn về thế giới theo đúng bản chất, kể cả tình trạng tham lam vô độ, như một giai đoạn của sự tiến hóa. Đây là một ẩn dụ thật hợp lý cho thời đại của chúng ta. Khi tôi thấy những con người tài giỏi, tận tình và đầy năng lực sáng tạo lao động dưới nhiều hình thức nhằm phục hồi và vun đắp cho thế giới, trong gia đình, trong cộng đồng, và những tổ chức bền vững ở khắp nơi trên Trái đất, tôi thấy những tế bào thành trùng của chính quá trình biến đổi của chúng ta. Đó chính là chúng ta, những người như tôi và những người như bạn, những nhân vật chính đã xuất hiện trong những câu chuyện mà tôi chia sẻ trong cuốn sách này, và những người hiểu rõ giá trị của chúng, những người mở ra những con đường mới, nhìn ra những khả năng mới. Sự sụp đổ của những cấu trúc không bền vững trong thương mại, kinh tế, chính trị, và chính thể – sự sụp đổ của những công ty như WorldCom, Enron, và Tyco trong những năm gần đây – và sự khám phá những vụ tham nhũng có tổ chức có thể là điểm khởi đầu cho giai đoạn ấu trùng bướm háu ăn trở thành "chất súp dinh dưỡng" mà từ đó sự kỳ diệu của loài bướm vụt lớn lên.

    Trong thế giới của vô vàn hỗn độn và mâu thuẫn, bạo lực và trả thù ân oán, tôi tin rằng vẫn có hàng triệu người đang gánh trên vai trách nhiệm không chỉ với sự thay đổi mà với cả sự biến đổi, sự biến đổi kỳ diệu của loài bướm. Chúng ta tuy thuộc về thiểu số, nhưng chúng ta có mặt ở khắp nơi, và chúng ta gắn kết với nhau ở bất kỳ đâu, dù là Senegal, Ethiopia, Ecuador hay Afghanistan; dù là Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản, hay Đức; Iowa, Michigan, New York, hay California – và thậm chí là Hollywood; ở trong những ngành nghề thật hào nhoáng hay chỉ đời thường bình dị giúp cho cuộc sống vận hành trơn tru mỗi ngày. Chúng ta là "xu thế ẩn". Chúng ta là những gen điều khiển cơ thể sống này. Nếu chúng ta tiếp tục liên kết với nhau, chúng ta có thể tạo ra từ ấu trùng bướm phàm ăn đó sự kỳ diệu của loài bướm.

    Tôi thách thức bạn sử dụng tiền bạc của mình, từng đồng, từng xu, từng vụ mua bán, từng đơn vị cổ phần hay trái phiếu, để lên tiếng cho sự biến đổi này.

    Tôi thách thức bạn sử dụng những đồng tiền chảy vào cuộc sống mình – và nó chắc chắn sẽ chảy vào cuộc sống của mỗi chúng ta – để thể hiện chân lý và bối cảnh của sự đầy đủ.

    Tôi thách thức bạn sử dụng những tài nguyên chảy vào cuộc sống mình để phục vụ cho những cam kết và lý tưởng tối cao của bạn, những điều mà bạn sẵn sàng đấu tranh bảo vệ.

    Tôi thách thức bạn nhìn nhận tiền bạc với niềm tin chung rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm sử dụng đồng tiền sao cho nó nuôi dưỡng và tiếp sức cho ta, cho toàn bộ sự sống, cho cả hành tinh và cho mọi thế hệ tương lai.

    Tôi thách thức bạn hòa quyện tiền bạc của mình với linh hồn – linh hồn của chính bạn – và để nó đại diện cho bản thân bạn, cho tình yêu, trái tim, lời nói và nhân cách của bạn.
     
    Mèo A Mao Huỳnh Mai thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...