[Tiểu luận] Sự sàng lọc của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thời đại mới

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mạnh Thăng, 6 Tháng tư 2023.

  1. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,773
    Chương 3

    SỰ RA ĐỜI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

    3.2. Giá trị thực tiễn của sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và Cương Lĩnh chính trị đầu tiên

    3.2. 2. Giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay (tiếp)


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong đối ngoại quốc phòng, chúng ta kiên trì nguyên tắc "bốn không" :(1) Không tham gia liên minh quân sự, (2) Không liên kết với nước này để chống nước kia, (3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác, (4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Trong tình hình quốc tế hiện nay, đặc biệt là nhìn từ cuộc xung đột Nga – Ucraina, ta thấy đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, bình đẳng, cùng có lợi, chính sách đối ngoại quốc phòng "bốn không" là một quyết sách đúng đắn, là con đường duy nhất để bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định không chỉ cho nước ta mà còn cho cả khu vực.

    Đối với vấn đề biển đảo, chúng ta kiên trì nguyên tắc giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Đồng thời với đó, đẩy mạnh hoạt động thông tin đối ngoại, tuyên truyền chủ quyền biển đảo để bạn bè quốc tế hiểu rõ và ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Thành công trong việc xử lý vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 là đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối trên.

    Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng:

    Để giữ vững bản chất giai cấp công nhân, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, trong những năm gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ XI, XII, XIII, Đảng xác định nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đảng đã ban hành các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về vấn đề xây dựng chính đốn Đảng, coi đó là vấn đề sống còn của Đảng. Thực hiện Nghị quyết, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả, là dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Trong nhiệm kỳ khóa XII (2016 – 2021), hơn 87.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật1. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được thành lập do Tổng bí thư đứng đầu, đã lãnh đạo các ban ngành vào cuộc xử lý nghiêm minh, xét xử kịp thời nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều bị can là cán bộ cấp cao (cả đương chức và nghỉ hưu), sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó 10 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị đưa ra xét xử trong năm 20211
     
    Bin.lotus, Diggory, Tiên Nhi12 người khác thích bài này.
  2. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,773
    Tiểu kết Chương 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Năm 1929, phong trào công nhân phát triển lên một nấc thang mới, nhu cầu có một chính đảng cộng sản để lãnh đạo phong trào trở nên cấp thiết. Do đó, từ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã hình thành nên các chi bộ, rồi hình thành nên ba tổ chức cộng sản hoạt động riêng rẽ. Đây là tín hiệu cho thấy điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam đã chín muồi, nhưng việc cùng lúc có ba tổ chức cộng sản hoạt động song song có thể dẫn đến nguy cơ chia rẽ trong phong trào cộng sản và dân tộc. Trước tình hình đó, căn cứ theo bức thư ngày 27 -10 – 1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành một Đảng Cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thành lập Đảng đã thông qua bản Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Nội dung Cương lĩnh tóm tắt như sau:

    Phương hướng chiến lược của cách mạng là thực cách mạng tư sản dân quyền, rồi thực hiện cách mạng ruộng đất và tiến lên xã hội cộng sản.

    Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng, về chính trị là đánh đổ thực dân Pháp giành lại độc lập cho dân tộc, lập chính phủ công nông binh; về kinh tế là tịch thu sản nghiệp lớn của tư bản Pháp về tay chính phủ công nông binh, tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc chủ nghĩa chia cho dân cày nghèo; về giáo dục, thực hiện tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục theo lối công nông hóa..

    Lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân.

    Lực lượng cách mạng là toàn dân tộc, không phân biệt giai cấp. Trong quan hệ với cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, phải tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của vô sản toàn thế giới, nhất là vô sản Pháp.

    Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định sự lựa chọn con đường cách mạng của dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản. Đây là con đường duy nhất đúng để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng, nhân dân ta đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang trong 45 đấu tranh giành và giữ chính quyền (1930 – 1975), gặt hái được nhiều thành tựu sau hơn 45 xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 đến nay). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hôm nay, chúng ta được sống ở đất nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hòa bình, hạnh phúc, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

    Khẳng định sự đúng đắn của bản Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta cũng rút ra từ đó ba giá trị lớn: Về đại đoàn kết toàn dân tộc, về phát huy sức mạnh thời đại, thực hiện đoàn kết quốc tế nhưng trên cơ sở tự lực, độc lập, tự chủ, sáng tạo; về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vẫn luôn là sức mạnh vô địch, nó giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách dù đó là giặc ngoại xâm hay là thiên tai, dịch bệnh. Trong bất cứ thời điểm nào, đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sức mạnh quốc tế cũng là một nhân tố quan trọng góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Để Đảng luôn đủ uy tín, năng lực và đủ dức lãnh đạo cách mạng, vấn đề xây dựng Đảng luôn phải đượ quan tâm.
     
  3. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,773
    PHẦN KẾT LUẬN (Phần 1)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong bối cảnh chịu sự bóc lột nặng nề của thực dân Pháp, các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam lúc này đều mang thân phận người dân mất nước và ở những mức độ khác nhau, đều bị thực dân áp bức, bóc lột. Vì vậy, trong xã hội Việt Nam lúc này tồn tại nhiều hình thức mâu thuẫn, trong đó mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược. Nhiệm vụ lịch sử của toàn thể nhân dân Việt Nam là đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc, đồng thời xóa bỏ chế độ phong kiến, thiết lập chế độ dân chủ.

    Sau khi triều đình nhà Nguyễn đầu hàng, các phong trào đấu tranh chống ngoại xâm theo hệ tư tưởng phong kiến nổ ra rộng khắp, tiêu biểu là phong trào Cần Vương và phong trào nông dân Yên Thế, nhưng nhanh chóng thất bại. Giai cấp phong kiến hủ bại, lạc hậu và mất hết uy tín với nhân dân, khẩu hiệu lỗi thời "trung quân ái quốc" và tư tưởng phong kiến hẹp hòi, cục bộ địa phương không phải là là con đường giải phóng dân tộc đúng đắn.

    Không khoanh tay đứng nhìn đất nước bị dày xéo dưới ách ngoại xâm, một số sĩ phu có tư tưởng tiến bộ đã tìm đến khuynh hướng cứu nước theo xu hướng dân chủ tư sản, và khuynh hướng này đã phát triển mạnh mẽ trong khoảng thời gian từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến năm 1930. Tuy nhiên, các phong trào đấu tranh theo khuynh hướng này

    Nhanh chóng thất bại. Giai cấp tư sản nhỏ yếu, lệ thuộc vào tư bản Pháp về kinh tế, thiếu cơ sở xã hội, thiếu liên kết với công nông không thể nào là lực lượng lãnh đạo cách mạng. Ngọn cờ dân chủ tư sản chính thức cáo lui khỏi vũ đài chính trị với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930).

    Những điều trên chứng tỏ, khuynh hướng phong kiến hay dân chủ tư sản đều không phải là lời giải cho mâu thuẫn bao trùm xã hội Việt Nam lúc đó: Mâu thuẫn giữa đế quốc Pháp xâm lược và toàn thể dân tộc Việt Nam.

    Trong đêm đen nô lệ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Bằng nhãn quan chính trị nhạy bén, Người đã tìm tới chủ nghĩa Mác – Lenin, và nhận thấy đây là chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất. Từ Trung Quốc,

    Người đã tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở các lớp huấn luyện, ra sách báo tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lenin đến giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, từng bước hình thành lý luận về con đường giải phóng dân tộc, tích cực chuẩn bị các điều kiện về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản. Lý luận Mác – Lênin được Nguyễn Ái Quốc truyền bá không phải là lý luận được bê nguyên từ Phương Tây về, mà đã có sự bổ sung, phát triển cho phù hợp với đặc điểm Việt Nam, là thành quả lao động sáng tạo của Người.
     
  4. Mạnh Thăng

    Bài viết:
    8,773
    PHẦN KẾT LUẬN (Phần 2)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Từ năm 1928, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ: Phong trào "vô sản hóa" đạt nhiều kết quả tích cực, các tổ chức công đoàn được củng cố và phát triển, các chi bộ cộng sản ra đời. Nhu cầu có một chính đảng cộng sản để lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc trở nên cấp thiết. Năm 1929, từ quả trứng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ba tổ chức cộng sản lần lượt ra đời. Tuy nhiên, các tổ chức này lại công kích, tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Nhận thấy nguy cơ chia rẽ trong phong trào cộng sản, đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ 20 về con đường cứu nước, cứu dân. Chính đường lối này là cơ sở đảm bảo cho sự tập hợp lực lượng và sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc có chung tư tưởng và hành động để tiến hành cuộc cách mạng vĩ đại giành những thắng lợi to lớn sau này. Vừa mới ra đời, với bản Cương lĩnh chính trị đầu tiên đúng đắn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cao trào cách mạng 1930 – 1931 long trời lở đất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Tổ chức thành công các cao trào đấu tranh cách mạng, đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1930 – 1945) ; đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1945 – 1975) ; xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới (từ 1975 đến nay). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kỷ nguyên mới đã mở ra trong sự phát triển của dân tộc ta: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

    Khẳng định sự đúng đắn của bản Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta cũng rút ra từ đó ba giá trị lớn: Về đại đoàn kết toàn dân tộc, về phát huy sức mạnh thời đại, thực hiện đoàn kết quốc tế nhưng trên cơ sở tự lực, độc lập, tự chủ, sáng tạo; về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vẫn luôn là sức mạnh vô địch, nó giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách dù đó là giặc ngoại xâm hay là thiên tai, dịch bệnh.

    Trong bất cứ thời điểm nào, đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sức mạnh quốc tế cũng là một nhân tố quan trọng góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Để Đảng luôn đủ uy tín, năng lực và đủ dức lãnh đạo cách mạng, vấn đề xây dựng Đảng luôn phải được quan tâm
     
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...