MỞ ĐẦU Từ mượn xuất hiện là một xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế, chính trị, văn hóa. Vì không phải một loại ngôn ngữ nào cũng đầy đủ từ vựng để biểu đạt nghĩa hay khái niệm. Bởi vậy, việc vay mượn từ là cần thiết. Ngay cả trong văn học, những sáng tác của nhà văn nhà thơ cũng sử dụng từ vay mượn để thể hiện cảm xúc, tư tưởng của bản thân. Để miêu tả nhân vật; truyền đạt nội dung tác phẩm dễ dàng, thuận tiện hơn khi tiếng Việt không có từ vựng đó. Hay trong đời sống chúng ta, việc vay mượn từ khi giao tiếp cũng tồn tại. Nhưng sử dụng từ vay mượn sao cho đúng? Sao cho hợp ngữ cảnh mà không bị lạm dụng? Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ làm rõ về thực trạng dùng từ vay mượn hiện nay; bên cạnh đó đưa ra các biện pháp giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. NỘI DUNG I. Khái quát 1. Khái niệm từ vay mượn Từ vay mượn là những từ mượn từ nước ngoài để làm tăng thêm tính đa dạng, sáng tạo trong Tiếng việt. Và trong tiếng Việt thì có nhiều từ mượn có nguồn gốc từ tiếng Anh, tiếng Hán.. 2. Tại sao lại có từ vay mượn? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vay mượn từ, nhưng nhìn chung có hai nguyên nhân chính sau: - Dù là xã hội xưa hay nay, khi nền kinh tế phát triển, nền giáo dục nâng cao, hội nhập văn hóa đang là xu thế chung thì việc vay mượn từ là điều dễ dàng xảy ra. - Một ngôn ngữ không thể đáp ứng đầy đủ việc cung cấp nghĩa cho một khái niệm, hay biểu thị một trạng thái; cũng như việc chuyển ngữ từ vựng từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác nên xuất hiện việc vay mượn từ. 3. Phân loại từ vay mượn Theo nguồn gốc của từ, thì từ mượn được chia làm hai loại chính: Từ mượn tiếng Hán; Từ mượn các tiếng khác. 3.1Từ mượn tiếng Hán 60% từ vựng tiếng Việt là từ tiếng Hán. Nhưng khi đi vào sử dụng đã được Việt hóa cho phù hợp với hệ thống ngữ âm của tiếng Việt. Gọi là cách đọc Hán- Việt. Cách đọc này được hoàn thiện từ thế kỷ X-XI và vẫn sử dụng đến ngày nay. Từ mượn tiếng Hán du nhập vào Việt Nam được chia làm hai giai đoạn lớn sau: + Giai đoạn 1: Từ đầu Công nguyên đến đầu đời Đường. + Giai đoạn 2: Từ đời Đường trở về sau. Mỗi một giai đoạn, từ vay mượn đều có đặc trưng, tính chất khác nhau. Từ gốc Hán (du nhập vào Việt Nam trong những giai đoạn đầu) ví dụ: Chè (âm Hán Việt: Trà) ; bố (âm Hán Việt: Phụ) ;.. Từ Hán Việt (du nhập vào Việt Nam giai đoạn 2) ví dụ: Trà (茶), nữ (女). . - Nước ta vay mượn từ tiếng Hán để phục vụ hai mục đích: + Đầu tiên, bổ sung những từ còn thiếu. Trong những thời kỳ đầu, khi tiếng Việt đang được hoàn thiện thì còn thiếu rất nhiều từ. Đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật. Bởi vậy, ta vừa tạo nên hệ thống tiếng Việt mới, vừa vay mượn từ vựng. + Thứ hai, tạo ra từ mang sắc thái nghĩa khác với từ tiếng Việt. Sử dụng trong đời sống hàng ngày, nên tiếng Việt không thể biểu thị hết được sắc thái trang trọng hay hòa nhã; khái quát. Vì vậy, ta phải mượn từ gốc Hán có nghĩa tương đương với nghĩa tiếng việt, nhưng mang sắc thái khác. Ví dụ: Từ Hán Việt tạo cảm giác hòa nhã; từ thuần Việt mang cảm giác thơ sơ thì từ Hán Việt mang cảm giác lịch sự hơn;.. 3.2Từ mượn tiếng Ấn- Âu Dưới thời Pháp thuộc, các trường học đều học tiếng Pháp và trở thành ngôn ngữ chính thức của nước thuộc địa. Nên ngôn ngữ này xâm nhập vào tiếng Việt khá nhiều. Bên cạnh đó còn có tiếng Nga, tiếng Anh. Do sự tiếp xúc của tiếng Việt với các ngôn ngữ khác khá muộn, nên việc mượn từ Ấn Âu khá ít và lẻ tẻ; thường được sử dụng nhiều hơn trong lĩnh vực y khoa, kỹ thuật. + Từ mượn tiếng Anh: Vì tiếng Anh là một ngôn ngữ quốc tế, nên việc vay mượn từ tiếng Anh là điều không thể tránh khỏi. Ví dụ: Phông chữ (font) ; Đô-la (Dollar) ;.. + Từ mượn tiếng Pháp: Trải qua thời gian bị đô hộ, phần lớn các từ vay mượn tiếng Pháp đã được thay thế cách đọc và cách viết để phù hợp với tiếng Việt. Ví dụ: Cà phê (café) ; Com lê (complet) ;.. + Bên cạnh đó còn có tiếng Nga cũng chiếm một lượng nhỏ trong hệ thống từ vay mượn. Ví dụ: Xô- viết: Mác- xít;.. 4. Nguyên tắc vay mượn Mặc dù việc mượn từ đã giúp cho ngôn ngữ của ta đa dạng hơn, nhưng khi mượn từ chúng ta vẫn phải để ý những nguyên tắc sau: - Không lạm dụng từ mượn, chỉ dùng từ mượn khi tiếng Việt không có từ để thay thế. - Mượn từ trong trường hợp cần thiết, phù hợp; sắc thái trang trọng, lịch sự, hòa nhã.. - Không sử dụng tràn lan, không mục đích gây khó hiểu cho người nghe. II. Phân tích thực trạng về việc dùng từ vay mượn 1. Sử dụng từ mượn trong các văn bản Các nhà văn, nhà thơ khi sáng tác văn chương cũng không tránh khỏi việc vay mượn từ. Mỗi một từ vay mượn đều được đặt ở hoàn cảnh hợp lý; nhằm bộc lộc tâm tư, tình cảm; biểu thị trạng thái của hành động hay miêu tả tên gọi của sự vật đồ vật. Thường trong các tác phẩm, tác giả biết cách vay mượn từ và sử dụng từ mượn sao cho phù hợp. Điều quan trọng là vẫn giữ được nét trong sáng của tiếng Việt. Ở trong bài "Chiều hôm nhớ nhà" của Bà Huyện Thanh Quan, đã sử dụng khá nhiều từ vay mượn gốc Hán: "Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn, Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn. Gác mái ngư ông về viễn phố, Gõ sừng, mục tử lại cô thôn. Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi, Dặm liễu sương sa khách bước dồn. Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ, Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn." Bài thơ này, Bà Huyện Thanh Quan đã sử dụng những từ Hán Việt sau: Ngư ông, viễn phố, cô thôn, ngàn mai, dặm liễu, lữ thứ. Những đề tài "ngư, tiều, cảnh, mục" vẫn luôn là những thứ quen thuộc trong thơ cổ điển mà tác giả thường sử dụng. Hai câu thơ 3, 4 tác giả chchỉ chọn hai nhân vật cho buổi "chiều hôm" là "ngư ông" và "mục tử". "Gác mái" là nơi mà ngư ông nằm nghỉ ngơi. "Gõ sừng" cũng là hành động của "mục tử" muốn trở về, nghỉ ngơi. Cả hai câu thơ này, từ "gác mái" và "gõ sừng" đều được đảo lên đầu câu như nhấn mạnh trạng thái, hành động của hai nhân vật. Gác mái- gõ sừng là hai từ thuần việt, một từ chỉ mái nhà, một từ chỉ hành động gõ sừng. Nhưng hai câu thơ này, tác giả đã sử dụng từ Hán Việt: Viễn phố- chỉ một nơi rất xa (viễn: Xa xôi; phố: Phố thị, đất đai) ; mục tử- người chăn trâu (mục: Chăn nuôi, người chăn gia súc; tử: Chăm sóc, gánh vác) ; cô thôn- xóm nhỏ, lẻ loi (cô: Cô độc, lẻ loi; thôn: Thôn làng, xóm). Khi sử dụng những từ Hán Việt này, câu thơ sẽ trở nên ngắn gọn, mà vẫn bao hàm được đầy đủ nghĩa của câu; biểu thị rõ cảm xúc của tác giả. Cả ngư ông và mục tử đều đang trên đường trở về nhưng giữa hai người lại có khoảng cách. Ngư ông thì về nơi phố xa; còn người chăn trâu thì trở về xóm lẻ loi. Khoảng cách này cũng chính là khoảng cách trong lòng của Bà Huyện Thanh Quan với quê hương của mình. Vậy là có ba người cùng chung một nối niềm; ba người đều vào chiều hôm ấy, mỗi người mang nối nhớ riêng mình. Nói chung việc sử dụng từ mượn ở hai câu này đã lột tả rõ ràng chủ đề nỗi nhớ nhà. Sang hai câu thơ tiếp theo, từ mượn "ngàn mai", "dặm liễu" được tác giả sử dụng rất điêu luyện. Ngàn mai- rừng mai bạt ngàn, trông thì rất đẹp nhưng lại càng thấy sự lẻ loi của thi nhân. Còn dặm liễu- rặng liễu lại có thêm sương sa, đúng là vừa thơ mộng vừa lạnh lẽo. Hai hình ảnh "ngàn mai" và "dặm liễu" là hai hình ảnh rất đẹp, gợi cảm nhưng nỗi nhớ nhà càng được mở rộng đến sâu thẳm. Tác giả đã dùng điển cố "Kẻ chốn Chương Đài". Ngày xưa có người gửi thư về cho người vợ là Liễu Thị: "Cây chốn Chương Đài xanh xanh trước kia nay còn hay không?". Và từ lúc đó, Chương Đài trở thành ước lệ của văn chương. Kẻ ở chốn Chương Đài, người lữ thứ- kẻ ở quê nhà, người oqr quán trọ xa xôi quê nhà. Tác giả dừng từ "lữ thứ" thật bất ngờ. Bà đang dạy cho công chúa trong cung, vậy mà nữ sĩ coi đó chẳng qua cũng chỉ là quán trọ. Bà sử dụng từ Hán Việt "lữ thứ" như để làm dung hòa sự ngạo mạn trong bà. Sâu thẳm trong tâm hồn người nghệ sĩ vẫn là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết; bà chẳng thiết tha, gắn bó hay yêu quý gì thời đại đương thời, nơi đất khách quê người. Bài thơ "Chiều hôm ấy" là nỗi lòng của người xa quê đang da diết nhớ về quê hương, nơi mình đã sinh ra. Việc sử dụng từ Hán Việt đã giúp cho việc bộc lộ tâm tư suy nghĩ của tác giả dễ dàng và sâu sắc hơn. Câu thơ không dài dòng, nhưng vẫn bao hàm đủ ý nghĩa, tư tưởng gốc của nó. Hay trong văn bản "Thánh Gióng", trong câu văn: "Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành tráng sĩ mình cao hơn trượng [..]", ở câu văn này, tác giả đã sử dụng hai từ mượn tiếng Hán: Tráng sĩ và trượng. Vì tiếng Việt không có từ vựng mang sắc thái ý, ý nghĩa tương đương từ mượn này nên tác giả đã dùng từ tráng sĩ và trượng để miêu tả ngọa hình nhân vật, biểu đạt nghĩa của câu. Trượng- đơn vị đo độ dài bằng 10 thước của Trung Quốc; ở đây biểu thị là rất cao. Tráng sĩ- người có chí khí mạnh mẽ, sức lực cường tráng, hay làm việc lớn. Trong truyện Sọ Dừa, câu văn "Ngày cưới, trong nhà Sọ Dừa cỗ bàn thật linh đình, gia nhân chạy ra chạy vào tấp nập"; từ "gia nhân" chính là từ mượn tiếng Hán. Gia nhân- người làm (gia- thêm, đồ dùng trong nhà; nhân: Người). Văn bản "Hạnh phúc của một tang gia" của Vũ Trọng Phụng đã sử dụng từ mượn tiếng Ấn- Âu để gọi tên nhân vật: Min-đơ, Min-toa, ông Josseph (Giô-dép) ; hay áo trong cóc-xê.. Việc vay mượn từ này vừa để gọi tên nhân vật, đồ vật; vừa để châm biếm lối sống Tây Âu dởm. Vậy ta thấy được, trong các văn bản, tác giả cũng sử dụng rất nhiều từ vay mượn để hoàn chỉnh câu văn; biểu đạt ý nghĩa của mình; dùng đúng hoàn cảnh, mục đích. 2. Thực trạng lạm dụng từ vay mượn Việc may mượn từ vựng hay sử dụng từ vựng có nguồn gốc từ ngôn ngữ khác là một yếu tố khách quan; là thực trạng phổ biến ở bất kỳ đất nước nào, ngôn ngữ nào. Quá trình tiếp xúc lâu dài về ngôn ngữ và văn hóa đã mang đến hiện tượng này. Đặc biệt trong bối cảnh ngày nay, nền kinh tế hội nhập hóa, công nghệ- kỹ thuật ngày càng phát triển, mạng xã hội bao phủ toàn cầu thì việc ngôn ngữ khác du nhập vào ngôn ngữ tiếng Việt của ta là điều không thể tránh khỏi. Việc vay mượn từ giúp cho vốn từ vựng của ta thêm phong phú, đa dạng; nhưng không phải trong trường hợp nào mọi người cũng biết cách sử dụng từ mượn hợp lý. 2.1 Sử dụng từ vay mượn hợp lý Khi tiếng Anh là ngôn ngữ ngày càng phổ biến ngày nay, nhà nhà người người đi học tiếng Anh; việc giao lưu, trao đổi cùng với tốc độ học hỏi nhanh của giới trẻ thì ở khắp mọi nơi đâu ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp chúng. Trong nghiên cứu khoa học, hoặc trong giao tiếp, cách viết của lĩnh vực này sẽ thường xuyên xuất hiện từ vay mượn ví dụ như: + Thuật ngữ trong IT: Login (đăng nhập) ; DNS (Domain name system) : Hệ thống tên miền;.. + Thuật ngữ máy tính: Kilobyte (KB) ; bit (byte) ;.. Một số từ vựng dùng để định danh, gọi tên địa điểm, sự vật, hiện tượng; ví dụ: + Địa danh: Ca-na-da (Canada) ; Pa-ri (Paris) ; Béc-lin (Berlin) ;.. + Tên đồ ăn nhanh: Mực-đâu-nờ (Mcdonald's) ; Ham-bơ-gơ (Hambuger) ; Spa-gét-ti (Spaghetti) ;.. +Tên thiết bị: Ai-phôn (Iphone) ; ai-pát (Ipad) ;.. + Tên mạng xã hội: Tuýt-tơ (Twitter) ; Phây-búc (Facebook) ;.. Và còn nhiều trường hợp khác.. Hầu hết các từ tiếng Anh khi du nhập vào tiếng Việt đều bị biến đổi sao cho phù hợp với đặc điểm phong cách của tiếng Việt. Hay từ vay mượn tiếng Hán, ví dụ: Sính lễ; vô vọng; gia nhân; cường tráng;.. Quá trình vay mượn từ này đều được sử dụng đúng mục đích. Có thể dùng cả trong văn nói, văn viết.. Chúng được vay mượn để sử dụng mà không bị lạm dụng. 2.2Lạm dụng, sử dụng sai từ vay mượn Việc sử dụng từ tiếng Anh chêm vào tiếng Việt khi nói đang khá phổ biến gần đây đối với học sinh, sinh viên, hay dân văn phòng.. cái này người ta gọi là "mốt thời thượng", "thể hiện ta đây". Nếu biết dùng chừng mực, hay đúng mục đích thì đã không xảy ra vấn nạn như vậy. Việc chêm quá nhiều từ tiếng Anh vào tiếng Việt khi giao tiếp khiến lời nói trở nên lố bịch, vô duyên, kiêu căng. Thật sự không chấp nhận được. Tôi đã từng gặp rất nhiều trường hợp khi hai người vừa mới gặp nhau lần đầu, nhưng đối phương lại luôn sử dụng từ tiếng Anh chêm vào tiếng Việt. Hành động này khiến người nghe vô cùng khó chịu; và nếu như họ không hiểu nghĩa của từ tiếng Anh đó lại phải hỏi thêm lần nữa. Trong trường hợp này, đối phương đã tỏ rõ thái độ không tôn trọng người nghe, cợt nhả. Giới học sinh cũng sử dụng việc chêm tiếng Anh rất nhiều. Bất cứ hoàn cảnh nào cũng nói chêm tiếng Anh, mục đích sử dụng từ mượn này không phải để rèn luyện hay phát triển bản thân mà là thể hiện ta đây biết chút từ vựng nước ngoài. Bất kể ai nghe được cũng thấy không hài lòng. Đặc biệt, ngày nay ngành du lịch nước ta rất phát triển. Du khách rất đông, vậy khi nghe được cách nói chuyện đó họ sẽ nghĩ ra sao? Bản sắc văn hóa, bản sắc ngôn ngữ Việt cũng bị làm xấu đi. Không chỉ trong giao tiếp hàng ngày, mà văn viết cũng bị lạm dụng một cách mù quáng. Nhiều bài đăng trên mạng xã hội, khi đăng một dòng trạng thái, hay bình luận một điều gì đó lại sử dụng chêm tiếng Anh: Ôi trời ơi perfect! ; Gút chóp em (Good job em- Ca sĩ Binz đã sử dụng) ; ìn gioi cái mâu mừn này (Enjoy cái moment này- Ca sĩ Chipu sử dụng) ;.. và còn rất nhiều tình trạng khác nhau. Vì mạng xã hội quá mạnh mẽ, giới trẻ tiếp xúc quá nhiều nên khi nghe ai nói, thấy ai viết là bắt chước theo; không hề phân biệt được đúng-sai, phải-trái; phần lớn không biết lên án, sửa đổi mà cứ hùa theo sử dụng. Thực sự những trường hợp này đã làm xấu đi bản sắc ngôn ngữ Việt. Bên cạnh đó, còn có trường hợp sử dụng sai từ Hán Việt. Một số bộ phận như các em nhỏ có thể chưa phân biệt được từ vựng dùng trong hoàn cảnh nào cho phù hợp vì vốn từ vựng vẫn còn hạn hẹp, thì một số người vẫn cố tình sử dụng sai. Một ví dụ trong đời sống: + Nhi đồng đang vui chơi ngoài sân. + Con đề nghị mẹ thưởng cho con quà. + Bố bạn A vừa băng hà. + Nhà em có 3 gia nhân. +.. Những từ mượn trên là sử dụng không phù hợp. Vì nghe nó quá trang trọng; quá làm màu; và không được tự nhiên. Thay vì đó, ta có thể nói- viết: Bố bạn A vừa mới mất; Các bé đang chơi ngoài sân;.. Những từ thuần Việt này khi nói hay viết vẫn biểu thị rõ ràng nghĩa của từ, nội dung câu nói mà vẫn nhẹ nhàng, không thái quá. Chúng ta nên biết cách sử dụng từ vay mượn Hán Việt hợp lý nhất, không nên quá làm dụng. 3. Các biện pháp giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt Tiếng Việt- ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam, là tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Đã là con người Việt Nam, ai cũng có trách nhiệm phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đặc biệt hơn là giới trẻ ngày nay. "Trong sáng" là gì? Là sự trong sáng, không một chút vẩn đục; trong sáng trong tiếng Việt là giữ được bản sắc của ngôn ngữ; không bị pha tạp, lạm dụng, hoàn toàn lành mạnh. Sự trong sáng của tiếng Việt là một vấn đề rất quan trọng, rộng mở ở mọi lĩnh vực, mọi quan hệ. Đối với người Việt chúng ta, sử dụng tiếng Việt để trao đổi với nhau là phương tiện quan trọng nhất, đảm bảo được hiệu quả trong giao tiếp và truyền đạt. Bởi vậy, cần có những biện pháp tốt nhất để giữ gìn sự trong sạch của tiếng Việt- tiếng mẹ đẻ- ngôn ngữ ông cha ta đã sáng lập nên, gắn liền bao bản sắc dân tộc. Trước hết, ta phải tôn trọng ngôn ngữ của mình- tiếng nói của mình. Nhận thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ, nhận thức đúng đắn để không dẫn đến những suy nghĩ sai lệch. Ví dụ, tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ, nên khi giao tiếp hay trong văn viết đều phải sử dụng tiếng Việt, trừ trường hợp khác. Ta là người Việt Nam thì nói tiếng Việt, không chêm tiếng Anh, hay ngôn ngữ khác vào. Luôn có suy nghĩ bảo vệ nét đẹp của tiếng Việt. Không cười đùa, chế nhạo, pha tiếng. Cân nhắc kĩ lưỡng khi sử dụng ngôn ngữ một cách kỹ lưỡng. Thứ hai, dám lên án, phê phán, và sửa đổi những trường hợp nhằm chế nhạo tiếng Việt của ta. Bất kể người nước mình, hay người nước ngoài khi mang suy nghĩ xấu về ngôn ngữ Việt cần phải trực tiếp lên án gay gắt. Đưa ra quan điểm đúng đắn về sự trong sạch của tiếng Việt. Không nên hùa theo, bắt chước. Thứ ba, bản thân là công dân của Việt Nam, phải ngày ngày trau dồi thêm từ vựng; đọc nhiều sách nang cao vốn hiểu biết phong phsu về ngôn ngữ. Bản thân ta biết rèn luyện, cố gắng thì mới làm gương cho người khác. Thứ tư, trong trường học, môi trường giáo dục cũng cần được chú ý. Luôn dạy học sinh điều hay lẽ phải; nói về nét đẹp của tiếng Việt, nguồn gốc của tiếng Việt từ cha ông ta đã vất vả hình thành;.. và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu thêm về ngon ngữ tiếng Việt. Điều này vừa giúp học sinh hiểu biết hơn về ngôn ngữ tiếng Việt, càng thêm yêu quý, tôn trọng và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Hơn hết, khi giới thiệu cho bạn bè quốc tế cũng thêm phần tự hào. Hãy cùng nhau phát triển và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. KẾT LUẬN Một ngôn ngữ không thể hoàn toàn có đầy đủ từ vựng để sử dụng. Việc mượn từ vựng đã xảy ra từ thời xã xưa, không chỉ riêng ngày nay. Trong văn chương, hay đời sống hàng ngày chúng ta vẫn đang sử dựng từ vay mượn. Nhưng phải biết sử dụng sao cho hợp lý vào từng hoàn cảnh; từng mục đích, lĩnh vực. Không nên quá lạm dụng mà đánh mất bản sắc ngôn ngữ tiếng Việt. Chúng ta là người Việt Nam, tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia của chúng ta; bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt chính là bảo vệ Đất nước. Tiếng nói của dân tộc mà không giữ gìn được thì khác gì cho kẻ địch nhăm nhe. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Giang Béc (2022), "Từ mượn là gì? Phân loại và tác dụng/ Ví dụ cụ thể". 2. THPT Sóc Trăng (2022), Từ mượn là gì và những điều thú vị của từ mượn trong tiếng Việt, THPT Sóc Trăng.