Phân tích hình tượng sông Đà qua đoạn văn: Tôi có tạt qua sông Đà mấy lần...bản đồ lai chữ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi tmcxinhdep, 24 Tháng ba 2023.

  1. tmcxinhdep Doãn Thiên Ly công chúa

    Bài viết:
    291

    Đề bài:

    "Tôi có bay tạt ngang qua Sông Đà mấy lần, và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn một cách nhìn về con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình. Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà . Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thuỷ Tinh" Núi cao sông hãy còn dài - Năm năm báo oán đời đời đánh ghen ". Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu và nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phết vào bản đồ lai chữ".

    (Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân)

    Phân tích và trình bày cảm nhận về hình tượng sông Đà trữ tình trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về nét tài hoa trong phong cách nghệ thuật của tác giả.

    [​IMG]

    Bài làm:​

    Nói về văn chương, Pau-tốp-xki từng khẳng định: "Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp". Nhận định của tác giả mang ý nghĩa nhấn mạnh vai trò dẫn đường của nhà văn và ý nghĩa của văn chương đó là mang đến cho đời những xứ sở của cái đẹp. Nếu hiểu như vậy, Nguyễn Tuân chính là một nhà văn chân chính - một nhà văn "suốt đời đi tìm cái đẹp" và "Người lái đò Sông Đà" chính là xứ sở của cái đẹp mà nhà văn vui mừng dẫn đường cho chúng ta đến đó. Xứ sở của cái đẹp trong tác phẩm đó là vùng đất Tây Bắc hùng vĩ của đất nước. Nơi ấy có những người lái đò tài hoa, tuyệt kĩ, có con sông Đà trữ tình làm đắm say hồn người. Trong hai hình tượng chính của tùy bút "Người lái đò Sông Đà, hình tượng sông Đà trữ tình được khám phá khắc họa ở nhiều góc độ, trong đó đặc sắc nhất là ở góc độ từ trên máy bay nhìn xuống. Cảm nhận về sông Đà ở góc độ này, người đọc còn nhận ra những nét tài hoa trong phong cách nghệ thuật của tác giả.

    " Người lái đò Sông Đà "là một tác phẩm xuất sắc in trong tập" Sông Đà "- một trong những tập tùy bút nổi tiếng của Nguyễn Tuân. Tùy bút này nối dài những thành công của những tùy bút viết Nguyễn Tuân viết trước cách mạng tháng Tám như" Tóc chị Hoài "," Thiếu quê hương ". Nó là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân thu hái được sau chuyến đi thực tế Tây Bắc năm 1958 - chuyến đi mà Nguyễn Tuân từng ví như" Đi tìm chất vàng mười trên Tây Bắc ". Đóng góp vào sự thành công lớn lao ấy là nghệ thuật của một thể loại đặc sắc, đó là thể loại tùy bút. Tùy bút là một thể loại văn xuôi ghi chép lại những sự vật sự việc mà nhà văn chứng kiến hoặc trải qua bằng một lối văn tự do, phóng túng, bay bổng theo cảm hứng của người viết. So với các thể loại khác mà Nguyễn Tuân đã thành công như truyện ngắn, bút kí, thể loại tùy bút cho thấy rõ nét chất uyên bác, tài hoa trong sáng tác của nhà văn. Việc lựa chọn thể loại này đã giúp Nguyễn Tuân khắc họa được một hình tượng vô cùng độc đáo đó là hình tượng Sông Đà với tính cách trữ tình giàu cảm xúc.

    Sông Đà trữ tình được Nguyễn Tuân cảm nhận và khắc họa từ trên máy bay nhìn xuống trước hết ở hình dáng. Mở đầu đoạn trích, tác giả viết:" Tôi có bay tạt ngang Sông Đà mấy lần, và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn một cách nhìn về con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình ". Nguyễn Tuân từng trực tiếp đi thuyền trên sông Đà nhiều lần và cảm nhận về con sông Tây Bắc hung bạo dưới góc nhìn của người lái đò. Tuy nhiên, Nguyễn Tuân còn đến với sông Đà ở độ cao từ trên máy bay vì thế tác giả có cơ hội khám phá sông Đà ở một góc độ nhìn mới một cách nhìn mới về con sông Tây Bắc trữ tình, nên thơ. Bởi đã mấy lần bay tạt ngang Sông Đà nên Nguyễn Tuân phát hiện và khám phá ra nhiều dáng nét của sông Đà ở nhiều độ cao khác nhau. Trước hết từ trên tàu bay nhìn xuống, Sông Đà hiện ra như" cái dây thừng ngoằn ngoèo ". Hình ảnh so sánh sông Đà với" cái dây thừng "đã cho người đọc hình dung cụ thể về kích thước nhỏ bé của con sông được nhìn từ trên cao. Từ láy" ngoằn ngoèo "gợi tả dáng vẻ uốn lượn quanh co của con sông trên vùng rừng núi Tây Bắc. Ở độ cao thứ nhất này, tác giả đã vô cùng bất ngờ, ngạc nhiên trước một con sông nhỏ bé hiền lành hiện ra bên dưới cánh máy bay khác hẳn với ấn tượng về con sông trái tính trái nết, cáu bẳn cứ" hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà ". Thêm một bất ngờ nữa đó là" không ai nghĩ rằng đó là con sông của câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thủy Tinh "ngàn đời nay nổi sóng dữ trong những cơn ghen tuông vô độ lại là" sợi dây thừng "bình lặng, hiền hòa dưới chân mình. Có thể nói những ấn tượng về sự mới lạ của sông Đà trong khám phá của Nguyễn Tuân đã cung cấp thêm cho người đọc hình ảnh thú vị về con sông trữ tình của Tây Bắc.

    Ngồi trên máy bay hạ độ cao với điểm nhìn được thay đổi, Nguyễn Tuân đón nhận một hình ảnh khác về sông Đà. Lúc này sông Đà không còn là sợi dây thừng nữa mà" từng nét sông tãi ra trên bờ đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình ". Nếu hình ảnh so sánh sợi dây thừng gợi tả kích thước nhỏ gọn, rắn chắc của sông Đà thì hình ảnh" từng nét sông tãi ra "cho thấy rõ độ đậm nét của dòng sông với hai bờ đã" tãi ra ", dàn ra rộng hơn. Đặc biệt giữa một" đại dương đá "mênh mông núi đá, sông Đà như một nét vẽ mềm mại trữ tình trên cái nền hùng vĩ của núi non Tây Bắc. Đó chính là một vẻ đẹp đầy tự hào về sông Đà mà góc độ nhìn này đã ban tặng cho tác giả. Sử dụng câu có thành phần tình thái, tác giả đã khẳng định niềm tự hào mãnh liệt của mình:" Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên bờ đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình ". Nếu như" quen đọc bản đồ sông núi "chỉ cho Nguyễn Tuân đến với một sông Đà gián tiếp bằng nét vẽ trên giấy, thì khi ngồi tàu bay nhìn xuống tác giả được tiếp cận con sông một cách trực tiếp để từ đó" càng thấy quen thuộc "với từng nét sông và càng thấy tự hào hơn về" đất nước Tổ quốc bao la ". Có thể thấy tình yêu đối với đất nước giang san của tác giả dường như chảy tràn trên trang viết. Đến với dòng sông Tây Bắc bằng tình yêu thiết tha, rạo rực như vậy, cho nên sông Đà trong tùy bút của Nguyễn Tuân trở thành một áng thơ văn xuôi tuyệt tác.

    Ở độ cao thứ ba - độ cao thấp nhất trong những lần" bay tạt ngang qua Sông Đà ", Nguyễn Tuân lại thấy" Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình.. ". Qua phép điệp ngữ với từ" tuôn dài "được lặp lại hai lần, sông Đà đã hiện lên rõ nét với chiều dài tưởng như vô cùng vô tận và dáng nét nhẹ nhàng, uyển chuyển. Bên cạnh đó, hình dáng của sông Đà được khắc họa qua so sánh" như một áng tóc trữ tình "gợi cho người đọc mối liên tưởng về con sông mang vẻ đẹp của người con gái đang độ xuân thì, có dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển, dịu dàng, thướt tha, tràn đầy sức sống. Nếu như ở thượng nguồn, sông Đà nổi bật với tính cách hung bạo, dữ dằn thì ở đoạn hạ vi nó cuốn hút và làm say lòng người bởi vẻ đẹp trữ tình, duyên dáng của nó. Vẻ đẹp ấy có được là nhờ phép so sánh một hình ảnh của thiên nhiên với một hình ảnh của con người rất đặc sắc của tác giả. Mái tóc - dòng sông ấy còn được miêu tả với những chi tiết cụ thể hơn, đó là" đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai.. ". Có thể thấy một sự gắn bó hài hòa của mái tóc - dòng sông với mây trời, với hoa lá của xứ sở Tây Bắc. Từ trên máy bay, Nguyễn Tuân say sưa ngắm nhìn con sông khi ẩn khi hiện trong màu trắng của hoa ban, màu đỏ của hoa gạo và đất trời mùa xuân tháng hai đầy thơ mộng, hiền hòa. Phải chăng tạo hóa lấy hoa ban và hoa gạo với những sắc màu tươi sáng rực rỡ cài lên mái tóc - sông Đà làm đẹp thêm cho áng tóc trữ tình, bay bổng, lãng mạn ấy. Đẹp như vậy cũng đã đủ sức hút hồn người nhưng con sông còn ẩn hiện trong" cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân ". Con sông trở nên bí ẩn, thơ mộng, huyền ảo hơn dưới làn khói của những nương xuân. Nói cách khác, nhìn từ máy bay, làn khói cuồn cuộn trên nương rẫy đã phủ lên áng tóc - dòng sông một vẻ bồng bềnh, hư ảo.

    Đọc câu văn miêu tả dáng nét của sông Đà nói trên, người đọc không chỉ bị cuốn hút bởi hình ảnh mang tính thẩm mĩ cao mà còn bị cuốn vào cảm xúc của tác giả bởi độ dài trập trùng của nó. Xét về ngữ pháp, đây là câu ghép có độ dài đặc biệt, nhiều cụm vị tạo nên âm điệu miên man, trùng điệp diễn tả con sông trữ tình ngân vang giữa núi rừng Tây Bắc. Có thể nói với ba vị trí điểm nhìn được thay đổi liên tiếp, tác giả đã khắc họa và nổi bật vẻ trữ tình, nên thơ của dòng sông Đà. Đó là một vẻ đẹp đa dạng với những dáng nét đầy thơ mộng, trữ tình, mới lạ.

    Bên cạnh dáng nét, sông Đà trữ tình còn được Nguyễn Tuân cảm nhận và khắc họa về màu sắc. Nếu như sông Đà được miêu tả về dáng nét qua các độ cao khác nhau, thì màu sắc của sông Đà được khắc họa qua các thời điểm, qua hai mùa khác nhau. Trước hết, tác giả miêu tả sông Đà vào mùa xuân, với" dòng xanh ngọc bích ". Màu" xanh ngọc bích "của dòng nước sông Đà là màu sắc tươi sáng, trong trẻo, lấp lánh. Vẻ đẹp này của sắc nước sông Đà được tác giả đón nhận với cảm xúc" tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà ". Đó là sự chăm chú, say mê, chiêm ngưỡng bằng cả tâm hồn và mọi giác quan chứ không phải chỉ nhìn bằng một thái độ vô hồn, vô cảm. Cũng bởi yêu mến cái sắc màu độc đáo ấy mà Nguyễn Tuân đã so sánh với sông Gâm, sông Lô cho dù ông không ghét bỏ hai dòng sông ấy. Bởi sắc nước sông Đà tươi trong quá chứ không nhờ nhờ, đùng đục như bát canh hến của sông Gâm sông Lô. Lấy màu xanh của bát canh hến đời thường mộc mạc để so sánh, tác giả đã làm tôn nổi sắc màu sang trọng, quý phái của dòng sông Đà. Qua miêu tả của Nguyễn Tuân, ai có thể không yêu một dòng sông vào xuân đẹp ngất ngây đến vậy?

    Sau mùa xuân, sông Đà còn được tác giả cảm nhận và miêu tả vào mùa thu. Ở thời điểm này sông Đà mang màu" lừ lừ chín đỏ ". Từ láy" lừ lừ "đã góp phần làm rõ sắc đỏ có sự biến chuyển một cách chậm rãi của sắc nước sông Đà. Để cụ thể hóa sắc đỏ ấy, tác giả sử dụng tới hai so sánh. So sánh đầu tiên về sắc đỏ đó là" Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa ". Với một người đi rộng, hiểu nhiều thì sẽ dễ dàng tưởng tượng ra da mặt đỏ bầm, đỏ sậm của người uống rượu hàng ngày trong bữa ăn. Từ màu da ấy, có thể hình dung ra màu đỏ sẫm, đỏ tía của dòng nước sông Đà. So sánh thứ hai cụ thể một màu đỏ khác đó là" lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bức bội gì mỗi độ thu về ". Nếu như màu đỏ của da mặt người uống rượu bữa là do tác động của rượu thì màu đỏ thứ hai là do tác động của tâm lí bực bội bất mãn trước sự thay mùa của thiên nhiên. Đó là cái màu đỏ tưng bừng như căng lên hết cỡ của nước sông Đà. Hai sắc đỏ ấy được Nguyễn Tuân cảm nhận khi" xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sôn Đà ". Nó là hai sắc màu hiện ra đầy bất ngờ, lí thú đối với nhà văn.

    Mang cảm xúc đầy ngạc nhiên và tự hào ấy, tác giả không thể chấp nhận thái độ cách đối xử của bọn thực dân Pháp đối với dòng sông của đất nước. Nhà văn bày tỏ rõ nét thái độ căm phẫn của mình:" Chưa hề bao giờ tôi thấy Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ ". Đó là sự tức giận trước hành động bịa đặt, hạ thấp giá trị và vẻ đẹp của sông Đà của bọn thực dân Pháp. Đó còn là thái độ căm phẫn trước cách ứng xử áp đặt, ép buộc một cách trắng trợn của chúng đối với con sông ta. Có thể thấy tình yêu đối với con sông, niềm tự hào tự tôn dân tộc ở Nguyễn Tuân là rất lớn.

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    * Một số bài phân tích khác

    - Chữ người tử tù - Phân tích nhân vật Huấn Cao

    - Hai đứa trẻ - Phân tích bức tranh phố huyện nghèo

    - Nghị luận xã hội - Lời cảm ơn

    - Vợ chồng A Phủ - Phân tích Đêm tình mùa xuân

    - Vợ chồng A Phủ - Kiếp làm dâu

    - Người lái đò sông Đà - sông Đà trữ tình

    Chúc các em học tốt nhé ^^
     
    Last edited by a moderator: 29 Tháng ba 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...