Phân tích vẻ đẹp hình tượng Người lái đò - Có trích dẫn, liên hệ sáng tạo

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi sun and cloud, 17 Tháng mười hai 2023.

  1. sun and cloud

    Bài viết:
    46
    Đề bài: Cảm nhận của anh chị về hình tượng ông lái đò trong đoạn trích sau:

    .. "Sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò [..] Mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng. Nhưng ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lung, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm. Tăng thêm mãi lên tiếng hỗn chiến của nước của đá thác. Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái. Vậy là phá xong cái trùng vi thạch trận vòng thứ nhất. Không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật. Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này. Vòng đầu vừa rồi, nó mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh cửa, sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, băm chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thuỷ quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra cảnh níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền. Chỉ còn vẳng reo tiếng hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướnng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ bà nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vào từ động lái được lượn được. Thế là hết thác..

    (Trích" Người lái đò Sông Đà "- Nguyễn Tuân)


    Bài làm

    Bàn về văn học, nhà văn I Tuốc-ghê-nhép từng nhận định:" Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì người nào khác. "Thật vậy, trên cuộc đời có biết bao nhiêu người muốn truyền tải lòng mình qua ngòi bút, muốn dùng bút lực của mình để thêm vào đời những gam màu sặc sỡ, lại không thể đếm xuể những nhà văn nhà thơ muốn chạm khắc vào dòng chảy thời gian dấu ấn của riêng mình. Nếu Quang Dũng để lại cho đời vẻ đẹp hào hoa, phóng khoáng, lãng mạn, Xuân Diệu khiến nhớ người ta nhớ tới những vần thơ rạo rực, thiết tha thì Nguyễn Tuân với tài hoa, tài trí và sự tận tâm với cuộc đời đã ghi dấu ấn vào lòng độc giả một nét bút rất độc đáo, rất Nguyễn Tuân, không thể trộn lẫn." Ông vua tùy bút "đã để lại cho nền văn học Việt Nam một di sản văn chương đồ sộ, đặc biệt ở địa hạt tùy bút có rất nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó có tùy bút" Người lái đò Sông Đà "với hình tượng dòng sông Đà vừa hung bạo vừa nên thơ trữ tình và nổi bật trên nền tranh thiên nhiên là hình tượng người lái đò sông Đà trí dũng tài hoa, đậm chất nghệ sĩ. Đồng thời, qua đoạn trích về vẻ đẹp ông đò trên sông nước, người đọc còn bắt gặp cách nhìn mang tính phát hiện, mới mẻ về con người của Nguyễn Tuân.

    Nguyễn Tuân là một trong những cây viết xuất sắc nhất của văn học hiện đại Việt Nam với phong cách nghệ thuật cực kỳ độc đáo và riêng biệt, khiến Anh Đức từng cảm thán:" Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế.. tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng. "Nguyễn Tuân đến với văn chương cùng với sự ngang tàng và ngông nghênh của tuổi trẻ, tính cách ấy đã in dấu trong ngòi bút của ông, làm nên phong cách nghệ thuật độc nhất vô nhị để mỗi khi người đời nhắc đến cái tên" Nguyễn Tuân "đều sẽ nghĩ tới một chữ" ngông ". Trước cách mạng tháng Tám, nhà văn đem theo sự" ngông "ấy đi tìm những vẻ đẹp còn sót lại của thời xưa, viết về những người tài hoa bất đắc chí, có tài mà không gặp thời, lạc lõng giữa thời cuộc hỗn loạn." Người lữ khách lang thang đi tìm cái đẹp cho cuộc đời "còn là một người theo chủ nghĩa xê dịch, ông coi cuộc đời là những chuyến đi, là trường du hí và xê dịch không ngừng. Trong những chuyến đi không ngừng nghỉ ấy, Nguyễn Tuân luôn chăm chú tìm tòi khám phá cái đẹp của cuộc sống, đó có thể là" một lối sống thanh cao, có khi là một khí phách cứng cỏi, một tài năng phi phàm, một đồ vật tuyệt kĩ, một hương vị thuần khiết.. "nhưng có lẽ cái đẹp hơn cả trong quan niệm của ông chính là tiếng nói dân tộc mà ông đã gọi một cách đầy tự hào:" Tiếng ta ". Sau cách mạng tháng Tám, khi mà đất nước bước vào thời kì mới cũng là lúc phong cách nghệ thuật và quan niệm của nhà văn có một số chuyển biến quan trọng. Cái chất" ngông "của ông không mất đi, ông vẫn là một nhà văn duy mĩ, là một Nguyễn Tuân độc nhất vô nhị, có khác chăng là trong ông có thêm một niềm tin và khát khao được hòa nhịp với đất nước và cuộc đời. Sự sang trang trong phong cách văn chương của Nguyễn Tuân được thể hiện rõ nhất và tiêu biểu nhất trong tùy bút Người lái đò Sông Đà" - thành quả của chuyến đi thực tế hai năm đầy gian khổ mà hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi từ năm 1958. Tác phẩm được in trong "Tùy bút sông Đà" (1960) đã khắc họa hình tượng người lái đò hội tụ những phẩm chất cao đẹp của người lao động và chất tài hoa của người nghệ sĩ qua cuộc đối chọi với dòng sông Đà "làm mình làm mẩy" cả nghìn năm ở núi rừng Tây Bắc. Với thể loại tùy bút, Nguyễn Tuân đã thỏa sức múa bút vẽ nên một ông đò bảy mươi tuổi mà giống như một lão tướng với mười năm kinh nghiệm, chèo lái xuôi ngược trên sông Đà hơn một trăm lần, chính tay cầm lái hơn sáu mươi lần. Trí nhớ ông thì được rèn luyện cao độ bằng cách "lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả các con thác hiểm trở." Một con người gắn bó với lao động, yêu nghề sông nước, từng trải và giàu kinh nghiệm đã hiện lên như thế, được miêu tả bằng tất cả sự trân trọng, khâm phục và ngưỡng mộ của tác giả.

    Vẻ đẹp trí dũng người lái đò sông Đà trước hết được bộc lộ qua trận chiến với ba trùng vi thạch trận của thủy quái sông Đà. Đối mặt với trận địa đã được bày bố một cách tỉ mỉ và tinh vi, khi cửa ải thứ nhất "mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh" cùng những thạch tinh với đủ sắc thái biểu cảm từ ngông nghênh, hung tợn tới đắc ý hò reo, người lái đò đã không nao núng mà xung trận, đáp trả những đợt tấn công của sóng nước và đá. Sóng thác đi từ những áp đảo về số lượng, tinh thần, thể xác đến "miếng đòn hiểm độc nhất, cả luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò". Phép nhân hóa, nhịp ngắt ngắn cùng động từ mạnh như "đánh", "bóp chặt" đã thành công thể hiện bộ mặt nham hiểm của thác đá sông Đà. Chiêu đòn hiểm ác khiến ông đò đau đớn, mặt ông "méo bệch" đi trước sự tấn công dồn dập và liên tục của những con sóng. Nhưng kỳ lạ thay, người lái đò vẫn "nén vết thương", hình ảnh "hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái" đã làm nổi bật sự kiên cường anh dũng của một con người nhỏ bé trước sự khắc nghiệt, hung bạo của thiên nhiên. Mặc cho thương tích đầy mình, mặc cho cái rét lạnh của nước gặm nhấm cơ thể khiến sắc mặt trắng bệch, giọng chỉ huy của ông lái đò vẫn rõ mồn một trên "cái thuyền sáu bơi chèo", không những rõ mà còn tỉnh táo, khiến ta nhớ đến dáng vẻ ông lão trong tác phẩm "Ông già và biển cả" của Hemingway: "Mọi thứ trên cơ thể lão đều toát lên vẻ già nua, trừ đôi mắt; chúng có cùng màu với nước biển, vui vẻ và không hề thất bại." Giọng nói dõng dạc đầy tỉnh táo của người lái đò hay đôi mắt sáng ngời của ông lão đánh cá đều là những vẻ đẹp đáng quý và đáng ngưỡng mộ, đó chính là vẻ đẹp của tinh thần cống hiến, hết mình vì công việc và đam mê. Nét đẹp tinh thần ấy tỏa sáng ngời, làm lu mờ những dấu vết của thời gian, là liều thuốc giúp con người vượt qua mọi đau đớn, khó khăn và thử thách.


    [​IMG]

    Thành công vượt qua vòng vây thứ nhất của thạch trận nhưng người lái đò không hề nghỉ ngơi mà tiếp tục công phá cửa ải thứ hai đồng thời thay đổi luôn chiến thuật. Ở trận này, Nguyễn Tuân không chỉ tô đậm sự dũng mãnh, kiên cường của ông đò mà làm nổi bật sự thông minh của một người cầm chèo dày dặn kinh nghiệm - người "nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá", "thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này". Người lái đò sông Đà không chỉ nhớ mà còn nằm lòng mọi chi tiết của thạch trận bởi dòng sông Đà với ông chính là "một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những dấu chấm than, chấm câu và những đoạn xuống dòng." Đây là khả năng mà một người non trẻ hay không chú tâm khi làm việc không thể đạt đến, chỉ với chi tiết "thuộc" mọi đường đi nước bước của bè lũ thạch tinh trong trận địa thứ hai, tác giả đã thành công khắc họa hình ảnh người lái đò từng trải, như một lão tướng dày dặn kinh nghiệm ở vùng sông nước hung bạo miền rừng núi Tây Bắc. "Cưỡi lên sông Đà, phải cưỡi lên như là cưỡi hổ", một câu văn có tới ba chữ "cưỡi" được điệp lại đã bộc lộ sự dũng mãnh, ngạo nghễ của người lái đò, thiên nhiên to lớn, dữ dội và mưu mô như thế mà ông đò lại cưỡi được lên, đạp lên sự bạo liệt hung tàn của nó, chế ngự nó. Lão tướng ấy không chỉ "giỏi văn", nắm chắc binh pháp và những cửa tử được bố trí ngày càng nhiều của kẻ thù mà còn "giỏi võ", với tuyệt kĩ lái đò khi ông "nắm chặt lấy được cái bờm sóng" rồi "ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về cửa đá ấy". Một loạt các động từ mạnh như "ghì chặt", "bám lấy", "lái miết" đã thể hiện trình độ siêu hạng của ông đò, ngôn ngữ của Nguyễn Tuân nhảy múa trên trang giấy, khiến người đọc như được chứng kiến tận mắt những cảnh hành động kịch tính đến nghẹt thở ấy. Khi thấy người lái đò sắp vượt qua được tất cả bố trí của mình để tiến vào ải thứ ba, bọn thủy quân liền "xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử" với quyết tâm "ăn chết cái thuyền", nhưng ông đò vốn đã nhớ mặt bọn chúng nên có thể đưa ra những ứng phó kịp thời. Ta như lạc vào mê cung ngôn từ của Nguyễn Tuân khi đọc cách ông đò đánh bại đám thủy quân "đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến". Phép tăng tiến cùng những động từ mạnh mang thanh sắc xuất hiện với tần suất lớn ở vòng vây thứ hai này đã góp phần lột tả được sự dũng mãnh, lão luyện và quyết đoán của người lái đò sông đà khi vượt qua tầng tầng lớp lớp bày bố của thạch trận để rồi bỏ lại hết những luồng tử và cả "cái mặt xanh lè thất vọng" của thằng tướng đứng trấn cửa sinh ở phía sau. Binh pháp Tôn Tử có đúc kết: "Biết người biết ta, trăm trận không nguy" quả thật không sai.

    Chế Lan Viên từng viết trong "Sổ tay thơ" :


    "Căng cái dây hình ảnh ngữ ngôn ngang qua

    Vực tâm hồn sâu thẳm

    Không bao giờ anh ở độ trùng dây"

    Sự mới lạ trong cách quan sát và liên tưởng, trong những "hình ảnh ngữ ngôn" không bao giờ ở độ trùng dây là một trong những lý do tiêu biểu làm nên tên tuổi Nguyễn Tuân, bởi cách nhà văn miêu tả hình tượng trí dũng của người lái đò ngày càng tăng tiến giống như cách người nghệ sĩ "căng cái dây hình ảnh ngữ ngôn" thật độc đáo, tài tình. Mức độ thử thách, hiểm trở của thạch trận tăng dần và đến cửa thứ ba, thủy quái sông Đà đã hoàn toàn để lộ diện mạo và tâm địa âm hiểm của mình "ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả" mà cái luồng sống lại nằm giữa bọn đá hậu vệ. Nhưng con người cũng không hề chịu thua kém trước thiên nhiên, người lái đò ở vòng vây thứ ba càng can trường, quyết liệt và ngoan cường hơn bao giờ hết, đứng trước nguy hiểm trùng trùng, ông không hề do dự hay nao núng một giây phút nào mà "phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó" để rồi "thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép". Trận đọ sức cuối cùng giữa thiên nhiên và con người đươc Nguyễn Tuân miêu tả trong một câu văn dài với nhiều nhịp ngắt ngắn tạo cảm giác kịch tính, dồn dập và liên tục, khiến tất cả như diễn ra chỉ trong tích tắc. Cùng với đó là động từ "vút" được lặp lại liên tiếp mang thanh sắc chói tai và phép so sánh con thuyền lao đi như "mũi tên tre xuyên nhan qua hơi nước" đã tô đậm tài trí của người lái đò, ông xông tới mà không hề chùn bước, giống như mũi tên một khi rời khỏi dây cung liền xé gió xé nước mà đi chứ quyết không dừng lại hay quay đầu. "Thế là hết thác", câu văn cuối cùng của đoạn trích dường như là một tiếng thở phào nhẹ nhõm khi ông lái đò bỏ lại hết những thác ghềnh ở phía sau, lại giống như một chiếc chìa khóa mở ra sự bình yên sau bao hiểm nguy và thử thách. Tiếng thở phào ấy có lẽ không thuộc về người tham trận chiến là ông đò bởi ông đã nằm lòng từng đường đi nước bước của bọn đá và thủy quân, đã trải qua vô số cuộc vượt thác như thế, tiếng thở phào ấy có lẽ thuộc về tác giả, có khi là của chính chúng ta - những độc giả theo dõi trận đánh vô cùng kịch tí này.

    Không chỉ mang nét đẹp trí tuệ và dũng mãnh, người lái đò sông Đà còn khoác lên mình chiếc áo tài hoa và chất nghệ sĩ. Với Nguyễn Tuân, tài hoa là khi con người đạt tới trình độ điêu luyện, thuần thục trong công việc của mình, đến độ có thể sáng tạo được và vươn tới tự do. Sở dĩ có thể băng băng vượt qua thác dữ, xé toang hết lớp này đến lớp khác của trùng vi thạch trận với phong thái ung dung, ông đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá và nằm lòng mọi kế hoạch, cách bài bố của thạch trận. Vì thế người lái đò hiện lên như một người nghệ sĩ chèo ghềnh vượt thác, sự tài hoa của ông được thể hiện trong từng động tác thuần thục, mỗi động tác của ông đều giống như những đường cọ họa nên bức tranh hoành tráng. Đôi cánh tay "lêu nghêu như cái sào" và đôi chân "lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cái cuống lái tưởng tượng" của ông đò giữ thế tạo đà kết hợp như vũ điệu nhịp nhàng với bản giao hưởng của dòng sông. Tất cả yếu tố kết hợp đã làm nên một màn biểu diễn nghệ thuật hoàn hảo. Chất nghệ sĩ của người lái đò còn thể hiện trong cách ông nhìn nhận về công việc của mình, bình thản đến lạ lùng. Khi dòng sông vặn mình hết thác cũng là khoảnh khắc "sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ". Những nhà đò dừng chèo, đốt lửa nướng ống cơm lam, bàn về cá anh vũ, cá dầm xanh, "về những cái hầm hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra tràn đầy ruộng." Qua thác ghềnh, ông lái đò lạnh lùng gan góc là thế nhưng lúc bình thường thì lại rất bình dị, giản đơn, ông nhớ tiếng gà gáy nên buộc một cái bu gà ở đuôi thuyền bởi có "tiếng gà gáy đem theo, nó đỡ nhớ ruộng nương bản mường mình".

    Lao động nghệ thuật là một hoạt động tinh thần nghiêm túc và khổ luyện. Để cho ra đời những tác phẩm hay và đặc sắc, nhà văn hay nhà thơ đều phải vật lộn với cuộc đời, phải học cách trải nghiệm, suy tư hay như cách Nam Cao đã từng nói: "Hãy sống đã rồi mới viết." Với tinh thần lăn xả, với mong muốn được xê dịch không ngừng, Nguyễn Tuân đã góp nhặt được vô số chất liệu hiện thực trong chuyến đi thực tế tới vùng Tây Bắc để rồi bằng ngòi bút xuất sắc, nhà văn đã thành công dựng lên hình ảnh người lái đò sông Đà trí dũng tài hoa. Người lái đò ấy thân già nhưng tinh thần không già và trái tim luôn rực cháy tình yêu với nghề sông nước đã cầm vũ khí duy nhất là chiếc mái chèo cùng "con thuyền đơn độc" vượt qua cả ba thạch trận bằng tài trí và khả năng chèo đò tuyệt đỉnh, chiến thắng thiên nhiên vô song với lực lượng hùng hậu. Trận chiến thoạt nhìn không cân sức, nhưng cuối cùng phần thắng đã thuộc về con người nhờ sự thông minh và dũng cảm. Có thể nói, hình tượng ông lái đò chính là hình tượng con người lao động, là biểu tượng cho trí dũng song toàn trong hành trình đi tìm cái đẹp của nhà văn. Cách gọi tên nhân vật bằng địa danh, nghề nghiệp cũng thể hiện rằng không chỉ có một ông lái đò phi phàm xuất chúng mà đây là đại diện tiêu biểu cho vô số những người lao động xuất sắc hết mình công việc. Hình tượng người lái đò sông Đà với vẻ đẹp trí dũng song toàn, với sự linh hoạt mạnh mẽ chỉ tăng chứ không giảm qua từng vòng vây của thạch trận còn gợi ta nhớ tới bao thế hệ người dân đất Việt, một dân tộc với sự gan góc, bất khuất, ngoan cường được tôi luyện qua hàng trăm trận chiến gian khổ trường kì đã dựng xây nên đất nước Việt Nam xinh đẹp ngày hôm nay. Tố Hữu đã từng dành cho Nguyễn Tuân sự thán phục khi ví ông là "chuyên viên cao cấp Tiếng Việt" hay "người thợ kim hoàn của chữ". Quả thật, chỉ trong một đoạn trích ngắn, ta đã thấy Nguyễn Tuân tung ra một đội quân ngôn ngữ thật hùng hậu, đa dạng, biến đổi thần kì liên tục những phép tu từ, nhân hóa, cường điệu.. với câu văn ngắn dài đan xen để tạo nên một bức tranh hoành tráng với hình tượng con người vô cùng nổi bật, khí phách trước thiên nhiên. Nhà văn đã lấy thiên nhiên để tôn xưng con người, tạo dựng những tình huống đầy thử thách để nhân vật bộc lộ phẩm chất, tô đậm nét tài hoa nghệ sĩ, trí dũng vẹn toàn. Ngôn từ miêu tả đầy cá tính và giàu chất tạo hình, những phép so sánh giàu sức tưởng tượng đã góp phần truyền tải trọn vẹn những phát hiện khám phá của tác giả về chất "vàng mười đã qua thử lửa" vô cùng quý giá trong tâm hồn tính cách những người lao động bình dị miền Tây Bắc.

    Hình tượng người lái đò có thể nói là một bước ngoặt quan trọng trong quan niệm của Nguyễn Tuân sau cách mạng tháng Tám. Nếu trước cách mạng tháng 8/1945, nhà văn chỉ viết về những người tài hoa bất đắc chí, hướng về những người nghệ sĩ có tài năng khí phách phi thường thì sau cách mạng, khi đất nước bước vào thời kì xây dựng Xã hội Chủ nghĩa, ông đã có những cái nhìn mang tính phát hiện về con người, ông đã tìm thấy chất nghệ sĩ ở những người lao động vô danh, luôn âm thầm lặng lẽ cống hiến cho tổ quốc. Con người dù bất kì địa vị hay nghề nghiệp gì nếu hết lòng và thành thạo với công việc của mình thì bao giờ cũng đáng trân trọng, giống như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng viết: "Qua bài tùy bút, đặc biệt là qua đoạn tả cuộc vượt thác của ông lái đò, Nguyễn Tuân muốn nói với ta rằng: Chủ nghĩa anh hùng đâu chỉ có ở nơi chiến trường. Nó ở ngay trong cuộc sống của nhân dân ta hàng ngày phải vật lộn với thiên nhiên vì miếng cơm manh áo." Nguyễn Tuân cũng phát hiện ra tài hoa đâu chỉ có trong lĩnh vực nghệ thuật mà hiện hữu ngay trong cuộc sống lao động đời thường. Không chỉ vậy, đối với một người "suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật" (Nguyễn Đình Thi), quan niệm về nét đẹp con người của ông trong thời kì này còn là cái đẹp gắn với nhân dân lao động, với cuộc sống đang nảy nở đồng thời lên án, tố cáo chế độ cũ khẳng định bản chất nhân văn của chế độ mới.

    Với "Người lái đò sông Đà", Nguyễn Tuân đã gieo vào thiên tùy bút những hy vọng của tháng năm, sự trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp trí dũng tài hoa cùng phẩm chất kiêng cường, hết lòng với nghề nghiệp của người lái đò trên Đà giang hùng vĩ. Cuộc đời của người lái đò vô danh nói riêng và của người dân lao động nói chung ở miền rừng núi Tây Bắc hoang vu là "cả một thiên anh hùng ca, một pho nghệ thuật tuyệt vời" (Nguyễn Đăng Mạnh). Văn chương của Nguyễn Tuân đã tạo nên một khúc khải hoàn ca cho những người lao động trong thời kì xây dựng Xã hội Chủ nghĩa, họ là những con người nhỏ bé, không tên tuổi, "Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra Đất Nước." Đó là những con người xứng đáng được tôn vinh, ngợi ca, được thế hệ sau đời đời ghi nhớ.


    *Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo* Hi vọng mỗi bạn đều có thể tự viết nên những bài văn của riêng mình, sau này đọc lại sẽ thấy rất bồi hồi ><

    Ngoài ra các bạn có thể đọc bài của mình về bài thơ sóng: Cảm nhận khổ 6, 7, 8, 9 bài Sóng - Xuân Quỳnh, có liên hệ sáng tạo

    Nếu muốn mình đăng tác phẩm nào thì có thể cmt cho mình biết nha!

    *boni 96*
     
    Dương2301 thích bài này.
    Last edited by a moderator: 17 Tháng mười hai 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...