Phân tích, cảm nhận bài thơ Những giọt lệ - Hàn Mặc Tử Hàn Mặc Tử là chàng thi sĩ tài hoa được ví như "Ngôi sao xẹt qua bầu trời thi ca Việt Nam" nhưng đã kịp để lại vệt sáng lạ lùng và dữ dội. Nửa đời người chưa qua hết nhưng Hàn đã làm tròn sứ mệnh, để lại cho nền văn học việt một đời thơ giá trị. Trong kho tàng thi phẩm đặc sắc ấy phải kể đến tác phẩm Những Giọt Lệ, một tứ thơ đong đầy nghệ thuật và dạt dào cảm xúc của thi nhân, Những Giọt Lệ là tiếng lòng khắc khoải của một tâm hồn khi phải chia xa người thương mến Thơ ca đã ra đời và song hành với nhân loại, như một phương tiện đắc lực và đầy xúc cảm, giúp con người bày tỏ nỗi niềm và đi sâu khám phá thế giới nội tâm sâu kín, bí hiểm. Thử hình dung Hàn Mặc Tử sẽ cô đơn biết bao nếu không thể trao gửi tâm tình vào nghệ thuật: Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi? Bao giờ tôi hết được yêu vì, Bao giờ mặt nhật tan thành máu Và khối lòng tôi cứng tựa si? Hàn Mặc Tử đã thốt lên tiếng kêu đầy đau đớn, tiếng thở dài tự vấn ngay từ câu đầu tiên: Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi? Lạ thay khi một con người lại tự hỏi rằng bao giờ mình sẽ chết. Câu thơ đã phần nào làm lộ rõ tâm trạng lo âu, phấp phỏng của một con người luôn phải đối diện với nỗi ám ảnh bởi bệnh tật và cái chết - nỗi ám ảnh đã làm nên một phần thế giới nghệ thuật thơ Hàn. Câu thơ thể hiện sự tuyệt vọng khôn cùng. Không đơn thuần là những câu hỏi mà là dòng tự sự trào tuôn từ tâm hồn tác giả. Sự mất mát và nỗi đau trong tim đã khiến tác giả viết nên những câu thơ rớm máu, quằn quại nỗi tê tái, đớn đau. "Bao giờ" như một lời vang, như một tiếng hờn vang đang hòa tan trong "mặt nhật" cuồng nộ- "mặt nhật" đầy máu. Thực chất, ẩn đằng sau ngôn từ thẳng thừng lộ liễu ấy là mong mỏi, là khát vọng sống riết róng; ẩn đằng sau lời cự tuyệt tình yêu là trái tim rạo rực cháy bỏng vì yêu, và đằng sau sự tái tê, trơ lì về xúc cảm là một nỗi lòng đang tổn thương đến quắp queo, tàn héo. Có lẽ, lời thơ được bật ra khi tâm hồn thi sĩ đang vô cùng yếu ớt, run rẩy trong cơn tuyệt vọng. Tâm hồn thi sĩ đang chìm trong nỗi day dứt cùng cực bởi có lẽ là mình không thể sống trọn vẹn với một tâm hồn chan chứa tình yêu sôi nổi chân thành. Hẳn phải là Hàn Mặc Tử, một Hàn Mặc Tử trong lúc thống khổ dâng tràn diễn đạt thì mới viết ra được những vần thơ như thế. Dường như khi người ta đã cận kề cái chết thì khao khát sống càng mãnh liệt, và khao khát tình yêu cũng càng thêm mãnh liệt. Phép điệp "Bao giờ" mở đầu cho hai câu thơ liên tiếp đã minh chứng cho điều đó. Tuy nhiên trong khao khát cũng đã ẩn chứa nỗi lo âu phấp phỏng, đau đớn và dự cảm không lành về cuộc đời ngắn ngủi. Hình ảnh trong thơ Hàn vẫn luôn thật độc đáo và ấn tượng, ta như được chiêm ngưỡng lớp ngôn từ được gọt giũa công phu: "Mặt nhật tan thành máu". Hãy để ý một hình ảnh rất gợi trong khổ thơ: "Mặt nhật tan thành máu" tại sao không phải sự ví von nào khác mà lại muốn mặt trời tan thành máu? Máu, hồn, trăng.. những hình ảnh ấy ta bắt gặp với tần suất rất cao trong thơ của Hàn Mặc Tử. Phải chăng chỉ có hình ảnh của máu mới diễn tả hết nỗi đau của thi nhân? Nếu hai câu trên là những dòng trần thuật phảng phất tiếc nuối, hoài niệm thì hai câu còn lại là sự thú nhận của tác giả với chính mình về sự mất mát ấy, sự mất mát đã làm cho thi nhân yếu đuối, dại khờ, tràn lệ và ước sao cõi lòng có thể "cứng tợ si". Trong bệnh tật đớn đau và nghiệt ngã, trong tình cảnh phải cách li với cuộc đời và con người trong khi bản thân mang một lòng thiết tha với đời và với người một cách mãnh liệt, sẽ khó tránh khỏi những lần thi sĩ đau đớn vì phải chia xa. Hễ thi nhân tiễn một ai đến thăm mình về lại ngoài kia thì chẳng khác nào tiễn người từ chốn lưu đày vĩnh viễn về lại cuộc đời, thậm chí như tiễn từ cõi này về cõi khác. Một nửa hồn coi như đã chết theo, đây ắt phải là cội nguồn của những giày xéo tâm tư trong khổ thơ trước: Họ đã xa rồi khôn níu lại, Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa.. Người đi, một nửa hồn tôi mất, Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ. "Họ" ở đây chính là người yêu của thi nhân, hai người đã chia tay và "họ" đã ra đi. Thế nhưng thi nhân không mong như thế, không thể an lòng mà cam chịu, Hàn vẫn muốn níu lại tình yêu. "Khôn" có ý nghĩa níu kéo, tiếc nuối (khôn nguôi), biểu cảm của một tâm tư xao động khác xa so với từ "không" vô cảm, hững hờ. Bằng tất cả sự tài năng vốn có, Hàn Mặc Tử đã diễn tả nỗi lòng của mình bằng tất thảy những câu từ đặc sắc nhất: "Thương chưa đã, mến chưa bưa". Phép điệp từ "chưa" được nhắc lại hai lần như muốn nói lên tất thảy những khắc khoải, mong chờ, tiếc nuối đến bơ vơ. Câu thơ vừa trần trụi, thực tế vừa hoài niệm khôn cùng, vừa thật thà, vừa tinh tế. Cách đây hai thế kỷ, Nguyễn Du đã viết: "Vầng trăng ai xẻ làm đôi" Và ở một bài thơ khác chính Hàn cũng viết: Hôm nay có một nửa trăng thôi Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi.. Ta nhớ mình xa thương đứt ruột Gió làm nên tội buổi chia phôi! (Một nửa trăng) Chắc cũng đều xuất phát từ một tâm trạng, một nỗi niềm như thế. Trong một khoảng lặng của thời gian, trong một thời khắc linh hồn ngưng đọng lại, cõi hồn thi nhân dường như đã cảm được rất nhiều điều tê tái, tâm tư quay cuồng, vừa đón nhận một cuộc chia xa nhưng thế giới trước mắt đã như đang quay cuồng, vần vũ. Từ sự nuối tiếc ấy mạch thơ đẩy tiếp đến hai câu tuyệt tác: Người đi một nửa hồn tôi mất Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ Tác giả hai lần nhắc đến từ "một nửa" như muốn thể hiện sức ảnh hưởng mạnh bạo đến đời sống tâm hồn của sự mất mát, cuộc chia phôi. Đến đây, ta như tin chắc về khẳng định, những nỗi buồn cũng rất đẹp đẽ và đầy thi vị. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Hàn Mặc Tử đã có trong tay và cũng đã chia xa nhiều mối tình, nhưng Mộng Cầm có lẽ là nàng thơ khiến thi nhân đau đáu nhất. Nhà thơ đã dành hẳn những tập thơ ưng ý nhất của mình để tặng cho mối tình ấy. Tình yêu còn day dứt, ám ảnh hơn khi cuộc đời Hàn Mặc Tử hình thành hai không gian với phân định nghiệt ngã: Ở đây và ngoài kia. Nó là sự cách nhau của hai cõi, mà khoảng cách bằng cả một tầm tuyệt vọng: "Anh đứng cách xa nghìn thế giới, Lặng nhìn trong mộng miệng em cười, Em cười anh cũng cười theo nữa, Để nhắn hồn anh đã tới nơi". Vậy nên, khi đã chia xa thì ắt khó tránh khỏi tâm trạng u hoài, tiếc nuối đến ngẩn ngơ, khi "người đi" thì đau đớn đến "dại khờ" Với thi nhân, cõi mà chàng thơ Hàn Mặc Tử đang ngày đêm tồn tại chính là nơi tăm tối, nơi đong đầy đau khổ, một địa điểm tưởng chừng như rất mơ hồ, không tồn tại: Tôi vẫn còn đây hay ở đâu? Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu? Sao bông phượng nở trong màu huyết, Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu? Thi nhân bỗng trở nên băn khoăn, thảng thốt, cảm thấy như đôi chân mình đang lạc lối, vô định giữa dòng đời. Cảnh vật làm cho chúng ta thêm một lần hiểu hơn tâm hồn thi sĩ, thấu tỏ niềm khát khao kiếm tìm người tri kỷ. Nguồn cảm hứng rào rạt của thi nhân xuất phát từ tận trong đáy hồn đau khổ, tâm can giằng xé, và những vướng mắc trong lòng ấy đã được tuôn ra "khi máu cuồng rền vang dưới ngòi bút". Nó đưa ta vào một "vườn thơ rộng rinh, không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh.." Đọc thơ Hàn khiến ta phải bất giác chạnh lòng thương cho một cuộc đời, cuộc tình ngang trái. Những câu hỏi tu từ được nhà thơ đặt ra liên tiếp như xoáy sâu vào tâm can người đọc, làm cõi lòng người thưởng thức như muốn quặn thắt theo từng con chữ. Cũng phải thôi! Trong lãnh cung của sự chia lìa, vốn "không có niềm trăng và ý nhạc", nên thi nhân luôn khao khát như một niềm tin cậy, một bám víu, một khát khao, một tri âm, một cứu tinh, cứu chuộc. Hình ảnh "những giọt châu màu huyết" làm lộ rõ sự u hoài, khắc khoải khiến cho ta nhận ra tất cả sự khẩn thiết của thi nhân. Khổ thơ cuối đích thị là sự diễn tả chi tiết và chân thực trạng thái thất tình của nhân vật trữ tình, từ cái nhìn thực thế đến trong cái nhìn chập chờn, mơ hồ, diệu vợi. Khổ thơ khép lại cũng là lúc khép lại bài thơ với hình ảnh "những giọt châu". Trong giờ phút đau thương ấy, tấm lòng trong thành thực nhất đã kết tinh thành những con chữ đong đầy nước mắt, thấm đẫm nỗi ám ảnh của những hạnh phúc đã xa và nỗi u hoài thực tại. Nó không còn là những giọt lệ thông thường nữa, nước mắt đã trở thành những hạt ngọc. Thi nhân quý trong những giọt nước mắt của mình, những giọt lệ cho mối tình dang dở mà người thi sĩ khổ đau ấy vẫn luôn tôn thờ. Thật đáng trân quý biết bao những giọt lệ như thế. Đó là phẩm chất của "những giọt lệ" tình. Để gọi về một Tình Yêu sống trọn với một "lòng thương" đang nức nở, bởi Đăng Ký để tiếp tục truy cập nội dung nhé! Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem