Cảm nhận, phân tích bài thơ Một đời áo nâu - Nguyễn Văn Song: Con ngồi xếp những nâu trầm mà thương

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Anhquaann, 15 Tháng tám 2024.

  1. Anhquaann Annquo

    Bài viết:
    228
    "Mẹ nuôi con biển Hồ lai láng"

    Tình vẫn sâu dù máu cạn dòng​

    Vậy nên, những vần thơ về mẹ luôn là những dòng đầy cảm xúc. Ký ức về mẹ, về màu áo nâu của mẹ vẫn luôn hằn in trong tâm trí nhà thơ Nguyễn Văn Song, để rồi thôi thúc ông viết nên những dòng bộc bạch tâm tình nhẹ nhàng mà sâu lắng. Dưới đây là vài dòng cảm xúc sau khi đọc Một đời áo nâu.

    [​IMG]

    Cảm nhận bài thơ Một đời áo nâu

    Nhà thơ Bằng Việt viết: Tiêu chuẩn vĩnh cử của thơ là tình cảm. Một đời áo nâu là thi phẩm đặc sắc được kết tinh từ tấm lòng ấm nóng tình cảm, từ lòng sâu nặng nỗi biết ơn của người con dành đến người mẹ của mình. Nhà thơ Nguyễn Văn Song đã dung nạp hồn mình vào hồn thơ, uỷ thác nhớ thương lên từng câu chữ, để từ dòng cảm xúc chân thành rạo rực ấy làm nên thi phẩm bất hủ chứa đựng tình cảm thiết tha cho mẹ của mình, mà có lẽ, đó cũng chính là tình cảm mà bất cứ đứa con nào cũng hướng về mẹ hiền yêu dấu.

    Thơ của Nguyễn Văn Song lấy chất liệu từ những điều giản dị mà thân thuộc, sự mộc mạc, chất phác đó đã tạo nên một ấn tượng sâu sắc ở bạn đọc. Giữa nhịp sống hiện đại, vội vàng, những vần thơ chân quê thân thuộc lại chính là yếu tố níu giữ người thưởng thức. Tứ thơ Một đời áo nâu mang giọng điệu thủ thỉ tâm tình, mang tấm lòng thiết tha sâu lắng, chức đựng tình cảm sâu nặng với người mẹ một đời lam lũ, chắt chiu.

    Mọi tài năng nghệ thuật đều bắt nguồn từ tình cảm mạnh mẽ nhất:

    Một đời mẹ mặc áo nâu

    Bao nhiêu tấm cũng một màu đất đai

    Rách lành kể những hôm mai

    Áo như đời mẹ sờn phai mỗi ngày​

    "Áo nâu" vốn là hình ảnh quen thuộc, gần gữi với đời sống con người Việt Nam, là biểu tượng cho sự giản dị, chân quê, cho đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, và hơn nữa còn là biểu hiện cho đời sống vất vả, gian nan. Ta từng bắt gặp hình ảnh "áo nâu" trong thơ Nguyễn Đình Thi:

    "Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn"​

    Sử dụng hình ảnh áo nâu gắn với cuộc đời người mẹ, nhà thơ cũng qua đó thể hiện sự lam lũ của người phụ nữ vì gia đình mà tảo tần hôm sớm. Hình ảnh "một màu đất đai" cho thấy đời mẹ gắn liền cái gian nan chốn thôn quê, quanh ngày quanh tháng "đầu tắt mặt tối", "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Một nhà thơ cũng từng sử dụng hình ảnh "áo nâu" để nhắc tới cuộc đời của mẹ:

    Chiều nay con quên những người

    Chỉ ngồi nhớ mẹ nhớ đời áo nâu​

    Tình cảm là sinh mệnh của thơ ca, tình cảm thiêng liêng đã thôi thúc nhà thơ viết nên những dòng đầy cảm xúc:

    Rách lành kể những hôm mai

    Áo như đời mẹ sờn phai mỗi ngày​

    Hẳn có lẽ, áo mẹ "rách", màu áo "sờn phai mỗi ngày" cũng bởi nhưng gian truân, khó nhọc của cuộc sống mưu sinh. Bao mảnh áo hiếm có khi nào lành lặn bởi:

    Vạt áo mẹ lặn sông sâu

    Mẹ lên nương rẫy áo đâu còn lành.​

    Giữ những trào lưu thơ văn mới của thời kì, những vần thơ ấy tựa như một làn gió quê mát lành, kéo ta về bến đỗ tâm hồn bình yên, tạm lánh xa xô bồ cuộc sống:

    Áo nâu bạc! Áo nâu gầy!

    Áo như thửa ruộng chở đầy nắng mưa

    Lắng nghe sợi vải ngày xưa

    Thấy trong mặn chát đã thừa mồ hôi​

    Phép điệp "Áo nâu" nhấn mạnh tần suất xuất hiện của chiếc áo nâu trong cuộc sống thường ngày của mẹ. Phép nhân hóa áo nâu "bạc, gầy" không đơn thuần chỉ là tạo sự nhịp nhàng cho lười thơ mà còn là biểu thị cho dáng hình của mẹ. Một thân xác gầy còm, phất phơ vì sương gió. Phép so sánh "Áo như thửa ruộng" ngay sau đó là minh chứng rõ ràng cho sự trải bao gian nan, cho tấm áo- tâm thân dạn dày sương gió. Trong mỗi sợi vải, múi khâu đều đã thấm đượm không biết bao nhiêu gian nan mà kể. Rõ thực, câu thơ hay là câu thơ đánh thức bay kí ức đã ngủ quên trong hồn người.

    Nhà thơ thăng hoa trong cảm xúc để dâng cho đời chút dìu dặt, tỏa hương:

    Bao nhiêu nước mắt mẹ rơi

    Áo nâu gói cả những lời xót xa

    Mẹ như sông phía quê nhà

    Dốc lòng đôi vạt phù sa lặng thầm​

    "Áo nâu" dường như không còn chỉ là mảnh vải vô tri quấn quanh thân người, "áo nâu" dường như đã trở thành người bạn tâm giao cùng mẹ trải bao gian khó, chất chứa cả biết bao tâm tình của mẹ. Hình ảnh gợi ta liên tưởng đến câu thơ:

    Mẹ là bếp lửa đêm đông,

    Mẹ là người ở không công suốt đời.​

    Mẹ và vật dụng xưa nay quanh mẹ đều vất vả ngược xuôi, đều chứa đựng lòng yêu bao la không thể nào đong đếm:

    Bởi thương con, mẹ quên thân mẹ

    Hết áo, mẹ liền vội xé khăn​

    Vậy nên tác giả mới đưa ra hình ảnh so sánh:

    Mẹ như sông phía quê nhà

    Dốc lòng đôi vạt phù sa lặng thầm​

    Hình ảnh so sánh mẹ như dòng "sông", "đôi vạt phù sa" cho thấy tấm lòng mẹ bao la rộng mở, không bờ không bến. Những kỷ niệm ấu thơ sống lại trong tâm hồn khiến nhà thơ viết nên những câu đầy xúc cảm. Vậy nên mới nói: Thơ được tạo ra từ cú đại địa chấn được dồn ứ từ những kỷ niệm, có khi là một nỗi nhớ quặn lòng.

    "Tình cảm là sinh mệnh của thơ ca", nhưng trước hết, tình cảm cũng là cội nguồn của thơ ca. Bởi nuối tiếc bóng hình mẹ mà tình cảm càng thêm da diết, nên lời thơ càng thêm khắc khoải:

    Mẹ xa lìa cõi trăm năm

    Con ngồi xếp những nâu trầm mà thương

    Thôi đành nhờ cả khói sương

    Áo nâu ơi hãy theo đường mẹ đi..​

    Một cây bút từng viết: "Khi cả cha và mẹ đều ôm ta và nói rằng sẽ ổn, ta biết đó chưa phải ngày tận thế". Nhưng nay, mẹ đã "xa lìa cõi trăm năm". Bóng mẹ giờ chỉ còn trong tiềm thức. Nhớ mẹ, con chỉ còn cách ngồi xếp manh áo cũ ngày xưa, xếp cả "những nâu trầm" trong ngậm ngùi thương nhớ. Dân gian có phong tục đốt đồ cho người đã mất, với tác giả, việc "hóa đồ" cho mẹ không những là gửi đi một tấm vải quanh thân mà còn là gửi đi nỗi niềm thương nhớ, là mong muốn chặng đường tiếp theo trong "cõi khác" của mẹ được bình an.

    "Ôi tình mẹ thiêng liêng biết mấy

    Trọn cuộc đời con sẽ mãi không quên"​

    Bằng giọng thơ mềm mại, tâm tình, nhà thơ Nguyễn Văn Song không chỉ làm xúc động lòng độc giả bởi tình mẹ bao la và tấm lòng hiếu kính dành cho người mẹ quá cố, mà những vần thơ ấy còn kéo hồn ta về với những tháng ngày quẩn quanh bên chân mẹ, làm lòng ta cũng đột nhiên nhớ và thương mẹ đến khôn cùng. Quả thực "Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ"
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng tám 2024
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...