[Bài Thơ] Nghĩ Cổ Kỳ 9 - Lý Bạch

Thảo luận trong 'Thơ Ca' bắt đầu bởi thaihuyen99, 3 Tháng ba 2023.

  1. thaihuyen99 Mộng Huyền

    Bài viết:
    18
    CHÂN DUNG LÝ BẠCH - KHÁCH CÔ LỮ QUA BÀI THƠ NGHĨ CỔ THỨ CHÍN

    Lý Bạch 李白 (701 - 762), tự Thái Bạch 太白, hiệu Thanh Liên cư sĩ 青蓮居士 là nhà thơ kiệt xuất đời Đường, với tài nghệ thi ca vang dội từ quan trường ra đến dân gian, là một nhà thơ được Đường Minh Hoàng biệt đãi. Có thể nói Lý Bạch sinh ra trên đời để uống rượu và làm thơ, và thiết nghĩ trên đời này khó có ai có tư cách làm hai việc ấy hơn Lý Bạch mà không vướng chút vẻ gì phàm phu tục tử. Ở con người ông hội tụ tố chất, vận số và khí độ vô tiền khoáng hậu để làm một "Thi tiên" trong lịch sử. Bút lực dồi dào, thủ pháp điêu luyện, kiến thức uyên thâm, hình dung kỳ vĩ, ngôn từ tráng lệ cùng với những giai thoại rực rỡ của ông đã góp phần dựng lên một biểu tượng thi nhân hào hoa, khinh khoái của chủ nghĩa lãng mạn mang phong cách Á Đông.

    Lý Bạch là một nhà thơ đạt được sự ngưỡng vọng và ưu ái của giới vua quan. Sau khi phỉ chí ngao du sơn thuỷ, ông lại giã nhà lên kinh ứng thí khi tuổi đã tứ tuần. Dù bị ngoại thích Dương Quốc Trung, hoạn quan Cao Lực Sĩ đánh hỏng song Lý Bạch, nhờ năng lực về thi phú, ca ngâm, văn tự, tính cách phóng khoáng và một cơ hội trời ban mà được tiến cử và được vua Đường Huyền Tông trọng đãi trong hoàng cung. Bị Dương Quốc Trung gièm pha, ông dứt áo ra đi dù nhà vua rất buồn và đã tỏ thịnh tình biệt đãi. Tiếp tục cuộc sống phiêu bạc ung dung, Lý Bạch cũng như nhân dân Trung hoa đương thời chứng kiến sự sa sút của một giai đoạn thịnh trị với sự lộng quyền của bọn bế thần, ngoại thích và cao trào là thảm loạn An - Sử. Lý Bạch cũng gặp tai họa, may được quý nhân cứu giúp. Đến khi vua Đường Đại Tông lên ngôi, quý tài thơ của ông nên cho vời thì Lý Bạch đã quy tiên.

    Lý Bạch là người có tâm hồn bay bổng, hoài bão lớn, tuy viển vông trong thời cuộc nhiều biến động. Không toại chí trên hoạn lộ, cảm thán sự suy tàn của xã tắc, Lý Bạch đã viết nhiều bài thơ để tỏ lòng. Nhóm mười hai bài Nghĩ cổ (Phỏng cổ) được sáng tác vào những thời điểm khác nhau, đời sau xếp vào loại thơ "Cảm ngộ", bày tỏ những tâm tư của thi gia đối với bước đường du lữ gian truân, trước những nhân tình thế thái. Các bài thơ này soạn phỏng theo ý tứ và thể điệu của thi ca Nhạc phủ đời Hán và Cổ thi thập cửu thủ, đây cũng là một đặc điểm trong phong cách sáng tác của Lý Bạch. Mộng Huyền xin giới thiệu bài thứ chín trong Nghĩ cổ thập nhị thủ.

    Nguyên văn

    擬古其九

    生者為過客

    死者為歸人

    天地一逆旅

    同悲萬古塵

    月兔空搗藥

    扶桑已成薪

    白骨寂無言

    青松豈知春

    前後更嘆息

    浮榮何足珍


    Phiên âm

    Nghĩ cổ kỳ cửu


    Sinh giả vi quá khách

    Tử giả vi quy nhân

    Thiên địa nhất nghịch lữ

    Đồng bi vạn cổ trần

    Nguyệt thố không đảo dược

    Phù tang dĩ thành tân

    Bạch cốt tịch vô ngôn

    Thanh tùng khởi tri xuân

    Tiền hậu cánh thán ức

    Phù vinh hà túc trân

    Lời thơ rất súc tích, có những chỗ có thể có nhiều ý nghĩa, nhiều cách hiểu nên ở đây tôi chỉ có thể cố gắng phỏng dịch và bình chú, dựa vào lời dẫn lối của các bậc tiên hiền.

    Dịch nghĩa

    Phỏng cổ, bài thứ chín

    (Người) sống thì làm khách qua (đường)

    (Người) chết thì làm người về

    Trời đất (là) một quán trọ

    Đều buồn vạn cổ trần

    Thỏ trăng hoài công giã thuốc

    Phù tang đã thành củi

    Xương trắng im không nói

    Tùng xanh làm sao biết xuân

    Trước sau càng than thở

    Vinh hoa phù phiếm có gì đầy đủ, quý báu.

    Sau đây tôi phân tích bài thơ trên, với ý định phác họa vài nét chân dung của thi tiên Lý Bạch như một khách cô lữ trong đời (chữ lữ 旅 làm danh từ vừa có nghĩa là quán trọ, vừa có nghĩa là đường đi).

    Hai câu đầu:

    Sinh giả vi quá khách

    Tử giả vi quy nhân


    Tiêu Sĩ Uân đời Nguyên chú rằng đây là theo lời Án Anh trong sách Liệt tử . Trích đoạn ấy như sau: "Cổ nhân lý giải cái chết hay làm sao! Người nhân đức thì nghỉ ngơi, người bất nhân thì phủ phục. Chết, tức là trở lại cái bản tính. Nên mới nói người chết là người trở về, thế thì người sống là người đang đi vậy. Đi mà không biết về, đấy là kẻ (bỏ) mất nhà. Một người mất nhà, người đời chê bai, còn thiên hạ mất nhà, không ai biết chê trách. Có người xa quê quán, rời gia đình, bỏ sản nghiệp, rong ruổi bốn phương, ấy là người thế nào? Người đời ắt chê bai y là kẻ khinh cuồng, phóng đãng. Lại có người sốt sắng thế sự, khoe khoang tài năng, tô vẽ tiếng tăm, khoa trương với đời không thôi, lại là người thế nào? Người đời ắt khen y là kẻ sĩ mưu trí. Cả hai hạng ấy đều sai, nhưng đời khen một hạng, không khen một hạng. Chỉ bậc thánh nhân mới biết khen ai, bỏ ai."

    Lý Bạch tự biết bản thân mang kiếp ruổi rong, khi thì tìm thú vui chơi, lúc lại truy cầu sự nghiệp. Những lời của Án Anh do đó thật là thấm thía với nỗi lòng của thi nhân.

    Người dù đi dù về cũng có chốn gửi thân, trời đất bao la chính là nơi bao dung tất cả. Muôn vàn sinh linh có chung một nơi nương tựa khi còn sống, cùng một chốn gửi thân khi trở về, và cũng chung một nỗi buồn vạn cổ. Những cái chung ấy quán xuyến không gian, thời gian bất tận với biết bao cảnh đời cùng như hạt bụi nhỏ nhoi. Chữ "trần" 塵 là thi nhãn trong câu. Trần tức là bụi, cũng tức là cõi đời bao la, đằng đẵng. Trong bài Đoản ca hành 短歌行, Lý Bạch tả: "Thương khung hạo mang mang, Vạn kiếp thái cực trường" (Trời xanh rộng mênh mông, Vạn kiếp thái cực dài), Dương Tề Hiền đời Tống chú: "Kiếp tức là thế (đời). Nho gọi là thế, Đạo gọi là trần, Phật gọi là kiếp." Thái cực là cái gốc rễ tồn tại trước nhất của vạn vật, còn chưa phân hóa âm dương. Những khái niệm vô định ấy trở nên thống nhất trong hình ảnh một nẻo dung thân, một nỗi buồn đồng cảm:

    Thiên địa nhất nghịch lữ

    Đồng bi vạn cổ trần


    Phân tích như vậy, về căn bản, ta đã hiểu được ý nghĩa của hình ảnh "nghịch lữ" (quán trọ) trong câu thơ. Ngoài ra, hình ảnh này còn có thể mở rộng trên một bình diện khác, thể hiện mối tương hỗ giữa chốn và người, giữa quán với khách. Ở chính câu thơ này, Tiêu Sĩ Uân đã dẫn lời đoạn cuối thiên Trí Bắc du trong sách Trang tử . Ấy là:

    Nào núi rừng! Nào gò bãi! Khiến lòng ta phơi phới vui thay! Nhưng cái vui chưa hết, cái buồn đã nối tiếp. Cái vui hay cái buồn đến, ta không ngăn được, chúng nó đi thì ta cũng chẳng kìm được. Buồn thay! Người đời chính là quán trọ của vạn vật. Nên, biết được cái gặp, không biết cái không gặp, biết được cái có thể, không biết cái không thể biết.

    Lý Bạch cũng từng nhắc đến hình ảnh "nghịch lữ" và "quá khách" trong "Xuân dạ yến đào lý viên tự" :

    Phù thiên địa giả, vạn vật chi nghịch lữ ; quang âm giả, bách đại chi quá khách; nhi phù sinh nhược mộng, vi hoan kỷ hà?

    (Trời đất là quán trọ của vạn vật, thời gian là khách qua đường của trăm đời, mà đời nổi trôi như giấc mộng, vui được bao nhiêu ?)


    Những sự vật kỳ vĩ trong trời đất dường như trở nên vô nghĩa:

    Nguyệt thố không đảo dược

    Phù tang dĩ thành tân


    Hằng Nga hay Thường Nga là một nhân vật thần thoại, được lưu truyền trong dân gian và sách vở, thí dụ như Hoài Nam tử có nhắc đến việc Nghệ xin Tây Vương Mẫu được thuốc trường sinh, Hằng Nga lấy được rồi bay lên cung trăng. Người đời tương truyền Hằng Nga là vợ Hậu Nghệ, trường sinh bất lão mà phải giã biệt chồng. Tiêu Sĩ Uân dẫn Nghĩ Thiên vấn 擬天問 do Phó Huyền 傅玄 đời Tấn viết phỏng theo tác phẩm của Khuất Nguyên: "Nguyệt trung hà hữu? Bạch thố đảo dược" (Trong trăng có gì? Thỏ trắng giã thuốc) . Lý Bạch trong bài Cổ lãng nguyệt hành 古朗月行 viết:

    Bạch thố đảo dược thành

    Vấn ngôn dữ thuỳ xan?


    (Thỏ trắng giã thuốc xong

    Hỏi rằng ăn cùng ai ?)

    Trong bài Bả tửu vấn nguyệt 把酒問月, Lý Bạch lại hỏi :

    Bạch thố đảo dược thu phục xuân

    Thường Nga cô thê dữ thuỳ lân?


    (Thỏ trắng giã thuốc thu lại xuân

    Thường Nga giường chiếc lấy ai cùng)

    Dù có thuốc tiên khiến cho trường sinh bất lão mà không có ai bầu bạn, phải chịu cảnh lẻ loi cô tịch thì cũng như không. Cho nên mới nói "Thỏ trăng hoài công giã thuốc".

    Thiên Hải ngoại Đông kinh 海外東經 trong Sơn hải kinh 山海經 có miêu tả cây Phù tang thần thoại:

    Trên Thang cốc là Phù tang, là chỗ tắm của mười Mặt trời, ở phía Đông nước Hắc xỉ (Răng đen). Trong làn nước, có cây to, chín Mặt trời ở cành dưới, một Mặt trời ở cành trên.

    Bộ Hải nội thập châu ký 海內十洲記 sau đấy tả rõ hơn:

    Phù tang ở trong Bích hải [..] Đất nhiều cây rừng, lá đều như dâu (tang 桑). Lại có cây quả dâu (châm 椹), cao mấy nghìn trượng, chu vi hơn hai nghìn. Cây sống thành từng đôi cùng rễ, nương tựa vào nhau, nên lấy tên Phù tang tiên nhân. Ăn quả nó vào thì cả người phát ánh sáng vàng, bay bổng lên cao. Cây ấy tuy to nhưng quả chỉ tầm quả dâu, quả mầu đỏ, rất hiếm, chín nghìn năm mới mọc, vị vô cùng thơm ngọt.

    Còn trong bài thơ Nghĩ cổ thứ 12 ở đây, biểu tượng vĩ đại, vĩnh hằng, trường cửu còn hơn Mặt trời, đồng thời là biểu tượng lứa đôi tiên lữ, giờ đã hóa thành củi. Trong lòng Lý Bạch, cây phù tang thể hiện điều gì?

    Chúng ta trở lại để xem lại bài Đoản ca hành . Lý Bạch những muốn làm nên một thành tựu bất khả dĩ trong văn chương và thần thoại: Tóm lấy sáu con rồng kéo cỗ xe chở Mặt trời, quay xe treo trên cây Phù tang để trở ngược thời gian về đêm trước, lại lấy sao Bắc đẩu (đẩu nghĩa là gầu múc nước) chuốc rượu cho rồng say, để rồi tháng ngày bất động. Ông làm thế không phải vì phú quý, mà chỉ muốn gìn giữ mãi tuổi thanh xuân (với người) :

    吾欲攬六龍

    迴車挂扶桑

    北斗酌美酒

    勸龍各一觴

    富貴非所願

    與人駐顏光

    Ngô dục lãm lục long

    Hồi xa quải phù tang

    Bắc đẩu chước mỹ tửu

    Khuyến long các nhất tràng

    Phú quý phi sở nguyện

    Dữ nhân trú xuân quang.


    Thế mà giờ đây, phù tang đã thành củi. Khát vọng vĩnh tồn cùng thiên địa nhường chỗ cho nỗi bi ai cô độc bơ vơ không bờ không bến.

    Nhưng gốc phù tang huyền diệu ấy vẫn sẽ còn lại trong tâm khảm nhà thơ như một chốn dừng chân. Trước khi lâm chung, ông viết:

    Đại bằng bay hề, rung tám cõi

    Giữa trời gẫy (cánh) hề, không kham nổi

    Ta cất gió động hề, vạn kiếp

    Đến Phù tang hề, treo tay áo


    (Lâm lộ ca 臨路歌 - Ca lúc lên đường)

    Người đọc bùi ngùi nhớ lại cánh phượng hoàng, đến Khuất Nguyên, Trọng Ni, đến kẻ cuồng nước Sở, biết đâu đã có chốn dừng chân?

    Những hình tượng huyền ảo sánh cùng nhật nguyệt đã mất đi sinh khí. Quay về với thực tế trong cõi tạm, ta thấy những sinh linh trong cảnh hắt hiu, quạnh quẽ tột cùng: Sự lãng quên và cái vô tri:

    Bạch cốt tịch vô ngôn

    Thanh tùng khởi tri xuân


    Xương trắng u tịch không lời là lẽ tự nhiên của cái chết, còn cây tùng xanh đầy sức sống lại chẳng biết đến mùa xuân. Cũng như thỏ trăng giã thuốc, cội tùng tiếp tục sự sống một cách máy móc, mòn mỏi và vô nghĩa bên cạnh di tích trơ trơ trọi trọi của kẻ từng trải một thời sống động đã qua. Nào ai biết giữa cảnh sống và cảnh chết, cái nào mới bền bỉ hơn, cái nào sẽ có ý nghĩa hơn và thoát khỏi nghịch lý tất nhiên - sự mâu thuẫn giữa quy luật bất di bất dịch của tạo hóa với tình cảm vạn cổ của bao người?

    Bài thơ kết thúc bằng sự trở về hẳn thực tại:

    Tiền hậu cánh thán ức

    Phù vinh hà túc trân


    So với sự vô tận của trời đất, của cuộc đời, của sinh tử, với vẻ kỳ vĩ của tinh tú, rồi đến những bước lịch duyệt trên đường qua tháng năm vò võ, người ta chỉ còn có thể than thở mà thôi. Khi tất cả đều mất đi nghĩa lý, khi số kiếp chỉ là hạt bụi giữa bao la thì hư vinh đâu thể nào thỏa mãn được nỗi sầu vạn cổ. Nhưng ai cũng phải truy cầu danh lợi giữa chốn bụi trần, dẫu biết ấy là nguồn cơn của nỗi cô đơn, của niềm sầu muộn. Lớp lớp người trước sau cũng sẽ chung một bầu khát vọng, cùng cám cảnh mất - còn, tiếp nối tiếng thở than giữa bao sóng gió hưng vong cuốn thốc bụi hồng trong cõi sống muôn màu mà lại cũng hư không.

    [​IMG]

    Phân loại bổ chú Lý Thái Bạch thi 分類補註李太白詩, sách do Tiêu Sĩ Uân 蕭士贇 đời Nguyên soạn kế tục Dương Tề Hiền 楊齊賢 đời Tống. Nguồn: Dự án điện tử hóa sách triết học Trung quốc.
     
    nntc6761, ThuyTrangLieuDuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng ba 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...