[Bài Thơ] Nghĩ Cổ Kỳ 10 - Lý Bạch

Thảo luận trong 'Thơ Ca' bắt đầu bởi thaihuyen99, 4 Tháng ba 2023.

  1. thaihuyen99 Mộng Huyền

    Bài viết:
    18
    NGHĨ CỔ KỲ 10 - LÝ BẠCH

    Xin chào các anh chị và các bạn.

    Ngày hôm qua Mộng Huyền đã giới thiệu bài thơ thứ chín trong mười hai bài Nghĩ cổ (Phỏng cổ) của thi tiên Lý Bạch. Chúng ta đã chia sẻ nỗi buồn vạn cổ của người cô lữ giữa cõi hồng trần bao la, trống vắng. Mời các bạn tiếp tục đến với những suy tư về kiếp người hữu hạn trong thế giới kỳ diệu của thiên nhiên cộng hưởng với nội tâm lãng mạn của thi hào qua bài thơ nối tiếp :

    Nguyên văn

    擬古其十
    僊人騎彩鳳
    昨下閬風岑
    海水三清淺
    桃源一見尋
    遺我綠玉杯
    兼之紫瓊琴
    杯以傾美酒
    琴以閑素心
    二物非世有
    何論珠與金
    琴彈松里風
    杯勸天上月
    風月長相知
    世人何倏忽

    Phiên âm

    Nghĩ cổ kỳ thập

    Tiên nhân kỵ thải phượng
    Tạc hạ Lãng phong sầm
    Hải thủy tam thanh thiển
    Đào nguyên nhất kiến tầm
    Di ngã lục ngọc bôi
    Kiêm chi tử quỳnh cầm
    Bôi dĩ khuynh mỹ tửu
    Cầm dĩ nhàn tố tâm
    Nhị
    (1) vật phi thế hữu
    Hà luận châu dữ câm (kim)
    (2)
    Cầm đạn tùng lý phong
    Bôi khuyến thiên thượng nguyệt
    Phong nguyệt trường tương tri
    Thế nhân hà thúc hốt


    Dịch nghĩa

    Phỏng cổ bài thứ mười

    Người tiên cưỡi phượng mầu
    Hôm qua xuống đỉnh Lãng phong
    Nước biển ba lần trong, cạn
    Đào nguyên một lần tìm gặp
    Tặng ta chén (rượu) bằng ngọc mầu lục
    Lại cả cây đàn bằng ngọc "quỳnh" mầu tím
    Chén để rót rượu ngon
    Đàn để yên lòng trong trắng
    Hai vật không có trên đời
    Làm sao bàn với ngọc trai và vàng
    Đàn để gẩy gió trong cây tùng
    Chén để mời trăng trên cao
    Gió, trăng hiểu nhau đã lâu
    Người đời sao mà thoáng chốc


    Hai câu đầu

    Tiên nhân kỵ thải phượng
    Tạc hạ Lãng phong sầm


    gợi nhớ đến hình ảnh chủ thể trữ tình cưỡi phượng hoàng kén vợ trong Ly tao của Khuất Nguyên, mãi vô vọng rong ruổi khắp chân trời góc bể, cũng như bậc thánh hiền mỏi mắt tìm vua sáng :

    Ẩm dư mã ư Hàm trì hề
    Tổng dư bí hồ phù tang
    Chước nhược mộc dĩ phất nhật hề
    Liêu tiêu diêu dĩ tương dương.


    (Cho ngựa uống ở Hàm trì
    Gom dây cương chỗ phù tang
    Bẻ nhược mộc mà phất mặt trời
    Tạm ung dung mà tung tăng)


    Sau đó ông giục phượng bay mải miết, để rồi :

    Triêu ngô tương tế ư Bạch thuỷ hề
    Ðăng Lãng phong nhi tiết mã
    Hốt phản cố dĩ lưu thế hề
    Ai cao khâu chi vô nữ


    (Sáng sớm ta lội qua giòng Bạch thuỷ
    Lên Lãng phong mà ghìm ngựa
    Chợt quay đầu mà chảy nước mắt
    Buồn thay Cao khâu (cố quốc) không có người gái nào (đẹp người đẹp nết))


    Giờ đây, người tiên lại đáp xuống đỉnh Lãng phong. Dương Tề Hiền chú : Thập châu ký (như đã dẫn trong bài trước) nói rằng : dãy Côn luân có ba đỉnh, trong đó có một đỉnh chính hướng Bắc, ngay dưới sao Bắc thần (sao Bắc cực), gọi là đỉnh Lãng phong. Hai câu sau tả rõ hơn về thời gian và địa điểm của cuộc gặp gỡ đầy tính tượng trưng này :

    Hải thủy tam thanh thiển
    Đào nguyên nhất kiến tầm


    Lời chú giải của Dương Tề Hiền nhắc nhở đến hai điển tích. Đào nguyên là nguồn đào trong Đào hoa nguyên ký và cả bài thơ kèm sau đấy của Đào Tiềm đời Tấn tả một xứ sở hạnh phúc yên vui nằm ngoài thế tục. Đáng lưu ý là sự tích nước biển ba lần cạn đi. Tiểu thuyết Thần tiên truyện 神仙傳 có kể rằng Vương Viễn hiệu Phương Bình thấy Thái Kinh có căn cốt, nhưng vì không biết đường tu, bị "khí ít thịt nhiều" mà chưa thể thành tiên, bèn giúp đỡ. Thái Kinh đột nhiên sốt nóng, người gầy như ve, hơn mười năm sau thì Vương Viễn quay lại với bộ dạng trẻ tuổi, tóc đen. Ông thỉnh Ma Cô từ đảo Bồng lai đến để độ Kinh đắc đạo. Lúc đến, Ma Cô bảo Phương Bình : Từ lần gặp trước, đã thấy Đông hải ba lần hoá thành ruộng dâu, trông hướng đảo Bồng lai thấy nước nông hơn ngày xưa.

    Như thế, giữa cõi trần ai vô vọng, Lý Bạch thể hiện lòng ngưỡng vọng, ước ao đối với cốt cách cao khoát của bậc thánh nhân, cũng như đời sống thần tiên, thoát tục. Còn liên luỵ chốn hồng trần, ông vui lòng với món quà thần tiên là chén ngọc và đàn quỳnh mà không vàng châu tục khí nào sánh được. Chữ tố 素 nghĩa gốc là tơ trắng, tơ để làm giây đàn, và mầu trinh bạch của tơ cũng tỏ tấm lòng trong sạch. Tiêu Sĩ Uân lại dẫn lời Đào Tiềm khuyên rằng : Nếu chơi đàn không hay, nên thường gìn giữ tố tâm.

    Quà tiên quý báu như thế thì ở chốn hồng trần, thi nhân dùng tiếp đãi, cộng hưởng với trăng trên cao xa và gió nơi cội tùng trên mặt đất.

    Cầm đạn tùng lý phong
    Bôi khuyến thiên thượng nguyệt


    Thế nhưng, cũng như Khuất Nguyên xưa kia, sau biết bao công cuộc truy cầu người ngoan đành chợt quay đầu rơi lệ, sau khi say sưa với những viễn tượng cao xa trong tháng năm vời vợi, vào phút cuối, Lý Bạch cũng lại đột nhiên nhận ra một nghịch lý nghiệt ngã, sự bất lực hoảng hốt của kiếp người sao mà ngắn ngủi, vụt thoáng còn mau hơn gió trăng kia :

    Phong nguyệt trường tương tri
    Thế nhân hà thúc hốt !


    Người không có. Còn gió trăng có thật hiểu lòng người ?

    Chú thích
    (1) : Các bản sách Phân loại bổ chú Lý Thái Bạch thi cho đến thời Vạn lịch nhà Minh đều chép hoặc in là "Nhất vật phi thế hữu" (Một vật chẳng có trên đời), đến bộ Lý Thái Bạch tập chú trong Khâm định tứ khố toàn thư đời Thanh thì chính thức sửa "nhất" thành "nhị" (Hai vật). Nếu ta chú ý hai chữ "kiêm chi" sẽ thấy "một" có lẽ có ý riêng của nó.
    (2) : Theo phiên thiết Hán ngữ thì 金 phải đọc là "câm" nhưng ở ta quen đọc là "kim". Đọc là "câm" thì hợp vận. Trường hợp này cũng gặp ở bài Xuân vọng của Đỗ Phủ.

    [​IMG]

    Ảnh : Phân loại bổ chú Lý Thái Bạch thi 分類補註李太白詩, sách do Tiêu Sĩ Uân 蕭士贇 đời Nguyên soạn kế tục Dương Tề Hiền 楊齊賢 đời Tống, bản năm Vạn lịch Nhâm dần (1602), có sự tham gia của hai học giả đời Minh là Hứa Tự Xương 許自昌 và Tiết Trọng Ung 薛仲邕. Nguồn: Dự án điện tử hóa sách triết học Trung quốc.

    [​IMG]

    Ảnh : Lý Thái Bạch tập chú 李太白集注 đề năm Càn long thứ 46 (1781). Nguồn: Dự án điện tử hóa sách triết học Trung quốc.
     
    THG Nguyen, nntc6761LieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...