Từ truyện cổ tích Tấm Cám trình bày suy nghĩ về sự đấu tranh giữa cái thiện và ác trong cuộc sống

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi dâu tây vàng, 3 Tháng mười hai 2021.

  1. dâu tây vàng One single thread of gold tied me to you❤️

    Bài viết:
    33
    Bài làm

    Trong cuộc sống của chúng ta luôn tồn tại hai mặt đối lập: Thiện và Ác. Chúng cùng tồn tại và cũng cùng lúc đấu tranh để bài trừ lẫn nhau theo đúng cách kẻ sống người chết. Kết thúc cuối cùng mà bất cứ ai cũng mong muốn đó là cái ác phải bị tiêu diệt và trừng phạt thích đáng, cái tốt luôn được đền đáp xứng đáng, được hưởng hạnh phúc sau cùng. Ta có thể bắt gặp quan niệm ấy nhiều nhất trong những câu truyện cổ tích gối đầu thuở thơ bé, đó là những trang sách đầu đời giáo dục con người về cách sống và đạo lí làm người. Trong đó, câu truyện mà bất cứ đứa trẻ Việt Nam nào cũng biết đó là sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong cổ tích Tấm Cám, góp phần thể hiện được sự phân tranh giữa Thiện và Ác trong đời sống thực tế.

    Câu truyện mở ra với hình ảnh của một cô Tấm đẹp, dịu dàng, chăm chỉ. Cha mẹ mất sớm, cô Tấm sống cùng với dì ghẻ là mẹ con Cám. Hằng ngày, cô Tấm phải làm việc từ sáng sớm đến tối muộn, không lúc nào nghỉ tay, còn Cám thì được ăn trắng mặc trơn, cả ngày rong chơi. Một ngày kia, theo lời dì ghẻ, Tấm và Cám cùng đi bắt tép, ai bắt được nhiều hơn sẽ được thưởng chiếc yếm đào. Cô Tấm bắt được đầy một giỏ nhưng lại bị Cám lừa trút hết giỏ tép rồi cướp mất phần thưởng. Cô Tấm khóc, Bụt hiện lên giúp đỡ, chỉ cho cô con cá bống còn sót lại trong giỏ, bảo Tấm đem về nuôi. Nhưng, Tấm vừa có bạn không được lâu thì lại bị mẹ con Cám lừa đi chăn trâu rồi ở nhà giết mất cá bống. Đến khi làng mở hội, mẹ con Cám không muốn cho Tấm đi bèn trộn thóc lẫn với gạo bắt cô nhặt cho xong thì mới được đi trẩy hội. Cô Tấm lại khóc, Bụt lại hiện lên gọi một đàn chim sẻ xuống nhặt thóc và còn tặng cô Tấm trang phục đi dự hội. Trên đường đi, cô Tấm đánh rơi chiếc giày được nhà vua nhặt được bèn mở hội thử giày. Vua hứa rằng ai đi vừa chiếc giày ấysẽ lập tức lấy làm vợ. Cô Tấm ướm giày thì vừa như in bèn được vua đưa về cung, trở thành hoàng hậu. Nhờ sự giúp đỡ của Bụt, cô Tấm tìm được hạnh phúc, được gả cho nhà vua và trở thành mẫu nghi thiên hạ. Song câu chuyện không kết thúc ở đây mà còn tiếp diễn, khi cô Tấm đã trở thành hoàng hậu thì sự đối lập giữa thiện và ác càng trở nên rõ ràng, nó không còn nằm trong mâu thuẫn của một gia đình phụ quyền mà trở thành sự đối nghịch trong xã hội. Mẹ con Cám không từ âm mưu, thủ đoạn àn ác nhất để giết cho bằng được cô Tấm: Bảo Tấm lên hái cau rồi chặt cây cau khiến cô Tấm ngã chết, giết chim vàng anh, chặt cây xoan đào, đốt khung cửi. Cái ác trong mẹ con Cám được đẩy lên cao, đã từng chiếm lĩnh mạch truyện thế nhưng không giữ nổi thế thượng phong, khi cuối cùng, cô Tấm hóa than và trở về sau mọi dã tâm ác độc ấy. Kết thúc truyện, Tấm đã được hưởng hạnh phúc bên nhà vua, còn mẹ con Cám đã chịu sự trừng phạt thích đáng. Cái kết cuối cùng khiến cho con người ta phải thỏa mãn vì công lý, lẽ phải sẽ luôn giành thắng lợi quyết định. Ta thấy nổi rõ trong câu truyện đó là hai phe đối lập Thiện và Ác. Cô Tấm đại diện cho cái Thiện là người tốt việc tốt, sống không đố kị, ghen ghét, không vì lợi ích của chính mình mà đánh đổi người khác, dù đó là người thân quen hay xa lạ, mọi thứ đạt được đều là xứng đáng. Cái ác thì hoàn toàn ngược lại. Đó là những suy nghĩ đen tối của mẹ con Cám, sống chỉ biết vụ lợi cho bản thân, rắp tâm hại người, không từ thủ đoạn vì mục đích của chính mình. Sự đấu tranh giữa cô Tấm và mẹ con Cám đó là sự đấu tranh của cái thiện và cái ác: Cùng tồn tại và loại bỏ lẫn nhau, quyết đấu tranh đến khi một mất một còn.

    Vậy tại sao lại có cuộc đấu tranh thiện và ác trong xã hội? Đó là bởi lẽ, cuộc đấu tranh ấy kéo dài vô hạn, nó sẽ tạo ra thế cân bằng trong xã hội, mà phần hơn sẽ phải thuộc về cái thiện. Nếu sự tốt đẹp của con người tồn tại trong xã hội chiếm phần cao thì mỗi cá nhân chúng ta sẽ học được cách yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, tạo nên tình đoàn kết, gắn bó giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia. Đó sẽ là "cơ hội trong mơ" để con người phát triển tốt chính mình và đó cũng là xã hội "trong mơ" mà con người ao ước. Ở trong xã hội ấy, quốc gia phát triển, ý thức con người được nâng cao, an ninh quốc phòng được bảo vệ. Ngược lại, nếu cái ác xâm lấn và chiếm ưu thế trong xã hội điều gì sẽ xảy ra? Chúng ta có thể mường tượng được một xã hội rách nát, đi đến tận cùng của cái xấu, con người tệ hại, người tốt còn sót lại sẽ phải sống trong sự nơm nớp lo sợ. Con người sẽ "biến đổi" trở nên xấu xa, đê tiện và độc ác. Và nếu ngày ấy xảy ra cũng đồng nghĩa với sự diệt vong của toàn thế giới. Ta có thể thấy cuộc phân tranh giữa thiện và ác trong xã hội là một quá trình không hồi kết mà mỗi chiến thắng của cá nhân sẽ làm biến đổi sự cân bằng trong quá trình ấy. Như trong cổ tích "Tấm Cám", cô Tấm đại diện cho cái thiện phải trải qua những ngày sống bị chèn ép, bị bắt nạt, phải trải qua sự đau đớn thay da đổi thịt để sống lại và trở về trừng phạt cái ác. Câu truyện thể hiện quan niệm nhân sinh, mơ ước rất đẹp về lẽ công bằng ở đời, về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác: Kết thúc cuối cùng, cái thiện sẽ chiến thắng. Thế nhưng, trong cuộc sống thực, chúng ta đâu có ông Bụt đến giúp, chúng ta cũng đâu thể "chết đi sống lại"? Song, chúng ta có những con người đang âm thầm thay Bụt bảo vệ công lý ấy! Khi xưa, gặp cảnh bất bình trong chốn quan trường, ông Chu Văn An, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông Nguyễn Khuyến và nhiều quan liêm chính khác đều lựa chọn rời bỏ tiền tài danh vọng, trở về quê hương ở ẩn để sống một đời thanh bạch. Cái ác không làm họ lung lay! Đến ngày nay, con người được bảo vệ bởi pháp luật, bởi chính quyền và Nhà nước. Chúng ta có pháp luật bảo vệ, có những chiến sĩ ưu tú nhất, những người công an luôn đặt nhân dân lên hàng đầu, họ làm việc chăm chỉ, bất chấp nguy hiểm, tính mạng của bản thân để bảo vệ cho bình yên của xã hội! Đó là những điều ta cần ngợi khen và tự hào. Bên cạnh đó, cái ác cũng song song tồn tại. Chúng ta có thể thấy, trong thời điểm trước, khi làn sóng thứ ba dịch covid 19 ập tới bất ngờ, cơ quan Nhà nước đã truy vết được những kẻ cho người Trung Quốc vượt biên trái phép vào Việt Nam, nhập cư bất hợp pháp. Họ nhận được một món tiền nhưng trả giá bằng danh dự của bản thân, gia đình và hơn hết là tính mạng của đồng bào. Đó là những hành vi quá sức ác độc mà ta cần phải lên án và nghiêm khắc trừng trị!

    Ta thấy, thiện ác phân tranh, đó là cuộc đối đầu không ngừng nghỉ, không hồi kết. Điều ta cần phải hiểu đó là cái tốt trong cuộc sống cũng do một phần hành động chúng ta tạo thành, bản thân cần phải tin tưởng vào chính nghĩa, cảnh giác với cái ác bởi nó chỉ là một ý niệm với muôn hình vạn trạng, lẩn khuất trong tâm hồn người. Ngay cả trong chính bản thân ta cũng tồn tại hai mặt đối lập này. Điều ta cần làm là rèn luyện tâm tính, đạo đức chính mình, kiểm soát tham vọng của bản thân, không để nó đi quá giới hạn. Ta phải tìm cho mình được hướng đi trong cuộc sống, một mục tiêu, lý tưởng sống rõ rang, không bị nhiễu loạn bởi những suy nghĩ, áp đặt của người khác. Trước tiên để làm được điều đó, ta phải thấu hiểu nội tâm của chính mình, tìm ra giá trị của bản thân trong xã hội, học cách làm chủ ham muốn của mình. Nếu không kìm nổi lòng tham, cái ác bên trong ta thì lý trí sẽ bị lấn át, con người chúng ta sẽ khó có thể điều khiển chính mình. Học cách tự chủ, giữ đúng chừng mực, cũng như không ngừng phấn đấu hoàn thiện chính mình là điều kiện tất yếu để ta trở thành một công dân tốt, một người bảo vệ công lý. Đừng để bản thân bị cái ác trong mình xâm lấn, làm những việc xấu xa không thể thay đổi, khiến chính mình và gia đình phải gánh chịu hậu quả quá lớn. Và sau này, khi ta bước ra xã hội, đối mặt với những phân tranh thiện và ác hãy đừng sợ hãi, lảng tránh mà phải biết đứng lên để bảo vệ cho cái tốt, lên án và phê phán cái xấu bởi chúng ta sẽ luôn được bảo vệ khi ta làm điều đúng đắn!

    Nói tóm lại, câu truyện cổ tích "Tấm Cám" là một trong những câu truyện đẹp đẽ nhất về cái thiện. Khi ta càng trưởng thành thì ý nghĩa trong truyện mỗi khi ngẫm nghĩ lại càng thêm thâm thúy. Sự phân tranh thiện và ác trong bản thân, trong xã hội đều đang diễn ra, là người tốt hay người xấu, là sự phát triển hay thụt lùi, tất cả chỉ trong một suy nghĩ, một hành động của con người. Qua đó, ta biết cách suy nghĩ, cách hành động, hướng mình theo cái tốt, loại bỏ đi cái xấu để bản thân trở thành một phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình!
     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng mười hai 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...