Liên hệ mở rộng tác phẩm "Viếng lăng Bác" - Viễn Phương Danh từ "miền Nam" "Con ở miền Nam ra thăm Bác Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát." Sinh thời, Người luôn dành nhiều tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam. Bác từng nói rằng: "Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi". Lời nói ấy được thể hiện qua những đồ vật quanh chỗ ở của Bác: Cái khăn quàng cổ, cây dừa trong hàng dâm bụt.. Trong những giờ phút cuối đời, một lần qua cơn nguy kịch, Bác muốn được uống một chút nước dừa. Lúc ấy các bác sĩ, giáo sư bày tỏ sự lo lắng cho bệnh tình của Người. Tuy vậy chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một câu khiến ai cũng nghẹn ngào xúc động: "Nhưng mà, dừa của miền Nam mà." Tình cảm sâu đậm ấy đã được ghi lại qua những dòng thơ của các thi nhân, như nhà thơ Tố Hữu đã từng ngậm ngùi: Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà Miền Nam mong Bác nỗi mong cha (Bác ơi - Tố Hữu) Hình ảnh cây tre "Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng" Trước không gian thênh thang của quảng trường Ba Đình rộng lớn mờ sương, ấn tượng đầu tiên của thi nhân là hàng tre sừng sững trước lăng Bác. Cây tre gắn bó với nhân dân Việt Nam từ xưa tới nay như người bạn, người tri kỉ. Trong thời bình, tre tham gia vào đời sống lao động. Đến khi kháng chiến, tre lại xung phong đánh đuổi quân thù. "Tre vốn cùng ta làm ăn, lại vì ta mà cùng ta đánh giặc." (Cây tre Việt Nam-Thép Mới). Tre xuất hiện trong đời sống, gắn liền với con người Việt Nam bởi cây tre chính là hiện thân cho những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta. (Kiên trung, ngay thẳng, bất khuất trước "phong ba bão táp"). Hình ảnh: Mặt trời "Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trên lăng rất đỏ" Hình ảnh so sánh Bác Hồ với mặt trời đã được nhiều nhà thơ liên tưởng, sử dụng. Ta cũng từng bắt gặp hình ảnh đó qua những dòng thơ của Phạm Tiến Duật: "Mặt trời lặn mặt trời mang theo nắng Bác ra đi để ánh sáng cho đời." (Phạm Tiến Duật) Hay nhà thơ Tố Hữu cũng từng tự hào rằng: "Người rực rỡ một mặt trời cách mạng Mà đế quốc là loài dơi hoảng hốt." (Sáng tháng năm - Tố Hữu) Đây là một liên tưởng độc đáo khi so sánh Bác Hồ với mặt trời của thiên nhiên mặt trời là biểu tượng của sự rực rỡ, cái vĩ đại, luôn vĩnh hằng với thời gian không gian. Ánh sáng mặt trời mang lại sự sống cho muôn loài. Còn Bác là ngọn đuốc sáng, soi đường chỉ lối cho nhân dân thoát khỏi cảnh nô lệ để đến với một cuộc đời hạnh phúc, tự do: "Bác sống như trời đất của ta Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa Tự do cho mỗi đời nô lệ Sữa để em thơ, lụa tặng già!" (Bác ơi! - Tố Hữu) Hay: "Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta Ta bỗng lớn ở bên Người một chút" (Sáng tháng năm - Tố Hữu). Hình ảnh trời xanh "Dẫu biết trời xanh là mãi mãi Mà sao nghe nhói ở trong tim." Dù thi nhân vẫn luôn tự nhủ rằng Bác Hồ còn sống mãi trong lòng nhân dân như "bầu trời xanh." Nhưng cuối cùng, tác giả vẫn không thể phủ nhận một sự thật đau lòng: Bác đã ra đi "mãi mãi". Động từ "nhói" cùng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác diễn tả sự đau nghẹn trong sâu thẳm trái tim, đó là nỗi đau không thể nói thành lời. Nỗi đâu ấy cũng là nỗi đau của toàn thể nhân dân Việt Nam: Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa.. (Bác ơi - Tố Hữu)