Liên hệ mở rộng hay nhất Người lái đò Sông Đà

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Hà Linh Linh, 5 Tháng ba 2024.

  1. Hà Linh Linh

    Bài viết:
    8
    NHẬN ĐỊNH

    1. Ðây là một nhà văn "suốt đời đi tìm cái Ðẹp, cái Thật" (Nguyễn Ðình Thi), tự nhận mình là người "sinh ra để thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa".

    2. "Nếu Xuân Diệu xem tình yêu là tôn giáo thì Nguyễn Tuân xem cái đẹp như là tôn giáo của mình." (Gs Trần Đình Sử)

    3. Nguyễn Minh Châu đã từng ngợi ca: "Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ."

    4. Nguyễn Tuân là "một nhà văn mà khi ta gọi là một bậc thầy của ngôn từ, ta không hề thấy ngại miệng, một nhà văn độc đáo vô song mà mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng" (Nhà văn Anh Đức).

    LIÊN HỆ

    1. Đề tài:

    - Vẻ đẹp dòng sông Việt :(Nếu đề bài là hình tượng Sông Đà)

    "Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

    Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

    Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền, vượt thác

    Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi"

    (Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)

    "Trăm dáng sông xuôi ấy" không chỉ đẹp trong tự nhiên mà còn trở thành những dòng sông gợi thương gợi nhớ trong trang văn, trang thơ của biết bao người nghệ sĩ. Đó là dòng Vàm Cỏ Đông trong thơ Hoài Vũ, dòng sông quê hương "xanh biếc" trong thơ Tế Hanh, là "sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh" trong thơ Hoàng Cầm, là dòng Hương giang ôm trọn mối tình với Huế trong "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của HPNT.. Nguyễn Tuân cũng mang đến cho văn đàn một áng văn tuyệt mĩ mà cảm hứng được khơi nguồn từ dòng sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình: Sông Đà .

    - Vẻ đẹp người lao động (Nếu đề là hình tượng người lái đò)

    "Con người! Tiếng ấy thật tuyệt diệu! Tiếng ấy vang lên kiêu hãnh và hùng tráng xiết bao!" (M. Gorki). Cũng trong sự trân trọng và tự hào về con người, văn học Việt Nam thời kì mới đã xây dựng nên hình tượng những con người lao động bình dị mà kiên cường, họ lặng lẽ làm việc và cống hiến cho đất nước những "mùa xuân nho nhỏ". Đó là chị lao công "như sắt như đồng" trong bài thơ "Tiếng chổi tre" của Tố Hữu. Đó là anh thanh niên với quan niệm "khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được" trong "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long.. Và ở chốn xa xôi Tây Bắc, Nguyễn Tuân đã tìm thấy chất vàng mười ở tâm hồn những con người "đã qua thử lửa" qua tùy bút "Người lái đò Sông Đà". Ông lái đò chính là biểu tượng đẹp đẽ của khái niệm "nghệ sĩ" và khái niệm "anh hùng" trong quan niệm của Nguyễn Tuân.

    2. Hoàn cảnh ra đời:

    Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

    Khi lòng ta đã hóa những con tàu

    Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

    Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu

    (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

    Những năm 1958 - 1960, ở nước ta có một cuộc vận động lên Tây Bắc xây dựng kinh tế miền núi. Nguyễn Tuân cũng hòa với tiếng hát say mê, hân hoan của các văn nghệ sĩ lúc bấy giờ, thực hiện một chuyến "xê dịch" gian khổ và hào hứng, để tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên và chất vàng mười ở tâm hồn những con người Tây Bắc. Bài tùy bút "Người lái đò Sông Đà" chính là kết quả của chuyến đi "nên nghĩa" ấy.

    3. Vẻ đẹp trữ tình của dòng sông

    1. Ta chợt nhớ đến hai câu thơ trong "Dục Thúy sơn" của Nguyễn Trãi vào thế kỉ XV, khi vị thi nhân ấy cũng dùng hình ảnh mái tóc để gợi một nét uốn quanh của dòng sông Vân chảy quanh ngọn núi:

    "Bóng tháp hình trâm ngọc

    Gương sông ánh tóc huyền"

    2. Nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường nhìn thấy sông Hương như một đóa hoa phù dung "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím" do sự phản quang của mây trời thì Nguyễn Tuân nhận ra sắc nước Sông Đà đầy biến ảo theo mùa: "Mùa xuân dòng xanh ngọc bích [..] Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ".

    3. Cái "lặng tờ" của Đà giang trong văn Nguyễn Tuân gợi nhắc chúng ta đến nét chấm phá bình lặng, đơn sơ trong thơ cổ mà Hồ Xuân Hương miêu tả tràng giang:

    "Xanh um cổ thụ tròn xoe tán

    Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ."

    4. Nếu như ta từng trân trọng cái "giật mình" thương thân của Thúy Kiều, cái "giật mình" vì hoài nhớ khi nghe "văng vẳng tiếng ếch" của Tú Xương thì ở đây, ta lại nâng niu, cảm mến biết bao cái cảm giác "giật mình" mà Nguyễn Tuân ao ước cho sự đổi thay, phát triển của quê hương. Đó là niềm ước ao về diện mạo được đổi mới của đất nước, giống như Chế Lan Viên đã từng viết:

    "Tàu hãy vỗ dùm ta đôi cánh vội

    Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga"

    Hay như niềm hăng say, phấn khởi mà ta có thể bắt gặp trong thơ Tố Hữu:

    Yêu biết mấy những dòng sông bát ngát

    Giữa đôi bờ dào dạt lúa ngô non

    Yêu biết mấy những con đường ca hát

    Qua công trường mới dựng mái nhà son

    4. Vẻ đẹp hung bạo của sông Đà:

    1. (về vách đá hai bên bờ sông) Nét khắc họa này khiến ta nhớ đến sông Hương trong trang viết của HPNT: "Nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách".

    2. (về cảm giác khi đi qua lòng sông)

    Cách miêu tả đó có lẽ chưa có nhà văn nào ngoài Nguyễn Tuân. Mà nói như nhà giáo Đỗ Kim Hồi, thì cách miêu tả tinh tế, chính xác như vậy không thể có ở "một sức bút bình thường", phải đi nhiều lần, đọc nhiều tài liệu, phải có tài năng và sống hết mình với con sông thì NT mới miêu tả được như thế.

    3. (về tiếng "thở" của lòng sông)

    Đến đây, ta dường như nghe trong cái âm vang của Đà giang dưới ngòi bút Nguyễn Tuân một chút hội ngộ với Homero trong cuốn sử thi "Ô-đi-xê" bất hủ, khi viết về cái hung bạo của chốn eo biển xa xôi nào đó thời cổ đại: "Biển khơi chuyển động, sôi lên như nước trong cái chảo đặt trên một bếp lửa hồng".

    4. (về sức mạnh của hút nước, thác nước)

    Gs Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nhận định: "NT là nhà văn của những cảm giác mạnh"

    5. Cảnh tượng hùng vĩ trên sông Đà là tiêu biểu cho vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc:

    "Đường lên Mường Lễ bao xa

    Trăm bảy mươi thác trăm ba mươi ghềnh"

    3. Liên hệ vẻ đẹp người lái đò:

    - (cảnh vượt thác) :

    Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp trí dũng song toàn của người lái đò thăng hoa trên mặt trận vượt thác, mà thấp thoáng trong sự chủ động, hiên ngang ấy, ta dường như thấy được vẻ đẹp hào hùng của vị Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa thần nhổ tre đánh giặc.

    - Người lái đò là tiêu biểu cho hình ảnh người lao động Tây Bắc và người lao động trên khắp đất nước trong thời kì đổi mới (phần cuối, sau khi phân tích xong).

    Qua hình tượng nhân vật trong tác phẩm có thể hình dung trên các miền đất thiên nhiên hung dữ có hàng nghìn hàng vạn những con người quả cảm và nghệ sỹ như người lái đò nơi dòng sông cuối trời Tây Bắc, họ vẫn luôn hiện diện thầm lặng và chiến đấu trên khắp mọi vùng đất tổ quốc Việt Nam. Đó cũng là những con người đối mặt với thiên nhiên hung dữ, tận dụng sức mạnh thiên nhiên làm lên cuộc sống và tham gia chiến đấu chống kẻ thù ở miền Nam, như Dì Tư béo, Ông lão bán rắn, Phường săn cá sấu trong "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi hay ông Năm Hên trong "Bắt sấu rừng U Minh Hạ" của Sơn Nam.
     
    lương lam lâm thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...