Liên hệ, mở rộng bài Mộ - Chiều tối

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 22 Tháng ba 2023.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    So sánh, liên hệ ngữ liệu trong và ngoài sách giáo khoa khi phân tích, cảm nhận bài thơ Mộ (Chiều tối) – Hồ Chí Minh.

    [​IMG]

    1. Mở bài:

    Mẫu 1:

    Cảnh chiều hôm là 1 thi hứng dạt dào của thơ xưa và đã từng là nơi đi về của bao áng cổ thi. Đây là thời điểm báo hiệu một ngày đã qua hết, nắng tàn, sắc màu phai nhạt, hoa lá lìa cành còn con người cũng tìm chốn nương thân để lại 1 không gian vắng lặng đến xao xác và rung động lòng người. Trong một buổi chiều nơi Quảng Tây – Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã xúc động viết bài thơ về cảnh chiều tối.

    Mẫu 2:

    Sóng Hồng có viết: "Thơ ca là viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời" và có lẽ không chủ ý nhưng Hồ Chí Minh đã đánh rơi một viên ngọc quý "Nhật kí trong tù" vào kho tàng thi ca hiện đại Việt Nam. Và bài thơ "Mộ" – Chiều tối là một trong những thi phẩm tiêu biểu của tập thơ và đã thể hiện vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người, đồng thời còn là tâm hồn của Hồ Chí Minh.

    2. Thân bài:

    2.1 Hai câu đầu


    a. Liên hệ, mở rộng chi tiết cánh chim, tầng mây.

    Đúng như nhan đề của bài thơ, cảnh chiều được vẽ ra bằng những đường nét hết sức quen thuộc trong thơ ca cổ điển:

    "Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

    Tầng mây trôi nhẹ giữa tầng không."

    Bước tranh buổi chiều được mở ra với không gian rộng lớn, thời gian đang chầm chậm trôi và in trên bầu trời là cánh chim mải miết về rừng cùng đôi áng mây trôi lững lờ. Những hình ảnh gợi ta cho người đọc về một buổi chiều êm ả, thanh bình, vắng lặng nhưng rất đỗi nên thơ. Chỉ hai nét vẽ ấy thôi nhà thơ đã bao quát được cả đất trời. Cảnh vật, chim muông, cây cối và bầu trời vừa chân thực, vừa tinh tế và gợi cảm. Đọc hai câu thơ, ta như bắt gặp phảng phất đâu đây hương hồn xưa cũ, bởi người xưa cũng từng vờn vẽ nét chiều với áng mây và cánh chim. Ca dao xưa từng khắc khoải:

    "Chim bay về núi tối rồi

    Chị em toan liệu xách nồi nấu cơm

    Con gà bươi rác, bươi rơm

    Con em chèo chẹo đói cơm tối ngày."

    Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

    "Chim hôm thoi thóp về rừng

    Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành."

    Sau này, Huy Cận cũng viết:

    "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

    Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa."

    Bức tranh chiều tối của Hồ Chí Minh không chỉ còn mang màu sắc cổ điển mà còn mang ý nghĩa hiện đại. Vừa bình dị, vừa chất chứa tâm tư người cầm bút.

    [​IMG]

    b. Liên hệ mở rộng tâm trạng buồn của thiên nhiên và con người.

    Cánh chim ở đây không phải lá cánh chim ước lệ mà là "chim mỏi" rất gần gũi và đời thường. Sau một ngày kiếm ăn vất vả, chim vội vã trở về nơi trú ẩn và cánh chim ấy đang trong sự tuần hoàn bất diệt của đời sống. Dường như Bác không nhìn theo cánh chim bay về rừng với cái nhìn thưởng thức, thẩm mĩ của người nghệ sĩ mà nhiều hơn là đôi mắt lưu luyến, trĩu nặng của một tấm lòng yêu thương, cảm thông đối với những vất vả, gian nao của sự sống. Áng mây ở đây cũng vậy, nó không phải áng mây ước lệ mà là áng mây có tâm trạng, có linh hồn. Thiên nhiên đẹp nhưng buồn bởi nó bị tri phối của quy luật:


    "Cảnh nào cảnh chẳng đep sầu

    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ."

    (Nguyễn Du)

    c. Liên hệ, mở rộng, so sánh bản dịch thơ và phiên âm.

    Đám mây ấy đang cô đơn lẻ loi, bay chầm chậm từ chân trời này sang chân trời khác. Bản dịch của Nam Trân chưa thực sự diễn tả được hết cái hay ở nguyên tác: "Cô vân" – áng mây đơn độc, "mạn mạn" – chầm chậm và uể oải; "độ thiên không" – từ chân trời này đến chân trời khác. Bản dịch thơ tuy trôi chảy nhưng lại làm mất đi nét cô độc, nét uể oải trong nét nghĩa được biểu hiện khi Hồ Chí Minh lựa chọn ngôn từ độc đáo và đúng đắn . Đường đời dài dằng dặc, biết bao giờ mới tới nơi, trời cao và rộng mà mây thì cô độc không nơi nương tựa cũng như tâm thế người tù cách mạng hiện tại. Áng mây có cánh chim bầu bạn còn người tù cách mạng trong tâm thế hiên ngang đang đón nhận những nét giao hòa nơi thiên nhiên đất trời. Đây là bức tranh phong cảnh nhưng cũng là tâm cảnh và tại nơi đây, cảnh và người hòa hợp, cảm thông đến lạ lùng.


    [​IMG]

    (CÒN TIẾP)

    Xem thêm: Liên Hệ, Mở Rộng Bài Tràng Giang
     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng tư 2023
  2. Lagan

    Bài viết:
    635
    2.2 Hai câu sau.

    a. Liên hệ, mở rộng chi tiết "thiếu nữ"


    Nếu hai câu thơ mở đầu là bức tranh thiên nhiên mang phong vị cổ điển thì hai câu cuối của bài thơ lại mang vẻ đẹp sinh hoạt đời thường. Hình ảnh cô gái lao động xóm núi lấp lánh ba nét đẹp đặc sắc. Hai chữ "thiếu nữ" trong nguyên tác được Bác viết rất hay, rất đẹp và mang âm điệu của sự trân trọng, tự hào và đồng cảm hơn hai chữ "cô em" ở bản dịch. Bởi hai chữ "cô em" gợi nét tếu táo, đùa nghịch:


    "Cô em cắt cỏ bên sông

    Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây."

    Còn từ thiếu nữ trong nguyên tác gợi sức trẻ, sức xanh của cái tuổi đôi mươi tràn trề nhựa sống.

    Trong thơ cổ điển cũng xuất hiện thiếu nữ nhưng thường là những thiếu nữ đài các, với trướng rủ màn che:


    "Êm đềm trướng rủ màn che

    Tường đông ong bướm đi về mặc ai"

    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

    Với những nét ứng xử rất đỗi mực thước, lễ nghi của bậc quyền quý:

    "Hà Khê qua đó cũng gần

    Xin theo cùng thiếp đền ân cho chàng

    Gặp đây đương lúc giữa đàng,

    Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không.

    Gẫm câu báo đức thù công,


    Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi."

    (Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu)

    Còn thiếu nữ trong thơ Bác gắn với vẻ đẹp lao động thường nhật "Xay ngô tối". Ánh lửa của lò than nhuốm hồng lên cô gái đang hăng say làm viêc, một vẻ đẹp giản dị, mộc mạc và khỏe khoắn.

    Hình tượng thiếu nữa trong bài thơ còn là một cách tân nghệ thuật của Bác. Bởi thơ xưa khó dung nạp những chi tiết hiện thực sần sùi, con người chỉ làm nền cho thiên nhiên như một chấm buồn của vũ trụ rộng mà ngợp:


    "Lom khom dưới núi tiều vài chú

    Lác đác bên sông chợ mấy nhà."

    (Qua đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan)

    b. Liên hệ mở rộng chi tiết "lò than đã rực hồng"

    Hình ảnh lò than rực hồng đã đẩy bài thơ từ bóng tối đến ánh sáng. Đó là sự vận động cả về thời gian và không gian, tư tưởng tình cảm đến hình tượng nghệ thuật, dùng sáng để nói tối, vẽ mây để nảy trăng. Giáo sư Lê Trí Viễn đã có lời bình về sự vận động trong bài thơ này: "Nguyên tác không nói đến tối, thời gian trôi dần theo cánh chim, áng mây, theo vòng quay của cối xay dừng lại thì lò đã" hồng ", lò đã hồng tức trời đã tối, trời có tối thì lò mới rực lên." Sự hấp dẫn của hai câu thơ này còn ở kết cấu vòng trong "ma bao túc, bao túc ma hoàn" gợi ra guồng quay bất biến, bất tận theo thời gian. Trong bài kí nổi tiếng "Tre Việt Nam", Thép Mới cũng có sự sáng tạo lí thú như vậy:


    "Cối xay tre

    Ngàn đời nay

    Nặng nề quay

    Quay nắm thóc."

    Thép Mới sử dụng vần "ay" thành vòng quay ngàn đời của chiếc cối xay nơi thôn dã và làm bừng sáng lên cả nét đẹp văn hóa một cách ấn tượng và độc đáo. Câu thơ của Hồ Chí Minh cũng sử dụng lối điệp như vậy, thế nhưng lại được kết hợp thêm với chữ "hồng" làm nhãn tự càng làm cho bài thơ thêm giá trị. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết: "Với một chữ hồng, Bác đã làm sáng rực toàn bộ bài thơ, làm mất đi sự mệt mỏi, uể oải, vội vã, nặng nề ở ba câu trước và đã làm sáng rực lên cô em khi xay ngô tối." Với chữ "hồng" đó còn ai còn cảm thấy nặng nề, mệt mỏi mà chỉ thấy đó là tình cảm của Bác. Chữ "hồng" không chỉ diễn tả hơi ấm mà còn diễn tả tình người, mái ấm gia đình. Bởi bữa cơm chiều sum vầy kia chất chứa những niềm vui đầm ấm, thiết tha và giản dị. Phải là một bậc đại nhận thì mới có thể quên đi nỗi đau khổ tột cùng của bản thân để nâng niu, trận trọng chút hạnh phúc bé nhỏ của những gia đình chẳng hề thân thuộc. Thế cho nên mới có ý kiến rằng: "Mộ là những vần thơ quên mình của Hồ Chí Minh."

    Thế nhưng trên đường chuyển lao, Bác đã dừng ở đâu, đã đứng bao lâu để nhìn thấy người phụ nữ đang say ngô với ánh lửa hồng trên bếp. Có lẽ những hình ảnh này chỉ hiện lên trong trí tưởng tượng của Người như một niềm hạnh phúc thấm thía về gia đình. Cái hạnh phúc giản đơn ai ai cũng có nhưng lại thật khó với Hồ Chí Minh và cả những con người đang ngày đêm dấn thân nơi đất khách để tìm cho đất nước một lối thoát mới. Phải chăng, đó còn là một lời khích lệ, động viên đối với chính Hồ Chí Minh và những người làm cách mạng khác: Khi xay xong thì lò than đã đó, cũng như khi bóng tối qua đi thì bình minh sẽ đến, khi khổ đau qua đi ắt sẽ thu được những thành tựu đáng tự hào. Đó là vẻ đẹp, là đại diện cho tinh thần thép, tinh thần quật cường, anh dũng đã trở thành truyền thống của nhân dân ta từ bao đời nay:


    "Đi đường mới biết gian lao

    Núi cao rồi lại núi cao trập trùng


    Núi cao lên đến tận cùng

    Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non."

    (Đi đường – Hồ Chí Minh)


    [​IMG]

    3. Kết bài.

    Mẫu 1:

    "Chiều tối" là bài thơ nhỏ nhưng hé mở một nhân cách lớn, đó là thi phẩm của một tâm hồn luôn rộng mở để cảm thông với bạn vật, vượt lên nỗi bất hạnh của riêng mình để vui lấy cái vui nhỏ nhoi của cộn đồng, của đời thường. Đó chính là chủ nghĩa nhân đạo của Bác, chủ nghĩa nhân đạo đến quên mình:


    "Chỉ muốn quên mình cho hết thảy

    Như dòng sông đỏ nặng phù sa."

    Mẫu 2:

    "Mộ" là bài thơ đẹp, không chỉ ở bức họa trữ tình về cảnh trời mây mà còn đẹp ở một tấm lòng biết yêu thương, biết chua sẻ nâng niu vạn vật đất trời. Bài thơ vẽ cảnh trời chiều nhưng không hề gợi sự lạnh lẽo tối tăm mà kết thúc ở cảnh ấm áp chan chứa tình người. "Chiều tối" - một bài thơ sẽ còn mãi với muôn đời.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...