Đọc hiểu: Chương I - Lời chào, Trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 15 Tháng năm 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề kiểm tra đọc hiểu đoạn trích trong Chương I - Lời chào (Trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm) bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu:

    Nhận biết: Nhận biết được các biểu hiện của thể thơ, từ ngữ, vần, nhịp, đối và các biện pháp nghệ thuật; bố cục, những hình ảnh, chi tiết tiêu biểu; nhân vật trữ tình, chủ thể trữ tình; bối cảnh lịch sử - văn hóa; những biểu hiện trực tiếp của tình cảm, cảm xúc; đề tài của bài thơ..

    Thông hiểu: Phân tích được giá trị biểu đạt, giá trị thẩm mĩ của từ ngữ, vần, nhịp và các biện pháp tu từ; ý nghĩa, giá trị của hình ảnh, chi tiết tiêu biểu; hiểu và lí giải được tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình; nêu được cảm hứng chủ đạo, chủ đề, thông điệp; phát hiện và lí giải các giá trị đạo đức, văn hóa từ bài thơ.

    Vận dụng: Rút ra được bài học về cách nghĩ, cách ứng xử do bài thơ gợi ra; nêu được ý nghĩa hay tác động của tác phẩm đối với tình cảm, quan niệm, cách nghĩ của bản thân trước một vấn đề đặt ra trong đời sống hoặc văn học; Thể hiện thái độ đồng tình hoặc không đồng tình với các vấn đề đặt ra từ bài thơ.

    Vận dụng cao: Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử - văn hóa được thể hiện trong bài thơ để lí giải ý nghĩa, thông điệp của bài thơ; Đánh giá được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua cách nhìn, cách cảm nhận riêng của tác giả về con người, cuộc sống; qua cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu; so sánh được hai văn bản thơ cùng đề tài ở các giai đoạn khác nhau; viết liên hệ với các vấn đề trong thực tiễn.

    Đọc hiểu: Chương I - Lời chào (Trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Đọc đoạn trích:

    Biết ơn những cánh sẻ nâu đã bay đến cánh đồng
    Rút những cọng rơm vàng về kết tổ
    Đã dạy ta với cánh diều thơ nhỏ
    Biết kéo về cả một sắc trời xanh


    Biết ơn mẹ vẫn tính cho con thêm một tuổi sinh thành
    "Tuổi của mụ" con nằm tròn bụng mẹ
    Để con quý yêu tháng ngày tuổi trẻ
    Buổi mở mắt chào đời, phút nhắm mắt ra đi..


    Biết ơn trò chơi tuổi nhỏ mê ly
    "Chuyền chuyền một.." miệng, tay buông bắt
    Ngôn ngữ lung linh, quả chuyền thoăn thoắt
    Nên một đời tiếng Việt mãi ngân nga


    Biết ơn dấu chân bấm mặt đường xa
    Những dấu chân trần, bùn nặng vết
    Ta đi học quen dẫm vào không biết
    Dáng cuộc đời in mãi dáng ta đi..



    (Trích Chương I – Lời chào, Trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm)

    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định: Thể thơ, phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Nhân vật trữ tình trong đoạn trích trên là ai?

    Câu 3. Trong đoạn trích, nhân vật trữ tình thể hiện lòng biết ơn đến những đối tượng nào?

    Câu 4. Phân tích tác dụng của sự kết hợp các biện pháp tu từ: Điệp ngữ, liệt kê được sử dụng trong đoạn trích.

    Câu 5. Đoạn thơ trên bộc lộ cảm xúc gì của nhân vật trữ tình?

    Câu 6. Hình ảnh "dấu chân" trong khổ thơ cuối gợi cho em suy nghĩ vè điều gì?

    Câu 7. Chất suy tư của thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện như thế nào trong đoạn trích trên?

    Câu 8. Suy nghĩ của em về ý nghĩa của việc trân quý những điều bình dị trong cuộc sống con người (viết 7 - 10 dòng)

    Gợi ý trả lời câu hỏi:

    Câu 1.

    - Thể thơ: Tự do (các câu 7, 8 tiếng xen kẽ) ;

    - Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Biểu cảm.

    Câu 2. Nhân vật trữ tình trong đoạn trích trên là "ta" - cái tôi tác giả.

    Câu 3. Trong đoạn trích, nhân vật trữ tình thể hiện lòng biết ơn đến: Những cánh sẻ nâu, mẹ, trò chơi tuổi nhỏ, dấu chân bấm mặt đường xa.

    Câu 4.

    - Điệp ngữ: biết ơn,

    - Liệt kê: cánh sẻ nâu, mẹ, trò chơi tuổi nhỏ, dấu chân

    - Tác dụng của sự kết hợp các biện pháp tu từ:

    + Giúp cụ thể hóa những điều mà nhân vật trữ tình bày tỏ lòng biết ơn;

    + Những điều được nhắc đến đều là những gì bình dị, đời thường, nhỏ bé. Vì vậy, việc sử dụng các biện pháp tu từ nhấn mạnh ý nghĩa lớn lao của những đều nhỏ bé, đời thường mà hàng ngày hay bị chúng ta xem nhẹ hoặc lãng quên: Những điều dù nhỏ bé nhưng đều khiến cho nhà thơ thêm yêu tuổi thơ, yêu những tháng năm tuổi trẻ, yêu tiếng mẹ đẻ và biết ơn thành quả của người đi trước.

    + Nhấn mạnh tình cảm trân quý, biết ơn của tác giả với những điều bình dị trong cuộc sống.

    + Giúp lời thơ tăng sức gợi hình gợi cảm, giàu nhạc điệu.

    Câu 5. Đoạn thơ trên bộc lộ cảm xúc trân quý, biết ơn của tác giả đến mẹ, đến những điều bình dị trong cuộc sống hàng ngày.

    Câu 6. Hình ảnh "dấu chân" trong khổ thơ cuối gợi lên:

    - Những vất vả thầm lặng của con người trong cuộc sống;

    - Đồng thời còn khiến ta suy ngẫm về những giá trị vật chất, tinh thần, những thành quả mà người đi trước để lại cho các thế hệ mai sau.

    - Từ đó, mỗi người cần biết trân quý, biết ơn những gì mà cha ông tạo dựng, xây đắp cho cuộc đời này.

    Câu 7. Đặc điểm thơ Nguyễn Khoa Điềm là giàu chất suy tư, xúc cảm dồn nén, thể hiện tâm tư sâu lắng. Trong đoạn thơ, chất suy tư đó thể hiện ở việc nhà thơ quan sát, suy ngẫm về ý nghĩa của những điều bình thường, giản dị từ cánh sẻ nâu, cách tính tuổi của mẹ, trò chơi chắt chuyền tuổi nhỏ, dấu chân bấm mặt đường. Trong tư duy của tác giả, mỗi sự vật được nói đến đều mang lại điều tốt đẹp cho cuộc sống, cho chính sự trưởng thành của nhà thơ. Nhận thức được điều đó, nhà thơ bày tỏ lòng biết ơn đến những điều bình dị ấy.

    Câu 8. Ý nghĩa của việc trân quý những điều bình dị trong cuộc sống con người:

    Ai đó đã từng nói: "Hạnh phúc chính là trân trọng những người bên cạnh ta, biết hài lòng và thỏa mãn những gì đang có". Như vậy, không phải cứ làm những điều thật lớn lao, con người mới có được hạnh phúc. Nhiều khi hạnh phúc lại đến từ những điều nhỏ bé, giản dị thường ngày. Sáng thức dậy bắt gặp nhành hoa vừa nở, thấy mặt trời lấp lóa rặng cau, hít hà mùi hương tỏa ra từ gian bếp, vòng tay ôm mẹ đang lúi húi dọn đồ.. vậy thôi cũng đủ hạnh phúc. Điều giản dị thực ra có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong đời sống tinh thần con người. Khi biết trân quý những điều bình dị, ta sẽ nhận ra rằng chính những điều ấy mang đến ngọt ngào, yêu thương. Chúng gắn kết ta với mọi vật, mọi người. Chúng làm cho cảm xúc thăng hoa. Chúng khiến tâm hồn dịu êm sau bao lo toan mệt nhọc. Điều giản dị dù có thể không đáng kể nhưng lại có ý nghĩa không hề nhỏ. Biết traan trọng, chắt chiu hạnh phúc từ những điều giản dị, cuộc sống mỗi người sẽ đong đầy niềm vui. Từ đó ta có thêm động lực để sống và làm việc, khiến ta hoàn thiện nhân cách, biết tận hưởng và mang đến niềm vui cho người khác. Hạnh phúc không phải tìm đâu xa, hạnh phúc "vẹn nguyên giữa cuộc đời thường". Vậy nên, hãy trân trọng, nâng niu những điều giản dị trong cuộc sống để hạnh phúc mãi là nhành xuân vươn lộc biếc trong tâm hồn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng mười một 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...