Đề kiểm tra đọc hiểu truyện ngắn Làm tổ - Nam Cao bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu. Các kĩ năng cơ bản đó là: Nhận diện đề tài, chủ đề chính, chủ đề phụ, tư tưởng, giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh, sự kiện, nhân vật, chi tiết quan trọng, không gian, thời gian, người kể chuyện toàn tri, hạn tri, sự thay đổi điểm nhìn.. của các văn bản truyện; so sánh được hai văn bản văn học viết cùng đề tài. Đọc hiểu: Làm tổ - Nam Cao Đọc đoạn trích sau: (Tóm tắt: Sang tháng chín rồi mà vẫn có bão to. Bão tàn phá ruộng vườn, nhà cửa khiến bao người mất trắng. Ai nấy cũng đều xót xa) Nhưng trận bão ít nhất cũng làm cho một người sung sướng. Ấy là Thai cao kều. Không phải Thai là một kẻ dở hơi. Nhưng hắn chỉ có hai bàn tay trắng, những thằng không có của không bao giờ mất của. Vốn xưa kia Thai cũng có vườn. Có ba sào. Chẳng phải của ông cha để lại cho. Ông cha hắn cũng nghèo. Lúc sống cơ nghiệp có bao nhiêu thì lúc chết lại quây gói vào mà mang đi hết. () Ba sào vườn của hắn, nguyên do là của ông lý Biên cho hắn. Hồi ấy hắn làm đầy tớ nhà ông lý. Chính vào hồi kinh tế. Thóc có hào tám, hai hào một thúng. Làm ruộng không đủ tiền trâu bò với tiền nộp thuế. Người ta lũ lượt kéo nhau đi mộ phu, đi lên rừng. Vườn, ruộng ế. Những mảnh tốt còn có người muốn giữ. Những mảnh xấu, chẳng có ai còn thiết. Người ta bỏ thuế. Lý trưởng sợ không có gì mà nộp đậy lại được, mang gán cho bà con thân thuộc, người một mảnh, người vài mảnh. Còn lại mảnh ba sào đất bãi, không ai chịu nhận, ông bèn cho Thai. Cho thì lấy vậy. Dẫu chẳng được lợi lộc gì thì cũng không phải thiệt. Đủ nộp thuế là phần nhất. Không đủ thì cứ ì ra đấy. Hắn là đầy tớ của ông lý, không lẽ ông gϊếŧ hắn? Ngày ấy hắn chưa vợ, chưa con gì. Mấy năm sau, ông lý Biên từ lý trưởng. Người khác lên thay. Thai không thể ăn vườn mà không nộp thuế. Hắn đã toan bỏ phắt, nhưng không bỏ được. Bởi bây giờ hắn đã trót đa mang vào cái cảnh vợ con. Vợ hắn bảo rằng: Cái vườn cũng như một cái xương để gặm dần. Thị nhất định cứ giữ khư khư lấy cái xương ấy, không chịu nhả. Sự co quắp của đàn bà thật là khó chịu nhưng nhiều khi có lý. Bởi vì cái thời mọi cái rẻ như bèo dần dần phải qua đi. Thóc gạo trở lại giá bình thường, rồi quá giá bình thường. Một thùng sắt tây đã có kì lên đồng tám. Gấp mười lần khi trước. Những người ăn đong méo mặt. Ngày nắng còn có thể đong được gạo, ngày mưa, nhiều khi có tiền mà cũng đành phải nhịn. Cầm rá ra hàng gạo, đố ai thấy đầu hàng gạo đâu; người đi đong chen chúc. Hàng gạo vừa bán vừa mắng xa xả, người mua cũng phải lăn lưng vào. Ờ! Bây giờ thì vườn, ruộng sao mà quý thế! Ba sào vườn của Thai bỗng nhiên có giá. Nó đã không còn là xương nữa. Nó là miếng nạc. Biết bao nhiêu anh thèm! Hồi đầu năm, có người trả trăm hai. Rồi có người trả trăm ba. Rồi có người trả trăm tư. Hồi tháng năm vừa rồi, thấy hắn phải chạy tiền nộp thuế, có anh cay mua quá, trả luôn trăm sáu. Đã ghê chưa? Chưa bao giờ hắn tưởng hắn có cả một cơ nghiệp to đến thế. Ngót hai trăm đồng bạc! Vợ hắn vênh mặt lên mà bảo: Đấy chả đòi bán mãi đi! Giá bán rồi thì bây giờ nhìn người ta ăn mà xít xoa. Hắn cười: Người ta đùa đấy chứ ai chịu bán? Có ba sào vườn bán đi thì ở đâu? Úi chào! - Thật chứ!.. Bây giờ cứ trả hai trăm bạc, tôi có bán thì cứ phỉ vào mặt tôi. Có người biết thế. Người ấy dòm ngó cái vườn của Thai lâu lắm. Y biết rằng Thai túng, nghĩa là cái mồi còn có thể giằng ra được. Miễn là phải khéo. Y chờ từng cơ hội. Mà cơ hội thì này đây: Một hôm y thấy Thai đến sòng sóc đĩa. Dấu hiệu này rất tốt. Bởi đến sòng sóc đĩa thì phải đánh. Đánh thì thua hoặc được. Được thì đánh nữa cho đến bao giờ hóa thua. Kết cục thì bao giờ cũng thua. Y chờ lúc đó. Lúc đó đã đến, như lời y đoán. Y cho Thai vay vài chục. Rồi y lại cho Thai vài chục nữa, rồi vài chục nữa. Sau cùng thì y gạ Thai cố vườn. Cố thôi, chứ y không có tiền mua đâu. Không muốn cố thì xoay tiền mà trả y. Y không cho vay thêm nữa. Vay nhiều rồi. Xoay? Nhưng mà xoay ở đâu? Xoay đâu cũng phải lãi mười phân. Thôi thì cố mẹ nó cái vườn cho xong! Thai nghĩ thế, bởi vì hắn đã thua cay lắm. Cần phải gỡ. Dẫu phải bán thân hắn đi để mà gỡ, hắn cũng không ngần ngại. Ấy thế là cái vườn mất. Bởi vì cái vườn bán có đắt khét mới được hai trăm thì người lấy cố lấy luôn cho hắn những trăm hai. Trăm hai, trăm hai, viết là hai trăm cho cẩn thận, do cái lẽ trong văn tự chỉ có thể nói: Lãi y như quốc lệ. Y như quốc lệ nghĩa là đồng bạc, tháng có một xu. Tiền để có mục ra, cũng không cho vay nhẹ lãi như thế. Vậy thì viết tăng lên hai trăm cũng được, nhưng đến lúc chuộc thì cứ số trăm hai tính lãi mười phân mà trả. Người có tiền bỏ ra, bao giờ cũng muốn nắm đằng chuôi như vậy. Được! Được! Muốn thế nào thì thế! Thai cần tiền.. (Trích Làm tổ, Nam Cao) Trả lời câu hỏi: Câu 1. Xác định ngôi kể, điểm nhìn trong truyện. Nêu tác dụng của ngôi kể, điểm nhìn. Câu 2. Truyện viết về tài gì? Kể tên 3 tác phẩm cùng đề tài với "Làm tổ". Câu 3. Nhân vật chính trong truyện là nhân vật nào? Truyện kể về bi kịch gì của nhân vật? Vì sao nhân vật rơi vào bi kịch đó? Câu 4. Khái quát câu chuyện được kể trong văn bản. Câu 5. Xác định không gian, thời gian được miêu tả trong truyện. Câu 6. Nêu chủ đề chính, chủ đề phụ của truyện. Câu 7. Qua "Làm tổ", em hiểu điều gì về giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh từ văn bản. Câu 8. Thông điệp mà em tâm đắc nhất từ câu chuyện trên là gì? Câu 9. Khái quát giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của tác phẩm. Câu 10. Theo em, nhân vật Thai có điểm gì tương đồng với nhân vật Chí Phèo trong truyện cùng tên? Gợi ý trả lời câu hỏi: Câu 1. - Ngôi kể: Thứ ba. - Điểm nhìn (chủ yếu) trong truyện: Điểm nhìn của người kể chuyện - điểm nhìn toàn tri. - Người kể chuyện ở ngôi thứ ba, điểm nhìn toàn tri tạo nên sự trần thuật khách quan từ người đứng bên ngoài để quan sát câu chuyện. Câu 2. - Truyện viết về tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. - 3 tác phẩm cùng đề tài với "Làm tổ" : Chí Phèo, Lão Hạc, Lang Rận (Nam Cao). Câu 3. - Nhân vật chính trong truyện là nhân vật Thai. - Truyện kể về bi kịch bị bần cùng hóa của nhân vật Thai. - Nguyên nhân: Do Thai ham cờ bạc, bị tha hóa khi bất ngờ "lên đời"; mặt khác, do những kẻ tham lam, cơ hội lợi dụng điểm yếu của thai để cướp mảnh vườn khiến Thai rơi vào cảnh bần cùng. Đó là những kẻ đại diện cho thế lực gian xảo, lưu manh, độc ác trong xã hội. Câu 4. Câu chuyện: Truyện ngắn xoay quanh câu chuyện cuộc đời nhân vật Thai. Vốn xuất thân nghèo khó, Thái đi làm cho nhà ông Lí. Thời buổi kinh tế khó khăn, làm ruộng không đủ nộp thuế, người ta bỏ ruộng đi làm nơi khác, Thai được gán cho cái vườn 3 sào. Thời thế thay đổi, khu vườn của Thai trở nên có giá trị, nhiều người nhòm ngó. Thai thua bạc, mượn nợ của người ta và cầm cố mảnh vườn. Cuối cùng Thai mất vườn, đi làm thuê làm mướn. Câu 5. - Không gian: Không gian làng quê nông thôn trước Cách mạng tháng Tám; - Thời gian rộng: Thời gian xã hội xưa (trước Cách mạng tháng Tám) ; Thời gian liên quan đến các sự kiện trong truyện là thời gian linh hoạt: Từ hiện tại (cơn bão đến), trở về quá khứ cuộc đời Thai (từ trước khi lấy vợ, sau khi lấy vợ), rồi quay trở về hiện tại (Thai bị thua bạc phải gán nợ mảnh vườn). Câu 6. - Chủ đề chính: Bi kịch bần cùng hóa của người nông dân trong một xã hội bất công, vô nhân tính. - Chủ đề phụ: Phê phán thói cơ hội, trục lợi của những kẻ gian manh, độc ác trong xã hội cũ; Phê phán sự tha hóa, sa ngã của con người khi hoàn cảnh thay đổi. Câu 7. - Giá trị văn hóa: Từ truyện "Làm tổ", ta thấy hiện lên xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng với nề nếp, lối sống lạc hậu, cổ hủ, nhiều bất công, nhiều kẻ lưu manh, cơ hội, nhiều mảnh đời cơ cực, bị đẩy vào bi kịch bần cùng hóa. - Triết lí nhân sinh: + Không có bản lĩnh trước cám dỗ, con người dễ bị tha hóa, bị lợi dụng; + Trong một xã hội bất công, vô nhân đạo, con người khó thoát khỏi bi kịch bị tha hóa, bần cùng hóa. Câu 8. Thông điệp: Hãy bản lĩnh trước cám dỗ, cần phải có ý chí vượt lên trên nghịch cảnh. Câu 9. - Giá trị hiện thực: +Tái hiện bức tranh xã hội nhiều bất công, đẩy con người vào con đường tha hóa, đánh mất dần nhân cách và sự lương thiện vốn có. +Tái hiện số phận bi kịch của con người nhỏ bé trong xã hội đầy cạm bẫy. - Giá trị nhân đạo: + Đồng cảm với bi kịch của người nông dân trong xã hội cũ. + Phê phán xã hội thiếu nhân tính luôn tìm cách áp bức, bóc lột con người. Câu 10. Nhân vật Thai có điểm tương đồng với nhân vật Chí Phèo: - Cả hai đều là nạn nhân của xã hội bất công, vô nhân đạo. - Cả hai đều rơi vào bi kịch bị tha hóa: Chí Phèo đánh mất nhân tính, Thai sa vào cờ bạc. - Cả hai đều rơi vào bi kịch bần cùng hóa: Nghèo đói, khổ sở về vật chất.
Sao u không đăng trước khi ra bài kiểm tra? Bé sai câu giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh òi. Cái này khó quá.
Hai cô cháu song bút hợp bích tấn công ta. Bài có đăng trước cũng set xu nhé, kiểm tra xong mới mở hehe.