Đọc hiểu: Ngậm ngùi - Huy Cận - Đề tham khảo Ngữ văn THPT chương trình mới

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 6 Tháng mười một 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề kiểm tra đọc hiểu bài thơ "Ngậm ngùi" - Huy Cận bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu:

    Nhận biết: Nhận biết được các biểu hiện của thể thơ, từ ngữ, vần, nhịp, đối và các biện pháp nghệ thuật; bố cục, những hình ảnh, chi tiết tiêu biểu; nhân vật trữ tình, chủ thể trữ tình; bối cảnh lịch sử - văn hóa; những biểu hiện trực tiếp của tình cảm, cảm xúc; đề tài của bài thơ..

    Thông hiểu: Phân tích được giá trị biểu đạt, giá trị thẩm mĩ của từ ngữ, vần, nhịp và các biện pháp tu từ; ý nghĩa, giá trị của hình ảnh, chi tiết tiêu biểu; hiểu và lí giải được tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình; nêu được cảm hứng chủ đạo, chủ đề, thông điệp; phát hiện và lí giải các giá trị đạo đức, văn hóa từ bài thơ.

    Vận dụng: Rút ra được bài học về cách nghĩ, cách ứng xử do bài thơ gợi ra; nêu được ý nghĩa hay tác động của tác phẩm đối với tình cảm, quan niệm, cách nghĩ của bản thân trước một vấn đề đặt ra trong đời sống hoặc văn học; Thể hiện thái độ đồng tình hoặc không đồng tình với các vấn đề đặt ra từ bài thơ.

    Vận dụng cao: Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử - văn hóa được thể hiện trong bài thơ để lí giải ý nghĩa, thông điệp của bài thơ; Đánh giá được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua cách nhìn, cách cảm nhận riêng của tác giả về con người, cuộc sống; qua cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu; so sánh được hai văn bản thơ cùng đề tài ở các giai đoạn khác nhau; viết liên hệ với các vấn đề trong thực tiễn.

    Đọc hiểu: Ngậm ngùi - Huy Cận

    Đọc văn bản sau:

    Nắng chia nửa bãi, chiều rồi..

    Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.

    Sợi buồn con nhện giăng mau,

    Em ơi! Hãy ngủ.. anh hầu quạt đây.

    Lòng anh mở với quạt này,

    Trăm con chim mộng về bay đầu giường.

    Ngủ đi em, mộng bình thường!

    Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ..

    Cây dài bóng xế ngẩn ngơ..

    - Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?

    Tay anh em hãy tựa đầu,

    Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi..

    (Ngậm ngùi, 1940- Lửa thiêng - Huy Cận)

    [​IMG]

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1. Xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính của văn bản.

    Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là ai?

    Câu 3. Em hiểu được điều gì về tâm trạng của nhân vật trữ tình qua nhan đề "Ngậm ngùi"? Tìm 3 từ trong bài thơ bộc lộ cảm xúc của nhân vật trữ tình.

    Câu 4. Nhận xét về cảnh vật được miêu tả trong bài thơ.

    Câu 5. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ:

    Tay anh em hãy tựa đầu,

    Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi..

    Câu 6. Câu thơ: "Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?" cho em hiểu điều gì?

    Câu 7. Nhận xét về giọng điệu của bài thơ.

    Câu 8. Nêu đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ.

    Gợi ý trả lời:

    Câu 1.

    - Thể thơ: Lục bát;

    - Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Biểu cảm.

    Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là "anh" - cái tôi tác giả.

    Câu 3.

    - Nhan đề "Ngậm ngùi" thể hiện tâm trạng đau đớn, xót xa của nhân vật trữ tình.

    - Ba từ trong bài thơ bộc lộ cảm xúc của nhân vật trữ tình: rầu, buồn, thương đau (hoặc: sầu, ngẩn ngơ ).

    Câu 4. Nhận về cảnh vật được miêu tả trong bài thơ.

    - Cảnh vật: Nắng chia nửa bãi, chiều, vườn hoang, lá rầu, cây dài bóng xế.

    - Nhận xét: Cảnh vật tĩnh lặng, quạnh hiu, hoang vắng, gợi buồn.

    Câu 5.

    Tay anh em hãy tựa đầu,

    Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi..

    - Biện pháp tu từ: Ẩn dụ (ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: "Trái sầu" - bình thường "trái" được cảm nhận bằng thị giác, ở đây được cảm nhận bằng tâm trạng)

    - Tác dụng:

    + Làm cho câu thơ tang tính gợi hình, gợi cảm, sinh động, hấp dẫn

    + Giúp cho người đọc cảm nhận rõ rệt hơn về nỗi buồn thương đang diễn ra trong tâm hồn nhân vật trữ tình.

    Câu 6. Câu thơ: "Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?" cho em hiểu:

    - Người con gái trong bài thơ đã từng phải trải qua nhiều đau thương, bi thảm. Tâm hồn cô là cả một khối u buồn.

    - Thể hiện sự trân trọng nâng niu của những tâm hồn đồng điệu khi đến với nhau, sự cảm thông chia sẻ giữa hai linh hồn cùng nặng trĩu đau thương, cùng cô đơn giữa cõi thế.

    Câu 7. Giọng điệu của bài thơ: Buồn, bi ai, sầu não.

    Câu 8. Đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ:

    - Hình ảnh, ngôn từ giản dị, tự nhiên, giàu cảm xúc.

    - Tâm trạng nhân vật trữ tình được miêu tả qua bút pháp tả cảnh ngụ tình.

    - Giọng thơ nghẹn ngào, xót xa, thương cảm.

    - Biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác sử dụng độc đáo mang hiệu quả nghệ thuật cao: lá rầu, sợi buồn, hồn em đã chín, trái sầu..
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng ba 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...