Dẫn chứng liên hệ bài Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 20 Tháng mười 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906

    Dẫn chứng mở rộng bài Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm
    Điểm sáng tạo cho bài văn nghị luận từ lâu được đưa vào khung điểm chính thức của biểu điểm, đáp án các kì thi.

    Sáng tạo trong văn nghị luận thể hiện qua nhiều khía cạnh: Cách dùng từ, đặt câu, cách kiến tạo câu văn, cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật, cách vận dụng kết hợp các thao thác lập luận, cách so sánh, liên hệ mở rộng..

    Vậy làm thế nào để đạt được số điểm sáng tạo, với đoạn nghị luận xã hội là 0.25 điểm và bài nghị luận văn học là 0.5 điểm?

    Tôi xin chia sẻ một cách (trong nhiều cách) để đạt điểm sáng tạo, đó là phải biết vận dụng liên hệ so sánh thêm với những ngữ liệu có liên quan đến tác phẩm nghị luận.

    Chú ý:

    - Khi liên hệ, so sánh, ta phải chỉ ra điểm tương đồng hoặc khác biệt giữa các ngữ liệu để đi đến những nhận xét, khái quát cần thiết.

    - Không nên lạm dụng thao tác này, mỗi bài nghị luận chỉ nên liên hệ, so sánh từ 2 - 3 ngữ liệu.

    [​IMG]

    Liên hệ Đất Nước

    Nguyễn Khoa Điềm

    1. Dẫn chứng liên hệ khái quát: thơ miền Nam chống Mĩ:

    Trường ca "Mặt đường khát vọng" của Nguyễn Khoa Điềm nằm trong số những tác phẩm tiêu biểu của thơ phong trào thơ chống Mĩ. Hàng loạt các tập thơ ra đời đã thể hiện lòng yêu nước sục sôi, tinh thần đấu tranh anh dũng của thế hệ trẻ miền Nam. Thơ của họ là tiếng lòng của những con người nguyện sống chết cho non sông:

    Nếu thơ con bất lực

    Con xin nguyện trọn đời

    Dùng chính trái tim mình làm trái phá

    Sống chết một lần thôi.

    (Trần Quang Long)

    Thơ của họ bừng bừng khí thế hào hùng của tuổi trẻ trong đấu tranh giải phóng quê hương:

    Ta nghe chừng đoàn người ngựa Thăng Long

    Đang phá vỡ trùng vây, đập tan quân cướp nước

    Ta đã thấy vành đai mở rộng

    Thành phố rộn ràng khoác áo tứ thân.

    (Nguyễn Kha)

    Thơ Nguyễn Khoa Điềm nói riêng và thơ chống Mĩ nói chung đã góp phần tạo nên hình ảnh đẹp của thế hệ trẻ miền Nam: yêu nước, sẵn sàng hi sinh, chiến đấu bảo vệ đất nước.

    2. Dẫn chứng liên hệ khái quát: hình ảnh đất nước trong thơ:

    Cảm hứng về đất nước đã trở thành mạch chủ lưu trên dòng sông văn học 1945 – 1975. Cảm hứng ấy mang đậm tính sử thi, được thể hiện trong niềm tự hào sâu xa về đất nước, về truyền thống dân tộc, về lịch sử dựng nước và giữ nước, trong tình yêu quê hương, trong sự yêu mến và gắn bó với mọi nẻo đường xử sở... Đất nước trong thơ Chế Lan Viên là những hình ảnh gần gũi, thân thương:

    Ta đã yêu Việt Nam đẹp, Việt Nam thơ, bát ngát câu kiều, bờ tre, mái rạ.

    Mái đình cong cong như bàn tay em gái giữa đêm chèo.

    Cánh cò Việt Nam trong hơi mát xẩm xoan, cò lả.

    Cái đôn hậu nhân tình trong nét chạm chùa Keo.


    là lịch sử bốn nghìn năm vẻ vang anh dũng:

    Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm

    Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?

    ...Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

    Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn

    Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc

    Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...


    Thơ Trần Đăng Khoa cũng bộc bạch những xúc cảm sâu xa về văn hoá dân tộc khi nhà thơ khắc hoạ hình tượng đất nước qua biểu tượng tiếng đàn bầu :

    Những dây đàn bầu

    Lại rung lên những âm thanh về con người và mặt đất

    Tiếng ân tình mấy ngàn năm trước

    Tiếng đàn bầu, tiếng đàn bầu

    Ngân nga trong đêm trăng

    Giữa hai mùa lúa

    Dây đàn tưởng không bén tay chú nữa

    Mà căng trong không gian

    Tự rung lên ngàn đời sức mạnh Việt Nam.

    (Tiếng đàn bầu và đêm trăng - Trần Đăng Khoa)

    Nằm trong cảm hứng chung ấy, chương thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm đã mang đến những nhận thức sâu sắc và mới mẻ về đất nước với tư tưởng: Đất Nước của Nhân dân.

    3. Dẫn chứng liên hệ khi phân tích 9 câu đầu:

    - Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể

    Không khí cổ tích huyền diệu đã được gợi nhắc đến qua nhịp điệu "ngày xửa ngày xưa". Đó chính là nhịp điệu ngàn đời của thần thoại, cổ tích và nó đã đánh thức trong tâm trí mỗi người không gian riêng của những phép màu thần thoại với đôi hài bảy dặm, với Thánh Gióng vươn vai thành tráng sĩ, với cô Tấm thảo hiền từ quả thị bước ra... Gắn với không khí cổ tích ấy, Đất Nước càng trở nên kì diệu, thiêng liêng.

    - Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

    Từ câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm, ta nhớ đến miếng trầu têm cánh phượng của cô Tấm, nhớ đến một trong những truyện cổ tích xưa nhất của người Việt: "Sự tích trầu cau", nhớ đến câu thành ngữ "Miếng trầu là dầu câu chuyện" và những lời hát dân ca da diết trữ tình: "Ăn một miếng trầu, gặp đây ăn một miếng trầu/ Không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng/ Trầu này trầu tính trầu tình/ Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta"...Miếng trầu vốn là biểu tượng đẹp của nhân duyên tình nghĩa. Lời thơ hàm súc Nguyễn Khoa Điềm gợi lên những nét riêng trong đời sống sinh hoạt, trong phong tục tập quán và bản sắc tâm hồn người dân Việt Nam.

    - Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

    Trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước hiện lên với truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, lời thơ như có sự cộng hưởng của những câu ca dao xưa:

    Thù này ắt hẳn còn lâu

    Trồng tre thành gậy gặp đâu đánh què.

    Suốt chiều dài lịch sử bốn nghìn năm, dân tộc ta luôn luôn phải đương đầu với những thế lực ngoại xâm hung bạo. Trong những cuộc trường chinh không nghỉ ấy, cây tre Việt Nam đã lập nên bao kì tích. Từ truyền thuyết "Thánh Gióng" – khúc ca hào hùng về truyền thống yêu nước yêu nước chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam đã thấy hiển hiện hình bóng cây tre. Chàng trai làng Gióng nhổ tre làm vũ khí đánh tan giặc Ân xâm lược. Trong những cuộc kháng chiến vệ quốc anh hùng, cây tre, đòn gánh tre, chông tre, mũi tên tre ... đã tham dự vào cuộc chiến đấu và lập nên bao chiến công. Lời thơ Nguyễn Khoa Điềm vừa làm hiện lên sống động hình ảnh cây tre trong lịch sử dân tộc chống ngoại xâm, vừa đem lại những nhận thức về đất nước ở phương diện: Đất Nước có trong truyền thống yêu nước đánh giặc ngàn đời của nhân dân ta.

    - Đất Nước còn hiện hữu trong vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam với nghĩa tình chung thủy:

    Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

    Câu thơ được xây dựng bằng các chất liệu của văn hóa, văn học dân gian. Ta như nhận thấy bóng dáng của câu thành ngữ "Gừng cay muối mặn" và những lời ca dao, dân ca đậm chất trữ tình:

    Em ơi chua ngọt đã từng

    Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.

    Và:

    Muối ba năm muối đang còn mặn

    Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

    Đôi ta nghĩa nặng tình dày

    Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.

    Tình nghĩa thủy chung chồng vợ là một trong những bản sắc tâm hồn của những con người đất Việt. Bản sắc ấy góp phần làm nên chân dung tinh thần của Đất Nước. Có lẽ vì thế mà trong những đoạn thơ sau, khi kể tên những danh lam thắng cảnh của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm cũng đề cập đến phương diện này...

    - Đất Nước còn gắn liền với nền nông nghiệp trồng lúa nước từ bao đời và truyền thống lao động của nhân dân:

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

    Hình ảnh hạt gạo gợi nhớ đến sự tảo tần lam lũ của người nông dân đất Việt:

    Cày đồng đang buổi ban trưa,

    Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

    Ai ơi bưng bát cơm đầy,

    Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

    Bạn đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK để like bài, đọc nội dung ẩn nhé!

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Xem tiếp phía dưới...

    Xem thêm:

    Link 1: Dẫn chứng liên hệ bài: Ai đã đặt tên cho dòng sông?

    Link 2: Dẫn chứng liên hệ bài: Người Lái Đò Sông Đà
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng năm 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906

    4. Dẫn chứng liên hệ khi phân tích 4 câu:

    Đất là nơi anh đến trường

    Nước là nơi em tắm


    Đất Nước là nơi ta hò hẹn

    Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
    .

    Đoạn thơ cho thấy cách cảm nhận vừa thấm đượm chất trữ tình thơ ca vừa đậm đà phong vị triết học của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước. Đất nước không hề xa xôi, trừu tượng mà vô cùng thân thuộc gần gũi. Đất Nước ở quanh ta, gắn liền với không gian sinh tồn của mỗi con người: là con đường mỗi ngày anh đến lớp, là dòng sông tắm mát tuổi thơ em, là lũy tre, cánh đồng, cây đa, bến nước, là không gian hò hẹn của tình yêu...

    Đất là nơi anh đến trường

    Nước là nơi em tắm

    Đất Nước là nơi ta hò hẹn

    Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm.

    Điều đặc biệt thú vị là theo quan niệm của nhà thơ, Đất tương ứng với anh, Nước tương ứng với em. Khi anh với em chưa hò hò hẹn thì Đất và Nước đứng riêng. Khi anh với em hò hẹn để thành "ta" thì Đất và Nước cũng kết hợp lại để trở thành "Đất Nước". Từ đây ta có thể hiểu được ý vị triết lí sâu xa của Nguyễn Khoa Điềm: Đất Nước hòa hợp trong tình yêu để từ đó sinh thành, phát triển. Cũng vì thế mà khi em nhớ anh thì đất nước dường như cũng sống trong nỗi nhớ thầm. Chiếc khăn tương tư trong ca dao tình yêu:

    Khăn thương nhớ ai

    Khăn rơi xuống đất

    Khăn thương nhớ ai

    Khăn vắt lên vai

    Khăn thương nhớ ai

    Khăn chùi nước mắt

    đã đem đến cho định nghĩa Đất Nước những nỗi niềm da diết, khắc khoải. Đó cũng là yếu tố làm nên sức mạnh truyền cảm của chương thơ Đất Nước.

    5. Dẫn chứng liên hệ khi phân tích 6 câu:

    Trong anh và em hôm nay

    Đều có một phần Đất Nước

    Khi hai đứa cầm tay

    Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm

    Khi chúng ta cầm tay mọi người

    Đất nước vẹn tròn, to lớn.


    Sự sâu sắc trong cách cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước là ở chỗ, nhà thơ cho rằng, Đất Nước không tồn tại khách thể mà đã hóa thân trong mỗi con người, mỗi cuộc đời. Nhìn nhận đất nước từ mỗi cá nhân là một cách cảm nhận mới mẻ, táo bạo của nhà thơ.

    Đất Nước còn có trong tình yêu của anh và em, trong tình yêu của mỗi lứa đôi:

    Khi hai đứa cầm tay
    Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm.


    Nếu trong mỗi cá thể đều có một phần Đất Nước thì đương nhiên sẽ có cả trong tình yêu của mỗi con người. Nhờ tình yêu, Đất Nước sẽ "hài hòa, nồng thắm", Đất Nước sẽ bền chặt, rực rỡ, đầy sức sống. Đất Nước sẽ lớn lên cùng tình yêu và trong tình yêu của mỗi chúng ta.

    Đất Nước còn là sự gắn bó giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng:

    Khi chúng ta cầm tay mọi người,

    Đất nước vẹn tròn, to lớn.


    Hình ảnh khối đại đoàn kết dân tộc đã được thể hiện một cách sinh động qua câu thơ này. Khi con người hòa nhập vào cộng đồng, biết nối vòng tay lớn thì sẽ tạo nên sức mạnh toàn dân và nhờ đó Đất Nước sẽ trưởng thành vững mạnh.

    Sự gắn bó máu thịt giữa số phận cá nhân với vận mệnh dân tộc là tư tưởng chung của thời đại. Ngay đến chàng thi sĩ Xuân Diệu âu sầu cô đơn như "con nai bị chiều giăng lưới/ Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối" đến thời khắc này cũng phải thốt lên:

    Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi

    Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu

    Tôi sống với cuộc đời chiến đấu

    Của triệu người yêu dấu gian lao.

    6. Dẫn chứng liên hệ khi phân tích 4 câu:

    Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

    Phải biết gắn bó san sẻ

    Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

    Làm nên Đất Nước muôn đời...


    Với giọng điệu tâm tình sâu lắng, thiết tha, như lời nhắn nhủ của anh với em, Nguyễn Khoa Điềm đã khái quát lên nhận thức: Đất Nước là sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa mỗi cá nhân với toàn thể cộng đồng, giữa cái nhỏ bé với cái to lớn, giữa cái gần và cái xa, giữa cái cụ thể, vật chất với cái trừu tượng, tinh thần. Như vậy Đất Nước ở trong ta chứ không phải ở ngoài ta, Đất Nước là máu xương của mình, là sinh mệnh của mỗi cá nhân, là sự sống thiêng liêng đối với mỗi người.

    Từ nhận thức đó, nhà thơ đánh thức trách nhiệm của mỗi người với Đất Nước là phải biết "gắn bó và san sẻ" – nghĩa là phải biết yêu thương, đoàn kết đồng bào, phải có tình hữu ái giai cấp, phải biết góp sức cùng nhau xây dựng và bảo vệ Đất Nước. Biểu hiện sâu sắc nhất của tình yêu Đất Nước là biết "hóa thân cho dáng hình xứ sở" – nghĩa là biết hi sinh cá nhân mình cho đất nước, hi sinh cái riêng cho cái chung để "làm nên Đất Nước muôn đời" như Chế Lan Viên từng viết:

    Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt

    Như mẹ như cha, như vợ như chồng

    Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết

    Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, dòng sông.

    Điệp ngữ "phải biết" vang lên vừa như một lời hiệu triệu, vừa là tiếng nói thúc giục của con tim, tạo nên chất trữ tình chính luận sâu sắc cho lời thơ Nguyễn Khoa Điềm.

    (còn nữa)
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng mười 2021
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906

    7. Dẫn chứng liên hệ khi phân tích đoạn thơ:

    "Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

    [...]

    Những cuộc đời đã hóa núi sông ta."

    7.1. Liên hệ khi trích dẫn cả đoạn thơ:

    Trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước không chỉ được cảm nhận qua chiều dài lịch sử "bốn nghìn năm", qua chiều sâu văn hóa mà còn được cảm nhận qua chiều rộng của không gian địa lí. Nếu như không gian trong "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi là bầu trời, núi rừng, cánh đồng, ngả đường, dòng sông:

    "Trời xanh đây là của chúng ta

    Núi rừng đây là của chúng ta

    Những cánh đồng thơm mát

    Những ngả đường bát ngát

    Những dòng sông đỏ nặng phù sa."

    thì không gian trong "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm lại là những tên núi tên sông gắn với số phận và vẻ đẹp tâm hồn của mỗi người dân đất Việt:

    "Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

    [...]

    Những cuộc đời đã hóa núi sông ta."

    7.2. Liên hệ khi phân tích 2 câu:

    "Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

    Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái."

    [​IMG]

    Nhà thơ đã kể ra, đã liệt kê một loạt kì quan thiên nhiên trải dài trên lãnh thổ từ Bắc vào Nam như muốn phác thảo tấm bản đồ đất nước. Đây là những danh lam thắng cảnh do tạo hóa kiến tạo nên nhưng qua cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm, mỗi ngọn núi, dòng sông kia không phải là những dòng tên vô nghĩa mà gắn liền với số phận và vẻ đẹp của con người. Cách nhìn của tác giả về những thắng cảnh, địa danh trên không gian địa lí đất nước là cách nhìn có chiều sâu và là một phát hiện mới mẻ.

    Hai câu thơ đầu nhắc đến núi Vọng Phu và hòn Trống Mái:

    "Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

    Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái."

    Núi Vọng Phu là ngọn núi có hình người đàn bà bồng con chờ chồng nằm rải rác ở các tỉnh Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bình Định... - hình tượng đầy ám ảnh trong sự tích "Núi Vọng Phu", trong ca dao:

    "Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa,

    Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh..."

    "Bình Ðịnh có núi Vọng Phu,

    Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh..."

    và cả trong thơ Nguyễn Du:

    "Là người? Là đá? Hỏi là ai?

    Đầu núi bao năm đứng giữa trời.

    Bặt mộng mây mưa trong một kiếp,

    Giữ lòng trinh bạch trọn muôn đời."


    lần nữa lại xuất hiện trong "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm. Nhưng nếu thơ xưa, nhắc đến núi Vọng Phu để ca ngợi cảnh trí quê hương, hay để cảm thán về số phận, ngợi ca lòng trinh bạch của người phụ nữ thì Nguyễn Khoa Điềm lại cảm nhận ở một phương diện vô cùng độc đáo, mới mẻ: những núi Vọng Phu nằm rải rác từ Bắc vào Nam chính là sự hóa thân của những người vợ thủy chung, tình nghĩa. Sự hóa thân ấy đã "góp cho" cơ thể Đất Nước biết bao dáng núi đẹp – đẹp không chỉ ở cảnh trí, mà còn đẹp ở bản sắc tâm hồn Việt gửi gắm nơi dáng núi kia. Như vậy, chính tình nghĩa thủy chung, son sắt của biết bao người vợ chờ chồng trong chiến tranh li tán đã góp nên một phần không gian địa lí đất nước.

    Tiếp nối mạch suy tưởng đó, câu thơ tiếp theo:

    "Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái"

    cũng ca ngợi đầy tự hào: chính tình nghĩa vợ chồng sắt son, nồng đậm của biết bao đôi lứa yêu nhau đã tạo tạc nên những hòn Trống Mái. Qua cảm nhận của nhà thơ, mỗi cảnh quan trên cơ thể đất nước đều là sự hóa thân của nhân dân. Nhân dân đã gửi gắm vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của mình vào mỗi hình sông, dáng núi để "góp cho" đất nước những kì quan đẹp. Vậy là những địa danh, thắng cảnh tưởng chừng quá đỗi thân quen lại có khả năng nói lên nhiều điều sâu xa đến thế. Dõi theo trang thơ Đất Nước, ta biết nhìn non nước, sông núi với một cách nhìn khác hơn, nhân văn hơn...

    7.3. Liên hệ khi phân tích 4 câu:

    "Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

    Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

    Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

    Những cuộc đời đã hóa núi sông ta."


    Đoạn thơ có cấu trúc quy nạp, đi từ liệt kê các hiện tượng cụ thể đến khái quát mang tính triết lí sâu sắc. Dường như nhà thơ không thể liệt kê hết những danh lam thắng cảnh, đồng thời cũng là những nét đẹp văn hóa dân tộc nên đã đi đến sự khẳng định:

    "Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

    Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

    Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

    Những cuộc đời đã hóa núi sông ta."

    Bốn câu thơ đã đi đến sự khái quát: trên không gian địa lí đất nước, mỗi địa danh đều là một địa chỉ văn hóa, được tạo tạc nên bởi sự hóa thân của bao cuộc đời, bao tâm hồn con người Việt Nam. Biết bao thế hệ người dân ta từ già, trẻ, trai, gái đều đã ngã xuống, máu của họ tạo thành sông suối, xương của họ tạo lên dáng núi và tâm hồn của họ thành hồn sông núi, hồn xứ sở. Có thể nói, trong Đất Nước đã in bóng hình của nhân dân và trong Nhân dân có bóng hình Đất Nước. Đất Nước và Nhân dân hòa vào nhau tạo nên một đất nước vừa thực vừa thiêng liêng.

    Đây là cách nhìn có chiều sâu, cách nhìn khẳng định vai trò của nhân dân với đất nước: không phải ai khác, mà chính Nhân Dân - những con người bình dị, vô danh đã làm nên Đất Nước. Nếu thời trung đại, nước gắn với vua, và yêu nước là trung với vua thì trong chương thơ này, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định một cách dõng dạc: Đất Nước của Nhân Dân. Tư tưởng ấy đã vang lên bằng tiếng nói nghệ thuật của thơ. Tiếng nói ấy rất độc đáo, trở thành nốt nhạc ngân vang trong bản hòa điệu của thơ ca chống Mĩ. Trong đó có suy nghĩ của Nguyễn Duy trong "Hơi ấm ổ rơm", có suy tư của Thanh Thảo trong "Những người đi tới biển":

    "Và cứ thế nhân dân thường ít nói

    Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời

    Và cứ thế nhân dân cao vòi vọi

    Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời."


    (còn nữa)
     
    nlinh164, Dana Lê, hithennn32 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng mười một 2021
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906
    8. Dẫn chứng liên hệ khi phân tích đoạn thơ:

    Em ơi em

    Hãy nhìn rất xa

    [..]

    Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

    Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại.


    8.1. Liên hệ khi phân tích 4 câu:

    "Họ đã sống và chết

    Giản dị và bình tâm

    Không ai nhớ mặt đặt tên

    Nhưng họ đã làm ra Đất Nước."

    "Họ" chứ không phải những dòng tên cụ thể của các triều đại, các anh hùng. "Họ" là đại từ ngôi thứ ba số nhiều, không mang tính chất xác định. "Họ" trong chương thơ này chính là nhân dân – những con người bình dị và đông đảo.

    Nhà thơ đã đặt "họ" trong sự tiếp nối miên viễn vĩnh hằng của các thế hệ. Thế hệ này "sống" và "chết" đã có thế hệ con cháu tiếp tục sinh ra, lớn lên. Đó là dòng chảy liền mạch của sự sống, không đứt quãng, ngừng ngơi. Các triều đại có thịnh rồi suy, các anh hùng hữu danh chỉ là của một thời đại, nhưng sự sống của nhân dân thì vĩnh cửu. Vì vậy, hai chữ "sống", "chết" đã mang đến những nhận thức sâu sắc vượt ra khỏi nghĩa gốc thông thường.

    Nhân dân vĩ đại vô cùng, mà cũng giản dị vô cùng. Họ giản dị trong cách sống và bình tâm trong cách nghĩ. Họ là những người nông dân: "Cui cút làm ăn, /Toan lo nghèo khó". Họ chỉ quen những "việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy" .. Họ là những chàng lính áo "rách vai", quần "vài mảnh vá", "mặt lấm" nhưng vẫn "cười ha ha". Họ ra đi chiến đấu trong tư thế quyết tâm "đầu không ngoảnh lại", và không ít người đã "gục lên súng mũ bỏ quên đời".. Lịch sử đất nước bốn nghìn năm được viết lên bằng mồ hôi của biết bao con người "cần cù làm lụng", viết lên bằng máu xương của biết bao người nghĩa sĩ "ra đi từ đó không về", và viết lên bằng nước mắt, nỗi đau của biết bao người mẹ già"ngồi khóc trẻ", người vợ yếu "chạy tìm chồng"..

    Họ đều là những người vô danh, "không ai nhớ mặt đặt tên - nhưng họ đã làm ra Đất Nước". Mỗi người trong họ dù cuộc đời ngắn ngủi hữu hạn, dù những đóng góp chỉ là nhỏ bé nhưng đã làm nên sự trường tồn vững bền, làm nên sự lớn lao, vĩ đại của đất nước.

    Như vậy, khi nghĩ về bốn nghìn năm đất nước, nhà thơ đã nhận thức được người làm nên lịch sử không chỉ là những người anh hùng ghi tên sử sách mà còn là những con người vô danh, bình dị. Đọc đoạn thơ, ta liên tưởng đến hai câu thơ của Nguyễn Đình Thi:

    Ôm đất nước những người áo vải

    Đã đứng lên thành những anh hùng.

    Hai nhà thơ gặp gỡ nhau ở quan niệm: Đất nước anh hùng được làm nên từ những con người bình thường mà phi thường, giản dị mộc mạc mà cao cả, kì vĩ.

    8.2. Liên hệ khi phân tích 2 câu:

    "Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng.

    Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi."

    Nước Việt Nam ta là đất nước của nền văn minh lúa nước. Truyền thống ấy đã có từ xa xưa và lưu giữ cho đến tận bây giờ là nhờ ông cha ta đã "giữ và truyền" cho các thế hệ mai sau. Mồ hôi của bao lớp người đã đổ xuống, để "Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương", để chúng ta có "Những cánh đồng thơm mát" . Nhắc đến hạt lúa là nhắc đến phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó của người nông dân. Và ông cha ta giữ hạt lúa cho con cháu mình đâu chỉ à truyền lại sự sống mà còn truyền lại cả phẩm chất đẹp đẽ làm nên vẻ đẹp riêng của văn hóa Việt Nam.

    Cũng như hạt lúa, lửa duy trì sự sống cho con người:

    Hãy cho tôi chút lửa

    Trong ngôi nhà mùa đông

    Để tôi nướng sắn ăn

    Để tôi sưởi ấm

    Để tôi đốt rừng gai đen rậm

    Chống lũ rắn thiêu bầy muỗi độc

    Để tôi soi tỏ mặt người yêu

    Đôi mắt nhiều bóng tối

    Giá buốt cào vầng trán sớm nhăn nheo

    Lửa hãy cho em gương mặt sáng.


    (Lưu Quang Vũ)

    Nhân dân vì thế đã giữ ngọn lửa trong "hòn than, con cúi" để ngọn lửa ấy mãi "ấp iu nồng đượm" nơi chái bếp, mang đến sự sống và ấm áp cho muôn thế hệ người Việt sau này..
     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng mười một 2021
  6. daingan123

    Bài viết:
    1
    Thật hữu ích
     
    Dana Lê, Thùy Minh, ThuyTrang3 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 13 Tháng mười một 2022
  7. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906
    Cảm ơn bạn! Bạn có thể xem thêm các bài liên hệ khác về: Tây Tiến, Sóng, Người lái đò sông Đà, Ai đã đặt tên cho dòng sông.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...