Can qua nghĩa là gì? Dẫn chứng liên hệ trong phân tích ca dao và Truyện Kiều

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi nntc6761, 19 Tháng mười một 2022.

  1. nntc6761 ~~~Cập nhật link bài mới ở trên tường ạ~~

    Bài viết:
    2,167
    Can qua nghĩa là gì?

    "Can qua" là một từ Hán Việt, được ghép bởi hai chữ: "Can" là cái khiên được chế tạo bằng gỗ, da hoặc mây; "qua" là cây giáo, lưỡi mác, là binh khí có hình dạng gần giống như rìu nhưng có đầu nhọn hơn. Cả khiên và giáo đều là vũ khí dùng trong chiến tranh nên "can qua" nói chung là từ dùng để nói đến binh khí. Về sau, nghĩa của từ được mở rộng để chỉ chiến tranh, xung đột, hỗn loạn.

    [​IMG]

    Dẫn chứng liên hệ trong phân tích ca dao

    Con vua thì lại làm vua

    Con sãi ở chùa thì quét lá đa

    Bao giờ dân nổi can qua

    Con vua thất thế lại ra quét chùa

    Nếu Nho giáo chủ trương quyền lực tuyệt đối của nhà vua và đặt tư tưởng trung thành với vua lên hàng đầu, thì ca dao tục ngữ Việt Nam lại đề cao chính nghĩa trên tinh thần cách mạng. Đó là tư tưởng nhân văn, tiến bộ của dân tộc ta, thể hiện niềm khao khát, ước mơ chính đáng của nhân dân về một xã hội nhân đạo, dân chủ, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. "Can qua" ở đây có thể hiểu là kháng chiến, "dân nổi can qua" là nổi dậy chính nghĩa.

    Người dân trong xã hội cũ phải chịu đựng sự áp bức nặng nề. Ca dao than thân được lưu truyền ở tầng lớp người dân lao động trong khi họ khổ, họ than nhưng không bao giờ thiếu sự tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn.

    Dẫn chứng liên hệ trong phân tích Truyện Kiều - nhân vật Kim Trọng

    Rắp mong treo ấn từ quan

    Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha

    Dấn mình trong áng can qua

    Vào sinh ra tử họa là thấy nhau

    Mười lăm năm Kiều lưu lạc, Kim Trọng chưa bao giờ ngừng nghĩ tới Kiều. Kim Trọng đã vượt qua khuôn phép của chế độ trong xã hội phong kiến: Lý tưởng mà Kim Trọng tôn thờ không phải là Nho giáo đặt chữ "trung" lên hàng đầu mà là đau đáu ước mong trọn tình trọn nghĩa với người yêu, là lý tưởng rất nhân văn, nhân đạo.

    Trái tim nhân hậu của Nguyễn Du đã đồng cảm sâu sắc với mối tình đầu tan vỡ của Kim Trọng - Thúy Kiều, nên nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật vô cùng đặc sắc, thi pháp vô cùng tinh tế. Thúy Kiều và Kim Trọng là hai nhân vật chống lại hủ tục phong kiến với tình yêu đẹp. Tình yêu ấy, những đức tính cao đẹp ấy, cũng chính là ước mơ giải thoát, phẩm chất cao quý của người dân lao động; dù rằng để đổi lấy ước mơ đó là phải "Dấn mình trong áng can qua", chấp nhận đưa bản thân vào thế khó khăn, xung đột, loạn lạc, khổ nạn, cũng cam lòng.

    Kim Trọng vật vã và thương tiếc trong đau đớn, luôn nghĩ đến Thúy Kiều trong cả mười lăm năm dù đã ở bên Thúy Vân theo lời trao duyên của Kiều với Vân, có thể nhận thấy một tấm chân tình của Kim Trọng dành cho Thúy Kiều. Nhưng rồi tấm tình chỉ dừng lại ở đó. Quyết định dày công tìm Kiều là điều ta không thấy tác giả nói đến ở Kim Trọng. Nó luôn là ý định, và ý định có thể cảm động, nhưng nó chỉ nằm đó, không chịu phát triển, không tự hoàn thiện, ý định của Kim Trọng có xu hướng đầu hàng trước những thách thức mà thực tế đặt ra:

    Nghĩ điều trời thẳm vực sâu

    Bóng chim tăm cá biết đâu mà nhìn

    Kim Trọng đã nghĩ rằng sẽ chấp nhận cả "can qua", cả "vào sinh ra tử", nhưng "trời thẳm vực sâu" khiến Kim Trọng không thực hiện ý định của mình. "Can qua" của Kim Trọng phải chăng đã quá giản đơn rồi? Phải chăng chính bởi vì "nền phú hậu", "văn chương nết đất", "Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa" mà Kim Trọng trở nên bị động với thực tế? "Áng can qua" với Kim Trọng chắc hẳn không đạt tới được tinh thần "nổi can qua" của tầng lớp dân nghèo.

    Nếu so sánh Kim Trọng với Từ Hải thì sự thành công của cuộc truy lùng một cô gái so với sự thành công của lời hứa mang mười vạn quân về đón nàng, cái nào khó hơn cái nào? Quan trọng là Từ Hải thực sự làm, mà Kim Trọng chỉ định làm thôi! Kim Trọng có tấm chân tình nhưng không thể hiện được mình là một người đàn ông dám yêu, dám hành động.
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng tư 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...