Tự thuật 9 Ở thế nhiều phen thấy khóc cười, Năm nay tuổi đã ngoại tư mươi. Lòng người một sự yêm chưng một, Đèn khách mười thu lạnh hết mười. Phượng những tiếc cao diều hãy liệng, Hoa thì hay héo cỏ thường tươi. Ai ai đều có hai con mắt, Xanh bạc dầu chưng mặt chúng ngươi. Cước chú: ở thế: ở trên đời phen: lần, chuyện ngoại tư mươi: ngoài bốn mươi tuổi yêm: (yếm) chán, ngán. một sự yêm chưng một: mỗi việc (nhìn thấy) đều đáng chán, ghét khách: đại từ phiếm chỉ, trỏ người nào đó (nhiều khi trỏ chính tác giả) phượng: điểu vương trong truyền thuyết cổ, chim đực là phượng, chim mái là hoàng. diều: diều hâu ai ai: người người. xanh bạc: dịch chữ thanh bạch nhãn, là cách nói gộp của thanh nhãn(trọng thị) và bạch nhãn (khinh thị). Bình thường nhìn thẳng thì mắt thấy con ngươi đen, không thèm nhìn mà ngó lên trời thì chỉ thấy lòng trắng, cho nên nói gộp là thanh bạch nhãn. Sách Tấn Bách Quan Danh viết: "Kê Hỉ tự là Công Mục, trải chức dương châu thứ sử, anh của Kê Khang. Khi nhà Nguyễn Tịch có việc hiếu, hỉ đến điếu. Tịch vốn có thể làm mắt xanh mắt trắng, khi gặp kẻ phàm tục thì nhìn bằng lòng trắng. Khi hỉ đến viếng, tịch không thèm khóc, nhìn hỉ mắt trắng dã, hỉ chán mà bỏ về. Khang nghe thấy chuyện ấy bèn cắp rượu ôm đàn đến chơi, rồi cùng nhau say khướt." dầu chưng: dịch chữ tuỳ ư (tùy ở) mặt chúng ngươi: mặt các ngươi, mặt các người
Tự thuật 10 Danh chăng chác, lộc chăng cầu, Được ắt chẳng mừng, trật chẳng âu. Có nước nhiễu song, non nhiễu cửa, Còn thơ đầy túi, rượu đầy bầu. Người tri âm ít, cầm nên lặng, Lòng hiếu sinh nhiều, cá ngại câu. Mấy kẻ công danh nhàn lững đững, Mồ hoang cỏ lục thấy ai đâu. Cước chú: Câu 1, 2: danh không thể đổi, lộc không thể cầu, (nên) được không mừng, mất không lo nhiễu: vây quanh, song: song cửa người tri âm: người có thể nghe mà hiểu tiếng đàn; cầm: đàn; cầm nên lặng: tiếng đàn (cây đàn) trở nên lặng im, lặng lẽ lòng hiếu sinh: lòng quý trọng sinh mạng của các sinh linh lững đững: "dùng dằng nấn ná"; 2 câu cuối có nghĩa: mấy kẻ công danh thôi đừng nấn ná dùng dằng ở chốn quan trường làm gì nữa; "mấy kẻ công danh quen thói nấn ná ở chốn cửa quyền kia. [rồi mai kia cũng chỉ còn lại] một nấm mồ hoang xanh cỏ, có ai còn biết là ai nữa đâu".
Tự thuật 11 Hoạn nạn nhiều thu tổn khí hào, Lâm tuyền chưa khứng dứt chiêm bao. Nước càng tuôn đến bể càng cả, Đất một chồng thêm núi một cao. Sự thế chưng ta dầu đạm bạc, Hiên mai đeo nguyệt quản tiêu hao. Vũ truyền thiên hạ Nhan Uyên ngặt, Đổi đất xong thì có khác nao. Cước chú: khí hào: hào khí lâm tuyền: rừng và suối, nơi ở ẩn. khứng (khẳng): có thể, biểu thị sự đồng ý, thuận ứng, vui lòng, sẵn lòng làm gì. sự thế: việc đời chưng: đối với quản: mặc kệ tiêu hao: hao tổn và mất mát. Vũ: tức Tỉ Văn Mệnh, con của cổn thường được gọi là đại Vũ (2205 - 2198 tcn), vị vua đầu tiên của nhà Hạ trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đầu tiên xác lập chế độ cha truyền con nối, có công trong việc trị thuỷ. Nhan Uyên: Nhan Hồi (521 - 481 tcn), họ nhan, tên hồi, tự là Tử Uyên, nên cũng gọi là Nhan Uyên, là con của ông nhan do, người nước Lỗ. Nhan Hồi theo học với đức Khổng Tử, kém Khổng Tử 30 tuổi, thiên tư thông minh, nhanh nhẹn, hiếu học, chuộng lễ, làm việc gì cũng không lầm lỗi đến hai lần, truyền: trao cho
Tức sự 1 Chạnh yên hà, chái một gian đình, Quét đất thiêu hương giảng ngũ canh. Chim đỗ tổ dìn còn biết mặt, Hoa nen rừng thấy hoà hay danh. Đai lân bùa hổ lòng chăng ước, Bến trúc đường thông cảnh cực thanh. Có khuở giang lâu ngày đã tối, Thuyền hoà còn dỏi tiếng tranh tranh. Cước chú: chạnh: <từ cổ> rung động, vui thích, "chạnh: cảm động. chạnh nhớ: cảm nhớ. chạnh lòng: động lòng. chái: dùng tre củi dựng nơi ở xuềnh xoàng (nơi ấy gọi là cái chái). giảng: đem sách vở nghĩa lý ra dạy cho học trò dìn: nhìn nen: ken dày, mọc đặc hòa: cả, tất cả, thảy hay danh: biết tên đai lân: loại đai của các quan có thêu hình con lân. bùa hổ nghĩa là binh phù hình con hổ do tướng soái giữ để điều binh, trỏ tướng võ, rộng hơn nữa trỏ quyền lực. chăng: chẳng khuở: thuở giang: sông; lâu: lầu cao hòa: cả, tất cả, thảy dỏi: vang, kêu tranh tranh: đanh đanh, chan chát, (tiếng mái chèo đập vào mạn thuyền, dùng để xua cá hoặc để làm nhịp hát)
Tức sự 2 Lấy biêu phú quý đổi biêu hèn, Có kẻ thì chê có kẻ khen. Chốn ở, chái căn lều lá, Mùa qua, chằm bức áo sen. Hoa còn để rụng lem đất, Cửa một dường cài sệt then. Ai thấy rằng cười là thế thái, Ghê thay biến bạc làm đen. Cước chú: biêu: cái, sự chái: nhà, lều dựng lên một cách tạm bợ, thô sơ chằm: xâu, khâu các lớp mỏng lại với nhau cho dày dặn; chằm: may kết bằng chỉ to, bằng kim đục. lem đất: lấm đất sệt then: (then cái cửa) trệt, kéo lết trên mặt đất thế thái: thói đời biến bạc làm đen: đổi trắng thay đen
Tức sự 3 Thư trai vắng vẻ cảnh ngày trường, Một quyển Hy Kinh một triện hương. Léo chân nằm vườn Độc Lạc, Chặm lều ở đất Nam Dương. Hoa chăng thay rụng, bày chi phấn, Thông sá bù trì, mộng cột rường. Mựa trách thế gian lòng đạm bạc, Thế gian đạm bạc đấy lòng thường. Cước chú: thư trai: phòng sách Hy Kinh: kinh do Phục Hy soạn, trỏ Kinh Dịch, hay Hy Dịch. triện hương: là nấu sắt thành khuôn, chạm khắc nét chữ triện, nén mạt hương theo nét chữ, đốt lửa ở nét đầu của chữ triện, khiến cho hương cứ theo nét chữ mà cháy. Độc Lạc: vườn Độc Lạc của Tư Mã Quang (còn gọi Tư Mã Ôn công) nhà sử học lỗi lạc đời Tống. Theo Lạc Dương danh viên ký thì trong khu vườn này của ông có một phòng đọc sách chứa đến hơn vạn cuốn. chặm: kết, đan Nam Dương: địa danh ở tỉnh hồ bắc, Trung Quốc ngày nay, là nơi Khổng minh Gia Cát Lượng dựng lều ở ẩn. chăng: chẳng; bày: phô ra; chi phấn: son phấn. chi: mỡ, phấn: bột. chi phấn: đồ trang điểm của phụ nữ, sau trỏ những thứ đẹp đẽ. sá: nên; bù trì: chăm sóc mựa: chớ
Tức sự 4 Tráu sưa sưa hai cụm trúc, Chường tấp tấp một nồi hương. Vượn chim kết bạn nước non quạnh, Cầm sách cùng nhau ngày tháng trường. Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh, Áo bô quen cật vận xênh xang. Bốn dân, nghiệp có cao cùng thấp, Đều hết làm tôi thánh thượng hoàng. Cước chú: tráu: bờ dậu, rào giậu bằng tre nứa sưa sưa: sơ sơ, lưa thưa chường: bàn thờ quạnh: vắng vẻ trường: dài hài cỏ: hài (dép) kết bằng cỏ áo bô: áo may bằng vài thô cật: lưng bốn dân: bốn loại cư dân theo quan niệm thời xưa, dịch chữ tứ dân, gồm: sĩ , nông , công , thương đều hết: tất cả đều làm tôi: làm bề tôi
自戒 Tự giới Làm người thì chử đạo Trung Dung, Khắn khắn răn dỗ thửa lòng. Hết kính hết thìn bề tiến thoái, Mựa tham mựa dại nết anh hùng. Hùm oai muông mạnh còn nằm cũi, Khiếu hót chim khôn phải ở lồng. Nén lấy hung hăng bề huyết khí, Tai nàn chẳng phải, lại thung dung. Cước chú: chử: sống theo đạo lý nào đó. "chử: sửa mình, hối hận". Trung Dung: Trung Dung ghi: "Vui, giận, buồn , mừng khi chưa phát ra thì gọi là trung, phát ra rồi mà đúng dịp thì gọi là hoà. Trung ấy là nguồn gốc lớn của trời đất; hoà ấy là sự đạt đạo của thiên hạ. Đến cựng cực của trung hoà thì muôn vật được đúng ngôi vị của nó, mà vạn vật được nuôi dưỡng." khắn khắn: khẩn khẩn răn dỗ: răn dạy thửa: đứng trước danh từ (thửa lòng: tấc lòng, tấm lòng) kính, thìn: kính trọng, gìn giữ bề tiến thoái: việc tiến và lui, chỉ việc xuất và xử, hành và tàng, ra làm quan hay về ở ẩn. mựa: chớ muông mạnh: thú dữ nén: ghìm lại, kìm lại tai nàn: tai nạn
Bảo kính cảnh giới 1 Đạo đức hiền lành được mọi phương, Tự nhiên cả muốn chúng suy nhường. Lợi tham hết lấy nhiều thì cạnh, Nghĩa phải đam cho ít chẳng phường. Sự thế sá phòng khi được trật, Lòng người tua đoán khuở mừng thương. "Chẳng nhàn" xưa chép lời truyền bảo, Khiến chử cho qua một đạo thường. Cước chú: chúng: mọi người, trong quần chúng cả muốn: rất muốn (rất, ở mức độ cao) suy nhường: suy tôn và kính nhường; cạnh: tranh, ganh đua đam: đem phường: phương, <từ cổ> phương hại, trở ngại. sá: đâu có phòng: dự tính trước mà chuẩn bị cách ứng phó. được trật: được mất tua: nên đoán: nhận định, xử đoán, phán đoán khiến: sai bảo chử: sống theo đạo lý nào đó qua: bỏ qua, vuột đi mất
Bảo kính cảnh giới 2 Bền đạo trung dung chẳng khuở tàng, Màng chi phú quý nhọc khoe khoang. Đông về tuyết muộn mai nhiều bạc, Thu nẻo tin truyền cúc có vàng. Kết bạn mựa quên người cố cựu, Yên nhà nỡ phụ vợ tao khang. Nước đào giếng, cơm cày ruộng, Thảy thảy dường bằng nguyệt cửu giang. Cước chú: Trung Dung: Trung Dung ghi: "Vui, giận, buồn , mừng khi chưa phát ra thì gọi là trung, phát ra rồi mà đúng dịp thì gọi là hoà. Trung ấy là nguồn gốc lớn của trời đất; hoà ấy là sự đạt đạo của thiên hạ. Đến cựng cực của trung hoà thì muôn vật được đúng ngôi vị của nó, mà vạn vật được nuôi dưỡng." tàng: che lấp, che khuất. chẳng khuở tàng: chẳng bao giờ bị che lấp; ý nói: đạo lí tốt đẹp không bao giờ bị che khuất nhọc: nhọc nhằn, mỏi mệt khoe khoang: khoe mẽ bạc: Việt hoá của bạch (trắng) nẻo: khi, lúc tin truyền: tin tức truyền đi (nghe nói, nghe truyền) mựa: chớ cố cựu: vốn đã chơi với nhau từ yên hà: khói và ráng (thường trong buổi chiều) vợ tao khang: chỉ người vợ cùng trải qua khó khăn; nỡ phụ: hiểu là không nỡ phụ thảy thảy: tất thảy nguyệt cửu giang: trăng in trên chín con sông, dù ở sông nào thì cái bản thể của nó vẫn không thay đổi.