Bảo kính cảnh giới 3 Có của hằng cho lại có thông, Tích nhiều con cháu nõ trông. Nghiệp Lưu Quý thịnh, đâu truyền báu, Bia Nguỵ Trưng cao, há nối tông. Hiềm kẻ say chưng bề tửu sắc, Hoạ người thìn được thói cha ông. Còn nhiều sá họp toan ăn uống, Tám chín mươi thì vạn sự không. Cước chú: của hằng: dịch từ chữ hằng sản, sản hằng thông: đủ hết, đủ cả. tích: tích trữ nõ: chẳng; nõ trông: chẳng trông mong, chẳng hề trông Lưu Quý: tức Hán Cao Tổ Lưu Bang (256 - 195) là vị hoàng đế sáng lập nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc đâu: không Nguỵ Trưng: (580- 643), tự Huyền Thành, người Cự Lộc, nay là huyện Cự Lộc thành phố Hình Đài tỉnh Hà Bắc. Ông là nhà chính trị, nhà tư tưởng gia, nhà sử học đời Đường há: nào có tông: tổ tông hiềm: e sợ họa: may ra thìn: gìn giữ câu 7, 8: ý nói nhiều kẻ chỉ tụ họp ăn uống chơi bời, đến khi chết thì cũng chẳng còn lại gì.
Bảo kính cảnh giới 4 Nhân nghĩa trung cần chử tích ninh, Khó thì hay kháo, khốn hay hanh. Đời Thương thánh biết cầu Y Doãn, Nhà Hán ai ngờ được Tử Khanh. Khi bão mới hay là cỏ cứng, Khuở nghèo thì biết có tôi lành. Kìa ai cây cả nhàn ngồi tựa, Nẻo có công nhiều lọ phải tranh. Cước chú: chử: sống theo đạo lý nào đó. "chử: sửa mình, hối hận". tích ninh: sự an lành từ xưa còn truyền lại. Ý câu này nói: ta hãy cứ giữ gìn bốn cái đức nhân - nghĩa - trung - cần, vì đó là những nết tốt lành từ đời xưa truyền lại. Bởi theo quy luật cuộc đời, lúc khó sẽ ló cái khôn, lúc khốn cùng rồi sẽ lại hanh thông, như việc Y Doãn đời Thương, Tử Khanh đời Hán được trọng dụng. kháo: khéo léo khốn: khốn cùng, quẫn hanh: hanh thông, thuận lợi, suôn sẻ. thánh: những bậc trí tuệ và đạo đức cao viễn theo tiêu chuẩn của nho gia. cầu: tìm, muốn, mong, muốn nhờ Y Doãn: Đại thần thời đầu nhà Thương. Y Doãn là nguyên lão phụ chính 4 triều vua dạy dỗ các vị vua trẻ rất cẩn thận. (Ý câu: đời nhà Thương, các bậc minh quân biết trọng dụng người tài giỏi là Y Doãn) Tử Khanh: tức Tô Tử Khanh, hay Tô Vũ (140 -87 tcn), làm trung lang tướng đời Hán Vũ Đế, đi sứ Hung Nô, cứng cỏi không chịu khuất phục, nên bị đày đi chăn dê, sau mười chín năm mới được thả về nước. khuở nghèo: thuở nghèo khó tôi: bề tôi; tôi lành: bề tôi tốt cây cả: cây cao, to lớn nẻo: nếu; công: công sức lọ: đâu cần (phải tranh giành)
Bảo kính cảnh giới 5 Phúc của chung, thì hoạ của chung, Nắm thì hoạ khỏi phúc về cùng. Văn chương chép lấy đòi câu thánh, Sự nghiệp tua thìn phải đạo trung. Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược, Có nhân có trí có anh hùng. Chiềng cho biết nay dường ấy, Chẳng thấp thì cao ắt được dùng. Cước chú: phúc - họa: may mắn >< tai họa nắm thì: nắm được thời thế họa khỏi phúc về: hết tai họa, phúc đến đòi: nhiều; câu thánh: câu văn, thơ, lời răn dạy của bậc thánh hiền tua thìn: nên giữ gìn phải: cần, không thể không làm, không thể khác (phải giữ, phải nắm lấy đạo trung) chiềng cho biết: tâu lên cho biết nay: hiện giờ, tại thời điểm nói. dường ấy: như thế, như vậy thấp cao: chỉ những đối lập về địa vị hay thân phận trong cuộc sống nói chung, như sang hèn, giàu nghèo ắt: sẽ
Bảo kính cảnh giới 6 Lấy khi phú quý đắp cơ hàn, Vần chuyển chăng dừng sự thế gian. Nẻo khỏi tiểu nhân quân tử nhọc, Dầu chăng quân tử tiểu nhân loàn. Của nhiều, sơn dã đam nhau đến, Khó ở, kinh thành thiếu kẻ han. Hằng lấy đạo trung làm nghĩa cả, Qua ngày qua tháng được an nhàn. Cước chú: đắp: đổi vần chuyển: xoay chuyển, đổi thay chăng dừng: chẳng thể dừng. Ý cả hai câu: khi phú quý, khi cơ hàn - là sự thường của thế gian, không thể can thiệp (chăng dừng) nẻo: nếu khỏi: thoát tiểu nhân: nhân dân nói chung; Ý cả câu: nếu như không có người dân quê, thì người quân tử sẽ phải nhọc nhằn (chẳng ai nuôi người quân tử). loàn: loạn; Ý cả câu: Nếu không có người quân tử thì nhân dân cũng loạn lạc; Hai câu thực nói lên mối quan hệ giữa nhân dân và người quân tử. (dịch từ câu: vô dã nhân mạc dưỡng quân tử, vô quân tử mạc trị dã nhân của Khổng Tử) sơn dã: đồng nội, rừng núi. đam: đem han: hỏi han Hai câu luận dịch từ câu bần cư náo thị vô nhân vấn, phú tại thâm sơn hữu khách tầm ý là: "nghèo ở chợ đông không ai hỏi, giàu ở non sâu có kẻ tìm" hằng: thường, luôn, mãi nghĩa cả: nghĩa lớn
Bảo kính cảnh giới 7 Cắp nắp làm chi hỡi thế gian, Có thì ăn mặc chớ lo toan. Đông hiềm giá lạnh chằm mền kép, Hạ lệ mồ hôi kết áo đơn. Nằm có chiếu chăn cho ấm áp, Ăn thì canh cá chớ khô khan. Phúc dầu hay đến trăm tuổi, Mình thác thì nên mọi của tan. Cước chú: cắp nắp: nhặt nhạnh; tiền tài là số của lưu thông, cắp nắp làm chi cho nhọc lòng? hiềm: e, ngại, sợ chằm: xâu, khâu các lớp mỏng lại với nhau cho dày dặn. "chằm: may kết bằng chỉ to, bằng kim đục. lệ: e, ngại hay đến: có thể đến thác: chết mọi của tan: của cải, mọi thứ (khi chết) đều tiêu tan, không có nghĩa lí gì.
Bảo kính cảnh giới 8 Vinh hoa nhiều thấy khách đăm chiêu, Bần tiện ai là kẻ chuộng yêu? Của đến nước xa nên quý giá, Người lìa quê cũ lấy làm phiêu. Nuôi con mới biết lòng cha mẹ, Thấy loạn thì hay đời Thuấn Nghiêu. Phúc gặp ngần nào, ấy mệnh, Làm chi đua nhọc tốn công nhiều. Cước chú: đăm: bên phải; chiêu: bên trái; Ý nói khi có vinh hoa phú quý thì bên phải bên trái đều có khách cầu cạnh. Ý câu 2: bần hàn, nghèo khổ lấy ai (làm gì có ai) yêu mến, quý trọng của: đồ, thứ nước: chốn, chỗ, không gian sinh tồn của cư dân nông nghiệp vốn chủ yếu là sông nước. quý giá: đáng được trọng và có giá trị. phiêu: trôi, dạt Thuấn Nghiêu: 2 vị vua anh minh bên TQ. ngần nào: có bao nhiêu, có ngần mệnh: vận số
Bảo kính cảnh giới 9 Trần trần mựa cậy những ta lành, Phúc hoạ tình cờ xảy chửa đành. Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn, Lòng người quanh nữa nước non quanh. Chẳng ngừa nhỏ, âu nên lớn, Nẻo có sâu, thì bỏ canh. Ở thế ươn hèn chăng có sự, Nghìn muôn tốn nhượng chớ đua tranh. Cước chú: trần trần: khư khư, khăng khăng, nhất định không chịu thay đổi. mựa: chớ, không cậy: nhờ xảy: bỗng, chợt chửa đành: chưa thông tỏ quanh: quanh co, khó lường ngừa: phòng ngừa âu nên: sao nên sâu: loài trùng chuyên ăn thảo mộc canh: món rau nấu nhiều nước; Ý: có sâu bỏ bát canh, nồi canh ươn hèn: nhún mình, chịu nhún, chịu nhường, chịu nhịn chăng có sự: chẳng có sự việc gì xảy đến tốn nhượng: nhường nhịn
Bảo kính cảnh giới 10 Muốn ăn trái, dưỡng nên cây, Ai học thì hay mựa lệ chầy. Dợ đứt khôn cầm bà ngựa dữ, Quan cao nào đến dạng người ngây. Trị dân sơ lập lòng cho chính, Có nước thường in nguyệt khá rây. Có chẳng có tài dùng chẳng đến, Mựa rằng thánh đức có nơi khuây. Cước chú: dưỡng: trồng, chăm bón học thì hay: học thì sẽ hiểu biết mựa lệ chầy: chớ ngại lâu dài (mựa: chớ; lệ: e ngại; chầy: lâu, muộn) dợ: dây thừng khôn cầm: không thể, khó có thể cầm giữ ngựa dữ: con ngựa ương bướng, dữ dằn người ngây: người ngốc nghếch sơ: hơi, mới bắt đầu, ban đầu lập: dựng, rắp; sơ lập: bắt đầu xây dựng chính: đúng, không tà vạy, không lỗi đạo, khiến cho lòng quay trở về với đạo chính. in: phản chiếu hình ảnh rây: chiếu qua các khe hở mựa: chớ, không thánh: những bậc trí tuệ và đạo đức cao viễn theo tiêu chuẩn của nho gia khuây: quên, biến âm trong quên khuấy.
Bảo kính cảnh giới 11 Cưu một lòng ngay khác chúng ngươi, Ở chưng trần thế mấy phen cười. Phúc nhiều xưa bởi nơi ta tích, Xuân đến tự nhiên mọi vật tươi. Có của bo bo hằng chực của, Oán người nớp nớp những âu người. Làm chi pháo phúc lòng nhau bấy, Rốt nhân sinh bảy tám mươi. Cước chú: cưu: mang lòng ngay: lòng ngay thẳng chúng ngươi: cách Nguyễn Trãi gọi số đông kẻ xấu chưng: từ đệm, không có nghĩa tích: tích cóp, tích trữ bo bo: giữ khư khư, không chia sẻ chực: giữ nớp nớp: nơm nớp âu: lo pháo phúc: trở đi trở lại nhiều lần, nghĩa bóng là làm phiền bấy: <từ cổ> cảm thán từ. rốt: rốt cục; nhân sinh: cuộc đời; Ý 2 câu cuối: rốt cục, cuộc đời cũng chỉ có bảy tám mươi năm, việc chi phải làm phiền não lòng nhau.
Bảo kính cảnh giới 12 Chàu người họp, khó người tan, Hai ấy hằng lề sự thế gian. Những kẻ ân cần khi phú quý, Hoạ ai bồ bặc khuở gian nan. Lều không, con cái hằng tình phụ, Bếp lạnh, anh tam biếng hỏi han. Lòng thế bạc đen dầu nó biến, Ta thìn nhân nghĩa chớ loàn đan. Cước chú: chàu: giàu hai ấy: chỉ hai sự giàu nghèo hằng lề: thói thường. lệ thường bồ bặc: hết sức giúp đỡ tình phụ: tình cảm nhạt nhòa anh tam: bạn bè lòng thế: lòng người bạc đen: đen trắng dầu nó biến: dù có biến đổi khó lường thìn: giữ gìn loàn: sai trái; đan: đỏ, son, từ chữ đan tâm (lòng son); chớ loàn đan: chớ đánh mất lòng son.