Quốc âm thi tập (có chú thích) Tác giả: Nguyễn Trãi Nguyễn Trãi (1380 - 1442) là anh hùng dân tộc và là văn hóa lớn, một nhân vật toàn tài hiếm có. Ở Nguyễn Trãi có sự kết hợp hài hòa giữa người anh hùng vĩ đại và con người đời thường. Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại văn học, trong sáng tác chữ Hán và chữ Nôm, trong văn chính luận và thơ trữ tình, là tác giả tập thơ Nôm có giá trị mở đầu cho nền thơ cổ điển viết bằng tiếng Việt: Quốc âm thi tập. Quốc âm thi tập là tập thơ Nôm cổ nhất còn lại, gồm 254 bài, được đánh giá vào loại hay nhất. Với tập thơ này, Nguyễn Trãi được coi là người đặt nền móng mở đường cho sự phát triển của thơ tiếng Việt. Đọc Quốc âm thi tập, người đọc được thấy vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi, người anh hùng suốt đời trung thành với lí tưởng nhân nghĩa sáng ngời, với lòng yêu nước, thương dân "mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen"; và nhà thơ Nguyễn Trãi với tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, con người, cuộc sống. Quốc âm thi tập được chia làm 4 phần: Vô đề (không có nhan đề) Môn thì lệnh (thời tiết) Môn hoa mộc (cây cỏ) Môn cầm thú (con vật) Phần Vô đề gồm những bài thơ không có tựa đề, nhưng được sắp xếp thành một số mục: Ngôn chí (nói lên chí hướng) Mạn thuật (kể chuyện tản mạn) Tự thán (Tự than) Tự thuật (nói về chính mình) Bảo kính cảnh giới (gương báu khuyên răn) Dưới đây là các bài thơ trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Trong các văn bản này, người sưu tầm có bổ sung thêm các chú thích để phục vụ việc nghiên cứu thơ Nguyễn Trãi và để bạn đọc tiện theo dõi. (Trên các trang mạng, hầu hết chỉ có văn bản thơ mà rất ít cước chú). Mục lục (254 bài thơ): Thủ vĩ ngâm Ngôn chí: 1 ; 2 ; 3 ;4 ; 5 ; 6; 7; 8; 9; 10; 11; 12; 13; 14 ;15; 16; 17; 18; 19; 20; 21 ; Mạn thuật: 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 9; 10 ; 11 ; 12 ; 13 ; 14 Trần tình: 1; 2 ; 3 ; 4 ; 5 ;6 ; 7 ; 8; 9 Thuật hứng: 1; 2 ; 3 ;4; 5 ; 6 ;7; 8 ; 9; 10 ; 11 ; 12 ; 13 ; 14 ; 15 ; 16 ; 17; 18; 19; 20; 21; 22; 23; 24; 25 Tự thán: 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 9; 10; 11; 12; 13; 14; 15; 16; 17; 18; 19; 20; 21; 22; 23; 24; 25; 26; 27; 28; 29; 30; 31; 32; 33; 34; 35; 36; 37; 38; 39; 40; 41 Tự thuật: 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 9; 10; 11 Tức sự: 1; 2; 3; 4 Tự giới Bảo kính cảnh giới: 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 9; 10; 11; 12; 13; 14; 15; 16; 17; 18; 19; 20; 21; 22; 23; 24; 25; 26; 27; 28; 29; 30; 31; 32; 33; 34; 35; 36; 37; 38; 39; 40; 41; 42; 43; 44; 45; 46; 47; 48; 49; 50; 51; 52; 53; 54; 55; 56; 57; 58; 59; 60; 61 Quy Côn Sơn trùng cửu ngẫu tác Giới sắc Giới nộ Huấn nam tử Tảo xuân đắc ý Trừ tịch Vãn xuân Xuân hoa tuyệt cú Hạ cảnh tuyệt cú Thu nguyệt tuyệt cú Tích cảnh thi: 1 ; 2 ; 3; 4 ; 5 ; 6; 7 ; 8 ; 9 ; 10 ; 11 ; 12 ; 13 Thủy trung nguyệt Thuỷ thiên nhất sắc Mai thi Lão mai Cúc Hồng cúc Tùng: 1; 2; 3 Trúc thi: 1; 2; 3 Mai thi 1; 2; 3 Đào hoa thi: 1; 2; 3; 4; 5; 6 Hoa mẫu đơn Hoàng tinh Thiên tuế thụ Ba tiêu Mộc cận Giá Lão dung Cúc Mộc hoa Mạt lị hoa Liên hoa Hoè Cam đường Trường an hoa Dương Lão hạc Nhạn trận Điệp trận Miêu Trư Thái cầu Nghiễn trung ngưu
Thủ vĩ ngâm Góc thành nam lều một căn, No nước uống thiếu cơm ăn. Con đòi trốn dường ai quyến, Bà ngựa gày thiếu kẻ chăn. Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá, Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn. Triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải, Góc thành nam lều một căn. Cước chú: Bài thơ nói về tình cảnh bất đắc dĩ của Nguyễn Trãi khi bị giam lỏng ở thành Đông Quan. Thủ vĩ ngâm: thủ - đầu; vĩ - đuôi; thủ vĩ ngâm là bài thơ có câu đầu và câu cuối lặp nguyên vẹn; lều: căn nhà nhỏ Nguyễn Trãi ở khi bị giam lỏng ở phía nam thành Đông Quan; con đòi: người giúp việc dường: có lẽ là ai: hàm ý phủ định quyến: quyến rũ đi mất bà ngựa: con ngựa cái (gọi như ông voi) khôn: không thú thứa: xuềnh xoàng vằn: chó vằn
Ngôn chí 1 Thương Chu kiện cũ các chưa đôi, Sá lánh thân nhàn, khuở việc rồi. Cổi tục chè thường pha nước tuyết, Tìm thanh khăn tịn nhặt chà mai. Chim kêu hoa nở, ngày xuân tịnh, Hương lụn cờ tàn, tiệc khách thôi. Bui có một niềm chăng nỡ trại, Đạo làm con miễn đạo làm tôi. Cước chú: kiện cũ: (có bản chép là bạn cũ): việc cũ, bạn cũ các: từng, mỗi, đều, mỗi một cá thể đều, ai nấy đều, mỗi nơi đều. đôi: biện giải, hỏi nhau sá: nên khuở: khoảng thời gian, như "khi", "lúc", "thời" rồi: rỗi, rảnh, nhàn nhã, không bận việc cổi tục: cởi tục, giải tục, xa cõi tục thường: luôn luôn thanh: trong tịn: hết chà mai: cành hoa mai lụn: hết cờ tàn: hết cuộc chơi cờ thôi: dừng chăng nỡ trại: không dám làm trái miễn: và, với
Ngôn chí 2 Lảo thảo chưa nên tiết trượng phu, Miễn là phỏng dạng đạo tiên nho. Chà mai đêm nguyệt, dậy xem bóng, Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu. Dưới công danh đeo khổ nhục, Trong dại dột có phong lưu. Mấy người ngày nọ thi đỗ, Lá ngô đồng khuở mạt thu. Cước chú: lảo thảo: lơ là, chểnh mảng, không chú ý tiết: khí tiết miễn: chỉ cần phỏng dạng: bắt chước theo ai, làm theo mẫu có sẵn. tiên nho: các bậc nho xưa, trỏ các vị thánh hiền đời cổ. chà mai: cành hoa mai bóng: ánh sáng phiến sách: cuốn sách chấm câu: điểm mực ngắt câu văn phong lưu: nhiều nghĩa: 1. phong thái khác thường, 2. tài hoa xuất chúng, không câu nệ vào lễ giáo; 3. tự do thảng thích không bị câu nệ vào bất cứ điều gì; 4. cảm xúc dạt dào, lãng mạn; 5. phong tục giáo hoá; 6. mỹ tục truyền đời; 7. nho nhã đức độ làm tiêu chuẩn cho đời; 8. phong vận, lịch lãm. ngô đồng: loại cây thân gỗ rụng lá vào thu, hoa đơn tính màu vàng xanh, chất gỗ nhẹ nhưng chắc bền, chuyên dùng làm nhạc khí, như cổ cầm, đàn nguyệt. Hạt có thể ăn, cũng có thể ép lấy dầu. Cây ngô đồng thường được coi là biểu tượng của mùa thu. khuở: khoảng thời gian, như "khi", "lúc", "thời" mạt thu: cuối thu
Ngôn chí 3 Am trúc hiên mai, ngày tháng qua, Thị phi nào đến cõi yên hà. Bữa ăn dầu có dưa muối, Áo mặc nài chi gấm là. Nước dưỡng cho thanh đìa thưởng nguyệt, Đất cày ngõ ải rãnh ương hoa. Trong khi hứng động bề đêm tuyết, Ngâm được câu thần dắng dắng ca. Cước chú: am: lều cỏ, nơi ẩn cư thị phi: chuyện đúng sai, phải trái yên hà: khói và ráng (thường trong buổi chiều) nài chi: không cần, cần chi dưỡng: giữ gìn, chăm chút trì: ao, đầm ngõ ải: cho được ải ra, mục ra rãnh (có bản chép là lảnh): luống đất hứng: cảm hứng động: tình cảm dấy lên, trong xúc động tuyết: nước đóng băng (hình ảnh tượng trưng, ước lệ) câu thần: câu thơ có thần dắng dắng (dặng dặng): hát mãi không thôi, dắng: cất tiếng, lên giọng cao
Ngôn chí 4 Giũ bao nhiêu bụi bụi lầm, Giơ tay áo đến tùng lâm. Rừng nhiều cây rợp hoa chầy động, Đường ít người đi cỏ gấp xâm. Thơ đới tục hiềm câu đới tục, Chủ vô tâm ỷ khách vô tâm. Trúc thông hiên vắng trong khi ấy, Nừng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm. Cước chú: bụi lầm: trỏ bụi bặm nói chung tùng lâm: rừng cây, sau trỏ nơi tu hành của các thiền sư, đây trỏ nơi ẩn dật. chầy: khẽ khàng, nhẹ nhàng, chậm chậm gấp: mau, nhanh, vội, từ này đang có xu hướng trở thành từ cổ, đang bị vội, mau thay thế xâm: lấn vào đới tục: mang tục hiềm: e, ngại, sợ ỷ: dựa vào, nương nhờ nừng: ít, chỉ, chỉ có mỗ: một sơn tăng: thiền sư tu hành trên núi
Ngôn chí 5 Làm người chăng có đức cùng tài, Đi nghỉ đều thì kém hết hai. Hiểm hóc cửa quyền chăng đụt lặn, Thanh nhàn án sách hãy đeo đai. Dễ hay ruột bể sâu cạn, Khôn biết lòng người vắn dài. Sự thế dữ lành ai hỏi đến, Bảo rằng ông đã điếc hai tai. Cước chú: Chăng: chẳng Đụt lặn: xông pha, ngụp lặn Hãy: vẫn cứ, vẫn còn Đeo đai: đeo đuổi, thích, mê Hay: biết Ruột bể: lòng biển Vắn dài: ngắn dài
Ngôn chí 6 Trường ốc ba thu uổng mỗ danh, Chăng tài đâu xứng chức tiên sinh. Cuốc cằn ước xáo vườn chư tử, Thuyền mọn khôn đua bể lục kinh. Án sách cây đèn hai bạn cũ, Song mai hiên trúc một lòng thanh. Lại mừng nguyên khí vừa thịnh, Còn cậy vì hay một chữ "đinh". Cước chú: trường ốc: nơi tổ chức các trường thi thời xưa, sau chỉ khoa cử. uổng: phí mỗ: tôi, ta danh: tiếng tăm chăng: chẳng tiên sinh: trượng phu cuốc cằn: cuốc bị cùn, nhụt chư tử: các học phái hay các tác phẩm của các học phái từ Tiên Tần cho đến đời Hán sơ. lục kinh: sáu bộ kinh điển chính của nho gia nguyên khí: nhân tài, kẻ sĩ hiền tài chữ đinh: việc biết chữ học hành nói chung
Ngôn chí 7 Đã mấy thu nay để lệ nhà, Duyên nào đeo đẳng khó chăng tha. Một thân lẩn quất đường khoa mục, Hai chữ mơ màng việc quốc gia. Tài lẹt lạt nhiều, nên kém bạn, Người mòn mỏi hết, phúc còn ta Quân thân chưa báo lòng cánh cánh, Tình phụ cơm trời áo cha. Cước chú: để: gác lại, dừng lại lệ nhà: quy tắc trong nhà khoa mục: khoa trường lẹt lạt: thấp kém mòn mỏi: mất, chết quân thân: vua và cha phụ: bạc, làm trái với ân huệ, tình cảm hay nguyện ước của ai.
Ngôn chí 8 Túi thơ bầu rượu quản xình xoàng, Quảy dụng đầm hâm mấy dặm đàng. Đài Tử Lăng cao, thu mát, Bè Trương Khiên nhẹ, khách sang. Tằm ươm lúc nhúc, thuyền đầu bãi, Hàu chất so le, cụm cuối làng. Ngâm sách thằng chài trong khuở ấy, Tiếng trào dậy khắp Thương Lang. Cước chú: quản: mặc, kệ. xình xoàng: chếnh choáng quảy: treo, khoác trên vai dụng: dùng đầm hâm: ấm áp, có khả năng đồng nguyên với "đầm ấm" Tử Lăng: tên tự của Nghiêm Quang, bạn học từ thuở trẻ với Hán Quang Vũ (25-57). Khi Quang Vũ Đế khôi phục nhà Hán, lên ngôi thiên tử, Nghiêm Quang đổi họ tên, về ở ẩn, cày ruộng câu cá ở sông Đồng Giang miền núi Phú Xuân, Chiết Giang. Chỗ Tử Lăng câu cá gọi là Tử Lăng đài. Trương Khiên:(164- 114 TCN) tự Tử Văn, người thành cố huyện Hán Trung (nay huyện Thành Cố, tỉnh Thiểm Tây). Ông là nhà thám hiểm, nhà ngoại giao nổi tiếng đời Hán, ông là người đầu tiên mở con đường tơ lụa, nối liền các trục đường. hàu: cùng loại với trai, hến, vỏ xù xì cụm: chòm, tập hợp các cá thể trong không gian rộng. "cụm rừng: chòm rừng" ngâm sách: đọc sách, ngâm thơ... thằng chài: người đánh cá, ngư phủ khuở: khoảng thời gian, như "khi", "lúc", "thời" trào: trào lộng Thương Lang: dòng nước trong xanh, nơi Khuất Nguyên gặp ngư phủ. Nhấn vào trang 2 bên dưới hoặc nhấn vào đây để đọc tiếp!