Phân tích diễn biến tâm trạng của ông họa sĩ trong cuộc gặp gỡ tình cờ với anh thanh niên

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 22 Tháng năm 2024.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Đề bài: Viết bài văn NLVH phân tích diễn biến tâm trạng của ông họa sĩ trong cuộc gặp gỡ tình cờ với anh thanh niên (truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa)

    - Bài làm -​

    Qua "Chuyện con mèo dạy hải âu bay" của nhà văn người Chi Lê Luis Sepúlveda, ta được biết mối tình "phụ tử" thiêng liêng của mèo ú và hải âu bắt nguồn từ cuộc giao nhau tình cờ giữa chúng trong đường đời. Đọc tiểu thuyết Peter Nimble và những đôi mắt thần, xuất thân đầy kinh ngạc của cậu bé mồ côi Peter cũng được hé lộ qua cái bắt gặp ngẫu nhiên giữa cậu với 1 chiếc rương. Hay cô gái Nora Seed trong cuộc hành trình tìm lại bản thân, đã từng bước trưởng thành và chữa lành cho mình qua cuộc ghé thăm lạ lùng tới thư viện của cô Elm (Tiểu thuyết Thư viện nửa đêm). Những cuộc gặp gỡ tình cờ ấy đã cho các nhân vật bài học đường đời và trải nghiệm quý giá. Trên giao lộ văn chương kỳ lạ đó, tính cách nhân vật được bộc lộ tự nhiên và gần gũi nhất, cho ta bắt trọn những cái duyên bất ngờ, tựa như tạo hóa đã lặng thầm sắp xếp, đủ để soi sáng một góc khuất trong tâm hồn họ. Và nhà văn Nguyễn Thành Long cũng thắt một nút duyên đẹp như thế cho những nhân vật của mình trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, khẽ khơi trong họ những âm vang tinh thần thầm lặng. Khoảnh khắc bừng dậy vang âm lớn lao ấy đã được nhà văn gửi gắm qua từng diễn biến tâm trạng của ông họa sĩ trong cuộc gặp gỡ tình cờ với nhân vật chính anh thanh niên.

    [​IMG]

    Nguyễn Thành Long sinh năm 1925 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam với bút danh Lưu Quỳnh. Lớn lên trong một gia đình viên chức nhỏ, ông sớm bén duyên với nghề viết và tham gia sáng tác ở cả trước và sau Cách mạng tháng Tám. Ở mỗi chặng đường của lịch sử dân tộc, cây bút này luôn in dấu ấn mình bằng văn chương. Ông là một nhà văn mẫu mực, đề cao sự kỹ lưỡng trong khi viết, từng câu chữ phải chứa đựng sức nặng và mang nhiều ý tứ sâu xa. Những bản thảo của ông đều chi chít dấu gạch xóa và sửa chữa, bản thân văn sĩ không bao giờ cẩu thả với đứa con tinh thần của mình. Ông có sở trường ở lĩnh vực truyện ngắn và ký. Qua các tác phẩm Khúc hát của người cán bộ, Bát cơm cụ Hồ, Trong gió bão, Những tiếng vỗ cánh, Sáng mai nao, xế chiều nào, tác giả gây ấn tượng mạnh trong lòng bạn đọc với lối viết nhẹ nhàng, tình cảm, thấm đẫm chất thơ, "Văn Nguyễn Thành Long như một bài thơ buồn êm dịu, một bông cúc nhỏ xinh run rẩy nở trong sương sớm" (Châu Hồng Thủy).

    Vương Trí Nhàn đã từng nhận xét: "Trong ý nghĩ của một số người chúng tôi hồi ấy, Nguyễn Thành Long là nhà văn vừa có vốn liếng thực tế, vừa có học, lại có tấm lòng đôn hậu." Sự âm trầm và miệt mài của Nguyễn Thành Long chính là kết tinh cho tài năng và những chiêm nghiệm của ông về lẽ sống và con người, điển hình là màn hóa thân của chính tác giả trong truyện ngắn tiêu biểu Lặng lẽ Sa Pa. Tác phẩm được viết trong quá trình miền Bắc đang hăng say lao động sản xuất để xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho miền Nam ruột thịt trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Đây đồng thời là quả ngọt của chuyến đi Lào Cai trong mùa hè 1970 của tác giả. Truyện ngắn là tấm gương phản chiếu chân thực những con người lao động thầm lặng giữa thiên nhiên Sa Pa trữ tình. Lặng lẽ Sa Pa kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa một người họa sĩ già, cô kỹ sư trẻ, bác lái xe và anh thanh niên làm khí tượng. Họ đã có cơ hội làm quen, trò chuyện với nhau trên đỉnh núi Yên Sơn. "Đây, tôi giới thiệu với anh một họa sĩ lão thành nhé. Và cô đây là kĩ sư nông nghiệp. Anh đưa khách về nhà đi. Tuổi già cần nước chè, ở Lào Cai đi sớm quá. Anh hãy đưa ra cái món chè pha nước mưa thơm như nước hoa của Yên Sơn nhà anh.". Sau khoảng thời gian ngắn ngủi, họ đã chia tay nhau trong sự ngậm ngùi và có phần luyến tiếc, đặc biệt là ông họa sĩ đã không kìm nổi những trăn trở và suy tư trong lòng.

    Ai đó đã từng nói: "Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống và của con người, thể hiện những hiểu biết, những ước mơ, kì vọng về đời sống". Và ở Lặng lẽ Sa Pa, tuy không dùng cách kể ở ngôi thứ nhất, nhưng người kể chuyện đã ký thác tâm tư của mình vào nhà họa sĩ cao tuổi, trải đời và say mê sáng tạo nghệ thuật để thể hiện cá nhân xã hội nhất định và quan niệm về cá nhân đó - nhân vật anh thanh niên. Vậy nên, các biến động nơi thế giới cảm xúc của người nghệ sĩ, dù là khẽ khàng nhất cũng được nhà văn khai thác triệt để qua những đánh giá, suy ngẫm, tâm đắc của ông khi trò chuyện với anh thanh niên khí tượng.

    Mở đầu tác phẩm, ta được biết ông họa sĩ đã trải qua hơn nửa đời người và đạt được những thành tựu nhất định trên con đường hoạt động nghệ thuật, nhưng giống như cụ Bơ-men của O Henry, nhà họa sĩ ấy muốn một lần chạm tới giá trị vĩnh hằng, mơ ước vẽ được một kiệt tác "suốt đời mình thích" trước khi giải nghệ. Hoài bão đó đưa ông đến Sa Pa để đi tìm nguồn cảm hứng theo tiếng gọi sâu thẳm từ trái tim. Độc giả dễ dàng bị lôi cuốn trước lời thoại ca ngợi cảnh thiên nhiên Tả Phình đầy "máu nghệ thuật" của người họa sĩ, "Sa Pa bắt đầu với những rặng đào. Và với những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong lũng hai bên đường." Đặt điểm nhìn trần thuật từ con mắt thẩm mỹ của người nghệ sĩ, kết hợp phép nhân hóa, nói quá, liệt kê, tác giả đã vẽ nên một bức tranh rực rỡ, tráng lệ với không gian đồi núi bao la, ngập tràn ánh nắng: "Nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây.. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe." Ngôn ngữ trong sáng, giàu đường nét, hình khối, màu sắc, khiến lời văn như tiếng hát ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, đồng thời cho thấy nhà họa sĩ già đã mê mẩn, đắm mình và phải lòng với vùng đất thơ mộng này.

    Song đọc tiếp các trang truyện, ta mới biết điều làm ông bối rối hơn nữa còn đến từ cuộc sống lẫn con người nơi đây, từ "chất vàng mười" còn khuất lấp mà khó ai có thể nhìn thấy và khai thác.

    [​IMG]

    Trước lúc gặp mặt, qua những lời giới thiệu của bác lái xe: "Một anh thanh niên hai mươi bảy tuổi.. sống một mình trên đỉnh núi, bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo.", có lẽ nhà họa sĩ đã ngỡ "người cô độc nhất thế gian" sẽ to lớn, vạm vỡ và gai góc nhường nào. Bởi vậy, trong phút giây ban đầu gặp gỡ, trước "người con trai tầm vóc bé nhỏ, nét mặt rạng rỡ từ trên sườn núi trước mặt chạy lại chỗ đỗ xe", ông họa sĩ đã "xúc động mạnh", bối rối đến nỗi "không chú ý cô con gái cũng víu chặt vào vai ông, nửa vì tò mò, nửa để tự vệ chống lại một cái gì đó."

    Diễn biến tâm trạng của nhân vật ông họa sĩ được khắc họa rõ nét hơn qua cuộc trò chuyện với anh thanh niên. Trước khi ghé nhà anh, ông nghĩ "Khách tới bất ngờ, chắc cu cậu chưa kịp quét tước dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn chẳng hạn." Cái nghĩ thầm chứa đựng sự quan tâm tinh tế và cách gọi thân mật "cu cậu" đã thể hiện hảo cảm của ông đối với anh thanh niên trong lần đầu gặp mặt. Tiếp đó, cái "ngạc nhiên" của ông với hành động của anh cũng giống như sự bất ngờ của cô kỹ sư và bao bạn đọc khác. Tuy là cuộc gặp gỡ tình cờ, nhưng anh thanh niên đã chuẩn bị rất chu đáo. Ông họa sĩ ấn tượng bao nhiêu về vườn hoa rực rỡ của anh thì lại càng cảm phục bấy nhiêu về việc anh "trao bó hoa đã cắt cho người con gái." Qua lăng kính của ông họa sĩ, anh thanh niên hiện lên với hình ảnh lịch thiệp, nhã nhặn, ấm áp và đầy thiện chí. Tạo khung nền cho buổi gặp mặt, tác giả đã khéo léo lựa chọn một không gian cao rộng và nên thơ "mây mù ngang tầm với chiếc cầu vồng", ngay lúc dưới kia là mùa hè, họ "bỗng nhiên lại gặp hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong..", đầy quen thuộc, dễ chịu và tươi vui.

    "Tôi cắt thêm mấy cành nữa. Rồi cô muốn lấy bao nhiêu nữa, tùy ý. Cô cứ cắt một bó rõ to vào. Có thể cắt hết, nếu cô thích. Tôi không biết kỷ niệm thế nào cho thật long trọng ngày hôm nay. Bác và cô là đoàn khách thứ hai đến thăm nhà tôi từ tết. Và cô là cô gái thứ nhất từ Hà Nội lên tới nhà tôi từ bốn năm nay." Trước những lời nói mà "đáng lẽ người ta chỉ nghĩ, cũng là những điều ta ít nghĩ" ấy, ông họa sĩ "cảm động và bị cuốn hút ngay". Quả thật, chẳng ai làm ngơ được trước tấm lòng hiếu khách, tình cảm chân thành, cởi mở của người khác. Trước những cảm xúc được tác giả trực tiếp gọi tên của ông họa sĩ; từng hành động, lời nói của anh thanh niên đã được khắc họa tự nhiên, thân tình.

    Những lời chia sẻ sau đó của anh về công việc của bản thân đã được người họa sĩ lắng nghe một cách chăm chú. Khi anh đột ngột kết thúc phần "báo cáo" của mình, ông bỗng cảm thấy bối rối và nhanh chóng giục "Anh nói nữa đi". Câu chuyện chợt chững lại, một cảm giác mới mẻ, lạ lẫm xâm chiếm tâm hồn đã có bao dạn dĩ với cuộc đời. Nhân vật ông họa sĩ là người đã lớn tuổi, trải qua nhiều chuyện đời, gặp gỡ nhiều con người, nhưng trước những lời tâm sự chân thành của anh thanh niên, ông vẫn tỏ ra say mê, hứng thú. Đó là biểu hiện của một con người có tâm hồn nhạy cảm, hướng thiện và yêu con người, yêu cái đẹp. Với người họa sĩ, việc khơi dậy cảm hứng là điều vô cùng quan trọng. "Sự bối rối" giờ đây càng trở nên dễ hiểu, bởi sự sáng tạo đang khẽ cựa quậy trong ông "ôi, một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị một chuyến đi dài". Phải chăng "điều thật ra ông vẫn ao ước được biết", chính là tinh thần thời đại "ba sẵn sàng" đầy sôi nổi, đầy nhựa sống của người con trai đang đứng trước mặt ông đây?

    "Công việc nói chung dễ, chỉ cần chính xác. Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng.. Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được.." Tác giả đã rất khéo léo khi xây dựng lời thoại dài kể về nghề nghiệp của anh thanh niên để tô đậm rằng trong khoảng thời gian 5 phút ấy, ngọn lửa nhiệt huyết trong người con trai bình dị đó đã từ từ truyền sang nhà họa sĩ. "Thì giờ ngắn ngủi còn lại thúc giục cả chính người họa sĩ già. Ông theo liền anh thanh niên vào trong nhà.." Tác giả tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ, họa sĩ "đảo nhìn qua một lượt trước khi ngồi xuống ghế", "nheo mắt cố đọc tên các sách trên giá", "nhấp chén trà nóng", "không giấu vẻ thích thú, tự rót lấy một chén nữa", thể hiện điểm nhìn trần thuật đã được đặt trên nhân vật này, cho thấy sức lan tỏa, ảnh hưởng của atn và khát khao, ham thích của nhà họa sĩ đối với việc tìm hiểu sâu về anh.

    "Ta thỏa thuận thế này. Chuyện dưới xuôi, mười ngày nữa trở lại đây, tôi sẽ kể anh nghe. Tôi sẽ trở lại, danh dự đấy.. Bây giờ có cả ba chúng ta đây, anh hãy kể chuyện anh đi. Sao người ta bảo anh là người cô độc nhất thế gian? Rằng anh" thèm "người lắm?", "Quê anh ở đâu thế?", người họa sĩ già vừa nói chuyện. "Tay vừa bất giác hí hoáy vào cuốn sổ tì lên đầu gối." Không phải ngẫu nhiên mà tác giả nhiều lần để ông họa sĩ đối thoại với anh thanh niên. Tuổi đã cao nên lắng nghe những chiêm nghiệm về thực tế của anh, người họa sĩ già thấu hiểu hơn ai hết. Trái tim nghệ sĩ bao giờ cũng tinh tế và nhạy cảm. Có lẽ chính bản thân họa sĩ cũng không biết ông bắt đầu vẽ từ lúc nào. Ngòi bút tự trỗi dậy khi những giao cảm rung lên mạnh mẽ, nét vẽ của ông xuất phát từ trái tim và sự trân trọng "người con trai ấy đáng yêu thật". Chính những vẻ đẹp tâm hồn của anh thanh niên hiện ra qua lời tâm tình chân thành của anh đã khơi dậy mạch nguồn nghệ thuật nơi người họa sĩ. Cảm hứng đến với ông một cách bất chợt, nhưng mãnh liệt và rất tự nhiên. Đó là một trạng thái tâm lý căng thẳng nhưng say mê khác thường của một họa sĩ nói riêng và người nghệ sĩ nói chung. Nhà phê bình văn học Phương Lựu từng quan niệm: "Sự căng thẳng của ý chí và trí tuệ, sự dồi dào về cảm xúc, khi đã đạt đến sự hài hòa, kết tinh, sē cháy bùng trong tư duy nghệ thuật của nhà văn, dẫn dắt họ đến những mục tiêu da diết bằng con đường gần như trực giác, bản năng. Cảm hứng chỉ có thể là kết quả bất ngờ của việc thai nghén dài lâu, suy tư, cấu tứ, tưởng tượng trước đó." Người họa sĩ có lẽ cũng vậy.

    [​IMG]

    Nhà thơ Nguyễn Bính từng thổ lộ "Ai bảo dính vào duyên bút mực. Suốt đời mang lấy sổ long đong". Sáng tác nghệ thuật là một quá trình trải nghiệm khổ cực mà cao cả của người nghệ sĩ. "Hơn bao nhiêu người khác", họa sĩ hiểu rõ mối quan hệ giữa sống và vẽ: "Ông biết rất rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa trong cuộc hành trình vĩ đại của cuộc đời." Phép ẩn dụ "hành trình vĩ đại" đã khái quát được tầm vóc lớn lao vô tận của hiện thực cuộc sống. Quả đúng như vậy, dù nghệ thuật có vẻ đẹp lung linh huyền ảo của riêng nó, thì nghệ thuật cũng bắt nguồn từ cuộc đời và phải hướng tới cuộc đời. Tác phẩm nghệ thuật có thể hoàn tất nhưng cuộc sống thì luôn tiếp diễn, không ngừng biến đổi muôn hình vạn trạng, cho nên có những lúc nghệ thuật không thể phản ánh hết cuộc sống, khó nắm bắt, khám phá và tiếp cận những khía cạnh đa chiều. Có những vẻ đẹp của cuộc sống nghệ thuật không thể truyền tải trọn vẹn. Đặc biệt là thế giới tâm hồn của con người lại càng phong phú, phức tạp. Là một họa sĩ lành nghề, ông họa sĩ lại cảm thấy "nhọc" quá, vì bức tranh mà ông muốn vẽ là bức chân dung tinh thần, là vẻ đẹp âm vang từ những suy nghĩ, lối sống, nhân cách cao đẹp của atn, là sự cống hiến của tuổi trẻ với Tổ quốc. "Ông thấy ngòi bút của ông bất lực trên từng chặng đường đi nhỏ của ông". Chính khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống ấy là một sự thử thách gian nan đối với bất kỳ người nghệ sĩ chân chính nào.

    Nhưng nghệ thuật không từ bỏ, vì tác phẩm nghệ thuật luôn có sứ mệnh chở đi những tư tưởng lớn của thời đại trên đôi cánh của hiện thực cuộc sống. Là mộ người nghệ sĩ tâm huyết và trách nhiệm, nhà họa sĩ hiểu thiên chức của mình. Dù trăn trở trước giấy bút, nhưng ông lựa chọn tiếp tục vẽ và hạnh phúc vì tìm được đối tượng chân chính của nghệ thuật. Như con trai càng ôm ấp bao đau đớn sẽ càng cho ra hạt ngọc sáng, một khi dám dũng cảm dấn thân trên con đường sáng tác nhiều chông gai, tâm hồn người nghệ sĩ sẽ trở nên thanh thoát và cao thượng hơn. Ông họa sĩ nhận ra con đường nghệ thuật "như là một quả tim nữa của ông", cho ông được sống một cuộc đời tươi mới, trở lại với tuổi trẻ đầy rung động, đầy hoài bão cao đẹp. Tác giả đã sử dụng hình ảnh so sánh đặc sắc đó để nhấn mạnh sức mạnh kỳ diệu và lớn lao của nghệ thuật. Quả thực, đến đây ta bỗng hiểu vì sao nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi lại từng chiêm nghiệm: "Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn. Nghệ thuật giải phóng được cho con người khỏi những biên giới của chính mình, nghệ thuật xây dựng con người, hay nói cho đúng hơn, làm cho con người tự xây dựng được".

    Đồng thời, con đường nghệ thuật ấy cũng là "quả tim cũ được 'đề cao' lên". Đang bước vào tuổi già, tuổi của những an nhàn nghỉ ngơi, người họa sĩ bỗng thấy mình thêm khát khao sáng tác, "yêu thêm cuộc sống". Nó cho thấy nghệ thuật đã gieo vào lòng người họa sĩ những ánh sáng, "lay động những tình cảm, ý nghĩ khác thường." (Tiếng nói văn nghệ). Đó chính là quả ngọt trong quá trình thai nghén cảm xúc của ngòi bút. Quả ngọt ấy là tiếng vọng của một mầm cây đang vươn mình dưới ánh ban mai, đón nhận chất dinh dưỡng từ mảnh đất phì nhiêu, ngọt bùi để tỏa bóng mát cho đời. Trái tim người họa sĩ đang rộng mở và chan chứa nhiều mầm cây như thế.

    [​IMG]

    "Làm một bức chân dung, phác họa như ông làm đây, hay rồi vẽ dầu, làm thế nào làm hiện lên được mẫu người ấy? Cho người xem hiểu được anh ta, mà không phải hiểu như một ngôi sao xa? Và làm thế nào đặt được chính tấm lòng của nhà họa sĩ vào giữa bức tranh đó?" Một loạt các câu hỏi độc thoại được nêu ra, thể hiện rõ tâm trí bị dày vò của người nghệ sĩ và khẳng định cái duyên tình cờ của cuộc gặp gỡ chính là nằm ở chỗ này. Ông họa sĩ nhận ra nhiều ý nghĩa cuộc sống sau khi trò chuyện, nhận ra anh thanh niên chính là sự hiện hữu mang lí tưởng cao đẹp, là chất xúc tác giúp ông tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mang giá trị sâu sắc về nội dung lẫn hình thức. Ông họa sĩ muốn mọi người hiểu được anh, yêu mến anh và cảm thấy anh thân thuộc, chứ không phải chỉ đơn thuần ngưỡng vọng anh như một "ngôi sao xa". Ngôi sao là vì tinh tú trên bầu trời, ánh sáng khiêm nhường nhưng lấp lánh, trường tồn, bất diệt, giúp khung trời đêm thêm ấm sáng, lung linh. Hình ảnh "ngôi sao xa" có tính chất biểu tượng, nó xuất hiện ba lần trong tác phẩm. Lần thứ nhất, "ngôi sao" hiện lên qua lời nói của anh thanh niên "Ban đêm không nhìn máy, cháu nhìn gió lay lá hay nhìn trời, thấy sao nào khuất, sao nào sáng, có thể nói được mây, tính được gió", lần thứ hai "Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa", gợi tới một vẻ đẹp lẻ loi, hiu quạnh. Cho nên, nguyện vọng của ông họa sĩ là muốn vẽ bức chân dung của anh thanh niên để người xem không hiểu anh "như một ngôi sao xa" "nhìn kĩ mới thấy", mà thấu cảm hơn về con người anh, về công việc và lý tưởng của anh, từ đó trân trọng, quý mến anh. Ông họa sĩ muốn làm cho ánh sao xa xôi ấy trở nên thật gần gũi và ánh sáng lấp lánh của nó có thể chạm tới trái tim mọi người, khiến cho những việc tốt, những suy nghĩ đẹp, lý tưởng sống cao cả của anh dễ được mọi người đồng cảm, lan tỏa và noi theo. Trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi, tác giả Lê Minh Khuê cũng đặt nhan đề có hình ảnh "ngôi sao xa" để ẩn dụ cho ba nhân vật nữ thanh niên xung phong nơi cuối rừng Trường Sơn bình dị, khiêm nhường, mờ nhòe trong mưa bom bão đạn, nhưng vẫn thắp sáng khu rừng với vẻ đẹp của nhiệt huyết cách mạng, của sự dũng cảm, kiên cường. Nếu Nho, Thao, Phương Định đại diện cho những thanh niên xung phong ở tiền tuyến tạo nên vẻ đẹp của kháng chiến, thì anh thanh niên khí tượng của Nguyễn Thành Long đại diện cho những người lao động thầm lặng ở hậu phương. Họ là sức trẻ của Tổ quốc mà Thanh Hải đã tự hào ca ngợi "Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước."

    Vậy là, "Chỗ đứng của văn nghệ chính là chỗ giao nhau của tâm hồn con người với cuộc sống hành động, cuộc đời sản xuất, cuộc đời làm lụng hàng ngày, giữa thiên nhiên và giữa những người làm lụng khác." (Nguyễn Đình Thi). Ông họa sĩ, hay bóng dáng của nhà văn Nguyễn Thành Long - có lẽ thấm nhuần tư tưởng này hơn bao giờ hết. Từ những suy nghĩ thành thực mà sâu sắc của người họa sĩ, tác giả muốn nhắn nhủ về thiên chức của người nghệ sĩ, đó là cần phải khơi phá được những vẻ đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, phải khiến những vẻ đẹp ấy chạm được vào trái tim công chúng, khiến nó thật gần gũi để có thể cộng hưởng với tâm hồn mọi người, để giúp cái đẹp cứ thể nảy nở, sinh sôi trong cuộc sống.

    "Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành được sáng tác còn là một chặng đường dài. Mặc dù vậy, ông đã chấp nhận sự thử thách." Thái độ mạnh mẽ, quyết tâm của ông họa sĩ thể hiện một tình yêu tha thiết với nghề và một bản lĩnh nghệ thuật vững vàng, đáng trân trọng. Đối với nhà họa sĩ, phong cách không phải vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề cái nhìn. Đó là một sự khám phá mà người ta không thể làm một cách cố ý và trực tiếp; mà chỉ có được trong cách cảm nhận về thế giới, một cách cảm nhận nếu không do nghệ thuật đem lại thì mãi mãi sẽ không ai biết đến. Dưới góc nhìn của người họa sĩ, bạn đọc một lần nữa nhớ lại nhân vật atn, từ hoàn cảnh làm việc "cô độc nhất thế gian", một mình lẻ loi trên đỉnh Yên Sơn, tới những suy tư xúc động, đầy ý nghĩa của anh về công việc, về trách nhiệm, về lý tưởng: "Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu", "Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia", "Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc".. Bằng hình thức đối thoại, "những điều anh suy nghĩ" đó như những bông hoa nở từng chùm trong lòng ông họa sĩ. Ông cũng được anh tặng một bó hoa trong chặng đường cuối cùng. Đó là những thông điệp cuộc sống giản dị mà sâu sắc, tươi trẻ mà nhân văn. Cái nhìn đầy tinh tế của ông họa sĩ về atn "những điều anh suy nghĩ trong cái vắng vẻ vòi vọi hai nghìn sáu trăm mét trên mặt biển, cuồn cuộn tuôn ra khi gặp người" cho thấy ông đã xúc động mạnh, vì lẽ sống của anh có lẽ cùng trùng khớp với tư tưởng của ông: Con người chỉ có thể sống có ý nghĩa khi biết cống hiến, khi chan hòa với cộng đồng. Ông họa sĩ đã rút ra một chân lý: "Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những âm vang, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác có sẵn mà chưa rõ hay chưa được đúng". Rõ ràng, atn chính là những âm vang trong lặng lẽ, khẽ khàng đánh thức mặt hồ phẳng lặng trong "quan niệm" của ông họa sĩ về đất Sa Pa tĩnh lặng, trầm buồn "mà ông yêu nhưng vẫn còn tránh". Anh chiếu rọi trong ông "chất vàng mười" của "thế giới những con người như anh mà anh kể" : "Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước."

    Khổ một nỗi là "Bao giờ người ta cũng phải chia tay đúng vào lúc cảm thấy ngược lại, tức là muốn gần nhau hơn nữa." (Không gia đình - Hector Malot). Cuộc gặp gỡ đi đến hồi kết. "Đến bậu cửa, bỗng nhà họa sĩ già quay lại chụp lấy tay người thanh niên lắc mạnh. - Chắc chắn rồi tôi sẽ trở lại. Tôi ở với anh ít hôm được chứ?" Trái tim người nghệ sĩ vẫn đong đầy những rung cảm mãnh liệt. Chỉ một cái "chụp tay" của người họa sĩ, tác giả gợi ra được cả hơi thở của nghệ thuật vị nhân sinh mà họa sĩ theo đuổi. Cái đẹp từ anh thanh niên đã khiến những nét cọ trỗi dậy, và ta tin là chúng sẽ lắng đọng thành một tác phẩm hoàn hảo. Hoàn hảo bởi cả cái tâm huyết và trách nhiệm với nghề của người sáng tác. Đến đây, ta hiểu hơn về nhân vật ông họa sĩ. "Giống như ngọn lửa bùng lên từ những cây củi khô, tài năng cũng được nuôi dưỡng bằng những tình cảm mạnh mẽ của con người". (Raxun Gamzatốp). Nguyễn Thành Long không miêu tả sâu kĩ về tài năng, hành động hay tính cách của người họa sĩ, mà chỉ gợi tả ông qua từng diễn biến tâm trạng trong cuộc gặp gỡ tình cờ với atn, nhưng bằng chính những nét tâm lý được khắc họa chân thực và sống động ấy, ta nhận thấy ông họa sĩ không phải một nhân vật phụ. Ở ông, nhà văn truyền tải được đến bạn đọc "một bài học trông nhìn và thưởng thức" (Thạch Lam), một thế giới nội tâm phong phú, khoáng đạt, êm ái ngọt ngào.

    [​IMG]

    Có thể thấy, cuộc gặp gỡ của nhân vật ông họa sĩ với anh thanh niên giữa mịt mờ sương tuyết mà vẫn nồng ấm tình người. Trong ba mươi phút ngắn ngủi, họ đủ hiểu nhau, soi chiếu cho nhau, khơi gợi trong nhau biết bao điều bổ ích. Cách kết cấu hệ thống nhân vật của Nguyễn Thành Long rất đặc sắc, qua góc nhìn của ông họa sĩ, nhà văn đã làm bật lên vẻ đẹp của nhân vật trung tâm là anh thanh niên, đồng thời vẫn xây dựng nhân vật bác họa sĩ thật sống động, có cá tính và suy nghĩ riêng, chứ không phải chỉ là một bức nền vô hồn tôn vinh nhân vật chính. Giọng văn linh hoạt, đan xen hài hòa giữa tự sự, miêu tả và bình luận, tạo nên chất trữ tình cho tác phẩm. Qua cách xây dựng tính cách nhân vật chủ yếu qua độc thoại nội tâm, tâm lý nhân vật được bộc lộ cô đọng, súc tích, khơi được nhiều suy nghĩ và liên tưởng nơi bạn đọc. Quả đúng như nhà văn Nga Pautopxki từng quan niệm "Truyện hay đến một mức nào đó thì thành thơ", Lặng lẽ Sa Pa với những câu văn chứa đựng nhiều đường nét, hình khối, tính nhạc và triết lý sâu sắc đã "làm dịu mát lòng ta như mạch nguồn trong trẻo, dịu dàng" (Châu Hồng Thủy).

    Nguyễn Đình Thi đã từng quan niệm: "Những nghệ sĩ lớn đem tới được cho cả thời đại họ một cách sống của tâm hồn." Quả thật, qua truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long đã giúp bạn đọc mở rộng lòng mình hơn, để thấy mình vẫn còn những nhỏ nhen, nhút nhát, để sống cao thượng hơn, cống hiến nhiều hơn. Nếu thành công, nhân vật ông họa sĩ cũng có thể đem tới cho không chỉ thời đại của ông mà các thế hệ mai sau một "cách sống của tâm hồn", dưới bức tranh kết tinh sự tài hoa, tâm huyết và tình cảm của mình. Từ những cảm nhận đầy tinh tế, nhạy cảm và chân thực của nhân vật ông họa sĩ, bạn đọc như có cho mình một góc nhìn mới, góc nhìn của thẩm mỹ. Cuộc gặp gỡ giữa ông và anh thanh niên đẹp như một duyên kỳ ngộ, mà đôi khi ta nghĩ liệu không gặp những nhân vật ấy thì ta sẽ thế nào?

    [​IMG]
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...