Phân tích diễn biến Tâm Trạng Bà Cụ Tứ Khi Tràng Ra Mắt vợ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ángmây, 3 Tháng bảy 2023.

  1. ángmây

    Bài viết:
    10
    Đề: Phân tích đoạn trích sau

    "Bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn. Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ? Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải. Bà lão nhìn kỹ người đàn bà lẫn nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu.

    Tràng tươi cười:

    - Thì u hẵng vào ngồi lên giường lên diếc chĩnh chện cái đã nào.

    Bà lão lập cập bước vào. Người đàn bà tưởng bà lão già cả, điếc lác, thị cất tiếng chào lần nữa:

    - U đã về ạ!

    Ô hay, thế là thế nào nhỉ? Bà lão băn khoăn ngồi xuống giường.

    Tràng nhắc mẹ:

    - Kìa nhà tôi nó chào u.

    Thấy mẹ vẫn chưa hiểu, hắn bước lại gần nói tiếp:

    - Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau.. Chẳng qua nó cũng là cái số cả..

    Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì.. Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt.. Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?"



    Bài làm

    Đặng Tiến từng viết: "Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho những dòng nước mắt và biến đổi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên". Trong đau khổ, đau đớn cùng quẫn, văn học nghệ thuật vẫn tìm ra vẻ đẹp khuất lấp bị chôn vùi như ánh sao xa sáng chói trong đêm tối tăm mịt mù. Và nhà văn, họ như những thợ lặn lành nghề, lặn sâu vào biển cuộc đời, không phải để nhặt nhạnh những mảnh san hô tầm thường mà kiếm tìm những hạt ngọc trai sáng giá của tình yêu của một giá trị nhân văn nào đó. Kim Lân chính là như thế. Được biết đến là nhà văn của người dân, của nông thôn Việt Nam. Mỗi truyện như một mảng đời được "xắn ra" từ mảnh đất sống của kiếp người thấm đẫm mồ hôi, nước mắt. Tác phẩm "Vợ nhặt" - in trong tập Con chó xấu xí-là một trong những đứa con tinh thần của ông. Lấy phông nền nạn đói năm 1945, Kim Lân đem vào tác phẩm một cái nhìn mới, một khám phá mới, đó là vẻ đẹp của tình người và khát vọng cao đẹp hướng về tương lai của những người nông dân nghèo. Trong đó nhân vật bà cụ Tứ đặc biệt để lại dấu ấn trong lòng độc giả với hình ảnh người mẹ thương con nhân hậu bao dung.

    Khi viết về bà cụ Tứ, nhà văn Kim Lân đặc biệt đi sâu phân tích tâm lý, tâm trạng và tấm lòng vô cùng đáng quý, đáng trọng của bà mẹ với những đứa con. Một nhân vật ở độ tuổi xế chiều lại xuất hiện trong buổi xế chiều của ngày tàn càng gợi lên sự sầu buồn não nùng. Đáng lẽ, ở cái tuổi này bà lão phải được con cái phụng hiếu an dưỡng tuổi già, nhưng người mẹ nghèo khổ này vẫn luôn lo toan về cái ăn cái mặc "vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng" bởi cái nghèo đói quyết bám lấy không tha.

    Bà lão không thể đoán được có chuyện gì đang diễn ra trong nhà mà con trai hôm nay lại khác lạ thế. Rồi khi lật đật bước vào nhà bà đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hàng loạt các câu hỏi được bà cụ đặt ra dồn dập: Người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào đứng ngay đầu giường con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Tràng phải giới thiệu đến lần thứ hai thì bà mới hiểu ra cơ sự. Phải, bà làm sao ngờ được giữa năm đói, nhà lại nghèo mà con bà lại dẫn không về một người vợ. Cái sự việc con mình có vợ diễn ra quá bất ngờ đột ngột đến nỗi bà không tin đó là sự thật. Cuối cùng bà cũng hiểu ra mọi chuyện. Kim Lân quả là bậc thầy xây dựng nhân vật, từng câu từng chữ ông viết ra đều gợi tả tâm trạng nhân vật vô cùng chân thực. "Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi" khoảnh khắc ngắn ngủi ấy như kéo dài ra bởi những giông tố đang chất chứa trong lòng bà cụ. Khi bà cụ cúi đầu cũng là lúc "lòng người mẹ nghèo khổ ấy hiểu ra biết bao nhiêu là cơ sự". Cái cúi đầu xót thương cho cả cuộc đời đắng cay mặn mòi nước mắt của chính bà, cũng là xót xa cho số phận của con trai và cho cả người con gái đang ngồi trước mặt. "Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì.." Lời than của bà cụ như vang lên một biển trời bể khổ, người mẹ nghèo nàn này cảm thấy vẫn chưa làm tròn trách nhiệm với con mình, chưa cho con được hoàn cảnh tốt nhất để "dựng vợ gả chồng". Bà lão đặt gia cảnh của nhà mình lên bàn cân so sánh với những nhà khá giả khác, sự tương phản quá lớn khiến bà nghẹn ngào. Cái đói cái khổ cùng tình thương con khiến lòng thắt lại cổ họng nghẹn ứ làm bà không thể thốt lên tình cảnh của mình. Phụ nữ suốt đời chỉ sống cho chồng cho con, giờ ông cụ đã mất bà lão chỉ còn mỗi anh cu Tràng, thế mà bà vẫn không lo nổi cho con. Trước sự bất lực chỉ có "kẻ mắt kèm nhèm" và "hai dòng nước mắt", đây là chi tiết vô cùng đắt giá. Bà lão thương con mình khù khờ ngốc nghếch không lấy được vợ một cách chu đáo, biết rằng Tràng có gánh vác được gia đình mình hay không. Bà cũng tội nghiệp cho người đàn bà chuẩn bị làm con dâu mình, biết rằng số phận cô ấy có tốt hơn bà không. Biết bao "cơ sự" về tương lai đen tối cứ vồ vập vào bà cụ. Và điều đáng sợ nhất "biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không" cái đói đe dọa cả đời bà nay lại sắp đè lên đứa con của bà. Suốt đời bà sống trong đói khát, bà biết nó đáng sợ nó khổ đến nhường nào, thế nên bà mới càng đau lòng khi biết con mình buộc phải đối mặt với nó.

    Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ khẳng định biệt tài phân tích tâm lý nhân vật tinh tế của nhà văn Kim Lân, cách dựng lời thoại sinh động, xây dựng tình huống truyện hấp dẫn, cảm động. Qua nhân vật bà cụ Tứ, nhà văn đã phát hiện và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của người lao động trong nạn đói. Qua đó thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn Kim Lân và bản chất tốt đẹp cũng như sức sống kì diệu của con người với thông điệp: Ngay cả trên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khao khát tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

    Để tạo nên thành công của tác phẩm Vợ nhặt, Kim Lân đã vô cùng tỉ mỉ trong từng chi tiết, hình ảnh, nghệ thuật, miêu tả tâm lý nhân vật đặc biệt là tâm trạng bà cụ Tứ. Qua những câu từ hết sức tinh tế, nhà văn khẳng định khát khao hạnh phúc mãnh liệt của người dân lao động nhỏ bé, đồng thời làm nổi bậc lên ngòi bút nhân đạo của ông. Chính những điều này đã đưa tác phẩm vượt qua sự băng hoại của thời gian đi sâu hơn vào lòng độc giả.
     
    Dương2301 thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng bảy 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...