Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân - Vợ chồng A Phủ -Tô Hoài

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi chantbin, 21 Tháng sáu 2023.

  1. chantbin

    Bài viết:
    58
    Đề bài : Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài. Từ đó bình luận về giá trị nhân đạo của tác phẩm.

    [​IMG]

    Bài làm:

    Một tác phẩm văn học chỉ thực sự có giá trị khi nó lên tiếng vì con người, ca ngợi và bảo vệ con người. Bởi Nam Cao đã từng nói "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than". Chúng ta đặc biệt trân trọng những tác phẩm được kết tinh bước trên chặng đường văn học này, trong đó xuất sắc nhất vẫn phải kể đến "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài-một nhà văn tài hoa với vốn hiểu biết phong phú. Tác phẩm đã mang lại những giá trị nhân đạo sâu sắc thể hiện niềm thương cảm với kiếp người cùng khổ, ngợi ca những vẻ đẹp phi thường và lên án những thế lực tàn bạo đã vùi dập con người mà cụ thể được thể hiện qua mọi chuyển biến tâm lí của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân.

    "Vợ chồng A Phủ' là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Tô Hoài được sáng tác năm 1952 in trong tập" Truyện Tây Bắc ". Tác phẩm đã khắc họa chân thực những nét riêng biệt về phong tục tập quán, tính cách và tâm hồn người dân dân tộc thiểu số bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc dân tộc và giàu chất thơ.

    Nếu mở đầu câu chuyện Mị hiện ra đầy lầm lĩu, khốn khổ, dù cố gắn muốn vẫy vùng đi tìm tự do những thực tại đầy nghịch cảnh luôn níu Mị lại, dày vò Mị trong những giấc mộng ngày xưa tự do tự tại, khiến Mị phải buông bỏ khát vọng mà chấp nhận thân phận của một nô lệ ở nhà thống lí Pá Tra. Nhưng Tô Hoài -một nhà văn nhân đạo đã để cho nhân vật Mị được sống lại trong cái đêm tình mùa xuân. Sức sống của Mị luôn dạt dào chỉ chờ trực để được thoát ra bay đến trời cao mà đặc biệt trong cái đêm xuân ấy, Mị nhận thức được mọi điều, nhận ra được giá trị bản thân mà vực dậy được khát vọng sống. Ban đầu Mị thức tỉnh về mặt cảm xúc. Với gió rét thổi vào cỏ gianh vàng ửng như thổi vào lí tưởng của Mị, nhìn những chiếc váy hoa được đem phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ lại đánh thẳng vào tâm hồn của người con gái trẻ và những tiếng cười ầm của bọn trẻ lại càng thôi thúc Mị hòa mình vào đêm tình mùa xuân. Có lẽ đến đây, ta không khỏi bắt gặp hình ảnh anh Chí Phèo khốn khổ sau một đêm, từ say đến tỉnh anh dường như đã nhận thức được vạn vật quanh mình, nghe được tiếng chim hót, tiếng người bán quán ngoài chợ, dậy lên một ước mơ về một gia đình hạnh phúc. Chỉ đến đây thôi, ta đã cảm nhận được sự chuyển biến kì diệu trong tâm hồn Mị qua những chi tiết nhỏ tinh tế của bút tích văn phong tài hoa của Tô Hoài. Ngoài đâu núi lấp ló tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi, Mị nghe thấy tiếng sáo vọng lại mà thiết tha bồi hồi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát nhớ lại những tháng ngày còn trẻ. Tiếng sáo kêu gợi về ước mơ hạnh phúc đồng thời là chất xúc tác khơi gợi sức sống. Song Mị dần thức tỉnh về mặt nhận thức. Mị thấy mình trẻ lắm, Mị vẵn còn trẻ, Mị muốn đi chơi. Nếu có bao nhiêu gười có chồng cũng đi chơi tết cớ sao Mị lại không. Dù vậy trong cái ham say sức sống nhưng trong lòng Mị vẫn có sự mâu thuẫn, Mị ước rằng nếu có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay. Bằng việc đặt nhân vật Mị vào tình huống phải lựa chọn, tác giả đã thành công tạo bệ phóng đẩy mạnh cao trào tâm lí của Mị làm nổi bật sự đối lập của thực tại và quá khứ khiến cho cảm xúc nhân vật thêm phức tạp nhằm thể hiện được trọn vẹn tư tưởng nhân đạo của tác giả.

    Từ những thay đổi về mặt cảm xúc và nhận thức, Mị đã có những hành động quyết liệt đã thể hiện khát vọng về sự sống, Mị lén lấy rượu uống, uống cho say để quên đi nỗi bực tức trong cuộc đời. Mị uống rượu như uống cái cay đắng của phần đời đã qua và uống nỗi khát khao của phần đời sắp tới. Chính men rượu làm tinh thần Mị say nhưng tâm hồn cô bừng sáng sau bao tháng ngày làm trâu làm ngựa, và cũng chính lúc này, Mị dần lãng quên đi thực tại đang diễn ra trước mắt mình," Chén rượu hương đưa say lại tỉnh ". Nhưng đỉnh điểm của khát vọng đã thôi thúc Mị bước ra khỏi căn phòng tù đọng, u tối, Mị xắn mở để đốt đèn. Ánh sáng rọi sáng một góc phòng chật hẹp như rọi sáng khát vọng tự do của bản thân Mị. Và hình ảnh ngọn đèn của Mị làm ta liên tưởng đến ngọn đèn dầu của nhà chị Tí trong tác phẩm" Hai đứa trẻ "của nhà văn Thạch Lam, tuy chỉ với ánh sáng le lói nhưng rọi sáng cả một góc phố tối đen như mực, rọi lên những khát khao được sống hạnh phúc, ấm no của những người lam lũ nơi xó chợ nghèo. Và rồi Mị ý thức về sự nữ tính, muốn làm đẹp cho bản thân, Mị quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách để có thể diện thật đẹp, thật chỉnh chu để đi chơi như bao đám con gái khác trong làng. Đó là những hành động thể hiện niềm mong ước được đổi thay, là hành động tự phát, lặng lẽ nhưng đầy nhiệt huyết.

    Tuy vậy, trong cơn say, Mị đắm chìm trong khát vọng đi tìm tự do mà quên đi thực tại nghiệt ngã, không nhận ra sự có mặt của A Sử - hình tượng đại diện của cường quyền đã vùi dập Mị. Hắn trói Mị vào góc cột, sợi dây cứa vào thân mình Mị đau ứ như cứa vào tâm can, trói buộc tâm hồn đi tìm tự do, hạnh phúc của Mị.

    Đoạn văn đã sử dụng nghệ thuật đối lập" Quá khứ tự do với thực tại nghiệt ngã "cùng với nghệ thuật dựng cảnh, xen lẫn với ngôn từ đầy chất thơ vẽ nên được bức tranh hiện thực đời sống của Mị- hình ảnh đại diện cho tầng lớp bị áp bức, dẫu bị trói buộc, xiềng xích, vùi dập đến đâu đi chăng nữa thì trong họ vẫn luôn ẩn chứa những khát khao đi tìm tự do, hạnh phúc. Song, cao trào của câu truyện là những tình huống buộc nhân vật phải lựa chọn để qua đó, bộc lộ hành động, tính cách nhân vật, thể hiện được tư tưởng nhân đạo của tác giả.

    " Vợ chồng A Phủ "của Tô Hoài đã thể hiện được trọn vẹn giá trị nhân đạo- đó là thước đo cảm xúc, tình người trong mỗi tác phẩm, gợi sự cảm thông, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của con người lao động. Đồng thời, phê phán những thế lực tàn bạo đã giẫm đạp con người. Tác phẩm" Vợ chồng A Phủ "sẽ vượt qua các thách thức của thời gian để sống mãi với tâm hồn bạn đọc không chỉ bởi nhà văn đã đưa vào những" ý thơ trong văn xuôi "mà hơn hết ta cảm nhận được tấm lòng nhân đạo cao cả, luôn sẵn sàng" nâng giác mơ cho những kẻ cùng đường tuyệt lộ ".

    Nguyễn Minh Châu từng viết:" Nhà văn phải là người đi tìm những hạt ngọc ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn của con người". Với Tô Hoài, ông không chỉ tìm kiếm, phát hiện mà còn khơi nguồn vực dậy trong tâm hồn Mị sức sống, khao khát sống tưởng chừng như bị héo mòn, bị chôn vùi bởi những thế lực tàn bạo. Qua đó, nhà văn khéo léo gửi gắm quan niệm về cuộc sống của bản thân vào nhân vật của mình rằng: Sức sống của con người dù có bị giẫm đạp hay trói buộc thì chỉ cần có cơ hội là bùng lên mạnh mẽ.
     
    LieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...