Phân tích diễn biến nhân vật Mị: Ngày tết, Mị cũng uống rượu... rút thêm cái áo

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 29 Tháng mười một 2023.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đề bài: Đọc đoạn văn bản sau: "Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, uống ực.. A Sử nhìn quanh thấy Mị rút thêm cái áo".

    Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về ngòi bút nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.

    [​IMG]

    BÀI LÀM:

    Có một nhà văn mà mỗi lần đọc tác phẩm của ông là một lần ta bước vào một thế giới đa dạng của cuộc sống, của ngôn từ của những xúc cảm chân thực, đời thường. Đó là nhà văn mang bút danh Tô Hoài – một người nghệ sĩ có sức sáng tạo dồi dào, mãnh liệt. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng nhận xét: "Tô Hoài như một từ điển sống, một pho sách sống. Ông như cuốn Bách khoa toàn thư mà không Viện sĩ nào, không Học giả nào có thể sánh được." Không chỉ là người am hiểu về mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến, mà mỗi chuyến đi thực tế sáng tác còn là cơ hội để nhà văn mở mang, làm dày thêm vốn hiểu biết về phong tục tập quán của nhiều vùng miền đất nước. Và chuyến đi dài tám tháng lên với Tây Bắc xa xôi đã trở thành chuyến đi đáng nhớ không chỉ trong cuộc đời tác giả mà đó còn là một "chuyến phiêu lưu" đầy ý nghĩa của độc giả nhiều thế hệ theo bước chân Mị, bước chân A Phủ từ Hồng Ngài đến Phiềng Sa. Ai đã một lần đọc "Vợ chồng A Phủ" – một truyện ngắn xuất sắc của Tô Hoài – hẳn sẽ không thể quên một cô gái Tây Bắc có số phận bất hạnh mà luôn âm ỉ một sức sống tiềm tàng. Đoạn trích sau đã khắc họa thật ấn tượng sự trỗi dậy sức sống trong tâm hồn Mị:

    "Ngày tết, Mị cũng uống rượu.. A Sử nhìn quanh thấy Mị rút thêm cái áo."

    Câu chuyện về cuộc đời Mị là câu chuyện mà người dân nghèo ở Hồng Ngài còn nhớ mãi. Từ một cô gái trẻ trung xinh đẹp, yêu tự do và tràn đầy sức sống, Mị đã trở nên chai sạn, vô hồn, cứ "lùi lũi như con rùa nuôi sau xó cửa" khi bị bắt về làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Tiếng là con dâu nhưng Mị sống cuộc đời của một người ở không công, bị tước đoạt quyền tự do, bị bóc lột sức lao động, bị chà đạp lên những ước mơ. Mị cũng từng khóc tới mấy tháng liền cho bất hạnh của mình, từng sẵn sàng chết với nắm lá ngón trong tay, nhưng rồi vì thương cha mà Mị chấp nhận sống kiếp đời trâu ngựa. Sức mạnh của cường quyền và thần quyền những tưởng sẽ dập tắt được ngọn lửa của niềm ham sống trong người con gái nhỏ bé ấy. Nhưng không, trong Mị vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, một khát khao tự do đến cháy bỏng, chỉ cần có cơ hội, nó có thể bùng lên mạnh mẽ và quyết liệt.

    "Hồng Ngài năm ấy ăn tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội". Những tưởng gió rét sẽ làm lòng người thêm se sắt, sẽ chẳng còn nổi nhựa sống để yêu đời, huống hồ là một người đã "quen cái khổ" như Mị. Nhưng đó lại là yếu tố đầu tiên tác động tới tâm hồn Mị. Thời tiết khác lạ mà không khí đón xuân vẫn rộn ràng trước mắt Mị: Những chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ. Tiếng trẻ con nô đùa. Và đặc biệt là tiếng sáo ngoài đầu núi lấp ló vọng lại. Các giác quan mở rộng, từ xúc giác đến thị giác rồi thính giác. Mị dường như đã hoàn toàn thức tỉnh, như cái giây phút thức tỉnh đầy ý nghĩa của Chí Phèo sau những cơn say triền miên vậy. Mị thấy thiết tha bổi hổi. Mị hát và lòng đầy xuân sắc.

    Tiếng sáo, thứ âm thanh của tuổi trẻ, của tình yêu, của tự do đã ùa vào tâm hồn Mị, đánh thức miền quá khứ đẹp đẽ một thời con gái trong Mị. Cảm nhận những cơn sóng lòng đang trỗi dậy mạnh mẽ, "Mị lén lấy hũ rượu uống ực từng bát". Uống cho thỏa cơn khát hay uống để chế ngự những khát khao đang trào dâng? Hẳn là cách uống rất tâm trạng. Ta chợt nhớ cái cách Chí Phèo uống rượu, hắn uống để quên đi sự đơn độc, uống để thấy mình mạnh mẽ hơn. Ở đây, rượu đã khiến những khát khao của Mị trở nên mãnh liệt hơn, rượu đã đưa Mị vào thế giới khác với cái thực tại ê chề, bế tắc cô đang sống. "Lòng Mị đang sống về ngày trước", sống trong không gian ngập tràn tiếng sáo. Tiếng sáo ở hiện tại hòa vào tiếng sáo trong tâm tưởng. Tiếng sáo gọi bạn tình năm nào. Mị không chỉ nhẩm hát, mà mị còn uống rượu và thổi sáo. Dường như con người trẻ trung sôi nổi đã trở về trong Mị, cô không còn lầm lũi, buồn bã nữa. Tô Hoài đã khéo léo trần thuật linh hoạt, đan xen quá khứ hiện tại, với những câu văn ngắn gọn, tiết tấu nhanh tạo nên những mảnh ghép tươi tắn chập chờn của hạnh phúc và những khát khao của tư do và hi vọng..

    Một con người khi không còn thiết tha với thực tại, họ thường hay tìm về quá khứ để vực dậy những yêu thương. Tiếng sáo đã dẫn đường cho Mị trở về ngày trước, nơi đầy ắp những kỉ niệm của tuổi trẻ, của tình yêu: "Mị thổi sáo rất giỏi, thổi lá cũng hay như thổi sáo". "Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị". Mị nhớ những ngày xuân rạo rực ấy không phải chỉ bởi Hồng Ngài đang ở những ngày xuân mà còn bởi đó là những ngày tháng đáng sống nhất của Mị. Vượt lên trên sự cầm tù của cái nghèo cái đói, của món nợ truyền kiếp, Mị vẫn sống hết mình với nguồn sinh lực tràn trề vốn có của tuổi trẻ. Tiếng sáo chính là nhịp cầu nối những mùa xuân ngày trước với mùa xuân hiện tại, tiếng sáo thức tỉnh mùa xuân trong lòng Mị.

    Mị vẫn cứ say, rồi Mị lịm mặt ngồi đấy cho đến khi "người về, người đi chơi đã vãn cả", lòng Mị vẫn sống về ngày trước. Vẫn cái vẻ ngoài lùi lũi như vô cảm, vô thức nhưng những tàn làm dâu nhà thống lí khiến lòng Mị rạo rực, những xúc cảm chộn rộn của niềm vui sướng, sự hồi hộp thổn thức lẫn cả những khát khao..

    Hàng loạt những câu văn ngắn gọn được Tô Hoài sử dụng để diễn tả những suy nghĩ rất sáng rõ của Mị "Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi..". Mị thực sự đã nhận thức được giá trị của bản thân, nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống. Mị muốn bước ra khỏi căn phòng như tù ngục để đến với không gian của yêu thương hò hẹn. Nhưng khi Mị vừa ý thức quyền được vui chơi, quyền được tự do của mình thì cũng là lúc Mị nhận thức rất rõ tình cảnh éo le của Mị: Mị đã thực sự bị cầm tù trong cái gia đình không biết đến yêu thương. Mị đau đớn và muốn chấm dứt ngay cuộc sống không bằng chết ấy. "Giá có nắm lá ngón trong tay lúc này Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa!".

    Quả thực, khi con người ở tận cùng nỗi đau, tận cùng sự tuyệt vọng, con người muốn được giải thoát đến một nơi mà họ tin rằng sẽ không thể khổ sử hơn thế. Bởi vậy mà lúc này với Mị, nghĩ đến cái chết cũng là một biểu hiện đầy đớn đau của niềm ham sống một kiếp cho ra người.

    Những cảm xúc đối lập, vừa vui sướng vừa đớn đau cứ trào dâng trong lòng Mị khiến cô không thể ngồi yên. Tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường, tiếng sáo vẫn rập rờn trong đầu Mị, nó nhắc nhở, nó níu kéo Mị ở lại với cuộc đời này. Cùng với men say, nó khiến Mị trở nên mạnh bạo hơn, quyết liệt hơn. Từ suy nghĩ "muốn đi chơi" đến hành động "đến góc nhà, xắn thêm mỡ bỏ vào đĩa đèn rồi chuẩn bị váy áo cho một chuyến đi chơi, tất cả đều là bản năng trỗi dậy, là nhu cầu chính đáng của con người. Mị không quan tâm tới sự có mặt của A Sử, không sợ kẻ vũ phu tàn ác ấy bởi trong Mị lúc này chỉ còn một ngọn lửa khao khát tự do đang bùng lên mạnh mẽ, đang nung sôi từng mạch máu trong cơ thể Mị. Xắn thêm mỡ vào đĩa đèn không phải chỉ để khơi sáng không gian mà đó còn là sự khơi sáng chính tâm hồn Mị, tiếp thêm sức mạnh cho Mị bứt thoát khỏi sự tù túng bế tắc ấy. Sự chuẩn bị kĩ lưỡng và đàng hoàng của Mị từ việc cuốn lại tóc, lấy váy hoa, rút thêm cái áo càng cho thấy sự điềm tĩnh, chín chắn trong hành động, sự tin tưởng quyết tâm thực hiện mong muốn chính đáng của Mị. Mặc dù, tất cả đều diễn ra trước mắt A Sử là một sự liều lĩnh. Không phải Mị không đoán biết hậu quả của sự nổi dậy ấy, mà bởi Mị trân trọng và muốn nuôi dưỡng những cảm xúc đẹp đẽ vừa trở lại trong mình. Mị muốn một lần được thực hiện những mong muốn của bản thân dù có thể bị dập vùi đau đớn. Đó cũng là một hành động liều lĩnh như cái hành động nhặt vợ của Tràng trong câu chuyện" Vợ nhặt"của Kim Lân vậy. Phải chăng, khi con người nhận thức được giá trị của hạnh phúc thì không gì có thể cản ngăn họ tìm đến, không thế lực nào có thể dập tắt được những khát khao, ngay cả thần chết.

    Vẫn cái nhìn đầy nhân ái và giàu lòng trắc ẩn, Tô Hoài viết về những phận người khổ cực nơi vùng cao Tây Bắc bằng tấm lòng trân trọng nâng niu. Họ nghèo đói, họ lạc hậu, họ khổ sở đến chai lì đấy nhưng họ yêu tự do, trong họ luôn tiềm tàng sức sống bền bỉ, mãnh liệt vô cùng. Mị đã trở nên chai sạn đến thế mà khi nghe tiếng sáo mùa xuân là lòng Mị đột nhiên vui sướng và phơi phới trở lại. Đó là niềm tin mãnh liệt của Tô Hoài vào khả năng tự thức tỉnh của Mị cũng như của những người lao động cực khổ ở miền cao. Họ không cần đến sự giác ngộ bởi trong họ luôn sẵn niềm khát khao yêu cuộc sống. Đêm tình mùa xuân là đêm trỗi dậy mạnh mẽ và quyết liệt của Mị. Chỉ tiếc rằng, A Sử đã dập tắt ngọn lửa vừa kịp bùng lên ấy. Cường quyền đã lại trói buộc Mị với đớn đau tủi nhục. Chẳng có gì dễ dàng cả. Chỉ là, sau cái lần liều lĩnh ấy, độc giả tin tưởng Mị sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

    Và quả thực, đêm tình xuân chính là tiền đề cho một cuộc nổi dậy quyết liệt và triệt để của Mị sau này, khi dũng cảm cầm chiếc dao nhỏ cắt nút dây mây cởi trói cho A Phủ và bỏ trốn. Cuộc đấu tranh đơn độc của Mị với hai thế lực khủng khiếp của chế độ phong kiến miền núi Tây Bắc mang ý nghĩa to lớn. Đó là khởi đầu cho một cuộc cách mạng lớn đang đến rất gần. Nếu như Ngô Tất Tố xúi người nông dân miền xuôi nổi loạn thì Tô Hoài cũng góp thêm tiếng nói đấu tranh cho người lao động vùng cao tự giải phóng.

    Với tài miêu tả tâm lí nhân vật vừa tỉ mỉ vừa chân thực, cùng vốn hiểu biết phong phú và sâu sắc về cuộc sống và tâm hồn con người Tây Bắc, Tô Hoài đã tái hiện thật thành công sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đoạn trích đêm tình mùa xuân nói riêng, trong cả thiên truyện nói chung. Qua đó, người đọc không chỉ có thêm những hiểu biết về nếp sống, nếp suy nghĩ của con người nơi ấy mà còn cảm mến và trân trọng biết bao những con người trong khổ cực áp bức vẫn luôn khao khát hướng đến ánh sáng tự do, đấu tranh để giành lấy hạnh phúc trong cuộc đời. Câu chuyện về cuộc đời Mị vẫn còn đó những suy tư cho kiếp người: Không đấu tranh liệu hạnh phúc có tự đến với mình?
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...