Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Mị: Những đêm mùa đông trên...chạy xuống dốc núi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 29 Tháng mười một 2023.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đề bài: Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Mị trong đoạn trích sau để thấy được sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người trong đấu tranh tìm đến tự do: "Những đêm mùa đông trên núi cao dài và.. Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi". (Trích Vợ chồng A Phủ - Sách giáo khoa Ngữ văn 12 - Tập 2)

    [​IMG]

    BÀI LÀM:

    Mùa xuân này, Mị muốn xúng xính trong vậy hoa Không đi làm sao biết ngoài kia một mai là sương hay nắng tỏa Cơ hội này Mị sẽ nắm lấy, Mị chẳng cần một ai dắt tay! Hẳn những ca từ này không còn xa lạ với mỗi chúng ta, đó là một đoạn rap trong lời bài hát "Để Mị nói cho mà nghe của nhóm nhạc DTAP, Thịnh Kainz, Kata Trần. Ca khúc với âm điệu vui tươi và ca từ sôi nổi cuốn hút đã đem đến cho người nghe sự thích thú và tràn đầy phấn khích. Mị trong bài hát thật rực rỡ trẻ trung và rạng ngời hạnh phúc, nhưng có đọc" Vợ chồng A Phủ "của nhà văn Tô Hoài ta mới thấu hiểu số phận cuộc đời khổ cực cùng những đấu tranh dai dẳng, bền bỉ để vươn tới tự do của Mị. Hẳn người đọc vẫn còn nhớ cô Mị trong cái đêm định mệnh của cuộc đời với diễn biến tâm lí vừa phức tạp vừa bất ngờ mà rất chân thực qua đoạn trích sau:

    " Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn.. Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi. "

    Trong chuyến đi thực tế kéo dài tám tháng lên vùng cao Tây Bắc năm 1952 của mình, Tô Hoài có dịp tiếp xúc, tìm hiểu về cuộc sống và tâm hồn người dân. Cùng với chất liệu hiện thực và một cái nhìn đầy yêu mến những con người Tây Bắc kiên cường, nhà văn đã xây dựng hình tượng nhân vật Mị mang vẻ đẹp riêng độc đáo. Đó là một cô gái trẻ đẹp, có phẩm chất tốt, nhưng cuộc đời đầy cay đắng. Vì món nợ truyền kiếp của cha mẹ, Mị bị bắt làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá – tra. Cuộc sống của Mị thống khổ hơn trâu ngựa, bị bóc lột về sức lao động, bị cầm tù về tinh thần. Từ một cô gái yêu tự do, vô tư, hồn nhiên, Mị trở thành người đàn bà chai sạn, vô cảm, băng giá. Nhưng trong sâu thẳm con người ấy luôn ẩn chứa một sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Ngọn lửa của niềm ham sống, ham ánh sáng tự do ấy cứ âm i, và từng bùng lên nhưng rồi lại bị dập tắt, cho đến khi Mị gặp A Phủ, chàng trai tự do phóng khoáng của núi rừng bị thống lí tước đoạt quyền sống chỉ vì để hổ bắt mất một con bò. Ta thấy rằng, đoạn trích bắt đầu bằng đoạn kể về Mị trong những đêm mùa đông. Mị sưởi lửa suốt đêm." Mỗi đêm, Mị đã dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lưng không biết bao nhiêu lần. Các từ ngữ chỉ thời gian "những đêm mùa đông", mỗi đêm, các từ này cho thấy những hành động lặp đi lặp lại trong cảm giác buồn bã, tẻ nhạt. Mị thổi lửa hơ tay hơ lưng không phải chỉ để chống trọi lại vơi cái gió rét dữ dội khắc nghiệt của thời tiết mà còn để giữ mình không bị "chết héo" vì những đêm mùa đông dài và buồn ấy. Hình ảnh ngọn lửa, hành động sưởi lửa được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong một đoạn văn ngắn càng cho thấy vai trò to lớn của ngọn lửa với cuộc sống quẩn quanh, bế tắc của Mị. Ngọn lửa như là người bạn tâm tình, như một liều thuốc an thần, như cái cọc neo cuối cùng để Mị bám vào mà sống. Dường như, chỉ có hơi nóng của ngọn lửa mới đủ khiến tâm hồn băng giá của Mị không bị hoại tử. Càng nói nhiều đến ngọn lửa, và việc sưởi lửa, ta càng thấm thía cái cô đơn, lạnh lẽo trong tâm hồn Mị. Sau đêm mùa xuân nổi dậy không thành ấy, Mị lại trở về với trạng thái vô cảm vô hồn. Ngoài ngọn lửa, chẳng gì có thể khiến Mị quan tâm gắn bó.

    A Phủ đã bị trói đứng ở cột nhà mấy đêm liền, ngay chỗ Mị dậy thổi lửa hơ tay hơ lưng. Nhưng người đàn bà chai sạn ấy không mảy may nghĩ ngợi gì. "Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay". Không hề rủ lòng thương hại, thậm chí "Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi". Thế mới biết, sức mạnh của cường quyền, thần quyền ghê gớm như thế nào. Nó triệt tiêu ý thức về quyền sống của con người, triệt tiêu cả tính người.

    Sống lâu trong cái khổ Mị không còn biết đến khổ mà buồn, cũng không còn biết đến lòng thương với đồng loại. Đó cũng là một bi kịch đau đớn của người nghèo ở vùng cao Tây Bắc trước giải phóng. Họ không nhận thức được đâu là bất hạnh, đâu là nỗi đau thì làm sao còn ý thức đấu tranh?

    Người con gái vốn trẻ trung sôi nổi ấy giờ còn không biết đến cả cảm giác đau đớn về thể xác và nỗi nhục nhã về tinh thần. Mị bị A Sử đánh ngã ngay xuống cửa bếp. Nhưng sau Mị vẫn ra sưởi như đêm trước ". Đó không phải là cái kiên cường bám trụ của một con người ý thức được hành động mình đang làm mà Mị lúc ấy chỉ giống như một con vật lành bị ngược đãi mà không bỏ được thói quen cũ. Không sưởi lửa, Mị sẽ chẳng biết làm gì cho qua đêm dài..

    Tô Hoài càng đậm tô những biểu hiện của sự chai sạn cả về suy nghĩ, hành động và cảm xúc của Mị thì độc giả sẽ càng ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước sự hồi sinh kì diệu của Mị không phải do tiếng sáo gọi bạn tình lấp ló ngoài đầu núi mà lại là" một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại "của A Phủ đã làm tan chảy khối băng trong tâm hồn Mị. Vẫn là ngọn lửa quen thuộc" bập bùng sáng lên "soi cho Mị nhìn thấy A Phủ khóc – điều Mị chưa từng tưởng tượng ra, nó tác động mạnh mẽ hơn cả khi nhìn thấy cái xác chết đứng đó. Phải chăng, bởi đó là giọt nước mắt hiếm hoi của một người đàn ông, họ chỉ khóc khi ở tận cùng của tuyệt vọng? A Phủ yêu tự do và luôn sống tự do, phóng túng, anh không tin rằng chỉ vì mất một con bò mà thống lí có thể tước đoạt cả tự do, cả mạng sống của anh. Khi nhận ra đó là sự thật đang đến rất gần mà bản thân không có cách nào giải thoát mình, A Phủ đã khóc. Khóc cho những tháng ngày tự do không còn nữa, khóc cho một cuộc đời bị chấm dứt quá đỗi vô lí. Giọt nước mắt của uất hận, tuyệt vọng, đớn đau.

    Ai đó từng nói, nước mắt là miếng kính làm biến hình vũ trụ - quả thực, dòng nước mắt của A Phủ đủ sức mạnh để đánh thức lòng trắc ẩn trong người phụ nữ vô hồn kia. Mị" chợt nhớ "mình đã từng rơi vào tình cảnh như A Phủ. Đau đớn nhất là" nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được ". A Phủ cũng vậy, anh không thể che giấu giọt nước mắt của mình bởi anh cũng chẳng biết lau đi được. Thương thân mình là biểu hiện đầu tiên của sự hồi sinh trong tâm hồn Mị. Cô cảm nhận nỗi đau của A Phủ bằng chính nỗi đau đớn và nhục nhã về thể xác của mình trong suốt những năm tháng làm dâu khổ cực.

    Lời kể từ gián tiếp đột ngột chuyển thành lời nửa trực tiếp với câu cảm thán đầy phẫn uất" Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này ". Một câu văn chất chứa cả những xúc cảm của người kể và nhân vật, vạch trần sự tàn bạo có hệ thống, tác quái bao kiếp người của gia đình thống lí. Câu nói cũng cho thấy sự tỉnh thức không phải chỉ ở cảm xúc mà còn ở nhận thức bản chất tội ác nhà thống lí. Mị nghĩ đến người đàn bà làm dâu năm xưa cũng chết ở cái nhà này. Và đó là kết cục mà người đàn ông đáng thương kia phải gánh chịu, cũng như Mị, rồi sẽ" chết rũ xương "trong cực khổ mà thôi. Tâm trí Mị được khai thông, Mị đã hiểu ra" chúng nó thật độc ác ". Mị nhận ra bản chất của nhà thống lí và lên tiếng tố cáo bằng một sự căm giận đang dâng lên trong lòng. Sự thức tỉnh của nhận thức sẽ là ngọn đuốc soi đường cho những hành động sau này của Mị.

    Từ lòng đồng cảm sẻ chia và sự căm phẫn cái ác, cái xấu, Mị thấy thương A Phủ, cô hiểu sự phi lí trong cái chết của anh khi so sánh với thân phận của mình." Người kia việc gì mà phải chết thế. "Mị nghĩ mình có thể bị chết thế vào chỗ của A Phủ nếu A Phủ bỏ trốn," Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không sợ ". Bởi lúc này, tình yêu thương, lòng nhân ái trong con người Mị lớn hơn sức mạnh của cường quyền, thần quyền.

    Hành động cắt đứt dây cởi trói cho A Phủ trở thành một hành động phản kháng, quyết liệt. Lỗ Tấn từng nói" một tia lửa nhỏ hôm nay, báo hiệu một đám cháy ngày mai ". Ai đó cũng từng so sánh, nếu như coi đêm tình mùa xuân là một tia lửa nhỏ, thì đêm cởi trói cho A Phủ là đám cháy lớn, đám cháy bùng lên của khát vọng tự do, giải phóng thân phận con người. Thật chí lí.

    Mị lần trong bóng tối đến cắt dây cho A Phủ." Lần lần đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng. "Mị đã ý thức rất rõ về hậu quả việc làm của mình. Hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ trước đó rằng nếu phải chết thay cho A Phủ Mị cũng không sợ, lúc này, lòng khao khát sống trỗi dậy, khiến Mị không còn cam tâm chịu chết nữa. Mị sợ cuộc đời mình sẽ kết thúc vô nghĩa ở nơi tàn bạo này.

    " Mị đứng lặng trong bóng tối ". Câu văn ngắn gọn được tách dòng như phân định ranh giới giữa sự sống và cái chết. Trong Mị đang chơi vơi trong cuộc đấu tranh tâm lý rất gay gắt: Đi hay ở, sống hay chết, nô lệ hay tự do? Rồi tiếng gọi của tự do đã thôi thúc Mị hành động dứt khoát" Rồi Mị cũng vụt chạy ra ". Mị quyết liệt và dữ dội tìm đến với tự do" đuổi kịp ", lăn. Chạy, nói, thở" A Phủ, cho tôi đi" "Ở đây thì chết mất". Một lần nữa, nỗi sợ hãi cái chết lại đến với Mị. Đó là biểu hiện cao nhất của lòng ham sống. Mị đã tự mình cắt đứt sợi dây thần quyền và cường quyền trói buộc mình nhiều năm liền. Đó là sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mãnh liệt của người lao động, một phẩm chất cao quý của con người giữa cuộc đời đầy giông bão.

    "Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi", cuộc đời Mị sẽ vẫn sống những năm tháng tối tăm và vô nghĩa nếu không vụt chạy theo A Phủ. Tô Hoài đã để cho Mị tự nhận thức, tự giác ngộ bởi ông luôn tin tưởng ở khả năng tự giải phóng của Mị cũng như bao con người Tây Bắc chịu áp bức, cường quyền khác. Đó không phải chỉ là quy luật tâm lí thông thường mà còn bởi tâm hồn yêu tự do và luôn vươn lên trong cuộc sống như những cây xanh giữa đại ngàn của họ. Nếu như trong "Tắt đèn" Ngô Tất Tố xúi người nông dân nổi loạn thì ở đây, Tô Hoài đã góp phần thức tỉnh ý thức đấu tranh giành lấy tự do vốn có trong người lao động nghèo ở Tây Bắc. Họ như những con chim tự tháo cũi xổ lồng tìm đến với bầu trời tự do bằng đôi cánh của chính mình. Đó mới là cách mạng triệt để nhất, là hình ảnh đẹp đẽ nhất của khát vọng sống!

    Tô Hoài đã từng phát biểu: "Muốn viết văn, điều quan trọng nhất là chi tiết. Mà chi tiết thì không thể phịa ra được. Phải chịu khó quan sát, ghi chép, đọc và tiếp xúc càng nhiều càng tốt". Câu chuyện về sự trỗi dậy của Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ nói riêng, cả thiên truyện nói chung với những chi tiết giàu ý nghĩa là kết quả tốt đẹp của sự quan sát, tìm hiểu kĩ lưỡng và nghiêm túc trong nghề nghiệp của nhà văn. Cùng với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tỉ mỉ, chân thực và đầy tinh tế, sử dụng từ ngữ điêu luyện của mình, Tô Hoài đã cho độc giả thấy sức sống mãnh liệt của nhân vật Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ. Qua đoạn trích, tác giả cũng thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với nỗi khổ đau của nhân vật, tố cáo thế lực tàn bạo đã chà đạp lên con người, đồng thời phát hiện, trân trọng, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người và niềm tin vào khả năng tự giải phóng của người dân lao động được gửi gắm qua tác phẩm. Đoạn trích góp phần làm nên thành công cho truyện ngắn. Đọc tác phẩm, người đọc cũng thêm yêu mến và trân trọng tài năng cùng tấm lòng nhân ái của nhà văn, trân trọng những con người miền cao Tây Bắc mộc mạc mà kiên cường.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...