Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 27 Tháng mười hai 2022.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    Một ngày mới lại lên, ánh rạng đông lại rực rỡ nhưng đâu đó trên dải đất hình chữ S nói riêng và toàn thế giới nói chung vẫn còn hình bóng của những con người lam lũ, vất vả, chật vật với nỗi lo cơm áo mỗi ngày.

    Hãy theo dấu chân tôi để chúng ta cùng tìm hiểu sự khốn khó về vật chất nhưng hết mực đẹp đẽ về tâm hồn của một trong những mảnh đời bất hạnh tiêu biểu trong kho tàng văn học Việt Nam phong phú và đồ sộ nhé!

    Đề bài: Phân tích đoạn trích cảnh đợi tàu trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" - Thạch Lam.

    [​IMG]

    Bài làm

    Nếu như Vũ Trọng Phụng xuất sắc ở mảng đề tài về cuộc sống thành thị của một xã hội "chó đều", nếu như Nam Cao rực rỡ với những sáng tác về người nông dân, tri thức nghèo thì người con của nhóm Tự Lực Văn Đoàn – Thạch Lam lại hướng ngòi bút của mình vào cuộc sống của những người nông dân nghèo với những khám phá để đời về thế giới nội tâm phong phú bên cạnh những nỗi lo "cơm áo" của họ. Không có phát triển hay đỉnh điểm, cũng chẳng thắt nút hay mở nút nhưng lạ thay, người đọc vẫn chẳng thể thoát ra mà dần chìm sâu hơn vào thế giới nội tâm nhân vật Liên – một thế giới hoàn toàn mới mẻ mà Thạch Lam khéo léo mở ra, đặc biệt là trong cảnh đợi tàu.

    Cũng như nhiều truyện ngắn khác của ông, "Hai đứa trẻ" có sự hòa quyện giữa yếu tố hiện thực và trữ tình. Đây là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của Thạch Lam và được in trong tập "Nắng trong vườn". Chẳng phải ngẫu nhiên mà Thạch Lam đặt tên cho truyện ngắn này là "Hai đứa trẻ". Hai đứa trẻ gợi lên niềm thương cảm trước những mảnh đời tối tăm không đáng có. Và cũng không cần những lời lẽ diễn đạt cao độ, không lâm ly, than khóc nhưng ẩn trong ba tiếng đơn sơ ấy là cả một tấm lòng biết yêu, biết quý của Thạch Lam. Từ cái quẩn quanh, ngột ngạt của cuộc sống tù túng nơi phố huyện, người đọc vẫn thấy được một niềm tin ở tương lai dẫu cho nó thật mong manh và yếu đuối như chính cuộc đời của những con người nơi đây.

    Viết riêng về tầng lớp dân nghèo, Thạch Lam không chỉ quan tâm đến nỗi khổ vật chất mà với ông, cái đáng sợ nhất là sự sói mòn về tâm hồn. Thật may mắn thay, ta vẫn bắt gặp thứ ánh sáng lấp lánh của hy vọng ấy trong tâm hồn cô gái trẻ. Và đây cũng là lý do vì sao cả Liên và An đều mòn mỏi ngóng trông chuyến tàu hằng đêm mà chẳng bao giờ chán nản. Hai chị em Liên đợi tàu bởi vì "Mẹ vẫn dặn phải thức đến khi tàu xuống – Ðường sắt đi ngang qua ngay trước mặt phố – để bán hàng, may ra còn có một vài người mua". Thực chất, Liên và An là hai đứa trẻ ngoan, muốn nghe lời mẹ, nhưng hai chị em chờ tàu đâu phải để bán hàng, mà là để thỏa mãn nhu cầu về tinh thần hằng đêm. Đợi tàu đã trở thành một công việc thường nhật và quen thuộc và hai chị em chờ đợi trong tâm trạng háo hức, bồi hồi như chờ đợi giây phút giao thừa thiêng liêng. Chuyến tàu đến mang theo nhiều món quá quý giá vô hình không chỉ với Liên mà với nhiều đứa trẻ xóm nghèo khác nữa. Chính vì thế nên khi đã buồn ngủ díu cả mắt rồi mà An vẫn còn dặn với chị: "Tàu đến, chị đánh thức em dậy nhé." Chuyến tàu đêm từ Hà Nội về như một vệt lưu tình vụt qua trên nền trời, chói lòa trong giây lát để những con người cùng quẫn gửi gắm và ký thác ước mơ rồi lại nhanh chóng vụt tắt tựa như chưa từng xuất hiện, trả lại mọi thứ dáng hình vốn có của nó.

    Có một ai đó đã nói rằng: Hy vọng chính là một nghệ thuật sống. Đọc những trang viết của Thạch Lam, người ta cũng thấy một niềm hy vọng được nhen nhóm lên từ trong chính những khổ đau, mờ mịt của đời. Và trước những phút giây khắc khoải chờ mong thứ ánh sáng duy nhất trong ngày, những con người khổ đau nơi phố huyện đã phải chôn mình dưới ánh thống trị gần như tuyệt đối của bóng tối và tĩnh lặng. Cái tối tăm và quanh quẽ trào dâng như sóng nước, ồ ạt chảy xuôi và cứ thế nhấn chìm mọi hoạt động tẻ nhạt, vô vị của phố huyện như một điều hiển nhiên không thể bàn cãi. Tiếng "trống cầm canh" chẳng ai buồn nghe nhưng cứ vang đi xa mãi như chỉ đang hờ hững làm cho đủ trách nhiệm của mình và hình ảnh những con người lác đác trong đêm càng khiến cho không gian trở nên sáo rỗng và mệt mỏi hơn bao giờ hết. Sự chờ đợi trong khắc khoải như bào mòn mỗi người dân phố huyện. An đã tựa lên đùi chị ngủ thiếp đi còn Liên lại có "cảm giác mơ hồ không hiểu". Đó là sự không hiểu của cái "tuổi biết buồn" hay là sự khó lòng cam chịu của Liên khi trên bầu trời rực sáng những ánh sao mà quanh Liên chỉ có vài con đom đóm nhỏ bé, lập lòe. Sự chờ đợi với Liên vừa quen thuộc mà lại vừa xa lạ. Bởi "quá quen nên quá đỗi buồn cười" (Quanh quẩn – Huy Cận) hay bởi cái ước mong được Liên gửi gắm trên chuyến tàu cứ ngày một lớn dần lên, hôm nay gấp nhiều lần hôm qua và Liên chẳng bao giờ thấy nó cũ đi hay biến mất cả.


    [​IMG]

    Thạch Lam đã không làm mất đi trong ta ngọn lửa của niềm tin và hy vọng, bởi ngay lúc những người dân phố huyện Cẩm Giàng cần nhất, ánh sáng mà họ hằng ao ước đã tiến tới. Hình tượng con tàu mang theo bao nỗi gợi đã được ngòi bút Thạch Lam miêu tả một cách tỉ mỉ. Liên đánh thức An dậy một cách vội vã: "Dậy đi, An. Tàu đến rồi." Lời gọi đầy hối thúc và phần nhiều hơn đó chính là sự vui sướng, hứng khởi. Hai chị em chăm chú đợi chờ thời khắc tàu qua như sợ hãi rằng mình sẽ bỏ lỡ chút gì. Thoạt đầu, Liên trông thấy một "ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi", rồi âm thanh của đoàn tàu dần rõ ràng hơn và tiếng còi xe, tiếng xe rít mạnh vào ghi từ xa vang lại đánh thức tất cả mọi người. Tiếng "trống cầm canh" đã chẳng thể nào sánh nổi với âm thanh từ con tàu. Cùng là "vang xa" đấy nhưng một bên là chưa đi xa đã bị quên lãng, còn một đằng, là vừa mới le lói đã được nồng nhiệt đón chào.

    Tàu đến, mang theo các toa đèn sáng trưng, chiếu sáng suốt đoạn đường đi tới. Tàu hôm nay không đông như mọi hôm, nhưng thứ ánh sáng rực lên trong đêm vẫn không thể nào mất đi sức hút với những con người đang trong cơn nghèo khổ. Ánh sáng như làm bừng tỉnh cả con phố nghèo và Liên chỉ để ý thấy "những toa hạng trên sang trọng", "đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng". Ánh sáng mạnh mẽ từ con tàu trong giây lát đã đánh tan đi bóng tối hằng in sâu nơi phố huyện. Nó không còn là những ngọn đèn leo lét, những vệt sáng, đốm sáng cô đơn buồn tủi nữa mà là một thứ ánh sáng chói lòa mà mỗi con người nơi phố huyện đều khao khát vươn tới. Con tàu như mang đến "một chút thế giới khác" đi qua. Một thế giới mới với đầy màu sắc, ước mơ, và tuyệt nhiên không còn bóng tối, không còn buôn tẻ, không còn quầy hàng im ắng và cũng chẳng còn những giây phút phải đợi chờ trong khắc khoải mênh mang. Đoàn tàu đi qua khiến phố huyện huyên náo và sôi nổi. Đó là sự háo hức, say mê, sự dồn tụ của bao niềm mong mỏi suốt một thời gian dài của Liên, An và những con người đau khổ, túng quẫn nơi đó.

    Phải chăng khi con tàu đi qua sẽ giống như những gì Tế Hanh đã viết:


    "Tôi thấy tôi thương những con tàu

    Ngày đời không đủ sức đi mau

    Có chi vương víu trong hơi máy

    Với những toa đầy nặng khổ đau."

    Liệu rằng khi tàu đi qua, ánh sáng vụt tắt, khổ đau "đầy nặng" sẽ bị ném lại nơi phố huyện điêu tàn? Không đâu. Nhà thơ ThếLữ trong bài viết "Tính cách tạo tác của Thạch Lam" đã nhận xét rằng, Thạch Lam là người "sống hết cả từng ý văn, từng câu văn anh viết trên giấy. Sự thực của tâm hồn mà Thạch Lam diễn tả trong lời của văn chương phức tạp nhiều hình nhiều vẻ, nhưng bao giờ cũng đằm thắm, cũng nhân hậu, cũng nghẹn ngào một chút lệ thầm kín của tình thương" Ta có một niềm tin mãnh liệt vào lòng thương nơi Thạch Lam và dẫu có ra sao, con người đáng kính ấy vẫn sẽ không bao giờ chặt đứt nguồn sống của những con người nghèo khổ. Và sự thật rằng, khi con tàu đi không thể mang theo nỗi lo toan, muộn phiền của những người dân phố huyện nhưng nó cũng đã để lại trong tâm hồn những con người nơi đây baog bâng khuâng, tiếc nuối, xúc động và mơ tưởng.

    Con tàu vụt thoáng qua rồi lại đi dần vào đêm tối mênh mông, vô định, có chăng còn lại theo gió chỉ là "những đốm than đỏ bay tung". Tiếng vang động của các toa xe "đã nhỏ rồi, và mất dần trong bóng tối, lắng tai cũng không nghe thấy nữa" mà hai chị em Liên vẫn cứ nhìn theo mãi. Phố huyện lại trở về với đêm tối mênh mông và yên ắng. Chị Tí, Bác Siêu đã sửa soạn trở về, An cũng đã ngủ say nhưng còn Liên, Liên vẫn lặng theo những mơ tưởng. Những tiếng còi xe, những ánh sáng chói lòa đã qua đi nhưng trong lòng cô gái bé nhỏ vẫn không ngừng thổn thức.

    Riêng với Liên, đoàn tàu đem đến cho cô bé những hồi ức xa xôi, là những khi gia đình còn khá giả. Ngày thầy Liên còn có việc, Liên được đến bờ hồ uống những cốc nước xanh, đỏ, được sống những ngày tháng đủ đầy về vật chất và tinh thần. Liên nghĩ về Hà Nội: "Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo." Một Hà Nội trong kí ức tươi đẹp mà cô bé vẫn luôn ước mong được qua về. Đoàn tàu còn khiến Liên suy nghĩ đến tương lai, Liên mong mỏi một cuộc sống tốt đẹp và ấm no hơn cho bản thân và mọi người, một cuộc sống "tươi sáng hơn" cho phố huyện nghèo nàn. Và kết thúc tác phẩm, Thạch Lam còn mở ra trước mắt người đọc nỗi suy tư về tình cảnh của bản thân Liên hiện tại: "Sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ". Còn gì đớn đau hơn khi đã nhận ra bi kịch của đời mình mà chẳng thể nào lay đổ hay xoay chuyển được. Liên nhận ra sự mù mịt, tăm tối, chẳng thể thấy tương lai của cuộc đời mình nhưng bóng đêm cứ ập đến, nhấn chìm dần và khi đôi mắt cô bé nhắm lại, bóng tối chính thức bủa vây, nặng nề không lối thoát.


    [​IMG]

    Còn với những người lao động nghèo nơi phố huyện ấy, bao gồm cả gia đình Liên. Đoàn tàu đến mang theo một món quà quý, đó là một liều thuốc tinh thần, xoa dịu con tim và thể xác mỗi người dân phố huyện. Họ mệt mỏi với những công việc quá đỗi tẻ nhạt hằng ngày. Họ đớn đau, xót xa cho kiếp người tàn người tạ của mình và rồi họ cần có một thứ gì đó, một nơi nào đó để gạt bỏ nỗi niềm. Đó là đoàn tàu, là chuyến tàu đem theo ánh sáng thoáng qua mỗi đêm trên phố nhỏ. Rõ ràng, giá trị nơi con tàu đâu phải là giá trị vật chất mà nhiều hơn đó là giá trị về tinh thần. Đoàn tàu đến mang theo những ánh sáng lấp lánh, mang theo những âm vang sinh động ở đời. Thế nhưng. Thật đáng tiếc thay, đoàn tàu ấy lại thuộc về một miền đất hứa, một miền đất mà Liên và những con người nơi đây chỉ có thể khắc khoải hướng về. Đoàn tàu qua đi nhưng vẫn nhen nhóm trong lòng những cây cỏ kiên cường nơi ấy một ước mơ âm ỉ, để rồi chỉ cần một mồi lừa đến, những ước mơ, những khát vọng của họ sẽ bùng lên, tựa như loài phượng hoàng trong truyền thuyết, bất tử và bất diệt.

    Vậy còn với Thạch Lam thì sao? Chuyến tàu ấy không chỉ thể hiện cái nhìn lạc quan về con người trước cuộc sống mà còn là sự thương cảm của một cây bút tài năng cho những kiếp người khốn khổ. Và khi nhà văn miêu tả nỗi khát khao bé nhỏ hết sức tội nghiệp của chị em Liên, ông không chỉ muốn qua đó thể hiện bức tranh hiện thực cuộc sống và tâm hồn con người mà hơn thế, nhà văn còn gợi lên trong ta những khát khao cao đẹp, những ước muốn được đấu tranh cho sức sống tươi đẹp của con người, "làm cho con người tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn" (Sô – lô – khốp)

    Với Thạch Lam, "cái đẹp chính là sức sống" (Secnusepski). Không có gì cao cả hơn sức sống trên trái đất này và thông qua "Hai đứa trẻ", nhà văn đã mang đến cho ta một niềm tin về cuộc sống, thức tỉnh ta thoát khỏi kiếp sống mòn mỏi, bế tắc, ngột ngạt về tinh thần. "Hai đứa trẻ" – Một cốt truyện đơn giản, một giọng văn nhẹ nhàng, bình dị, sự kết hợp tinh tế giữa tính hiện thực và chất trữ tình cùng cách miêu tả nội tâm nhân vật sâu sắc đã khơi dậy cho người đọc biết bao cảm xúc thuần khiết, dịu êm như những lời ru từ ngàn xưa của mẹ, của bà. Thạch Lam đã có những chất liệu nghệ thuật vô cùng hoàn hảo để giúp tác phẩm vượt ra khỏi sự trói buộc của lối văn chương cũ để thể hiện cái tài riêng nổi bật của chính nhà văn.

    Suốt đời tâm huyết với văn chương và những năm thán ngắn ngủi của những ngày trên đời này, Thạch Lam đã đem trái tim mình đặt lên trang viết, dùng máu nơi đầu huyệt làm nghiên mực mà tạc lên những tượng đài ngôn ngữ còn mãi trong vũ trụ văn chương nghệ thuật Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Bằng "những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học" như "Hai đứa trẻ" và đặc biệt là qua đoạn trích cảnh đợi tàu, Thạch Lam xứng đáng với lòng yêu quý và trân trọng của mỗi người độc giả chúng ta và xứng đáng với thiên chức của một người nghệ sĩ tài hoa, mẫu mực.
     
  2. thumai227

    Bài viết:
    20
    Có nhiều hình ảnh ước gì hồi trước đi thi mà nghĩ ra :V
     
  3. Lagan

    Bài viết:
    635
    Vậy hãy share bài cho em, cháu hoặc người thân của bạn! Để không hối tiếc như bạn vậy!

    *bafu 64**bafu 64**bafu 64*
     
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Bài viết sâu sắc, kĩ năng viết tốt lắm em! 8+ nắm chắc trong tay. Thích nhất là cách em vận dụng các nhận định văn học.
     
    Ngọc Thiền SầuLagan thích bài này.
  5. Lagan

    Bài viết:
    635
    Em cảm ơn cô ạ!
     
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Em từng qua "lò" luyện đội tuyển HSG chứ?
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...