Phân tích bài thơ Bảo kính cảnh giới số 43 - Nguyễn Trãi (Cảnh ngày hè - Theo SGK Văn 10)

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 20 Tháng ba 2024.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Đề bài: Phân tích bài thơ Bảo kính cảnh giới số 43 (Nguyễn Trãi)

    "Rồi hóng mát thuở ngày trường,

    Hoè lục đùn đùn tán rợp trương.

    Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

    Hồng liên trì đã tịn mùi hương.

    Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

    Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

    Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

    Dân giàu đủ khắp đòi phương."

    [​IMG]

    - Bài làm _


    Trong cuộc sống huyên náo sôi động ngày nay, dễ thấy khi cô đơn lạc lõng bủa vây, chúng ta thường mất kết nối, sống chênh vênh, buông thả. Đơn độc giữa dòng đời đã là chuyện không lạ đối với con người từ xưa đến nay. Nhưng xuyên về lịch sử cách đây 200 năm, có nhà triết học lớn người Anh Bysshe Shelley đã từng thủ thỉ: "Thi sĩ là một con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để làm vui cho sự cô độc của chính mình." Đọc những chiêm nghiệm ấy, tôi bất chợt nghĩ đến Nguyễn Trãi. Ông cũng là một nhà thơ cô độc giữa đất nhà Lê, không có tri kỷ, không được hiểu thấu. Nhưng bóng tối thời đại không ngăn được ánh sáng tâm hồn của Nguyễn Trãi, mà ngược lại, chúng còn làm cho thơ ông tinh khôi, trong trẻo hơn. Với đầy đủ những giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc, Bảo kính cảnh giới số 43 chính là một bản nhạc buồn êm dịu giữa kho tàng "âm nhạc" đồ sộ của "tâm hồn cao cả và đa cảm" Nguyễn Trãi.

    "Rồi hóng mát thuở ngày trường,

    Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.

    Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

    Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

    Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

    Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

    Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

    Dân giàu đủ khắp đòi phương."

    Bài thơ nằm trong chùm thơ Bảo kính cảnh giới, thuộc phần Vô đề của Quốc âm thi tập - tập thơ đại thành đầu tiên bằng tiếng Việt sử dụng chữ Nôm trong lịch sử. Thực ra, trước Nguyễn Trãi, thơ nôm đã xuất hiện và để lại chứng tích ở đời với Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, nhưng hầu hết tác phẩm của họ đã thất truyền. Những tác phẩm còn sót lại được viết khá bóng bẩy nhưng vẫn còn mang nặng khuôn sáo thơ cổ điển Trung Hoa. Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi chính là văn bản quan trọng trong việc tạo dựng diện mạo dòng thơ Hán luật chữ Nôm ở thời kỳ sơ khai của nền văn học dân tộc.

    Có một điều đặc biệt là tập thơ được viết khi Nguyễn Trãi từ chối cuộc sống xa hoa và tham nhũng của triều đình, quyết định lánh xa chốn quan trường đầy rẫy nguy hiểm, cáo quan về sống ẩn dật tại Côn Sơn để tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Trong đó, chùm thơ Bảo kính cảnh giới trở nên nổi bật vì thể hiện được rõ tư tưởng, nhân cách của một bậc lương thần chưa bao giờ nguôi nỗi lo dân nước, đồng thời phản chiếu những vẻ đẹp phong phú của một tâm hồn nghệ sĩ. Nằm giữa 61 bài thơ Nôm tuyệt đẹp trong cả chùm thơ khổng lồ ấy, Bảo kính cảnh giới số 43 không hề bị mờ nhạt, mà vẫn nổi bật tinh thần chung của cả Quốc âm thi tập.

    Đúng như cái tên "gương báu răn mình", bài thơ đúc kết những khuôn vàng thước ngọc mà nhà thơ dùng để tự khuyên răn bản thân và bảo ban con cháu trong nhà giữ vững đạo đức, nhân phẩm theo đúng lời dạy của thánh hiền.

    "Rồi hóng mát thuở ngày trường"

    Đối lập giữa cuộc đời tất bật, bận rộn với công việc triều chính là một thoáng thư nhàn hiếm hoi nơi làng quê. Nhưng là người "thân nhàn nhưng tâm không nhàn", Nguyễn Trãi không coi đây là niềm vui thư giãn. Bài thơ thuộc thể thất ngôn bát cú Đường luật nhưng câu thơ trên lại chỉ có 6 chữ, cho thấy có sự phá lệ ở ngay dòng thơ đầu tiên. Những tiếng dồn một cục như có sự ứ nghẹn, chất chứa bao nỗi niềm cay đắng. Lúc rỗi rãi ngồi hóng mát là việc thường tình, song cụm từ "thuở ngày trường" mới ẩn chứa trạng thái tâm lý của thi nhân. Người ta chỉ cảm thấy thời gian trôi đi chậm chạp khi trong lòng mang nỗi sầu muộn mênh mang. Thời gian vật chất ở đây đã trở thành thời gian tâm trạng: Thời gian của nỗi buồn, của sự thừa thãi không đáng có. Câu thơ ngắt nhịp 1/2/3, chữ "rồi" đứng riêng một nhịp nhấn mạnh cái rỗi rãi đầy éo le, cuối câu ngân từ "trường" làm cho lời thơ như một tiếng thở dài não nuột. Một ngày như giãn ra, kéo theo tâm trạng trùng xuống. Ta thấy đằng sau vần thơ là hình ảnh một ông lão tay cầm quạt giấy "Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh/Áo bô đen cật vận xềnh xoàng" đang đi dạo giữa tiết trời mát mẻ, trong lành, nhưng khuôn mặt buồn man mác, ưu tư. Một người năng động, ưa xông pha giúp người giúp đời như ông lại phải sống trong cảnh ẩn dật: Cày nhàn, câu vắng là điều khó có thể chấp nhận. Vì thế câu thơ mở đầu tưởng chừng như đơn giản mà chất chứa một nỗi buồn day dứt.

    [​IMG]

    Với tâm trạng buồn chán ấy, Nguyễn Trãi tìm đến với thiên nhiên; lấy thiên nhiên làm cứu cánh để vơi bớt nỗi buồn, để nương tựa và tìm cho mình một "gương báu". Và gương báu ấy hiện ra trước mắt ông:

    "Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.

    Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

    Hồng liên trì đã tiễn mùi hương."

    Thông thường thi nhân xưa đến với thiên nhiên thường bằng bút pháp "vịnh vật", tức khái quát hóa, điển hình hóa đối tượng nghệ thuật. Nhưng ở đây, Nguyễn Trãi lại thiên về bút pháp "tức cảnh" để nói về phong cảnh trước mắt. Dưới ngòi bút của người nghệ sĩ, ba câu thơ tiếp theo mở ra một bức tranh cuối mùa hè đầy sinh động và giàu sức sống, đối lập với tâm trạng cô độc của người ngắm cảnh.

    Những động từ mạnh "rợp giương", "phun thức đỏ", "tiễn mùi hương" đã diễn tả trạng thái xô đẩy cựa quậy, vận động từ bên trong của sự vật. Tất cả như ứa căng, tràn đầy, không kìm lại được, phải trào phun hết lớp này đến lớp khác. Câu thơ nằm im lìm trên trang giấy mà lại khiến người đọc có cảm giác như đang xem một thước phim tua nhanh quá trình "lớn" của cỏ cây. Đầu tiên là cây hòe um tùm, xum xuê, "trương" lên như chiếc lọng, tỏa bóng mát che rợp sân ngõ, vườn nhà. Vào mùa hè, hoa hòe nở, màu trắng ngà thơm dịu, được người nông dân hái làm dược liệu hoặc làm chè giải nhiệt. Trong văn học, cây hoè thường gắn liền với điển tích "giấc hòe" (giấc mộng đẹp) và "sân hoè" (chỉ nơi cha mẹ ở). Truyện Kiều có câu: "Sân hòe đôi chút thơ ngây/ Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình". Trong thơ Ức Trai và Lê Thánh Tông, hình ảnh cây hoè xuất hiện nhiều lần được miêu tả bằng một thứ ngôn ngữ trau chuốt, đậm đà:

    "Lại có hoa hoè chen bóng lục"

    ( "Cảnh hè" – Ức Trai)

    "Rợp rợp màn hoè bóng mới xây,

    Choi chói hoa vàng đưa gió

    Đùn đùn tán lục gương mây".

    ( "Màn hoè" – Lê Thánh Tông)

    Vậy là từ thiên nhiên, Nguyễn Trãi tìm thấy một gương báu cho mình: Cây hòe kia còn bất chấp sự khắc nghiệt của nắng hè để vươn lên, khẳng định sức sống mãnh liệt của nó, vậy bản thân ông đã làm điều đó được hay chưa? Thích thú, mến yêu, thi nhân lại tìm về phía hiên nhà - nơi khóm thạch lựu đang trổ hoa rực rỡ:

    "Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ".

    "Thức" là tiếng cổ chỉ màu sắc, dáng vẻ. Trong cành lá xanh biếc, những đóa hoa lựu như chiếc đèn lồng bé tí phóng ra những tia lửa đỏ rực. So sánh câu thơ này với một câu tả cảnh tương tự của Nguyễn Du: "Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông", ta thấy cả hai thi sĩ tài ba đều có cái nhìn tinh tế đối với cảnh vật. Nếu như với tính từ "lập lòe", ND nghiêng về tạo hình thì NT lại dùng động từ "phun" để lột tả sức sống. Sắc đỏ thắm của những bông hoa thạch lựu không hề tồn tại cố hữu ở một địa điểm mà nó có xu hướng lan tỏa vào không gian, vào tâm hồn thi nhân, tạo ra những cảm giác vấn vương, rạo rực.

    Sang đến câu thơ thứ bốn, "Hồng liên trì đã tiễn mùi hương", nếu hiểu theo nghĩa thời nay, ta sẽ nghĩ hương sen đang nhạt phai, tàn lụi dần, đúng với thời điểm cuối hè. Nhưng thực chất theo nghĩa cổ, "tiễn" lại là đầy, thừa; vậy là sự sống càng mãnh liệt với hương sen thơm ngào ngạt bất chấp thời gian. Mùi thơm của loài sen đã gợi nhắc cho ông phẩm chất cao quý của nó "Từ bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn."

    Hai câu thực hài hòa, đăng đối, đảm bảo đúng tính đối trong thơ Đường, nhưng lại mới mẻ hơn bởi cách ngắt nhịp 3/4 hoàn chỉnh (khác với nhịp truyền thống 4/3), giúp tập trung tối đa sự chú ý của người đọc vào đối tượng trữ tình.

    [​IMG]

    Thi nhân đã đón nhận cảnh vật với nhiều giác quan: Thị giác, thính giác, khứu giác. Cùng viết về cảnh mùa hè, nhưng các tác giả thời Hồng Đức đem đến một góc nhìn mộc mạc và dung dị, thô sơ:

    "Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi

    Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè."

    Hay:

    "Mai gầy liễu guộc, cỏ le te

    Biết chạy làm sao khỏi nắng hè?"

    (Lại vịnh nắng mùa hè)

    Nhưng Nguyễn Trãi không thế. Ông nhìn cảnh vật với con mắt trìu mến, giàu tính thẩm mỹ. Nguyễn Trãi giao cảm với thiên nhiên mạnh mẽ nhưng tinh tế và sâu sắc là thế. Ông nhìn ra điểm tốt, điểm tích cực của thiên nhiên, coi đó là tấm gương báu để soi mình. Với ông, ba loài cây vô tri vô giác cũng biết vượt lên trên hoàn cảnh để nảy nở sinh sôi, ý chí đó đáng để ông học tập và rèn luyện. Thiên nhiên trong thơ Ức Trai luôn hữu tình, gần gũi, thân thuộc như thế. Đó cũng chính là quê hương đang khẽ ấp ôm, bảo bọc tâm hồn cô đơn, lạc lõng của Nguyễn Trãi, xoa dịu nỗi đau đời trong ông. Ý thơ trĩu nặng suy tư, nhưng tình yêu quê lại khiến lời thơ trở nên thật nhẹ nhàng, thanh thoát, kín đáo.

    [​IMG]

    Nguyễn Trãi chán ghét cảnh quan trường; ông từng coi cuộc đời là giấc mộng "Cuộc đời như một giấc mơ/Tỉnh ra muôn sự thành hư ảo rồi"; ông đành "lánh đục về trong", mượn "Cò nằm hạc lẩn nên bầu bạn", lấy thú vui bên "tùng, cúc, trúc, mai". Vậy mà âm thanh cuộc sống đời thường cứ tha thiết trong thẳm sâu tâm hồn "Náu về quê cũ bấy nhiêu xuân/Lẳng thẳng chưa lìa lưới trần". Có thể thấy, sang nửa sau của bài thơ, tinh thần của cỏ cây đã ngấm vào thi nhân:

    "Lao xao chợ cá làng ngư phủ

    Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

    Tâm thanh thản, tĩnh lặng phần nào mới cảm nhận thấy cảnh vật thanh bình, yên vui. Âm thanh" lao xao chợ cá "kia không chỉ là nhịp sống dội tới từ phía làng chài mà còn là chính tiếng lòng tác giả đang rộn rã niềm vui trước cảnh" dân giàu đủ ". Nguyễn Trãi đã có cái nhìn tin yêu hơn với cảnh vật xung quanh. Cuộc sống vẫn đầy rẫy những thiếu thốn khó khăn, nhưng người dân quê chẳng bất lực, ỉu xìu, ngược lại họ chăm chỉ hơn, nỗ lực lao động hơn, quả là tấm gương về sự lạc quan, nghị lực. Cùng với tiếng ve râm ran, nhà thơ đặc tả khung cảnh một chiều hè làng quê lúc hoàng hôn buông dần xuống mái lầu. Đó là một nét vẽ đậm chất quê hương, không bị lẫn với hình ảnh ước lệ nào của văn thơ Trung Quốc.

    Trở về Côn Sơn quê cũ, Ức Trai đã từng bồi hồi" trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn ", giờ đây ông lại thả hồn mình trong khúc ca dân dã" cầm ve ". Tiếng ve lúc xế chiều thường gợi nhiều bâng khuâng, vì ngày tàn, màn đêm đang dần ngự trị. Nhưng với ông, tiếng ve râm ran, inh ỏi gần xa đã trở thành lời thôi thúc, động viên ông hãy tiếp tục nhóm lên những nhiệt huyết nơi đáy lòng.

    Thế nên mới có hai câu thơ cuối:

    " Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

    Dân giàu đủ khắp đòi phương. "

    Tại sao Nguyễn Trãi lại hướng về một xã hội chỉ tồn tại trong truyền thuyết Trung Hoa? Phải chăng" Thời đại hoàng kim là thời đại đã qua "(Gurevich) ? Lật giở những trang" Đại Việt sử ký toàn thư ", ta mới thấy điều Ức Trai mơ ước là hợp lý. Khi ấy, sử chép đại thần gièm pha giết hại lẫn nhau, hạn hán xảy ra liên miên, nạn trộm cướp trong nước hoành hành," Vua hàng ngày vui đùa với bọn hầu cận ở trong cung, các đại thần muốn khuyên vua học, cùng nhau tâu lên [..] Vua sai Đinh Phúc trả lại tờ tâu không nhận ", nhân dân khổ cực, lầm than. Vì vậy, Nguyễn Trãi mới khát khao có một triều đại lý tưởng như triều Nghiêu Thuấn để dân được hạnh phúc ấm no.

    Theo thần thoại Trung Quốc, vua Thuấn làm chiếc đàn 5 dây, ca bài" Nam phong ". Trong khúc hát Nam phong có câu" gió Nam hòa ấm có thể giải được sự oán hận của dân, gió Nam hợp thời có thể làm cho dân ta thêm nhiều của cải ". Nguyễn Trãi ước có chiếc đàn của vua Thuấn để biến tâm nguyện lớn nhất của mình thành sự thật. Thi nhân ôm hoài bão giúp dân xây dựng đời sống thái bình. Nguyễn Trãi mô hình hóa xã hội theo ý thức hệ của giai cấp thống trị. Gảy khúc Nam phong xứng đáng là khuôn mẫu hành xử đối với nhà nho hành đạo. Đó là chủ trương nhập thế, chủ trương nhân trị, đức trị chứ không phải thái độ ẩn dật" đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ ". Phải chăng nhờ những con người như Nguyễn Trãi mà sau này nước ta mới có một Hồng Đức thịnh trị vang danh muôn đời?

    [​IMG]

    Đến đây, quay trở lại câu thơ thứ nhất, ta mới hiểu" rồi "ở đây thực chất chỉ là một giả định: Khi rảnh rỗi thì hóng mát, lui về chốn quê bình dị ngắm cảnh thiên nhiên, không bị vướng vào chính sự. Nguyễn Trãi lấy cảnh ngày hè để hình dung về tương lai mà mình mong ước. Cụm từ" Rồi hóng mát "thể hiện một phong cách sống đẹp đẽ. Nho sĩ nói tới việc hóng mát hát ca đồng nghĩa với công thành danh toại. Trương Lương khi giúp Lưu Bang lập nghiệp lớn xong thực thi ngay châm ngôn" công thành thân thoái ". Phạm Lãi sau khi giúp Câu Tiễn rửa nhục Cối Kê cũng liền trả ấn tướng quốc ngao du sơn thuỷ. Khi Nguyễn Trãi nói" Rỗi hóng mát thuở ngày trường "tức là ông mơ ước" công danh đã được hợp về nhàn ". Dĩ nhiên, nhà nho chỉ về nhàn khi đã hoàn thành xuất sắc bổn phận của một thần tử: Xây đắp và giữ gìn được cảnh thái bình thịnh trị cho chế độ chuyên chế. Có thể nói, ngay từ đầu, Nguyễn Trãi đã có nguyện vọng đem tài năng của mình giúp vua trị nước an dân.

    Với Nguyễn Trãi, vui hay buồn, lo âu hay thanh thản, tất cả đều xuất phát từ cuộc sống của nhân dân. Dù ở sắc thái tình cảm nào thì tấm lòng Ức Trai với nước, với dân chỉ là một:

    " Sách một hai phiên làm bầu bạn

    Rượu năm ba chén đổi công danh

    Ngoài chưng phận ấy cần đâu nữa?

    Cầu một: Ngồi coi đời thái bình. "

    (Tự thân – Bài 10)

    Câu cuối lại là một câu lục ngôn tạo ra sự cân xứng với câu đầu. Một câu thơ sáu chữ nhưng tất cả đều đề cập đến số đông, nhằm diễn tả một ước mơ lớn: Dân - nhiều người, giàu - nhiều tiền của, đủ - nhiều vật chất, tinh thần; đòi phương - nhiều hướng nhiều nơi. Ước mơ của Nguyễn Trãi là ước mơ cho người chứ không phải ước mơ cho mình, ước mơ cho muôn dân, ước mơ tận thôn cùng ngõ vắng chứ không phải một nơi, một chốn cụ thể nào. Một lần nữa," gương báu răn mình "lại xuất hiện ở tư tưởng thân dân và khát vọng cao quý" Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn ". Có thể xem Bảo kính cảnh giới số 43 là bức tranh tâm hồn của Ức Trai, là quan niệm sống, lý tưởng sống mà ông hằng vươn tới.

    Như vậy với" Bảo kính cảnh giới "số 43, Nguyễn Trãi đã tìm thấy cho mình và cho đời những" gương báu "từ thiên nhiên, từ cuộc đời để vững niềm tin; lấy lại ý chí tận hiến. Bài thơ khép lại mà người đọc vừa bùi ngùi, vừa phấn chấn. Bùi ngùi cho cảnh ngộ của một con người tài đức vẹn toàn" sáng tựa sao Khuê ". Phấn chấn vì trong cảnh ngộ đớn đau buồn tủi mà Nguyễn Trãi vẫn vượt lên trên tất cả, tìm cho mình lẽ sống lớn, niềm vui lớn: Vì nước, vì dân.

    [​IMG]

    Bên cạnh giá trị tư tưởng, bài thơ giúp khẳng định vị thế" bông hoa đầu mùa tuyệt đẹp của thơ nôm Việt Nam"(lời học giả Lê Trí Viễn) của Nguyễn Trãi còn bởi những nét tài hoa nghệ thuật. Nguyễn Trãi đã nhận thức được giá trị và chú tâm khai thác vốn từ ngữ của Tiếng Việt, một ngôn ngữ có đặc tính đẹp đẽ, tinh tế, giàu âm điệu, giàu tính tượng hình. Ông đã chọn lọc, sáng tạo thêm và sử dụng chúng trong thơ với tư cách là những từ ngữ văn học nôm đích thực, đầy dễ hiểu, gần gũi như: Hòe lục đùn đùn, thạch lựu phun thức đỏ, hồng liên tiễn mùi hương, chợ cá lao xao, cầm ve dắng dỏi.. Bên cạnh đó, ngoài việc tuân thủ chặt chẽ quy cách thơ Đường luật như gieo vần vào cuối câu 1, 2, 4, 6, 8; vận dụng thi pháp tả cảnh ngụ tình cùng hệ thống thi liệu tả thực mang tính khái quát cao, tác phẩm còn là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Trãi bởi việc cải biến thể thơ bằng cách xen 2 câu lục ngôn đầu và cuối bài thơ, tạo lối thơ cô đọng, giản dị, ý thơ sắc sảo, mạnh mẽ, phù hợp với việc diễn đạt những chân lý cuộc sống và niềm quyết tâm hành động của nhà thơ. Ngoài ra nhịp điệu, tiết tấu được thay đổi linh hoạt còn giúp Nguyễn Trãi tự do bộc lộ những cung bậc cảm xúc tinh tế, sâu sắc. Có thể thấy, những nỗ lực trong việc đổi mới thể loại đó đã mở ra con đường đưa thơ Đường luật vốn cao sang trở nên gần gũi hơn. Những cách tân này góp phần khẳng định vị trí của Bảo kính cảnh giới nói riêng và Quốc âm thi tập nói chung trong quá trình Việt hóa thể thơ Đường luật của thơ Nôm trung đại. Nguyễn Trãi quả là người tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại, góp phần nâng cao giá trị tinh thần của con người Việt Nam.

    Bằng thơ nôm, Nguyễn Trãi đã diễn đạt được một cách sắc sảo và đầy rung cảm thế giới tâm tư phong phú, phức tạp, nhiều uẩn khúc của ông: Những khát vọng, tâm sự ưu thời mẫn thế, những nỗi đắng cay và cả nỗi buồn được chế ngự bởi cốt cách của một bậc đại trượng phu, một vị đại ẩn sĩ. Đọc bài thơ Bảo kính cảnh giới số 43, bạn đọc thời nay không chỉ khâm phục tấm lòng cao cả của Nguyễn Trãi, biết ơn và khắc ghi công lao xây dựng nền văn học nước nhà của ông, mà còn thấm nhuần lối sống giữ gìn nhân cách, di dưỡng tâm hồn qua những phút giây sống chậm lại, chiêm nghiệm cuộc sống. Trong bóng tối cuộc đời, Nguyễn Trãi vẫn hướng tâm mình ra ánh sáng và cất lên tiếng thơ êm dịu, vậy ta còn chần chừ gì mà không trau mình khi gương quý tràn ngập quanh ta?

    [​IMG]
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...