CẢNH NGÀY HÈ (NGUYỄN TRÃI) Ngược dòng thời gian, lang thang trên những nẻo đường của tinh hoa văn học xa xưa để tìm đến sự an yên, tĩnh lặng trong tâm hồn, ta sẽ không thể bỏ qua nét giản dị mà thanh cao toát lên từ hồn thơ Nguyễn Trãi - Danh nhân văn hóa thế giới, nhà thơ kiệt xuất của dân tộc. Ông cũng là nhà văn chính luận xuất sắc cũng như tác giả của nhiều tập thơ có giá trị cao cho nền văn học nước nhà. Thơ Nguyễn Trãi luôn mang tinh thần hướng về cuộc sống, thiên nhiên đất nước và nhân dân. Tiêu biểu như bài thơ "Cảnh ngày hè", là bài thơ thứ bốn mươi ba trong số sáu mươi mốt bài thơ của mục "Bảo kính cảnh giới" thuộc Quốc âm thi tập. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên ngày hè bình dị được Nguyễn Trãi vẽ nên với tinh thần yêu đời, yêu thiên nhiên đất nước và ước vọng cuộc sống bình yên no đủ cho nhân dân. Bài thơ được sáng tác khi Nguyễn Trãi xin lui về ở ẩn. Bài thơ viết theo thể thơ thất ngôn xen lục ngôn. Đầu tiên, ta có thể thấy mở đầu bài thơ tác giả đã đưa ta đến với những hình ảnh về bức tranh thiên nhiên tươi đẹp. "Rồi, hóng mát thuở ngày trường. Hòe lục đùn đùn, tán rợp giương Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ Hồng liên trì đã tiễn mùi hương." Tác giả đã cho ta cảm nhận một cách chân thực về tâm trạng và hoàn cảnh của ông trong câu thơ đầu tiên. Từ "rồi" mở đầu bài thơ có phải chăng đang nhấn mạnh tâm trạng "bất đắc chí" của ông trước thời cuộc trong sự nhàn rỗi điền nhiên tận hưởng "thuở ngày trường". Tâm trạng thảnh thơi ấy dường như lại đang chất chứa một nỗi buồn man mác khi không còn được cống hiến cho đất nước của vị công thần. Câu thơ đầu chỉ vỏn vẹn với sáu từ nhưng đã khá đầy đủ về thời gian, hoàn cảnh, tâm trạng của nhà thơ. Đây chính là sự phá cách đầy sáng tạo của Nguyễn Trãi, ông đã Việt hóa thơ Đường luật vốn mỗi câu có đủ bảy từ. Lại thêm sự mới lạ với cách ngắt nhịp: Một, hai, ba kết hợp với thanh bằng ở cuối câu làm câu thơ nghe như tiếng thở dài nhưng lại không giống lời than thở. Câu thơ mở đầu đã cho ta thấy dường như tâm hồn của tác giả dẫu trong hoàn cảnh nào cũng thật tĩnh lặng và cởi mở để hòa hợp với thiên nhiên để từ đó cảm nhận một cách tinh tế và vẽ nên bức tranh cảnh sắc thiên nhiên rực rỡ. Ba câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã miêu tả bức tranh thiên nhiên cảnh ngày hè bằng những hình ảnh tự nhiên và sống động với nhiều màu sắc khác nhau. Đó là màu xanh của cây hoè, màu đỏ của hoa lựu, màu hồng của hoa sen, màu vàng lung linh của ánh nắng chiều. Tất cả hòa quyện lại với nhau, tạo nên cảnh vật đặc trưng của mùa hè. Tất cả chúng được sắp xếp một cách linh hoạt và theo một trật tự không gian trải dài từ cao đến thấp theo điểm nhìn của người thi sĩ. Dù là ở tầng nào đi chăng nữa thì cảnh vật thiên nhiên lúc nào cũng căng tràn sức sống. Hình ảnh cây hoè với màu xanh của những tán lá rộng đã góp phần diễn tả sự sum suê, nảy nở rất sinh động. Trong cảnh lá xanh biếc, những đóa hoa lựu như chiếc đèn lồng bé ti phóng ra, chiếu ra, phun ra những tia lửa đỏ chói, đỏ rực. Hình ảnh hoa sen đã "tiễn mùi hương" gợi không cảnh làng quê thanh bình, không khí thanh cao thoát tục. Nguyễn Trãi đã chọn hòe, thạch lựu, sen hồng (hồng liên) để tả và đưa vào thơ. Cảnh sắc ấy vô cùng xinh đẹp và bình dị. Nhà thơ đã gửi tâm hồn mình với cảnh vật mùa hè bằng một tình yêu đẹp và cảm nhận vẻ đẹp của nó bằng nhiều giác quan. Nhịp thơ 3/4 kết hợp với những động từ mạnh làm cảnh vật dường như nổi bật hơn nhưng lại không chói chang, oi nồng mà mát dịu, tinh tế. Hòa trong không gian ngày hè, nỗi lòng của người thi sĩ lại càng nức nở và tha thiết. Những từ ngữ miêu tả thiên nhiên như đang phần thể hiện những điều trong lòng tác giả - ước mong được cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Nhiệt huyết đó như muốn phun ra, trào ra và lan tỏa đi khắp nơi. Nhiệt huyết ấy có phải chăng là lí tưởng sống trong sáng thanh cao của vị ông thần với nỗi lòng xót xa, chán chường với thời cuộc đã đổi thay, kẻ "tôi trung" không thể đương đầu với bọn gian thần đành chấp nhận số phận quay về ẩn dật xa lánh thế nhân nhưng mang nặng nỗi lo cho dân, cho nước. Sau bức tranh thiên nhiên được miêu tả dưới ngòi bút tinh tế của Nguyễn Trãi, ông tiếp tục cảm nhận nhịp sống nhộn nhịp qua bức tranh của đời sống hằng ngày với những âm thanh độc đáo: "Lao xao chợ cá làng ngư phủ Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương". Nhà thơ đã cảm nhận một cách sâu sắc những âm thanh về cuộc sống của nhân dân. Tiếng "lao xao" từ một chợ cá ở làng chài vọng đến, đó là nét đặc trưng cuộc sống dân đã đầy muối mặn và mồ hôi. Nhà thơ lắng nghe nhịp sống đời thường ấy với bao niềm vui. "Lao xao" là từ láy tượng thanh gợi tả sự ồn ào, nhộn nhịp. Tiếng "lao xao" ấy dường như có tác động đến tâm hồn người thi sĩ. Đó là những tín hiệu từ cuộc sống dân dã, bình dị mà có lẽ là bầu không khí mà nhà thơ luôn mong mỏi sau khi rời xa chốn quan trường đầy nghi kị và hiểm ác. Tiếng "lao xao" ấy còn gợi cho ta liên tưởng đến thứ âm thanh từ xa vọng lại và tác giả đã mở rộng tâm hồn và lắng nghe một cách trọn vẹn nhất để cảm nhận đầy đủ nhịp sống xung quanh. Hòa điệu với tiếng lao xao chợ cá là tiếng ve vang lên rộn rã, nhịp nhàng. "Cầm ve", hình ảnh ẩn dụ, tả âm thanh tiếng ve kêu như tiếng đàn cầm. "Dắng dỏi" nghĩa là inh ỏi, âm sắc tiếng ve trầm bổng, ngân dài vang xa. Ngôi lầu buổi xế chiều trở nên náo động rộn ràng. Nhà thơ lấy tiếng ve để đặc tả khung cảnh một chiều hè làng quê lúc hoàng hôn buông dần xuống mái lầu (lầu tịch dương) là một nét vẽ tinh tế đầy chất thơ làm nổi bật cái không khí êm ả một chiều hè nơi thôn dã. Tiếng ve lúc hoàng hôn thường gợi nhiều bâng khuâng, vì ngày tàn, màn đêm dần buông xuống nhưng đối với nhà thơ, ông ví những tiếng ve "dắng dỏi" ấy như tiếng nhạc đàn cầm trầm bổng âm vang cho thấy ông mang một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết và vô cùng nhạy cảm với thiên nhiên mới có thể có mức cảm thụ đặc biệt đến thế. Tiếng lao xao, tiếng ve phải chăng là tiếng lòng ông, tiếng lòng của một vị tướng cầm quân từng xông pha trận mạc một thời, tiếng lòng của một người yêu thiên nhiên tha thiết. Thiên nhiên, cảnh vật ở vào thời điểm cuối ngày nhưng sự sống thì không dừng lại. Cũng như Nguyễn Trãi, mặc dù đã lui về ở ẩn nhưng lòng ông lúc nào cũng có một tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước tha thiết. Và sau cùng, hai câu thơ khép lại bài thơ đã diễn tả niềm mong ước của nhà thơ về sự gửi gắm một cách trọn vẹn tâm tư và suy nghĩ của ông đối với nhân dân, đất nước bằng một tâm hồn cao đẹp: "Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng Dân giàu đủ, khắp đòi phương" Dường như hai câu thơ cuối đã diễn tả nỗi niềm thầm kín của tác của tác giả. Đó là niềm tha thiết giúp dân giúp nước mà không được ai cho phép, không được ai trọng dụng. Tác giả đã mượn điển tích cổ để từ đó thể hiện tấm lòng và ước vọng của mình. Ngu cầm là cây đàn của đế Thuấn - vị vua luôn chăm lo cho đời sống nhân dân bởi vậy mà triều đại này vô cùng hưng thịnh, thái bình; dân chúng ấm no, hạnh phúc. Mỗi ngày, vua thường đem đàn khúc Nam Phong ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị. Vì vậy tác giả sử dụng chi tiết này để góp phần thể hiện mong ước có cây đàn để mang đến cho bá tánh trong thiên hạ cuộc sống thanh bình, ấm no và hạnh phúc. Câu thơ cuối sáu chữ ngắn gọn, nhịp 3/3 thể hiện sự dồn nén cảm xúc của cả bài. Đây có lẽ là một mong ước lớn lao và vĩ đại nhất mà suốt đời ông luôn theo đuổi. Hiện thực cuộc sống đã quá nghiệt ngã với Nguyễn Trãi, một người suốt đời vì dân vì nước nhưng đổi lại được gì ngoài một cuộc sống khép kín, xa lánh sự đời một cách bất đắc dĩ sau những công lao to lớn đối với sự trường tồn của giang sơn đất nước. Từ đó, có thể thấy hai câu kết toát lên một tình yêu lớn. Con người Nguyễn Trãi lúc nào cũng hưởng về nhân dân, mong ước cho nhân dân được ấm no và nguyện hy sinh phấn đấu cho hòa bình, hạnh phúc của dân tộc Ngoài ra, bài thơ không chỉ sâu sắc về phần nội dung mà còn đặc sắc về phần nghệ thuật. Cảnh sắc và âm thanh mùa hè xa xưa như sống dậy qua những vần thơ đầy cá tính sáng tạo bằng cách Việt hóa thơ Đường luật, thơ thất ngôn xen lục ngôn, vận dụng hình ảnh, màu sắc, đường nét, âm thanh của cảnh vật thiên nhiên và cuộc sống của con người, hệ thống ngôn ngữ giản dị tinh tế xen lẫn điển tích chính là những nét nghệ thuật đặc sắc nhất góp phần thể hiện một tình yêu thiên nhiên nồng hậu, một tấm lòng thiết tha với cuộc sống, một niềm ước mong tốt đẹp cho hạnh phúc của nhân dân của tác giả. Qua bài thơ "Cảnh ngày hè", cho thấy Nguyễn Trãi đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên cảnh ngày hè một cách chân thực và cảm nhận chúng bằng những tình cảm tha thiết nhất với tâm hồn yêu đời, yêu thiên nhiên trong tư thế ung dung thư thái cũng như những mong ước cho nhân dân cuộc sống ấm no của người chí sĩ yêu nước. Những giá trị nhân văn sâu sắc và những lí tưởng cao đẹp vì dân vì nước của Nguyễn Trãi từ xưa đến nay vẫn mang nhiều triết lí sống. Đọc bài thơ, ta càng cảm nhận được Nguyễn Trãi không chỉ là một nhà thơ lớn của dân tộc mà còn là một nhân cách sống cao đẹp đáng để hậu thế muôn đời tôn vinh cũng như là một tấm gương sáng để cho thế hệ học sinh chúng ta không ngừng học hỏi và rèn luyện tinh thần yêu nước và đóng góp hết mình cho đất nước.