Đề: Phân tích đoạn trích sau, qua đó nhận xét cái nhìn nhân đạo của nhà văn Kim Lân. "Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm cong queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có một vẻ gì phởn phơ khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Người đàn bà đi sau hắn chừng ba bốn bước. Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn." Bài làm Đặng Tiến từng viết: "Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho những dòng nước mắt và biến đổi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên." Trong đau khổ, đau đớn cùng quẫn, văn học nghệ thuật vẫn tìm ra vẻ đẹp khuất lấp bị chôn vùi như ánh sao xa sáng chói trong đêm tối tăm mịt mù. Và nhà văn họ như những thợ lặn lành nghề, lặn sâu vào biển cuộc đời, không phải để nhặt nhạnh những mảnh san hô tầm thường mà kiếm tiền những hạt ngọc trai sáng giá của tình yêu, của một giá trị nhân văn nào đó. Kim Lân chính là như thế. Được biết đến là nhà văn của nông thôn, của người nông dân Việt Nam, mỗi chuyện như một mảng đời được "sắn ra" từ mảnh đất sống của kiếp người thấm đẫm mồ hôi nước mắt. Tác phẩm Vợ nhặt- in trong tập con chó xấu xí-là một trong những đứa con tinh thần thành công nhất của ông. Lấy phông nền nạn đói năm 1945, Kim Lân đem vào tác phẩm một cái nhìn mới, một khám phá mới, đó là vẻ đẹp của tình người và khát vọng cao đẹp hướng về tương lai của những người nông dân nghèo. Trong đó, đoạn trích cảnh ngày đói đặc biệt để lại ám ảnh cho độc giả về sự thê thảm của người dân trong nạn đói. Nếu như trong tác phẩm Hai đứa trẻ, Thạch Lam đưa người đọc đến với buổi chiều tàn với cái mùi ẩm thối của rác rưởi thì đến với Kim Lân, ông lại gây sự ám ảnh bởi cảnh người chết vì đói và cái mùi ẩm thối của rác rưởi và xác người. "Cái đói đã càng đến xóm này từ lúc nào", sự đói khác đáng sợ như một lũ giặc khát máu "tràn đến" xóm ngụ cư, gây ra biết bao cái chết thê thảm. "Người chết như rã mạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm cong queo ngoài đường." Người chết được ví như rã mạ là chết nhiều chết đầy. Thậm chí, người ta còn coi việc bắt gặp thấy xác người là chuyện thường, không phải chỉ một mà là ba bốn cái thây. Và còn thảm hơn thế nữa là nằm "cong queo ngoài đường". Đây là xóm ngụ cư, một cái xóm ngoài rìa làng cho những người từ nơi khác tới ở, họ không có nhà, không có đất, chỉ "nằm ngổn ngang khắp lều chợ" trên cái mảnh đất "nhờ" của làng khác. Thế nên họ có chết đói cũng không ai chôn cất, cũng không có chỗ chôn. Cái xác của họ chỉ nằm ở ngoài đường, và chết khô đến mức "cái thây nằm cong queo". "Không khí vẫn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người". Một cảnh tượng thảm thiết, thê lương, một nơi một hoàn cảnh tưởng như người ta không thể sống được. Người đến ngụ cư thì "xanh xám như bóng ma", còn cái xóm ngụ cư thì toàn xác chết. Kim Lân đã gợi lên một hiện thực đầy ám ảnh, qua các biện pháp so sánh và cách dùng từ. Và trên cái phông nền nạn đói ấy, ông lại tô lên một điểm sáng như một tia hi vọng về niềm hạnh phúc cho Tràng-một người dân xóm ngủ cư-khi anh nhặt về được một cô vợ. Giữa cái cảnh nghèo đói ấy, khi người ta còn không nuôi nổi lấy bản thân thì Tràng lại dẫn về một cô vợ. "Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười một mình khi hai mắt thì sáng lên lấp lánh." Tuy người đàn bà mà Tràng dẫn về sẽ là gánh nặng, là thêm một áp lực về miếng ăn, nhưng Tràng vẫn thấy vui. Không phải vì hắn khờ khạo không nhận ra, nhưng cái niềm vui được có vợ đã lấn át cái nỗi sợ đói. Qua ngòi bút của Kim Lân, Tràng bây giờ không có gì là dáng vẻ của một người dân ngụ cư nghèo đói, mà là một người vui mừng vì vừa có vợ, có gia đình. Trong cái đói, hạnh phúc là một thứ xa xỉ khi cơm gạo họ còn không có ăn. Nhưng không vì thế mà họ không mưu cầu hạnh phúc, điển hình là anh cu Tràng. Còn thị, khi chứng kiến xóm ngụ cư nơi Tràng sống, nơi cái đói bủa vây chẳng khác nào hoàn cảnh của thị, thị đã không bỏ chạy. Cảnh ngộ của người đàn bà ấy giống như vừa bỏ cái chỗ đói này mà đến cái chỗ đói khác, cũng không khá lên được. Nhưng thị vẫn chấp nhận đi theo, còn có vẻ "rón rén e thẹn". Thị cũng giống Tràng, đều được Kim Lân xây dựng là nạn nhân của cái đói, đều mong muốn hạnh phúc. Vì thế, họ đã không bỏ nhau, họ cùng xem nhau là ánh sáng mới của cuộc đời mình, có thể cùng nhau vươn lên trong cảnh đói nghèo. Ngọn lửa nhân đạo trong tác phẩm của Kim Lân chưa bao giờ tắt. Nếu như trong tác phẩm Làng, ông khai thác người nông dân tình yêu làng yêu nước. Thì ở tác phẩm Vợ nhặt lại xây dựng một tương lai mới một niềm hi vọng cho người dân trong nạn đói. Đặc biệt trong đoạn trích cảnh ngày đói ở đầu tác phẩm, Kim Lân cố tình đặt tình thương người lên trên cái đói, như một chấm sáng trên bức tranh hiện thực màu đen, tượng trưng cho sức sống vươn lên của con người trong hoàn cảnh khốn cùng. Thành công của đoạn trích không chỉ ở nội dung mà còn ở tài năng nghệ thuật. Kim Lân với các dùng từ độc đáo: "Bồng bế, dắt díu, xanh xám, cong queo, phớn phở" vừa gần gũi vừa giản dị gợi nên đặc trưng ngôn ngữ ở phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với đó là các biện pháp tu từ so sánh, vận dụng hệ thống từ láy điêu luyện và ấn tượng nhất là nghệ thuật xây dựng tình huống truyện. Sự tỉ mỉ của Kim Lân trong từng câu chữ đã góp nên thành công của đoạn trích và của cả tác phẩm. Một tác phẩm nghệ thuật thành công là khi nó đến với người đọc, nó để lại ấn tượng sâu sắc, vượt qua quy luật băng hoại của thời gian để làm nên sức sống trường tồn bất diệt. Vợ nhặt của Kim Lân đã làm được điều đó, bởi khi nhắc đến tác phẩm ấy, độc giả lại ấn tượng bởi khát khao hạnh phúc của những người dân lao động nhỏ bé. Đặc biệt qua đoạn trích cảnh ngày đói đã mang đến một khám phá mới, dù trong hoàn cảnh khốn cùng người nông dân vẫn không đánh mất đi niềm lạc quan mà tiến về phía trước, đồng thời cũng ấn tượng bởi ngòi bút nhân đạo của Kim Lân.