Ôn tập, đọc hiểu: Lính đảo hát tình ca trên đảo - Trần Đăng Khoa, Ngữ văn 10, Cánh diều

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 18 Tháng ba 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Cùng viết về đề tài người lính, "Lính đảo hát tình ca trên đảo" mang một giọng điệu riêng, âm sắc riêng – thật mới mẻ và đặc sắc giữa cõi văn chương. Vẫn là những anh lính đảo sống giữa muôn trùng sóng nước thiếu thốn đủ bề mà luôn lạc quan, yêu đời từng đi vào bao lời ca, khúc hát, nhưng qua sự thể hiện của Trần Đăng Khoa, hình ảnh ấy vừa quen mà vừa lạ, vừa như đã diện kiến đâu đây trong "Gần lắm Trường Sa ơi", "Biển một bên và em một bên".. vừa như mới lần đầu gặp gỡ.

    Bài tập đọc hiểu văn bản "Lính đảo hát tình ca trên đảo" bao gồm các câu hỏi ôn tập nhằm củng cố kiến thức cho các em HS khi tiếp cận bài thơ này.

    Đọc hiểu: Lính đảo hát tình ca trên đảo - Trần Đăng Khoa

    ĐỀ 1

    Đọc đoạn trích sau:

    Đá san hô kê lên thành sân khấu
    Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà
    Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ
    Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa

    Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dạng
    Sỏi cát bay như lũ chim hoang
    Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu
    Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn...

    Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
    Người xem ngổn ngang cũng... rặt lính trọc đầu
    Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc
    Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau

    Những lúc vui cứ gọi đùa sư cụ
    Là bà con xa với bụt ốc đây mà
    Thôi lặng yên nghe. Có gì đang sóng sánh
    Hoá ra là sư cụ hát tình ca.


    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1.
    Sự đặc biệt của sân khấu và chân dung người lính đảo được tác giả miêu tả qua những từ ngữ nào? Tại sao lại có sự đặc biệt đó?

    Câu 2. Người lính đã đối diện với hoàn cảnh bằng cách nào?

    Câu 3. Nhận xét về giọng điệu của đoạn thơ? Từ đó em thấy hình ảnh người lính đảo hiện lên như thế nào?

    Câu 4. Cảm nhận về một chi tiết, hình ảnh mà em ấn tượng nhất.

    [​IMG]

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1:


    - Sân khấu đặc biệt:

    + Sân khấu biểu diễn được kê bằng "đá san hô"

    + Cánh gà được tạo bằng "vài tấm tôn"

    + Phông màn được làm bằng "mây trời", "sóng nước"

    + Không có ánh đèn sân khấu

    - Diễn viên và khán giả:

    + Là những người lính đảo

    + Họ hiện ra trong chân dung độc đáo – những anh chàng đầu trọc: "Trọc đầu", "trọc tếu", "sư cụ"

    - Lí do tạo nên sự đặc biệt của buổi biểu diễn:

    + Do thiên nhiên khắc nghiệt dữ dội: Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dáng, sỏi cát bay như lũ chim hoang (so sánh để làm rõ sự hỗn loạn luôn rình rập)

    + Điều kiện sống thiếu thốn: Nước ngọt hiếm.

    Câu 2:

    - Hoàn cảnh sống khó khăn, vất vả, thiếu thốn

    - Người lính đối diện với hoàn cảnh bằng cái nhìn lạc quan, hóm hỉnh, vui đùa, tếu táo, chủ động, ngang tàng, cứng cỏi vượt qua hoàn cảnh: Kê đá san hô, dựng mấy tấm tôn làm sân khấu; bỏ mặc những khó khăn, họ cất lên lời ca tiếng hát yêu đời; ngoại hình khác lạ nhưng vẫn tếu táo đùa vui..

    Câu 3:

    - Nhận xét về giọng điệu của đoạn thơ: Hóm hỉnh, vui đùa, dí dỏm.

    - Hình ảnh người lính đảo hiện lên thật đẹp với tinh thần bất khuất, lạc quan, yêu đời.

    Câu 4: Cảm nhận về một chi tiết, hình ảnh mà em ấn tượng nhất:

    Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu

    Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn..

    "Cứ nặc nó" – người lính bỏ lại tất cả những khó khăn phía sau để vui sống mỗi ngày. Niềm vui ấy là cùng các chiến hữu cất cao lời ca tiếng hát, niềm vui không phải chuẩn bị cầu kì, niềm vui đậm chất lính. Sự đối lập giữa hình ảnh thiên nhiên khắc nghiệt trong những câu trên và tâm hồn phơi phới của những chàng lính trong hai câu này là "dụng ý" nghệ thuật của nhà thơ. Trần Đăng Khoa đã mượn cái gian nan, khắc nghiệt của cuộc sống để làm "đòn bẩy" nâng cao vẻ đẹp tinh thần lạc quan, yêu đời của người lính. Người lính trong câu thơ này có nét gì đó tương đồng với người lính trong thơ Phạm Tiến Duật:

    Không có kính không phải vì xe không có kính

    Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

    Ung dung buồng lái ta ngồi,

    Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.


    Họ giống nhau ở sự tinh thần bất khuất, dù trong hoàn cảnh nào cũng không khuất phục trước khó khăn, ngược lại còn luôn nhìn thấy và cảm nhận niềm vui trong những vất vả, nhọc nhằn.

    Cách nói "mây nước đã mở màn" của Trần Đăng Khoa thật lạ, thật thú vị. Màn ở đây là màn sân khấu. Sân khấu dựng giữa trời nước mênh mông nên "mây nước mở màn" là một liên tưởng độc đáo. Sân khấu ấy thiếu phông màn vải vóc sặc sỡ, được thay bằng mây nước của biển khơi. Cũng "hoành tráng" và lộng lẫy lắm chứ? Nếu chàng lính trong "Tây Tiến" hiện lên với cái nhìn tinh nghịch "súng ngửi trời" khi nói về độ cao của dốc núi, thì người lính trong bài thơ này cũng tếu táo không kém khi nói về sân khấu đặc biệt của mình bằng hình ảnh "mây nước đã mở màn". Mỗi nhà thơ có cách biểu đạt khác nhau nhưng đều phát huy tối đa sức mạnh của ngôn từ để mang đến cho người đọc những cảm nhận độc đáo, mới lạ.

    Xem tiếp bên dưới: Đề 2
     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng mười 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...